John Đi Tìm Hùng

Chương 4 – Phần 1



Chiến tranh là một kỉ nguyên đen tối trong lịch sử của Mĩ và Việt Nam. Bạn chiến đấu cho bên nào không quan trọng, cái chết và sự hủy diệt không chọn bên, không cần nguyên nhân, và cướp đi mạng sống con người không thương tiếc. Đó là một cuộc chiến đáng lẽ ra không liên quan gì tới nước Mĩ, nhưng nó đã xảy vì bị những lời xúi giục, dối trá vô căn cứ. Đó là một cuộc chiến mà lẽ ra nước Mĩ đã có thể ngăn không cho xảy ra. Hãy hình dung nếu trước đây nước Mĩ đã hỗ trợ Việt Nam giành lấy độc lập từ tay người Pháp. Mọi chuyện đã khác đi rất nhiều.

Với tôi, chiến tranh Việt Nam, ở Mĩ người ta vẫn gọi như vậy, là lần duy nhất trong lịch sử nước Mĩ đã thua cuộc, bị đánh bại bởi một đối thủ nhỏ bé hơn. Tôi nhớ từng học về cuộc chiến này trong lớp lịch sử và đã nghĩ “Chà, những người đó hẳn phải rất giỏi và thông minh thì mới đánh bại được chúng ta”. Nhưng vinh quang đến với Việt Nam đi kèm với một cái giá đắt. Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, để lại một đất nước và những con người mang nhiều vết thương và kí ức muộn phiền.

“Vài người cuối cùng cũng đi tìm được sự tha thứ, nhưng sẽ không ai có thể quên đi”, một người lính Việt Nam già đã nói với tôi như vậy. Câu nói đó đã đè nặng lên tâm trí tôi từ trước chuyến đi, ngay cả trước khi tôi tới Việt Nam. Với một vài người Việt Nam, tôi sẽ luôn bị coi là người ngoài cuộc. Một người Mĩ, một Việt Kiều, nhưng không bao giờ là “người Việt Nam” thực sự.

Lúc đó giữa một buổi sáng ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đó là ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng của tôi ở đây. Mặt trời trốn đằng sau những đám mây, khiến buổi sáng mát mẻ hơn một chút. “Mặc quần áo tử tế vào nhé, đi ăn trưa với các bạn của bác”, bác Liu thông báo cho tôi biết. Chúng tôi đi men theo một con đường mấp mô đá dọc ngôi làng. “Con đường này được người Đức tài trợ và mới hoàn thành khoảng sáu tháng trước, nhưng mà giờ thì nó đã như thế đó.” Bác Liu lắc đầu nói về con đường đang xuống cấp.

Chúng tôi tới một đoạn đường nhỏ, hơi dốc lên đồi, một ngôi nhà hiện ra trước mắt. Trước ngôi nhà là mấy cái bàn và ghế đã được sắp sẵn. Chúng tôi tới ngồi cùng với năm người bởi một vài người vận đồ lính trong khi những người khác đều mặc quần áo là lượt thẳng thớm. “Đây là Trần Hùng John. Là người Mĩ gốc Việt”, bác Liu giới thiệu tôi với mọi người. Những ánh nhìn khiến tôi hơi ái ngại. “Cậu là người Mĩ”, một người đàn ông hỏi tôi, hít một hơi thuốc thật sâu. “Các cậu đánh nhau với chúng tôi trong chiến tranh”, ông nói.

Cái cách ông ấy nói “các cậu” như thể tôi cũng phải chịu trách nhiệm khiến tôi thấy khó chịu. Tôi ngồi nghe họ kể về những câu chuyện thời chiến. Tôi thấy giận, rồi lại cảm thấy tội lỗi. Tôi thấy như mình đúng là phải chịu một phần trách nhiệm, vì ở cái bàn này, tôi đại diện cho nước Mĩ. Đại diện cho sự tàn phá mà nước Mĩ đã gây ra trước đây. Nước Mĩ, quốc gia lớn mạnh gần nhất thế giới, đáng lẽ ra phải là người bảo trợ cho công lí và những nước yếu hơn. Tôi đối mặt với thực tế.

