Cái gì đã xảy ra thế, Ravic? – Kate Hegstroem hỏi.
Cô nằm gối lên hai chiếc gối, người hơi dốc cao lên. Căn phòng đượm mùi nước hoa lẫn mùi bệnh viện. Mấy tấm lá sách ở cửa sổ mở nghiêng nghiêng không khí trong và lạnh ở bên ngoài hòa với hơi ấm của căn phòng. Người ta có cảm giác như đang ở vào tiết tháng Tư chứ không phải là tháng Giêng.
– Chị có sốt mấy ngày, Kate ạ. Sau đó chị đã ngủ gần hai mươi bốn tiếng liền nhưng sốt đã hạ hẳn, bây giờ thì ổn rồi. Chị thấy trong người ra sao?
– Mệt. Vẫn mệt. Nhưng không phải như trước. Tôi thấy thư thái hơn. Và hầu như không thấy đau.
– Ít nữa chị sẽ hơi đau một chút. Nhưng chúng ta sẽ dùng những biện pháp cần thiết để cảm giác đau có thể chịu đựng được. Vả lại cũng chẳng đau lâu đâu, Kate ạ.
Kate gật đầu.
– Anh đã phải mổ đây à?
– Đúng thế, Kate ạ.
– Không thể tránh được sao?
– Không thể tránh được.
Anh đợi Kate hỏi tiếp. Nên để cho cô ấy hỏi về những gì cô muốn biết thì hơn.
– Tôi phải nằm bao lâu nữa?
– Vài ba tuần.
– Tôi nghĩ được nằm như vậy sẽ tốt cho tôi, – Kate nói sau một lát im lặng – tôi cần yên tĩnh. Bây giờ tôi mới biết mình đã kiệt sức đến mức nào. Trước đây tôi không chịu thừa nhận là như thế. Có phải vì cái chứng bệnh ấy mà tôi mệt đến thế không?
– Rõ ràng là như thế.
– Và cả những lần xuất huyết thỉnh thoảng lại thấy có giữa hai kỳ kinh nguyệt nữa cũng vậy hay sao?
– Cũng vậy, Kate ạ.
– Mấy tuần nằm đây sẽ có ích cho tôi. Như thế là hơn. Bây giờ mà tôi lại phải dậy để lại rơi vào các thứ đó thì… chắc là tôi không chịu nổi…
– Những việc ấy không cần thiết. Phải quên hết đi. Chỉ nghĩ đến những việc trước mắt thôi. Như bữa ăn trưa chẳng hạn.
– Xin vâng lệnh bác sĩ. Nhưng anh cho tôi xin cái gương một chút.
Ravic lấy tấm gương để trên bàn ngủ đưa cho Kate. Cô chăm chú soi mình.
– Có phải anh gởi hoa cho tôi không?
– Không. Bệnh viện gửi đấy.
Kate để tấm gương xuống giường.
– Các bệnh viện chẳng bao giờ gửi tặng hoa đinh hương tím vào tháng Giêng. Họ gửi hoa marguerite hay là một loài hoa gì tương tự. Các bệnh viện cũng không biết rằng hoa tử đinh hương là loài hoa tôi thích nhất.
– Ở bệnh viện này người ta biết đấy. Chị là bệnh nhân cũ. – Ravic đứng dậy – Tôi phải đi đây. Sáu giờ tôi sẽ ghé lại.
– Ravic…
– Gì cơ? – Anh vừa đáp vừa nghĩ thầm: “Bây giờ thì Kate sẽ hỏi mình đây”.
Nhưng Kate chỉ giơ tay ra cho anh.
– Cảm ơn, – Cô nói – cảm ơn anh đã gửi hoa, và cũng cảm ơn anh đã chăm sóc cho tôi. Bao giờ có anh tôi cũng thấy yên tâm lạ lùng.
– Có gì đâu, Kate? Tôi đã nói là không có gì nghiêm trọng mà. Cố ngủ đi, nếu có thể được. Nếu cô thấy đau thì gọi y tá. Tôi sẽ dặn những điều cần thiết. Chiều nay tôi sẽ quay lại.
– Veber! Chai cognac đâu rồi?
– Sự tình đến nông nỗi như thế sao? Chai đây rồi. Eugénie, chị làm ơn lấy cái cốc ra đây.
Eugénie miễn cưỡng đi lấy cốc mang ra. Veber kêu lên:
– Cái kia mà là cốc à? Đó là cái để khâu áo thì đúng hơn! Chị lấy cho tôi một cái cốc cho tử tế đi. À mà thôi, để chị khỏi mệt, tôi sẽ đi lấy.
