Kafka bên bờ biển

Chương 43



Trút hết hành trang, giờ tôi có thể nhẹ bước dấn sâu thêm vào rừng. Tôi tập trung hoàn toàn vào việc tiến lên phía trước. Không cần phải đánh dấu cây nữa. Không cần phải nhớ đường về. Thậm chí tôi cũng không ngó nhìn xung quanh. Quang cảnh vẫn thế thôi, nhìn ngắm mà làm gì? Một vòm cây cao vút bên trên những bụi dương xỉ rậm rạp, dây lòng thòng, rễ cây nham nhở, những đám lá mục rữa, những vot lột đã khô của nhiều loại côn trùng khác nhau… Những mạng nhện dày, dính nháp. Và cơ man nào là cành – cả một vũ trụ cành cây! Những cành hung tợn, những cành kiên cường chiến đấu giành không gian, những cành khôn khéo giấu mình, những cành cong queo, vẹo vọ, những cành trầm ngâm, những cành héo khô, ngắc ngoải – vẫn cánh cảnh ấy lặp đi lặp lại hoài. Tuy rằng mỗi lần lặp lại như thế, rừng lại sâu thêm một chút.

Miệng mím chặt, tôi tiếp tục theo cái gọi là con đường mòn ấy. Nó đi ngược lên nhưng không dốc lắm, ít nhất là cho đến lúc này. Không đến mức làm tôi thở không ra hơi. Đôi chỗ, con đường mòn đe doạ mất hút trong một biển dương xỉ hoặc bụi gai, nhưng đi một quãng nữa, nó lại hiện ra. Rừng không làm tôi sợ nữa. Nó có những khuôn mẫu và quy tắc riêng của nó, và một khi hết sợ nó, ta sẽ hiểu những khuôn mẫu và quy tắc đó. Một khi đã nắm được quang cảnh lặp đi lặp lại này, tôi biến nó thành một bộ phận của mình.

Giờ đây, tôi đi không. Tôi đã thải chiếc bình xịt sơn vàng, chiếc rìu nhỏ vào lịch sử. Chiếc balô cũng thế. Không bi-đông, không lương thực. Thậm chí không cả la bàn. Tôi lần lượt bỏ lại tất cả. Làm như thế, tôi gửi đến rừng một thông điệp: Ta không sợ nữa. Vì thế ta chọn phương án hoàn toàn đơn độc không có gì bảo vệ. Trút bỏ lớp vỏ cứng, chỉ còn da thịt và xương tôi hướng đến cái lõi của mê cung này, buông mình vào trống rỗng.

Khúc nhạc ban nãy vang trong đầu tôi, giờ đã tắt, để lại thoáng dư âm màu trắng tựa như một tấm drap trắng phẳng phiu căng trên một chiếc giường mênh mông. Tôi sờ tấm drap ấy, lấy đầu ngón tay vuốt ve nó. Màu trắng tiếp tục đến vô tận. Mồ hôi đọng từng giọt ở nách tôi. Thi thoảng, qua những ngọn cây, tôi thấy một mảng trời phủ một lớp mây xám liền mạch không dứt, nhưng xem ra chưa phải là sắp mưa. Mây tĩnh, toàn cảnh không thay đổi. Chim chóc trên những cành cao the thé gọi nhau bằng những tín hiệu ẩn chứa những ý nghĩa bí hiểm. Tiếng côn trùng vo ve trong đám cỏ vang lên như những lời tiên tri của một dàn hợp xướng cổ đại.

Tôi nghĩ đến ngôi nha chúng tôi ở Nakano, giờ đây chắc đóng kín, không người ở. Với tôi, thế cũng chả sao. Cứ để những vệt máu loang trên sàn nhà. Tôi bất cần. Tôi sẽ chẳng bao giờ trở lại đó nữa. Ngay cả trước khi xảy ra sự kiện đẫm máu ấy, nhiều thứ đã chết đi trong ngôi nhà đó. Nói cho đúng hơn, – đã bị giết trong ngôi nhà đó.

