Kafka bên bờ biển

Chương 23



Tôi không biết từ ma dùng ở đây có chính xác hay không, nhưng dứt khoát đây không phải là một cái gì trên cõi trần này – chỉ thoáng nhìn một cái tôi đã có thể khẳng định thế.

Tôi cảm thấy một cái gì đó và tôi choàng thức giấc, và kìa, cô ta đã ở đó. Đã nửa đêm nhưng căn phòng vẫn sáng lạ lùng, ánh trăng tràn vào qua cửa sổ. Tôi biết mình đã kéo rèm che trước khi đi ngủ, nhưng lúc này rèm đã mở toang. Bóng cô gái in rõ nét, ngập trong ánh trăng rợn một màu trắng của xương.

Cô ta trạc tuổi tôi, mười lăm, mười sáu gì đó. Tôi đoán là mười lăm. Giữa mười lăm và mười sáu tuổi, có một khác biệt rất lớn. Cô nhỏ người và thon thả, tư thế rất thẳng và không hề có vẻ mảnh mai.Tóc cô xõa ngang vai, với vài mớ rủ xuống trán. Cô mặc một chiếc áo váy màu xanh lơ, vạt xòe ra ngang đầu gối. Cô không đi giày dép gì cả. Cổ tay áo cài khuy gọn ghẽ. Chiếc áo hở vai phô ra một cái cổ rất đẹp.

Cô ngồi ở bàn giấy, tựa cằm vào lòng bàn tay, đăm đăm nhìn bức tường như đang nghĩ về một điều gì không quá phức tạp – có lẽ là một hồi ức ấm áp, thú vị chưa xa lắm. Thi thoảng, một nụ cười phảng phất ở khóe môi. Nhưng vì cô ngồi ngược sáng với ánh trăng, nên tôi không thể thấy rõ cụ thể sắc diện cô. Không muốn ngắt quãng cô, cho dù cô đang làm gì, tôi giả vờ ngủ, kìm hơi thở, cố không để cô nhận thấy.

Tôi dám chắc đây là ma. Trước hết, cô quá đẹp. Nét mặt cô rất lộng lẫy, nhưng không phải chỉ có thế. Mọi thứ nơi cô đều hoàn hảo đến mức ó có thể là thật. Cô giống như một người từ trong mơ bước ra. Cái trong trắng nơi sắc đẹ của cô đem lại cho tôi một cảm giác gần như là buồn – một cảm giác rất tự nhiên, tuy nhiên chỉ có thể gây nên bởi một cái gì phi thường.

Tôi cuộn mình trong chăn, nín thở. Cô vẫn ngồi ở bàn, tay chống cằm, hầu như không động đậy. Thỉnh thoảng, cằm cô hơi dịch đi, khiến đầu cô chuyển góc độ chút xíu, và đó là chuyển động duy nhất trong phòng. Tôi nhìn thấy cây sơn thù du lớn đang trổ hoa ngay ngoài cửa sổ, lặng lẽ lung linh trong ánh trăng. Trời ắng gió và tôi không nghe thấy một tiếng động nào. Cứ như là tôi đã chết mà không biết vậy. Tôi đã chết và cùng cô gái đó đã chìm xuống đáy một cái hồ ở miệng một núi lửa đã tắt.

Thình lình cô buông tay khỏi cằm, đặt lên lòng. Hai đầu gối trắng nhỏ nhắn lộ ra ở lai váy. Cô thôi nhìn vào tường và quay về phía tôi. Cô đưa tay lên sờ món tóc xõa xuống trán – những ngón tay con gái thon thả áp lên trán một lúc như thể cố moi ra một ý nghĩ bị lãng quên nào đó. Cô đang nhìn tôi. Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực, nhưng lạ thay, tôi không hề có cảm giác là có người nhìn mình. Có thể là cô không nhìn tôi, mà là nhìn một cái gì đó đằng sau tôi.

Ở đáy sâu cái-hồ-miệng-núi-lửa của chúng tôi, tất cả đều lặng tờ. Núi lửa đã tắt hàng bao đời rồi. Cô đơn chồng chất nhiều tầng như những lớp bùn mềm nhão. Chút xíu ánh sáng lọt xuống được độ sâu này soi lờ mờ mọi thứ xung quanh như tàn dư của một kỷ niệm thoi thóp, xa vời. Ở độ sâu này, không có dấu hiệu nào của sự sống. Tôi không biết cô nhìn tôi bao lâu – không phải nhìn tôi, mà có thể là nhìn vào chỗ tôi đang nằm. Quy luật của thời gian không áp dụng ở đây. Thời gian dãn ra hay co vào đều ứng hợp theo nhịp đập của trái tim[8].

Thế rồi, đột nhiên, cô gái đứng dậy và đi về phía cửa trên đôi chân thon mảnh. Cửa vẫn đóng, mà thoắt cái cô biến mất không một tiếng động.