Eugénie nói, giọng chua chát:
– Bác sĩ Veber ạ, tôi không hiểu tại sao cứ mỗi khi ông Ravic đến đây là bác sĩ lại…
– Thôi tôi xin, tôi xin – Veber vội ngắt lời – Cốc của anh đây, Ravic. Sao, cô ấy nghĩ thế nào?
– Cô ấy không đặt câu hỏi nào cả – Ravic nói – Cô ấy nói cô ấy tin ở tôi.
– Anh thấy chưa! – Veber rạng rỡ hẳn lên – Tôi đã nói mà.
– Veber ạ, đã có lần nào một bệnh nhân cảm ơn anh trong khi anh chẳng làm gì được cho người ta chưa? – Ravic uống cạn cốc.
– Có chứ, nhiều lần.
– Thế anh cảm thấy thế nào?
– Mỗi lần như thế tôi lại thầy nhẹ lòng. Còn anh?
– Tôi thì tôi lại buồn nôn. – Thấy Veber bật cười, Ravic nhắc lại – Vâng, tôi thấy buồn nôn.
– Đây là lần đầu tiên tôi thấy ông có được một cảm xúc có tính người. – Eugénie nói – Tuy tôi không tán thành cách diễn đạt của ông, dĩ nhiên.
– Eugénie ạ – Veber nói – Chị cứ hay quên rằng chị là y tá chứ không phải là nhà tâm bệnh học. Thế sao, Ravie, vấn đề thế là đã giải quyết xong xuôi rồi chứ?
– Tạm thời thì thế đấy.
– Tốt quá. Sáng nay cô ấy có nói với cô y tá gác là cô ấy muốn đi Florence ngay khi có thể ra viện. Đó là một ý rất hay. – Veber vừa nói vừa xoa xoa hai bàn tay – Các bác sĩ ở Florence sẽ có thể chăm sóc cho cô. Tôi không muốn các bệnh nhân chết ở đây. Như thế sẽ tổn thương đến uy tín của bệnh viện.
Ravic bấm chuông ở căn hộ của bà mụ đã phá thai cho Lucienne. Đợi một lúc khá lâu mới thấy cánh cửa hé mở ra. Người ra mở cửa là một gã dáng dấp khả nghi. Trông thấy Ravic hắn không rời tay ra khỏi cái then cửa.
– Ông muốn gì? – Hắn càu nhàu.
– Tôi muốn gặp bà Boucher.
– Bà ấy đang bận.
– Không sao, tôi có thể đợi.
Gã kia sắp sửa đóng cửa lại. Ravic nói tiếp:
– Nếu tôi không thể đợi ở đây, mười lăm phút nữa tôi sẽ quay lại. Nhưng không phải một mình: tôi sẽ đưa một người nữa đến và xin nói trước rằng người này chắc chắn sẽ gặp được bà ta.
Gã kia nhìn Ravic chằm chằm.
– Như thế nghĩa là sao? Ông muốn gì?
– Tôi nói rồi. Tôi muốn gặp bà Boucher.
Gã kia có vẻ phân vân.
– Ông đợi đấy. – Hắn vừa nói vừa đóng cửa lại.
Ravic xem xét cánh cửa màu nâu, lớp sơn đã có chỗ tróc, cái thùng thư bằng thiếc và cái biển tráng men đề tên chủ nhà: Đã bao nhiêu tình cảnh khốn đốn, bao nhiêu nỗi lo sợ đã đi qua cánh cửa này! Có những đạo luật điên rồ đã buộc biết bao nhiêu người phải phó thác sinh mạng của mình vào tay một tên lang băm chứ không dám đi tìm một người thầy thuốc! Những đạo luật ấy không hề làm tăng được dân số. Những người không muốn có con bao giờ cũng vẫn tìm được cách thủ tiêu nó đi. Luật với chả luật! Kết quả duy nhất là mỗi năm có hàng ngàn phụ nữ chết hay trở thành phế nhân. Cánh cửa lại mở hé ra. Một người đàn ông mặt cạo nham nhở thò đầu ra hỏi:
– Ông là người của cảnh sát phải không?
– Nếu tôi là người của cảnh sát, sao tôi lại chịu đứng đợi ở đây?
– Ông vào đi.
Người kia dẫn. Ravic đi dọc một dãy hành lang tối om, đến một gian phòng bày bàn ghế chật ních. Một cái đi-văng đệm mút, nhiều ghế thiếp vàng, một tấm thảm Aubusson giả, những bức phong cảnh treo trên tường. Trước cửa sổ có một cái lồng chim, trong có một con chim bạch yến đứng im không nhúc nhích. Những cái đĩa sứ và những cái tượng nhỏ bằng thạch cao treo đây đó khắp nơi bổ sung cho cảnh trang trí hỗn tạp này.
