Kể Chuyện Về Kim Loại

28 . “Vua của các kim loại” – Au – Phần 2



Chỉ vài gam cát chứa vàng mà người ta quên hết tính người, con giết cha, anh em giết nhau. Cảnh như thế đã diễn ra hồi đầu thế kỉ XVIII, khi vừa mới phát hiện ra những mỏ vàng ở Braxin. Nó cũng diễn giữa thế kỉ trước, khi từng đoàn người tìm vàng xô đẩy nhau đến vùng California nóng bỏng, rồi vài năm sau lại ùn ùn kéo nhau đến sa mạc châu Úc. Cảnh như thế đã xảy ra trong những năm 80 của thế kỉ XIX, khi mà cặp mắt của bọn hám lợi rực sáng bốc lên ánh điên dại mỗi lần nghe nói đến Tranxvaan. Cảnh như thế cũng đã diễn ra mấy chục năm sau đó, khi mà xứ Clonđaic băng giá và miền Alaxca tuyết phủ (mà trước kia chính phủ Nga hoàng đã bán cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với giá mấy đồng xu) đã trở thành trung tâm của cơn sốt này.

Hiện còn giữ được các bức ảnh “những con rắn đen” rẽ lối qua những đỉnh núi đầy băng tuyết của vùng địa cực. Đó là những chuỗi người vô tận, lếnh thếch đeo túi hành lí trên vai hoặc kéo trên xe trượt tuyết – niềm ước mơ trở về nhà với những chiếc bị đầy vàng đã lôi cuốn họ. Nhưng tiếc thay đối với đa số những người đi tìm vàng bằng, ước mơ đó không mấy khi thực hiện được.

Trong thế kỉ vừa qua, các mỏ vàng đã được phát hiện ở Xibia, trên bờ sông Lêna. Nhưng lịch sử của vàng nước Nga còn đi ngược về những thời đại sớm hơn.

Ngay từ đầu thế kỉ XVII đã xuất hiện những đồng tiền vàng đầu tiên của nước Nga – đồng mười côpech và đồng năm côpech do Vasili Suixki phát hành.

Dưới thời nữ hoàng Elizaveta Petropna đã xuất hiện đồng tiền vàng lớn, trị giá mười rúp. Để phù hợp với người nắm quyền bính cao nhất nước Nga, người ta đã gọi những đồng tiền này là “hoàng kim.” Có lẽ Elizaveta Petropna là người không thờ ơ với vàng: Sau khi bà ta qua đời, trong hoàng cung còn lại một di sản kếch sù gồm vô số hòm lớn hòm nhỏ đầy ắp tiền vàng.

Các viên đại thần đạo mạo cũng cố gắng để không lạc hậu so với bậc đế vương. Chẳng hạn, năm 1711, công tước Gagarin đã quyết định làm cho thiên hạ “lác mắt” vì sự giàu có của mình nên đã làm một cỗ xe lộng lẫy, đệm nhồi bằng tơ nước ngoài. Ông ta ra lệnh bọc bánh xe bằng bạc, đóng móng cho tám con ngựa bằng vàng nguyên chất, ngụ ý nói: Thấy chưa! Ta cũng biết ăn chơi đấy chứ.

Việc khai thác vàng ở nước Nga đã bắt đầu từ giữa thế kỉ XVIII sau khi người nông dân Erofei Markop phát hiện được mỏ vàng đầu tiên trên bờ sông Berezopka ở Uran vào năm 1745 trong lúc đi tìm thạch anh cho tu viện Ba ngôi. Xứ Uran đã trở thành cái nôi của công nghiệp vàng nước Nga.

