John Đi Tìm Hùng

Chương 13 (Hết)



Trong đời ai cũng phải trải qua ít nhất một hành trình, mỗi người đàn ông, phụ nữ, từng đứa trẻ, theo cách riêng của mỗi người. Không tôn giáo, chính phủ, hay người nào có thể quyết định nơi bạn đến hay cách bạn sống. Bạn được quyền quyết định cuộc đời của chính mình. Tuy nhiên, hành trình đó trở nên vĩ đại, ý nghĩa hay nhàm chán, vô nghĩa đều là do bạn. Nhưng ai cũng sẽ đến lúc thực hiện hành trình đó.

Những hành trình này ẩn chứa những đích đến bí mật mà chúng ta chưa từng được biết đến. Không có lối rẽ nào là sai. Không có lạc đường, chỉ có những đường vòng dẫn ta đến những nơi chốn, những ý tưởng mà trước đây chúng ta chưa thể hình dung ra. Sẽ có những cao điểm của hạnh phúc và hưng phấn cũng như những thấp điểm của khó khăn và tuyệt vọng. Chúng ta trải nghiệm dọc đường đi và những trải nghiệm đó sẽ để lại những ảnh hưởng vĩnh viễn trong trái tim, tinh thần và trí óc chúng ta. Đó chính là bản chất của cuộc sống. Hãy dám sống và khám phá, dù biết rằng mọi con đường rồi cũng dẫn về nhà.

Ba mươi bảy năm trước, bà ngoại và mẹ tôi đã chen chúc trên một con tàu nhỏ bé với giấc mơ tuyệt vọng về nước Mĩ. Ba mươi bảy năm sau, tôi đã là thành viên đầu tiên của gia đình trở lại Việt Nam. Quê hương không chỉ là cái hiện hình trước mắt tôi đây mà còn là điều gì đó hiện hữu trong tim tôi. Đây là nơi tổ tiên tôi đã sống hàng nghìn năm, đánh bắt cá từ biển khơi và gặt lúa từ đồng ruộng. Hiểu theo một cách nào đó, bạn có thể nói cuộc sống đã xoay vần đúng một vòng tròn. Tôi đã thực hiện cuộc đi mà bà ngoại đã làm từ năm 1954, từ Bắc vào Nam. Nhờ có cuộc đi này, tôi mới hiểu hơn và thêm trân trọng vẻ đẹp đã khiến Việt Nam trở nên đặc biệt, vẻ đẹp mà tôi khi còn nhỏ và ngu ngốc đã không thể hiểu được mỗi lần nghe bà ngoại kể.

Nhưng ngay cả bà ngoại cũng không thể hình dung ra được một Việt Nam đa dạng và đẹp đẽ như Việt Nam mà tôi đã và đang được chiêm ngưỡng. Việt Nam đã thay đổi nhiều trong ba mươi bảy năm qua, kể từ khi bà ra đi. Thực lòng thì tôi cũng không nghĩ nhiều người Việt Nam đã dám vượt qua khỏi cái giếng giam họ trong làng, trong tỉnh, trong quận, hay trong thành phố nơi họ sinh ra và lớn lên để đi và thực sự trải nghiệm Việt Nam như tôi đang làm, không phải như một khách du lịch mà như một người khám phá.

Mark Twain[1] từng nói “Đi khám phá là giết chết thành kiến, sự cố chấp và những đầu óc hạn hẹp”. Đi để trải nghiệm giúp chữa trị sự thiếu hiểu biết bằng phương thuốc thực tế, thay vì ngồi một chỗ và cho rằng sự việc là thế này thế kia hoặc đợi nghe người khác kể. Chúng ta hoàn toàn có thể tự nhìn bằng chính mắt mình và biết thực sự là như thế nào. Mỗi thị trấn, mỗi ngôi làng, mỗi ngọn núi, mỗi bờ biển đều có ẩm thực, giọng nói, văn hóa và tính cách riêng. Mỗi nơi bạn đến thăm đều khác nhau và xinh đẹp theo cách riêng của nơi đó.

[1] Tên thật là Sarnuel Langhorne Clemens (1835 – 1910) nhà văn, nhà diễn thuyết nổi tiếng của Mỹ

Vậy là suốt dọc đường đi, trong khi tôi miệt mài tìm kiếm điều có thể xác nhận bản chất Việt Nam của tôi, tôi đã bỏ quên mất sự đa dạng đó. Tôi đã nghĩ nếu tôi nói giọng miền Bắc chuẩn xác hơn, thử các món ăn kì lạ được bày ra trước mặt tôi, hoặc làm bất cứ việc gì mà người Việt Nam thấy quen thuộc thì tôi sẽ trở nên “Việt Nam” hơn trong mắt mọi người. Nhưng điều gì làm nên một người Việt Nam? Liệu có thể phán xét độ “Việt Nam” của một người khác với một danh sách các điều kiện?