Bà Boucher bước vào. Bà ta người to lớn, nhung nhúc những mỡ, mặc một chiếc áo kimono rộng thùng thình không lấy gì làm sạch lắm. Bà ta phì nộn một cách quái đản, nhưng mặt lại trơn tru và xinh xắn, nếu không kể đôi mắt gian xảo lúc nào cũng lấm lét.
– Thưa ông, ông là…? – Bà ta nói rất lễ độ, không ngồi xuống.
Ravic đứng dậy.
– Tôi lên đây vì việc của cô Lucienne Martinet. Bà có phá thai cho cô ta…
– Ông nói chuyện gì lạ thế! – Bà ta trả lời ngay, hết sức điếm tĩnh – Tôi không hề biết ai là Lucienne Martinet, và tôi không hề làm cái việc phá thai bao giờ. Một là ông nhầm, hai là đã có ai đánh lừa ông.
Nói đoạn bà ta làm ra bộ định bỏ đi. Nhưng bà không đi thẳng. Ravic đợi. Bà ta quay lại.
– Có việc gì không?
– Có. Bà đã làm hỏng. Cô con gái đã bị băng huyết rất nặng và đã suýt chết. Cô ta đã phải lên bàn mổ. Tôi chính là người đã mổ cho cô ta.
– Đây là một lời vu khống! – Bà ta nghiến răng nói – Láo toét! Mấy cái con ăn mày ấy nó muốn tự mình thủ tiêu những hậu quả của sự hư hỏng của nó, đến khi thất bại lại định gây phiền phức cho người lương thiện! Nhưng tôi là tôi sẽ cho nó biết tay! Trạng sư của tôi sẽ làm việc với nó. Tôi là người ai cũng biết, tôi làm ăn có nộp thuế má đàng hoàng! Để rồi xem cái con đĩ ranh chuyên lê la khắp nơi khắp chốn ấy…
Ravic quan sát bà ta mê mải. Cái phong thái điềm đạm của bà ta vẫn không thay đổi. Gương mặt bà ta vẫn hiền lành và xinh xắn. Hai môi bà mím chặt, và bà ném từ ngữ ra như một khẩu liên thanh. Anh ngắt lời bà ta:
– Cô bé không muốn gì nhiều. Cô chỉ muốn nhận lại số tiền…
Bà Boucher cười khà khà:
– Muốn tôi trả lại? Trả cái gì? Tôi nhận tiền của con đĩ ấy hồi nào? Thử hỏi nó có biên lai biên liếc gì không?
– Dĩ nhiên là không. Chẳng lẽ bà lại còn đi treo cả biên lai cho người ta nữa?
– Tôi xin nói lại là tôi chưa bao giờ gặp nó. Vả lại chẳng có ai lại đi tin nó.
– Có đây, cô ấy có những người làm chứng cho đấy. Cô ấy đã được mổ tại bệnh viện tư của bác sĩ Veber. Kết quả chẩn bệnh rất rõ. Có cả một bản báo cáo nữa.
– Có đến một ngàn bản báo cáo nữa thì cũng chẳng đi đến đâu! Lấy gì làm bằng chứng là tôi đã động vào người nó? Bệnh viện tư của bác sĩ Veber ư? Đến thế thì thật hết nước! Một con ăn mày như nó mà nằm một bệnh viện sang trọng như thế? Thật tình, ông chỉ có ngần ấy chuyện để nói với tôi thôi à?
– Không, còn nữa. Cô gái này đã đưa cho bà ba trăm quan. Cô ta có thể phát đơn truy tố bà.
Cánh cửa mở ra, và cái gã có dáng dấp khả nghi bước vào.
– Có chuyện gì không ổn sao. Adele?
– Không. Truy tố tôi? Nhưng nó mà đi kiện thì chính nó sẽ bị xử tội chứ! Chắc chắn là như thế, một khi nó nhận là nó đi phá thai. Rồi nó lại còn phải chứng minh được rằng tôi có nhúng tay vào việc này. Nó không đời nào chứng minh được đâu.
Gã có dáng dấp khả nghi phát ra một tiếng ngắn, như thể định nói gì.
– Thôi được rồi, Roger, anh có thể đi đi.
– Brunier đến rồi.
– Được. Bảo anh ta đợi một lát. Anh biết là…
Gã kia ra hiệu là mình biết, rồi đi ra, để lại sau lưng một mùi rượu cognac nồng nặc. Ravic ngửi ngửi một lát rồi nói.
