John Đi Tìm Hùng

Chương 7 – Phần 1



Tạm biệt là điều không thể tránh khỏi trong các mối liên hệ. Dù biết trước giây phút đó đang đến, bạn không thể chuẩn bị trước. Dù chỉ là một, hai hay ba ngày. Rời đi luôn là phần khó nhất.

“Cô không muốn con đi. Cô lo cho con lắm, lo như cô lo cho con cô vậy”. Mẹ của Win cố nói trong nghẹn ngào. Trên gương mặt cô là hai hàng nước mắt. Những giọt nước mắt thi nhau rơi xuống mà tôi không thể ngăn lại được.

“Cô đừng lo. Con không sao đâu. Con đi được nửa đường rồi mà”, tôi cố làm cô yên lòng. Tôi ôm lấy thân hình nhỏ bé đang run run của cô. Cô làm tôi nhớ tới mẹ. Tôi cố không nghĩ tới mẹ, tôi không thể hình dung nổi cảm giác mẹ đang phải trải qua khi nghĩ tới tôi. Tôi cắn chặt môi và nuốt nước mắt vào lòng.

“Phải đi thôi anh”, Win gọi tôi. Tôi ôm chặt cô lần cuối rồi buông ra. Xe đi được một đoạn, tôi ngoái lại nhìn, ước gì tôi đã không làm như vậy. Mẹ của Win vẫn đứng đó, nắm chặt chiếc khăn tay và vẫn khóc. Tôi vẫn có thể cảm nhận được những giọt nước mắt của cô và tiếng sụt sịt từ xa đang vọng tới. Tôi muốn chạy lại bên cô.

Suốt buổi sáng, hình ảnh đó luẩn quẩn mãi trong đầu tôi. Nói tạm biệt với Win và các bạn của cậu khiến tôi còn buồn hơn. Nhưng cuộc sống là như vậy, con người ta đến rồi đi. Tôi nhảy lên xe máy của Quốc và chúng tôi đi về phía Hà Lam, Quảng Nam.

Đi cùng với chúng tôi là bạn của Quốc. Ly là sinh viên đến từ Nghệ An, cô đã từng đi du lịch xuyên Việt với chỉ bốn triệu đồng. Tôi không quan tâm lắm. Mọi người cho rằng việc đó là rất ghê gớm vì cô ấy là con gái. Cô ấy nói về chuyến đi của mình như đó là một thành tựu vĩ đại. Tôi e rằng cô ấy sẽ nhận phải cơn thịnh nộ và những quan điểm nặng tính truyền thống khi chúng tôi gặp mẹ Quốc.

Chặng đường từ Đà Nẵng tới Quảng Nam thật là dài và mệt mỏi. Chúng tôi có hai xe máy. Tôi đi cùng xe với Quốc vì Ly khăng khăng muốn tự chạy riêng một xe. Đoạn đường 45 phút đi xe máy đã trở thành đoạn đường mất một tiếng và 45 phút. Xin đừng hiểu sai ý tôi, tôi luôn luôn ủng hộ nữ quyền và bình đẳng giới. Ngoài một số điểm khác biệt về thể chất khiến đàn ông có phần khỏe mạnh hơn, tôi tin rằng phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì đàn ông có thể làm. Nhưng điều tôi không thích là một số “nhà nữ quyền cực đoan” thường cố xả thân không cần thiết để chứng tỏ bản lĩnh. Vậy là trong khi Ly đang cố gắng chứng minh sự tự lập của cô ấy thì tôi phải chịu đựng sau xe của Quốc với chiếc ba lô nặng 15 kilôgam ở ngay sau lưng.

Đến được nhà Quốc, tôi hơi cáu kỉnh nhưng rồi lại thấy nhẹ nhàng hơn vì cảm giác được giải thoát. Cánh cổng mở ra cho thấy một ngôi nhà hai tầng khá đẹp và một sân để ô tô ở trước nhà. Gia đình của Quốc rõ ràng là khá giả. Chúng tôi được mẹ và em trai của cậu tiếp đón. Bạn sẽ thấy mẹ của Quốc khá đẹp ở tuổi của cô ấy. Chỉ cho đến khi cô ấy nhìn thẳng vào bạn. Ánh mắt của người phụ nữ ấy như đang chiếu thẳng vào tâm hồn bạn. Tất cả sự tự tin tôi tưởng mình đã có để thuyết phục cha mẹ của Quốc dường như đang biến mất, bị ném hết ra cửa sổ.

