John Đi Tìm Hùng

Chương 6 – Phần 1



Một giáo viên xoàng sẽ dạy bạn cách học thuộc lòng. Một giáo viên giỏi sẽ giải thích để bạn hiểu vấn đề. Nhưng một giáo viên xuất sắc sẽ truyền cảm hứng để bạn học, để bạn hoài nghi những quy ước và đặt câu hỏi vì sao? Như câu chuyện “Thầy bói xem voi” của bác Vởn, thế giới không chỉ có hai màu đen và trắng. Thế giới là một bảng màu vô cùng đẹp với rất nhiều màu sắc. Hãy chấp nhận thế giới như nó vốn có. Hãy trở thành một người biết tự học và đam mê khám phá thế giới.

Một tô bún bò Huế cuối cùng, một vòng xe cuối cùng quanh thành phố. Bác Vởn chạy xe máy đưa tôi ra bến xe buýt, dáng thư sinh gầy gò của bác xem chừng phải vật lộn với cân nặng của tôi. “Hãy nhớ những điều cháu đã học được nhé. Cháu là một học trò giỏi, một đứa trẻ ngoan. Chúng ta sẽ còn gặp lại”.

Tôi được người phụ xế dẫn xuống phía cuối xe. Tôi ngồi ghép với bốn nam thanh niên. Chân chúng tôi bị chà xát vào nhau mỗi lần xe đi phải chỗ xóc. Cái nóng của buổi sáng đã biến chiếc xe buýt thành phòng tắm xông hơi. Tôi nhìn quanh, những gương mặt khổ sở đang cố hớp lấy chút không khí. Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Tới Lăng Cô, một vài người phụ nữ lớn tuổi xuống xe. Tôi cũng đứng dậy và xuống theo. Bác Vởn đã trả tiền xe cho tôi tới Đà Nẵng, nhưng tôi chắc rằng bác sẽ hiểu cho tôi vì quyết định này.

Xuyên qua lối vào của một khu nghỉ dưỡng cao cấp, tôi tìm thấy con đường dẫn tới bờ biển. Ngoài một vài người nước ngoài đi lại xung quanh, bờ biển giống như một thiên đường được giấu kín. Không có bóng dáng một người Việt Nam nào dưới ánh nắng mặt trời chói chang. Mặt trời dường như bị coi là thuốc độc cho làn da trắng sáng của họ. Sự ám ảnh về nước da trắng này khá nực cười, bởi Việt Nam vốn là một đất nước nhiều ánh nắng. Mọi người bảo tôi rằng việc này bắt nguồn từ những ngày xưa, khi da trắng được coi là biểu tượng của tầng lớp cao quý và sự giàu sang, còn làn da tối màu thì nói lên rằng bạn hẳn là một nông dân và phải làm việc ngoài đồng lúa cả ngày.

“Đen không đẹp”. Tôi nhớ có một người phụ nữ đã từng nói vậy với tôi. “Nhưng ở bên Mĩ, người ta thích làn da rám nắng. Da như vậy mới đẹp”, tôi nói với cô ấy và chỉ cho cô xem nước da ngăm ngăm của tôi. “Da cháu mà đen như này không đẹp đâu. Cô tưởng cháu là người châu Phi”.

Tôi tìm và ngồi xuống dưới bóng mát của một cái dù. Một người đàn ông ngoại quốc đi ngang qua, béo phì và làn da chảy xệ. Ông này mặc trên người bộ đồ tiểu biểu của một du khách: quần sóoc, áo cộc tay, đầu đội mũ, và máy ảnh đeo lủng lẳng trước cổ. “Thời tiết thật kinh khủng”, ông ta nói. Một cô gái Việt Nam trẻ tuổi hơn ông ta rất nhiều đi theo phía sau. Tôi lập tức thấy như máu mình sôi lên.

