John Đi Tìm Hùng

Chương 7 – Phần 2



Chú Tiến chở tôi đến một bến phà. Tôi chợt nhận ra mình đã đặt chân lên một hòn đảo từ bấy đến nay mà không hay. Tôi ngần ngại đưa số điện thoại của tôi cho chú, trong thâm tâm biết rằng thỉnh thoảng tôi sẽ nhận được những cú điện thoại của một người say. Tôi vươn tay ra định bắt tay chú, nhưng chú tiến tới và ôm tôi. Tôi nhìn vào khuôn mặt của người đàn ông đang tỉnh táo. “Chú là người tốt, chú Tiến. Chú đừng uống nhiều quá”, tôi nói với chú trước khi lên chuyến phà.

Chúng tôi sang được bờ bên kia. Sự thanh bình và cô lập của ngôi làng tôi vừa tới thăm cứ như đã cách xa hàng triệu năm ánh sáng. Tôi rẽ nhầm đường, không kịp nhận ra tôi đang đi lên một con dốc dẫn tới phía cảng Kì Hà. Bất chợt tôi nhìn thấy một cảnh tượng như được lấy ra từ một bộ phim. Gần cánh cổng của một khu nhà máy hay xưởng sản xuất là một con đường dẫn xuống một mảnh đất rộng khoảng vài trăm mét. Một vài chiếc xe ô tô đang đỗ dưới đó, có cả những chiếc xe của quân đội với biển xe màu đỏ có thể thấy rõ từ xa. Một chiếc xe nhỏ màu đỏ đun chở bốn vị khách tiến vào khu đất.

Một người đàn ông tiến tới chiếc xe và hét lên điều gì đó. Tôi có thể nghe thấy tiếng la lớn, nhưng khoảng cách quá xa nên tôi không nghe rõ ông ta nói gì. Chiếc xe vẫn chầm chậm tiến lên, người đàn ông giờ đã đứng ngay trước đầu xe. Đột nhiên một tiếng động lớn vang lên. Người đàn ông đập mạnh hai tay xuống mui xe. Tôi nấp sau một gốc cây để xem chuyện gì đang diễn ra, không muốn bị ai nhìn thấy. Một người đàn ông thấp bé ngồi ghế sau bước xuống xe và tiến lại gần người đàn ông đang đứng trước mũi xe. Ông ta hét lớn điều gì đó nhưng rồi bị người đàn ông to hơn đẩy ngã và rút ra một khẩu súng. Những tiếng la hét còn tiếp tục nhưng tôi không muốn ở lại để tìm hiểu thêm gì nữa.

Tôi đi sang đường và ngay lập tức chạy thẳng xuống con dốc. Tim tôi đập loạn xạ. Tôi chạy mải miết cho tới khi suýt va phải một người đàn ông. Anh ta mặc quần áo lao động và một chiếc mũ bảo hộ, rõ ràng anh ta làm việc ở cái nơi mà tôi vừa nhìn thấy đằng sau cánh cổng lúc nãy. Tôi nói với anh ta rằng tôi bị lạc đường và đang tìm đường đến quốc lộ 1A. Tôi quyết định không nói với anh ta điều tôi vừa chứng kiến. “Bạn là người Hà Nội à?”, tôi hỏi anh ta sau khi nghe được giọng nói miền Bắc quen thuộc. Anh ta trông có vẻ tầm tuổi tôi. Anh ta nói đang làm việc ở đây. Trông anh chàng có vẻ hơi lo lắng khi nói chuyện với tôi. Tôi chỉ hỏi đường đi và tiếp tục lên đường.

Con đường 618 dẫn tới quốc lộ 1A có quang cảnh thiên nhiên rất đẹp. Những hàng cây cao trải dài cả hai bên đường, khiến bạn có cảm giác như bạn đang đi trong một khu rừng. Sau vài giờ đồng hồ, tôi đến thị trấn Núi Thành. Tôi nhìn thấy một bà cụ bán quán nước nhỏ bên đường. Bà dường như đã quá già để làm việc. Tôi hỏi xin ít nước và nói rằng tôi vừa đi từ Kì Hà tới.