Tôi nằm yên trên giường. Tôi chỉ hơi hé mắt và không động đậy một cơ nào. Tôi nghĩ cô ta có thể quay lại. Tôi nhận ra mình đang muốn cô ta quay lại. Nhưng cho dù tôi có chờ đến bao lâu, cô cũng không trở lại. Tôi ngóc đầu lên, nhìn những con số dạ quang trên mặt đồng hồ báo thức để kề đầu giường: ba giờ hai mươi lăm phút. Tôi ra khỏi giường, đi tới sờ vào chiếc ghế cô vừa ngồi. Chẳng thấy ấm chút nào. Tôi kiểm tra mặt bàn, hy vọng tìm thấy một cái gì – một sợi tóc chẳng hạn? – cô để vương lại. Nhưng chẳng có gì hết. Tôi ngồi xuống ghế, lấy lòng bàn tay xoa má và thở dài đánh thượt một cái.

Tôi kéo rèm và lại chui vào chăn, nhưng không sao ngủ lại được. Đầu óc tôi quá vương vấn với cô gái bí hiểm đó. Một cái gì mạnh mẽ không giống bất kỳ cảm giác nào tôi từng trải nghiệm, một cái gì lạ kỳ, dữ dội nảy sinh trong tim tôi, bắt rễ tại đó và lớn dần lên. Bị nhốt trong lồng ngực, trái tim nồng ấm của tôi cứ phình ra, co vào liên hồi, độc lập với ý muốn của tôi.

Tôi bật đèn, ngồi dậy trên giừơng chờ bình minh. Tôi không thể đọc, cũng không thể nghe nhạc. Không thể làm bất cứ điều gì, ngoại trừ ngồi đó chờ sáng. Cuối cùng, khi trời bắt đầu rạng, tôi ngủ thiếp đi được một tí. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy chiếc gối lạnh và đẫm nước mắt. Nhưng thật tình, tôi không biết tại sao mình lại khóc.

Khoảng chín giờ, Oshima lái chiếc Miata tới và chúng tôi cùng dọn dẹp chuẩn bị mởa cửa thư viện. Sau khi làm xong mọi việc, tôi pha cho anh một tách cà phê. Anh đã dạy tôi pha sao cho đúng cách. Phải xay hạt cà phê bằng cối xay tay, đun nước trong một cái bình có vòi, để nó sôi một lúc, rồi từ từ – xin nhớ là phải từ từ – rót nước qua một cái lọc bằng giấy. Khi cà phê đã pha xong, Oshima cho thêm một tí ty đường gọi là có, nhưng không lấy kem – anh khẳng định đó là cách tốt nhất. Tôi pha cho mình một ly trà Earl Grey.

Oshima mặc một chiếc sơ mi ngắn tay màu nâu bóng và một chiếc quần lanh trắng. Rút một chiếc khăn tay mới tinh từ trong túi ra lau kính, anh quay sang tôi.

“Trông cậu có vẻ không ngủ được mấy.”

“Em muốn yêu cầu anh một điều,” tôi nói.

“Nói đi.”

“Em muốn nghe bài Kafka bên bờ biển. Anh có kiếm được đĩa không?”

“Không nhất thiết là đĩa CD chứ?”

“Nếu có thể, em muốn nghe qua đĩa nhựa để nghe được tiếng nguyên gốc. Tất nhiên, như vậy dù phải kiếm thêm cả máy quay đĩa nữa.”

Oshima áp ngón tay vào thái dương, suy nghĩ. “Có thể trong kho còn một cái quay đĩa stereo, nhưng mình không chắc nó còn chạy được không.”

Chúng tôi vào một phòng nhỏ trông ra bãi đậu xe. Phòng không có cửa sổ, chỉ có một cửa trời trên mái. Khắp phòng ngổn ngang những vật dụng thuộc nhiều thời kỳ khác nhau – đồ gỗ, bát đĩa, báo ảnh, quần áo, tranh… Trong đó, một số rõ ràng là đồ quý, nhưng phần lớn chẳng đáng giá gì.

“Một ngày nào đó, chúng ta cũng phải thải bớt cái mớ đồng nát này thôi,” Oshima nhận xét, “nhưng chưa ai đủ can đảm để dọn dẹp.”

Ở giữa phòng, nơi thời gian dường như ngưng lại, chúng tôi tìm tháy một dàn stereo Sansui. Dưới một lớp bụi mỏng trăng trắng, dàn máy có vẻ còn tốt, tuy thời kỳ nó được coi là thiết bị nghe tối tân đã qua đi hơn hai mươi năm rồi. Cả dàn gquay đĩa, một ăm li và hai loa thùng. Chúng tôi cũng thấy một bộ đĩa 33 cũ, phần lớn là nhạc pop hồi những năm 60 – The Beatles, Stones, Beach Boys, Simon & Garfunkel, Setvie Wonder, cả thảy độ ba mươi đĩa. Tôi rút mấy cái ra khỏi bao. Chủ của những đĩa này đã bảo quản rất tốt: không chút vẩn mốc hay một vết xước nào.

