Kafka bên bờ biển

Chương 21



ĐIÊU KHẮC GIA KOICHI TAMURA BỊ ĐM CHẾT

(Được phát hiện trên sàn xưởng tượng, giữa một vũng máu)

Chiều ngày 30, người ta tìm thấy nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới Koichi Tamura chết tại nhà mình ở Nogata, quận Nakano. Người phát hiện ra thi thể ông là một bà giúp việc. Ông Tamura được tìm thấy trong tư thế nằm sấp, trần truồng, mình đầy máu. Có những dấu hiệu vật lộn và người ta cho rằng đây là một vụ án mạng. Hung khí, được tìm thấy bên cạnh xác chết, là một con dao bếp.

Cảnh sát ước đoán thời gian chết là tối 28 và vì ông Tamura sống một mình nên mãi đến hai hôm sau, thi thể mới được phát hiện. Ông Tamura bị nhiều vết thương sâu ở ngực do bị đâm bằng con dao nhọn pha thịt và có thể tin rằng ông gần như đã chết ngay vì mất quá nhiều máu từ những vết thương ở tim và phổi. Nhiều xương sườn cũng bị gẫy, có vẻ như do bị những cú đập rất mạnh. Cảnh sát không thông báo gì về việc có tìm thấy dấu tay hay bất cứ vật gì sót lại ở hiện trường hay không. Xem ra cũng không có nhân chứng nào mục kích tội ác.

Vì trong nhà không bị xáo lộn và không có đồ vật đáng giá nào, kể cả một ví tiền nằm gần đó, bị lấy đi, nên cảnh sát cho rằng đây là một cuộc báo thù cá nhân. Nhà ông Tamura ở một khu dân cư yên tĩnh, nhưng không có ai nghe thấy gì vào thời điểm xảy ra vụ án mạng, và những người hàng xóm đều bàng hoàng khi biết tin này. Ông Tamura sống kín đáo, ít có quan hệ với láng giềng, và không ai nhận thấy điều gì khác thường vào quãng thời gian xảy ra sự kiện này.

Ông Tamura ở với con trai mười lăm tuổi, nhưng theo bà giúp việc, thì khoảng mươi hôm nay không thấy cậu ta ở nhà. Cậu bé cũng vắng mặt ở trường trung học và cảnh sát đang dò tìm tung tích cậu ta.

Ngoài ra, ông Tamura còn có một văn phòng và một xưởng làm việc ở cạnh nhà [7] và theo cô thư ký của ông ta, thì cho đến trước hôm bị giết, ông ta vẫn đang làm dở một bức tượng mới như bình thường. Vào ngày xảy ra chuyện, cô có việc cần xin ý kiến ông, nhưng lần nào gọi điện thoại đến cũng chỉ thấy máy nhắn tự động.

Ông Tamura sinh ở Kokubunji, Tokyo. Ông theo học Khoa Điêu khắc của Trường Đại học Mỹ Thuật Tokyo và từ khi còn là sinh viên đã hoàn thành nhiều tác phẩm cách tân làm xôn xao giới mỹ thuật. Chủ đề chính của ông là tiềm thức con người và những tác phẩm điêu khắc của ông, với một phong cách độc đáo thách thức cái cổ truyền, được hoan nghênh trên trường quốc tế. Tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông, một xê-ri lớn mang tên “Mê Cung”, với một trí tưởng tượng phóng khoáng, khảo sát cái đẹp và cảm hứng tìm thấy nơóc nghách ngoằn ngoèo của mê cung. Ông hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Đại học Mỹ Thuật và cách đây hai năm, Bảo tàng Mỹ thuật Hiện đại ở New York đã tổ chức một cuộc triển lãm tác phẩm của ông.

Tôi ngừng đọc ở đoạn này. Có một hình chụp cổng trước nhà chúng tôi và một ảnh chân dung cha tôi hồi trẻ, khiến trang báo đượm vẻ thê thảm. Tôi gập đôi tờ báo, đặt lên bàn. Vẫn ngồi trên giường, tôi không nói gì, chỉ ép đầu ngón tay lên mí mắt. Một tiếng thình thịch, theo một nhịp đều đặn, vang rền trong tai tôi. Tôi ráng lắc đầu thật mạnh để xua nó đi mà không được.