“Thật à? Tại sao cháu đi bộ? Tại sao cháu không đi xe độp?”, bà hỏi tôi với giọng Quảng Nam đặc trưng. Khá bối rối, tôi hỏi lại bà xe độp là xe gì. Bà đưa hai tay ra phía trước và đưa một chân lên đạp đạp, làm ra vẻ đang đạp xe đạp. “Xe độplà xe mà sinh viên hay đi đấy”, bà vừa cố gắng diễn tả vừa nói. Tôi không nhịn nổi cười trước cảnh tượng hài hước. “Cháu xin lỗi bà, giọng Quảng Nam hơi khó nghe nên bây giờ thì cháu mới hiểu ạ”. Tôi giải thích.

Bà mời tôi vào ngồi và mang cho tôi một chai nước. Tôi nói với bà rằng tôi không có tiền. Bà nhìn tôi với ánh mắt hoài nghi. Vẫn đang cố quên đi trận cười vừa rồi, tôi giải thích cho bà rằng tôi đang đi xuyên Việt không cần tiền.

“Trời ơi cái gì mà khổ vậy? Khổ quá. Tại sao cháu không đi xe độp hay xe máy đi?”.

“Cháu đi như này thì được tiếp xúc với nhiều người hơn. Việc này quan trọng với cháu, vì cháu muốn hiểu Việt Nam và người Việt Nam”.

“Đi tìm hiểu cái gì, người Việt Nam chỉ khổ và nghèo thôi. Sống ở đây khổ, nhưng mà phải cố để còn nuôi con cháu. Chắc bà là người nghèo nhất cái khu này nhưng mà bà vẫn quyết tâm cho các con bà đi học”.

“Ba đứa con. Hai đứa là bác sĩ, một là giáo viên. Một đứa ở Sài Gòn, một đứa ở Đăk Lăk và một đứa ở đây, Quảng Nam”.

Tôi hỏi bà tại sao bà vẫn còn phải làm việc. “Bà tám mươi mốt tuổi rồi, chồng bà mất vài năm trước. Nhưng bà không muốn ở nhà cả ngày, làm việc thì bà mới khỏe”.

Chúng tôi tiếp tục trò chuyện. Bà kể cho tôi nghe bà gặp người chồng thứ hai như thế nào. Lúc mới gặp bà ghét ông ấy lắm vì lúc nào ông cũng trêu bà, nhưng rồi bà quý mến ông lúc nào không biết. Bà nói bà không dùng điện thoại vì bà thấy “nói vào một cái máy thì kì cục lắm”. Tôi chỉ ngồi và lắng nghe, bất ngờ vì bà nhớ cả từng chi tiết nhỏ.

Tôi nghỉ đêm tại số 950 đường Phạm Văn Đồng. Bà Hiền có đủ nhiều các câu chuyện thú vị để lấp đầy một trang sách. Sáng sớm hôm sau, tôi cùng bà cụ ăn một bát cháo, và rồi lên đường. Điểm dừng chân tiếp theo của tôi là thành phố Quảng Ngãi. Khoảng 5 giờ sáng, tôi đi qua cầu Trà Khúc. Đoạn đường đi nhanh hơn tôi tưởng nhiều, nhờ có một bác nông dân cho tôi quá giang khoảng 8 kilômét. Bác ấy đã dừng xe và hỏi tôi đang đi đâu. Sau khi giới thiệu về bản thân, tôi nói với bác nơi tôi đang đi đến, bác nói bác có thể đưa tôi đi cùng.

Tôi tới một công viên và gọi cho Phương, một người bạn trên mạng facebook đã đề nghị cho tôi ở nhờ. Cô bạn đón và đưa tôi về nhà. Cuối cùng thì tôi cũng có thể tắm gội. Một lần nữa, tôi thấy hơi ngại khi ở nhờ nhà một cô gái. Nhưng cô ấy đã đính hôn và sắp làm đám cưới.

Phương ở cùng cha mẹ, em trai, và một người họ hàng từ quê lên để học trung học. Còn có cả Bim, chú chó mà gia đình Phương đã mang về nuôi sau khi thấy nó bị đâm bởi một chiếc ô tô. Sau khi tắm gội sạch sẽ, tôi được tiếp đón với rất nhiều đồ ăn ngon do mẹ Phương nấu. Nem chiên, cá, thịt kho, rau xanh được rưới sữa chua do chính mẹ Phương làm. Cha của Phương đến tối mới về nhà, sau khi đi dự một đám cưới.

