Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 23



Vâng, tôi đã lại trở về, Ravic ạ. – Kate Hegstroem nói.
Kate đang ngồi trong phòng cô, ở khách sạn Lancaster. Cô đã gầy đi. Dưới làn da, thịt cô như đã xẹp xuống, như thể có ai đã dùng những khí cụ tinh vi đào lấy bớt. Nét mặt cô trông gẫy gọn hơn, và lớp ngoại bì giống như một chất lụa mỏng manh.
– Tôi tưởng chị vẫn ở Florence… hay ở Cannes… hay thậm chí đã đi Mỹ rồi…
– Suốt thời gian qua tôi vẫn ở Florence. Ở Fiesole. Tôi đã ở đó cho đến khi không còn chịu được nữa mới thôi. Anh có nhớ là tôi đã thử thuyết phục anh cùng đi với tôi không? Mấy cuốn sách, một cái lò sưởi, những buổi tối thanh thản…? Sách thì có đó, lò sưởi cũng vẫn còn nguyên. Nhưng sự thanh thản thì…! Ravic ạ, ngay cả cái thành phố của François d’Assine cũng đã trở thành ồn ào náo nhiệt. Ồn ào và đáng lo ngại như tất cả các thành phố khác. Nơi mà François đã truyền giảng tình thương yêu đối với lũ chim trời bé nhỏ, thì bây giờ người ta thấy những cuộc diễu hành thị uy của những lũ người mặc quân phục đang say sưa với những lời khoác lác, những ngôn từ khoa trương, với một lòng căm thù vô căn cứ.
– Xưa nay bao giờ mà chẳng thế, Kate?
– Không, không phải như thế. Cách đây mấy năm, anh quản gia của tôi hãy còn là một người hồn hậu nhã nhặn mặc quần chẽn Manchester và đi giày phíp. Bây giờ đó là một trang anh hùng đi ủng cao mặc áo đen, lưng giắt dao găm, miệng diễn thuyết, tuyên bố rằng Địa Trung Hải phải trở thành biển Ý, rằng nước Anh phải bị hủy diệt, và Nice, đảo Corse và quân Savoie phải được hoàn trả cho nước Ý. Có mấy người bạn của tôi cách đây mấy tháng còn là những người biết suy xét phải chăng, thì nay đã tin chắc rằng họ có thể chinh phục nước Anh trong vòng không đầy ba tháng, cả nước sôi sục lên. Cái gì đang diễn ra thế? Tôi đã bỏ trốn sự thô bạo của những chiếc sơ-mi nâu ở Vienne; bây giờ tôi phải rời nước Ý để trốn bọn sơ-mi đen; nghe nói có nơi có cả bọn sơ-mi xanh, còn ở Mỹ thì dĩ nhiên là sơ-mi bạc… Thế giới đang lên cơn mê sảng sơ-mi chăng?
– Chắc thế thật đấy. Nhưng chẳng bao lâu nữa rồi sẽ khác thôi. Chỉ còn có mỗi một màu là màu đỏ.
– Đỏ ư?
– Vâng. Đỏ như máu ấy.
Kate Hegstroem đưa mắt nhìn ra sân. Khóm lá xanh um của cây dễ để lọt qua những tia sáng ấm dìu dịu của buổi chiều cuối hạ.
– Thật không thể nào tin được – Cô nói – Hai cuộc chiến tranh trong vòng không đầy hai mươi lăm năm… quá nhiều. Chúng ta đang còn mệt lử vì cuộc chiến tranh trước.
– Chỉ có những nước thắng trận mới thế thôi. Những nước bại trận thì không. Thắng lợi làm cho người ta trở thành bất cẩn.
– Có lẽ thế. – Kate nhìn anh – Không còn được bao nhiêu thời gian nữa, phải không anh?
– Tôi e không còn được bao nhiêu.
– Có đủ thời gian cho tôi không?
– Sao lại không? – Ravic ngước mắt lên nói. Kate không tránh luồng mắt anh – Chị có hỏi ý kiến bác sĩ Fiola không? – Anh hỏi.
– Có. Một hai lần. Ông ấy là một trong những ngoại lệ hiếm hoi không bị cái nạn dịch áo đen ấy tiêm nhiễm.
Ravic không đáp. Anh có ý chờ Kate nói thêm.
Kate Hegstroem lấy một chuỗi hạt ngọc trai ở trên bàn, san qua san lại cho nó chảy trên hai bàn tay. Giữa mấy ngón tay thon thả của cô, những hạt ngọc trai trông như những hạt lần trong một chuỗi hạt cầu nguyện quý giá.
– Tôi thấy mình có phần giống như người Do Thái lang bạt. – Kate nói – Đang đi tìm một chút thanh bình. Nhưng hình như tôi đã lên đường không đúng lúc. Không còn nơi nào có thanh bình nữa. Chỉ có ở đây là còn tìm được vài vết tích còn lại của thanh bình.
