John Đi Tìm Hùng

Chương 2 – Phần 2



Chúng tôi trở lại kịp giờ ăn trưa. Lại có thịt vịt và món yêu thích của tôi, tiết canh. Mọi người đều bất ngờ khi biết tôi thích món này. Khi tôi còn nhỏ, bà ngoại vẫn thường làm món này. Bà thường mua vài con vịt và làm tiết canh tại nhà. “Quạc. Quạc.” Tôi vẫn còn như nghe thấy tiếng vịt kêu khóc trong gia đình tôi thường trêu đùa gọi đó là món “pizza máu” vì chúng tôi ăn món này trên đĩa.

“Bác bất ngờ đấy nhé. Cháu làm việc như nông dân, đi bơi ở sông, và ăn tiết canh. Cháu không phải người Mĩ, là người Việt Nam rồi”, bác Hồng đùa.

Sau bữa trưa, mọi người nằm nghỉ. Tôi lại ra ngoài đi lang thang một chút. “Không ngủ à?”, bà cụ hỏi khiến tôi giật mình. “Dạ không, thường thì cháu không ngủ trưa”, tôi trả lời bà. “Cháu đi xuyên Việt thật đấy à?”, bà hỏi tiếp. “Vâng.” “Tại sao?”, bà là người đầu tiên hỏi tôi câu này. Tôi kể cho bà nghe về bà ngoại của tôi, và về việc tôi muốn tìm hiểu cuộc sống của bà tôi khi còn ở Việt Nam. “Việc này quan trọng với cháu. Cháu biết cháu không sinh ra ở đây nhưng cháu muốn biết nhiều về Việt Nam. Trong tim cháu, cháu thấy cháu là người Việt.” Nghe có vẻ “sến”, nhưng thật lòng tôi nghĩ vậy.

“Cuộc sống ở nông thôn khổ lắm. Ông bà phải làm việc vất vả nhưng vẫn không có nhiều của cải. Nhưng cháu thấy rồi đây. Mọi người sống rất tình cảm. Bà coi cháu như cháu của bà vậy.”

Tôi ở đây hai ngày rưỡi và người dân quanh làng có vẻ đã thực sự chấp nhận cho tôi hòa nhập vào cộng đồng của họ. Không giống như ở Mĩ hay ở Hà Nội, nơi mà hàng xóm đôi khi còn chẳng biết nhau. Ở đây mọi người đều chia sẻ từng giọt mồ hôi, giọt máu, và nước mắt. Họ chẳng phải họ hàng ruột thịt, nhưng họ gắn bó với nhau không khác gì người thân trong gia đình.

Đó là mối gắn kết và tình cảm thân thiết mà ta không còn được nhìn thấy ở thành phố. Sống ở Hà Nội được gần một năm, tôi đã từng cảm thấy mất niềm tin vào người Việt Nam. Không ai quan tâm tới người khác nữa. Tôi đã nhìn thấy những phụ nữ lớn tuổi ngã xe trên đường, mọi người đằng sau chỉ lái vòng qua họ để tránh lối đi. Một lần tôi đã dừng xe để giúp một cô bán bánh mì nhặt những chiếc bánh lên sau khi cô ấy bị ngã xe đạp. Chỉ có một người nước ngoài đến giúp chúng tôi. Người thành phố có thể học được đôi điều từ những người ở nông thôn. Đây là nơi mà bà ngoại vẫn thường nhắc đên một cách hào hứng, nơi mà tình người vẫn tồn tại một cách ấm áp.

Đêm hôm đó, bà cụ nhà bác Hồng gọi tôi ra ngoài. Bà lấy trong túi ra hai tờ năm trăm ngàn đồng. “Vài người trong làng và gia đình bà muốn cho cháu ít tiền mang đi đường phòng thân”, bà nói. Tôi biết một triệu đồng đối với người nông dân là một số tiền không nhỏ. “Cháu không nhận được đâu bà”. “Cháu phải nhận đi. Tiền này cháu sẽ cần dùng và sẽ nhớ đến mọi người ở đây”, bà thuyết phục tôi. Tôi nhất định từ chối. Bà lại khăng khăng. “Cháu mà không nhận, ông bà sẽ buồn.” Bà nài nỉ thêm lần nữa. Cuối cùng tôi đành phải nhận lấy. Tôi cảm ơn bà và ôm bà thật chặt. Vô cùng cảm động, tôi gần như đã chảy nước mắt.

Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy lúc 8 giờ. Điểm dừng tiếp theo sẽ là Thanh Hóa. Đây là quê của Giang và trước đây tôi đã từng đến thăm một lần. Tôi nhớ lại món nem chua ngon tuyệt và kem xôi hạng nhất Việt Nam ở đây chỉ với giá bảy ngàn đồng một cốc. Tôi nói lời chào tạm biệt sau khi ra bến xe khách. Khoảng 30 phút thì chiếc xe đến bến. Một lần nữa, tôi lại bị vây quanh bởi một đoàn phụ nữ ngồi trong quầy cửa kính, “Chị ơi, còn xe nào đi Thanh Hóa không?” tôi hỏi. “Không. Xe đi Thanh Hóa chỉ chạy lúc 9 giờ sáng thôi.” Tôi vừa lỡ mất chuyến xe.

Đi ra khỏi bến xe, một người xe ôm tiến tới tôi. “Đi đâu đấy?”, người đàn ông hỏi. Trông chú ấy khoảng bốn mươi tuổi, mặc một chiếc áo khoác nhẹ, đôi mũ bảo hiểm, và đeo đôi kính râm khá ngầu. Tôi đã từng có khá nhiều kinh nghiệm không hay ho với những người lái xe ôm ở Hà Nội vì thế tôi không dễ tin họ lắm. Với tôi, phần lớn số họ thường hay say rượu và không đủ chăm chỉ để tìm một công việc thực sự. “Thanh Hóa”, tôi trả lời. “Không còn xe đâu, nhưng có một con đường ở gần đây, ra đấy bắt được xe đi Thanh Hóa đấy. Chú chở cháu ra đó nhé.” Chú ấy nói tiếp. “Không, cảm ơn”, tôi trả lời không cần suy nghĩ.

“Thế cháu định làm gì bây giờ?” chú ấy hỏi tiếp còn tôi thì tảng lờ đi. “Thôi để chú chở đi”, chú ấy tiếp tục nhắc lại. “Đáng ra ba mươi ngàn, nhưng chú chở hai mươi ngàn cho cháu”, người xe ôm thỏa thuận với chính mình. Tôi thò tay vào trong túi và lần mò số tiền tôi còn lại. Vợ bác Hồng cho tôi một trăm ngàn đồng và tôi đã trả mười ngàn đồng cho chuyến xe buýt vừa rồi tới đây. “Gía vé xe đến Thanh Hóa là bao nhiêu hả chú? Cháu chỉ còn tám mươi ngàn thôi.” Tôi nói dối. “ Vé xe là sáu mươi lăm ngàn đồng. Được rồi. Chú lấy mười lăm ngàn vậy.” Chú ấy nói một cách miễn cưỡng.

“Tại sao mọi người cứ nghĩ là xe ôm sẽ lừa tiền họ nhỉ? Bọn chú chỉ làm việc kiếm tiền thôi.” Chú ấy nói với vẻ bực dọc. Lần này, tôi đã sai. Người xe ôm giúp tôi lên được chiếc xe buýt mà không hỏi thêm tiền. Tôi cảm ơn chú xe ôm trước khi rời đi.

Tôi tới Thanh Hóa khoảng giữa trưa. Tôi đi quanh một chút trước khi tới nhà Giang. Nhiều người đã cảnh báo tôi về Thanh Hóa. Người Thanh Hóa không đáng tin. Người nghèo thì không đáng tin. Họ có thể lừa đảo và trộm cắp. Đó là những thành kiếm người ta dành để nói về người miền Trung. Tôi phải thừa nhận rằng lúc đầu tôi có hơi sợ, nhưng rồi tôi lại trở nên yêu quý người miền Trung hơn cả.

“Nếu đi ngang qua miền Trung và mau chóng đi tới Đà Nẵng, bạn sẽ được an toàn và còn có cơ hội đến được Sài Gòn”, rất nhiều người đã đưa ra lời cảnh báo.