Đôi khi, rừng tìm cách đe dọa tôi, lúc từ trên đầu, lúc từ dưới chân. Phà một luồng khí lạnh buốt vào gáy tôi, châm chích nhoi nhói như những mũi kim ngàn mắt. Tìm mọi cách để trục xuất kẻ đột nhập là tôi đây. Nhưng tôi dần dần biết cách tỉnh bơ để cho những đe dọa ấy qua đi. Về cơ bản, khu rừng này là một bộ phận của tôi, chẳng phải thế sao? Đến một lúc nào đó, cách nghĩ đó trụ vững. Tôi đang làm cuộc hành trình bên trong tôi. Giống như máu chảy trong huyết quản, những gì tôi nhìn thấy là nội tâm mình, và những gì có vẻ đe dọchính là tiếng vang của nỗi sợ trong tim tôi. Cái mạng nhện giăng căng như dây đàn kia là mạng nhện ở trong tôi. Lũ chim gọi nhau trên kia là lũ chim tôi đã nuôi trong tâm trí. Những hình ảnh đó nảy ra trong óc tôi và bắt rễ trong đó.

Như thể bị nhịp đập của một trái tim khổng lồ đẩy từ phía sau, tôi tiếp tục xuyên rừng. Con đường dẫn đến một nơi đặc biệt, một nguồn sáng nhả ra bóng tối, nơi xuất phát của những tiếng vang im lặng. Tôi cần phải tận mắt nhìn thấy có cái gì ở đó. Tôi đang mang một bức thư riêng quan trọng, niêm phong kín, một thông điệp bí ẩn cho chính tôi.

Một câu hỏi. Tại sao bà không yêu tôi? Tôi không xứng đáng được mẹ tôi yêu sao?

Bao năm rồi, câu hỏi ấy là một ngọn lửa trắng thiêu đốt tim tôi, ăn mòn tâm hồn tôi. Ắt phải có một sai trái cơ bản nào đó nơi tôi mới khiến mẹ tôi không yêu tôi. Phải chăng lọt lòng, tâm hồn tôi đã bị ô nhiễm? Phải chăng tôi sinh ra đã vậy, khiến mọi người đều phải ngoảnh mặt đi?

Mẹ tôi thậm chí không ôm tôi trước khi ra đi. Bà ngoảnh mặt đi và rời khỏi nhà cùng với chị gái tôi, không nói nửa lời. Bà biến mất như một làn khói câm lặng. Và giờ đây, gương mặt ấy đã biệt tăm mãi mãi.

Lũ chim lại choe chóe trên đầu tôi và tôi ngước lên nhìn bầu trời. Chẳng có gì trên ấy, ngoài lớp mây xám phẳng lì, vô cảm. Không một gợn gió. Tôi lầm lũi tiến. Tôi đang bước đi bên bờ ý thức. Những đợt sóng ý thức cuồn cuộn xô vào rút ra, để lại mấy dòng chữ cũng nhanh như thế, những đợt sóng mới xô vào, xóa đi hết. Tôi cố đọc thật nhanh những chữ đó giữa hai đợt sóng, nhưng thật là khó. Chưa kịp đọc hết thì đợt sóng tiếp theo đã ập vào cuốn sạch bong. Chỉ còn lại những mảnh vụn bí hiểm.

Tâm trí tôi lang bang trở về cái này mẹ tôi ra đi, mang theo chị gáiôi. Tôi đang ngồi ngoài hiên, đăm đăm nhìn ra vườn. Lúc đó là hoàng hôn, đầu mùa hè, bóng cây đổ dài. Chỉ có mình tôi trong nhà. Tôi không hiểu tại sao, nhưng tôi đã biết mình bị bỏ rơi. Ngay vào thời điểm đó, tôi đã hiểu chuyện này sẽ làm thay đổi thế giới của tôi mãi mãi. Không ai mách bảo tôi – đơn giản là tôi biết thế. Ngôi nhà trống không, vắng ngắt, một cái đồn biên phòng heo hút bị bỏ mặc. Tôi nhìn mặt trời lặn ở đằng Tây, những cái bóng từ từ lan khắp bao trùm thế giới. Trong cõi thời gian, chẳng có gì quay trở lại được. Những cái vòi của bóng tối cứ tiến dần, gặm mòn mặt đất, hết điểm này đến điểm khác, cho đến khi gương mặt mẹ tôi – mới rồi còn ở đó – bị nuốt chửng vào cái vùng tối tăm lạnh lẽo ấy. Gương mặt đanh lại ấy ngoảnh đi không nhìn tôi, tự động bứt khỏi và xóa nhòa trong trí nhớ của tôi.

