Kafka bên bờ biển

Chương 27



Đúng 2g47, tôi nhận thấy cô gái đã ở đó – sớm hơn đêm hôm trước một chút. Tôi liếc nhìn chiếc đồng hồ cạnh giường nằm để ghi nhớ chính xác thời điểm. Lần này, tôi cố thức để chờ cô xuất hiện. Tôi chỉ thi thoảng chớp mi chứ không hề nhắm mắt một giây nào. Tôi tưởng mình đã chú ý hết mức, thế mà không hiểu sao vẫn lỡ đi chính cái khoảnh khắc cô xuất hiện.

Cô vẫn mặc chiếc áo màu xanh nhạt mọi khi, vẫn ngồi ở chỗ cũ, tay chống cằm, lặng lẽ ngắm bức Kafka bên bờ biển. Còn tôi thì nín thở nhìn cô. Bức tranh, cô gái và tôi tạo thành một tam giác tĩnh lặng trong phòng. Cô nhìn bức tranh không biết mỏi và hệt như thế, tôi nhìn cô không biết mỏi. Một tam giác cố định, bất động. Thế rồi một điều hoàn toàn bất ngờ xảy ra.

“Miss Saeki,” tôi nghe thấy tiếng mình cất lên. Tôi không chủ định kêu tên cô, nhưng ý nghĩ dâng trào trong tôi và tràn ra. Rất khẽ thôi, nhưng cô nghe thấy. Thế là một cạnh của tam giác sụp đổ. Có thể tôi đã thầm mong nó sụp đổ – tôi cũng không biết nữa.

Cô hướng mắt về phía tôi, tuy nhiên không như đang ráng để nhìn cho rõ. Cô vẫn tựa cằm vào tay, trong khi lặng lẽ xoay mặt về phía tôi. Như thể cô cảm thấy một cái gì (mà cô không dám chắc lắm) khẽ rung động không khí vậy.

Tôi không biết cô có thể nhìn thấy tôi không, nhưng tôi rất muốn thế. Tôi cầu sao cô nhận thấy tôi và biết rằng tôi hiện hữu. “Miss Saeki,” tôi nhắc lại. Tôi không thể ngăn mình kêu tên cô. Có thể tiếng tôi sẽ làm cô sợ hãi mà rời khỏi phòng, không bao giờ trở lại nữa. Nếu điều đó xảy ra, hẳn tôi sẽ cảm thấy thất vọng ghê gớm. Không, không phải là thất vọng, từ đó không trúng ý tôi. Sụp đổ còn sát nghĩa hơn. Nếu cô không trở lại, mọi sự sẽ vĩnh viễn mất đi đối với tôi. Mọi ý nghĩa, mọi phương hướng. Tất thả. Tôi biết thế mà vẫn cứ tiếp tục liều lĩnh kêu tên cô hoài hoài như cái máy, môi và lưỡi tôi cứ không ngừng thốt ra cái tên ấy.

Cô không nhìn vào bức tranh nữa, cô nhìn tôi. Hoặc ít nhất, tôi nằm trong tầm nhìn của cô. Từ chỗ mình ngồi, tôi không thể thấy rõ sắc diện cô. Bên ngoài, mây trôi và ánh trăng lao động. Chắc là có gió, nhưng tôi không nghe thấy tiếng gió thổi.

“Miss Saeki,” tôi lại nói, cuốn đi bởi một sức mạnh khẩn cấp, áp đảo, không cưỡng được.