Tôi đang ở phòng riêng của mình trong thư viện. Đã bảy giờ tối. Oshima và tôi vừa đóng cửa và cách đây một lúc, Miss Saeki đã lái chiếc Volkswagen Golf về nhà. Giờ chỉ còn tôi và Oshima trong thư viện. Và cái tiếng thình thịch khó chịu ấy trong tai tôi.

“Số báo này cách đây hai hôm rồi. Bài này được đăng khi cậu còn ở căn lều trên núi. Khi mình đọc, mình liền nghĩ có thể ông Koichi Tamura này là cha cậu cũng nên. Rất nhiều chi tiết phù hợp. Lẽ ra mình phải đưa cậu xem từ hôm qua, nhưng mình muốn đợi cho cậu ổn định chỗ ở đã.”

Tôi gật đầu, ngón tay vẫn ép trên mí mắt.

“Em không giết ông, anh biết đấy.”

“Mình biết,” Oshima nói. “Hôm xảy ra vụ án mạng, cậu đang ở thư viện này, đọc đến tận tối. Cậu ắt không đủ thì giờ để quay về Tokyo, giết cha cậu, rồi trở lại Takamatsu. Việc đó là bất khả.”

Nhưng tôi thì không dám chắc thế. Tôi nhẩm tính và thấy ra rằng cha tôi bị giết vào đúng cái đêm tôi tỉnh dậy với chiếc sơ mi đầy máu.

“Nhưng nói là cảnh sát đang kiếm tìm cậu với tư cách là một nhân chứng quan trọng.”

Tôi gật đầu.

“Nếu cậu đến gặp cảnh sát và chứng minh cậu có một bằng chứng ngoại phạm vững chắc, thì mọi chuyện sẽ bội phần dễ dàng hơn là cứ vòng vo tránh né họ. Dĩ nhiên, mình sẽ làm chứng cho cậu.”

“Nhưng nếu em làm thế, họ sẽ đưa em trở về Tokyo.”

“Mình chắc thế. Mình muốn nói, dù sao cũng phải học nốt trung học – đó là nghĩa vụ mà. Ở tuổi này, cậu không thể đi bất cứ nơi nào cậu muốn được. Theo đúng luật, cậu vẫn cần có người giám hộ.”

Tôi lắc đầu.

“Em không muốn phải giải thích chuyện gì với bất kỳ ai. Và em không muốn trở về nhà ở Tokyo.”

Im lặng một lúc, Oshima đăm đăm nhìn tôi. “Đó là một điều cậu sẽ phải tự quyết định lấy,” cuối cùng, anh nói, giọng bình tĩnh. “Mình nghĩ cậu có quyền sống theo bất cứ cách nào cậu muốn. Dù cậu mười lăm hay năm mươi tuổi thì có gì quan trọng. Nhưng khốn thay, xã hội lại không đồng ý thế. Vậy cứ cho rằng cậu ‘không muốn giải thích chuyện gì với bất kỳ ai’ đi. Cậu sẽ luôn luôn phải trốn tránh cảnh sát và xã hội. Cuộc đời cậu sẽ rất gay go. Cậu mới mười lăm tuổi đầu, còn cả cuộc đời ở trước mặt. Cậu thấy thế có ổn không?”

Tôi không nói gì.

Oshima cầm tờ báo lên, đọc lướt lại bài báo một lần nữa. “Theo bài này, cậu là người thân duy nhất của cha cậu.”

“Em có mẹ và một chị gái,” tôi giải thích, “nhưng hai người bỏ nh từ lâu rồi và em không biết hiện họ ở đâu. Ngay cả nếu em biết, thật tình em cũng không chắc họ có về chịu tang hay không.”

“Chà, nếu cậu không ở đó, không biết ai sẽ lo liệu mọi chuyện. Nào là đám tang, nào là công việc làm ăn của cha cậu.”