– Cognac lâu đời đây. Phải ba bốn mươi năm là ít. Diễm phúc thay con người uống thứ thần tửu này giữa buổi chiều.
Madame Boucher nhìn anh một lát, chép miệng một cái ra chiều phục lăn cái khứu giác của Ravic.
– Ông nói đúng quá. Ông có muốn uống một chút không?
– Sao lại không?
Mặc dầu to béo, bà ta vẫn đi ra cửa một cách nhanh nhẹn.
– Roger!
Gã có dáng dấp khả nghi vào.
– Mày lại uống cognac thứ ngon đấy à? Đừng có chối. Người ta ngửi thấy rõ ràng. Đem chai rượu ấy ra đây. Thôi đừng cãi nữa. Đem ra đây.
Roger trở vào với chai cognac.
– Tôi rót cho Brunier uống, ông ấy mới ép tôi uống với ông ấy một ly mà.
Bà Boucher không trả lời. Bà ra đóng cửa lại. Từ cái tủ gỗ trắc bà lấy ra một cái ly có chân. Ravic nhìn cái ly, không khỏi thấy ghê ghê. Trên ly có chạm một cái đầu phụ nữ. Bà Boucher rót rượu đầy ly rồi đặt ly trước mặt anh, trên tấm khăn bàn thêu hình mấy con công.
– Tôi thấy ông là tay biết điều. – Bà ta nói.
Ravic không khỏi thấy nể nể người đàn bà này. Bà ta không phải là con người bằng sắt như Lucienne đã nói. Còn tệ hơn nhiều: bà ta làm bằng cao-su. Có thể bẽ gãy được sắt, chứ không thể bẽ gãy được cao-su. Cách lặp luận của bà ta về chuyện truy tố trước pháp luật không thể nào bác bỏ được.
– Việc làm của bà đã đưa đến những hậu quả rất nghiêm trọng – Ravic nói – Tôi thiết tưởng như vậy cũng đã đủ để bà vui lòng trả lại số tiền.
– Mỗi khi có một bệnh nhân của ông chết sau khi mổ, các ông có trả tiền viện phí lại không?
– Không. Nhưng có những khi chúng tôi không lấy tiền làm phẫu thuật. Như trường hợp Lucienne Martinet chẳng hạn.
Bà Boucher quan sát Ravic.
– Thế thì nó còn kêu cái nỗi gì? Lẽ ra nó phải thấy mình may mắn mới phải chứ.
– Thưa bà, – Ravic vừa nói vừa nâng cốc lên – xin chịu bà. Bà quả là vô địch.
Bà Boucher thong thả đặt cái chai lên bàn.
– Đây không phải là lần đầu người ta thử dùng cái chiến thuật này với tôi. Nhưng ông thì tôi thấy ông biết điều hơn mấy người khác. Ông tưởng tôi làm nghề này béo bở lắm sao? Ông tưởng tôi được hưởng tất cả số tiền ấy chắc? Trong ba trăm quan ấy công an phải lấy đến một trăm là ít. Nếu không, ông bảo làm sao tôi có thể hành nghề được? Ở phòng bên đang có một viên cảnh sát ngồi đợi lấy tiền đấy. Và tôi bao giờ cũng nộp đủ; Không thể khác được. Tôi nói với ông điều này là vì ở đây chỉ có ông với tôi nói riêng với nhau. Chứ nếu ông tìm cách tố giác này nọ thì tôi sẽ chối bay đi, và cảnh sát thậm chí cũng chẳng thèm để ý đến nữa. Ông có thể tin tôi.
– Tôi tin, bà ạ.
Bà Boucher nhìn Ravic rất nhanh. Thấy vẻ mặt anh chẳng ngụ ý gì mỉa mai bà kéo một cái ghế ngồi xuống bên cạnh. Bà nhấc cái ghế như người ta nhấc một chiếc lông gà; Bên dưới lớp mỡ kia là những bắp thịt rắn chắc. Bà rót thêm rượu vào ly cho Ravic – Thứ rượu cognac dành vào việc mua chuộc, hủ hóa.
– Ba trăm quan kể cũng đắt thật. Nhưng không phải chỉ có công an ăn. Còn có tiền thuê nhà, – và dĩ nhiên là người ta phải lấy của tôi đắt hơn người khác – tiền giặt giũ, tiền dụng cụ – tôi phải mua đắt gấp đôi các ông mua ấy – rồi tiền hoa hồng, tiền quà biếu… Tôi phải giữ quan hệ tốt với mọi người. Tôi phải mời rượu, phải tặng quà năm mới, quà sinh nhật cho các ông lớn và cho vợ các ông ấy nữa. Cũng chẳng ít tiền đâu! Nhiều khi chẳng còn lại được múi xói gì nữa.