Thanh Hóa là khét tiếng nhất. “John, nếu mà tránh được Thanh Hóa là tốt nhất. Có hai kiểu người ở Thanh Hóa. Có những người học hành chăm chỉ và được giáo dục tốt, còn lại thì rất nguy hiểm. Họ sẽ sẵn sang lừa anh.” Giang đã nói vậy. Một người tới từ Thanh Hóa nói vậy thì chắc là tôi nên cẩn trọng thực sự. Giang và tôi đã trở thành bạn tốt từ khi chúng tôi gặp nhau tại trường Đại Học Hà Nội. Cậu ấy là người rất hiểu biết, giống như là một cuốn từ điển bách khoa sống. Bất cứ điều gì tôi muốn biết về Việt Nam, Giang đều có câu trả lời cho tôi. Dù không muốn phải cảnh giác nhưng tôi thấy mình vẫn nên cẩn thận thì hơn.

Tôi dừng lại trước một quán cà phê nhỏ để xin sạc nhờ điện thoại. “Xin lỗi chị ơi, điện thoại em hết pin. Em nhờ sạc pin một lát được không?”, tôi hỏi người phụ nữ duy nhất ngồi ở cái bàn trước quán. Chị ấy gật đầu. Tôi ngồi xuống và cắm sạc điện thoại. “Anh uống gì?”, một cậu bé bước tới và hỏi tôi. “Anh chỉ còn mười ngàn thôi.” Tôi vừa nói vừa giơ tờ tiền ra. Mộ triệu đồng người dân làng cho tôi, tôi quyết định sẽ giữ lại và giành cho việc thiện. “Cậu từ đâu tới?”, người phụ nữ hỏi tôi. “Em là người Mĩ gốc Việt, em đang đi xuyên Việt và không có mang theo tiền.” Tôi nói. “Em đi lấy nước trà cho anh này”, chị ấy nói với cậu bé.

“Em ăn trưa chưa?”, chị hỏi tiếp. Tôi lắc đầu. “Đưa chị mười ngàn chị đi mua đồ ăn cho”, chị ấy nói. Tôi nghe thấy giọng của Giang vang lên trong đầu nhắc nhở phải cẩn thận với người lạ ở đây. Tôi chần chừ một lúc. “Chị đi mua cho ít cơm”, chị ấy nói tiếp. Tôi vẫn ngần ngừ một lúc trước khi đưa tiền cho chị.

Tôi nhìn chị đi xuống con phố. Đột nhiên chị ấy rẽ vào một góc phố và biến mất tăm. Tôi chờ 10 phút và chị ấy vẫn chưa quay lại. Thế là mất mười ngàn đồng. Tôi nghĩ, cũng không vấn đề gì, nhưng tôi vẫn thấy hơi chán nản. Tôi gọi cho mẹ của Giang. Thật an tâm vì tôi đã có chỗ ở qua đêm nhưng tôi vẫn đang cố gắng gạt bỏ cảm giác tồi tệ khi bị lừa mất mười ngàn đồng.

Tôi đang chuẩn bị rời đi thì bất ngờ thấy chị khi nãy quay trở lại với một cái túi màu xanh trên tay. “Không có nhiều, nhưng mà đồ ăn ngon”, chị mỉm cười bảo tôi. Tôi mở túi và lôi chiếc hộp ra, bên trong là cơm, hai loại rau, đậu phụ, một ít thịt và nem chiên. “Thế này quá đủ rồi chị ạ. Cảm ơn chị nhiều”. Tôi nhanh chóng ăn hết và cảm ơn chị trước khi đi.

Tôi đã gặp mẹ Giang vài tuần trước khi bác ấy tới Hà Nội thăm chúng tôi. Bác ấy là một người vô cùng tốt bụng và thích chăm sóc người khác. Bác ấy như thể đã trở thành người mẹ thứ hai của tôi khi tôi ở Việt Nam. “Chào bác”, tôi chào bác và bác ôm tôi thật chặt. “Chào con, con khỏe không? Có mệt không? Khát nước chứ hả? Đã ăn chưa?” bác ấy hỏi liên tiếp. Thường thì chỉ với người miền Nam, họ mới gọi cả những người không phải con ruột là “con”, nhưng bác ấy luôn gọi tôi là “con”. Bố của Giang vẫn gọi tôi là “cháu”, nhưng với mẹ Giang thì tôi luôn là “con”. Tôi không bao giờ hỏi vì sao, nhưng tôi thích điều đó.