“Như trong báo nói, cha em có một cô thư ký văn phòng, lo toan mọi sự. Cô biết công việc của ông, nên em tin chắc cô ấy có thể xử lý tốt. Em chẳng muốn gì trong những cái ông để lại cho em. Ngôi nhà, đất đai và mọi thứ khác, họ có thể thanh lý những cái đó theo bất cứ cách nào họ muốn.”

Cái duy nhất tôi thừa kế từ ông mà tôi không thể khước từ, tôi nghĩ thầm, đó là ADN của tôi.

“Hãy cải chính nếu như mình nói sai,” Oshima nói, “nhưng hình như cậu không buồn lắm về chuyện cha cậu bị giết.”

“Không, em có buồn chứ. Dù sao ông cũng là cha em mà. Song điều em thực sự tiếc là ông không chết sớm hơn. Em biết điều này nói ra thật là kinh khủng.”

Oshima lắc đầu. “Không sao. Hơn lúc nào hết, cậu có quyền trung thực với chính mình.”

“Vậy, em nghĩ…” Giọng tôi trở nên yếu ớt, thiếu sức thuyết phục. Không biết hướng vào đâu, những lời tôi nói rơi tõm vào khoảng trống. Oshima tiến lại, ngồi xuống cạnh tôi.

“Đủ mọi chuyện đang xảy đến với em,” tôi mở đầu. “Một số do tự em chọn, một số thì không, nhưng giờ em không còn phân biệt rảnh rẽ được nữa. Điều em muốn nói là, dường như là mọi sự đã được định trước – rằng em đang đi theo một con đường do một người nào khác đã vạch sẵn cho em. Cho dù em có cố gắng suy nghĩ đến đâu để hiểu cho ra, cũng vô ích. Trên thực tế, em càng cố, thì lại càng mất đi ý thề bản thân, càng không hiểu mình là ai nữa. Cứ như em đang chệch xa khỏi quĩ-đạo-bản-ngã của mình và điều đó thật sự là đau đớn. Hơn thế nữa, nó còn làm em sợ. Mới chỉ nghĩ đến đã thấy chợn.”

Oshima đặt tay lên vai tôi và tôi cảm thấy hơi ấm của bàn tay ấy. “Cứ cho là tất cả những lựa chọn, tất cả những cố gắng của em đều phí hoài đi nữa, thì em vẫn là em, chứ không phải bất kỳ ai khác. Và em đang tiến tới với tư cách là bản thân mình. Vậy nên hãy vô tư đi.”

Tôi ngẩng đầu lên nhìn anh. Giọng anh thật thuyết phục. “Tại sao anh nghĩ thế?”

“Bởi vì trong đó có yếu tố mỉa mai.”

“Mỉa mai?”

Oshima nhìn sâu vào mắt tôi. “Nghe này, Kafka. Những gì em đang trải qua đều là môtíp của nhiều bi kịch Hy Lạp. Con người ta không chọn số phận, mà số phận chọn con người. Đó là thế giới quan cơ bản của kịch Hy Lạp. Và chất bi kịch – theo Aristotle – mỉa mai thay, lại không bắt nguồn từ những nhược điểm của các nhân vật chính, mà từ những phẩm chất tốt của họ. Em có hiểu anh muốn nói gì không? Người ta bị kéo sâu vào bi kịch không phải bởi những khuyết điểm mà bởi những đức tính của mình. Vở Oedipus làm vua của Sophocles là một thí dụ lớn. Oedipus ngụp vào bi kịch không phải vì chàng lười biếng hay ngu ngốc, mà chính vì lòng dũng cảm và trung thực của chàng. Từ đó nảy ra một chất mỉa mai tất yếu.”

“Vậy là tình thế không lối thoát.”

“Cái đó còn tùy,” Oshima nói. “Đôi khi là thế đấy. Nhưng sự mỉa mai làm cho con người sâu sắc hơn, giúp họ trưởng thành. Đó là cửa vào sự cứu rỗi ở một bình diện cao hơn, vào một nơi ta có thể tìm thấy một thứ hy vọng phổ quát hơn. Vì thế bây giờ, người ta vẫn thích đọc bi kịch Hy Lạp, vì thế mà nó vẫn được coi là kinh điển mẫu gốc. Mình đang tự lặp lại, nhưng quả vậy, mọi thứ trên đời đều là ẩn dụ. Thực tế, người ta không giết cha mình và ngủ với mẹ mình, phải không nào? Nói cách khác, chúng ta chấp nhận sự mỉa mai thông qua một thủ pháp gọi là ẩn dụ. Và qua đó, chúng ta trưởng thành và trở nên những con người sâu sắc hơn.”