Những hậu quả của chiến tranh vẫn còn lại sau nhiều thập kỉ. Những nạn nhân của chất độc màu da cam, những mảnh đất vẫn còn những quả bom chôn sâu phía dưới, những kí ức hãi hùng chưa phai nhạt. Có thêm nhiều người tới nhập cuộc, bên tay trái tôi là người đàn ông chỉ còn một chân. Ông để cái nạng xuống đất, với người sang để bắt tay tôi. Ông chỉ xuống ống quần lủng lẳng phía bên phải, nói: “Một lính Mĩ đã lấy mất một cái chân này của tôi. Anh ta bắn hư nó luôn.” Người đàn ông kể, không có chút gì cay đắng trong giọng nói, ông chỉ kể như vậy.

Cảm giác tội lỗi tràn ngập. Gần như chính tôi đã kéo cò súng bắn mất cái chân ấy. “Cuộc chiến đó là lỗi của nước Mĩ. Cháu rất xin lỗi vì những gì nước Mĩ đã gây ra. Người Mĩ cũng ghét chiến tranh, nhưng khi đó chính phủ vẫn cứ làm”. Tôi dừng lại. Những người đàn ông lớn tuổi chăm chú lắng nghe từng lời tôi nói.

Bỗng nhiên tôi trở thành phát ngôn viên không chính thức của cuộc chiến đã xảy ra từ lâu, tôi xin lỗi và bảy tỏ sự nuối tiếc vì những hành động mà tôi không hề liên quan. “Rất nhiều người Mĩ cảm thấy tội lỗi và họ muốn đến giúp Việt Nam, nhưng họ không biết phải làm thế nào. Bây giờ cháu đang thực hiện chuyến đi dọc Việt Nam và không mang theo tiền, để cháu có thể hiểu hơn, rồi trong tương lai sẽ giúp người dân Việt Nam”. Như một người cha đầy tự hào, bác Liu khẳng định lại lần nữa những điều tôi vừa nói.

Một người đàn ông lớn tuổi ngồi đối diện tôi, mái tóc điểm bạc và khuôn mặt nghiêm nghị, cầm chiếc cốc vươn sang, “Chiến tranh đã qua lâu rồi, từ trước cả khi cháu sinh ra. Nó kinh khủng lắm, chết chóc và tàn phá. Nó xẻ tan nát các gia đình, anh em chống lại nhau, cha và con trai chống lại nhau. Cuộc chiến đã chia cắt Việt Nam. Cháu sẽ không bao giờ hiểu được những gì bọn bác đã trải qua, nhưng đó không phải là lỗi của cháu. Việc cháu đang làm rất dũng cảm, và bác muốn cảm ơn cháu.”

Ngạc nhiên rồi thấy nhẹ nhõm, tôi đã chờ nghe những lời đó từ lâu. Tôi không có lỗi, tôi chỉ là sản phẩm phụ ra đời từ cuộc chiến. Gia đình tôi cũng đã phải chịu đựng. Bà ngoại đã mất người chồng đầu tiên và rất nhiều anh chị em, rồi bà buộc phải rời khỏi Việt Nam. “Cả hai bố mẹ cháu đều là người Việt Nam à? Thế thì cháu là người Việt Nam, máu Việt Nam chảy trong người cháu rồi, kể cả nếu cháu không sinh ra ở đây”, người đàn ông lớn tuổi nói tiếp. Tôi mỉm cười, thấy gánh nặng như vừa được nhấc khỏi vai.