Có mẹ của Giang, tôi chẳng bao giờ phải lo bị đói. Bác ấy luôn nấu rất nhiều đồ ăn. Đồ ăn miền Bắc không hợp khẩu vị của tôi lắm. Tôi thấy chúng hơi thiếu gia vị, mặc dù vậy tôi thực sự rất nhớ phở và bún chả. Ở bên Mĩ, phần lớn người Việt Nam đến từ miền Nam hoặc miền Trung. Vì thế, đồ ăn Việt Nam ở bên Mĩ rất nhiều gia vị, ngọt, mặn, và cay. Về mặt lịch sử, tôi nghĩ, miền Nam Việt Nam đã tiếp xúc với các nền văn hóa nước ngoài nhiều hơn và chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa lân cận như Chăm, Thái,… Điều này phản ảnh trực tiếp ở nền văn hóa và ẩm thực của họ.

Hương, em họ của Giang, đưa tôi lên phòng. Hương đang sống ở đây cùng em trai. Mẹ Giang đón họ từ quê lên. Có lẽ làm thì cũng không có gì đặc biệt, nhưng qua đó tôi lại càng thán phục lòng tốt của bác. Tôi đi tắm và nằm nghỉ trước khi lên kế hoạch tiếp theo.

Tôi có mong muốn được làm việc thiện nguyện ở Thanh Hóa. Với sự chú ý mà nhiều người dành cho hành trình của tôi, tôi nhận ra đây là cơ hội để thay đổi ấn tượng của mọi người đối với Thanh Hóa. Tôi muốn tập trung một nhóm các bạn trẻ để cùng nhau làm gì đó ý nghĩa. Nhưng đi làm thiện nguyện ở Việt Nam, nhiều người có vẻ như muốn chụp ảnh nhiều hơn là giúp đỡ. Nhiều người không tự nhận thức được rằng lí do chính khiến họ đi làm thiện nguyện là để tự họ học hỏi được điều gì đó bổ ích và thấy vui.

Tôi đã từng đi làm tình nguyện nhiều lần trong đời. Tôi đã giúp gây quỹ hàng nghìn đô la Mĩ cho nhiều tổ chức. Trong những năm học trung học, tôi đã được nhận nhiều giải thưởng và được thị trưởng cùng nghị sĩ quốc hội khen ngợi và trao thưởng danh hiệu Tuổi trẻ tiêu biểu của năm vì đã làm cho cộng đồng. Nhưng tôi đi làm tình nguyện không phải vì bị bắt buộc mà vì mẹ tôi luôn dạy tôi “Nếu con có hội giúp những người kém may mắn hơn, tại sao không làm? Không phải chỉ cho họ tiền. Đó còn là làm những việc nhỏ con có thể làm để giúp cuộc sống của một ai đó trở nên tốt đẹp hơn. Làm như vậy hầu như con không mất gì cả, có chăng chỉ là thời gian của con thôi.”

Đi làm tình nguyện ở Thanh Hóa

Sáng hôm sau tôi gặp nhóm học sinh từ trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn. Các em ấy quyết định đi tới làng trẻ SOS, một làng trẻ mồ côi. Tôi đã tới một làng trẻ SOS ở Hà Nội và tôi cảm giác môi trường sống ở đó thực sự không tốt cho sự phát triển của những đứa trẻ mồ côi. Đương nhiên lũ trẻ được bao bọc, được cho chỗ ở và đồ ăn, được tới trường. Nhưng họ chưa cho được các em một môi trường nuôi dưỡng lành mạnh và những mối quan hệ có ý nghĩa.

Tôi cảm thấy làng trẻ SOS giống như một rạp xiếc, những đứa trẻ đôi khi được đem ra trưng bày. Những người tới thăm thỉnh thoảng chơi với chúng, cho các em ít bánh kẹo, chụp vài kiểu ảnh và rồi lại ra về và chẳng bao giờ trở lại. Tôi cũng đã làm tình nguyện làm việc tại một trại trẻ, tôi đã lui tới đó thường xuyên trong vòng hai năm. Thực lòng mà nói, lũ trẻ không cần đồ chơi hay quà, chúng cần những người mà chúng có thể tin cậy và mở lòng cùng mình.