Lúc này, tôi vừa dấn bước vừa nghĩ đến Miss Saeki. Đến gương mặt bà. Nụ cười điềm đạm và mơ hồ, hơi ấm của bàn tay bà. Tôi thử tưởng tượng bà là người mẹ đã bỏ tôi lại khi tôi mới bốn tuổi đầu. Bất giác tôi lắc đầu. Một hình ảnh hoàn toàn trật lấc. Làm sao Miss Saeki có thể làm thế được? Tại sao bà lại phải làm tôi tổn thương, lại phải hủy hoại tôi như vậy? Ắt phải có một lý do tàng ẩn quan trọng, một cái gì sâu kín mà tôi không hiểu nổi.

Tôi ráng đặt mình vào địa vị bà để cảm thấy những gì bà cảm thấy lúc đó và đến gần quan điểm của bà hơn. Điều đó không dễ. Xét cho cùng, tôi là đứa bị bỏ rơi, còn bà là người bỏ rơi tôi. Nhưng được một lúc, tôi xoay ra tự tách mình khỏi bản thân. Hồn tôi trút bỏ y phục cứng nhắc của bản ngã và biến thành một con quạ đen vắt vẻo trên một cành cao của một cây thông trong vườn, nhìn xuống thằng bé bốn tuổi ngồi trước hiên nhà.

Tôi hóa thân thành một con quạ đen sính lý thuyết dông dài.

“Không phải là mẹ cậu không yêu c thằng cu tên là Quạ đi đằng sau tôi nói. “Mẹ cậu yêu cậu vô cùng. Trước hết, cậu phải tin là thế. Đó là điểm xuất phát của cậu.”

“Nhưng mà bà ấy đã bỏ tớ. Bà ấy biến mất, bỏ lại tớ một mình ở một nơi hoàn toàn xa lạ với tớ. Cuối cùng, tớ bắt đầu hiểu ra điều đó đau đớn biết chừng nào. Làm sao bà ấy có thể làm thế nếu bà ấy thực sự yêu tớ?”

“Thực tế là như vậy. Chuyện đó quả đã xảy ra,” cái thằng tên Quạ nói. “Cậu đã bị tổn thương nặng nề và sẽ mang những vết sẹo ấy suốt đời. Tớ ái ngại cho cậu, thực tình vậy. Nhưng hãy nghĩ như thế này: chưa quá muộn để bình phục lại. Cậu còn trẻ và cậu kiên cường. Cậu có khả năng thích nghi với hoàn cảnh. Cậu có thể băng bó những vết thương, ngẩng cao đầu mà tiến tới. Nhưng bà ấy thì không thể làm thế được. Bà chỉ còn nước là tiêu đời thôi. Dù ai đó có phán xét điều đó là tốt hay xấu, cũng không quan trọng – đó không phải là vấn đề. Cậu mới là kẻ có lợi thế. Cậu phải cân nhắc điều đó.”

Tôi không trả lời.

“Tất cả những điều đó đã thực sự xảy ra, vậy nên cậu không thể xóa bỏ được,” Quạ nói. “Lẽ ra bà ấy không nên bỏ cậu lại và lẽ ra cậu không nên bị bỏ lại. Nhưng những chuyện trong quá khứ cứ như một cái đĩa bị đập tan tành. Cậu không tài nào chắp lại như cũ được, phải không nào?”

Tôi gật đầu. Cậu không tài nào chắp lại như cũ được. Nó nói trúng phóc.

“Mẹ cậu,” cái thằng tên là Quạ nói tiếp, “cảm thấy một nỗi giận dữ và sợ hãi đến quặn ruột. Y như cậu lúc này đây. Chính vì thế mà bà ấy đành phải bỏ cậu

“Mặc dù bà ấy yêu tớ?”

