Kafka bên bờ biển

Chương 40



Bên cạnh tấm biển “Thư viện Tưởng niệm Komura”, là một panô cho biết thư viện mở cửa hằng ngày từ mười một giờ đến năm giờ, trừ thứ Hai, vào cửa tự do và mỗi thứ Ba vào hai giờ chiều, có hướng dẫn tham quan. Hoshino đọc to cho Nakata nghe.

“Hôm nay là thứ Hai, nên thư viện đóng cửa,” Hoshino nói rồi nhìn đồng hồ. “Dù sao thì cũng quá giờ đóng cửa rồi. Đằng nào cũng vậy thôi.”

“Cậu Hoshino?”

“Dạ?”

“Chỗ này nom không giống cái thư viện chúng ta đã đến bữa trước,” Nakata nói.

“Bữa trước là một thư viện công lớn, còn đây là thư viện tư nhân. Quy mô có khác nhau.”

“Thư viện tư nhân là thế nào?”

“Có nghĩa một người hữu sản nào đó dành một ngôi nhà để sắp xếp tất cả các sách mình đã thu thập để cho công chúng có thể vào đọc. Người này ắt phải tầm cỡ lắm. Chỉ cần cái cổng uy nghi thế kia thì đủ biết.”

“Người hữu sản là gì?”

“Là một người giàu.”

“Giữa một người hữu sản và một người giàu, có gì khác nhau không?”

Hoshino nghiêng nghiêng đầu suy nghĩ

“Cháu không biết,” cuối cùng gã nói. “Hình như một người hữu sản thì có văn hóa hơn một người giàu đơn thuần thì phải.”

“Có văn hóa?”

“Bất cứ ai có tiền đều là người giàu. Ông hay cháu, nếu có tiền, đều là người giàu. Nhưng trở thành người hữu sản không dễ dàng như thế. Cần có thời gian.”

“Trở thành người hữu sản khó nhỉ.”

“Vâng, khó lắm. Nhưng ông cháu mình khỏi lo chuyện đó. Cháu thấy cả ông lẫn cháu đều không thể trở thành người giàu được, huống hồ là hữu sản.”

“Cậu Hoshino?”

“Dạ?”

“Thứ Hai họ đóng cửa, vậy sáng mai, mình đến vào lúc mười một giờ thì họ sẽ mở cửa chứ?”

“Cháu nghĩ thế. Mai là thứ Ba mà.”

“Nakata này có thể vào bên trong thư viện được không?”

“Trên biển ghi là: mở cửa cho tất cả mọi người. Tất nhiên là ông có thể vào.”

“Dù rằng lão không biết đọc?”

“Không thành vấn đề,” Hoshino nói. “Họ đâu có kiểm tra học vấn từng người từ ngoài cửa.”

“Vậy lão muốn vào bên trong.”

“Ngày, việc đầu tiên là chúng ta quay lại đây và cùng vào,” Hoshino nói. “Tuy nhiên, trước hết, cháu phải hỏi ông một câu: đây đúng là chỗ ông tìm, phải không? Và cái ông muốn tìm nằm ở bên trong.”

Nakata bỏ mũ ra và xoa thật lực mái tóc cắt ngắn.

“Phải, lão nghĩ nó ở trong ấy.”

“Vậy là chúng ta có thể chấm dứt việc tìm kiếm?”

“Phải. Việc tìm kiếm đã kết thúc.”

“Tạ ơn Trời,” Hoshino nói. “Cháu bắt đầu tự hỏi: liệu mình có phải lái xe vòng vòng thế này đến tận mùa thu?”

Hai ông con về căn hộ của Đại tá Sanders, đánh một giấc ngon lành và mười một giờ sáng hôm sau, lên đường đến thư viện. Từ nhà đến đó, đi bộ chỉ mất độ hai mươi phút, nên họ quyết định thả bộ. Hoshino đã trả chiếc xe thuê.

Cổng thư viện mở rộng khi họ tới. Có vẻ như sẽ là một ngày nóng với độ ẩm cao và người ta đã tưới nước mặt đường để giữ cho bụi khỏi bốc lên. Ngay sau cổng là một khu vườn được chăm sóc cẩn thận.