Sau đó, chúng tôi nói chuyện về cuộc sống khó khăn của người nông dân Việt Nam. Những cựu chiến binh, những người đã trở về quê nhà, cũng công nhận cuộc sống nông bần vô cùng vất vả và nhiều thách thức. Không phải chiến đấu nữa, nhưng họ lại phải đối mặt với nhiều gian khó khác.

“Đi thực tế như thế này thì cháu mới biết cuộc sống của người nông dân khổ và nghèo như thế nào. Nhưng không hẳn là lỗi của người dân. Nông dân Việt Nam rất chăm chỉ.” Họ đều đồng ý. “Nếu cháu thực sự muốn giúp, hãy mời những người mà có thể giúp được tới thăm. Mọi người ai cũng biết cuộc sống của nông dân khó, nhưng họ chưa thấy tận mắt là khó cỡ nào. Chỉ có ở nông thôn họ mới được chứng kiến. Họ mà đến thì có thể ở nhà bác”, một người đề nghị.

Chúng tôi tiếp tục bữa ăn. Vài người nói về chiến tranh, vài người kể về cuộc sống, nhưng không ai kể chuyện với giọng cay đắng hay chán ghét. Không có mối hận thù nào ở đây. Sự căm ghét, cơn giận dữ mà tôi cứ nghĩ những người đàn ông này vẫn giữ, chỉ là sự tưởng tượng của tôi. Tôi đã tưởng nhầm cuộc chiến tranh với nước Mĩ là điều tồi tệ đầu tiên mà những người này đã trải qua. Vài người trong số họ đã từng chiến đấu với những cường quốc như Pháp, Nhật, và cuối cùng mới đến Mĩ. Họ hiểu bản chất của chiến tranh. Chiến tranh rất xấu xí.

Chiều muộn hôm đó rời khỏi Hương Sơn với một nhiệm vụ mới khám phá ra. Những người đàn ông tôi vừa gặp đã hoàn thành nhiệm vụ với Tổ Quốc, họ đã chiến đấu anh dũng để giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của người da trắng. Thức ăn, đồ uống, và những câu chuyện mà họ đã chia sẻ với tôi chính là một biểu tượng. Họ đã truyền ngọn đuốc cho tôi, cho thế hệ của những người như tôi. Thế hệ của họ được định nghĩa bởi chiến tranh và sự sống sót. Thế hệ của tôi vẫn còn đang chờ được định nghĩa. Còn rất nhiều điều tôi cần phải học hỏi nhưng tôi muốn được đóng góp, muốn được làm gì đó cho đất nước này như những người đàn ông đó đã làm trước đây.

Cuối buổi chiều, bác Liu và anh Qúy đưa tôi lên một chiếc xe khách nhỏ đi tới thành phố Hà Tĩnh. Giờ tôi biết mình phải làm gì. “Đi và học hỏi càng nhiều càng tốt. Học về Việt Nam và con người Việt Nam. Có thể ngày nào đó cháu sẽ trở lại và giúp được”, bác Liu nói với tôi.

Chiếc xe gần như không thể chịu đựng được hơn, ba mươi hai con người bị nhồi trong một khoang chỉ có hai mươi chỗ. Nguy hiểm, nhưng đó là cách người chủ xe kiếm tiền. Hai chân của tôi tê dại vì phải ngồi nhấp nhổm trên đùi một người đàn ông lớn tuổi. Phần tệ nhất là những trận nôn mửa. Những tiếng khạc nhổ, ho hắng và ói mửa thi nhau vang lên. Điện thoại của tôi đổ chuông nhưng tôi không dám nhấc máy. Tôi không muốn thu hút sự chú ý. Anh Qúy cho tôi ba mươi lăm ngàn đồng, vé xe khách trị giá đúng từng đó. Nếu họ biết tôi là người nước ngoài, tôi sợ họ sẽ nâng giá.

Tôi quay trở lại được thành phố lành lặn. Điện thoại lại reo lên.

“Anh đang ở đâu? Em đang ở Hà Tĩnh”, Thanh nói trong tiếng xe cộ và tiếng mưa.