Trong kho còn có cả một cây ghi-ta còn nguyên dây, một chồng họa báo cũ mà tôi chưa nghe tên bao giờ và một chiếc vợt tennis kiểu cổ. Tất cả giống như tàn tích của một quá khứ chưa xa lắm.

“Mình nghĩ mọi thứ này vốn xưa thuộc về người bạn trai của Miss Saeki,” Oshima nói. “Như mình đã nói, sinh thời, ông ở ngôi nhà này. Sau khi ông mất, chắc người ta chuyển đồ của ông xuống đây. Tuy nhiên, dàn âm thanh stereo thì có vẻ gần đây hơn.”

Chúng tôi khuân dàn âm thanh và lô đĩa về phòng tôi, phủi sạch bụi, cắm điện, nối máy quay đĩa với ăm li, và bật máy. Chấm xanh nhỏ ở ăm li sáng lên và mâm xoay bắt đầu quay. Tôi kiểm tra đầu đọc, thấy kim còn tốt, và lấy ra chiếc đĩa màu đỏ Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band đặt lên mâm xoay. Đoạn dạo đầu quen thuộc bằng ghi-ta vang lên. Chất lượng âm thanh sạch hơn tôi chờ đợi nhiều.

“Nhật Bản cũng vấp phải nhiều vấn đề, nhưng về mặt chế tác hệ thống âm thanh thì chúng ta vào loại thượng thặng,” Oshima mỉm cười nói: “Cái này đã bỏ xó cả mấy chục năm rồi mà nghe vẫn oách.”

Chúng tôi nghe đĩa Beatles đó một lúc. So với đĩa CD, nó tựa như một thứ âm nhạc hoàn toàn khác.

“Tốt, chúng ta đã có cái để nghe đĩa nhựa,” Oshima kết luận, “nhưng kiếm một cái đĩa 45 ghi riêng bài Kafka bên bờ biển không dễ lắm đâu. Bây giờ đó là của hiếm đấy. Để mình hỏi mẹ mình xem. Có thể bà còn một bản dúi ở đâu đó. Hoặc ít nhất bà cũng biết ai đó có

Tôi gật đầu.

Oshima giơ một ngón tay lên như kiểu thầy giáo cảnh báo học trò. “Tuy nhiên có một điều cậu phải đảm bảo: không bao giờ mở đĩa ấy khi có Miss Saeki ở đây. Bất kể thế nào. Hiểu chưa?”

Tôi lại gật đầu.

“Như trong phim Casablanca ấy,” anh nói và âm ư đoạn mở đầu của bài As Time Goes By. “Riêng bài ấy, chớ có mở đấy, nghe chưa?”

Tôi đánh liều thốt ra câu hỏi đang cháy bỏng trên môi [9].

“Oshima, có một điều em muốn hỏi anh. Có cô gái nào trạc mười lăm tuổi đến đây không?”

“Đây tức là thư viện, cậu muốn nói thế, phải không?”

Tôi gật đầu.

Oshima nghiêng đầu nghĩ một lát. “Theo mình biết thì không,” vừa nói, anh vừa dõi mắt vào tôi như thể nhìn vào phòng qua cửa sổ. “Một câu hỏi kỳ lạ đấy”.

“Em nghĩ là em vừa mới thấy cô ta.”

“Lúc nào?”

“Đêm qua.”

“Cậu thấy một cô gái mười lăm tuổi ở đây đêm qua?”

“Vâng.”

“Một cô gái như thế

Tôi hơi đỏ mặt. “Một cô gái thông thường thôi. Tóc xõa ngang vai. Mặc một chiếc áo váy màu xanh lơ.”

“Có xinh không?”

Tôi gật đầu.

“Có thể là một hoang tưởng tình dục,” Oshima nói và nhoẻn miệng cười. “Thế giới đầy những sự kỳ dị. Nhưng với một thiếu niên tính dục khác giới lành mạnh như cậu, thì những hoang tưởng như vậy không phải là lạ”.

Tôi nhớ lại là Oshima đã thấy tôi trần như nhộng ở căn nhà gỗ trên núi và càng đỏ dừ mặt.

Trong giờ nghỉ ăn trưa, Oshima lẳng lặng đưa tôi một đĩa nhựa Kafka bên bờ biển đựng trong một bao vuông, “Hóa ra mẹ mình hãy còn giữ được. Những năm bản cơ, cậu có tin không? Quả thật, bà chăm lo thu vén mọi thứ. Nhặt nhạnh các đồ vặt vãnh, hơi tủn mủn một chút, nhưng mình nghĩ chúng ta không nên phàn nàn về điều đó.”

“Cám ơn,” tôi nói.