– Vấn đề không phải ở chỗ ấy.
– Thế thì ở chỗ nào?
– Ở cái việc đã xảy ra cho Lucienne.
– Vậy ra những việc như thế không bao giờ xảy ra với các ông?
– Ít hơn nhiều.
– Thưa ông – Bà ta ngồi thẳng dậy, nói – Tôi vốn thành thật. Tất cả những cô đến đây, tôi đều nói thật cho họ biết là hậu quả có thể nghiêm trọng. Thế nhưng họ vẫn chịu làm như thường. Họ còn van lạy tôi làm cho họ nữa. Họ khóc lóc thảm thiết; họ tuyệt vọng: tôi mà từ chối thì họ đi tự tử. Giá ông chứng kiến một vài cảnh đã diễn ra ở đây! Ông có trông thấy cái tủ bị vỡ cửa kia không? Một bà quý phái đã đập đầu vào đây đấy, trông cơn tuyệt vọng. Bây giờ ông có muốn tôi cho ông xem cái này không? Trong bếp tôi có mười bảng mứt mơ bà ấy vừa gửi cho tôi hôm qua. Để tỏ lòng biết ơn đấy! Xin thưa với ông điều này – Bà ta cất cao giọng lên – Ông có gọi tôi là lang băm thì cũng tùy ông, nhưng có những người gọi tôi là thiên thần cứu mệnh đấy.
Bà ta đã đứng dậy. Chiếc áo kimono phềnh ra một cách uy nghi quanh người bà. Như thể tuân theo một hiệu lệnh thầm lặng, con chim bạch yến cất tiếng hót trong lồng, Ravic đứng dậy. Anh có cảm giác là mình đang ở nhà hát Grand Guignol. Tuy vậy anh cũng biết là bà Boucher không hề phóng đại.
– Thôi được, tôi đi đây. – Anh nói – Đối với Lucienne thì bà chưa hẳn là một thiên thần cứu mạng đâu.
– Chắc trước khi đến đây ông đã gặp nó rồi chứ? Nó còn muốn cái gì nữa? Nó đang bình phục… nó đã bỏ được cái thai… nó chỉ xin có thế thôi mà. Tiền bệnh viện thì nó khỏi phải trả.
– Cô ấy không bao giờ có con được nữa.
Bà Boucher không ngập ngừng lấy một giây.
– Càng tốt chứ sao? – Bà ta nói, thản nhiên như không – Được thế nó mừng lắm đấy, cái con đĩ ấy.
Ravic hiểu ra rằng chẳng có cách gì nữa hết.
– Thôi, xin chào bà. Được làm quen với bà tôi thấy rất thú vị.
Bà ta đến gần. Ravic tưởng mình sắp lâm vào cái thế phải bắt tay bà ta. Nhưng bà ta không hề có ý định đó. Bà ta chỉ nói, giọng như tâm sự:
– Ông biết điều lắm, ông ạ, biết điều hơn phần đông các bác sĩ. Thật đáng tiếc là ông… – Bà ta do dự, đưa mắt nhìn Ravic như có ý khích lệ – Nhiều khi, gặp những ca rất đặc biệt… một bác sĩ phẫu thuật có thể khá hữu ích cho tôi…
Ravic không phản ứng. Anh muốn nghe thêm xem sao.
– Chẳng có hại gì cho thanh danh của ông đâu – Bà ta nói tiếp – Chỉ dành cho những ca hết sức đặc biệt. – Bà ta nhìn Ravic như con mèo đang thôi miên chim – Đôi khi có những bà khách giàu có. Bao giờ cũng trả tiền trước, dĩ nhiên… và không có ái ngại gì về phía công an. Tôi nghĩ là ông có thêm một khoản phụ thu mấy trăm quan cũng dỡ. – Bà ta vỗ vai Ravic – Một người đẹp trai như ông!… Bà ta lại cầm chai lên – Sao, ông thấy thế nào?
– Cám ơn – Ravic vừa nói vừa gạt cái cổ chai không để cho bà rót – Tôi uống cũng không được nhiều. – Anh không được vui khi phải từ chối như vậy, vì thứ cognac này quả là ngon tuyệt. Chai rượu chắc chắn là xuất phát từ một hầm rượu thượng hạng – Tôi sẽ nghĩ xem. Để hôm nào tôi sẽ quay lại. Tôi cũng muốn xem qua các dụng cụ của bà. Có lẽ tôi có thể khuyên bà vài điều có ích chăng.