Tôi không nói gì. Tôi đang quá mải suy nghĩ về tình thế của chính mình.

“Có bao nhiêu người biết em đang ở Takamatsu?” Oshima hỏi.

Tôi lắc đầu. “Em đến đây là tự ý mình, nên em nghĩ chẳng ai khác biết được.”

“Vậy thì tốt nhất là em cứ tạm ẩn ở thư viện một thời gian. Đừng ra làm việc ở khu tiếp tân. Anh không tin là cảnh sát có thể mò ra dấu tích của em, nhưng nếu tình hình gay go, em vẫn có thể trốn về căn nhà gỗ ở Kochi.”

Tôi nhìn Oshima. “Nếu em không gặp anh thì không biết em sẽ xoay xở ra sao. Chẳng có ai khác có thể giúp em.”

Oshima mỉm cười. Anh cất tay khỏi vai tôi và đăm đăm nhìn vào bàn tay ấy. “Cái đó không đúng. Mình dám chắc rằng nếu không gặp mình, cậu sẽ tìm thấy một đường đi khác. Mình không biết tại sao, nhưng mình tin chắc vậy. Mình thực sự cảm thấy như thế về cậu.” Anh đứng dậy, đến bàn giấy cầm một tờ báo khác mang lại cho tôi “Tiện thể, bài này đăng trong số ra hôm kia. Mình nhớ kỹ vì chuyện này thật dị thường. Có thể chỉ là trùng hợp thôi, nhưng nó diễn ra ở gần nhà cậu.”

MƯA CÁ

2.000 cá mòi và cá thu từ trên trời rơi xuống khu buôn bán Quận Nakano

Khoảng 6 giờ tối hôm 29, cư dân khối X quận Nakano bàng hoàng khi 2.000 con cá mòi và cá thu từ trên trời trút xuống như mưa. Hai bà nội trợ đang mua hàng ở chợ đã bị thương nhẹ ở mặt bởi cá rơi sượt qua, ngoài ra không ai khác bị tổn thương nặng. Vào lúc xảy ra sự kiện này, trời đang nắng, quang mây, lặng gió. Phần lớn cá đều còn sống, giãy đành đạch trên đường.

Tôi đọc xong đoạn tin và đưa trả tờ báo cho Oshima. Phóng viên đưa ra một số suy đoán có thể là nguyên nhân gây ra sự kiện nhưng tất cả đều thiếu sức thuyết phục. Cảnh sát điều tra theo hướng liên quan đến trộm cắp hoặc có kẻ đùa dai. Nha Khí tượng thông báo hiện không có bất cứ điều kiện khí quyển nào có thể dẫn đến một cơn mưa cả. Còn người phát ngôn của Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp thì vấn chưa bình luận gì.

“Cậu có nghĩ ra tại sao lại xảy ra chuyện lạ ấy không?” Oshima hỏi tôi.

Tôi lắc đầu. Chịu.

“Ngay hôm sau ngày cha cậu bị giết, gần nơi xảy ra vụ án mạng, hai nghìn cá mòi và cá thu rơi từ trên trời xuống. Chỉ là sự trùng hợp thôi ư?”

“Em chắc thế.”

“Báo còn đăng tin là cùng ngày hôm ấy, ở khu nghỉ chân Fujigawa trên xa lộ Tomei, giữa đêm khuya, một đống đỉa đã từ trên trời ụp xuống một khoảng nhỏ hẹp, gây ra mấy vụ đụng xe nhẹ. Nghe nói đỉa rất lớn. Không ai giải thích được tại sao lại có cơn mưa đỉa đó. Đó là một đêm sáng trời, quang mây. Cả vụ này, cậu cũng không hiểu

Một lần nữa tôi lại lắc đầu.