Cũng ở Uran đã tìm được khối vàng tự sinh lớn nhất trong nước, nặng ba mươi sáu kilôgam. Một người thợ của nhà máy Mias tên là Nikifor Xiutkin đã tìm thấy nó ở lưu vực sông Mias vào năm 1842. Ngay sau đó, vật quý này đã được đưa về Petecbua; ở đây, nó đã gây nên cảnh huyên náo khác thường. Khối vàng tự sinh lớn nhất nước Nga, đâu phải là chuyện thường! Viên giám thị mỏ được thưởng huân chương Xtanixlap, viên quản đốc xưởng được hưởng phụ cấp một năm. Còn nhân vật chính của lễ mừng thì sao? Một tạp chí cũ đã viết rằng, Xiutkin “uống rượu say mèm, sọm hẳn người, bắt đầu đi làm muộn và cứ như thế cho đến khi, theo lệnh của chủ mỏ, người ta đuổi anh đi, mặt mày sưng húp, áo quần rách bươm, tay chân bị trói chặt và bị một trận đòn nhừ tử trước mặt các nhân viên của mỏ tụ tập lại khi nghe tiếng trống.”

Dưới thời Sa hoàng, điều kiện làm việc tại các mỏ vàng vô cùng nặng nhọc. Từ sáng sớm đến khuya, những người phu mỏ vàng bị ruồi muỗi ăn thịt, còng lưng đãi hàng tấn cát trên những cái máng rất thô sơ. Không phải ngẫu nhiên mà lúc thì nơi này, khi thì nơi khác, đã nổ ra những cuộc đình công. Trong số đó, vang dội nhất là cuộc đình công nổ ra năm 1912 tại các mỏ sa khoáng dọc sông Lêna, từng đi vào lịch sử của Phong trào Cách mạng Nga.

Sau cách mạng, kĩ thuật mới, trật tự mới đã được đưa đến các mỏ vàng. Từ một nghề nửa thủ công, khai thác vàng đã trở thành một trong những ngành công nghiệp hiện đại nhất. Hiện nay chỉ có thể nhìn thấy chiếc khay đãi vàng trong các viện bảo tàng. Bây giờ vàng được khai thác bằng những tàu cuốc – đó là những cỗ máy cao bằng cả tòa nhà bốn tầng, được trang bị các cơ cấu tự động, các khí cụ điều khiển từ xa, các bộ phận truyền hình công nghiệp. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, một tàu cuốc cỡ lớn chỉ cần vài người điều khiển, có thể thay thế chân tay nặng nhọc của mười hai ngàn người đãi vàng.

Sau khi được tách khỏi đất đá, những hạt vàng nhỏ li ti lại được xử lí tiếp để biến thành những thỏi vàng nhỏ. Song cũng hay gặp kim loại này ở dạng các khối tự nhiên, tức là những khối vàng tự sinh. Chúng ta đã nói đến một khối như vậy – khối vàng tự sinh lớn nhất nước Nga. Các khối vàng tự sinh lớn nhất thế giới đã được tìm thấy ở châu Úc hồi thế kỉ trước. Năm 1869, đã diễn ra cuộc gặp gỡ với “người khách lạ đáng mong” nặng bảy mươi mốt kilôgam. Ba năm sau đã tìm thấy “phiến Honterman”; cùng với đất đá xen lẫn thì khối này nặng hai trăm tám mươi lăm kilôgam, trong đó, riêng vàng nặng chừng một trăm kilôgam. Những món quà hiếm có này của thiên nhiên nay đều không còn nữa: Cả hai khối vàng tự sinh này đã bị nấu lại để đúc thành thỏi.