“Ông Nakata này?” Hoshino nói trước khi bước qua cổng.

“Gì thế cậu?”

“Vào trong thư viện rồi, chúng ta sẽ làm gì? Cháu luôn luôn sợ là đùng một cái, ông lại nảy ra một ý kỳ quặc, nên cháu muốn biết trước để chuẩn bị tinh thần.”

“Nakata này cũng chưa biết làm gì một khi vào trong đó,” Lão nói sau một lát suy nghĩ. “Tuy nhiên, đây là một thư viện, vậy ta có thể bắt đầu bằng việc đọc sách đã. Lão sẽ tìm một tập ảnh hay một cuốn sách tranh, còn cậu cứ chọn cuốn nào cậu thích mà đọc.”

“Nhất trí. Bắt đầu bằng việc đọc sách, nghe có lý đấy.”

“Rồi sau đó, ta có thể nghĩ ra nên làm cái gì tiếp theo.”

“Ô-kê,” Hoshino nói. “Ta sẽ nghĩ về điều kế tiếp sau đó – sau đó. Nghe như là một kế hoạch vậy.”

Họ đi qua khu vườn đẹp và vào qua một cửa nom khá cổ kính. Ngay bên trong là phòng tiếp tân có một thanh niên đẹp trai, dong dỏng cao, mặc sơ mi trắng, đeo cặp kính nhỏ, ngồi sau quầy. Một mớ tóc dài mảnh rủ xuống trán. Thuộc loại ta có thể thấy trong những phim đen trắng của Truffaut, Hoshino nghĩ thầm.

Thấy họ vào, anh ta ngước lên, cười rất tươi.

“Chúc buổi sáng tốt lành,” Hoshino vui vẻ chào.

“Chúc buổi sáng tốt lành,” người thanh niên đáp lại. “Hoan nghênh quý khách tới thư viện.”

“Chúng tôi… ừm à… muốn đọc mấy cuốn sách.”

“Dĩ nhiên rồi,” Oshima gật đầu. “Xin cứ thoải mái đọc bất kỳ cuốn nào tùy thích. Thư viện mở cửa cho mọi người. Các kệ, giá hoàn toàn để ngỏ, vậy quý khách cứ lấy cuốn nào mình muốn đọc. Quý khách có thể tìm đề sách trong các danh mục hoặc trên máy tính. Nếu quý khách cần hỏi gì, xin đừng ngần ngại, tôi xin sẵn lòng phục vụ.”

“Rất cám ơn

“Quý khách có cần tìm sách về một lĩnh vực nào đặc biệt không?”

“Không hẳn thế,” Hoshino lắc đầu. “Thực ra chúng tôi quan tâm đến bản thân thư viện hơn là đến sách. Chúng tôi tình cờ đi qua, thấy hay hay nên ghé thăm. Ngôi nhà thật đẹp.”

Oshima mỉm cười duyên dáng và cầm một cây bút chì vót nhọn lên. “Nhiều vị khác cũng thế đấy ạ.”

“Rất vui được biết thế,” Hoshino nói.

“Nếu quý khách có thời gian, thì hai giờ chiều nay có buổi hướng dẫn tham quan đấy. Mỗi thứ Ba đều có một buổi như vậy, chừng nào có khách yêu cầu. Đích thân bà giám đốc giới thiệu lai lịch và quá trình hoạt động của thư viện. Mà hôm nay lại đúng là thứ Ba.”

“Nghe có vẻ hay đấy. Ông Nakata, ông thấy thế nào?”

Suốt thời gian Hoshino và Oshima nói chuyện với nhau ở quầy. Nakata đứng sang một bên, mũ cầm tay, lơ đãng nhìn xung quanh. Nghe nhắc đến tên mình, lão như tỉnh giấc mơ. “Vâng, lão giúp được gì cho cậu đây?”

“Chiều nay, hai giờ có buổi hướng dẫn tham quan thư viện. Ông có tham gia không?”

“Cám ơn cậu Hoshino, Nakata này rất thích.”