Tôi rất không ưa hình ảnh mà mấy người đàn ông như ông khách du lịch này đã tạo nên: Một người đàn ông ngoại quốc lớn tuổi tìm cách lợi dụng nạn mại dâm tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tôi đã nhìn thấy điều này trước đây. Quanh khu “Tây ba lô” tại Sài Gòn và phố cổ Hà Nội, những người đàn ông đã già đi cùng những cô gái Việt Nam có lẽ chỉ bằng tuổi cháu của họ.

Hai năm trước, tôi suýt chút nữa đã đánh nhau với hai người đàn ông Pháp lớn tuổi tại Quy Nhơn. Họ ra sức chụp ảnh khi tôi và các bạn cùng lớp đang bơi trong hồ bơi của khách sạn vào một buổi tối. Tôi cùng một vài thằng con trai trong nhóm tiến tới. “Các ông đang làm gì đó?”, tôi hỏi lớn. “Không có gì. Xin lỗi. Không biết tiếng Anh”, một người đàn ông trả lời, lộ rõ vẻ lúng túng khi bị bắt quả tang. Tôi giật chiếc máy ảnh từ tay ông ta. Trong máy đầy những bức ảnh của các bạn nữ trong nhóm chúng tôi, được chụp ở những góc hình nhạy cảm.

Những tiếng nói lớn đã kéo sự chú ý của một vài nhân viên khách sạn. Họ bước đến và tỏ vẻ muốn bảo vệ những vị khách ngoại quốc. Phần lớn nhóm chúng tôi là người Mĩ gốc Việt, và có vẻ ngoài rất Việt Nam. “Các anh đang làm gì đó?”, một nhân viên an ninh hơi gằn giọng hỏi chúng tôi. Một người bạn trong nhóm giải thích cho họ bằng tiếng Việt. Tôi đã biết trước họ sẽ chẳng đứng về phía chúng tôi. Nhiều người Việt Nam thường thấy lép vế trước người nước ngoài. Có lẽ hàng thập kỉ sống dưới chế độ thuộc địa đã khiến họ xem người da trắng là siêu việt hơn. Nếu được giao vào tay tôi, hẳn là công lí đã được thực hiện. Nhưng những người đàn ông lỗ mãng đó đơn giản đã bỏ đi, thoát được khỏi một trận đòn.

Tôi quyết định bơi thêm một vòng để hạ nhiệt cơn nóng giận của mình. Bơi trong làn nước biển trong mát khiến tôi thấy thoải mái hơn. Không lâu sau, một người đàn ông Việt Nam cùng đến bơi, anh nhìn tương đối trẻ.

“Hello. Where are you from? – Xin chào. Bạn từ đâu tới?, anh hỏi tôi bằng tiếng Anh. “Em là người Mĩ gốc Việt, nhưng em đang sống ở Việt Nam”, tôi trả lời bằng tiếng Việt. Anh ta tiếp tục nói bằng tiếng Anh. “Sorry but I thought you were Korean – Xin lỗi, anh tưởng em là người Hàn Quốc.

“Anh là người ở đây à?”, tôi hỏi lại bằng tiếng Việt. “Anh ở Hà Nội, nhưng đi nhiều lắm vì công việc. Anh là họa sĩ. Lăng Cô là biển đẹp nhất ở Việt Nam. Có núi Hải Vân ở đằng kia”, anh vừa nói vừa chỉ ra xa. “Anh đến đây để lấy cảm hứng. Cuộc đời với tranh vẽ giống nhau lắm em ạ”.

“Tại sao lại như thế?”.

“Cuộc sống giống như là một tấm vải trắng tinh đang chờ người nghệ sĩ làm cho nó sống động với những bức tranh đẹp đẽ. Mỗi sự kiện trong cuộc đời chúng ta giống như một nét vẽ, và qua bao nhiêu năm tháng cuộc đời ta, nhiều nét vẽ, nhiều màu sắc lại được thêm vào. Mỗi người là họa sĩ của chính bức tranh cuộc đời người ấy. Trong khi một số người chọn được chịu ảnh hưởng bởi tác phẩm của những họa sĩ khác, một số khác lại chọn việc tự do sáng tác cho tác phẩm của mình và không cần đem đi trưng bày”.