“Hello. Nice to meet you”. Chú chào tôi bằng tiếng Anh khá ổn.

“Chào chú”, tôi trả lời.

“Ôi trời, chú cứ tưởng là được luyện nói tiếng Anh cơ chứ. Thế mà cháu lại nói tiếng Việt”. Chú ấy cười lớn.

Ngày hôm sau Phương dẫn tôi đi quanh Quảng Ngãi. Chúng tôi đi tới chùa Thiên Ấn trên đỉnh một ngọn núi. Tượng Phật và ngôi chùa một cột vươn cao lên trời xanh một cách hùng vĩ và hiên ngang. Điểm dừng tiếp theo của chúng tôi là dọc con sông Trà Khúc và thưởng thức đặc sản của Quảng Ngãi. Sông Trà Khúc thực sự kì lạ, đó là một con sông không có nước. Sông đã cạn từ nhiều năm trước, những gì còn nhìn thấy được chỉ là đáy sông. Chúng tôi thưởng thức một món ăn không có tên, theo như Phương nói. Hai chiếc bánh đa với trứng ở giữa. Bên trên là một chút rau và gia vị. Chấm với tương ớt. Một công thức tuyệt vời.

Sáng sớm hôm sau, mẹ Phương và bạn của cô đưa tôi đi ăn sáng trước khi chở tôi ra bến xe đi cảng Sa Kì. Như lời khuyên của Quốc, tôi muốn tới đảo Lý Sơn. “Anh phải tới đó. Hòn đảo đẹp lắm nhưng con người ở đó mới tuyệt. Họ là những người tốt nhất ở Việt Nam”, tôi nhớ lời của Quốc.

“Chừng này chắc đủ cho cháu tới đảo đó và quay về”, mẹ Phương nói và rút ra tờ hai trăm ngàn đồng. “Cháu có cần thêm không?”, cô hỏi tôi, tay mở chiếc ví tìm thêm mấy tờ tiền.

“Dạ không cảm ơn cô. Vậy đủ rồi”. Tôi trả lời, hi vọng Quốc nói đúng và người dân trên đảo là những người hiếu khách và tốt bụng.

Chiếc xe buýt cập bến. Tôi đi mua một vé. Tôi cảm thấy không thoải mái lắm khi thấy nhiều người mặc quân phục đi lại ở đây. Tôi đoán họ là công an hoặc bộ đội. Tôi cứ nghĩ sẽ có nhiều người nước ngoài, nhưng chẳng có một ai. Có lẽ tình trạng hiện tại ở Hoàng Sa và Trường Sa khiến ít khách du lịch tới đây hơn. Nhưng tôi đã đi quá xa để có thể quay lại.

“Em là người nước ngoài à?”, một người đàn ông mặc quân phục hỏi tôi. Tôi thật sự không hiểu mục đích câu hỏi này nếu tôi là người nước ngoài thật thì làm sao lại hỏi tôi bằng tiếng Việt?

“Dạ, không ạ”. Tôi nói dối một cách lịch sự, trong lòng tự nghĩ mình vừa phạm luật.

“Em từ nước ngoài về Việt Nam đúng không?”, anh hỏi tôi lần nữa một cách nghiêm khắc hơn. Chắc anh đang nghi ngờ tôi. Rắc rối rồi. Tôi nhìn theo đôi tay của anh đang đưa xuống chống vào hông, nơi khẩu súng được đặt trong bao.

“Dạ không”. Tôi nói, hi vọng anh ta không hoài nghi. “Em đang đi đảo Lý Sơn à?”, anh hỏi tiếp.

“Vâng”. Tôi trả lời, cố gắng giữ bình tĩnh. Tôi cứ đinh ninh rằng sắp bị hỏi xem giấy tờ tùy thân.

“Em từ đâu tới?”, anh ta lại hỏi.

