John Đi Tìm Hùng

Chương 6 – Phần 2



Điểm dừng đầu tiên của chúng tôi là Hội An. Chúng tôi chọn đi con đường có thể thấy nhiều cảnh đẹp của bờ biển. Tôi bất ngờ khi thấy nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng rộng lớn đã mọc lên kể từ lần cuối cùng tôi đến đây. Hai, ba, bốn, rồi tôi không đếm được nữa. Không biết những công ty du lịch này có đủ số khách để lấp đầy các phòng và làm ra lãi không. Một người Việt Nam với mức thu nhập trung bình không thể chi trả nổi cho phí dịch vụ ở nơi này, và phần lớn khách nước ngoài lại thích giành nhiều thời gian ở Hội An hơn. Vậy thì họ xây những khu rộng lớn này để làm gì?

Kể cả nếu như tôi có mang tiền trong chuyến đi này, cũng không đủ để tôi vào ở những nơi như thế này. Cảm giác giống như là bạn đi vào cửa hàng ô tô Bentley hoặc đi trong trung tâm thương mại Vincom mặc dù bạn biết bạn sẽ không thể mua nổi một món đồ nào ở đó. Với những người như tôi, tấm biển trước khu nghỉ mát như được viết: “Đi đi và đừng mơ tưởng nữa”.

Thật không may, chúng tôi không tới được Hội An. Trong khi xe máy của tôi và anh Hoàng đi bon bon trên con đường vắng, xe của hai anh kia thì chẳng thấy đâu. Chúng tôi vòng xe lại và tìm thấy anh Linh đang giận dữ chửi mắng chiếc xe. Xịt lốp. Hai anh dắt bộ chiếc xe khoảng 1 km và tìm thấy một hàng vá xăm xe. Chuyện tương tự đã từng xảy đến với tôi từ rất lâu về trước. Khi tôi còn chưa biết tiếng Việt. Lần đó tôi phải trả một trăm ngàn đồng cho một miếng vá. Tội nghiệp John người Mĩ, hẳn là hồi đó đã từng bị “chém” rất nhiều lần mà không hề hay biết.

Sau khi bị thủng xăm thêm một lần nữa, anh Thông nói đây chắc là một điềm không tốt, và chúng tôi tìm một địa điểm quay khác. Tôi quyết định đưa họ quay trở lại làng chài ven biển dưới chân đèo Hải Vân. Chúng tôi không đến được chính xác ngôi làng đó nhưng tìm thấy một ngôi làng nhỏ khác. Ngôi làng này đông đúc hơn nhiều, đám trẻ con lập tức vây lấy chúng tôi khi chúng tôi vừa đến nơi. Chúng tôi ngồi xuống ăn trưa tại một căn chòi ven biển. Ba anh mang theo máy quay, nhiều dụng cụ, hai chiếc iPad và điện thoại iPhone. Hình như ở Việt Nam bây giờ ai cũng có một chiếc iPad hoặc iPhone. Tôi thì chưa từng sở hữu lấy một chiếc. Làm sao người ta đủ tiền mua một chiếc điện thoại 15 – 20.000.000 đồng nhỉ?

Sau bữa trưa, anh Linh và anh Thông đi khảo sát làng chài để xem có thứ gì hấp dẫn đáng để quay không. Họ nhanh chóng quay lại báo cho chúng tôi biết một cửa hàng bánh mì Đà Nẵng đã đồng ý cho chúng tôi quay. Đó là một cửa hàng nhỏ và tối, với một cái lò nướng bánh ba tầng khá to được đặt nằm chính giữa. Chiếc lò nướng rất to, dài khoảng 2,5 mét và rộng 1 mét, khiến cho cả cửa hàng nóng khủng khiếp. Cửa hàng có bốn người đàn ông làm việc, gồm cả ông chủ, hai con trai và một người giúp việc. Các quy trình từ chuẩn bị nguyên liệu, nhào bột, nặn thành khuôn và cho bánh vào lò được làm ngay trước mắt chúng tôi. Thật thú vị khi được nhìn món bánh mì yêu thích của tôi được sản xuất như thế nào.

