Kết giao tinh tế

PHẦN 3. MƯỜI HAI MẸO NHỎ Thể hiện tài ăn nói đặc biệt – Bí quyết duy trì cuộc trò chuyện sôi nổi với những người bạn vừa gặp



Những người có tài ăn nói có thể chào hỏi người lạ và tán gẫu với bất kỳ ai. Họ có khả năng đáng chú ý nhất là có thể giao tiếp nhanh chóng với hàng chục người mà tất cả chúng ta gặp thường ngày: thư ký bán hàng, nhân viên ở đại lý bán vé, người lái xe tắc xi, nhân viên tổng đài, những hành khác đi cùng thang máy và cả thế giới của người khác. Họ có thể trò chuyện sôi nổi rất lâu với những người mà họ vừa gặp một cách dễ dàng. Khi bạn đã quá thành thạo trong việc biến những người lạ này thành người quen (và những người quen cảm thấy thích trở thành bạn của bạn), bạn có thể nhận ra bạn có tài ăn nói.

“Nhưng tôi sẽ nói gì với những người lạ này?” bạn hỏi

Các bác sỹ tâm lý thường có thói quen trả lời một câu hỏi bằng cách hỏi một câu khác. Vì vậy lúc này tôi đang tự đưa ra câu hỏi, và bác sỹ Lowndes sẽ làm tương tự. Câu trả lời của tôi cho câu hỏi của bạn là: “Ai là đối tượng được mọi người yêu thích?”

Vâng, chính bản thân họ. Bạn đã biết điều đó. Bạn tiếp tục, “Nhưng, nếu tôi không biết họ, tôi không thể nói, “Chào bạn, hãy nói cho tôi biết về bạn.”

Đúng vậy. Tuy nhiên, tôi sẽ kể cho bạn nghe cách một người lạ đã khiến tôi kể về bản thân mình thế nào cho dù tôi đang trong tâm trạng khổ sở. Trong một tiếng đồng hồ, cô ấy đã biến tôi từ một người lạ thành một người bạn. Tôi sẽ biết ơn người bạn đường của tôi, Cheryl Mostrom, vì đã truyền cảm hứng cho tôi về Mẹo nhỏ kế tiếp này và bạn có thể sử dụng mẹo đó với bất kỳ người nào bạn gặp, vào bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ nơi nào.

Bí quyết để biến một người lạ ăn nói cục cằn thành một người có tài ăn nói

Một ngày băng giá tháng Hai cách đây năm năm, tôi có một chuyến bay vào buổi sáng sớm từ New York đến Phoenix để diễn thuyết. Khoảng 4 giờ sáng, tôi định ném cái đồng hồ báo thức ra ngoài cửa sổ phòng ngủ. Nhưng, sợ rằng nó rơi trúng vào người qua đường, tôi quyết định không ném nữa.

Không còn thời gian để ăn sáng tại sân bay, và trong những ngày này “bữa ăn ở trên máy bay” là một nghịch lý. Một đứa trẻ sơ sinh đang khóc và mẹ của bé ngồi cùng ghế với tôi, vì vậy tôi không thể ngủ được. Khi tôi nhìn thấy tiếp viên đưa cho mỗi hành khách một túi lạc nhỏ, tôi đã nghĩ đến việc ăn trộm một lọ mơ nghiền từ chiếc túi nhỏ của đứa trẻ.

Chuyển chuyến bay tại sân bay Midway, tôi chạy đến cửa chuyển tiếp cách đó nửa dặm – ngồi trên máy bay được một tiếng thì máy bay cất cánh. Sau khi máy bay cất cánh, tiếp viên đưa cho tôi túi nôn thay vì những túi đậu phộng.

Đến sân bay

Thông thường, điều phối viên sự kiện, người mà tôi chưa gặp bao giờ ra đón tôi tại sân bay. Những người tổ chức cuộc họp thường hỏi câu xã giao, “Chuyến bay của bà thế nào?” trước khi họ tiến hành tra hỏi tôi mọi vấn đề của chương trình mà tôi đã lên kế hoạch cho họ.

Lần này, Cheryl, ở công ty luật Fennemore Craig, người mà cho đến thời điểm đó vẫn chỉ là một người quen qua loa qua điện thoại, nói, “Sáng nay có lẽ bà đã phải dậy rất sớm nhỉ. Đồng hồ của bà báo thức lúc mấy giờ?” Sau đó cô ấy hỏi liệu tôi có thời gian để ăn ở sân bay hay không hoặc họ có phục vụ gì trên máy bay không. Khi chúng tôi đi ra xe ô tô, cô ấy hỏi những câu hỏi đại loại như, “Các cửa ở Chicago đều đóng khi bà chuyển máy bay à?”, “Máy bay bay êm chứ?”, “Bà có ngủ được trên máy bay không?”