Bữa trưa ngượng ngùng và là một trải nghiệm khá đau đớn. Tuy đồ ăn là món cháo đậu đỏ, thịt heo quay và thịt gà rất ngon nhưng phong thái dễ gần, thoải mái của Quốc biến mất hoàn toàn, thay vào đó là vẻ đầy lo lắng. Cậu ấy lộ rõ vẻ căng thẳng. Mẹ của Quốc đặt một loạt câu hỏi, từng câu một, như một công tố viên đang tra hỏi một nghi phạm. “Tại sao? Sao con lại nghĩ như vậy? Vô lí, người trẻ phải nên tập trung cho tương lai chứ. Làm thế thì con được cái gì?”. Những câu hỏi được nối tiếp bằng những ánh nhìn im lặng khá lâu như thể người mẹ ấy đang cố tìm bằng chứng của những lời nói dối trên mặt chúng tôi. Ly trả lời một cách dài dòng. Ly nghĩ rằng mình có thể thuyết phục được mẹ Quốc vậy mà thậm chí cô còn không dám nhìn vào đôi mắt đanh sắc của mẹ Quốc. Nhưng thực ra chẳng hiệu quả gì.

Tôi thử một cách tiếp cận khác. Câu trả lời của tôi đá thẳng vào trọng tâm vấn đề. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt của người mẹ và cố giữ nụ cười mỉm khi nói chuyện. Quốc ngồi ăn im lặng, thỉnh thoảng xen vào câu chuyện cố gắng đỡ lời cho Ly. Tôi giữ nụ cười lâu đến nỗi mẹ Quốc hỏi tôi sao cười nhiều vậy. “Cười nhiều thì sẽ sống lâu cô ạ”. Tôi trả lời và nở nụ cười rộng hơn chút nữa. Người mẹ ấy đã cười phá lên.

Cùng Quốc và bạn ở Quảng Nam

Cha của Quốc có vẻ dễ tính hơn nhưng vẫn khá bảo thủ. Chú ấy thắc mắc tại sao Ly là con gái mà lại sống xa nhà như thế. “Cháu quen rồi. Cháu đi học xa nhà từ cấp ba và cả đại học cũng vậy”, cô ấy trả lời. “Thế thì ai chăm sóc cha mẹ và các em của cháu? Cuộc sống không chỉ có sống cho bản thân mình đâu”, cha Quốc nói tiếp. Cách Ly đối đáp với cha của Quốc cũng không khá hơn với mẹ Quốc là mấy, nhưng chú ấy có vẻ dễ tính hơn nhiều. “Con gái muốn tự lập là tốt, nhưng gia đình cũng rất quan trọng”.

“Cháu không phải là đứa chỉ đi du lịch cho vui”. Tôi cất tiếng, chớp lấy cơ hội được nói chuyện với người đàn ông. Tôi thấy chú ngồi trong phòng làm việc trong khi cả nhà đang nghỉ trưa. “Từ nhỏ cháu đã rất tự lập, cháu đã làm nhiều nghề và tự quyết định mọi việc. Cháu nghĩ để trở thành một người đàn ông thì cần phải học cách tự mình làm mọi việc”.

Tôi mở lòng về quá khứ của mình, về cha mẹ tôi, về những khó khăn và mọi điều đã giúp tôi trở thành con người như ngày hôm nay. “Quốc là một cậu bạn ngoan, thông minh, cậu ấy sẽ biết làm thế nào là đúng nếu chú cho cậu ấy cơ hội tự quyết định”. Chú nhìn tôi chằm chằm. Tôi đã nghĩ chú ấy sẽ quát mắng, và nói rằng tôi quá trẻ để hiểu chuyện. Thay vào đó, chú ấy gật đầu tỏ vẻ đồng ý.

“Chú muốn những điều tốt nhất cho hai con trai của chú. Bọn trẻ bây giờ hay lãng phí thời gian lang thang khắp nơi chẳng biết làm gì khác”.