Tôi không mấy ngạc nhiên, bọn trẻ khá dè dặt. Các em không tươi cười chạy đến với chúng tôi. Sau khi ghé qua một vài ngôi nhà, một cô bé quan sát và nói với tôi, “Anh ơi, em không hiểu tại sao các em có vẻ không thích mình.” Tôi kéo chàng trai dẫn đường cho chúng tôi qua một bên. Tôi hỏi có thể để chúng tôi tự đi xung quanh một chút không, cậu ta có vẻ miễn cưỡng chấp nhận điều đó.

Trước khi để các em học sinh tự đi, tôi gọi các em tập trung thành vòng tròn. “Các em bé ở đây không chào đón chúng ta, vì các em đã gặp nhiều người đến và đi rồi. Điều anh muốn các em làm bây giờ là đến đây và tạo sự khác biệt. Thực sự đến và nói chuyện để hiểu hơn về một hay hai em nhỏ, để các em có thể trở lại thăm thường xuyên. Các em ấy không cần nhiều kẹo hay quà cáp, điều các em ấy cần là những người anh người chị để các em ấy có thể noi gương theo. Các em ấy cần người thức sự quan tâm đến các em. Nếu các em có anh hay chị, các em chắc là biết cảm giác đó. Hãy cho các em bé điều đó.” Tôi kết luận. Tôi cố khiến sự việc trở nên nghiêm trọng để các em ấy có thể chú ý đến vấn đề. “Vâng ạ. Bọn em hiểu”, một cô bé nói.

Với cách nhìn mới được trang bị, các em học sinh tách nhau ra đi quanh làng trẻ. Tối hôm đó, tôi về nhà và rất vui khi đọc được lời nhắn của một em gái trên facebook:

“Lần đầu tiên đi làm từ thiện đây! Thích đi từ lâu lắm rồi nhưng nếu anh John không đi qua Thanh Hóa thì không biết lúc nào mới có cơ hội. Đi phát quà cho từng em trong nhà Hoa Lan, thấy các em cười mà mình cũng vui quá, lần đầu tiên được biết thế nào là mẹ, là đi nuôi, biết các em sống như thế nào.

Em bé hai tuổi mình đang ôm, trời ơi đẹp trai và đáng yêu kinh khủng, sau này mình sẽ đi khắp nơi khoe được hotboy thơm má.

Các em ở đây sống tình cảm nên sẽ rất buồn khi mọi người chỉ đến, gửi quà không quay lại nữa. Chị hứa rồi mà, nhất định chị sẽ đến nhiều nữa! Đi về còn được mấy em gái ra ôm với chụp ảnh, đúng là đẹp trai có khác.”

Tối hôm đó tôi cũng nhận được một điều bất ngờ rất vui từ mẹ Giang. Một sinh viên của bác, Thịnh, đã mời tôi về thăm quê cậu ấy. “Con có muốn về đó chơi vài ngày và giúp gia đình em ấy làm ruộng không?” bác ấy hỏi tôi. Tôi hơn cả vui sướng khi được nhận lời mời và lên đường. Sáng hôm sau tôi lên xe buýt đi về phía huyện Nga Sơn.

Mùi hôi của những bãi nôn bay khắp chiếc xe chật chội, hơi nóng bốc lên ngột ngạt, cảm giác như chúng tôi đang đi trên những vách đá lởm chởm. Tôi nhường ghế cho một người mẹ trẻ. Đứa bé cứ liên tục nhìn tôi với đôi mắt tròn to và miệng không ngừng mỉm cười. Tôi rút một cái áo ra khỏi túi để che ánh nắng đang chiếu thẳng vào họ. Tôi đưa cho hai mẹ con chai nước và bế đứa bé khi người mẹ phải nôn.

Chúng tôi bắt đầu nói chuyện, chị ấy nói với tôi rằng chị đang trên đường trở về nhà ở quê. Đến lượt tôi, tôi kể cho chị nghe về hành trình của mình. “Không đời nào, chị không tin”, chị ấy khăng khăng không tin với giọng hơi đùa cợt khiến tôi phải giơ tờ báo trong túi ra cho chị đọc. “Trời ơi. Hay quá. Ghé qua nhà chị ăn trưa đi”, chị ấy mời tôi. Tôi khá bất ngờ. Chị mới chỉ biết tôi trong vòng 25 phút. “Cảm ơn chị nhưng không cần đâu”, tôi nói. “Em đang đi đến đâu?” chị hỏi. Tôi nói với chị tôi đang tới Nga Sơn để gặp một người bạn. “Chị cũng thế. Nga Sơn là quê chị. Ghé vào nhà ăn bữa cơm rồi chồng chị đưa em tới nhà bạn”, chị ấy nhất quyết. Tôi cảm ơn nhưng từ chối lòng tốt của chị.