Đôi khi vàng có ở những chỗ rất bất ngờ. Gần Băng Cốc – Thủ đô Thái Lan, có một pho tượng phật rất lớn mà không ai biết là nó đã được chở đến đây từ bao giờ. Nửa thế kỉ trước đây, người ta đã quyết định xây dựng một nhà máy cưa lớn ở chỗ này, do đó, cần phải chuyển pho tượng đi nơi khác. Khi nhấc pho tượng lên khỏi bệ, mặc dầu đã dùng những biện pháp rất thận trọng, pho tượng Phật bán thân bằng đá vẫn bị nứt và tận trong kẽ nứt lộ ra cái gì óng ánh. Những người chỉ đạo công việc đã quyết định bóc lớp vỏ ngoài bức tượng. Tức thì trước mắt những người có mặt lúc đó hiện lên một ông Phật bằng vàng nguyên chất, nặng 5,5 tấn. Các chuyên gia đã xác định rằng, pho tượng cổ ấy không kém bảy trăm tuổi. Cõ lẽ, trong những năm chiến tranh phong kiến giữa các phe phái, để đề phòng bất trắc, những người chủ của pho tượng Phật bằng vàng đã mặc cho ngài bộ “cà sa” bằng đá, rồi một điều gì đó đã cản trở họ cởi bộ y phục ấy ra. Hiện nay, pho tượng này đang được bảo tồn tại Chùa Vàng nổi tiếng ở Băng Cốc.

Trong toàn bộ lịch sử của mình, loài người đã khai thác không quá một trăm nghìn tấn vàng. Như vậy có nhiều không? Có lẽ không nhiều. Để xác nhận điều này, xin đưa ra một thí dụ trực quan: Nếu lượng vàng này được biểu thị bởi một khối lập phương thì mỗi chiều của nó chỉ mới được mười bảy mét, mà theo ước tính của các nhà địa chất thì chỉ riêng trong vỏ trái đất thôi, đã có đến một trăm tỉ tấn vàng. (!) Trữ lượng kim loại này, mà trên thực tế là không thể cạn kiệt, đã hòa tan trong nước của các đại dương và biển trên hành tinh của chúng ta. Các “kho vàng” trong đại dương được bổ xung thường xuyên: Các con sông chảy qua những vũng chứa vàng, xói rửa kim loại này ra khỏi đất đá và mang ra biển.

Những ý đồ lấy vàng từ nước biển đã được thực thi nhiều lần. Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhà hóa học Đức Fritx Habe (Fritz Haber) là một trong những người đầu tiên làm công việc này với ý định gánh đỡ cho Đức khoản tiền bồi thường chiến tranh. Năm 1920, với khoản tiền trợ cấp của ngân hàng và của phòng bảo chứng Franfuôt, một uỷ ban hoàn toàn bí mật đã được thành lập ở Đalem nhằm tìm cách lấy vàng từ nước biển. Sau tám năm tìm tòi liên tục, Habe đã hoàn chỉnh những phương pháp phân tích chính xác nhất cho phép phát hiện vàng khi hàm lượng của nó chỉ bằng 0,000.000.000.1 gam trong một lít và cả những phương pháp làm cho hàm lượng nguyên tố này trong nước tăng lên mười ngàn lần. Tưởng như thành công đến nơi rồi. Nhưng… (chính tại thời điểm cuối cùng lại hay xuất hiện cái “nhưng” bất ngờ này), các phép phân tích được tiến hành rất cẩn thận đã đính chính lại rằng, hàm lượng vàng trong nước biển ít hơn khoảng một ngàn lần so với dự tính của Habe. Rõ là “một tiền gà, ba tiền thóc.”

Với trình độ kĩ thuật hiện đại thì vấn đề như vậy không phải là không giải quyết được. Hiện nay, nhiều hãng nước ngoài đang tiến hành các cuộc nghiên cứu trong lĩnh vực này và ai biết được rằng, có thể trong những năm sắp tới, đại dương sẽ trở thành những mỏ vàng vô tận.

Còn một hướng nữa cũng rất đáng chú ý mà các nhà bác học Pháp và Liên Xô đang theo đuổi. Đây muốn nói đến các quá trình luyện kim vi sinh học. Cách đây chưa lâu lắm, khoa học đã biết những vi khuẩn “ăn vàng.” Một số biến chủng của các loại nấm mốc dường như có khả năng hút vàng khỏi dung dịch rồi được bao phủ bởi một lớp màng nhuốm vàng. Đem sấy khô màng nấm và nung lên thì thu được vàng, nhưng thực ra, chỉ với một lượng rất nhỏ bé. Phương pháp này vẫn chưa ra khỏi bốn bức tường của phòng thí nghiệm, nhưng các nhà bác học tin chắc rằng, hoàn toàn có thể sử dụng được hoạt động sinh hóa mãnh liệt của nhiều vi khuẩn vào thực tiễn để lấy vàng ra khỏi đất đá.