Tôi là một đầu bếp khá giỏi, nhưng khi tôi làm bánh mì thì đúng là một thảm họa. Một đám đông tập trung phía ngoài cửa hàng, cười nói và chỉ trỏ. “Việt Kiều làm bánh mì buồn cười quá. Nặn bánh mì kiểu gì mà nhìn giống cái ấy của con trâu thế”, một ông già cười lớn để lộ hàm răng đã móm gần hết. Phía bên kia đường hình như đang có đám ma, nhưng mọi người phía bên này vẫn rất hào hứng xem chúng tôi và tỏ ra hết sức thân thiện.

Ngày hôm sau chúng tôi tiếp tục quay. Chúng tôi ghé thăm một ngôi làng nhỏ nằm gần một dòng sông đổ ra biển. Những tấm lưới lớn được đưa xuống nước, bốn góc của tấm lưới đã được gắn với một đoạn thừng ở trên. Đoạn dây thừng chạy dọc một miếng gỗ dùng để cuốn tấm lưới vào. Bạn cứ hình dung như khi bạn đang bước đi trên mặt đất và bất thình lình bị một chiếc bẫy treo kéo ngược lên trên. Những tấm lưới rất to, dài rộng khoảng 8 mét và cần mất nhiều sức mới kéo lên được.

“Người ta sẽ xây cái đó ở đâu?”, tôi hỏi người đánh cá, chỉ tay vào tấm biển quảng cáo được đóng dưới chỗ nước nông của con sông. Tấm biển có chữ “Golden Green Hills Resorts coming soon” (Khu nghỉ dưỡng Golden Green Hills sắp mở).

“Ở đây. Họ đang cố xây nó trên đất của tôi”, người đàn ông vừa nói vừa dừng chiếc ca nô đang chở chúng tôi. “Họ cố đuổi tôi đi, trả cho tôi nhiều tiền lắm nhưng tôi không đi đâu cả!”.

“Sao bác không nhận tiền và tìm chỗ mới để ở? Đằng nào thì họ cũng sẽ lấy được đất thôi mà”, tôi vừa nói xong thì đã kịp nhận ra sai lầm của mình.

“Cậu chẳng biết cái gì hết, cậu còn trẻ lắm. Sau khi xuất ngũ, tôi đến đây sống và sở hữu mảnh đất này. Tôi phải giữ đất cho con, cho cháu tôi. Đất làm nên thằng đàn ông, đất là gốc rễ của mình. Cậu nghĩ là tôi sẽ từ bỏ à? Trả tôi cả núi tiền tôi cũng không bán đất”.

Người đàn ông đã nhiều tuổi, có lẽ khoảng lục tuần, trông có vẻ rất cương quyết. Nhìn bác giống kiểu người không ngại lao vào trận đánh nhau và tôi không nghi ngờ gì khả năng đó. Thật không may, bác ấy không sớm thì muộn cũng sẽ nhận lấy phần thua cuộc. Có lẽ tiền không thể mua được người đàn ông này, nhưng sẽ có thể làm vậy với người khác, và mảnh đất rồi cũng sẽ không còn thuộc về bác ấy nữa.

Buổi ghi hình kết thúc tại thành phố Hội An, thành phố mà tôi thực sự không thấy thích thú lắm. Có quá nhiều người nước ngoài ở đây. Hơn sáu trăm người ngoại quốc hiện đang sống trong thành phố cổ nhỏ bé này, chưa kể rất nhiều du khách tạm thời. Nếu tôi muốn gặp nhiều người da trắng, tôi đã đến châu Âu. Nhưng điều khiến tôi phiền lòng không phải là sự hiện diện của họ. Tôi trân trọng và hứng thú với sự đa dạng. Thái độ của họ là điều làm phiền tôi.

“Chúng tôi đã sống ở đây được một năm và họ vẫn tìm cách bán đắt cho chúng tôi. Tôi biết người dân ở đây còn nghèo nhưng họ thật tham lam”, một cặp vợ chồng người Anh phàn nàn với tôi trước mặt một người bán hàng.

“Good. I give you good price. Please sir. I need money to pay my family”. (Giá tốt. Tôi cho ông giá tốt. Xin ông, tôi cần tiền cho gia đình tôi), em gái nhỏ nài nỉ ông khách với vốn tiếng Anh bập bõm.