Tôi về phòng và lấy chiếc đĩa ra khỏi bao. Nom nó như chưa bao giờ được chơi vậy. Trong tấm ảnh in trên bao, Miss Saeki (theo Oshima, hồi đó, cô mười chín tuổi) đang ngồi trước piano trong phòng thu. Mắt nhìn thẳng vào camera, cô tì cằm vào tay chống trên giá nhạc, đầu hơi nghiêng về một bên, một nụ cười rụt rè nhưng đầy vẻ tự nhiên, nhã nhặn nở rộng trên đôi môi mím lại, làm hằn rõ những nét dễ thương ở khóe miệng. Có vẻ như cô không son phấn gì cả. Một chiếc kẹp plastic giữ cho tóc cô khỏi xõa xuống mặt, một phần của tai phải lộ rõ qua những sợi tóc. Cô mặc một chiếc áo váy ngắn màu lam nhạt, hơi xòe và đeo một chiếc vòng bạc ở cổ tay trái – vật trang sức duy nhất của cô. Một đôi déật xinh xắn nằm cạnh chiếc ghế piano và đôi chân trần của cô thật đẹp.

Trông cô giống như một biểu tượng. Cho một thời kỳ nào đó, một nơi chốn nào đó. Cho một tâm thái nào đó. Cô như một nàng tiên vụt hiện do một duyên may. Một chất ngây thơ hồn nhiên phi thời gian, dễ tổn thương[10] bồng bềnh quanh cô như những bào tử lúc xuân về. Trong tấm ảnh, thời gian đã ngưng lại. 1969. Khá lâu trước khi tôi ra đời.

Ngay từ đầu, tôi đã biết cô gái đến phòng tôi đêm qua chính là Miss Saeki. Tôi không nghi ngờ điều đó một giây nào, nhưng tôi muốn kiểm tra lại cho đích xác thôi.

So với hồi mười lăm tuổi, Miss Saeki mười chín tuổi trong ảnh nom trưởng thành hơn, chín chắn hơn, khuôn mặt sắc cạnh hơn, định hình rõ hơn, và mất đi cái vẻ lo sợ mơ hồ. Nhưng ngoài ra, Miss Saeki mười chín tuổi và cô gái mười lăm tuổi tôi thấy đêm qua gần như giống hệt nhau. Nụ cười trong ảnh chẳng khác gì nụ cười tôi đã thấy đêm qua. Cả cái cách để tay chống cằm và cái dáng nghiêng nghiêng đầu cũng thế. Và ở Miss Saeki hiện tại, tôi có thể nhận ra vẫn những sắc diện và cử chỉ ấy. Tôi vui sướng thấy rằng những nét ấy cùng cái vẻ siêu nhiên ấy không hề thay đổi. Ngay cả vóc người cũng gần như nguyên xi.

Tuy nhiên, có một cái gì đó nơi cô gái mười chín tuổi trong ảnh mà người đàn bà trung niên tôi biết đã mất đi vĩnh viễn. Có thể gọi đó là sự tràn trề năng lượng. Không rực rỡ, không màu, trong suốt như dòng nước mát kín đáo chảy ra từ giữa những tảng đá – một thứ hấp dẫn tự nhiên, tinh khiết đi thẳng vào tim ta. Cái năng lượng ngời ngời ấy toát ra từ toàn bộ con người cô khi cô ngồi đó, trước piano. Chỉ cần nhìn nụ cười rạng rỡ ấy, cũng có thể hình dung ra con đường đẹp đẽ của một trái tim hoàn mãn. Như ánh lập lòe của con đom đóm còn lại nơi tròng mắt ta hồi lâu sau khi nó đã biến mất trong đêm tối.

Tôi ngồi trên giường hồi lâu, chiếc bao đĩa trên tay, không nghĩ gì, để mặc thời gian trôi qua. Tôi mở mắt ra, đi tới cửa sổ, hít một hơi thật sâu; cùng với không khí tươi mát ùa vào lồng ngực, có cả chút vị biển trên cánh gió thổi qua rừng thông. Hình bóng tôi thấy hiện về đây đêm qua rành là Miss Saeki ở tuổi mười lăm. Miss Saeki thật, tất nhiên, vẫn còn sống – một phụ nữ ngoại ngũ tuần sống một cuộc đời thật ở một thế giới thật. Ngay lúc này, bà đang ngồi làm việc tại bàn giấy trong văn phòng của mình trên gác. Tôi chỉ cần ra khỏi căn phòng này, lên cầu thang là có thể gặp bà, nói chuyện với bà – nhưng tất cả những cái đó không thay đổi được sự thực này: cô gái tôi thấy đêm qua là bóng ma của bà. Oshima bảo tôi người ta không thể ở hai chỗ cùng một lúc, nhưng tôi nghĩ điều đó là có thể. Thực tế, tôi dám chắc là thế nữa kia. Con người ta, khi còn sống, vẫn có thể trở thành ma.