– Khi nào ông trở lại tôi sẽ cho ông xem, và ông sẽ cho tôi xem giấy tờ của ông. Tin người, người tin.
– Bà đã tỏ ra tin ở tôi rất nhiều.
– Không hề! – Bà ta tươi cười đáp lại – Tôi chỉ đề nghị với ông một điều mà tôi có thể phủ nhận bất cứ lúc nào. Ông không phải là người Pháp, nghe giọng ông cũng có thể biết ngay, tuy ông nói tiếng Pháp tuyệt hay. Chắc ông là người tị nạn. – Nụ cười của bà nở rộng ra, trong khi mắt bà nhìn Ravic một cách lạnh lùng – Cho nên ông có nói gì cũng chẳng có ai tin đâu. Lúc bấy giờ người ta sẽ chú ý hơn nhiều đến cái bằng bác sĩ Pháp mà ông không hề có. Ở phòng bên kia có một ông thanh tra cảnh sát. Ông có thể tố giác tôi ngay bây giờ nếu ông thấy thích. Tôi biết là ông chẳng dại gì làm như thế. Nhưng ông hãy nhớ đến đề nghị của tôi. Chắc ông không nói cho tôi biết tên và địa chỉ của ông đâu nhỉ.
– Không. – Ravic nói, trong lòng thầm thú nhận rằng mình đã thua trận.
– Tôi cũng nghĩ như thế. – Bây giờ trông bà như một con mèo vừa chén xong một bữa thịt chuột ngon lành – Tạm biệt ông. Ông đừng quên lời đề nghị của tôi. Tôi đã nhiều lần nảy ra cái ý cộng tác với một ông bác sĩ tị nạn.
Ravic không giấu nổi một nụ cười. Anh rất hiểu ý bà ta. Một bác sĩ tị nạn sẽ hoàn toàn lệ thuộc bà ta; sinh mạng của hắn nằm gọn trong tay bà. Nếu có sự cố, chính anh bác sĩ kia sẽ là người chịu tội.
– Tôi sẽ nghĩ tới – Anh nói – Xin chào bà.
Ravic đi dọc dãy hành lang tối tăm. Sau một cánh cửa ăn ra hành lang, anh mường tượng nghe thấy một tiếng rên khẽ. Anh đoán rằng bên cạnh hành lang có một dãy phòng kế tiếp nhau, có đặt giường dành cho những người đến phá thai nằm nghỉ ngơi trước khi lê về nhà.
Một người đàn ông mảnh dẻ, ria tỉa cẩn thận, nước da màu ô-liu, ngồi ở tiền phòng. Hắn nhìn kỹ Ravic khi anh đi ngang. Roger ngồi bên cạnh hắn. Một chai cognac lâu năm khác đặt trên bàn. Trông thấy Ravie, Roger bất giác đưa tay lên bàn định giấu cái chai đi. Nhưng rồi hắn cười gằn và bỏ tay xuống.
– Chào bác sĩ. – Hắn nhe hàm răng siết ra nói. Rõ ràng là hắn đứng ngoài cửa nghe lỏm được hết câu chuyện giữa hai người.
– Chào Roger. – Anh thấy giọng thân mật bây giờ có lẽ hợp cảnh hơn cả. Trong một tiếng đồng hồ, người đàn bà sừng sỏ ấy đã gần như biến anh thành một thứ đồng lõa.
Xuống đến dưới nhà, anh gặp hai người đàn bà đang nhìn lên mấy cánh cửa. Một trong hai người hỏi anh, giọng quả quyết:
– Madame Boucher có ở đây không ạ?
Ravic phân vân một lát. Nhưng không chỉ cho họ thì phỏng ích gì? Chẳng thay đổi được chút gì hết. Họ vẫn cứ đi thôi. Và không thể mách cho họ một cách gì hơn thế.
– Ở lầu ba. Có biển đề tên trước cửa.
Mặt đồng hồ dạ quang sáng mờ mờ trong căn phòng tối. Năm giờ sáng. Lẽ ra Jeanne phải về từ lúc ba giờ. Bây giờ cũng còn có thể là cô sắp về. Có lẽ vì cô mệt quá nên về thẳng bên khách sạn của cô chăng?