“Anh chọn làm họa sĩ. Gia đình anh muốn anh làm kinh doanh hoặc đi theo ngành ngân hàng như nhiều người trong gia đình, nhưng mà anh chọn tự do. Chắc anh phải già hơn chú đến hai mươi tuổi. Đến tuổi này anh chưa thấy ân hận gì. Thích đi đâu là anh đi đấy, và vẽ khi nào có hứng”. Khác xa với những quan niệm tôi thường thấy, anh ấy có suy nghĩ và lối sống rất kiểu Mĩ, rất thú vị. Nhưng cách sống kiểu này có vẻ hơi ít thấy ở Việt Nam.

Cuộc sống của một người Việt Nam điển hình phần nhiều đã được định đoạt sẵn. Đi học, lên đại học, tốt nghiệp, tìm một việc làm ổn định được trả lương tốt, làm trong nhiều năm để được thăng tiến dần dần. Đối với phần lớn người Việt Nam, theo đuổi giấc mơ hình như là chuyện viển vông. Bố mẹ không trả tiền cho bạn đi học để bạn theo đuổi giấc mơ. Bạn cần phải tìm một công việc tốt để có thể giúp đỡ gia đình.

Với những ai có hoàn cảnh gia đình khá giả hơn, nỗi sợ lại là điều giữ chân họ. Họ e ngại việc phá vỡ những nguyên tắc xã hội. Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn. Đi lệch hướng là một việc đáng sợ không nên làm.

“Em đang ở chỗ nào?”, anh họa sĩ hỏi và dường như anh tưởng tôi là một du khách. Tôi kể cho anh ấy nghe về bản thân và về hành trình của tôi. “Chà! Ấn tượng ghê! Anh cũng thích được sống như thế. Chú với anh chắc làm bạn tốt được đấy. Tối nay chú đến chỗ anh ở nhé”.

Cho tôi ở nhờ qua đêm hẳn cũng không làm phiền anh lắm, vì ngôi nhà của anh khá lớn. Anh thiết đãi tôi nhiều đồ ăn và đồ uống. Tiền có lẽ không phải là vấn đề lớn anh phải lo nghĩ. Anh họa sĩ chỉ hỏi xin tôi một tấm ảnh. “Câu chuyện của em đã truyền cho anh cảm hứng. Một ngày nào đó anh sẽ vẽ một bức tranh về một lữ khách đi khắp đó đây để tìm kiếm thứ gì đó. Đến khi tìm được rồi thì anh ta mới nhận ra đó là cái anh ta đã sẵn có từ lâu. Có thể ngày nào đó ta sẽ gặp lại, có thể không. Hãy vẽ bức tranh cuộc đời của em với những màu sắc thật đẹp, anh bạn trẻ”.

Từ trên đỉnh đèo

Sáng hôm sau tôi tìm được đường lên đèo Hải Vân. Tôi trèo lên tới đỉnh cao nhất có thể, đi vượt qua đám đông du khách và những tàn tích còn lại của những lô cốt từ thời Pháp còn ở đây. Khung cảnh nhìn từ trên cao thật đáng kinh ngạc, đúng như người họa sĩ đã nói với tôi. Không từ nào có thể diễn tả được cảnh đẹp ấy, không bức tranh nào có thể đẹp hơn. Bạn phải tận mắt nhìn thấy mới có thể hình dung được vẻ đẹp ấy. Dù với nhiều sai sót do con người tạo ra, một điều không thể phủ nhận là Việt Nam được tạo hóa ưu ái tặng món quà thiên nhiên tươi đẹp.