Oshima gập tờ báo lại và nói “Có nghĩa chúng ta đứng trước một thực tế: một chuỗi sự kiện kỳ lạ, không thể giải thích được đang nối tiếp nhau diễn ra. Có thể đó chỉ là một loạt những trùng hợp, nhưng nó vẫn khiến mình thắc mắc. Ở đây có một cái gì mình không nêu ra cụ thể được.”

“Có thể đó là một ẩn dụ chăng?” tôi đánh bạo gợi ý.

“Cũng có thể… Nhưng mưa cá mòi và cá thu, mưa đỉa là cái thứ ẩn dụ ám chỉ gì chứ?”

Trong im lặng, tôi cố tìm cách diễn đạt thành lời cái điều mà bao lâu nay tôi không nói ra được. “Anh biết không? Mấy năm trước đây, cha em có một lời tiên đoán về em.”

“Một lời tiên đoán?”

“Điều này, em chưa từng nói với ai bao giờ. Em nghĩ hẳn sẽ chả ai tin em.”

Oshima không nói gì. Tuy nhiên, sự im lặng của anh lại động viên tôi.

“Một lời nguyền rủa thì đúng hơn là một tiên đoán. Cha em nhắc đi nhắc lại với em điều đó không biết bao nhiêu lần. Như thể ông muốn khắc từng chữ vào óc em vậy.” Tôi hít một hơi thật sâu và ôn lại lần nữa những gì tôi cần nói ra. Thực ra tôi đâu cần phải ôn lại – bao giờ nó chả ở đấy, ong ong trong đầu tôi, cho dù tôi có kiểm tra lại hay không. Nhưng tôi cần phải cân nhắc từng chữ một lần nữa. Và đây là điều tôi nói: “Một ngày kia, mày sẽ giết cha mày và ngủ với mẹ mày, cha em nói thế đấy.”

Một khi đã nói ra, diễn đạt cái ý đó thành lời cụ thể, tôi bỗng cảm thấy lòng mình trống huơ trống hoác. Và bên trong cái khoảng trống đó, tim tôi đập rộn với một âm thanh kim khí và rỗng.

Sắc mặt không chút thay đổi, Oshima nhìn tôi hồi lâu.

“Vậy là ông nói một ngày nào đó, chính tay cậu sẽ giết cha và ngủ với mẹ.”

Tôi gật lia lịa.

“Y hệt lời tiên đoán với Oedipus. Mình nghĩ cậu biết chứ?”

Tôi gật đầu. “Nhưng chưa hết. Ông còn đưa thêm vào đó một chi tiết phụ. Em có một chị gái hơn em sáu tuổi và cha em nói em sẽ ngủ với cả chị ấy.”

“Cha cậu nói với cậu thế thật sao?”

“Vâng. Dạo ấy, em còn đang học cấp một và còn chưa hiểu ra từ “ngủ” đó nghĩa là thế nào. Mãi đến mấy năm sau, em mới vỡ ra.”

Oshima không nói gì.

“Cha em bảo không cách chi em thoát được cái mệnh đó. Lời tiên đoán đó giống như một cơ chế định giờ được gá trong gien của em và không có gì có thể hóa giải được. Em sẽ phải giết cha em và ngủ với cả mẹ em lẫn chị em.”

Oshima vẫn lặng thinh một lúc nữa như thể đang tra vấn, xem xét từng chữ một trong những lời tôi vừa nói để tìm ra đầu mối dẫn tới chìa khoá của điều bí hiểm này. “Tại sao cha cậu lại đi nói với cậu một điều gớm ghiếc như thế cơ chứ?” cuối cùng anh hỏi.

“Em không biết. Ông không hề giải thích thêm,” tôi lắc đầu nói. “Có thể ông muốn trả thù vợ và con gái đã bông. Muốn trừng phạt họ, chắc thế. Thông qua em.”

“Dù như thế có nghĩa là làm cậu tổn thương?”

Tôi gật đầu. “Đối với cha em, có lẽ em chả hơn gì một bức tượng của ông ấy. Một thứ mà ông ấy có thể tạo ra hay đập vỡ tùy theo ông thấy có thích hợp hay không.”

“Thật lả một cách nghĩ kỳ quái,” Oshima nói.