“Hà Nội”, tôi trả lời, cố gắng nói cho đúng ngữ điệu. Tôi thở nhẹ nhõm khi anh ấy bước đi.

Chuyến tàu kéo dài hơn một tiếng, biển lặng, nhưng dạ dày của người Việt Nam có vẻ rất mỏng manh dù ở trên cạn hay trên biển. Từng người một đi vào phòng vệ sinh để ói. Một lát sau con tàu đã nồng nặc mùi hôi. Có thể nghe thấy rõ tiếng thở phào nhẹ nhõm của các hành khách khi con tàu cuối cùng cũng cập bến, vậy là họ cuối cùng cũng được đứng trên mặt đất không chòng chành.

Chúng tôi cập bến hòn đảo chính. Lúc này là 11 giờ trưa, nhưng đã cảm nhận thấy rõ sức nóng mặt trời đang cào trên da. Tôi thoa ít kem chống nắng lên da trước khi lên đường. Bến cảng nhỏ rộn ràng những người bán hàng, các ngư dân và những con thuyền đậu xung quanh. Đi lên phía trên là một thị trấn nhỏ, có một biển chào mừng du khách đến với đảo Lý Sơn. Tôi rẽ trái và đi, mặc dù không rõ mình đang đi đâu. Tôi không biết chút gì về hòn đảo này, chỉ được nghe rằng con người ở đây rất tốt.

Đảo Lý Sơn

Tôi đi xuyên qua thị trấn, đến một con đường đất. Đã khoảng giữa trưa. Tôi đi tới một nghĩa trang với những ngôi mộ nhiều màu sắc. Nhìn từ xa trông giống như những ngôi nhà nhỏ, nhưng tới gần thì những bia mộ đã lộ rõ. Tôi cảm giác như có ai đó đang nhìn theo mình, vì tóc gáy của tôi như dựng đứng. Nhưng chẳng có ai xung quanh. Tiếng của đại dương dường như cũng im bặt, sự im lặng tuyệt đối bao trùm không gian. Con đường duy nhất là đi xuyên qua khu nghĩa trang. Tôi thận trọng di chuyển, đầu cúi thấp, thi thoảng ngẩng lên để nhìn tượng Phật phía trước như đang dẫn đường.

Sau khoảng vài tiếng đồng hồ, tôi tới được pho tượng và leo lên những bậc thang trên vách núi. Đi được khoảng nửa đoạn, có một chặng dừng chân nhỏ. Một nhà sư đang nằm ngủ trên chiếc võng. Tôi quyết định không làm phiền ông mà xách ba lô lên và đi tiếp. Lên tới đỉnh, tôi nhìn thấy một miệng núi lửa khổng lồ. Nhìn giống như một thiên thạch lớn đã lao xuống đây và tạo một vết khoét hoàn hảo. Một cơn gió mát lạnh thoảng qua khiến tôi sởn da gà. Tôi quyết định đi tiếp.

Tôi tiếp tục đi bộ dọc theo bãi biển, hi vọng có thể đi vòng quanh hòn đảo. Tôi đi khá chậm bởi bãi cát nhiều đá lởm chởm. Một chai nước của tôi nhanh chóng bị uống cạn. Đi tới phía bên kia của hòn đảo, tôi gặp một nhóm bảy người đàn ông với vẻ ngoài khá dữ tợn đang ngồi trên các mỏm đá. Nỗi sợ xuất hiện, nhưng tôi nhận ra đã quá muộn để quay đầu. Mười bốn con mắt nhìn tôi chằm chằm.

“Cậu đi đâu?”, một người đàn ông cởi trần hỏi tôi.

“Chỉ đi du lịch thôi”, tôi đáp lời, hi vọng họ không nhận ra tôi không phải người Việt Nam.

“Thế à? Từ đâu tới?”, một người đàn ông khác với vẻ ngoài hung dữ hơn lên tiếng.

“Hà Nội”.

“Chắc có máy ảnh chứ nhỉ, chụp ảnh tụi tôi đi”, một người khác hỏi. Tôi chợt vội nhìn xung quanh mong tìm được một lối để bỏ chạy. Chẳng còn đường nào khác. Tôi đã dám chắc là mình sẽ bị ăn đòn và trấn lột.