Và còn có một sự thực quan trọng khác nữa: tôi bị cuốn hút về phía bóng ma đó, bị bóng ma đó hấp dẫn. Không phải bởi Miss Saeki hiện hữu ở đây ngay lúc này, mà là bởi cô gái mười lăm tuổi không hiện hữu. Bị hấp dẫn rất mãnh liệt, phải, một cảm giác mạnh mẽ đến nỗi tôi không diễn đạt nổi. Và, ai muốn nói gì thì nói, điều này là thật. Có thể cô không thực sự tồn tại, nhưng thử nghĩ mà xem: cô làm trái tim tôi – máu và thịt tôi, trái tim thật của tôi – đập cuồng loạn. Những cảm giác ấy cũng thực như lớp máu đẫm ngực áo tôi vào cái đêm kinh hoàng kia.

Gần tới giờ đóng cửa, Miss Saeki xuống dưới nhà, gót giày lách cách trên bậc cầu thang. Khi trông thấy bà, người tôi căng cứng và tim đập thình thịch: tôi trông thấy cô gái mười lăm tuổi bên trong bà. Như một con thú nhỏ ngủ đông, cô cuộn mình nằm gọn một hốc bên trong Miss Saeki, thiêm thiếp giấc nồng.

Miss Saeki hỏi tôi điều gì đó, nhưng tôi không trả lời được. Tôi thậm chí không biết bà đã nói gì nữa. Dĩ nhiên, tôi có nghe thấy bà nói – tiếng bàng màng nhĩ của tôi và truyền một tin nhắn đến óc để chuyển thành ngôn ngữ – nhưng có một sự ngắt mạch giữa chữ và nghĩa. Luống cuống, tôi đỏ bừng mặt và ấp úng một điều gì ngu xuẩn. Oshima xen vào trả lời đỡ cho tôi. Tôi gật đàu lia lịa theo từng lời anh nói. Miss Saeki mỉm cười chào tạm biệt chúng tôi và ra về. Tôi nghe tiếng chiếc Golf của bà ra khỏi bãi đậu xe, xa dần rồi tắt hẳn.

Oshima ở lại giúp tôi đóng cửa thư viện nghỉ đêm.

“Không khéo cậu phải lòng ai rồi chăng?” anh hỏi. “Nom cậu như người mất hồn ấy.”

Tôi không biết trả lời ra sao.

“Oshima,” cuối cùng, tôi nói, “hỏi thế này kể cũng kỳ, nhưng anh có nghĩ rằng người ta có thể trở thành ma ngay khi còn sống được không?”

Anh dừng tay thu dọn quầy và nhìn tôi. “Thưc ra đó là một câu hỏi rất lý thú. Có phải cậu hỏi về linh hồn con người theo nghĩa văn học – nói cách khác là theo cách ẩn dụ. Hay nhằm sự việc thật?”

“Đúng ra là nhằm sự việc thật, em nghĩ thế,” tôi nói.

“Với giả định là ma có thật?”

“Phải.”

Oshima bỏ kính ra, lấy khăn tay lau mắt kính rồi đeo lại.

“Đó là cái được gọi là ‘linh hồn sống’. Mình không biết ở các nước khác thế nào, chứ cái này xuất hiện khá nhiều trong văn học Nhật Bản. Chẳng hạn, Truyện Genji đầy những linh hồn sống. Vào thời Heian[22], hay ít nhất là trong lĩnh vự linh của thời ấy, con người ta thi thoảng có thể trở thành linh hồn sống chu du qua không gian để thực hiện những mong muốn của mình. Cậu đã đọc Genji chưa?”

Tôi lắc đầu.

“Thư viện ta có mấy bản dịch sang tiếng Nhật hiện đại, cậu nên tìm đọc một bản. Dù sao, đây là một thí dụ: Công nương Rokujo, một trong những người tình của Hoàng tử Genji, bầm gan tím ruột vì ghen với Công nương Aoi, vợ chính thức của Genji, đến nỗi biến thành ma để ám nàng. Đêm này qua đêm khác, bà ta tấn công nàng trên giường ngủ và cuối cùng đã giết chết nàng. Công nương Aoi mang thai với Genji và tin đó đã đẩy lòng căm giận của Rokujo lên đến tột cùng. Genji triệu các pháp sư đến để trừ tà nhưng vô hiệu. Hồn ma này có sức mạnh không cách gì chống lại được.”

“Nhưng điểm lý thú nhất của câu chuyện là Công nương Rokujo không hề biết mình đã trở thành một linh hồn sống. Bà ta trải qua những cơn ác mộng và khi tỉnh dậy, phát hiện thấy mái tóc đen dài của mình sực mùi khói. Thực tế, đó là khói hương do các pháp sư đốt khi cầu nguyện cho Công nương Aoi. Hoàn toàn không ý thức được điều gì đang diễn ra, bà ta bay qua không gian, luồn qua đường hầm của vô thức mình để vào phòng ngủ của Aoi. Đó là một trong nhưng đoạn lạ lùng và ly kỳ nhất của Truyện Genji. Về sau, khi vỡ lẽ ra mình đã làm gì, bà ta ăn năn hối lỗi và cắt tóc quy y.”