“Ở nhà chúng em, mọi thứ đều kỳ quái. Và khi mà mọi thứ đều kỳ quái, thì rốt cuộc, cái gì bình thường đâm ra có vẻ quái dị. Em đã biết điều đó từ lâu, nhưng em chỉ là một đứa bé. Em còn biết đi đâu khác?”

“Mình đã được xem tác phẩm của cha cậu một số lần,” Oshima nói. “Ông là một điêu khắc gia tuyệt vời. Tượng của ông độc đáo, khiêu khích, đầy uy lực. Không thỏa hiệp, mình muốn dùng chữ ấy. Rành là nghệ thuật đích thực.”

“Có thể là thé. Nhưng những đầu thừa đuôi thẹo sót lại từ những sáng tác ấy, ông rải ra khắp nhà như một thứ thuốc độc, không trốn đâu cho thoát được. Cha em làm ô nhiễm tất cả những gì ông đụng vào, làm tổn thương tất cả những ai ở quanh ông. Em không biết có phải ông cố tình làm thế hay không. Có thể là ông phải làm thế. Có thể đó là một phần bản chất của ông. Dù sao mặc lòng, em vẫn có cảm giác là ông gắn bó với một cái gì rất khác thường. Anh có hiểu em muốn nói gì không?”

“Mình nghĩ là có,” Oshima nói. “Một cái gì vượt khỏi phạm vi cái thiện và cái ác. Có thể gọi nó là nguồn sức mạnh.”

“Và cái đó chiếm nửa phần gien của em. Có lẽ vì thế mà mẹ em bỏ em lại. Có thể bà muốn đoạn tuyệt với em vì em sinh ra từ cái nguồn dễ sợ ấy. Vì em đãị ô nhiễm.”

Oshima khẽ ấn đầu ngón tay vào thái dương, ngẫm nghĩ. Anh lim dim mắt nhìn tôi. “Liệu có khả năng ông ấy không phải là cha đẻ của cậu không?”

Tôi lắc đầu. “Cách đây mấy năm, cha con em đã làm xét nghiệm ở một bệnh viện. Người ta đã lấy mẫu máu hai cha con để kiểm tra ADN. Không thể nghi ngờ về điểm này – trăm phần trăm, đó là cha sinh học của em. Họ đã cho em xem kết quả xét nghiệm.”

“Ông ấy quả là rất cẩn thận.”

“Em đồ rằng ông ấy muốn em biết mình là một trong những tác phẩm do ông sáng tạo. Một cái gì ông đã hoàn thành và ký tên.”

Những ngón tay của Oshima vẫn áp trên tháidương. “Nhưng lời tiên đoán của cha cậu vẫn chưa ứng nghiệm, phải không nào? Cậu không giết cha cậu. Khi điều đó xảy ra, cậu đang ở đây, tại Takamatsu. Một kẻ khác đã giết ông ở Tokyo.”

Tôi lặng lẽ xòe hai bàn tay ra trước mặt và nhìn trân trân vào đó. Đôi bày tay đã dính đầy máu trong đêm tối. “Về điểm này, em không dám chắc lắm,” tôi nói với anh.

Và tôi lần lượt kể cho anh nghe tất cả. Chuyện tôi bị bất tỉnh trên đường về khách sạn. Chuyện tôi tỉnh lại trong khu rừng đằng sau miếu thờ, và chiếc sơ mi đẫm máu ai đó. Chuyện gột máu trong nhà vệ sinh. Cả việc mấy giờ liền bị xóa hẳn trong trí nhớ của tôi. Để khỏi mất thì giờ tôi bỏ qua đoạn tôi qua đêm ở chỗ Sakura. Oshima thỉnh thoảng hỏi một đôi câu và sắp xếp các chi tiết vào bộ nhớ trong đầu. Nhưng anh không phát biểu ý kiến gì.

“Em không hiểu làm sao người em lại đầy máu như thế, mà cũng chẳng biết là máu của ai nữa. Quãng thời gian ấy là một khoảng trống,” tôi nói. “Nhưng có thể em đã giết cha em bằng chính tay mình, chứ không phải theo nghĩa ẩn dụ. Em thật sự có cảm giác là mình đã làm việc đó. Như anh đã nói, hôm ấy em ở Takamatsu – rành là em không đi Tokyo. Nhưng trách nhiệm bắt đầu từ trong mơ, phải không nào?”