“Tôi sẽ không trả một trăm ngàn, chỉ năm mươi ngàn thôi”, ông khách cao giọng trả lời. Ông ta cò kè mặc cả chỉ vì vài chục nghìn đồng. Cặp đôi mặc cả thêm một chút nữa. “Chỉ có ở Việt Nam”, người đàn ông vừa nói vừa chần chừ rút tờ tiền ra khỏi túi.

Tôi không thích khi người nước ngoài phàn nàn về việc không mua được đồ với “giá bản địa”. Rõ ràng là họ không phải người bản địa. Hơn nữa một chút tiền chênh lệch cũng không làm thiệt túi tiền của họ là mấy. Nhưng nó lại có ý nghĩa rất lớn đối với những người bán hàng rong chẳng lấy gì làm khá giả.

Tuy với sự hiện diện tràn lan của người nước ngoài, Hội An vẫn giữ được vẻ đẹp hoài cổ của thành phố. Đi bộ qua những con phố, những ngõ hẻm xen giữa những ngôi nhà cổ, có cảm giác như bạn được đưa tới một thời nào khác. Trong một khoảnh khắc, bạn trở về với khoảng thời gian khi mọi thứ giản đơn hơn nhiều. Chúng tôi nhanh chóng kết thúc ghi hình ở Hội An để các anh có thể bắt kịp chuyến bay trở về Hà Nội.

Win, một cậu sinh viên đại học, đón tôi tại khách sạn. Tôi có được số điện thoại của cậu ấy qua một người bạn chung.

Với cậu bạn Win

Nhà của cậu giấu mình trong một con đường nhỏ. Đó là một ngôi nhà nhỏ, trông giống như được xây chỉ trong một tuần lễ. Người mẹ nhỏ nhắn của Win đã đọc về tôi qua các bài báo, rất vui mừng khi đón tiếp tôi. Tôi vươn tay ra chờ đón một cái bắt tay, thay vì thế cô vươn người lên và tặng tôi một cái ôm. Cô không ngừng cười tươi khi đi lại quanh nhà và hỏi tôi: “Con muốn ăn gì không cô nấu cho?”, cô nói một cách hào hứng. Rồi cô tiếp tục hỏi tôi rất nhiều câu hỏi, trong khi người chồng và cậu con trai chỉ ngồi nhìn một cách thích thú.

Cuối cùng thì hai người lớn đi ngủ. Win và tôi có cơ hội để nói chuyện nhiều hơn. Win là sinh viên chuyên ngành kinh tế nhưng đam mê của cậu là làm phim. Win cho tôi xem một đoạn phim ngắn cậu làm cùng bạn để tuyên truyền cho việc tái chế và tái sử dụng ở Việt Nam. Đoạn phim đã giành giải nhất của cuộc thi quốc tế được tổ chức bởi một chi nhánh của tổ chức Liên hợp quốc, giải thưởng là hai ngàn đô la Mỹ. Chúng tôi nói chuyện tới khuya, trước khi tôi ngủ thiếp đi, không thức nổi cùng chàng sinh viên.

Sáng sớm hôm sau, mẹ Win đánh thức chúng tôi dậy trước khi cô đi làm. Mới có 5 giờ rưỡi. Win và tôi lăn lóc trên giường, cố rũ khỏi giấc ngủ ngon nhưng rồi thất bại. Cuối cùng thì 7 giờ chúng tôi mới thực sự thức dậy, đi xuống biển để bơi cùng Long, bạn thân của Win, và bạn gái của cậu ấy. Rất nhiều người dân bản địa đã ở đó để tận hưởng bãi biển trước khi mặt trời mọc.

Win và các bạn đùa giỡn trên bờ trong khi tôi bơi ra xa. Tôi bơi khá cừ, giống như cá bơi ngoài khơi. Tôi quyết định bơi ra xa hơn để tránh đám đông. Được một đoạn thì nhân viên cứu hộ huýt sáo gọi tôi vào. Tôi quay lại nhìn mấy hình người nhỏ xíu như đồ chơi. Thời gian ở Đà Nẵng, chắc tôi đã bơi được hàng giờ đồng hồ dưới biển. Làm sao tôi có thể bỏ lỡ cơ hội này được. Chúng tôi đã quay lại đây một vài lần nữa trước khi tôi rời đi.