Cô buông tay chống cằm, đưa bàn tay phải ra trước mặt như để bảo tôi đừng nói gì nữa. Nhưng có phải cô thật sự muốn nói thế không? Giá tôi có thể tới bên cô, nhìn sâu vào mắt cô để xem ngay lúc này đây cô đang nghĩ gì, cảm xúc nào đang rung động cô. Cô đang cố truyền đạt điều gì với tôi? Cô đang ám chỉ điều gì bằng cử chỉ ấy? Chà, ước gì tôi biết được. Nhưng cái bóng tối nặng nề trước ba giờ sáng này đã nuốt chửng mọi ý nghĩa. Bỗng nhiên tôi cảm thấy khó thở và nhắm mắt lại. Có một cục không khí rắn đanh chẹn ngang ngực tôi như thể tôi đã nuốt phải cả một đám mây mưa vậy. Vài giây sau, khi tôi mở mắt ra, cô đã biến mất. Chỉ còn trơ lại chiếc ghế trống. Bóng một đám mây lướt ngang mảng tường phía trên bàn giấy.

Tôi ra khỏi giường, đến bên cửa sổ nhìn lên bầu trời đêm. Và nghĩ về thời gian không bao giờ trở lại. Nghĩ về những dòng sông, về những đợt thủy triều. Về rừng và suối. Mưa và chớp. Những tảng đá. Những cái bóng. Tất cả những cái đó đều ở trong tôi.

Ngày hôm sau, vào buổi chiều, một thanh tra cảnh sát đến thư viện. Tôi đang nằm trong phòng mình và không biết anh ta ở đó. Viên thanh tra hỏi Oshima khoảng hai mươi phút rồi đi. Sau đó, Oshima đến phòng tôi kể cho tôi hay

“Một cảnh sát địa phương hỏi mình về cô,” Oshima nói rồi lấy một chai Perrier trong tủ lạnh ra, mở nắp, rót một cốc và uống.

“Sao họ biết em ở đây?”

“Cậu đã dùng điện thoại di động của cha cậu.”

Tôi lục lọi trí nhớ và gật đầu. Phải, cái đêm hôm tôi tỉnh dậy mình đầy máu trong cánh rừng đằng sau miếu thờ, tôi đã gọi Sakura bằng chiếc điện thoại di động ấy. “Em có dùng, nhưng chỉ một lần thôi.”

“Cảnh sát kiểm tra nhật ký đàm thoại và truy ra cậu ở Takamatsu. Thông thường, cảnh sát không đi vào chi tiết, nhưng trong khi chuyện gẫu, mình đã gợi được anh ta giải thích cách thức truy ra cuộc gọi. Khi cần, mình có thể rất khéo miệng. Anh ta cũng để lộ là họ không truy ra người cậu đã gọi vì đây hẳn là một chiếc điện thoại dùng thẻ trả trước. Dù sao đi nữa, họ cũng biết cậu đang ở Takamatsu và cảnh sát địa phương đã kiểm tra tất cả các khách sạn. Họ phát hiện ra là một thiếu niên mang tên Kafka Tamura khớp với đặc điểm nhận dạng của cậu đã ở một khách sạn trong thành phố, với sự giới thiệu đặc biệt của YMCA, cho đến ngày 28 tháng Năm. Đó là ngày cha cậu bị ám sát.”

Ít nhất thì cảnh sát cũng không truy ra Sakura. Tôi lấy làm mừng, nghĩ mình làm phiền Sakura chừng nấy đã quá đủ rồi.

“Người quản lý khách sạn nhớ ra là cậu đã hỏi về thư viện của chúng ta. Cậu có nhớ cái lần một cô nhân viên khách sạn gọi tới hỏi xem cậu có thực sự đến đây không?”

Tôi gật đầu.

“Vì vậy nên cảnh sát mới ghăm.” Oshima uống một hớp Perrier. “Tất nhiên là mình nói dối. Mình bảo anh ta rằng từ hôm 28 mình không thấy cậu. Rằng trước đó, ngày nào cậu cũng đến, nhưng từ hôm ấy là thôi, không một lần nào nữa.”

“Anh có thể bị rắc rối đấy,” tôi nói.

“Nếu mình không nói dối, cậu ắt bị rắc rối hơn gấp bội.”

“Nhưng em không muốn anh bị liên can.”