Không còn lựa chọn nào khác, tôi rút máy ảnh ra khỏi túi. Họ tụm lại và để tôi chụp một bức ảnh. Đương nhiên sau đó họ hỏi xem ảnh. Tôi theo dõi trong lo lắng khi họ chuyền tay nhau chiếc máy ảnh.

“Ảnh đẹp đó. Tối nay cậu ở đâu?”, một người đàn ông lớn tuổi hỏi tôi, tay đưa lại cho tôi chiếc máy ảnh.

“Cháu chưa biết, cháu chỉ muốn đi quanh để xem đảo”, tôi trả lời, vô cùng vui mừng khi lấy lại chiếc máy ảnh.

“Nếu muốn thì cậu ngủ ở ngoài biển được đó. An toàn lắm. Người dân ở đây rất tốt bụng. Để xe máy ngoài đường không khóa, mấy ngày sau nó vẫn sẽ ở đó thôi”.

Tôi thấy đỡ sợ hơn chút nhưng vẫn rất cảnh giác.

“Chùa Hang ở ngay phía trên kia thôi. Cậu nên đi tiếp đi, trời đang tối rồi”. Tôi cám ơn nhóm người vì lời khuyên của họ và tiếp tục đi lên phía trên, thỉnh thoảng vẫn không quên nhìn lại để chắc chắn rằng họ không đi theo tôi.

Chùa Hang đúng là ở ngay gần. Chỉ có một bức tượng Phật ở ngay trước một cái hang hay động. Tôi đi qua nhanh chóng, không kịp nhận ra có nước ngầm phía dưới có thể uống được. Tôi đến được một đoạn bờ biển rất đẹp, nằm cách ngọn hải đăng khoảng 500 mét. Tôi gần như ngã xuống vì mệt. Vài giờ đồng hồ sau, tôi tỉnh dậy và thấy mặt trời đã bắt đầu lặn. Phải mất một lúc tôi mới nhận ra mình không có lối thoát. Thủy triều đã dâng lên nhanh chóng, chặn mọi đường đi trên bãi biển. Phía sau tôi là một tảng đá dựng đứng, chẳng thể trèo qua. Không ai ở xung quanh. Chỉ có một mình tôi.

Sau khoảng thời gian hoảng loạn, tôi chấp nhận sự thật là mình sẽ ở lại đây tối nay. Nỗi lo đầu tiên là đồ ăn. Với một kẻ không chuyên như tôi, việc bắt cua cá bằng tay không là không thể được, mặc dù có rất nhiều cua cá ở xung quanh. Tôi cố gắng dùng tay, gậy, đá, nhưng lũ cá và cua dễ dàng né tránh. Được một lúc thì tôi từ bỏ nỗ lực tìm đồ ăn và đi nhặt mấy mẩu thân cây để chuẩn bị cho màn đêm.

Đêm đó là một trong những trải nghiệm kinh khủng nhất đời tôi. Cả ngày tôi chưa ăn chút gì, nhưng đáng ngại hơn là cơn khát của tôi. Chai nước cuối cùng của tôi đã vỡ từ lúc nào và giờ thì chẳng còn lại chút gì để uống. Xung quanh là nước, nhưng chẳng thể uống được. Tiếng vỗ rì rầm của sóng biển như đang trêu tức và thử sức chịu đựng của tôi. Tôi quá khát nên đã ngu ngốc thử uống nước biển và rồi gần như nôn ra. Dấu hiệu duy nhất của con người là những ánh đèn từ những chiếc thuyền đánh cá ở phía xa, tôi đã có thể hét to, nhưng họ cũng sẽ chẳng nghe thấy tôi.

Lửa không cháy được lâu vì chẳng có gỗ để đốt. Ánh trăng chỉ đủ để bạn thấy những hình ảnh lờ mờ hiện ra như những cái bóng. Tôi ngủ chập chờn, liên tục tỉnh giấc bởi những giấc mơ về nước ngọt, nước trái cây hiện ra trong đầu. Nửa đêm tỉnh dậy, nước biển đã dâng tới cửa lều của tôi, thế là tôi lại phải chuyển chiếc lều lên mô cát cao hơn. Nửa còn lại của buổi đêm chỉ toàn những giấc mơ về các loại đồ uống.