Dòng máu chảy trong người tôi đây chẳng lẽ không phải là máu của người Việt Nam? Lẽ nào tình yêu của tôi dành cho đất nước và con người nơi đây là chưa đủ? Ai có thẩm quyền để xét xử tôi là người Việt Nam hay người ngoại quốc?

Những câu trả lời mà tôi hằng tìm kiếm đã không được tìm thấy trong chuyến đi, vì chúng đã có sẵn từ lâu, được giấu kín trong bản thân tôi, đợi ngày được mở khóa. Tôi chỉ mất tám mươi ngày đi dọc Việt Nam để nhận ra điều đó.

Ba ngày tiếp theo tôi tới được điểm dừng chân cuối cùng, thành phố Hồ Chí Minh. Cơ thể tôi, đang đau nhức từ đầu tới chân, đã chạm tới giới hạn của nó. Nhưng sau tám mươi ngày tôi đã thành công. Tôi đã nghĩ rất nhiều, nghĩ xem mọi việc sẽ như thế nào khi tôi tới nơi. Trong tưởng tượng của tôi, sẽ có những đám đông reo hò, máy quay phim sẵn sàng, các cô gái ngả người dưới chân tôi. Tôi sẽ được cảm thấy như mình là một anh hùng, sâu bên trong tôi sẽ được khai sáng. Một luồng ánh sáng sẽ xuyên thấu trí óc tôi, mang tới những hiểu biết sâu sắc. Có thể tôi sẽ còn biết được bí quyết để trở thành người Việt Nam.

Ấy vậy mà khi tới được thành phố, không hề thấy sự chúc tụng, không có vị anh hùng nào được chào đón. Thứ duy nhất đón chào tôi là ánh sáng đô thị, là giao thông nhộn nhịp, và hương thơm của thành phố. Cũng chẳng có sự khai sáng nào. Tôi ước mình có thể nói với bạn rằng tôi đã tìm thấy bí mật cho cuộc sống hạnh phúc và viên mãn. Nhưng sự thực là mọi thứ có thể học được thì tôi đã học cả trên đường đi. Những bài học nhỏ tôi có được hàng ngày bằng cách sống, trò chuyện và làm việc với người Việt Nam, chính những bài học đó đã khiến tôi mở mang đầu óc.

Không có sự khai sáng, không có nghĩa là không có niềm hân hoan, cảm giác thành công âm ỉ trong lòng tôi. Chuyến đi đã là một thành công, hành trình của tôi không cần đo bằng khoảng cách tôi đã đi mà bằng những người bạn tôi đã có, những bài học tôi đã gom, và những kinh nghiệm dọc đường đi tôi đã thu được. Nhưng trước khi trở về Hà Nội, tôi còn có việc phải hoàn thành.

Tôi tới thăm gia đình bên nội, có ba người cô và một vài em họ. Chỉ một vài năm trước, tôi vẫn không hề biết tới sự tồn tại của họ. Trong mười ba năm qua, tôi gặp cha hai lần, không lần nào là do định sẵn. Tôi biết được gia đình bên nội trong Sài Gòn là do bác tôi, người đã nối lại liên lạc với tôi sau mười năm. Bác ấy là một người đàn ông tốt, tôi có thể nhớ vài kỉ niệm đẹp chúng tôi đã có ở nhà bác trước đây. Bác động viên tôi đi thăm họ hàng bên nội và bây giờ, tại ngay chính thành phố này, tôi chuẩn bị đi gặp những người lạ mặt ấy lần đầu tiên.

Các cô chào đón tôi rất hồ hởi, họ mời tôi vào nhà với những nụ cười và cái ôm. Tôi thấy thoải mái ngay, cảm giác như có mối liên hệ ngay tức thì. Chúng tôi ngồi ăn trưa trong khi họ hỏi tôi hàng loạt câu hỏi về hành trình và về cuộc sống của tôi. Họ đã đọc nhiều bài báo viết về tôi và họ nói rằng họ rất tự hào. Những câu chuyện về cha tôi không được đề cập tới ngay tức thì, họ chỉ cố gắng nói xa xôi. Nhưng không thể tránh khỏi. Tối hôm đó tôi ngồi một mình với một người cô, cô hỏi tôi nghĩ gì về cha.