Ngày nay, cũng có thể thu được vàng từ các loại khác. Các bạn sẽ hỏi: “Xin lỗi, phải chăng ước mơ ngàn năm của các nhà giả kim thuật đã được thực hiện và cuối cùng, đã tìm ra được “hòn đá mầu nhiệm” rồi ư?” Công việc ở đây không phải là nhờ “hòn đá mầu nhiệm” mà môn vật lí hạt nhân đã thay thế nó một cách có kết quả. Khi dùng nơtron để bắn phá các nguyên tử iriđi, platin, thuỷ ngân, tali trong các lò phản ứng nguyên tử, các nhà bác học “khai thác” được các đồng vị phóng xạ của vàng. Có thể sử dụng các máy gia tốc (loại máy gia tốc vòng của máy gia tốc tuyến tính) vào mục đích này. Ở đây, điện trường và từ trường được sử dụng để làm cho các hạt tích điện đạt tốc độ rất lớn.

Nói cho vui thì chúng ta nhận thấy rằng, các nhà vật lí học người Anh hiện nay có lẽ đã nhiều lần vi phạm sắc lệnh mà vua Henry IV đã kí từ đầu thế kỉ XIV: “Bất cứ ai, dù đó là người nào, đều không được phép biến đổi các loại bình thường thành vàng.” Sau đó mấy trăm năm, chưa một ai có thể trở thành người vi phạm luật đó mặc dù rất nhiều người muốn làm được như thế và mãi đến thế kỉ XX, sắc luật của nhà vua mới bị các nhà bác học “chà đạp.”

Thế là các bạn đã quen với lịch sử của vàng và với việc khai thác vàng. Nhưng, kim loại này là cái gì vậy? Hiện nay nó được sử dụng ra sao?

Vàng là một trong những kim loại nặng nhất. Chính tính chất này đã giúp cho Acsimét vạch trần trò bịp bợm của bọn thợ kim hoàn trong hoàng cung của vua Hiero xứ Siracusa khi chúng làm chiếc vương miện bằng vàng theo yêu cầu của ông vua này. Nhà vua đã yêu cầu nhà bác học cho biết rõ, cái vương miện này có được làm bằng vàng nguyên chất hay không, hay là một phần vàng đã bị thay thế bởi kim loại khác. Trong thời đại chúng ta, bài toán này chỉ vừa tầm hiểu biết của một em học sinh nhỏ. Nhưng ở thế kỉ Trước Công nguyên, ngay cả Acsimét vĩ đại cũng phải vắt óc để tìm câu trả lời cho nhà vua. Nhà bác học đã làm như sau: Ông cân chiếc vương miện, sau đó, dìm vào nước và xác định thể tích của nó bị choán chỗ. Lấy khối lượng của vương miện chia cho thể tích, ông không thu được con số 19,3 (ứng với mật độ của vàng) mà được một số nhỏ hơn. Điều đó có nghĩa là bọn thợ kim hoàn đã “cuỗm” một phần vàng và thay vào đó một thứ kim loại nhẹ hơn.

Vàng nguyên chất là một kim loại rất mềm và rất dẻo. Có thể kéo một mẩu nhỏ vàng bằng đầu que diêm thành một sợi dây dài vài kilômét hoặc dát thành một lá mỏng trong suốt hơi xanh có diện tích chừng năm mươi mét vuông.

Nếu lấy móng tay vạch lên vàng nguyên chất thì sẽ còn lại dấu vết trên đó. Vì vậy, trong nghề kim hoàn, người ta thường pha thêm đồng, bạc, niken, cađimi, palađi và các kim loại khác vào vàng để làm cho nó bền hơn. Còn trong các trường hợp gia công vàng nguyên chất, một lượng vàng khá lớn sẽ biến thành bụi.