“Cái gì? Tại sao chị ở Hà Tĩnh”. Tôi hỏi với giọng khó chịu.

“Em muốn gặp anh trước khi anh đi, đây có thể là lần cuối chúng mình được gặp nhau.”

Tôi biết điều đó là một ý kiến tồi tệ và điều Thanh vừa nói không thật đáng tin. Nhưng đằng sau những lời không thật lòng đó lại là một cô gái đáng thương đang cần được giúp đỡ. Vẫn luôn có điều gì đó khiến tôi cảm thương những cô gái có hoàn cảnh đặc biệt. Có thể tôi sẽ giúp được họ, có khi còn là cứu họ. Tôi đồng ý gặp Thanh. Thanh đón tôi bên đường, khi trời đã ngớt mưa và nhường lối cho bầu trời buổi tối quang đãng. Chúng tôi tới một nhà hàng nhỏ.

“Em yêu anh. Em muốn được ở bên anh.” Thanh cầm lấy tay tôi và nói dịu dàng.

Tôi vẫn ác cảm với cô gái này, người đã nghĩ rằng tôi ngốc đến nỗi “ mắc bẫy” và trở thành “một người yêu” trong danh sách “người yêu” của cô.

“Họ không có ý nghĩa gì với em cả. Em yêu anh. Em biết điều đó trong tim mình. Anh không giống với ai em gặp trước đây cả. Để em đi cùng anh và em sẽ mãi mãi ở bên anh”, Thanh nài xin một cách tuyệt vọng.

Tôi không biết liệu Thanh có đang diễn kịch không. Tôi không biết cô ấy đã quyến rũ được bao nhiêu người đàn ông rồi và đã bao lần cô dùng chiêu trò này? Tôi nhìn vào đôi mắt cô gái, cố tìm kiếm sự lừa dối. Nhưng tôi không thể thấy gì hết. Những cảm xúc của cô gái có vẻ như là thật. Nỗi bực mình được thay bằng sự cảm thương. Tôi thấy thương cô ấy. Nhưng tôi không yêu cô ấy. Tôi tìm cách trả lời, cố gắng không khiến cô thêm đau khổ.

“Tối nay anh ở đâu?” đột nhiên Thanh hỏi. Tôi nhìn lên đồng hồ, đã 9 giờ tối.

“Đừng lo. Chị nên về nhà đi trước khi mẹ chị lo cho chị”. Tôi nói.

“Mẹ em tưởng là em đến nhà bạn ở. Hãy ở chỗ em tối nay. Anh làm gì còn chỗ nào để đi. Chỉ tối nay thôi rồi ngày mai anh sẽ không bao giờ gặp em nữa.”

“Ok.”

Thanh thuê một căn phòng có hai giường ngủ trong một nhà nghỉ xập xệ. “Hai người không ở đây được. Chỗ tôi không làm cái dịch vụ đó”, chủ nhà nghỉ nói và có lẽ nghĩ rằng Thanh là gái mại dâm và tôi là khách chơi bời. Tôi hiểu ý lời nói của người chú này là: Tôi sẽ bắt các người trả thêm tiền. Thanh nói gì đó với người chủ, sử dụng kĩ năng ngôn ngữ của mình, cô đã thuyết phục được người ta.