“Cái mà người ta gọi là thế giới siêu nhiên chỉ là vùng tối trong tâm trí chúng ta. Từ lâu trước khi Freud và Jung rọi một luồng sáng vào sự vận hành của vô thức, con người, bằng bản năng, đã thấy một mối tương quan giữa vô thức và cái siêu nhiên [11], cả hai đều là vùng bóng tối. Đó không phải là một ẩn dụ. Nếu ta đi ngược xa hơn nữa, đó thậm chí cũng không phải là một tương quan. Trước khi Edison phát minh ra ánh sáng điện, đa phần thế giới đều bị bóng tối bao phủ. Bóng tối vật thể bên ngoài và bóng tối bên trong tâm hồn hòa lẫn vào nhau, không có ranh ới phân đôi. Gắn thẳng với nhau. Như thế này này (Oshima chắp hai bàn tay vào nhau).

Vào thời của Murasaki Shikibu, tác giả Truyện Genji, những linh hồn sống vừa là một hiện tượng siêu nhiên vừa là một hình thái tự nhiên của tinh thần con người ở ngay trong họ. Hẳn người thời này không thể quan niệm tách bạch hai loại bóng tối đó. Nhưng ngày nay, sự vật đã khác xưa. Bóng tối bên ngoài đã được xua tan, nhưng bóng tối bên trong vẫn hồ như không thay đổi. Cái mà ta gọi là bản ngã hay ý thức là phần nổi trên mặt nước của tảng núi băng: phần quan trọng nhất vẫn chìm trong vùng bóng tối. Và đó chính là nguồn gốc của những mâu thuẫn và hoang mang sâu sắc thường giày vò chúng ta.”

“Xung quanh căn nhà gỗ trên núi của anh, thực sự là bóng tối.”

“Đích thị,” Oshima nói. “Bóng tối thực sự vẫn còn tồn tại ở đó. Đôi khi mình đến đó chỉ cốt để trải nghiệm nó.”

“Yếu tố khởi phát nào khiến người ta trở thành linh hồn sống? Có phải bao giờ cũng là một yếu tố tiêu cực?”

“Mình không phải là chuyên gia về mặt này, nhưng trong phạm vi hiểu biết của mình, thì đúng thế, tất cả những linh hồn sống đó đều nảy sinh từ những xúc động tiêu cực. Phần lớn những tình cảm cực đoan của con người đều có xu hướng trở nên vừa rất cán nhân vừa rất tiêu cực. Và những linh hồn sống ấy tự phát xuất hiện sau những xúc động mãnh liệt ấy. Thật đáng buồn là không thấy trường hợp nào phát sinh một linh hồn sống để hoàn thành một mục tiêu duy lý hoặc mang lại hòa bình thế giới.”

“Thế có trường hợp nào vì tình yêu không?”

Oshima ngồi xuống và ngẫm nghĩ. “Một câu hỏi khó đấy. Mình chỉ có thể nói với cậu là mình một thí dụ thuộc loại đó. Dĩ nhiên, cũng có cái truyện “Lời nguyền hoa cúc” trong tập Những truyện về ánh trăng và mưa. Cậu đã đọc cuốn đó chưa?”

“Chưa,” tôi đáp.

“Những truyện về ánh trăng và mưa được Ueda Akinari viết vào cuối thời kỳ Edo, nhưng lại đặt trong khung cảnh đầu thời Chiến Quốc khiến cách tiếp cận của tác giả có phần hoài cổ hoặc quay về quá khứ. Dù sao đi nữa, trong truyện này, hai samurai trở thành bạn thân và nguyện thề kết nghĩa anh em. Đối với những samurai, điều này là rất nghiêm túc. Kết nghĩa anh em có nghĩa là nguyện xả thân vì nhau. Họ sống xa nhau, mỗi người phục vụ một vị chúa. Một người viết thư cho người kia, hẹn sẽ đến thăm vào mùa hoa cúc nở, bất kể chuyện gì xảy ra. Người kia trả lời là sẽ đợi. Nhưng người thứ nhất chưa kịp lên đường thì đã vướng vào một chuyện rắc rối và bị giam giữ, không giữ được phép ra ngoài, kể cả gửi thư. Cuối cùng, hè qua và thu tới cùng mùa cúc nở hoa. Vậy là chàng không thể thực hiện được lời hứa của mình. Đối với một samurai, không có gì quan trọng hơn lời hứa. Danh dự quan trọng hơn mạng sống. Vì vậy, chàng samurai đã mổ bụng tự sát theo cách võ sĩ đạo hara-kiri, trở thành một linh hồn, băng qua bao dặm đường đến thăm bạn. Họ ngồi bên hoa cúc và hàn huyên đến thỏa nguyện rồi linh hồn biến mất khỏi mặt đất. Thật là một thiên chuyện đẹp.”