“Mặc dù bà ấy yêu ậu, bà ấy vẫn phải bỏ cậu lại. Cậu cần phải hiểu tình cảm của bà ấy lúc đó như thế nào và chấp nhận hành xử của bà. Hiểu nỗi sợ hãi và giận dữ choán ngợp ấy và cảm nhận nó như của chính mình để rồi sẽ không thừa kế nó và lặp lại nó. Điều chủ yếu là thế này: cậu phải tha thứ cho bà ấy. Điều đó sẽ không dễ dàng, tớ biết, nhưng cậu phải làm thế. Đó là chiếc phao cứu sinh duy nhất của cậu. Chẳng có cách nào khác đâu!”

Tôi ngẫm nghĩ về những gì nó nói. Càng nghĩ càng thấy rối trí. Đầu tôi quay cuồng và tôi cảm thấy như da thịt bị xé toạc.

“Liệu Miss Saeki có phải là mẹ tớ không nhỉ?” tôi hỏi.

“Bà ấy chẳng đã nói với cậu rằng về lý thuyết thì vẫn có thể là thế sao?” thằng cu tên là Quạ nói. “Vậy thì xin trả lời: đó là một giả thuyết khả dĩ. Tớ chỉ có thể nói với cậu vậy thôi.”

“Một giả thuyết khả dĩ tồn tại chừng nào chưa có bằng chứng thuyết phục bác bỏ nó?”

“Đúng thế,” Quạ nói.

“Vậy tớ phải theo đuổi giả thuyết này đến cùng?”

“Phải,” Quạ đáp, chắc như đinh đóng cột. “Một lý thuyết chưa có phản chứng vững chắc nào đánh đổ, là một lý thuyết đáng theo đuổi. Và hiện tại, theo đuổi nó là lựa chọn duy nhất của cậu. Ngay cả nếu vì vậy mà phải hy sinh, cậu cũng phải theo đuổi nó đến tận cùng.”

“Hy sinh?” T đó rành là có một âm vang kỳ lạ mà tôi không nắm bắt được.

Không thấy trả lời. Tôi lo lắng ngoảnh lại. Thằng cu tên Quạ vẫn đó, ngay đằng sau tôi, đều nhịp bước.

“Nỗi sợ hãi và giận dữ nào vò xé Miss Saeki lúc đó?” tôi hỏi, lại quay về phía trước và bước tiếp.

“Theo cậu thì đó là nỗi sợ hãi và giận dữ kiểu gì?” cái thằng tên Quạ hỏi vặn lại. “Hãy nghĩ xem. Chính cậu phải tự nghĩ cho ra. Cậu có cái đầu là để dùng vào việc đó mà.”

Thì đó chính là điều tôi đang làm. Tôi cần phải hiểu điều đó, chấp nhận nó trước khi quá muộn. Nhưng tôi vẫn không thể đọc ra những dòng chữ mong manh để lại trên bờ ý thức của tôi. Không đủ thời gian giữa hai đợt sóng.

“Tớ yêu Miss Saeki,” câu nói buột ra rất tự nhiên.

“Tớ biết,” thằng cu tên Quạ nói cộc lốc.

“Trước đó, tớ chưa bao giờ cảm thấy thế,” tôi nói tiếp. “Và đối với tớ, điều đó quan trọng hơn bất cứ cái gì khác tớ từng trải nghiệm.”

“Tất nhiên là thế,” Quạ nói. “Khỏi phải nói. Chính vì thế mà cậu đã đến đây.”

“Nhưng tớ vẫn chưa hiểu. Cậu nói với tớ rằng mẹ tớ rất yêu tó. Tớ rất muốn tin cậu, nhưng nếu đúng là thế, tớ vẫn không hiểu. Tại sao yêu lại có nghĩa là làm cho người mình yêu đau đớn đến thế? Tớ muốn nói nếu lẽ đời là thế, thì yêu làm gì? Tại sao lại phải như thế?”

Tôi đợi câu trả lời. Tôi ngậm miệng một hồi lâu, nhưng không nghe thấy trả lời, nên tôi quay lại. Cái thằng tên là Quạ đã biến mất. Trên cao, một tiếng vỗ cánh.