Vấn đề bây giờ là Quốc mong muốn được đi xuyên Việt sau khi đã tốt nghiệp. Quốc có ước mơ viết một cuốn sách về lịch sử và văn hóa đa dạng của Việt Nam, để giữ gìn những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ mai sau. Tôi rất thích ý tưởng này và ủng hộ cậu 100 %. Cha mẹ cậu lại nghĩ rằng Quốc nên tìm một việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Đảm bảo. Lớn lên trong cái thời của sự không chắc chắn và những nhọc nhằn, con người ở đây luôn tìm kiếm sự đảm bảo hơn hết thảy mọi thứ khác.

“Chú biết con trai chú muốn làm gì, nhưng chú không muốn nó mạo hiểm cả tương lai của nó. Nó cần phải tìm một công việc ổn định và đảm bảo được một cuộc sống tốt”. Cha Quốc nói với tôi.

“Cháu rất quý con trai của chú. Quốc không giống nhiều bạn trẻ khác mà cháu đã gặp. Cháu nghĩ nếu chú cho Quốc một cơ hội, chú sẽ thấy. Hãy cho cậu ấy sự tự do mà cậu ấy cần. Đi nhiều nơi sẽ giúp cậu ấy mở mang đầu óc và chuẩn bị cho tương lai”.

“Nếu không phải thế thì chú đi tìm cháu và xử lí nhé”. Cha Quốc đùa.

Từ lúc đó, cha mẹ Quốc trở nên cởi mở và thân tình hơn đối với chúng tôi. Chúng tôi cười đùa trong bữa tối, vừa ăn vừa uống bia. Mẹ Quốc không nhịn nổi cười mỗi khi nhìn tôi. “Cháu cười kì quá. Ai lại cười như vậy chứ”. Cô ấy vừa nói với tôi vừa cười. Người phụ nữ vẫn khá đanh đá nhưng cô ấy không có ý gì xấu. Gia đình của Quốc bắt đầu yêu quý tôi.

Ngày hôm sau mưa lớn khiến tôi phải ở thêm một ngày nữa. “Cứ ở lại đến khi nào cũng được”, mẹ Quốc nói. Tôi chắc chắn rằng nếu là ngày hôm qua thì cô ấy đã không nói như vậy. Ly vì có việc nên phải quay về Đà Nẵng sớm. Quốc, Kì – cậu em trai bụ bẫm của Quốc và tôi giành cả ngày để đi xung quanh và thưởng thức các món ăn của Quảng Nam, hay là Quảng Nôm như người dân địa phương ở đây nói. Tôi được thử bánh đập, ốc hút và con ốc to cỡ quả bóng bàn được luộc với nước mắm trong một cái nồi.

Sau bữa tối hôm đó, tôi sắp xếp đồ để rời đi vào ngày hôm sau. Tôi đang dọn đồ thì mẹ Quốc gọi tôi ra phòng khách. “Cô rất vui vì cháu đã ở đây. Lần sau tới Quảng Nam thì phải quay lại thăm nhà cô nghe không? Cô chú chúc cháu may mắn”, cô nói và đưa cho tôi một chiếc quạt.

Trên chiếc quạt in hai dòng chữ: “Đường đời chật hẹp người chen lấn – Lối đạo thênh thang hiếm kẻ tìm”. “Phòng khi cháu bị nóng”. Cô vừa nói vừa cười. Kì, em trai của Quốc, đã trở nên khá thân với tôi, cũng tặng tôi một món quà. Một chiếc vòng đeo tay có thể phát sáng trong đêm được một nhà sư kết lại. Chiếc vòng tay khá nhỏ nhưng tôi thực sự cảm động bởi tình cảm của cậu bé. Quốc nói với tôi đó là chiếc vòng yêu thích của Kì. Cha của Quốc hỏi tôi có cần tiền không nhưng tôi cẩn thận từ chối. Lại một lần nữa, khi tôi bắt đầu cảm thấy thân quen với một nơi lại là lúc tôi phải đi tiếp.