Oshima him mắt lại và mỉm cười. “Cậu không thấy sao? Cậu đã khiến mình bị liên can.”

“Phải, em đồ là thế…”

“Thôi đừng tranh cãi nữa, được không? Việc đã rồi là đã rồi. Cãi vã nữa cũng chả đi đến đâu.”

Tôi gật đầu, không nói gì.

“Dù sao đi nữa, viên thanh tra vẫn để danh thiếp lại, dặn mình gọi ngay cho anh ta nếu thấy cậu xuất hiện trở lại.”

“Em có bị tình nghi không?”

Oshima lắc đầu. “Mình không nghĩ thế. Nhưng họ nghĩ cậu có thể giúp họ tìm ra manh mối. Mình đã theo dõi toàn bộ vụ này trên báo chí. Cuộc điều tra chưa đi đến đâu và cảnh sát đang sốt ruột. Không một dấu vân tay, không một đầu mối, không một nhân chứng. Cậu là đường dây duy nhất họ trông vào. Vì thế họ mới ra sức truy tìm cậu. Cha cậu là người nổi tiếng, cho nên truyền hình và các báo đều đưa tin chi tiết về vụ ám sát. Cảnh sát không thể ngồi yên và bó tay.”

“Nhưng nếu họ phát hiện ra là anh nói dối, họ sẽ không chấp nhận anh với tư cách nhân chứng nữa – thế là đi tong chứng cứ ngoại phạm của em. Họ có thể nghĩ em là thủ phạm.”

Oshima lại lắc đầu. “Cảnh sát Nhật Bản không đến nỗi ngu thế đâu, Kafka ạ. Thiếu đầu óc tưởng tượng thì có, nhưng không hề kém năng lực chuyên môn. Mình dám chắc họ đã kiểm tra tất cả các danh sách hành khách đi máy bay từ Tokyo đến Shikoku. Mình không biết cậu có biết điều này không, chứ họ đã đặt camera ở tất cả các cửa đáp máy bay ở các phi trường để chụp tất cả các hành khách lên máy bay. Vào lúc này, họ đã biết cậu không hề bay về Tokyo vào thời điểm xảy ra vụ ám sát. Ở Nhật Bản, giờ đây, thông tin đều được vi xử lý, hãy tin lời mình. Cho nên cảnh sát không xem cậu là tình nghi. Nếu thế, họ đã không phải một tay cớm địa phương đến, mà là nhiều thanh tra từ Nha Cảnh sát Quốc Gia cơ. Nếu điều đó xảy ra, họ ắt quay mình tới số, sức mấy mình lỡm họ được. Họ chỉ muốn nghe bất cứ thông tin nào ta có thể cung cấp về vụ đó thôi.”

Những điều anh nói là hoàn toàn có lý.

“Dù sao đi nữa, cậu cũng nên lánh mặt một thời gian,” anh nói. “Cảnh sát có thể rà soát vùng này để mắt tìm kiếm cậu. Họ đã có hình cậu sao từ thẻ học sinh. Tuy nhiên, có thể nói ảnh đó không giống lắm. Trong ảnh, nom cậu rất khùng.”

Đó là tấm ảnh duy nhất tôi để lại. Tôi luôn tìm mọi cách trốn tránh việc chụp hình, nhưng khi làm thẻ học sinh thì hết cách.

“Viên thanh tra nói cậu thường quậy phá ở trường học. Đã có những vụ ẩu đả giữa cậu và các bạn cùng lớp và cậu đã bị đuổi học ba lần.”

“Hai chứ không phải ba. Và không phải bị đuổi học mà chỉ tạm treo thôi,” tôi phân trần. Tôi hít thật sâu rồi từ từ thở như trút hết ra. “Phải, em có những lúc như thế

“Cậu không kiềm chế được bản thân,” Oshima nói.

Tôi gật đầu.

“Và cậu đánh lộn.”