Cheryl hỏi những câu hỏi đó cứ như thể cô ấy đã theo dõi tôi suốt cuộc hành trình tờ mờ sáng của tôi vậy. Cô ấy đã trông thấy tôi vắt chân lên cổ để chạy qua hành lang sân bay ư? Cô ấy có thấy tôi khó chịu chỉ muốn ném đôi giầy của tôi vào nhân viên an ninh khi bắt tôi phải tháo giầy ra?

Tôi sửng sốt trước những câu hỏi tinh tế của cô bởi vì cô ấy biết được ba sự việc: Tôi bay chuyến bay sớm; tôi phải chuyển tiếp máy bay ở Chicago phủ đầy tuyết; và chuyến bay bị chậm một giờ. Từ những đầu mối này, Cheryl dã đoán được tôi đã trải qua những gì và nhận thấy tôi muốn nói hết những điều trên. Cô ấy đã chứng tỏ được phán đoán cảm xúc chính xác nhất, và tôi cảm thấy muốn kết bạn ngay với cô ấy.

Nếu Cheryl không hỏi những câu này trong lúc cô ấy đưa tôi đến khách sạn, hẳn trong lòng tôi sẽ vẫn còn thấy khó chịu về chuyến đi khổ sở của mình “Đúng là chuyến bay chết tiệt!” Nhưng những câu hỏi của Cheryl khiến tôi sẵn sàng trình bày toàn bộ bài diễn thuyết của mình trên ô tô cho cô ấy nghe nếu cô ấy muốn để có được bài diễn thuyết hoàn chỉnh nhất trước hội nghị.

Sau khi hiểu hơn về Cheryl, tôi ca ngợi cô ấy vì đã hiểu được những gì tôi đã trải qua trước khi tôi đến sân bay. Cô ấy nói, “Leil, đó chỉ là những điều tương tự với bản câu hỏi cô đã gửi trước cho chúng tôi.” Bản câu hỏi đó là một danh sách câu hỏi mà diễn giả gửi đến khách hàng để họ có thể hiểu về tổ chức tốt hơn trước khi diễn thuyết. Một trong những câu hỏi quan trọng là, “Trước khi diễn thuyết, người tham dự đã trải qua một ngày thế nào?”

Đã năm năm trôi qua kể từ ngày đó cho đến bây giờ, tôi không còn gặp Cheryl nữa. Cô ấy sống cách đây hai nghìn dặm. Nhưng chúng tôi vẫn là những người bạn thăm hỏi nhau qua điện thoại và qua thư điện tử.

Kỹ năng hiệu quả để có cuộc trò chuyện tuyệt vời

Mẹo nhỏ #19 dựa trên hiện tượng không thể bác bỏ trong tự nhiên: Bất kỳ thứ gì nhìn gần thì to lớn hơn khi nhìn từ xa. Điều này đúng đối với kinh nghiệm và sự vật. Chẳng hạn, tôi không cảm thấy những câu hỏi của Cheryl về chiếc đồng hồ báo thức của tôi hoặc nơi gần cửa sân bay là một cuộc trò chuyện vặt vãnh. Không hề nhỏ chút nào. Những phiền toái đó vẫn là vấn đề lớn đối với tôi, tôi muốn nói những phiền toái đó ra cho mọi người biết.

Đây là kỹ năng để mở đầu cuộc trò chuyện thú vị-ít nhất thú vị với người khác. Khi bạn gặp một người nào đó lần đầu, bạn chẳng biết gì về anh ta. Tuy nhiên, chỉ cố gắng một chút, bạn có thể phát hiện được những sự việc thông thường về một ngày của anh ta. Việc này đơn giản giống như hỏi một ai đó ở bữa tiệc về nơi anh ta sống. Nếu anh ta sống ở một nơi xa, hãy hỏi là anh ta lái xe mất bao lâu. Hãy hỏi những câu đại loại như, “Có bị tắc đường không?”, “Bạn đi trên đường quốc lộ hay đường làng?”, “Tốc độ tối đa khi đi trên con đường đó là bao nhiêu?”

Bạn thấy những câu hỏi trên có vẻ ngớ ngẩn, nhưng đối với anh ta thì đây không phải là cuộc trò chuyện “nhỏ”. Tại sao? Bởi vì những điều vụn vặt đó vẫn là tấm kính che đậy trí tuệ của anh ấy. Càng hỏi về những sự việc mới xảy ra gần lúc hỏi, chúng càng trở nên quan trọng hơn so với mức thực tế.