Ravic trở mình để ngủ lại. Nhưng không sao ngủ lại được. Anh nằm yên hồi lâu nhìn lên trần; từng quãng đều đặn, những dãy đèn néon ở một biển hiệu bên kia đường lại hắt lên đấy một vệt sáng dài màu đỏ. Không hiểu tại sao anh thấy trong người mình rỗng tuếch ra. Như thể hơi ấm của anh đã dần dần bốc đi đâu hết, như thể máu anh đã thấm qua vách các động mạch và tĩnh mạch để bốc hơi từng giọt một cho đến hết và tan vào cõi hư vô. Anh chắp tay dưới gáy và nằm im.
Anh biết rằng anh đang chờ đợi, và anh hiểu rằng không phải chỉ có tim anh đang đợi Jeanne, mà cả con người anh, cả đôi tay anh, cả các huyết mạch của anh, và một thứ tình trìu mến kỳ lạ đang âm ỉ tuôn dòng trong người anh.
Anh dậy khoác chiếc áo choàng và ra ngồi bên cửa sổ. Lớp len chạm vào da anh ấm áp. Đó là một chiếc áo choàng mặc trong nhà đã cũ, anh vẫn mặc mấy năm nay. Đã bao nhiêu lần, trên con đường lưu lạc, anh đã cuộn nó vào người để ngủ. Nó đã ủ ấm cho anh trong những đêm lạnh giá ở Tây Ban Nha, khi anh từ bệnh viện trở về doanh trại, người mệt lả. Juana, con bé mười hai tuổi mà cái nhìn là của một người tám mười tuổi, khi chết cũng đã được ủ trong những nếp len ấm áp của nó, dưới những đống gạch đổ nát của một khác sạn ở Madrid… nó chỉ thể lộ có một ước mong: một ngày kia có được một chiếc áo dài cũng dệt bằng thứ len trơn mịn đó, và quên rằng nó đã nhìn thấy mẹ nó bị hiếp dâm và cha nó bị tàn sát.
Ravic đưa mắt nhìn quanh. Căn phòng, mấy cái rương, mấy thứ áo quần, một dúm sách đã đọc đi đọc lại nhiều lần… một con người cần có bao nhiêu thứ đâu… Trong một cuộc sống bấp bênh đến như vậy, tốt hơn là nên có thói quen bằng lòng với rất ít… rất thường hay phải bỏ hết. Vì vậy, cho nên anh sống một mình. Anh không muốn có một cái gì có thể giữ chân anh lại. Hàng ngày đều phải sẵn sàng ra đi với cõi lòng thanh thản. Đời anh là một cuộc phiêu lưu… ngoài ra không có gì nữa.
Cái giường với tấm drap nhàu nát. Anh đã đợi: điều đó phỏng có nghĩa lý gì. Trong đời anh, anh đã nhiều lần đợi những người đàn bà. Nhưng kể cho đến nay, anh bao giờ cũng đợi chờ một cách khác, giản dị, rõ ràng, gần như thô lỗ. Hoặc giả lại đợi chờ với lòng trìu mến vô biên nó thần thánh hóa và lý tưởng hóa người anh đợi. Nhưng như hôm nay thì đã từ lâu lắm anh không đợi như thế. Có một cái gì đã nảy sinh trong anh mà anh không chú ý đến. Một cái gì đang sống… đang cử động. Từ bao giờ? Có phải đó là dĩ vãng đang gọi anh về từ những vực sâu của ký ức? Phải chăng đó chính là làn gió biển đã lãng quên xưa kia mơn trớn anh, đượm mùi bạc hà và hương rừng tháng Tư? Anh không muốn chiếm hữu… anh không muốn bị chiếm hữu. Cần phải trần trụi và tự do.
Ravic mặc áo quần vào. Trước hết là phải sống độc lập. Những mối lệ thuộc nho nhỏ kia là sự khởi đầu của tất cả. Ban đầu người ta không mấy để ý đến những cái đó. Nhưng rồi người ta chợt nhận thấy mình bị vướng vít trong một mạng lưới rắc rối của những thói quen… mà tình yêu chỉ là một trong những tên gọi những thói quen đó. Phải đừng quen một cái gì hết. Dù cái đó là hình dáng của một thân thể nó làm cho ta phát cuồng lên.
Anh không khóa cửa. Nếu Jeanne đến, cô sẽ không thấy anh, nhưng cô sẽ có thể ở lại nếu muốn ở lại. Trong giây lát anh tự hỏi có nên để lại vài dòng nhắn nhủ gì không. Không… anh không muốn nói dối. Anh thấy đừng nói cho Jeanne biết anh đi đâu thì hơn.
Anh về phòng lúc tám giờ sáng. Anh đi lang thang trên các đường phố, trong hơi lạnh của buổi bình minh, và sự thư thái đã trở về với anh. Nhưng về đến cửa khách sạn, anh cảm thấy những đám mây đen dồn lại một lần nữa.