Oshima quan sát hai người nói chuyện với mối quan tâm cao độ. Hoshino và Nakata – họ có quan hệ thế nào với nhau nhỉ? Xem ra không phải bà con họ hàng. Một kết hợp kỳ lạ: hai người khác nhau xa về tuổi tác lẫn bề ngoài. Họ có thể có điểm gì chung nhỉ? Mà cái ông già Nakata này có cách nói năng chả giống ai. Ở ông ta, có một cái gì mà Oshima không sao xác định được. Tuy nhiên, hoàn toàn không tệ.

“Bác và anh đi từ xa tới đây?” anh hỏi.

“Chúng tôi đến từ Nagoya,” Hoshino vội vã trả lời trước khi Nakata kịp mở miệng. Nếu để lão tông tốc kể là mình ở Nakano, thì có thể rắc rối. Tivi đã đưa tin là một ông già với đặc điểm nhận dạng như Nakata có liên quan với một vụ án mạng gì đó. Cũng may là người ta chưa công bố ảnh của Nakata, theo chỗ Hoshino biết.

“Cả một cuộc hành trình dài,” Oshima bình luận.

“Vâng, chúng tôi qua một cây cầu để tới đây,” Nakata đáp. “Một cây cầu dài, tuyệt vời.”

“Thật là dài, phải không?” Oshima nói. “Ấy thế mà chính cháu chưa qua bao giờ đấy.”

“Cả đời Nakata chưa từng thấy cây cầu nào dài thế.”

“Mất bao nhiêu thời gian và cả núi tiền của mới xây xong nó đấy,” Oshima nói tiếp. “Theo báo chí, mỗi năm, công ty chịu trách nhiệm xây cầu này và đoạn xa lộ vắt trên đó mỗi năm thâm thủng cả trăm tỉ yen. Tiền thuế ta đóng là bù vào chỗ đó.”

“Nakata này chả biết một tỷ là bao nhiêu.”

“Nói thật với bác, cháu cũng chả biết,” Oshima nói. “Vượt quá một mức nào đó, những con số như vậy không còn thực tế nữa. Dù sao, đó cũng là một núi của.”

“Rất cám ơn.” Hoshino xen vào. Cứ đà này, có giời biết Nakata sẽ phun ra những gì, nên gã phải dập tắt cái khả năng ấy ngay từ trong trứng. “Chúng tôi phải có mặt ở đây lúc hai giờ để tham quan,”Vâng, hai giờ,” Oshima nói. “Bà giám đốc sẽ trực tiếp hướng dẫn khách.”

“Chúng tôi sẽ đọc từ giờ đến lúc đó,” Hoshino nói.

Xoay xoay cây bút chì trong tay, Oshima nhìn theo hai người đi khỏi rồi trở về với công việc của mình.

Họ lấy mấy cuốn sách từ trên giá xuống, Hoshino tìm được cuốn Beethoven và thế hệ của mình. Nakata chọn mấy tập ảnh để lên bàn. Rồi, tựa như một con chó con, lão đi một vòng quanh phòng đọc, quan sát tỉ mỉ mọi thứ, sờ cái này, hít hít cái kia, thi thoảng dừng ở một điểm chọn lọc, quắc mắt nhìn trừng trừng. Cả phòng đọc chỉ có hai ông con cho đến quá trưa, nên không ai khác để ý đến lối hành xử kỳ dị của ông già.

“Này ông?” Hoshino thì thào.

“Dạ, cậu cần gì?”

“Nói thế này thì khí đột ngột, nhưng cháu muốn ông đừng có nói với ai là ông ở Nakano đến.”

“Tại sao thế?”

“Đây là cả một câu chuyện dài, tạm thời ông hẵng cứ nghe theo cháu đã. Nếu mọi người biết ông từ Nakano đến, điều đó có thể gây rắc rối cho họ.”

“Lão hiểu,” Nakata nói, gật đầu lia lịa. “Gây rắc rối cho người khác là không tốt. Nakata sẽ không nói là mình ở Nakano.”

“Thế thì tốt,” Hoshino nói. “À, ông đã thấy cái ông tìm chưa?”

“Chưa, cho đến giờ thì chưa.