Tôi ở lại Đà Nẵng vài ngày, vì tôi cần phải hồi phục sau một chấn thương nhỏ. Xương ngón chân cái của tôi lại sưng lên và đau tấy. Tôi dành nhiều thời gian với Win và nhóm bạn của cậu, một khoảng thời gian thú vị. Nhóm bạn gồm có Long – phiên bản cởi mở và ồn ào hơn của Win, Quốc – một cậu bạn cao, khiêm tốn và lễ phép, và Manu – một cô bé dễ thương và tinh nghịch. Họ đều là những đứa trẻ ngoan và thông minh.

Nhóm bạn trẻ khiến tôi có niềm tin hơn với thế hệ trẻ Việt Nam, giống như em Thịnh. Tôi đã từng nghĩ giới trẻ Việt Nam giống như những đứa trẻ phụ thuộc, những đứa bé luôn cần cha mẹ phải nắm tay dắt đi. Nhiều đứa không biết nấu ăn, không biết lau nhà, không có nghề nghiệp. Trách nhiệm duy nhất họ có là đi đến trường. Nhiều bạn trẻ được nuông chiều vì thế mà trở nên ích kỉ, quan tâm đến các ngôi sao nhiều hơn là cộng đồng và những người khác.

“Anh John đừng lo, tụi mình có thể giúp Việt Nam thay đổi và trở nên tốt hơn”, Win và Quốc nói. Chúng tôi đã nói chuyện khá nhiều về giới trẻ Việt Nam. Chúng tôi muốn truyền cảm hứng cho những người khác đóng góp và nghĩ nhiều hơn cho xã hội và cộng đồng. Tôi nảy ra một ý định và chúng tôi quyết định ghi hình một dự án nhỏ.

Chúng tôi muốn khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nhiều nhất có thể và ý thức được rằng thói quen tiêu dùng của họ có ảnh hưởng tới Việt Nam. Chúng tôi đi quanh, hỏi những người chúng tôi gặp ba câu hỏi: 1) Bao nhiêu phần trăm các sản phẩm bạn đang có là đồ nhập khẩu?, 2) Nếu hàng Việt Nam có chất lượng ngang bằng với sản phẩm nước ngoài, bạn sẽ chọn mua sản phẩm nào?, 3) Bạn nghĩ là bạn có thể chỉ mua hàng Việt Nam trong vòng một tháng không?

Phần lớn mọi người cho rằng trung bình 50 % số hàng hóa họ sử dụng là hàng ngoại nhập. Chỉ một vài người nói họ sẵn lòng và sẽ sử dụng toàn sản phẩm Việt Nam. Chúng tôi có một số cuộc gặp khá thú vị. Một nhóm các bạn trẻ nói rằng họ không thấy hãnh diện khi chỉ dùng toàn sản phẩm nước ngoài. Thế rồi họ lái xe đi trên một chiếc ô tô Bentley. Một ông cụ già tặng chúng tôi một bài diễn thuyết dài về lòng tự hào khi là người Việt Nam. Và cuối cùng chúng tôi bị đuổi khỏi siêu thị – nơi đương nhiên là đang bán rất nhiều đồ nhãn hiệu nước ngoài.

Toàn cầu hóa nghĩa là thế giới thu nhỏ và các tập đoàn đa quốc gia kếch xù càng có thêm nhiều quyền lực. Các siêu thị, như siêu thị Big C và Metro dần thay thế các khu chợ, các cửa hàng bách hóa, Lotteria và KFC gần như đã có mặt ở mọi góc phố. Sự thật là mỗi năm, họ đang giành được hàng triệu đô la từ các doanh nghiệp trong nước. Có thể chúng ta không thể ngăn điều đang xảy ra, nhưng chúng ta có thể nhắc nhở mọi người rằng mọi hành động của họ đều có thể đóng góp cho sự thay đổi.