Tối hôm đó Thanh cố gắng quyến rũ tôi. Cô bước ra từ phòng tắm, trên người không có gì hơn bộ đồ lót. Tôi đang viết dở và ngẩng lên thì đã thấy cô gái tiến tới phía giường của tôi. Thanh có một cơ thể thanh mảnh, những đường cong có được nhiều năm trời luyện múa. Cô ấy có đủ sức hấp dẫn đối với bất cứ người đàn ông bình thường nào. Nhưng tôi không yêu Thanh. Tôi sẽ không trở thành một người ngoại quốc trong danh sách “người yêu” của cô ấy. Thanh áp sát tôi với mục đích rõ ràng và nhanh chóng cướp được một cái hôn nhẹ, nhưng chỉ vậy mà thôi. Tôi không thể trở thành kẻ lợi dụng cô ấy. Thanh muốn một người nước ngoài, nhưng tôi là người Việt Nam. Không cần phải nói nhiều, tôi không thể giúp được Thanh. Nhưng cô ấy cũng không cần sự giúp đỡ của tôi. Tôi biết, thẳm sâu bên trong, Thanh là một người tốt. Nếu không như thế, cô ấy đã không giúp tôi đến thăm các gia đình người dân tộc thiểu số và ủng hộ bằng tiền của mình. Nhưng những người tốt đôi khi cũng có vấn đề. Cô ấy chỉ tin tưởng một cách sai lầm rằng cô ấy cần một người đàn ông khiến cô ấy hạnh phúc. Ngày hôm sau, tôi đi lấy nốt số đồ đạc ở nhà Hoàng trước khi lên đường. Thanh cố gắng hi vọng tôi sẽ đổi ý. Nhưng đoạn đường chung của cô ấy và tôi đã kết thúc.

“Cảm ơn vì tất cả những sự giúp đỡ của chị. Em chúc chị mọi điều tốt lành. Chị rất mạnh mẽ và thông minh, chị không cần một người đàn ông như em đâu”, tôi nói với Thanh.

“Tớ sẽ làm việc riêng của tớ. Cứ tiếp tục theo đuổi giấc mơ của cậu. Chúc cậu mọi điều tốt đẹp. Tớ rất vui vì chúng ta là bạn”, Thanh nói với tôi. Có lẽ đó là lần cuối cùng tôi gặp cô ấy.

Điểm dừng tiếp theo của tôi là Quảng Bình, tôi lại có dịp gặp các cựu chiến binh khác. Tôi gặp hai người. Họ sống trong một ngôi nhà hai tầng. Người chồng trông rất phúc hậu với mái tóc điểm bạc, cỡ khoảng lục tuần. Bác ấy có một thân hình rất cân đối, đôi cánh tay dài với những cơ bắp săn chắc. Người vợ có vóc dáng nhỏ bé, mái tóc xoăn, nhìn trẻ hơn một chút và cánh tay phải bị thương rất dễ nhận ra. Chắc hẳn là do chiến tranh, nhưng tôi không nói.

Đã nghỉ hưu, cặp vợ chồng này vẫn tiếp tục làm việc, họ bán sữa đậu nành và các món ăn ngọt trong một khu chợ nhỏ. Mỗi buổi sáng, cứ tầm 4 giờ là họ lại dậy chuẩn bị. Tới 5 giờ rưỡi, người chồng sẽ lái xe đưa vợ ra chợ, giúp dựng hàng rồi mới về. Cả ngày bạn sẽ ngửi thấy mùi sữa đậu tươi được ủ trong khi người chồng bận bịu với công việc nhà.

Con gái của hai người, chị Thảo, làm việc cho đài truyền hình ở Quảng Bình. Chị đã nghe về câu chuyện của tôi và rất muốn làm một chương trình. Giữa sáng thì tôi tới Đồng Hới, sau hai ngày ngủ nhờ trên sàn những ngôi nhà có chuột to bằng cỡ con mèo con. Một cơn mưa lớn chào đón tôi. Giờ thì tôi hiểu vì sao miền Trung Việt Nam lại được biết đến với những trận lụt. Tôi lạch bạch lội trong các vũng nước, mưa được vài phút thì nước đã dâng cao tới đầu gối ở một số đoạn đường. Nhưng cơn mưa rào tới nhanh và càng tạnh nhanh.