“Em không cố tình. Nhưng cứ như thể có một ai khác bên trong em vậy. Và khi tĩnh trí lại, em nhận ra mình đã làm ai đó bị thương.”

“Đến mức nào?” Oshima hỏi.

Tôi thở dài. “Không nặng lắm. Không đến mức gãy xương, gãy răng hay đại loại như thế.”

Oshima ngồi xuống giường, bắt tréo chân và vuốt ngược mớ tóc rủ xuống trán. Anh mặc quần vải bông xanh nước biển, áo polo đen và đi giày Adidas trắng. “Xem ra cậu có ối vấn đề phải xử lý đấy.”

Ối vấn đề. Tôi ngước lên. “Còn anh thì sao?”

Oshima giơ hai tay lên. “Không nhiều đến thế. Nhưng với mình, có một điều như thế này: trong cái thân xác này – cái vỏ bọc khiếm khuyết này – việc quan trọng nhất là tồn tại ngày này sang ngày hôm sau. Điều này có thể là đơn giản hay rất khó khăn. Cái đó tùy thuộc cách anh nhìn nhận vấn đề. Dù thế nào đi nữa, ngay cả nếu mọi sự tốt đẹp thì cũng chẳng phải là thành tích lớn lao gì. Sẽ chẳng ai đứng lên vỗ tay hoan hô mình đâu.”

Tôi cắn môi một lát rồi hỏi, “Có bao giờ anh nghĩ đến chuyện thoát ra khỏi cái vỏ ấy không?”

“Cậu muốn nói là rời bỏ thân xác mình?”

Tôi gật đầu.

“Một cách tượng trưng hay thật sự?”

“Thế nào cũng được.”

Oshima đưa tay vuốt tóc ra sau. Tôi có thể hình dụng những bánh xe răng vận hành hết công suất bên dưới bề mặt của trán anh.

“Cậu muốn làm thế?” anh hỏi lại, thay vì trả lời tôi.

Tôi hít một hơi. “Oshima, nói thật tình không màu mè, em chẳng thích gì cái vỏ xác bọc bản thể em. Chưa bao giờ thích. Thực ra, em ghét nó. Cái mặt em, đôi bàn tay em, dòng máu em, gien di truyền của em… Em ghét mọi thứ em thừa kế từ cha mẹ em. Em chẳng muốn gì hơn là thoát hẳn ra khỏi nó như em đã bỏ nhà đi vậy.”

Anh nhìn chằm chằm vào mặt tôi và mỉm cười. “Cậu có một thân hình đẹp, lực lưỡng. Bất luận cậu thừa kế nó từ ai, cậu vẫn thuộc loại đẹp trai. Ồ, nói cho chính xác, cậu hơi quá riêng biệt để có thể gọi là đẹp trai theo nghĩa thông thường. Nhưng cậu không hề khó coi. Ít nhất, cũng bắt mắt mình. Cậu thông minh, nhanh nhẹn. Cả cái của quý của cậu cũng oách – xin mở ngoặc đơn: mình thèm có được một cái như vậy. Bảo đảm là sẽ có ối em xin chết với cậu. Cho nên mình không hiểu cậu còn bất mãn cái nỗi gì về vỏ xác của mình nữa.

Tôi đỏ dừ mặt.

“Thôi được, mình nghĩ tất cả những cái đó đều lạc đề,” Oshima nói tiếp. “Về phần mình, mình chẳng mê gì cái vỏ bọc của mình, đó là cái chắc. Làm sao mình có thể mê cái phế phẩm này được? Nó thật là bất tiện, mình có thể nói với cậu thế. Tuy nhiên, mình nghĩ thế này: Nếu ta đảo ngược cái vỏ ngoài và cái cốt lõi – nói cách khác, coi cái vỏ ngoài là cốt lõi và cái cốt lõi chỉ là vỏ ngoài – thì cuộc sống của chúng ta ắt có thể dễ hi̓ơn nhiều.”