“Nhưng người samurai phải chết để trở thành linh hồn.”

“Ừ, chính thế,” Oshima nói. “Có vẻ như người ta không thể trở thành linh hồn vì danh dự, hoặc vì tình yêu hay tình bạn được. Muốn thế, người ta phải chết. Phải hy sinh đời mình vì danh dự, tình yêu hay tình bạn và chỉ có thể làm thế mới biến thành linh hồn. Nhưng trở thành linh hồn sống lại là một chuyện khác. Dường như những kẻ biến mình thành linh hồn sống bao giờ cũng xuất phát từ những động cơ xấu

Tôi ngẫm nghĩ.

“Nhưng như cậu nói,” Oshima nói tiếp, “cũng có thể có những thí dụ về những người trở thành linh hồn sống vì những tình cảm yêu thương tích cực. Mình không đi sâu nghiên cứu vấn đề này, nhưng đó là điều có thể xảy ra. Người ta nói tình yêu có thể xây dựng lại thế giới, vậy thì với tình yêu, mọi sự đều có thể.”

“Anh đã yêu bao giờ chưa?”

Bị hỏi bất ngờ, anh sững ra nhìn tôi. “Cậu nghĩ gì vậy? Mình có phải là một con sao biển hay một cây hồ tiêu đâu. Mình là một con người đang sống, đang hít thở. Dĩ nhiên là mình đã từng yêu.”

“Ý em không phải thế,” tôi đỏ mặt nói.

“Mình biết,” anh nói và dịu dàng mỉm cười với tôi.

Khi Oshima đi khỏi, tôi trở về phòng, bật dàn stereo lên, đặt đĩa Kafka bên bờ biển, vừa nghe vừa theo dõi lời in trên bao đĩa.

Anh ngồi bên rìa thế giới

Em trên miệng núi lửa đã tắt

Đứng khuất trong bóng cánh cửa

Là những lời không còn chữ

Trăng soi con thằn lằn đang ngủ

Cá nhỏ từ trên trời mưa xuống

Ngoài cửa sổ đám chiến binh

Luyện rèn mình để chết

Điệp khúc

Kafka ngồi ghế bên bờ biển

Nghĩ về quả lắc làm thế giới đung đưa

Khi trái tim ta khép kín

Cái bóng của Nhân Sư sẽ thành lưỡi dao

Xuyên thủng giấc mơ ta

Cô gái chết đuối huơ tay tìm

Phiến đá cửa vào

Nâng gấu váy màu thiên thanh

Và đăm đăm nhìn

Kafka bên bờ biển

Tôi nghe đĩa nhạc ba lần. Làm sao một đĩa hát với ca từ như vậy lại có thể bán được tới hàng triệu bản? tôi tự hỏi. Tôi không nói rằng nó hoàn toàn bí hiểm, mà chỉ trừu tượng và siêu thực thôi. Không phải những lời ca. Nhưng nếu nghe mấy lần, nó bắt đầu quen tai. Từng chữ một lần lượt tìm đường tới tim tôi. Đó là một cảm giác kỳ lạ. Những hình ảnh vượt ra ngoài ngữ nghĩa đột nhiên như những hình cắt giấy và đứng riêng ra, như thể tôi đang chìm sâu vào một giấc mộng.

Giai điệu đẹp, đơn giản nhưng cũng khác lạ. Và giọng Miss Saeki hòa quyện vào nó một cách tự nhiên. Giọng cô còn thiếu lực – cô đâu phải là ca sĩ chuyên nghiệp – nhưng nó thực sự rửa sạch tâm trí ta một cách dịu dàng như cơn mưa mùa xuân rửa sạch những phiến đá lát lối đi trong vườn. Cô vừa hát vừa đệm piano cùng một số nhạc cụ dây và một cây kèn ôboa. Hẳn là ngây sách cho việc thu đĩa chỉ đủ cho một phối khí đơn giản, nhưng thực tế, chính sự đơn giản ấy lại làm cho bài hát hấp dẫn.

Hai hợp âm bất thường xuất hiện ở đoạn điệp khúc. Các hợp âm khác trong bài chẳng có gì đặc biệt, nhưng hai hợp âm này thì khác, không thuộc loại nghe vài lần là cảm nhận được ngay. Thoạt đầu, tôi cảm thấy bối rối. thậm chí, nói quá lên một chút là tôi cảm thấy như bị phản bội. Những âm thanh hoàn toàn bất ngờ làm tôi bị chấn động, bất an như khi có cơn gió lạnh đột ngột thổi qua khe cửa. Nhưng khi dứt đoạn điệp khúc, thì giai điệu đẹp quay trở lại, đưa ta trở về với cái thế giới hài hòa và thân mật ban đầu. Không còn gió lạnh run người nữa. Piano chạy những nốt kéế thúc trong khi đàn dây nhẹ ngân trên hợp âm cuối và tiếng kèn ôboa kéo dài khép lại bài hát.