Hỏi về tình trạng giao thông và giới hạn tốc độ ngày hôm sau dường như không quan trọng, thậm chí là hơi khác thường. Nhưng, lúc này, đối với anh ta lại là một cuộc trò chuyện phù hợp.

Những câu hỏi về công việc một người đã làm cách đây vài giờ chỉ là để mở đầu cuộc trò chuyện. Ngay sau đó mọi việc diễn ra tự nhiên và hết chủ đề này đến chủ đề khác. Hãy gieo bất kỳ hạt thông tin nào bạn lượm được. Nếu bạn trồng và chăm sóc nó, bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng khi nó mọc rất nhanh thành một cuộc thảo luận sôi nổi.

Mẹo nhỏ này cũng có tác dụng tuyệt vời với bạn bè

Đó là ngày thứ Tư. Bạn của bạn biết cô ấy ngủ dậy lúc mấy giờ. Cô ấy đã phải đương đầu với những công việc gì. Cô ấy ăn trưa ở đâu, cô ấy ăn gì và ăn cùng với ai – và rất nhiều chuyện vớ vẩn khác dễ quên.

Đối với bạn hoặc bất kỳ người bạn nào khác của cô ấy, những việc trên chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, chúng lại đóng một vai trò quan trọng trong ngày thứ Tư của cô ấy. Tối hôm đó, cô ấy thích nói về những công việc trên. Thứ Năm, cô ấy quên những công việc vụn vặt của ngày thứ Tư, vì vậy hỏi khi đó sẽ chỉ là ngớ ngẩn. Đối với một cuộc trò chuyện thú vị, hãy bắt chuyện tầm phào với một ai đó khi câu chuyện đang sôi nổi! Tuy nhiên, Mẹo nhỏ #19 không chỉ tạo ra một cuộc trò chuyện. Vì bạn tốt là những người duy nhất nói những câu chuyện tầm phào với nhau. Nói về những công việc vụn vặt với một người mới quen tạo nên dấu ấn như thể hai người đã có mối quan hệ thân thiết từ lâu.

Ngay sau khi tôi phát hiện Mẹo nhỏ này có tác dụng tốt với người quen và bạn bè, tôi quyết định tìm hiểu xem liệu mẹo đó có tác dụng với những người bạn thường gặp, như một thành viên trong gia đình hoặc một người nào đó sống cùng với bạn hay không.

Giá bất động sản lên cao ở thành phố New York buộc tôi phải sống trong điều kiện bất thường, vì vậy tôi phải sống cùng với một anh bạn (Phil Perry). (Tôi gọi anh ta là “anh bạn cùng phòng lý tưởng.” Anh ta nói chúng tôi là “những người bạn không vụ lợi” hoặc những điều tương tự như vậy.)

Phi thích dạo bộ quanh thành phố vào các sáng Chủ nhât. Khi anh ta đi dạo về, tôi hỏi anh ta hàng chục điều vớ vẩn, bất kể điều gì tôi nghĩ ra. “Này Phil, hôm nay bao nhiêu độ nhỉ?”, “Anh thấy có nhiều người ngoài phố không hay vắng vẻ?”, “Nhiều cửa hiệu mở cửa chưa?”, “Anh có dừng lại ăn sáng không?”, “Ăn ở đâu?”, “Ăn gì?”

Anh ta chẳng thấy câu hỏi của tôi kỳ lạ chút nào. Anh ấy thích nói về cuộc dạo bộ vừa xong của mình – thích đến nỗi tôi khó có thể thay đổi chủ đề khác.

MẸO NHỎ #19 Hãy hỏi mọi người về công việc họ làm cách đó vài giờ

Để bắt chuyện với một người mới quen (hoặc một người bạn cũ) hãy hỏi về một ngày của cô ấy, tốt hơn là nên hỏi những việc cô ấy làm cách đây năm hoặc sáu tiếng. Hãy nghĩ ra càng nhiều chi tiết càng tốt và hỏi về chúng. Cô ấy thích vẻ không tự nhiên của bạn vì cô ấy là người có kinh nghiệm.

Mỗi câu hỏi chi tiết đều có vòng đời ngắn, vì vậy hãy sử dụng câu hỏi đó khi nó còn nóng hổi.

Công thức thì đơn giản, nhưng lợi ích của cuộc trò chuyện thì thật to lớn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.