Sáng sớm hôm sau, sau bữa sáng là phở, Quốc và tôi lái xe ra phía bờ biển. Một bên là biển và một bên là sông Trường Giang. Chúng tôi lái xe một đoạn cho tới khi đến được một bến phà. “Phà sẽ đưa anh sang bên kia sông, từ đó anh cứ đi theo đường quốc lộ. Cảm ơn anh rất nhiều vì đã đến thăm gia đình em. Mọi người quý anh lắm. Có lẽ ngày nào đó em cũng sẽ được đi xuyên Việt như anh”. Quốc và tôi tặng nhau vòng tay, ôm tạm biệt, và rồi tôi lên chiếc phà nhỏ.

Năm phút sau, chúng tôi sang tới bên kia sông. Chỉ có một vài người trên chuyến phà, phần lớn đều có xe máy. Không ai hỏi tôi hay đề nghị cho tôi đi nhờ xe. Mọi người có vẻ e ngại người lạ. Tôi đi bộ dọc con đường hẹp, được đón chào bởi những chú chó đang sủa ầm ĩ. Tôi thấy tim mình đang đập nhanh hơn. “Bình tĩnh”, tôi tự nhủ, “Chó có thể cảm nhận sự sợ hãi”.

Khi còn nhỏ, tôi từng bị một con chó đuổi về tới tận nhà. Tôi chưa bao giờ bị chó cắn, nhưng nỗi sợ đó cứ bám lấy tôi. Những tiếng sủa luôn khiến tim tôi đập nhanh. Đi qua hết các nhà, tiếng chó sủa cuối cùng cũng dừng lại. Vấn đề là ở vùng nông thôn, nhà nào cũng có ít nhất một chú chó. Có lẽ là do tôi tưởng tượng, nhưng lũ chó nhìn càng ngày càng to hơn. Giờ thì tôi hối hận là đã thử món thịt chó, vì nghe nói chó có thể biết nếu ta đã ăn bạn của chúng.

Một tiếng đồng hồ như vậy trôi qua cho tới khi tôi dừng chân tại một quán nước nhỏ. Hai người đàn ông lớn tuổi đang uống rượu khá ầm ĩ. Tôi hỏi bà chủ cửa hàng cho tôi ngồi nghỉ nhờ một chút. Tôi không nghĩ là có nhiều khách du lịch đi qua vùng này. Người đàn ông lớn tuổi hơn ở bàn gần đó hét lớn về phía tôi. “Cậu đang làm gì ở đây?”, rõ ràng là ông ấy đang say.

“Cháu chỉ đi ngang qua thôi. Cháu đang đi từ Hà Nội vào Sài Gòn”. Tôi trả lời.

Có vẻ như giới thiệu như vậy chưa đủ, tôi nói thêm rằng tôi làm việc cho đài truyền hình, và đó là một sai lầm.

“Nhà báo nói láo ăn tiền”, ông quát lớn. Ông nói nhiều nhà báo từng đến đây viết nhiều bài bịa đặt. Tôi cố bảo vệ bản thân và chứng minh rằng tôi không làm việc trong ngành truyền thông nữa. “Cháu là người Mĩ gốc Việt. Cháu chỉ đi xuyên Việt để hiểu hơn về Việt Nam thôi”.

Có vẻ như tình hình đã dịu bớt nhưng có vẻ như người đàn ông vẫn có ấn tượng tôi là một nhà báo. “Tôi sẽ cho cậu biết sự thực về Việt Nam. Cậu đến nhà tôi ăn trưa rồi tôi cho cậu biết sự thật”, người đàn ông là ngà nói. Đó là chú Tiến, một người đánh cá thất nghiệp, nổi tiếng nát rượu trong vùng. Chú nhìn chừng hơn năm mươi tuổi, với mái tóc xám và khuôn mặt dài nhiều nếp nhăn. Chú ấy có vóc người gầy và khá cao. Chú Tiến dốc chai rượu uống thêm vài ngụm trước khi ra hiệu cho tôi đi theo.