Mày hoang mang hoàn toàn rồi.

Không lâu sau, hai người lính ấy xuất hiện.

Họ mặc binh phục dã chiến của quân đội Hoàng gia thời xưa. Loại đồng phục mùa hè ngắn tay, ghệt, ba lô. Mũ lưỡi trai chứ không phải mũ sắt, mặt bôi một loại bột ngụy trang màu đen. Cả hai đều còn trẻ. Một người cao, gầy, đeo kính mắt tròn, gọng kim loại. Người kia thấp, vai rộng, lực lưỡng. Cả hai ngồi trên một tảng đá phẳng, chẳng ai có vẻ đang ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, hai cây súng trường Arisaka đặt dưới chân. Người cao có vẻ chán ngán, miệng nhấm nháp một cọng cỏ. Nom họ hoàn toàn tự nhiên như thể đây là nơi phù hợp với họ. Họ thản nhiên nhìn tôi lại gần.

Xung quanh họ là một khoảng nhỏ phát quang, bằng phẳng như một chiếu nghỉ trên cầu thang.

“Này,” người lính cao vui vẻ gọi.

“Chào,” anh chàng to con nói, mặt hơi nhăn lại.

“Xin chào,” tôi đáp lại. Tôi biết lẽ ra mình phải ngạc nhiên khi thấy họ, nhưng không hiểu sao tôi lại không coi điều đó là kỳ lạ. Cuộc gặp gỡ này hoàn toàn có thể xảy ra.

“Bọn này vẫn chờ chú em tới,” người cao nói.

“Chờ tôi?” tôi hỏi.

“Dĩ nhiên,” anh ta nói. “Không ai khác tới được đây, đó là cái chắc.”

“Bọn ta chờ đã lâu,” anh chàng to con nó

“Ở đây, thời gian không phải là một nhân tố quan trọng,” người cao nói. “Tuy nhiên, chú em cũng dề dà hơn ta tưởng.”

“Các anh là hai người lính đã mất tích từ rất lâu, rất lâu rồi, phải không?” tôi hỏi. “Trong một cuộc tập trận giả?”

“Chính là bọn ta,” người lính vạm vỡ gật đầu.

“Họ đã tìm các anh khắp nơi,” tôi nói.

“Phải, ta biết,” anh ta nói. “Ta biết họ đã tìm chúng ta. Ta biết mọi sự diễn ra trong khu rừng này. Nhưng dù có tìm riết đến đâu, họ cũng không thể thấy được bọn ta.”

“Thực ra, bọn ta đâu có lạc,” người cao nói. “Bọn ta đã bỏ trốn.”

“Đúng hơn, bọn ta tình cờ tới được chỗ này và quyết định trụ lại đây,” người vạm vỡ nói. “Cái đó khác với bị lạc.”

“Không phải ai cũng tìm được chỗ này,” người cao nói. “Nhưng bọn ta đã tìm được và bây giờ là chú em. Đó là một cú may, ít ra là đối với bọn ta.”

“Nếu bọn ta không tìm được chỗ này thì chắc họ đã tống bọn ta xuống tàu ra nước ngoài rồi,” anh to con giải thích. “Ở bên ấy thì hoặc là giết hoặc là bị giết. Mà bọn ta thì chẳng muốn thế. Ta xuất thân là nông dân, còn anh bạn ta đây vừa tốt nghiệp đại học. Cả hai chúng ta đều không muốn giết ai cả. Mà bị giết thì lại càng tệ hơn. Hiển nhiên là thế, phải không?”

“Còn chú em thì sao?” anh cao hỏi tôi. “Chú em có thích giết hoặc bị giết

Tôi lắc đầu. Không cả hai, dứt khoát không.