“Nhưng đây dứt khoát là đúng chỗ chứ?”

Nakata gật đầu. “Đúng. Đêm qua, lão đã nói chuyện dài dài với phiến đá trước khi đi ngủ. Lão chắc chắn đích thị là chỗ này.”

“Tạ ơn trời.”

Hoshino gật đầu và quay trở lại với cuốn tiểu sử Beethoven. Nhạc sĩ này là một con người kiêu hãnh tuyệt đối tin ở tài năng của mình và không thèm nịnh bợ giới quý tộc. Tin chắc rằng bản thân nghệ thuật cùng sự biểu hiện đúng những xúc cảm của mình là điều trác tuyệt nhất trên đời, ông cho rằng quyền lực chính trị và của cải chỉ có một chức năng duy nhất là phục vụ nghệ thuật. Khi Haydn lưu trú ở gia đình một nhà quý tộc (hầu như cả đời Haydn đều thế), ông phải ăn với đám gia nhân. Các nhạc sĩ thời Haydn bị coi là người làm công (Tuy nhiên, Haydn, vốn tính hồn nhiên và giản dị, lại thích thế hơn là dự những bữa ăn trịnh trọng, cứng nhắc của giới quý tộc).

Trái lại, Beethoven thường tức điên vì cách đối xử khinh rẻ ấy, đôi khi cáu tiết đập cả bát đĩa vào tường. Ông đòi hỏi trong bữa ăn, ông phải được đối xử ngang hàng với các nhà quý tộc mà ông phục vụ. Ông dễ nổi nóng và khi cáu lên, rất khó xoa dịu. Thêm vào đó là những ý tưởng chính trị cấp tiến mà ông không hề tìm cách che giấu. Khi thính giác xấu đi, những khuynh hướng này lại càng rõ rệt. Cùng với tuổi tác, âm nhạc của ông trở nên vừa cởi mở chan hòa hơn vừa hướng nội sâu sắc hơn. Chỉ có Beethoven mới có thể cân bằng được hai xu hướng tương phản ấy. Nhưng nỗ lực phi thường để đạt được điều đó dần dần hủy hoại đời ông, vì mọi con người đều có những giới hạn thể chất và tinh thần, mà vào thời điểm đó, Beethoven đã hồ như vượt quá giới hạn của mình.

Thiên tài như thế không dễ sống, Hoshino nghĩ thầm khâm phục. Gã đặt sách xuống, nhớ lại bức tượng đồng nửa người thể hiện một ông Beethoven cau có đặt ở phòng âm nhạc trường gã, thế mà đến giờ, gã mới có một ý niệm về những gian khó mà nhà soạn nhac đã phải chịu đựng. Thảo nào nom bố ấy lầm lầm thế. Mình chả vạ gì đi làm thiên tài, đó là cái chắc, Hoshino nghĩ.

Gã nhìn sang Nakata đang chúi đầu vào một tập ảnh về đồ gỗ dân gian truyền thống, vừa xem vừa điều khiển một cái đục và một cái bào tưởng tượng. Hẳn những tấm ảnh ấy đã khiến lão bất giác cảm thấy như trở lại nghề cũ. Và… biết đâu đấy. Có thể một ngày kia, ông ấy sẽ trở thành một người vĩ đại cũng nên. Hoshino nghĩ. Hầu hết thiên hạ không thể làm được những điều ông ấy đang làm. Ông “Khốt” này rành là độc nhất vô nhị.

Đến trưa, có hai độc giả khác, hai phụ nữ trung niên, vào phòng đọc nên Hoshino và Nakata nhân lúc này ra ngoài hít thở khí trời. Hoshino có mang theo ít bánh mì để ăn trưa, còn Nakata thì như thường lệ, vẫn tha bên mình cái phích nước trà nóng. Hoshino trước hết hỏi Oshima đang đứng quầy xem họ có thể ăn ở trong khuôn viên thư viện được không.

“Dĩ nhiên là được,” Oshima đáp. “Ngồi ngoài hiên trông ra vườn mà ăn thì tuyệt. Sau đó, xin mời vào dùng một tách cà phê. Tôi đã pha sẵn rồi, vậy xin cứ tự rót lấy.”