Tôi miễn cưỡng nhảy lên sau xe chú. Chiếc xe đi nghiêng ngả trên đường. Chú Tiến sống cùng vợ và con trai. Khi chúng tôi đi vào nhà, người vợ ném ánh nhìn giận dữ vào chú như thể nói “Lại say rồi, ông đưa đứa của nợ nào về nhà thế này?”. Chú Tiến giới thiệu tôi với vợ nhưng cô này tỏ ra khá lạnh lùng. Bữa trưa không có gì nhiều ngoài vài miếng cá và một chút rau được bỏ vào nước làm canh. Tôi ăn một tí, cố ý nhường cho cậu con trai với thân hình gầy guộc cần nhiều thức ăn hơn tôi.

Sau bữa trưa, chú Tiến nói muốn đưa tôi đi đâu đó. Bỏ ngoài tai người vợ khăng khăng muốn chú đi ngủ cho giã rượu, chú vẫn đi. Tôi hơi chần chừ với ý nghĩ đi mà bỏ lại đồ đạc ở đó, nhưng rồi tôi vẫn cứ đi. Chúng tôi chạy xe xuống phía biển, nhà của em trai chú Tiến nằm ngay sát biển. Chúng tôi đỗ xe và đi xuống bờ biển. “Dậy đi”, chú Tiến đánh thức người đàn ông đang nằm trên chiếc võng. “Dậy. Cùng đi thôi”, chú nói với người đàn ông. Người đàn ông trẻ hơn lầm bầm điều gì đó và quay người tiếp tục ngủ.

Tôi đi theo chú Tiến đi xuống dọc bờ biển. Đi được một đoạn đã thấy cát được thay thế bởi các tảng đá. “Đây là mũi An Hòa, nơi đẹp nhất ở Việt Nam”, chú nói. Tôi lo chú Tiến loạng choạng sẽ ngã xuống biển và bị cuốn đi mất. Nhưng mặc dù đã khá say như vậy, chú vẫn tỏ ra khá duyên dáng và thành thạo. Chúng tôi vô tình gặp một gia đình đang ngồi nghỉ giữa những phiến đá. Họ gồm một người đàn ông, vợ của chú ấy, một cô gái hai mươi mốt tuổi, một cậu bé mười hai tuổi cùng hai người phụ nữ già dặn.

Người đàn ông nhìn tầm tuổi chú Tiến giới thiệu rằng họ tới từ Hà Nam, nơi tôi vừa ghé thăm. “Tuyệt. Theo tôi, đi thám hiểm chút nào”, chú Tiến nói với gia đình này. Họ đi theo thật. Đúng là chỉ có ở Việt Nam mới như vậy, tôi thầm nghĩ.

Chúng tôi trèo qua các tảng đá lớn. Giầy và quần của tôi đều bị ướt khi chúng tôi phải băng qua một vài chỗ nước cao. Có những chỗ chúng tôi còn phải bò cả bằng tay và đầu gối. Tôi đi tụt lại phía sau để giúp hai người phụ nữ có tuổi.

“Thấy con nhỏ kia không?”, một trong hai người phụ nữ hỏi tôi. Tôi gật đầu, nhìn về phía cô gái trẻ đang lúng túng.

“Cháu của cô đó, vừa mới tốt nghiệp đại học, thông minh lắm. Nếu mà cháu chưa có vợ, cô giới thiệu cho”, cô vừa cười vừa nói.

Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đường quay lại chỗ chiếc xe máy và lái xe về. Tôi mệt rã rời nhưng chú Tiến vẫn có vẻ tràn đầy năng lượng. Nghỉ ngơi uống trà một lúc, chúng tôi lại lên đường đi thăm thị trấn. Chúng tôi ghé thăm gia đình vợ của chú Tiến. Chú Tiến nói người nhà mang ra cho chúng tôi hai quả dừa ngọt lịm. Rồi hai chúng tôi đi bộ tới một nhà họ hàng khác. Ngồi ngoài hiên nhà là hai phụ nữ và một người đàn ông lớn tuổi đang ăn dưa hấu.