“Mười ba năm qua con chỉ được gặp cha hai lần, con không cảm thấy gì hết về người đó. Ông ấy là người lạ đối với con.”

“Giờ lớn rồi, con không muốn nối lại quan hệ với cha à?”

“Không Thật lòng, con không quan tâm”, tôi nói.

“Dù có chuyện gì thì ông ấy vẫn là cha con. Và con cũng nên hiểu cho phía ông ấy nữa. Không phải hoàn toàn là do lỗi của ổng, ổng muốn gặp con nhưng mẹ con không có cho.”

Những lời nói như nhát gươm nóng cháy xuyên vào da tôi. Tôi đứng vụt dậy, la mắng ầm ĩ. Tôi đấm vào nền xi măng thật lực. Nắm tay tôi đau nhói, hình như tôi đã làm vỡ vài cái xương. Nhưng trong lúc nóng giận và căm ghét, cơn đau chẳng có nghĩa lí gì.

“Cô đang nói cái gì vậy? Ông ấy không bao giờ muốn tới thăm chúng con. Cô có biết đã bao nhiêu lần con đợi ngoài cửa để chờ ông ấy đến? Đã bao nhiêu lần ông ấy hứa với con nhưng rồi lại để con phải thất vọng? Cô có biết mẹ con phải khó khăn như thế nào thì mới nuôi được con và em con, mà ông ấy không hề hỗ trợ chút tiền nào. Ông ấy bỏ đi, biến mất khỏi cuộc đời con. Ông ấy không còn là cha con nữa!”

Tôi đã khóc và hét lên, đứng lên lấy đồ muốn quay về Hà Nội ngay lập tức. Cô tôi đứng đó bàng hoàng rồi chạy tới bên tôi. Cô ôm chặt lấy tôi bằng đôi cách tay dài và gầy. Cô cố giữ lấy trong khi tôi cứ đẩy cô ra.

“Cô xin lỗi, cô không biết”, cô nhắc đi nhắc lại trong khi tôi khóc trong vòng tay cô. “Các cô chỉ biết những gì cha con kể. Cô rất xin lỗi.”

Cô ngồi nghe tôi giải thích mọi chuyện. Mọi người trong nhà truyền tai nhau, đến tận tai bác và cha tôi ở Mĩ. Tôi đã nói chuyện với bác tôi rồi cha tôi. Lúc đầu tôi từ chối không muốn nói chuyện với ông ấy, không biết phải đối mặt với những lời nói dối của ông ấy như thế nào. Nhưng các cô tôi vẫn khăng khăng nên tôi nhận lấy điện thoại một cách chần chừ.

“John, con thế nào? Cha rất tự hào về con. Anh của cha đã cho cha đọc các bài báo về chuyến đi của con ở Việt Nam. Khá tuyệt đó.”

“Cám ơn”, tôi trả lời lạnh nhạt, muốn ông ấy biết rằng lời nói đó chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi.

“Khi nào trở lại Mĩ thì gọi cho cha. Con có thể tới nhà cha chơi, cha sẽ nấu đồ ăn cho, con có thể mượn xe của cha nữa nếu muốn. Và nếu cần tiền thì cho cha biết, cha sẽ gửi cho.”

Đó là tất cả những gì tôi cần nghe. Tôi giựt điện thoại khỏi tai. Mười ba năm và ông ấy không hề thay đổi, ông ấy không hiểu gì hết. Không cần lời xin lỗi, lời giải thích nào hết. Ông ấy gọi điện và nghĩ rằng tôi cần tiền của ông ấy. Hàng năm trời không đóng góp một nửa số tiền phụ cấp nuôi con, rồi đột nhiên tiền bạc là thứ ông ấy nghĩ có thể làm lành mọi thứ?

Không phải là tiền, chưa bao giờ đó là vấn đề. Đó là hàng nhiều năm đã bị mất đi, những năm tôi mong và cần một người cha nhưng rồi chỉ để bị thất vọng. Đó là sự kết thúc, không gì có thể hàn gắn tôi và cha tôi.

Nhưng như cô tôi đã chỉ ra, ông ấy vẫn là cha tôi và nhờ có ông ấy, tôi mới có được gia đình mới này. Tôi ở lại vài ngày trong tình yêu thương của gia đình trước khi lên đường quay trở lại Hà Nội. Họ không giàu có, họ làm chủ một hàng ăn nhỏ, nhưng họ cho tôi nhiều tình yêu và hơi ấm. Có lẽ do họ thấy có lỗi vì tìm ra sự thực về người cha của tôi, nhưng tôi muốn nghĩ rằng đó không phải là lí do duy nhất.