Cuối thế kỉ trước, ở Mỹ đã xảy ra một sự việc kì khôi. Cách xưởng đúc tiền ở Philađenphia không xa có một ngôi nhà thờ nhỏ cũ kĩ. Một hôm, khi người ta chuẩn bị sửa chữa lại nó thì một người trong thành phố đến yêu cầu bán cho anh ta cái mái nhà rách nát vô dụng ấy với giá khá đắt – những ba ngàn đô la! Cả xóm đạo kháo nhau rằng, anh này mất trí rồi, nhưng khi mà tiền đã đến tay mà không hứng lấy thì cũng có lỗi. Hóa ra các chức sắc nhà thờ mới là những người ngốc. Anh chàng tinh khôn này đã cạo sạch lớp bụi bẩn ở mái nhà, rồi đốt nó – trong tro có khoảng tám kilôgam vàng mà giá trị của nó vượt xa số tiền mà anh ta đã bỏ ra để trả cho xóm đạo. Thì ra qua nhiều năm, bụi vàng bay qua ống khói lò nung của xưởng đúc tiền và lắng xuống mọi vật xung quanh, nhưng nhiều nhất là trên mái nhà thờ.

Một anh thủ quỹ của một ngân hàng lớn ở châu Âu cũng tỏ ra không kém tinh khôn. Sự việc được kể ở đây đã xảy ra trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi mà tiền vàng còn lưu hành ở đa số các nước. Mỗi ngày, hàng ngàn đồng tiền vàng chảy vào các quầy thu tiền của các ngân hàng; ở đó, chúng được đếm lại, phân loại và niêm phong. Thông thường, các công việc này được thực hiện trên những chiếc bàn gỗ chuyên dụng. Nhưng một hôm, trước khi bắt đầu làm việc, một người thủ quỹ đã trải lên bàn một tấm nỉ mang từ nhà rồi bày tiền lên đó để đếm. Người phụ trách rất vui lòng vì tính cẩn thận như vậy và trong thời gian dài đã lấy người thủ quỹ này để nêu gương cho những người khác. Mỗi buổi sáng, anh ta nhẹ nhàng rút tấm nỉ của mình từ ngăn kéo ra và trải lên bàn và khi hết ngày làm việc thì gấp lại cẩn thận cất vào ngăn bàn. Cứ đến chiều thứ bảy, người thủ quỹ mang miếng nỉ về nhà và sáng thứ hai lại mang một miếng nỉ mới. Sự việc cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi người giúp việc của nhà anh ta bép xép kể rằng, cứ mỗi tối thứ bảy, ông chủ của anh ta đặt miếng nỉ lên chảo rồi đốt. Bụi vàng bám vào các sợi nỉ bị nóng chảy và biến thành hạt vàng nhỏ.

Tính bền vững hóa học rất cao là một trong những tính chất quan trọng nhất của vàng. Các axit và các chất kiềm đều không tác động đến vàng. Chỉ riêng nước cường toan (hỗn hợp của axit nitric và axit clohiđric) đáng sợ là có thể hòa tan vàng. Có một lần Nin Bo – nhà vật lí học nổi tiếng người Đan Mạch, người từng đoạt giải thưởng Noben, đã sử dụng tính chất này. Năm 1934, khi thoát khỏi tay bọn Đức quốc xã, ông rời khỏi Copenhagen. Nhưng trong tay ông còn hai huy chương Noben – vàng của các bạn đồng nghiệp là các nhà vật lí học chống phát xít người Đức – Jeim Franc (James Franck) và Macx fon Laue (Max Laue) (huy chương của bản thân Bo thì đã được đưa ra khỏi Đan Mạch từ trước). Không muốn liều mang các huy chương này theo mình, nhà bác học đã hòa tan chúng trong nước cường toan và đặt cái chai không có gì đáng chú ý này vào một xó trên sàn nhà, nơi có nhiều chai lọ đựng các chất lỏng khác nhau mà bụi bặm bám đầy. Sau chiến tranh, khi trở về phòng thí nghiệm của mình, trước tiên, Bo đã tìm lại cái chai quý báu ấy. Theo yêu cầu của Bo, những người cộng sự của ông đã tách vàng ra khỏi dung dịch, rồi làm lại hai tấm huy chương.