“Chào con. Lâu rồi chưa gặp. Dạo này lớn quá”, người phụ nữ mập mạp nhìn tôi và nói. Có vẻ có rất nhiều phụ nữ đậm đà, khỏe mạnh ở ngôi làng này. Tôi nhìn bà bối rối. “Mắt bà bị làm sao thế. Không phải nó đâu, thằng kia mập và xấu kìa”. Chú Tiến nói lớn và cười với người phụ nữ lớn tuổi. Bà nhầm tôi với một đứa cháu họ nào đó, một người mập và xấu như chú Tiến nói. Tôi thì thấy vui vì hóa ra đến lúc này thì cũng đã có người nghĩ tôi nhìn giống người Việt Nam sau rất nhiều lần người ta tưởng tôi là người Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippin, hay bất cứ người châu Á nào khác chứ không phải Việt Nam.

Lần này tôi được mời uống nước cam, cắn hạt dưa và ăn mứt dừa. Chú Tiến như nhảy vồ lấy chai rượu. Không khí được hâm nóng bởi sự xuất hiện của một người đàn ông nữa. Chú này khoảng bốn, năm chục tuổi với mái tóc gần hói hết với vài sợi dài chạy quanh đầu như râu. Chú này tự giới thiệu mình là Minh, một nhà thơ nổi tiếng và một thầy cúng chuyên chủ trì các đám tang.

Chú Minh rất ồn ào, thô lỗ và hay tự khen bản thân. Chú này có nhiều từ nghe rất hay, nhưng từ nào khi nói ra cũng là về bản thân mình. Sau một vài chén rượu, hai người đàn ông bắt đầu cãi cọ xem ai uống được nhiều hơn.

“Hôm nay tôi đi một đám tang và uống nhiều bia với rượu quá”. Chú Minh khoe.

“Tôi vừa uống hết hai chai rượu với bạn chiều nay, đúng không cháu!?”, chú Tiến quay sang chờ tôi xác nhận.

“Ồi, dù sao thì tôi cũng uống được nhiều hơn ông. Tôi còn bắt cá lành nghề hơn nữa”.

“Ông là ông già say rượu, làm sao bắt cá được. Đi. Tôi chỉ cho ông bắt cá là thế nào”.

Cuộc tranh luận dẫn tới chuyến đi bất ngờ ra bờ biển. Không bị làm phiền bởi bàn tay con người, bãi biển có một vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ. Những hàng cây bao quanh bờ biển như những lính gác đang canh giữ một bí mật nào đó. Những đám mây đen hiện ra lờ mờ trên bầu trời càng khiến khung cảnh trở nên huyền bí và có phần lãng mạn. Tôi đã từng đến nhiều bãi biển ở Việt Nam, từ Đà Nẵng tới Phú Quốc. Nhưng đứng trước sự mênh mông của đại dương ở đây, nơi này lập tức trở thành bờ biển yêu thích của tôi.

Bãi biển trải dài khoảng vài kilômét về cả hai phía, hầu như không một bóng người ngoại trừ bóng dáng một cậu thiếu niên ở đằng xa. Cậu bé đang cào nghêu trong bùn. Làn nước dưới chân tôi mát rượi. Tôi cởi áo và cảm nhận được làn gió ấm áp đang thổi qua cơ thể mình. Hai người đàn ông rảo bước phía trước đi về phía những con sóng, tôi theo sát phía sau. Không biết có phải vì sự thanh bình của cảnh vật hay tại cả hai người đã quên, cuộc thách đấu đã bị quên lãng.

Nhưng hòa bình không tồn tại được lâu. Đi khỏi bãi biển thanh bình, hai người đàn ông lại tiếp tục tranh cãi. Chú Minh khoe khoang về khoản thu nhập mười lăm triệu đồng một tháng của mình, trong khi chú Tiến thì rõ ràng là đang nợ nần. Căng thẳng quay trở lại. Chú Tiến từ chối lên xe máy đi về và bảo tôi cùng đi bộ. Mặc dù vậy, khi chú Minh đưa chúng tôi về, chú Tiến mời người bạn ở lại dùng bữa tối và chú Minh vẫn vui vẻ nhận lời.

Bữa tối quả là lộn xộn, kết thúc với cuộc tranh cãi nảy lửa và chú Minh đột ngột bỏ về. Cả hai, người nọ đều cố uống được nhiều hơn người kia. Khi chú Minh đề nghị cả hai nên dừng liền bị chế nhạo và phải nhận rượu phạt. Thế là cả hai lại uống nhiều hơn và cãi vã vì những điều không đâu. Rút cục, chú Minh xin lỗi và giận dữ bỏ về, không quên buông vài câu chửi tục trên đường ra.