“Cảm ơn,” Hoshino nói. “Thư viện này thật giống như ở nhà.”

Oshima mỉm cười và vuốt lại tóc. “Nơi này có hơi khác một thư viện bình thường. ‘Giống như ở nhà’ là cụm từ đắt để mô tả nó. Điều chúng tôi cố gắng tạo ra là một không gian thân mật trong đó mọi người có thể thư giãn và tận hưởng thú vui đọc những điều hay.”

Hoshino thấy có thiện cảm với Oshima. Thông minh, chải chuốt, hiển nhiên là con nhà gia giáo. Và rất chi là hòa nhã. Cha này chắc “đồng cô”? Không phải là Hoshino thành kiến với đám tình dục đồng giới. Mỗi người một sở thích, đó là suy nghĩ của gã. Đàn ông cũng nhiều loại, có người thích nói chuyện với đá, có người lại thích ngủ với đàn ông khác. Tại sao không?

Ăn trưa xong, Hoshino đứng dậy, vươn vai và trở vào phòng tiếp tân nhận tách cà phê do Oshima mời. Nakata không uống cà phê nên ở lại ngoài hiên vừa nhấp từng ngụm trà vừa ngắm chim chóc bay lượn quanh vườn.

“Vậy anh có tìm được cái gì lý thú để đọc không?” Oshima hỏi.

“Có, tôi đang đọc một cuốn tiểu sử Beethoven,” Hoshino đáp. “Tôi rất thích. Cuộc đời ông ta thật sự đem lại cho ta biết bao điều đáng suy nghĩ.”

Oshima gật đầu. “Ông đã trải nhiều nông nỗi, nói thế là còn nhẹ.”

“Quả là ông ấy đã chịu nhiều cay đắng,” Hoshino nói, “nhưng tôi nghĩ đó chủ yếu là tại ông ấy. Tôi muốn nói, ông ấy quá vị kỷ, không chịu nhân nhượng một ly. Ông ấy chỉ nghĩ về bản thân và âm nhạc của mình và không ngần ngại hy sinh mọi cái khác vì nó. Ông ấy hẳn là người rất khó hòa hợp. Này, Ludwig, để cho tôi yên một tí nào! tôi ắt phải la lên nếu như tôi quen biết ông ấy. Chả có gì đáng ngạc nhiên khi cháu trai ông ấy phát rồ. Nhưng tôi phải thừa nhận là nhạc của ông ấy thật tuyệt vời. Nó đi thẳng vào lòng. Thật lạ kỳ.”

“Hoàn toàn đúng,” Oshima tán thành.

“Nhưng tại sao ông ấy lại phải sống một cuộc đời cay cực thế? Nhẽ ra ông ấy có thể sống bình thường hơn thì có phải đỡ khổ hơn không?”

Oshima xoay xoay cây bút chì giữa những ngón tay. “Tôi hiểu quan điểm của anh, nhưng ở thời của Beethoven, người ta nghĩ việc thể hiện bản ngã của mình là quan trọng. Trước nữa, dưới chính thể quân chủ chuyên chế, điều đó ắt bị coi là không phù hợp, chệch hướng xã hội và bị trấn áp thẳng tay. Nhưng đến thế kỷ XIX, giai cấp tư sản lên cầm quyền, chấm dứt sự trấn át đó, giải phóng cá nhân và bản ngã được thể hiện. Tự do đồng nghĩa với giải phóng bản ngã. Nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc đi đầu trong xu thế ấy. Những người nối gót Beethoven – có thể nói là sống dưới bóng ông – như Berlioz, Wagner, Liszt, Schumann… đều sống những cuộc đời dị thường, đầy bão tố. Sự dị thường hầu như được coi là lối sống lý tưởng. Người ta gọi đó là thời đại của chủ nghĩa lãng mạn. Tuy nhiên, tôi dám chắc sống như thế đôi khi cũng cực đối với họ. Vậy là anh thích nhạc của Beethoven?”