Jeanne không đến. Anh cố tự thuyết phục cho mình tin rằng anh đã dự kiến điều này. Nhưng anh vẫn thấy căn phòng trống trải hơn mọi khi. Anh cố thử tìm xem nó có những dấu vết gì cho thấy Jeanne đã ghé qua đây không. Chẳng thấy gì. Anh bấm chuông gọi cô hầu phòng.
– Đưa thức ăn sáng lên cho tôi – Anh nói – Cà-phê và bánh mì ngọt. Anh không muốn hỏi cô ta xem có ai đến không.
– Thưa ông được ạ.
Anh nhìn lên giường. Jeanne có đến, thì làm sao cô lại có thể nảy ra cái ý nằm lên một cái giường bừa bộn và trống trải như vậy? Anh thầm nghĩ: kể cũng lạ, tất cả những vật gì có tiếp xúc với thân thể đều có vẻ hoang vắng và lạnh lẽo khi hơi ấm của con người đã lìa nó… một cái giường, một bộ quần áo, cho chí một cái bồn tắm.
Anh châm một điếu thuốc. Có thể Jeanne có đến, và nghĩ rằng anh đã đi thăm một người bệnh. Giá anh để lại mấy chữ thì phải hơn. Mình ngu thật – Anh chợt nghĩ. Mình muốn độc lập, nhưng chỉ trở thành hấp tấp, thiếu suy xét và thiếu phán đoán như một thằng con trai mười tám tuổi đang muốn tự chứng minh cho mình một điều gì. Và rốt cục mình còn ít độc lập hơn là nếu mình đã ở lại đợi.
Cô hầu phòng bưng đồ ăn sáng lên.
– Ông có cần em dọn giường không ạ?
– Sao lại dọn bây giờ?
– Nhỡ khi ông muốn ngủ lại. Giường mới dọn ngủ ngon hơn nhiều ạ.
Cô ta nhìn Ravic một cách hững hờ.
– Có ai đến đây không? – Anh hỏi bằng một giọng cô làm ra dửng dưng.
– Em không biết ạ, bảy giờ em mới đến.
– Eve này, mỗi buổi sáng dọn đến một tá giường như vậy cô cảm thấy thế nào?
– Thưa ông chẳng thấy thế nào cả ạ. Phần lớn các khách trọ không đòi hỏi gì hơn. Nhưng cũng có những ông khách quay ra gạ gẫm, mặc dầu chẳng thiếu gì những nhà chứa rẻ tiền.
– Buổi sáng ai lại đến nhà chứa. Thế mà lại có những người khi ngủ dậy họ lại đặc biệt thấy thích cái món đó.
– Vâng đúng đấy ạ, nhất là mấy ông khách già. – Cô ta nhún vai – Nếu mình không chịu thì họ không cho tiền pourboire. Hoặc họ phàn nàn với bà chủ là dọn giường không kỹ, phục vụ không tốt. Dĩ nhiên là họ tức lắm. Biết làm thế nào được, đời nó thế!
Ravic rút trong túi ra mấy tồ giấy bạc.
– Tôi không muốn cô nói câu đó vào hôm nay, Eve ạ. Đây cô cầm lấy mà mua cái mũ cái khăn gì đấy…
Cô hầu phòng cám ơn rồi nói thêm:
– Bà ấy trông khá lắm. Cái bà vẫn đến đây ấy.
– Cô nói thêm một tiếng nữa là tôi lấy tiền lại đấy. Thôi cô đi làm việc đi. Mấy ông khách già của cô đang đợi cô đấy. Không nên làm họ thất vọng.
Ravic ngồi ăn sáng. Anh thấy thức ăn nhạt nhẽo quá. Ánh nắng đã nhuộm đỏ các mái nhà. Khách sạn đang thức dậy. Ở tầng dưới, ông già Goldberg bắt đầu buổi hòa nhạc thường ngày của ông, ho và khạc như thể có đến ba bộ phổi. Có tiếng nước chảy đâu đó. Những tiếng sập cửa. Ông khách tị nạn Wiesenhoff mở cửa sổ ra, huýt sáo một khúc quân hành. Ravic vươn vai. Đêm đã hết. Anh quyết định sống cô độc vài ngày.
Bên ngoài, mấy chú bán báo la to những tin giờ chót. Đụng độ ở biên giới Tiệp Khắc. Quân đội Đức ở phòng tuyến Sudètes. Hòa ước Munich trong tình trạng lâm nguy.