Chúng tôi tiếp tục bữa ăn. Nhưng không có nhiều thức ăn lắm. Tôi nghĩ gia đình chú Tiến không khá giả gì. Tôi có vô tình nghe được câu chuyện giữa chú và vợ về việc đi mượn tiền. Vợ chú Tiến hầu như chẳng ăn gì. Tôi cảm thấy tội lỗi. Quyết định nói dối rằng tôi đã no. Cô vợ bắt đầu ăn và gắp những đồ ăn còn thừa. Tôi có thể hình dung cuộc sống của cô khó khăn như thế nào, lại cộng thêm thói uống rượu của chú Tiến. Mẹ tôi kể ông ngoại cũng từng như vậy. Cứ khi nào có tiền, ông lại mời tất cả các bạn tới nhà để ăn và uống, trong khi gia đình của ông thậm chí không đủ ăn. “Bà ngoại từng phải đi hái rau bên đường để nấu canh”, mẹ tôi từng kể như vậy.

Sau bữa tối, chúng tôi đi bộ vài vòng. Chúng tôi đi trong im lặng trên con đường tối đen. Tiếng động duy nhất có thể nghe thấy là những con chó. Con chó của chú Tiến đi theo chúng tôi, nhìn chằm chằm như thể chọc tức những con chó khác đang ngáng đường nó. Hẳn nói phải là một con chó có thâm niên trong làng, chỉ cần gầm gừ là lũ chó khác đã phải rên rỉ bỏ đi. Tôi và chú Tiến đi tới một cánh cổng có tấm biển trên cao ghi “Nhà văn hóa thôn Bình Trương”. Tiếng nhạc ầm ĩ phát ra từ loa, nơi một nhóm các cô gái đang cố gắng nhảy ngoài sân với rất ít sự đồng điệu.

Chúng tôi ở lại một chút để xem bọn trẻ tập nhảy trước khi tới thăm nhà một người họ hàng nữa. Trong căn nhà, những người đàn ông đang ngồi tụm lại và rõ ràng là họ vừa mới kết thúc bữa tối trong trạng thái say rượu. Một người đàn ông da ngăm đen, dáng khỏe mạnh, tầm ba mươi, mời tôi ngồi xuống uống một chén. Tôi nhận lấy chiếc cốc và uống liền một ngụm, rượu chảy xuống cay xè như đang đốt cháy cổ họng tôi.

“Nghe nói cậu là phóng viên, muốn đến tìm hiểu về làng chúng tôi”, anh này hỏi đầy ngụ ý. “Họ lấy hết tiền của chúng tôi. Cậu mà muốn viết thì viết về cái đó ấy vì tôi thì không thể. Nếu tôi mà viết một bài báo, cậu nghĩ có ai dám đăng không? Có không? Không!”.

Giọng anh này bắt đầu trở nên giận dữ và khuôn mặt đỏ lên vì giận. Tôi không lấy thế làm lo, cơn giận của anh ta không nhắm tới tôi. Không cần anh ta giải thích, tôi hiểu “họ” là ai. Người đàn ông nắm lấy cổ tay tôi và kéo lại gần. “Nông dân nghèo như bọn tôi chẳng có tiền hay được giúp gì hết. Họ lấy tiền của chúng tôi. Tại sao? Tại sao? Để họ lại giàu thêm à? Sao không dùng tiền để xây trường học? Tại sao?”.

Tới lúc này, anh ta gần như hét toáng lên và làm mọi người đều chú ý. Một vài người tới bên và cố trấn an anh này và khuyên tôi nên về nghỉ. Chú Tiến và tôi sang phòng bên, nhưng người đàn ông khi nãy lại đi theo. Anh ta hét lên điên dại. “Tại sao? Tại sao phải sống tiếp thế này? Tiền đi đâu hết rồi?”.

Người đàn ông đi theo chúng tôi về tới tận nhà. Tôi chắc rằng ai đó bắt anh ta phải đi theo để xin lỗi, họ sợ tôi sẽ đi báo cáo về anh này. “Anh xin lỗi, nhưng anh nói thiệt”, anh nói đi nói lại, cầm lấy tay tôi rất chắc.