Tôi sống sót qua màn đêm và quyết định như vậy là đủ rồi. Tôi quyết định quay trở lại đất liền. Đường về lại chẳng hề dễ dàng. Thủy triều đã rút nhưng vẫn còn quá cao. Tôi phải lội nước cao tới hông, đội chiếc ba lô nặng 15 kilôgam trên đầu, chiến đấu với những cơn sóng không ngừng đập vào người. Lần này khi tới chùa Hang, tôi quyết định đi đường phía trong. Sau khi gặp được một người dân và hỏi đường, tôi biết còn phải đi thêm 8 kilômét nữa. Chắc tôi sẽ không về kịp chuyến tàu.

Xuất hiện để giải cứu tôi là một người phụ nữ khá lớn tuổi. Cô ấy đang đi thì bỗng nhiên dừng lại và nhìn tôi. Chẳng hỏi một câu nào, cô ấy bảo tôi lên xe, “Cháu sẽ không về kịp tàu đâu”. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện nhưng tôi chỉ hiểu được khoảng một nửa những gì cô nói, giọng nói của cô hơi khó nghe. Đến được bến tàu, mọi người vẫn đang gỡ và chất hàng hóa. “Lên tàu đó đi”, cô nói, “đi không mất tiền đâu”. Tôi cảm ơn cô vì đã giúp tôi mà chưa đi cả đến nơi cô cần đến. Tôi thấy rất buồn vì không có tiền để trả cho cô. Cô cười rất hiền. “Cô không lấy tiền của cháu đâu”.

Tôi vứt ba lô lên chiếc tàu và tìm người để hỏi xin ít nước. Một phụ nữ bán đồ ăn và đồ uống trên bờ đã mời tôi uống miễn phí. Tôi uống vài cốc, đủ để làm dịu cơn khát nhưng tôi cố không uống nhiều, vì tôi nghĩ nước ngọt không có nhiều trên đảo này. Tôi ngồi lên tàu và bắt chuyện với vài người dân địa phương, mọi người đều vô cùng thân thiện.

“Anh nên tới đảo nhỏ, ở đó đẹp lắm”. Một cậu thiếu niên làm việc trên tàu nói với tôi. Tôi nhìn vào túi của mình, tôi chỉ còn chín mươi ngàn đồng trong số tiền hai trăm ngàn mẹ Phương đã đưa trước. “Anh không đủ tiền”, tôi nói. Cậu bé cười. “Đừng lo, để em nói với cô đó. Cô ấy sẽ giảm giá cho anh”.

Đột nhiên một cô gái tiến tới phía tôi. “Em đã đọc báo về anh, cho em chụp một kiểu ảnh với anh nhé?”. Nhưng trước khi chúng tôi kịp chụp ảnh, một phụ nữ trên chiếc tàu nhỏ gọi cô gái lên tàu. “Anh đi lấy ba lô đi rồi lên tàu này nha”, cậu bé nói với tôi. Chiếc tàu chờ tôi trong khi tôi chạy về phía chiếc tàu to hơn để lấy ba lô. “Cám ơn em nhiều”, tôi cố hét vọng lại chỗ cậu bé và vẫy tay. Tôi nhảy lên chiếc tàu nhỏ hơn. Trên tàu, tôi đã chụp ảnh với cô gái tên Lê và em trai của cô ấy. Hai người đến từ Hà Nội. Họ đang đi du lịch quanh Việt Nam. Trên thuyền còn có hai chị người Sài Gòn.

Quyết định đi đảo nhỏ của tôi đã được đền đáp. Chỉ 25 phút đi tàu, trước mắt tôi đã hiện ra làn nước trong vắt. Bạn có thể thấy cả đáy biển sâu. Hòn đảo là một vẻ đẹp đích thực, vẻ đẹp mà bạn thường chỉ thấy được trên các bộ phim. Chúng tôi đi dọc hòn đảo khoảng 15 phút, ngắm nhìn cảnh vật chắc là đẹp nhất Việt Nam. Những tảng đá lởm chởm màu đen được hình thành từ nham thạch núi lửa từ trước đây rất lâu, đã tạo nên bờ biển tuyệt đẹp này, hình thành nên những hang động và các mỏm đá. Tôi cởi áo, nhảy xuống làn nước xanh nhạt từ trên một bờ đá cao.