Tôi bị mất tập trung bởi một người đàn ông to lớn đứng ngay trước mặt tôi. Ở bên cạnh rõ ràng vẫn còn chỗ nhưng anh ta cứ tiến tới và rồi đứng ngay sát trước mặt tôi. Chiếc áo đẫm mồ hôi của anh ấy áp thẳng vào người tôi. Tôi đẩy anh ấy đứng dịch sang bên một chút nhưng rồi anh ta lại nhích lại đúng vị trí cũ. Và rồi tôi nhận ra lí do vì sao. Một cô gái trẻ, ngây thơ có dáng vẻ sinh viên ngồi ngay trước đang nằm trong tầm ngắm của anh ta.

“Cho anh xin số nhé. Khi nào em rảnh anh sẽ đón đi chơi”, người đàn ông khoảng hơn ba mươi nói với một cái giọng khiến người nghe muốn bủn rủn chân tay. “Anh ta có vợ rồi đấy”, người mẹ trẻ thì thầm với tôi. Tôi thấy kinh tởm nhưng chắc là phải làm quen với cái cảnh này. Có vẻ đây là việc không hiếm có trong xã hội.

Trên những con phố, trong các cửa hàng, ở nơi làm việc, những người đàn ông thô lỗ chủ động tấn công, tán tỉnh các cô gái ngay cả khi họ đã kết hôn. Nếu là ở bên Mĩ, người phụ nữ đã có thể gọi cảnh sát, kiện ra tòa, hoặc tự giúp lấy bản thân mình bằng bình xịt hơi cay. Trong khi đó phụ nữ ở đây lại cam chịu. Điều này tạo nên một sự thực xấu xí trong đó là việc phản bội, sự thiếu chung thủy trở thành một hiện tường bình thường trong xã hội. “Ăn cơm ở nhà và khi nào muốn, thỉnh thoảng có thể ra ngoài ăn phở”, là câu nói về hiện tượng tình cảm lăng nhăng Việt Nam.

Cuối cùng tôi cũng tới được thị trấn nơi Thịnh hẹn tới đón tôi. Hai mươi mốt tuổi, trông Thịnh cũng giống như bao cậu sinh viên khác, cao, gầy và thích mặc đồ đá bóng. Thịnh đang học ngành nông nghiệp tại một trường đại học ở Thanh Hóa, trường cách quê của Thịnh khoảng 70 kilômét. Hai chúng tôi không nói chuyện nhiều lắm trên đường về nhà Thịnh.

“Anh, mình dừng lại giúp bác kia nhé!”, Thịnh đột ngột dừng lại và nói.

“Bác nào?”, tôi hỏi và quay lại nhìn, có một bác trai đang loay hoay với chiếc xe máy bị đổ và hai túi gạo đang nằm dưới đất.

Tôi thấy quý Thịnh ngay lập tức. Đó không phải là việc của em nhưng em đã biến nó thành việc của mình. Bình thường người ta sẽ đi tiếp. Mọi người vẫn luôn bảo tôi không được dừng lại giúp người khác vì có thể bị lừa. Và thật lòng mà nói, có đôi lần tôi đã không dừng vì nỗi sợ đó. Nhưng Thịnh có cách nhìn thế giới rất khác. Tôi đã học được rất nhiều điều từ em, nhiều người trong số chúng ta cũng cần học hỏi cậu bé.

Cuối cùng chúng tôi cũng về được đến nhà. Tôi gặp và chào mẹ của Thịnh. Năm mươi lăm tuổi nhưng bề ngoài bác ấy già hơn tuổi thật nhiều. Có vẻ như bác ấy già gần bằng bà ngoại của tôi. Nhưng mặc dù dáng vóc trông nhỏ bé, bác ấy nhìn có vẻ rất khỏe. Bác mỉm cười, chào tôi, và đi chuẩn bị bữa trưa. Thịnh dẫn tôi vào nhà. Tôi bước vào căn nhà đơn sơn hết mức, chỉ có hai phòng. Sàn nhà bẩn bụi, tường hoen ố, một chiếc giường được đặt ở một góc, những chiếc túi đựng đầy lúa mới gặt, và một chiếc bàn gỗ. Thịnh bật một chiếc quạt nhỏ lên, chiếc quạt chắc hẳn đã được sửa nhiều lần trước đây, chạy một cách loạng choạng. Chúng tôi ngồi một hồi lâu trước khi Thịnh trở nên cởi mở.