Hiển nhiên là đôi khi sản phẩm trong nước không phải là hàng có chất lượng tốt nhất. Tôi khuyến khích các công ty Việt Nam hãy trở nên hãnh diện hơn, và sản xuất hàng hóa có chất lượng cao hơn. Nhưng hãy thành thật, đôi khi chúng ta không chọn hàng nước ngoài chỉ vì chất lượng của chúng. Người tiêu dùng trẻ ở Việt Nam đã và đang thấm nhuần niềm tin rằng hàng nước ngoài thì đương nhiên là siêu việt và hấp dẫn hơn. Niềm tin ấy khiến chúng ta mù quáng và không nhìn thấy một sự thật là đồ ăn KFC chẳng hề ngon hơn những món chúng ta vẫn sẵn có, thậm chí đôi khi còn rất tệ. Nhãn hiệu quần áo bạn mua thực chất được sản xuất tại Việt Nam và giầy Nike bạn mua có thể là sản phẩm của một xưởng sản xuất bóc lột sức lao động của trẻ em và người nghèo.

Đây thực chất là vấn đề về lòng tự hào. Nếu chúng ta thực sự tự hào là người Việt Nam, chúng ta hẳn đã khiến các công ty Việt Nam làm ra hàng hóa chất lượng cao hơn. Chúng ta hẳn đã khiến các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam phải có những đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng của chúng ta. Tôi còn nhớ bên Mĩ, KFC và Pizza Hut luôn có các quỹ học bổng và dự án để hỗ trợ cộng đồng nơi họ đặt nhà hàng. Tôi hầu như không thấy điều gì tương tự ở đây. Nếu chúng ta tự hào, mọi hành động của chúng ta hẳn đã luôn có cân nhắc tới lợi ích cho Việt Nam.

Điều này đã cho tôi cảm hứng để viết một bài báo mà khá nhiều tờ báo mạng đã đăng tải.“Made in Vietnam: Người Việt Nam hãy tự hào, hãy đoàn kết”. Ở bài báo này, tôi viết về phần đông người Việt Nam chúng ta. Rằng chúng ta đã quên mất sự quan trọng của cộng đồng và quên mất cách quan tâm lẫn nhau.

“Nhưng tôi cũng hơi buồn khi phải nói rằng ngoài vẻ đẹp đó, ngoài những điều tốt đẹp đó, vẫn còn sự ích kỉ, sự phù phiếm, sự bàng quan tồn tại giữa chính những người Việt Nam… Và đó chính là vấn đề, người Việt Nam mình không đoàn kết như một… Nhưng, chúng ta đã mất đi điều đó, chúng ta quay lưng lại với nhau, chúng ta để tiền và sự ảnh hưởng của ngoại quốc làm phai nhạt văn hóa của chúng ta, chia rẽ chúng ta”.

Đà Nẵng buổi tối

“Mong ước của tôi là kết nối và đoàn kết người Việt Nam trên khắp thế giới và cả trong Việt Nam để chúng ta có thể cùng nhau chung tay góp sức vì một cái đích lớn.

Cho dù sinh ra ở Mĩ, Việt Nam chính là quê hương tôi, dòng máu của tôi là dòng máu Việt, tôi là một người Việt. Bởi vậy tôi kêu gọi tất cả những người yêu đất nước này, quan tâm đến đất nước này hợp lại, để chúng ta có thể xây dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn cho tương lai”.

Thời gian còn lại ở Đà Nẵng, tôi dành cho Win và gia đình của cậu. Em gái mẹ của Win, cô Kim Thu cùng con gái tới thăm chúng tôi. Họ mời tôi đi Bà Nà, nhưng tôi chọn tới thăm quê của họ ở Quảng Nam để gặp ông bà của Win, những người rất duyên dáng. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện về quá khứ như những người già khác thường làm. Gần chín mươi tuổi, họ ở cái tuổi mà những nếp nhăn đã nhiều tới mức ta có thể tưởng tượng ra cả cuộc đời của họ, nhưng ông bà có vẻ rất hạnh phúc. Bà của Win còn khỏe và nhanh nhẹn hơn, nên bà đỡ đần chăm sóc ông được nhiều hơn. Sống với nhau hơn sáu mươi năm và họ vẫn trêu đùa nhau. Có lẽ đây chính là cái mà họ gọi là tình yêu vĩnh cửu.

Cô Kim Thu có một quầy hàng nhỏ trong một con chợ của Đà Nẵng, bán quần áo và đồ nữ trang. Cô khá đặc biệt đối với tôi, vì tuy tuổi không còn trẻ nhưng suy nghĩ của cô rất tiến bộ. Cô biết nhiều chuyện trong nước và trên thế giới. Cô Thu và tôi nói chuyện về mạng internet, nơi cô có thể đọc và tìm hiểu nhiều điều.