Tôi nhìn trân trân vào hai bàn tay mình, nghĩ đến cái đêm nó vấy đầy máu, sao mà dính nhớp làm vậy. Tôi nghĩ về cái cốt lõi của mình, cái vỏ ngoài của mình. Cái cốt lõi của tôi bao quanh bởi cái vỏ ngoài cũng là tôi. Nhưng những ý nghĩ đó đều bị cuốn phăng đi bởi một hình ảnh không gì xóa nổi: cái chỗ máu ấy.

“Còn Miss Saeki thì sao?” tôi hỏi.

“Cậu muốn nói gì?”

“Theo anh, liệu bà có những vấn đề phải vượt qua không?”

“Tốt hơn là cậu tự đi hỏi bà xem,” Oshima nói.

Đến hai giờ, tôi đặt một tách cà phê vào khay bưng lên phòng Miss Saeki. Cô đang ngồi ở bàn giấy. Như mọi khi, trên bàn có giấy viết và một cây bút máy, có điều bút máy vẫn còn đóng nắp. Cả hai tay đặt trên bàn, bà nhìn trân trân vào không trung. Không ra cách nhìn vào một cái gì, mà chỉ dõi mắt vào một nơi chốn không có ở đó. Nom bà có vẻ mệt mỏi. Cửa sổ phía sau bà để mở, gió đầu hạ lay động tấm rèm đăng ten trắng. Cảnh tượng giống như một bức tranh ngụ ngôn tuyệt đẹp.

“Cám ơn,” bà nói khi tôi đặt tách cà phê lên bàn.

“Trông cô có vẻ hơi mệt.”

Bà gật đầu. “Cô đoán khi mệt, trông cô già hơn nhiều.”

“Hoàn toàn không. Trông cô lúc nào cũng tuyệt vời.”

Bà mỉm cười. “Cháu trẻ thế mà đã khéo nịnh đầm.”

i đỏ mặt.

Miss Saeki chỉ một chiếc ghế. Vẫn chiếc ghế ngày hôm qua ở đúng vị trí cũ. Tôi ngồi xuống.

“Cô mệt mỏi đã quen rồi, nhưng cô chắc cháu thì không.”

“Cháu nghĩ thế.”

“Dĩ nhiên rồi, hồi mười lăm tuổi, cô cũng vậy, chẳng bao giờ thấy mệt.” Bà cầm tách cà phê lên, nhấp một ngụm. “Kafka, cháu thấy gì bên ngoài?”

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ đằng sau bà. “Cháu thấy cây cối, bầu trời và những đám mây. Mấy con chim trên cành.”

“Không có gì bất bình thường. Phải không?”

“Vâng.”

“Nhưng nếu cháu biết ngày mai, có thể cháu sẽ không được thấy lại những cái đó, mọi sự sẽ đột nhiên trở nên đặc biệt và quý giá, phải không?”

“Cháu đồ là thế.”

“Cháu đã bao giờ nghĩ về điều đó chưa?”

“Cháu đã.”

Một vẻ ngạc nhiên hiện trên nét mặt bà. “Khi nào?”

“Khi cháu đang yêu.”

Một nụ cười thoáng nở và còn vương trên môi bà hồi lâu. Điều khiến tôi nghĩ đến những giọt nước mát rượi ai đó đem tưới vào một hõm nhỏ một ngày hè. ư?”

“Vâng.”

“Và gương mặt cùng cả con người của cô gái đó rất đặc biệt và quý giá đối với cháu, mỗi lần cháu nhìn thấy cô ấy?”

“Đúng vậy. Và cháu có thể mất những cái đó.”

Miss Saeki nhìn tôi một lúc và nụ cười phai dần. “Cháu hãy hình dung một con chim đậu trên một nhành cây mảnh,” bà nói. “Nhành cây chao đảo trước gió và mỗi lần như thế, diện nhìn của con chim lại thay đổi. Cháu hiểu cô muốn nói gì chứ?”