Khi mặt trời với ánh màu cam dần hạ xuống, tôi đi về phía một làng chài nhỏ. Tiếng con nít lao xao khắp nơi, được thổi dội vào bờ từ phía biển. Chúng đang chơi đùa dưới nước, chỗ gần những thứ trông giống những chiếc thúng lớn đang nổi dập dềnh trên sóng. Tôi đi dọc bờ biển cho tới khi nhìn thấy một căn lều nhỏ nằm ngay sát biển. Một người phụ nữ có bầu đang nói chuyện với những người phụ nữ khác trong làng. “Chào các cô”, tôi ngắt lời. Họ mời tôi vào ngồi trong căn lều.

Đến lúc này, việc xin một chỗ ở nhờ không còn quá khó khăn. Không còn sợ hãi hay ngại ngùng, vấn đề là phải kêu gọi được lòng hiếu khách và sự hào phóng của người Việt Nam. Thật dễ dàng. Tôi chỉ phải chia sẻ câu chuyện về bản thân và chuyến đi của mình. Một cách chân tình và thật thà.

Sau những phản ứng vui mừng, bất ngờ hay cả hoài nghi lúc đầu, những người dân đề nghị giúp đỡ tôi nếu cần. “Bắt đầu tối rồi, đi bộ nguy hiểm lắm. Hay là cháu ở đây tối nay rồi ngày mai đi tiếp?”, họ nói. Hay những câu hỏi như “Đã ăn gì chưa? Cháu muốn uống nước không?”. Người Việt Nam đặc biệt rất hào hiệp và tốt bụng.

“Không rộng rãi lắm nhưng em có thể ngủ đây tối nay”. Chị Vân vừa nói vừa giang tay chỉ ngôi nhà đồng thời cũng là cửa hàng. Đó là một căn lều nhỏ. Không có cửa ra vào, không cửa sổ, không cả tường. Căn lều được dựng lên bởi những thanh gỗ và tấm ván mỏng, đủ để che chắn những người bên trong. Phòng vệ sinh là lùm cây ở cách túp lều vài mét và phòng tắm chính là biển.

Tôi nằm chung giường với người chồng. Khác với dáng người to béo của vợ, anh chồng khá gầy gò. Họ có một người con trai khoảng bảy tuổi. “Nhà nhỏ quá, em thông cảm nhé, vì nhà anh chị nghèo quá”, anh chồng nói với tôi trong bữa tối.

Tôi thật sự chẳng thấy phiền lòng. Tiếng sóng biển êm ái, rì rào đúng là một phương thuốc trị liệu tuyệt vời. Gió biển thổi vào mát rượi làm tan đi không khí nóng của ban ngày. Phần tuyệt vời nhất là đồ hải sản tươi được nướng trên lửa ngoài trời. Tôi được ăn món mực nướng cay, món cua ngọt bùi tươi mọng nước mà chúng tôi mới bắt được gần bờ đá, cả món cá khô đã được ướp với muối gia vị hàng tuần liền.

“Cuộc sống giờ khó lắm. Cá thì mỗi năm lại ít đi, đất thì người ta lấy xây khách sạn. Giờ bọn tôi sống ở đây cực lắm”, một người dân của làng chài đến ăn tối cùng chúng tôi đã chia sẻ.

“Đất của chúng tôi bị lấy đi và người ta kêu chúng tôi không đi đánh cá nữa. Gia đình chúng tôi từng sống trong thành phố, rồi họ trả tiền để chúng tôi rời đi. Khách du lịch họ không muốn thấy người ta đánh bắt cá ở nơi họ đi bơi. Không tốt cho du lịch. Khách nước ngoài họ không thích như vậy”.