Hòn đảo được bao quanh bởi rặng san hô, tạo nên hệ đa dạng sinh học rất phong phú. Đứng trong làn nước biển cao tới đầu gối, bạn có thể đếm được bốn, năm loại cá khác nhau bơi lội xung quanh. Phần tuyệt nhất là chẳng có du khách nào khác ngoài chúng tôi. Chúng tôi dành khoảng hai giờ đồng hồ để bơi lội, da ai cũng đen đi vì nắng. Cuối cùng chúng tôi cũng phải trở lại tàu và quay lại đảo lớn. Những người khác phải trả cho chủ tàu bảy mươi lăm ngàn đồng cho chuyến đi, riêng tôi chỉ phải trả hai mươi lăm ngàn đồng.

Tôi ở một đêm nữa trên hòn đảo, lần này cùng sự tham gia của những người bạn mới. Sáng hôm sau tôi chia tay họ vì Lê và những người khác lên tàu trở lại Quảng Ngãi. Tôi chờ để xin đi nhờ một chiếc tàu đánh cá nhỏ hơn nhiều. Hòn đảo Lý Sơn nổi tiếng với loại tỏi trồng được ở đây, người ta vẫn thường vận chuyển vào trong đất liền hàng ngày để bán. Có thể ngửi thấy mùi tỏi cay nồng trong không khí trên đảo. Nếu mùi hương này và chuyến tàu hơn hai tiếng đồng hồ không làm phiền bạn, tôi khuyên nên xin đi nhờ miễn phí trên những con thuyền đánh cá như thế này.

Trên thuyền về Quảng Ngãi

Tôi lên tàu, người ta vẫn đang chất những túi tỏi to lên. Cậu bé ngày hôm qua cũng tới và ngồi trên chiếc túi cạnh tôi. Hỏi thăm, tôi biết, cậu bé thực ra đã hai mươi mốt tuổi, là sinh viên, tên Hòa. Nhà cậu ở đảo, nhưng Hòa đi học ở một trường tại Quảng Ngãi. Đang là mùa hè nên Hòa trở lại đây giúp ông bà làm việc. Chúng tôi kể về cuộc đời của nhau; Hòa kể về cuộc sống trên đảo và con người ở đây, còn tôi kể về hành trình xuyên Việt của mình.

“Tết anh quay lại đây sẽ vui hơn. Mọi người đều quay về, đảo sẽ đông vui hơn và có nhiều đồ ăn ngon nữa. Không ai làm việc trong ba ngày liền, chỉ chơi thôi. Anh có thể tới nhà em ở”. Cậu chàng nói và nhảy khỏi tàu. Tôi cám ơn và vẫy chào tạm biệt.

Chiếc tàu bắt đầu chuyến đi trở lại đất liền. Cùng đi với tôi trên tàu là rất nhiều những người khác, phần lớn là những người buôn bán có tuổi. Biển hôm nay hơi động, nhưng tôi không thấy phiền gì. Tôi đoán nhiều thế kỉ làm nghề đánh bắt cá đã ăn vào máu của tôi. Tôi có thể cảm nhận được sự yên bình và trầm tĩnh của biển cả. Trước khi ngả lưng xuống chiếc túi to đựng những củ hành tím, tôi nói đôi ba câu chuyện với những người xung quanh. Bất chợt tôi nghĩ tới hành trình trên biển của gia đình tôi ngày trước. Tôi băn khoăn không biết cảm giác lúc đó như thế nào? Bà ngoại chắc chắn đã kể cho tôi nghe những câu chuyện khủng khiếp về cướp biển, sự đông đúc, và cả cái chết, nhưng cảm giác ở trên chuyến tàu đó như thế nào? Sự mệt mỏi sớm chiếm lấy tôi, chiếc thuyền bồng bềnh khiến tôi buồn ngủ. Con tàu trôi ra biển, và tôi trôi vào những giấc mơ được bơi trong làn nước trong vắt của đảo Lý Sơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.