Chị Thảo đón tôi và đưa tới một quán cà phê. Chị nghĩ rằng chuyến đi của tôi là để chứng minh cho thế giới thấy lòng tốt của người Việt Nam. Trên mạng đầy rẫy những bài báo và bút kí than vãn về sự tồi tệ của Việt Nam. Một số là kết quả của sự tìm hiểu không kĩ và không dành đủ thời gian để hiểu về văn hóa ở đây, một số cũng phàn nàn về con người. Nhiều người không hiểu văn hóa đứng xếp hàng, họ đẩy và chen lấn để đi qua, người lái xe không đi chậm lại hoặc dừng lại cho người qua đường và thái độ của nhiều người thì thật sốc. Bản thân tôi cũng sốc thì mới đến đây, nhưng ở đâu cũng có cái tốt và cái xấu, ta cần chấp nhận cả hai cùng một lúc.

“Thật ra em đi bộ cũng không nhiều lắm. Mục đích của chuyến đi là để em hiểu hơn về Việt Nam và trải nghiệm cuộc sống của người dân. Có thể em sẽ giúp được nhiều người trong tương lai.” Tôi giải thích với chị.

“Câu chuyện đó còn hay hơn đấy”, chị trả lời, trong đầu như đang vạch ra sẵn cuộc phỏng vấn.

“Em không biết là mình có muốn làm một phỏng vấn trên ti vi không nữa. Có quá nhiều người biết về hành trình của em rồi.” Tôi bày tỏ sự lo lắng của mình.

“Cái này chỉ là cho tỉnh Quảng Bình thôi, chị nghĩ mọi người ở đây sẽ rất thích nghe những câu chuyện như của em. Rất thú vị và rất truyền cảm hứng.”

“Tuyệt. Em có thể tới ở nhà cha mẹ của chị trong khi chị lên chương trình nhé.”

Chị đưa tôi tới nhà cha mẹ của chị, nơi tôi gặp cha chị, một người rất đặc biệt ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”. Tôi tưởng tượng ngày còn trẻ, trông ông có lẽ khá đáng sợ, cao ít nhất 1 mét 80 và săn chắc. Nhưng ông rất hiền và ăn nói vô cùng nhỏ nhẹ. Ông đón chúng tôi với nụ cười và hồn hậu mời tôi vào nhà. Chị Thảo phải quay lại chỗ làm nhưng đảm bảo với tôi rằng cha chị sẽ chăm sóc tôi tốt.

Người đàn ông lớn tuổi và tôi ngồi, nói chuyện một hồi lâu. Trong đời, tôi chưa bao giờ gặp ông nội hay ông ngoại, nhưng khi tiếp xúc với cha chị Thảo, tôi hi vọng ông của tôi sẽ giống như vậy. Không phải kiểu đàn ông lớn tuổi nghiêm khắc, luôn yêu cầu người khác phải tôn trọng và nể sợ mình. Ông là người mà bạn có thể chia sẻ mọi điều cùng và sau đó sẽ cảm thấy được vỗ về và an ủi. Ông ngồi đó và lắng nghe chăm chú câu chuyện của tôi, không hỏi cũng không ngắt lời, lắng nghe một cách tôn trọng. Ông liên tục rót cho tôi những cốc sữa đậu nành tươi mát lạnh, tôi uống lấy uống để. Cốc sữa ngọt vừa phải và không vướng cặn, hoàn hảo cho loại đồ uống ưa thích của tôi.

“Nếu bác bận gì thì bác cứ làm đi, cháu không muốn phiền bác”, tôi nói, cảm thấy hơi ái ngại vì đã nói quá nhiều. “Ừ thực ra bác phải làm ít việc”, bác nói. “Cháu lấy xe của bác mà đi loanh quanh. Bác mới mang thêm đồ ra cho bác gái rồi, nhưng trở lại lúc 5 giờ chiều để bác đi đón bác gái nhé.’

“Cháu biết đi xe máy chưa?” bác hỏi tôi.

“Vâng, cháu là lái lụa.” Tôi nói đùa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.