Đà Nẵng là thành phố ưu tiên phát triển du lịch, như rất nhiều vùng khác của Việt Nam. Thành phố rất sạch và đẹp, với những khách sạn đắt tiền, những khu nghỉ mát, nhà hàng và trung tâm mua sắm sang trọng được thiết kế để có thể phục vụ du khách nước ngoài. “Singapore của Việt Nam”, có người gọi thành phố Đà Nẵng với cái tên như vậy. Hai năm trước khi tới đây như một khách du lịch, tôi đã rất thích Đà Nẵng. Nhưng khi ngồi đây và lắng nghe những chia sẻ của những người dân chài này, tôi không biết mình đang cảm thấy như thế nào nữa. Như thể dưới lớp ngoại thất nhìn rất hấp dẫn kia là một nội thất rất xấu xí.

“Chắc đời là thế. Khó nhưng mà mình làm gì được!”, người ngư dân nói tiếp. Câu chuyện kết thúc ở đó và không ai muốn nói thêm nữa. Họ không muốn tiếp tục nói về sự bất lực của mình. Những ngư dân này đã sống ở đây hàng thập kỉ nhưng xem ra điều đó chẳng quan trọng. Họ được yêu cầu phải rời đi, và thế là họ ra đi với một chút tiền bồi thường trong tay.

Sáng hôm sau chúng tôi thức dậy lúc 4 giờ 30 phút, cơn gió mát đánh thức chúng tôi. Chồng của chị Vân đồng ý để tôi giúp anh làm việc. Chúng tôi đi về phía biển. Chiếc thúng lớn tôi nhìn thấy ngày hôm qua thực chất là một chiếc thuyền nhỏ. Chiếc thúng tanh mùi cá. Chúng tôi kéo một chiếc xuống biển và trèo vào trong. Anh chồng ngồi một bên và tôi ngồi ngay đối diện. Sự chênh lệch cân nặng khiến chiếc thuyền nhỏ nghiêng hơn về phía tôi ngồi.

Anh ngư dân dùng một mái chèo nhỏ đưa chiếc thúng qua các đợt sóng, ra xa bờ chừng 13 mét. Anh giải thích cho tôi rằng chúng tôi phải ra xa để kéo chiếc lưới mà anh đã thả từ trước đó. Chiếc lưới tự đan của anh được thả xuống để bắt lũ cá khi chúng tự bơi vào. Chúng tôi chỉ việc kéo lưới lên. Như thể bản năng, anh biết chính xác vị trí của chiếc lưới và lặn xuống. Một lúc sau, anh ngoi lên cách chỗ tôi chờ vài mét. Tôi vớ lấy mái chèo cố gắng đưa chiếc thúng đến gần chỗ anh ấy. “Anh đưa cái lưới và em kéo vào thuyền nhé. Đừng có làm rối đó!”.

Trong khoảng 10 phút, chúng tôi cuốn chiếc lưới tưởng như dài vô tận. Mặt trời mới đang nhú lên, ánh sáng màu cam hơi tím đang dần hiện ra phía chân trời. Tôi gặp chút khó khăn khi giữ thăng bằng trên chiếc thúng nhỏ chòng chành, nhưng trong lòng háo hức mong được nhìn thấy những con cá sáng bạc lấp lánh nằm trong chiếc lưới to. Tôi luôn thích đi câu cá từ khi còn nhỏ. Đó là một trong những lúc hiếm hoi tôi có thể giành thời gian với cha.

Khi chúng tôi quay trở lại, chị vợ và những đứa trẻ đã thức dậy từ trước. Họ ra đón chúng tôi và bắt đầu nhặt những thành quả ra khỏi tấm lưới. Tôi ở lại thêm chút nữa để giúp. Ở những vùng khó khăn như thế này, công việc được chia sẻ bởi cả gia đình. Mọi người đều có phần công việc của mình, không ngoại trừ ai. Cậu con trai nhỏ và tôi thi nhau nhặt cá ra khỏi lưới và hớn hở cười đùa khoe những con cá to chúng tôi tìm được.