Vàng thường được gọi là “vua của các kim loại”; nó được bao bọc bằng vầng hào quang của niềm vinh hạnh; người ta quý trọng nó, tôn sùng nó. Tuy nhiên, số phận của nó chẳng có gì đáng thèm khát, bởi vì chẳng khác gì một “người tù chung thân.” Thật vậy, vừa được moi lên khỏi lòng đất vàng rơi vào tay con người, rồi con người lại đưa nó vào nơi giam cầm – những chiếc tủ sắt kiên cố, những hầm ngầm bọc sắt hoặc bằng bê tông cốt sắt. Chẳng hạn pháo đài Nox – nơi có các kho vàng dự trữ của Mỹ, đằng sau nhiều lớp dây thép gai mang dòng điện với điện áp năm ngàn vôn là những thứ như thế. Các lối đến pháo đài này từ xa được bảo vệ bằng mười tháp canh có trang bị khí cụ quan trắc vô tuyến điện tử hiện đại nhất. Súng liên thanh và đại bác cực nhanh túc trực trong các tháp canh sẵn sàng tự động nhả đạn vào mục tiêu. Pháo đài được ngăn thành từng phần, có những khoang chứa đầy nước. Chỉ trong vài phút, tất cả các phòng trong pháo đài có thể tràn ngập trong khí độc thừa sức tiêu diệt mọi sinh vật một cách nhanh chóng. Chính giữa pháo đài, trong một khối bê tông cốt sắt đặc biệt được đóng kín mít bằng một cánh cửa nặng hai chục tấn với những ổ khóa tinh xảo cực kì, là nơi cất dấu vàng của nước Mỹ. Những con mắt điện tử không một giây phút nào lơ đễnh. Máy bay lên thẳng thường xuyên tuần tiễu trên pháo đài. Không một tù nhân nào trên thế giới lại bị canh giữ cẩn mật đến thế.

Hiện nay, trong số lượng vàng đã khai thác, chỉ một phần tương đối ít được dùng để làm đồ kim hoàn và làm răng giả. Một điều thú vị là vàng đã được dùng làm răng giả từ thời thượng cổ. Hồi đầu những năm 50, tại nơi mai táng trong kim tự tháp của faraon Chephren của nước Ai Cập cổ xưa, các nhà bác học đã tìm được một xác ướp trong miệng có ba chiếc răng được gia cố bằng sợi dây vàng. Tuổi của chúng tính ra là đã hơn bốn ngàn rưỡi năm. Các nhà phẫu thuật cổ xưa đã sử dụng đến vàng. Chẳng hạn, trong các cuộc khai quật được tiến hành ở Nam Mỹ, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hộp xương sọ của một thủ lĩnh người Inka. Hộp sọ này đã khiến các nhà y học phải chú ý, vì lúc sinh thời, vị “chủ nhân”đầy quyền thế của chiếc xương sọ này đã trải qua một cuộc mổ xẻ: Trên xương sọ hiện vẫn còn dấu vết của việc khoan xương do những bàn tay thiện nghệ tiến hành, ngoài ra, lỗ khoan còn lại trên mô xương đã được nhà phẫu thuật cổ xưa bịt lại rất kĩ lưỡng bằng một mảnh vàng mỏng.

Cách đây chưa lâu lắm, lượng vàng dùng cho các nhu cầu kĩ thuật chỉ nhiều hơn chút ít so với lượng vàng dùng để làm răng giả. Trong những năm gần đây, công nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến vàng nhiều hơn. Kĩ thuật điện tử ngày càng “ngốn” nhiều vàng để làm vật liệu cho các tranzito và điôt. Từ các hợp kim của vàng với platin, người ta làm ra các chi tiết của thiết bị sản xuất sợi tổng hợp, bởi vì những điều kiện sản xuất ở đây đòi hỏi chúng phải có tính bền vững rất cao đối với tác động của các hóa chất.