“Tôi không thể nói mình thích hay không thích vì tôi chưa được nghe nhiều,” Hoshino thừa nhận. “Thực ra, tôi chưa nghe gì khác ngoài bản Tam tấu Archduke. Riêng bản này thì tôi thích.”

“Phải, đó là một tác phẩm hay.”

“Bộ ba Triệu Đô thật tuyệt vời,” Hoshino nói thêm.

“Riêng tôi thì lại thích Bộ ba Suk của Séc hơn,” Oshima nói. “Cách thể hiện của họ có một sự cân đối đẹp đẽ khiến người ta cảm thấy như có thể ngửi thấy làn gió thổi trên một cánh đồng cỏ xanh rờn. Nhưng tôi cũng có thể nghe đĩa của Bộ Ba Triệu Đô Rubinstein-Heifetz-Feuermann. Một sự diễn tấu sang trọng.”

“Chà, anh… Oshima?” Hoshino đọc tấm biển nhỏ ghi tên trên quầy. “Tôi thấy anh rất rành âm nhạc.”

“Không rành lắm đâu,” Oshima mỉm cười đáp. “Tôi chỉ thích nghe nhìn

“Anh có nghĩ âm nhạc có khả năng làm thay đổi con người không? Chẳng hạn như anh nghe một bản nhạc và thế là trong lòng anh bèn diễn ra một thay đổi lớn.”

Oshima gật đầu.

“Chắc chắn điều đó có thể xảy ra. Ta có một trải nghiệm làm thay đổi một cái gì đó trong ta, tựa như một phản ứng hóa học. Khi ta xem xét lại bản thân sau đó, ta phát hiện thấy tất cả các chuẩn mực sống ta quy theo trước đây đều đã lên một nấc và thế giới mở rộng ra nhiều chiều bất ngờ. Vâng, tôi đã từng có trải nghiệm ấy. Không thường xuyên, nhưng điều đó đã từng xảy ra. Nó giống như khi ta si mê ai vậy.”

Bản thân Hoshino chưa bao giờ si mê ai nhưng gã vẫn hóng hớt gật đầu.

“Đó là một điều rất quan trọng, phải không?” gã nói. “Đối với cuộc đời chúng ta?”

“Phải,” Oshima đáp. “Không có những trải nghiệm đỉnh cao ấy, đời chúng ta ắt sẽ buồn chán và tẻ nhạt. Như Berlioz nói: Sống ở đời mà chưa từng một lần đọc Hamlet thì có khác nào sống dưới đáy một mỏ than.”

“Đáy mỏ than?”

“Một cách cường điệu điển hình của thế kỷ XIX ấy mà.”

“Cảm ơn về tách cà phê,” Hoshino nói. “Rất vui được trò chuyện với anh.”

Oshima cười toét miệng đáp lại.

Hoshino và Nakata đọc sách đến hai giờ chiều. Nakata ôn lại các động tác thợ mộc bằng cách xem tập ảnh đNỗ. Ngoài hai bà trung niên, còn có thêm ba độc giả khác đến sau giờ ăn trưa. Nhưng chỉ có Hoshino và Nakata yêu cầu được hướng dẫn tham quan.

“Các vị không phiền vì chỉ có hai chúng tôi chứ?” Hoshino hỏi. “Tôi cảm thấy ngại để các vị phải vất vả vì chúng tôi.”

“Vất vả gì đâu,” Oshima nói. “Bà giám đốc của chúng tôi rất sung sướng được làm công việc hướng dẫn này, ngay cả khi chỉ có một người.”

Đúng hai giờ, một người đàn bà đẹp trạc ngũ tuần bước xuống cầu thang. Lưng rất thẳng, dáng đi quyền quý. Bà mặc một bộ đồ xanh sẫm đường nét nghiêm cẩn, đi giày cao gót màu đen, cổ đeo một dây chuyền bạc nhỏ, tóc búi ra sau gáy. Không chút phô trương, nhưng tất cả toát lên một vẻ tao nhã, tinh tế cao độ.

“Xin chào. Tên tôi là Saeki, giám đốc thư viện,” bà nói với một nụ cười điềm đạm.

“Tôi là Hoshino.”