Là thành viên trẻ nhất trong gia đình, lại là con trai duy nhất, Thịnh thú thật với tôi cậu ấy thấy nhiều áp lực. Áp lực ấy lại tăng gấp mười lần sau khi bố cậu ấy mất vì ốm nặng khi Thịnh mười lăm tuổi. “Em vẫn nhớ hôm đó, em đang học ở trường thì nghe tin. Ngày hôm đó mưa rất nhiều, mưa to nhất em từng thấy.” Chỉ còn Thịnh và mẹ cậu ấy ở nhà vì các chị của Thịnh đều đã đi lấy chồng và có gia đình riêng. Điều hiển nhiên là Thịnh phải bỏ học và giúp mẹ với việc đồng áng. Nhưng mẹ Thịnh đã nhất quyết phản đối và bảo Thịnh rằng bác ấy sẽ làm mọi việc để Thịnh được học tiếp lên đại học.

Không có mấy người biết chuyện, vậy nên không ai giúp đỡ. Mẹ của Giang cũng không biết rõ hoàn cảnh khó khăn của Thịnh. Lát sau mẹ em thú thật, “Chỉ có vài người biết bố Thịnh đã mất, nhà bác không nói nhiều cho nhiều người biết vì không muốn mọi người thương hại và đối xử với nhà bác khác đi.” Nhưng tôi không thể không cảm thấy buồn và giả vờ như không có cảm giác thương tâm khi nghe câu chuyện của họ.

Tôi ở lại đây ba ngày và cùng làm việc với hai mẹ con Thịnh. Công việc thực sự nặng nhọc và mệt mỏi. Mỗi ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 6 giờ tôi: nhổ thân cây ngô, gặt lúa, chuẩn bị cho mùa canh tác tới, và nhiều việc vặt nữa. Khoảng 6 giờ chiều thì chúng tôi về nhà. Tôi chỉ muốn được tắm rửa và đi ngủ. Nhưng giấc ngủ cũng không đến dễ dàng vì bị mất điện. Điện bị mất suốt thời gian tôi ở đây. Nghe nói ở quê, điện bị mất có khi đến vài ngày hay cả tuần. Chiếc quạt nhỏ chúng tôi có cũng chẳng giúp được nữa, để mặc chúng tôi đổ mồ hôi như tắm. Bữa tối giản dị gồm cơm, canh và một món trộn rau và vài miếng thịt, không thể cung cấp đủ dinh dưỡng hoặc giúp lấy lại sức lực chúng tôi đã bỏ ra ngày hôm nay. Nhưng đủ ăn đã là may rồi.

Làm cói ở Nga Sơn

Cuộc sống ở vùng quê thực sự là rất khó khăn, không hề có bóng dáng của một chút sự hào nhoáng nào mà tôi từng được hưởng thụ ở thành phố. Nước nóng để tắm, điện và bệ vệ sinh sạch sẽ à? Bạn còn không tìm thấy một phòng vệ sinh đúng nghĩa ở đây. Một lần khi đang làm việc trên đồng ruộng, tôi nói với mẹ Thịnh rằng tôi phải đi vệ sinh, bác ấy chỉ tôi ra một bụi cây gần đó. Tôi đi tới bụi cây rồi quay về. “Không ạ, ý cháu là bụng cháu đau và cần đi vệ sinh.” Bác ấy tiếp tục chỉ ra bụi cây. Thế là tôi quyết định đi ra đó, ngay đối diện một tấm bia mộ. Đó là lần đầu tiên tôi phải dùng lá cây và cỏ thay cho giấy vệ sinh. Điện cũng là thứ xa xỉ ở đây, giúp làm chạy quạt xua tan đi cái nóng và thắp đèn cho ban đêm, nhưng bạn chỉ thực sự nhận ra tầm quan trọng của nó khi bạn phải lăn lộn trong đêm và mong được chìm vào giấc ngủ.