Trong kĩ thuật chân không, người ta cũng sử dụng vàng nguyên chất về mặt kĩ thuật. Ở mức độ chân không rất cao vàng “bám chặt” với đồng khi hai kim loại này tiếp xúc với nhau. Các nguyên tử của kim loại này xâm nhập vào kim loại kia, thêm vào đó, sự khuyếch tán qua lại như vậy xảy ra ở nhiệt độ thấp hơn nhiều so với nhiệt độ nóng chảy của mỗi kim loại hoặc bất cứ hợp kim nào của chúng. Trong kĩ thuật, những mối ghép nối khá bền tạo ra nhờ sự trao đổi như vậy được gọi là những “con dấu vàng.”

Từ vàng, người ta làm ra các vòng chèn kín và vòng đệm cho các khâu quan trọng trong máy gia tốc các hạt tích điện; các chỗ giáp nối khác nhau trong các ống và trong buồng máy gia tốc cũng được hàn bằng vàng. Vàng bịt kín các lỗ thoát không khí, vì vậy mà giữ được độ chân không cực kì cao trong các thiết bị (với độ chân không nhỏ hơn áp suất khí quyển hàng tỉ lần). Độ chân không trong buồng gia tốc càng cao thì các hạt cơ bản “sống” trong đó càng lâu.

Các kĩ sư từng đặt dây cáp điện thoại qua Đại Tây Dương hồi những năm 50 đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của vàng. Nếu như các bức điện báo vẫn được truyền giữa châu Mỹ và châu Âu từ hơn một trăm năm nay, thì các cuộc nói chuyện bằng điện thoại qua Đại Tây Dương vẫn là một niềm mơ ước tưởng như không thể thực hiện được. Khó khăn chủ yếu là dòng điện truyền theo dây cáp điện thoại bị suy yếu rất nhanh. Làm thế nào để khắc phục điều đó? Muốn duy trì cường độ dòng điện, có thể đặt những thiết bị khuyếch đại cách nhau một khoảng nào đó trên suốt chiều dài dây cáp. Để bảo vệ các thiết bị này khỏi tác động phá huỷ của nước biển, nhiều chi tiết của chúng đã được mạ bằng vàng. Thế là giải quyết được một vấn đề kĩ thuật phức tạp và năm 1956 đã diễn ra cuộc nói chuyện đầu tiên bằng điện thoại qua Đại Tây Dương đầu tiên trong lịch sử.

Không còn phải nghi ngờ gì nữa vàng còn góp phần to lớn vào việc chinh phục không gian vũ trụ. Đặc biệt, các vệ tinh nhân tạo “Prospero” và “Ariel” dùng để nghiên cứu tầng ion đều không phải là những vệ tinh bình thường mà là những vệ tinh “bằng vàng”; chúng được mạ một lớp vàng rất mỏng. Sở dĩ như vậy là vì “vua của các kim loại” bảo đảm sự điều chỉnh nhiệt độ rất tốt cho lớp bọc bên ngoài các vệ tinh, vì nó không bị oxi hoá, cho phép các ion và các hạt tích điện khác đi qua dễ dàng, nhờ vậy mà ngăn chặn được sự tích tụ của chúng – một điều có thể dẫn đến những sự “trục trặc quá đáng” ngoài dự tính. Gần bốn mươi mốt kilôgam vàng đã được dùng vào việc chế tạo các chi tiết trên con tàu vũ trụ “Columbia” của Mỹ.

Nhu cầu về vàng đối với công nghiệp mỗi năm một tăng. Có lẽ, sớm hay muộn thì kim loại quý báu nhất này sẽ từ giã các tủ sắt để đi vào các nhà máy và các phòng thí nghiệm, những nơi mà lúc nào nó cũng có thể tìm được những công việc thích thú hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.