Kể từ khi mới sang Việt Nam học, tôi đã luôn muốn tìm đến gia đình và họ hàng của tôi ở đây. Tôi ganh tị khi nhìn những người bạn học của mình tới thăm gia đình và có một khoảng thời gian tuyệt vời với họ hàng của họ. Gia đình của họ chỉ cho và cho, không mong đợi nhận lại điều gì. Ở Việt Nam, không phải lúc nào tiền và vật chất cũng là tất cả, tình yêu thương, gia đình và bạn bè còn quan trọng hơn. Và tôi hi vọng rằng nhiều người Việt Nam ở nước ngoài hơn sẽ về đây để được trải qua những điều tuyệt vời này. Bạn đến từ đâu không phải là tất cả, nhưng bạn không thể biết bạn đang đi đâu trừ khi bạn biết bạn đến từ đâu

Ngày cuối cùng ở lại, tôi đi thăm mộ ông nội đặt sau khuôn viên một ngôi chùa. Vào một buổi chiều nắng chói, tôi đứng trước ảnh ông, ngắm nhìn người đàn ông tôi chưa bao giờ gặp. Là một trong hai đứa con trai duy nhất trong gia đình, tôi sẽ là người nối dõi của dòng họ. Tôi bỗng cảm nhận thấy hơi ấm và lòng tự hào khi biết điều đó. Và trong một khoảnh khắc, việc người khác gọi tôi là John hay Hùng không còn quan trọng nữa, vì họ của tôi là Trần. 

Khi chương cuối cùng của hành trình này khép lại, hành trình của đời tôi đã bắt đầu. Cuộc sống ở Mĩ của tôi quan trọng vô cùng, nhưng Việt Nam là nơi tất cả bắt đầu và cũng là nơi mọi thứ sẽ tiếp diễn. Tôi không còn mang theo gánh nặng cần phải chứng minh cho mọi người thấy tôi là người Việt Nam. Hành trình đã đưa tôi tới đây và tôi tự hào là một người Mĩ gốc Việt. Nhưng Việt Nam giờ là quê hương, là nhà của tôi và những con người ở đây là anh, là chị, là chú, bác, cô, dì, là bạn tôi. Ai biết tương lai sẽ mang đến điều gì, nhưng những người tôi đã gặp, những trải nghiệm tôi đã có trong chuyến đi sẽ mãi mãi có một chỗ trong trái tim tôi. Đây là nơi tôi thuộc về. Hùng cuối cùng đã tìm được nhà.

Tôi mang theo một ba lô, một cái lều, một cái mũ và một chai nước (cả mũ và nước đều bị mất trên đường đi), cùng một tú đeo ngang bụng. Trong ba lô mang theo ba bộ quần áo, bộ sơ cứu, một bật lửa, dao, kem chống nắng, bản đồ, sổ tay, sạc điện thoại, một đôi giày, dép tông, bàn chải đánh răng và đèn pin…

Tôi không mang theo tiền vì nghĩ tiền bạc luôn làm mọi việc thêm rắc rối. Nếu mang theo tiền thì tôi sẽ không thể kiềm chế và thuê một phòng tại khách sạn hoặc ăn trong nhà hàng thay vì xin được chia đồ ăn cùng người khác…

Tran Hung John

John đi tìm Hùng

Đây là một cuốn kí rất đáng giở từng trang để xem kĩ. Đó là những dòng chữ được chắt chiu từ kí ức đau buồn của một chàng trai trẻ mới ngoài hai mươi tuổi. Anh không có ý định làm văn chương, chỉ muốn chia sẻ trải nghiệm một quãng đời son trẻ, với tình cảm thiết tha với cội nguồn. Và cuốn kí hành trình này đầy ắp. Và cuốn kí hành trình này đầy ắp chất thơ, chất tình, ngôn ngữ lưu hoạt, lay động sự cảmthông từ trái tim người đọc”.

Việt Quỳnh, Thể thao & Văn hóa

“John đi tìm Hùng” không toàn toàn là một cuốn phiêu lưu kí. Nó còn là một cuộc tìm kiếmcủa John trước những giá trị thật sự của anh chàng Hùng, trong cùng một con người. Để rồi cuối cùng, chàng John cũng như bạn đọc ngộ ra rằng phải sống sâu sắc hơn và trân trọng hơn cuộc sống giản dị, bình yên mà mình đang có”.

Trương Hoàng, laodong.com.Việt Nam


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.