“Tôi là Nakata, tôi đến từ Nakano,” ông già nói, chiếc mũ phong trần trong tay.

“Chúng tôi rất vui mừng có khách từ xa thế đến thăm,” Miss Saeki nói.

Nghe Nakata tự giới thiệu, Hoshino lạnh sống lưng, nhưng Miss Saeki không hề tỏ vẻ nghi ngờ.

Nakata rõ ràng đã quên mọi lời dặn dò.

“Vâng, tôi đã qua cây cầu rất to,” lão nói.

“Ngôi nhà này thật tuyệt vời,” Hoshino cắt ngang, cố chặn không để lão nói gì về cầu cống

“Nhà này được xây dựng hồi đầu thời Meji làm thư viện và nhà khách của gia đình Komura,” Miss Saeki bắt đầu dẫn giải. “Rất nhiều văn nhân tài tử đã tới thăm và lưu lại đây. Thành phố đã xếp hạng nơi đây là di tích lịch sử.”

“Văng dân à?” Nakata hỏi.

Miss Saeki mỉm cười. “Tức là các nghệ sĩ, nhà thơ, tiểu thuyết gia, vân vân. Trong quá khứ, những nhà hữu sản ở các địa phương thường bảo trợ giúp đỡ các nghệ sĩ. Nghệ thuật, thời bấy giờ, không được coi là kế sinh nhai. Gia tộc Komura là những nhà hữu sản của vùng này luôn bảo trợ văn hóa và nghệ thuật. Thư viện này được thành lập và điều hành để lưu truyền di sản đó cho đời sau.”

“Nhà hữu sản, từ này thì Nakata hiểu nghĩa,” ông già nói. “Phải mất nhiều thời gian mới thành một nhà hữu sản được.”

Miss Saeki mỉm cười gật đầu. “Bác nói rất đúng. Dù có tích lũy bao nhiêu tiền của, cũng không thể mua được thời gian. Nào, chúng ta bắt đầu tham quan từ tầng hai.”

Họ lần lượt tham quan từng phòng một trên gác. Như thường lệ, Miss Saeki giới thiệu về những văn nghệ sĩ từng lưu trú tại đây và chỉ cho hai vị khách xem những bản thư pháp và tranh họ để lại. Trong khi tham quan, Nakata dường như bỏ ngoài tai mọi lời thuyết rình của bà, mà chỉ chăm chú xem xét kỹ từng hiện vật. Trong thư phòng của Miss Saeki, một chiếc bút máy nằm trên bàn. Nhiệm vụ của Hoshino là ngoan ngoãn đi theo và thỉnh thoảng thốt lên những tiếng trầm trồ đúng lúc. Suốt thời gian đó, gã vẫn thấp thỏm lo ngộ nhỡ ông già lại thình lình xì ra một cái gì quái chiêu. Nhưng Nakata chỉ tiếp tục soi từng hiện vật họ đi qua mà thôi. Miss Saeki có vẻ không quan tâm đến cách ứng xử của Nakata. Luôn tươi cười, bà thoăn thoắt dẫn họ đi xem một vòng. Cung cách điềm đạm và tự chủ của bà khiến Hoshino thán phục.

Cuộc tham quan kéo dài khoảng hai mươi phút. Họ cảm ơn người hướng dẫn. Suốt thời gian đó, nụ cười không lúc nào tắt trên môi Miss Saeki. Tuy nhiên, càng quan sát bà, Hoshino càng thấy bối rối. Bà áy tươi cười nhìn chúng mình, gã nghĩ thầm, nhưng bà ấy có thấy gì đâu. Bà ấy nhìn chúng mình, nhưng lại thấy một cái gì khác. Suốt thời gian bà dẫn khách đi xem, ngay cả nếu tâm trí bà có để ở tận đâu đâu, bà vẫn rất lịch sự và ân cần. Mọi câu hỏi của gã đều được bà trả lời một cách dễ hiểu và hòa nhã. Không thể nói là bà làm công việc tỉ mẩn này một cách miễn cưỡng, thậm chí còn có phần thích thú nữa. Nhưng trái tim bà không đặt ở đó.