Nghe đi nghe lại, tôi bắt đầu hiểu ra tại sao Kafka bên bờ biển lại khiến nhiều người xúc động thế. Bài hát vừa dịu dàng vừa trực tiếp đi thẳng vào lòng người vì nó là tiếng nói của một trái tim vị tha. Nó có một cái gì kỳ diệu: sự đan xen của những đối lập. Một cô gái mười chín tuổi ở tỉnh lẻ viết những ca từ về người bạn trai phương xa, ngồi vào dương cầm và phổ thành nhạc, rồi không ngần ngại, hát lên sáng tác của mình. Cô viết bài hát không phải để cho những người khác nghe, mà là cho bản thân mình, để sưởi ấm trái tim mình dù chỉ một chút xíu thôi. Và sự đắm chìm tự thân đó đã làm rung động mãnh liệt một xúc cảm thầm kín tế nhị trong lòng những người nghe.

Tôi trộn nháo nhào các thứ trong tủ lạnh thành một bữa tối đơn giản rồi lại đặt Kafka bên bờ biển lên máy quay đĩa. Tôi ngồi trên ghế nhắm mắt lại, cố hình dung Miss Saeki mười chín tuổi đang hát và đệm piano trong phòng thu. Tôi nghĩ về tình yêu chan chứa cô cảm thấy trong khi hát. Và về sự bạo lực mù quáng đã vĩnh viễn chia lìa mối tình đó.

Hết đĩa, cần kim tự động nhấc lên và trở về trên trụ đỡ.

Có thể Miss Saeki đã viết ca từ cho bài Kafka bên bờ biển ngay trong căn phòng này cũng nên. Càng nghe cái đĩa này, tôi càng tin chắc rằng Kafka bên bờ biển chính là chàng trai trong bức tranh treo trên tường. Tôi ngồi vào bàn, để tay chống cằm giống như cô gái đêm qua và đăm đăm nhìn theo cùng một góc độ vào bức tranh ngay trước mặt mình. Giờ thì tôi dám chắc đây chính là nơi cô đã viết bài hát đó. Tôi hình dung thấy cô đăm đăm nhìn bức tranh, nhớ đến người bạn trai và viết bài thơ mà sau đó cô đã phổ nhạc. Lúc đó hẳn là vào ban đêm, bên ngoài trời tối đen như mực.

Tôi đứng dậy, đi đến sát tường, xem xét bức tranh thật kỹ. Cậu thiếu niên đang nhìn ra xa, cặp mắt chất chứa một chiều sâu bí ẩn. Ở một góc trời, lơ lửng vài đám mây, đám lớn nhất nom từa tựa một con Nhân Sư nằm.

Tôi lục tìm trong trí nhớ. Nhân Sư là kẻ thù đã bị Oedipus đánh bại bằng việc giải được câu đố hóc hiểm, và khi biết mình bị thua, con quái vật bèn nhảy xuống vực tự tử. Nhờ chiến tích này, Oedipus trở thành vua xứ Thebes và rốt cuộc, lấy chính mẹ mình làm vợ. Và cái tên Kafka nữa. Tôi đoán là Miss Saeki dùng cái tên này vì trong tâm trí cô, nỗi cô đơn bí ẩn của chàng trai trong tranh có phần trùng lặp với thế giới hư cấu của Kafka. Điều đó cho ta hiểu tại sao cô đặt tên bài hát như thế: một tâm hồn cô đơn lạc đến một bến bờ phi lý.

Còn có nhiều câu khác trùng lặp với những điều đã xảy đến với tôi. Đoạn nói về “cá nhỏ từ trên trời mưa xuống” – đó chẳng đích thị là điều đã xảy ra khi hàng trăm con cá mòi và cá thu trút xuống khu phố buôn bán ở thành phố tôi sao? Đoạn “cái bóng của Nhân Sư sẽ thành lưỡi dao/ xuyên thủng giấc mơ ta” có thể ám chỉ việc cha tôi bị đâm chết. Tôi chép toàn bộ lời ca vào sổ tay, nghiên cứu từng câu, gạch dưới những chỗ khiến tôi đặc biệt quan tâm. Nhưng rốt cuộc, toàn bài thật tối nghĩa, tôi không biết nên hiểu thế nào.

Đứng khuất trong bóng cánh cửa

Là những lời không còn chữ…

Cô gái chết đuối huơ tay tìm

Phiến đá cửa vào…

Ngoài cửa đám chiến binh

Luyện rèn mình để chết…

Thế nghĩa là gì? Tất cả những cái đó có phải là trùng hợp ngẫu nhiên không? Tôi đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài vườn. Bóng đêm bắt đầu trùm lên cảnh vật. Tôi vào phòng đọc, ngồi trên sofa đọc Truyện Genji qua bản dịch của Tanizaki. Mười giờ tôi đi nằm, tắt đèn đầu giường, nhắm mắt lại chờ Miss Saeki mười lăm tuổi trở lại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.