Dù cuộc sống khó khăn như vậy, tôi không nghe thấy Thịnh phàn nàn dù chỉ một lần. Sau một ngày làm việc vất vả, cậu ấy giúp mẹ chuẩn bị bữa tối và khăng khăng giúp tôi giặt quần áo. Thịnh là cậu bé ấm áp, tốt bụng và khiêm tốn nhất mà tôi từng gặp. Ba ngày tôi ở đây, Thịnh và tôi chia sẻ với nhau rất nhiều và cậu bé đã thực sự cởi mở với tôi. Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện, từ con gái, nông nghiệp, tới cuộc sống. Mãi sau Thịnh mới chịu thừa nhận cuộc sống của cậu rất khó khăn.

“Đôi khi cũng khổ lắm, nhưng em chỉ còn biết cố hết sức vì mẹ. Mẹ đã hi sinh nhiều vì em. Em muốn mình sớm thành đạt để mẹ không phải làm lụng nữa.”

“Đừng lo. Rồi em sẽ thành công. Anh đã gặp nhiều bạn trẻ rồi nhưng những người như em rất hiếm có ở Việt Nam”, tôi nói mà thấy gai gai trong lòng. Tôi nói vậy không phải để an ủi em, mà vì tôi thật sự tin ở Thịnh. Đối với những người sống và làm việc vì một thứ quan trọng như gia đình, họ chắc chắn sẽ tìm được con đường đến với thành công, bằng cách này hay cách khác. Đó là đặc điểm tính cách của người Việt Nam mà tôi vô cùng tôn trọng, họ luôn tìm mọi cách để chăm sóc gia đình của mình.

Và dù vất vả làm việc hết sức lực mỗi ngày từ 4 giờ sáng đến 11 giờ đêm, mẹ Thịnh vẫn giữ đúng lời hứa giúp em ấy học lên đại học. “Nó là một đứa con rất ngoan, làm việc chăm chỉ hơn nhiều lần những đứa trẻ khác và chẳng bao giờ than phiền, nó phải sống vất vả quá.” Bác kể lại câu chuyện Thịnh đi thi đại học. Cả hai mẹ con đều rất lo lắng vì cả hai đã phải cố gắng và hi sinh rất nhiều, thật không may Thịnh lại bị ốm ngay trước ngày thi. “Bác rất lo lắng và bảo nó, nếu con không đỗ cũng không sao cả. Nhưng bác không bao giờ quên được cái ngày nó về nhà sau khi thi xong, nó nói với bác: Mẹ ơi, con sẽ vào đại học”. Thịnh đã đỗ với điểm rất cao và đỗ vào nhiều trường, kể cả trường FPT trên Hà Nội. Nhưng vì vấn đề tài chính, Thịnh chọn ở lại Thanh Hóa để cậu có thể vừa đi học và vừa về giúp mẹ.

“Thịnh nó rất nghe cháu. Tuy mới quen, nhưng bác thấy nó coi cháu như anh trai. Giữ liên lạc với em nó nhé. Ai cũng cần một người để noi gương, để tôn trọng. Nếu được thì cháu hãy giúp nó nhé, khi nào em nó tốt nghiệp thì cháu hãy giúp nó tìm việc nhé?”

“Người như Thịnh hiếm lắm. Rồi em ấy sẽ thành công. Em ấy rất thông minh và là một đứa ngoan.”

Ai cũng biết đời sống của nông dân rất vất vả, nhưng không nhiều người biết nó vất vả đến mức nào. “Để hiểu được cuộc sống của một người, bạn phải đứng vào vị trí của anh ta và thậm chí lúc đó bạn cũng chỉ mới bắt đầu hiểu ra chút ít.” Sống với những người nông dân cả một tuần đã giúp tôi hiểu phần nào cuộc sống khó khăn của họ. Trái tim tôi hướng về hàng chục triệu nông dân, những người đi làm từ khi mặt trời chưa mọc tới quá hoàng hôn, nhưng vẫn không đủ ăn. Dù khổ và khó như thế, họ vẫn sống rất tình cảm và gắn bó với nhau bằng máu thịt, mồ hôi và nước mắt, như thế những kí ức đẹp đẽ của bà ngoại về Việt Nam mà tôi được nghe đã và đang sống mãi với thời gian.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.