Anh ta quay sang chú Tiến tìm sự đồng tình sau khi nhắc lại lần cuối. “Anh phải nói cho em nghe sự thật”. Vợ của chú Tiến đã chán ngấy với mấy chuyện say sưa rượu chè trong chỉ một buổi tối nên cô đề nghị anh này đi về. Anh chàng lập tức vâng lời. Chú Tiến cũng đứng dậy, đi ra ngoài hút một điếu thuốc. Tôi và cô vợ ngồi lại trong nhà.

“Cô không muốn xấu tính nhưng mà phải làm khó với chồng cô. Đàn ông mà uống vào là hay nói điều ngốc nghếch lắm. Ông ấy là người tốt, có lòng nhân hậu nhưng mà cô ghét mấy người uống vào là nói to. Khi cháu đến đây lúc chiều, cô còn chưa tin cháu đâu. Cô tưởng chồng cô lại uống say và đưa người lạ về nhà. Nhưng cô thấy cháu cũng ngoan ngoãn và không có uống rượu”. Tôi ngồi, lắng nghe cẩn thận.

“Cô không tin người nữa vì ngày xưa cô bị lừa một lần rồi. Xưa lắm, có một ông trẻ tuổi nhìn mặt hiền lành đi ngang qua đây. Ổng đưa cho cô tờ một trăm đô la Mỹ và bảo cô đổi tiền cho ổng. Nhưng mà chẳng ai đổi được cho ổng, thì ổng hỏi xin mượn của cô ba trăm ngàn đồng để giúp mẹ đang nằm viện. Hồi ấy như thế là nhiều tiền lắm. Ông ta đưa cô tờ tiền và nói là sẽ quay trở lại. Ấy nhưng mà đó là tờ tiền giả. Cô bị lừa một lần rồi nên tự hứa là không để ai lừa thêm lần nữa”.

Tôi nhớ lại một người nông dân ở Hà Tĩnh đã nói với tôi về lòng tin người của người Việt Nam. “Nếu chúng tôi tin cậu, chúng tôi sẽ thật là tin cậu. Nhưng mà nếu cậu đánh mất lòng tin đó, cậu sẽ không bao giờ được chúng tôi tin nữa”.

Chúng ta sống và học hỏi, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ là những con người như trước nữa. Chúng ta trở nên mệt mỏi với những trò lừa đảo và sự thiếu trung thực. Đó có thể là lí do vì sao người Việt Nam không mấy tin nhau nữa. Hãy tưởng tượng một gương mặt em bé xinh xắn, mềm mịn khi bị cào xước. Máu sẽ không chảy lâu, vết thương sẽ sớm lành, nhưng vết sẹo thì mãi mãi hằn dấu ở đó.

Đêm đó tôi ngủ cạnh chú Tiến, trong lòng lẫn lộn những suy nghĩ và cảm xúc về người đàn ông này. Chú ấy là một người đàn ông tốt có tấm lòng nhân hậu. Nhưng cái tật uống quá nhiều rượu là điều tôi luôn nhớ và ghét nhất khi nghĩ về cha của mình. Đàn ông Việt Nam gặp vấn đề nghiêm trọng về việc nghiện rượu. Rượu có thể giúp họ tạm thời trốn thoát khỏi những nhọc nhằn của cuộc sống, nhưng rượu lại gây ra quá nhiều vấn đề cho gia đình của họ. Sau tất cả những chuyện vừa xảy ra lúc tối, tôi biết tôi phải rời đi vào ngày hôm sau.

Mùi bún cá thơm lừng đánh thức tôi dậy sáng hôm sau. Vợ chú Tiến bán bún cá ngay tại nhà. Một vài vị khách đã đang ngồi ở chiếc bàn nhựa nhỏ. Cô ấy bắt tôi phải ăn hết hai bát trước khi đi. Đến lúc phải chia tay, cô ấy đến ôm tôi. “Phải hứa là quay lại đây thăm cô chú nha”, cô nói với giọng hơi nghèn nghẹn. Tôi ôm cô thật chặt, tôi biết mắt mình đã hơi ướt.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.