Cậu con trai, Huỳnh, chắc không hơn tám tuổi. Cậu bé trạc tuổi em họ tôi. Ở tuổi đó trẻ con đáng ra phải đang đi học và không cần lo lắng về những việc khác. Nhưng Huỳnh đã biết lao động có ý thức và trách nhiệm là gì. Huỳnh không được đến trường, đừng nói gì tới đại học hay cao đẳng. Đây chính là tương lai của cậu bé. Vì gia đình Huỳnh không có đủ tiền.

Thật buồn khi nghĩ về sự bất công này. Ở bên Mĩ, ai cũng có cơ hội được thành công. “Từ nghèo khổ trở thành cự phú”. Bạn có thể đi lên từ tay trắng và trở thành “một ai đó”. Ở miền đất của những cơ hội, điều gì cũng là có thể. Nhưng ở đây thì không như vậy. Có thể ngày nào đó điều đó sẽ thành có thể, nhưng không phải bây giờ, không phải với một vùng quê vạn chài còn nhiều vất vả thế này. Tôi cố gắng để ý nghĩ đó trôi qua và không tiếp tục nghiền ngẫm nó nữa. Tôi không muốn phá hỏng tâm trạng vui vẻ của mình.

Sau bữa trưa, người ngư dân lái xe đưa tôi vào thị trấn. Anh chỉ có thể đưa tôi đi một đoạn, sau đó tôi tiếp tục đi bộ một quãng xa nữa. Tôi cần phải đi gặp anh Hoàng. Anh Hoàng là một người bạn tốt của tôi khi tôi còn làm ở VTC10. Tôi và anh Hoàng từng chia sẻ những hi vọng, tầm nhìn rất giống nhau về việc “cách mạng hóa” ngành truyền hình ở Việt Nam. Phim tài liệu đã thuộc về quá khứ.

“Chú sẽ là Bear Grylls[1] của Việt Nam. Anh sẽ bắt chú uống nước tiểu của chính chú”, anh Hoàng nói nửa đùa nửa thật, ám chỉ tới chương trình thực tế Man vs Wild (Con người đối mặt với tự nhiên) đã rất nổi tiếng trên kênh Discovery. Chương trình truyền hình thực tế này cũng đã khá phổ biến ở Việt Nam. Một vài nhà đầu tư nào đó quan tâm tới việc sản xuất một chương trình dài năm mươi tập, nói về hành trình xuyên Việt của tôi. Anh Hoàng và hai người nữa tới Đà Nẵng để quay đoạn quảng cáo.

[1] Bear Grylls, người Anh, tên thật là Edward Michael Grylls, sinh năm 1974, nhà thám hiểm, nhà văn và nổi tiếng với chương trình truyền hình “Man Vs. Wild” hay còn gọi là Born Survivor. Anh cũng là người trẻ tuổi nhất leo lên đến đỉnh Everest ở tuổi 23.

Tối nay họ mới bay tới nơi. Tôi giết thời gian bằng cách đi lang thang qua các con phố. Tôi đi về phía con sông Hàn và cây cầu xoay nổi tiếng cùng tên. Vào buổi tối, cây cầu trở nên sống động hơn với nhiều ánh đèn màu sắc lấp lánh như cây thông Noel. Đến nửa đêm, cây cầu sẽ xoay để mở lối cho tàu thuyền đi qua con sông. Cảm giác ngồi vắt vẻo trên cầu, buông chân đung đưa khi chiếc cầu chuyển mình thật thú vị.

Khoảng chiều muộn, tôi đi bộ dọc phố Nguyễn Tất Thành. Ở phía này của thành phố, vẫn thấy rõ cuộc sống của người dân Việt Nam chưa bị “du lịch hóa”. Tôi tìm thấy một chỗ trống trên bãi biển đông đúc. Bãi cát ở đây rất mềm mại, trắng và nguyên sơ, không giống như màu cát trắng vàng như ở phía kia của thành phố. Mặt trời chỉ còn ngấp nghé chút xíu phía chân trời, nhiều người Việt Nam đang bơi, chơi bóng đá hay đang tán chuyện trên bãi biển. Những tiếng cười và giọng nói đặc trưng của Đà Nẵng lan khắp bầu không khí. Cảnh sắc thật tuyệt đẹp cho tới khi một cơn giông ập tới.