“Lúc Win kể cho cô nghe về cháu, cô về nhà và tìm trên Google luôn. Cô muốn con gái cô đọc và học hỏi. Bây giờ nó được gặp cháu thì tốt quá”.

“Tại sao thế ạ?”.

“Vì nó sẽ có cơ hội được học hỏi từ cháu. Hồi cô nhỏ, làm gì cô được như thế này. Còn không được tự quyết định gì nữa kia. Hồi đó cô muốn làm cô giáo nhưng phải đi làm giúp gia đình. Giờ có con gái, cô muốn nó được học hành. Nhưng mà không chỉ học ở trên lớp không thôi, học cả bên ngoài thế giới nữa. Vậy mới thành công được”.

Quan điểm về giáo dục của cô Thu hoàn toàn đúng. Trường học không thể trang bị cho ai để họ chắc chắn thành công. Mọi thứ chúng ta học trên lớp chỉ là lí thuyết cần thiết. Trong thực tế, lí thuyết đơn giản chỉ là ý kiến của con người về cách nghĩ của họ về thế giới rộng lớn. Cách duy nhất để kiểm nghiệm và trang bị cho sự thành công chính là đi và tự mình trải nghiệm. Kiểm nghiệm bằng chính những kinh nghiệm đời thực.

Đây là quan điểm mà tôi muốn khuyến khích càng nhiều bạn trẻ Việt Nam càng tốt. “Đi và khám phá. Đừng sợ hãi và tìm lí do trốn tránh nữa. Hãy tự tạo ra số phận của bản thân mình”. Bạn có thể tranh luận với tôi rằng thế này thế khác, nhưng đó chỉ là biện minh. Tuổi trẻ Việt Nam chịu rất nhiều áp lực từ gia đình, cha mẹ muốn bạn làm cái này, cái kia, nhưng nói cho cùng thì bạn phải tự sống cuộc sống của chính bạn. Hãy biết ơn cha mẹ. Họ đã nuôi dưỡng bạn. Nhưng họ làm như vậy là để bạn trở thành những người đàn ông và những người phụ nữ, không phải là những bé trai và bé gái chỉ biết chạy tới bên cha mẹ khi khó khăn ập đến.

“Mẹ đã cố hết sức để cho con những thứ con sẽ cần để thành công, phần còn lại là do con. Mẹ có muốn con trai của mẹ ở gần không à, đương nhiên là người mẹ nào cũng muốn. Nhưng mỗi người có một con đường riêng cho mình, số phận riêng để theo đuổi”, mẹ tôi đã nói những lời này khi tôi nói với mẹ rằng Việt Nam sẽ trở thành ngôi nhà của tôi.

Tôi đã tới Việt Nam và không nhìn lại. Tôi đã quyết định thực hiện hành trình này và không ngoái lại. Thực lòng, tôi đã học được về Việt Nam, về người Việt Nam và về cuộc sống trong một tháng ròng trên đường, nhiều hơn quãng thời gian tôi ở Hà Nội. Đi cùng Win và nhóm bạn của cậu, tôi thấy được nhiệt huyết, mong muốn được tự do để tung bay nhưng cứ có nỗi sợ cứ kiềm họ lại.

Đêm cuối ở Đà Nẵng, Quốc – bạn của Win, nhờ tôi giúp thuyết phục cha mẹ của cậu. “Ngày mai em về quê ở Quảng Nam. Nếu anh có thể đi cùng để nói chuyện với ba mẹ em thì tốt quá. Họ truyền thống lắm. Em muốn tự làm chủ cuộc đời của mình. Nhưng họ đã có sẵn kế hoạch tương lai cho em rồi”.

Có vẻ là một thử thách khá lớn đối với tôi. Mọi chuyện có thể tệ thế nào? Cha mẹ người Việt Nam nổi tiếng nghiêm khắc và không ngại đánh con. Họ thường muốn kiểm soát cuộc sống của con cái. Nếu họ thực sự đã chọn sẵn con đường tương lai cho Quốc, tôi sẽ phải thuyết phục để họ nhượng bộ. Tôi quyết định thử một phen. Hơn nữa lại đúng dịp sinh nhật của cậu bé, còn món quà nào ý nghĩa hơn để tặng nữa đây?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.