Oshima gật đầu. “Thơ của Yeats.”

“Vậy có thể em đã giết cha em qua một giấc mơ,” tôi nói. “Có thể em đã đi đến Tokyo thông qua kênh đặc biệt của chiêm bao và đã giết ông.”

“Đó là cảm nghĩ của cậu và cậu cho đó là thật, nhưng sẽ không có ai thẩm vấn cậu về trách nhiệm trong mơ đâu. Chắc chắn cảnh sát sẽ không làm thế. Không ai có thể ở hai nơi cùng một lúc. Đó là một sự thật khoa học đã được Einstein chứng minh và pháp luật chấp nhận nguyên lý ấy.”

“Nhưng em đâu có nói chuyện khoa học hay pháp luật ở đây.”

“Kafka,” Oshima. “điều cậu nói chỉ là một giả thuyết. Một giả thuyết táo bạo và siêu thực đáng được chuyển thành kịch bản phim khoa học viễn tưởng.”

“Tất nhiên, đó chỉ là giả thuyết. Em biết thế. Em nghĩ chắc chẳng ai tin nổi một điều ngớ ngẩn đến như vậy. Nhưng sinh thời, cha em thường nói không có phản chứng nhằm bác bỏ một lý thuyết, thì khoa học sẽ không bao giờ tiến bộ. Lý thuyết là một bãi chiến trường trong đầu, đó là câu ưa thích của ông. Và ngay lúc này, em không thể nghĩ ra phản chứng nào để bác bỏ giả thuyết của mình.”

Oshima im lặng. Và tôi thì không nghĩ ra điều gì khác để nói.

“Dù sao đi nữa,” cuối cùng Oshima nói, “chính vì thế mà cậu bỏ nhà đến Shikoku. Để trốn khỏi lời nguyền của cha cậu.”

Tôi gật đầu và chỉ tờ báo gập tư. “Nhưng xem chừng chẳng có cách nào trốn thoát.”

Khoảng cách sẽ không giải quyết được gì hết, cái thằng tên Quạ nói thế.

“Vậy rành là cậu cần một nơi ẩn náu,” Oshima nói: “Ngoài ra, mình chả còn biết nói gì hơn.”

Tôi chợt nhận ra mình mệt biết bao. Tôi ngả người dựa vào Oshima và anh quàng tay ôm vai tôi.

Tôi gục mặt vào bộ ngực phẳng của anh. “Oshima, em không muốn làm những điều đó. Em không muốn giết cha em. Hoặc ngủ với mẹ em và chị gái em.”

“Dĩ nhiên là thế,” anh đáp, đưa tay vuốt mái tóc húi cua ngắn của tôi. “Làm sao em có thể muốn vậy được?”

“Kể cả trong mơ cũng không.”

“Cũng như trong ẩn dụ,” Oshima nối lời. “Hay trong ngụ ngôn, hay một tương suy.” Anh dừng một lát rồi tiếp. “Nếu em không phiền, anh sẽ ở lại với em đêm nay. Anh có thể ngủ trên ghế.”

Nhưng tôi khước từ. Tôi bảo anh là tôi muốn được một mình.

Oshima vuốt lại mớ tóc rủ xuống trán. Sau một chút do dự, anh nói, “Mình biết mình chỉ là một con ái nam ái nữ rách nát vô vọng và nếu đó là điều làm cậu e ngại thì…”

“Không,” tôi nói, “tuyệt nhiên không phải thế. Em chỉ cần được một mình ít lâu để suy nghĩ thôi. Quá nhiều điều đã xảy ra cùng một lúc. Có vậy thôi.”

Oshima ghi một số điện thoại trên một tập giấy nhắn. “Nửa đêm, nếu cậu cảm thấy muốn trò chuyện với ai, thì gọi số này. Đừng ngần ngại nhé. Mình tỉnh ngủ lắm.”

Tôi cảm ơn anh.

Đêm ấy, tôi đã thấy một con ma.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.