Hai ông con trở lại phòng đọc và ngồi trên sofa với những cuốn sách của mình. Nhưng trong khi giở các trang sách, Hoshino vẫn không khỏi nghĩ đến Miss Saeki. Người đàn bà đẹp này có một cái gì rất khác thường, nhưng gã không tài nào xác định được. Gã đành chịu và tập trung vào đọc.

Ba giờ. Bất thình lình, Nakata đứng phắt dậy với một vẻ quyết đoán khác thường. Lão nắm chặt chiếc mũ trong tay.

“Này, có chuyện gì thế? Ông đi đâu vậy?” Hoshino thì thào.

Nhưng lão không trả lời. Môi mím chặt đầy quyết tâm, Nakata rảo bước về phía cửa chính, bỏ cả túi đồ lại trên sàn nhà.

Hoshino gấp sách lại và đứng dậy. Dứt khoát là có chuyện gì không ổn rồi. “Này, đợi cháu đã!” gã gọi theo. Nhận thấy lão phớt lờ không thèm nghe, gã lật đật chạy theo. Các độc giả khác ngước lên nhìn theo gã.

Trước khi ra đến cửa, Nakata rẽ trái và không chút ngần ngại, lên thẳng tầng hai. Tấm biển CẤM NGƯỜI NGOÀIắn ở chân cầu thang không ngăn được lão vì lão không biết đọc. Đôi giày tennis mòn đế quèn quẹt trên các bậc gỗ.

“Xin lỗi,” Oshima ngả người trên quầy gọi với theo sau lưng Nakata. “Khu ấy đóng rồi.”

Nakata như không nghe thấy.

Hoshino chạy theo lão lên cầu thang. “Ông ơi, chỗ này đóng rồi. Không được vào đâu.”

Oshima ra khỏi đằng sau quầy và theo họ lên cầu thang.

Không nao núng, Nakata sải bước dọc hành lang tới thư phòng. Cửa mở. Miss Saeki ngồi ở bàn giấy, quay lưng ra cửa sổ, đang đọc một cuốn sách. Nghe thấy tiếng chân, bà ngước mắt lên. Khi tới trước bàn giấy, Nakata đứng sững nhìn xuống mặt bà. Cả hai đều không nói một lời. Lát sau, Hoshino tới, theo sau là Oshima.

“Ông à,” Hoshino vỗ vào vai ông già, “ông không được phép vào đây. Ông vượt quá giới hạn rồi. Chúng ta phải đi thôi, nghe không?”

“Nakata này có điều cần nói,” Nakata nói với Miss Saeki.

“Là chuyện gì vậy?” Miss Saeki bình tĩnh hỏi.

“Lão muốn nói chuyện về phiến đá. Phiến đá cửa vào.”

Miss Saeki nhìn kỹ gương mặt ông già một lúc. Mắt bà không có thái độ gì, chỉ chớp chớp vài lần. Rồi bà lặng lẽ gấp sách lại, đặt hai tay lên bàn và lại ngước mắt nhìn Nakata. Bà có vẻ phân vân chưa biết nên ứng xử thế nào. Nhưng cuối cùng, bà gật đầu.

Bà nhìn Hoshino, rồi Oshima. “Cháu để hai chúng tôi nói chuyện riêng một lúc được không?” bà nói với Oshima. “Và khi ra, xin đóng cửa lại giùm.”

Oshima tần ngần một thoáng, rồi gật đầu. Anh nắm cánh tay Hoshino, nhẹ nhàng kéo ra hành lang và đóng cửa lại.

“Anh có chắc là mọi sự sẽ ổn không?”

“Miss Saeki biết mình đang làm gì,” Oshima nói và cùng Hoshino xuống cầu thang. “Một khi bà đã nói ổn, thì ắt là ổn, khỏi phải lo cho bà. Vậy trong khi chờ đợi, tại sao ta không làm tách cà phê, anh Hoshino?”

“Ờ phải, với ông lão Nakata này, thì lo lắng chỉ là phí thì giờ thôi,” Hoshino vừa nói vừa lắc đầu. “Tôi xin cam đoan thế.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.