Tôi đi nhanh ngang qua đường, ghé vào một cửa hàng vỉa hè. “Cho em đứng trú mưa nhờ một chút được không anh?”, tôi hỏi người chủ cửa hàng. “Ừ được chứ”, anh ta trả lời với chất giọng miền Nam và chỉ tôi ngồi vào một chiếc bàn trống.

“Em muốn ăn hay uống cái gì không? Cửa hàng mới mở nhưng mà nhiều đồ hải sản ngon lắm đó”, anh chủ nhà hàng nói. “Dạ thôi, em không mang theo tiền. Em đang chờ bạn”.

“Em không phải người ở đây hả?”. Tôi gật đầu trước khi giới thiệu bản thân mình lần thứ một trăm lẻ mấy.

“Anh mới chuyển tới đây và mở nhà hàng này chưa được một tuần. Giúp em chắc anh sẽ được tích đức. Mang đĩa mực nướng và chút cơm qua đây”, anh gọi mấy nhân viên cửa hàng. Người Việt Nam rất tin vào nghiệp chướng, nghiệp báo. Tôi không thể nói là tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều này nhưng rõ ràng rằng nhận được lòng tốt của người khác là một điều rất tuyệt vời.

Vợ của anh chủ mang đồ ăn tới bàn chúng tôi đang ngồi. Con mực ống to cỡ ngón tay được nhồi thứ nhân bên trong giống như thịt lợn. Khá ngon miệng. “Chị có vài anh em họ đang sống bên Mĩ. Em biết Texas không?”, chị vợ hỏi tôi. Tôi gật đầu. Ở Texas và California có rất nhiều người Việt Nam sinh sống. Cặp vợ chồng tốt bụng ngồi tiếp chuyện tôi cho tới khi anh Hoàng tới.

“Nhớ quay lại đây lần sau nha”, chủ cửa hàng nói với tôi khi anh Hoàng và hai người nữa xuất hiện xuống taxi và đang đi tới từ phía xa. Tôi gật đầu, cám ơn anh và chị vợ. Khách sạn mà chúng tôi cư trú tình cờ ở ngay gần nhà hàng này. Tôi nhận ra hai người nam đi cùng anh Hoàng, anh Thông và anh Linh. Chúng tôi lên phòng để cất đồ.

Các anh chưa ăn tối nên chúng tôi quyết định ra ngoài tìm đồ ăn. Sau khi không tìm được chỗ ăn món thịt heo cuốn, taxi đưa chúng tôi quay về chỗ cũ. Chủ cửa hàng đón chúng tôi và cười, ánh mắt như thể nói “Tôi đã nói rồi mà”. Có lẽ anh ấy đúng, có lẽ “nghiệp” và “đức” là có thật.

Chúng tôi bắt đầu quay vào sáng sớm hôm sau. Ý tưởng của chương trình khá đơn giản. Một người Mĩ gốc Việt đi quanh Việt Nam để tìm hiểu về mảnh đất quê hương của anh ta. Tôi thích ý tưởng này. Văn hóa của Việt Nam rất đa dạng và có rất nhiều điều để khám phá. Tôi đã có cơ hội được cùng thưởng thức vẻ đẹp đó với chính người dân nơi đây. Phần lớn người Việt Nam chưa có thói quen đi du lịch xa ngoài quê hương của họ. Nhưng đáng ngạc nhiên là rất nhiều nhà có ti vi, kể cả những nơi xa xôi nhất. Ti vi vừa là nguồn thông tin vừa là hình thức giải trí.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.