Tôi gật đầu.

“Theo cháu, khi điều đó xảy ra, con chim điều chỉnh như thế nào?”

Tôi lắc đầu. “Cháu không biết.”

“Nó lúc lác đầu theo đà chao đảo của nhành cây. Lần sau, khi trời gió, cháu hãy quan sát kỹ chim trên cành nhé. Cô đã bỏ nhiều thời gian quan sát qua cửa sổ này. Cháu có nghĩ kiểu sống như thế là mệt không? Luôn luôn phải lúc lắc đầu mỗi khi cành cây mình đậu chao đi trước gió.”

“Cháu nghĩ thế.”

“Loài chim đã quen với điều đó. Chúng làm thế một cách tự nhiên, không phải nghĩ ngợi, cứ tự khắc thế thôi. Cho nên không mệt như ta tưởng tượng. Nhưng cô là một con người, không phải là chim, nên đôi khi cũng thấy mệt.”

“Cô cũng đậu trên cành?”

“Phải, nói một cách nào đó,” bà nói. “Và đôi khi, gió thổi khá mạnh.” Bà đặt tách cà phê xuống đĩa và mở nắp

Đó là cách bà ra hiệu cho tôi lui, nên tôi đứng dậy. “Miss Saeki, có một điều cháu muốn hỏi cô.”

“Một điều riêng tư?”

“Vâng. Và có lẽ thất thố nữa.”

“Nhưng quan trọng?”

“Quan trọng đối với cháu.”

Bà đặt bút xuống bàn. Mắt bà long lanh một ánh trung lập. “Được. Nói đi.”

“Cô có con không?”

Bà nuốt khan, không trả lời ngay. Sắc mặt bà từ từ rút vào đâu đó rất sâu, rồi lại quay trở lại. Kiểu như một đám diễu hành mất hút cuối một con phố, rồi đi trở ngược lại vẫn con phố ấy.

“Tại sao cháu muốn biết điều đó?”

“Vì một vấn đề riêng tư. Đây không phải là một câu hỏi nảy ra bất chợt.”

Bà nhấc cây bút máy Mont Blanc lên như để ước lượng trọng lượng của nó rồi lại đặt nó xuống bàn và ngước mắt lên. “Cô rất tiếc, nhưng cô không thể trả lời đơn giản là có hoặc không. Ít nhất là ngay lúc này. Cô đang mệt và gió đang thổi rất mạnh.”

Tôi gật đầu. “Cháu xin lỗi. Lẽ ra cháu không nên hỏi.”

“Không sao. Cô không trách cháu đâu,” bà dịu dàng nói. “Cám ơn cháu về tách cà phê. Cháu pha cà phê rất ngon.”

Tôi đi ra và xuống cầ về phòng mình. Tôi ngồi trên giường, cố đọc, nhưng không một dòng hcữ nào lọt được vào trong đầu. Đưa mắt dõi theo những dòng chữ, tôi có cảm giác như mình đang nhìn vào một bảng chữ lộn xộn. Tôi đặt sách xuống, đi tới cửa sổ và nhìn ra vườn. Chim đậu trên cành thì có, nhưng gió thì không. Tôi yêu Miss Saeki hồi mười lăm tuổi hay Miss Saeki đích thực ngoại ngũ tuần đang ở trên gác kia? Tôi cũng không biết nữa. Ranh giới phân biệt hai con người đó bắt đầu nhòa đi, biến mất và tôi không thể chỉnh đúng tiêu cự. Và điều đó làm tôi hoang mang. Tôi nhắm mắt lại, cố tìm trong bản thân mình một cái gì để níu bám vào.

Nhưng, Miss Saeki nói đúng. Từng ngày, gương mặt biết à, con người bà, mỗi lần tôi nhìn thấy, càng trở nên vô cùng quý giá.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.