“Tất cả mọi người đều thế,” anh cao nói. “Hay ít nhất là đại đa số. Nhưng nếu anh nói ‘Tôi không muốn tham gia chiến tranh’ thì Nhà nước sẽ không tươi cười gật đầu mà miễn cho anh đâu. Anh lại không thể đào ngũ được. Nước Nhật nhỏ xíu, anh trốn đi đằng nào? Họ sẽ truy đuổi anh riết đến độ làm đầu óc anh quay cuồng. Thế cho nên bọn ta ở lì lại đây. Đây là nơi duy nhất bọn ta có thể ẩn náu. (Anh ta lắc đầu rồi nói tiếp). Và bọn ta đã ở lại đây từ đó đến nay. Như chú em nói, từ rất, rất lâu rồi. Ở đây thời gian không phải là một nhân tố quan trọng. Giữa “bây giờ” và “từ rất, rất lâu rồi” hầu như chẳng có gì khác nhau.”

“Chẳng khác nhau tí nào,” anh to con nói, vẫy tay như xua đi một cái gì.

“Các anh biết là tôi đến?” tôi hỏi.

“Hẳn đi rồi,” anh to con đáp.

“Bọn này đã đứng gác ở đây từ lâu, nên nếu có ai đến là bọn này biết ngay,” anh cao nói. “Bọn này như thể một bộ phận của rừng.”

“Đây là cửa vào,” anh to con nói. “Và bọn ta canh giữ cửa vào.”

“Và bây giờ, tình cờ cửa lại mở,” anh cao giải thích. “Tuy nhiên, chẳng mấy chốc, nó sẽ lại đóng lại. Nếu chú em muốn vào, thì bây giờ là đúng lúc đấy. Nó không mở thường xuyên đâu.”

“Bọn ta sẽ dẫn đường,” anh to con nói. “Đường rất khó đi nên cần có người hướng dẫn.”

“Nếu chú em không n vào, thì hãy trở về nơi xuất phát đi,” anh cao nói. “Đường về không khó tìm lắm đâu, đừng lo. Chú em sẽ tìm được thôi. Rồi chú em sẽ trở về cái thế giới xuất xứ của mình, trở về với cuộc sống mà trước nay chú em vẫn sống. Hoàn toàn tùy chú em lựa chọn. Không ai ép chú em phải làm thế này hay thế kia. Nhưng một khi đã vào rồi thì không dễ trở lui đâu.”

“Hãy đưa em vào,” tôi đáp, không chút do dự.

“Chú em có chắc không?” anh to con hỏi.

“Trong ấy có một người mà em cần gặp,” tôi nói. “Ít nhất là em nghĩ thế…”

Chậm rãi và lặng lẽ, hai người đứng dậy khỏi tảng đá và khoác súng lên vai. Họ đưa mắt nhìn nhau rồi vượt lên phía trước tôi.

“Chắc chú em thấy lạ là bọn ta vẫn tha cái cục thép vừa nặng vừa vô dụng này theo,” anh cao quay lại nói. “Mà có viên đạn nào cho cam.”

“Nhưng nó là một biểu tượng,” anh to con nói, không nhìn tôi. “Biểu tượng của những gì bọn ta để lại sau lưng.”

“Biểu tượng là rất quan trọng,” anh cao bổ sung. “Tình cờ, bọn ta lại mang súng và binh phục, cho nên bọn ta sắm vai lính gác. Phải, đó là vai trò của bọn ta. Biểu tượng đã dẫn chúng ta đến những vai trò đó.”

“Chú em có mang theo cái gì như vậy không?” anh to con hỏi. “Một cái gì có thể là biểu tượng?”

Tôi lắc đầu. “Không, em chả mang theo gì. Ngoại trừ ký ức.”

“Hừm…” anh to con nói. “Ký ức hả?”

“Ô-ê, cái đó không thành vấn đề,” anh cao nói. “Ký ức cũng có thể là một biểu tượng lớn. Dĩ nhiên, ta không biết kỷ niệm có bền hay không, liệu nó đậu được bao lâu.”

“Tốt nhất là một cái gì có hình thù, nếu có thể,” anh to con nói. “Như thế dễ hiểu hơn.”

“Như cây súng trường chẳng hạn,” anh cao nói. “À mà tên chú em là gì nhỉ?”

“Kafka Tamura,” tôi trả lời.

“Kafka Tamura,” cả hai nhắc lại.

“Tên lạ nhỉ,” anh cao nói.

“Ừ, đúng là lạ thật,” anh to con đế thêm.

Sau đó, chúng tôi lặng lẽ đi theo vệt đường mòn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.