Ravic ngắm những hạt trai trên tay Kate. Nó đã được luyện thành do những loài nhuyễn thể xấu xí bị một vật thể lạ kích thích, một hạt cát lọt vào trong vỏ. Tất cả cái vẻ đẹp lộng lẫy kia chung quy chỉ là kết quả của sự kích thích ngẫu nhiên.
– Chị chưa tính chuyện lên đường sang Mỹ sao, Kate? Những ai có thể rồi khỏi Châu Á đều nên đi. Về những vấn đề còn lại thì đã quá muộn rồi.
– Anh muốn tống tôi đi thật xa sao?
– Không. Những lần trước chị có nói với tôi rằng chị có ý định thanh toán xong công việc rồi trở về Mỹ.
– Vâng. Nhưng bây giờ tôi không thiết nữa. Ít nhất là trong thời gian này. Tôi muốn ở lại đây thêm ít nữa.
– Không khí Paris mùa hạ nóng bức khó chịu lắm.
Kate đặt chuỗi ngọc lên bàn.
– Không khó chịu nếu là mùa hạ cuối cùng.
– Cuối cùng ư?
– Vâng. Cuối cùng trước khi tôi trở lại.
Ravic im lặng. Anh tự hỏi: Kate đã biết được những gì? Fiola đã nói gì với cô?
– Ở Scheherazade dạo này ra sao?
– Đã lâu tôi không đến đây. Morozov nói là tối nào cũng đông nghịt. Thì cũng như tất cả các tiệm khác thôi.
– Vào mùa hè mà thế sao?
– Vâng, vào mùa hè. Mọi năm thì phần lớn các tiệm đều đóng cửa. Chị thấy ngạc nhiên à?
– Không. Tôi nghĩ là mọi người đều muốn tận hưởng những lạc thú còn hưởng được, trước ngày tận thế.
– Vâng. – Ravic nói.
– Hôm nào anh đưa tôi đến nhé?
– Nhất định rồi, Kate ạ. Bất cứ lúc nào chị muốn. Tôi cứ tưởng là chị không muốn trở lại đây nữa.
– Tôi cũng đã tưởng như thế. Nhưng tôi đã đổi ý. Tôi cũng muốn tận hưởng mọi thú vui trong khi tôi còn có thể hưởng được.
Ravic quan sát cô.
– Cứ thế nhé, Kate. Khi nào chị muốn thì cứ bảo.
Anh đứng dậy. Kate đưa anh ra cửa. Cô tựa bên khung cửa, mảnh khảnh, với làn da khô và mịn, tưởng như sẽ héo đi khi có ai chạm vào. Đôi mắt cô trông như trong hơn và rộng hơn trước. Cô đưa tay ra cho anh, một bàn tay ấm và khô.
– Tại sao dạo ấy anh không nói cho tôi biết bệnh của tôi? – Cô hỏi nhẹ nhàng, như thể đang nói chuyện về thời tiết.
Ravic nhìn cô, không trả lời.
– Dạo ấy mà anh có nói ra, tôi cũng đủ sức chịu nổi sự thật đấy – Cô nói thêm, trong khi một nụ cười hơi mỉa mai, nhưng không hề có chút nào oán trách, thoáng hiện trên gương mặt – Chào anh, Ravic nhé.
Người không có dạ dày đã chết. Anh ta đã rên la suốt ba ngày, trong đó morphin không còn có hiệu lực nữa. Ravic và Veber biết chắc là anh ta sẽ chết. Lẽ ra, họ có thể miễn cho anh ba cái ngày đó. Họ đã không làm như vậy vì phải tôn trọng một tôn giáo vốn truyền giảng tình thương yêu đồng loại nhưng đồng thời lại cấm đoán việc rút ngắn những nỗi đau khổ của họ. Và cái tôn giáo ấy lại được pháp luật ủng hộ.
– Anh đã điện cho gia đình bệnh nhân chưa? – Ravic hỏi.
– Anh ta không có gia đình. – Veber nói.
– Thế thì điện cho một người bạn nào đó?
– Chẳng có ai.
– Không có lấy một người nào sao?
– Không. Bà gác cửa nhà anh ta có đến. Anh ta không bao giờ thấy nhận thư từ gì, ngoài những cuốn catalogues, những cuốn sách nhỏ nói về bệnh nghiện rượu, bệnh ho lao, các bệnh hoa liễu, v.v… Không thấy có khách khứa gì bao giờ. Anh ta đã trả trước chi phí phẫu thuật và bốn tuần nằm viện. Thừa đến hai tuần. Bà gác cửa nói là anh ta đã hứa để lại cho bà toàn bộ tài sản để cám ơn bà đã săn sóc anh ta. Bà ta đã đòi tôi trả lại tiền hai tuần thừa. Bà ta đã cư xử với người bệnh như mẹ với con. Mẹ gì mà lạ! Bà ta nói là bà đã chi tiêu đủ thứ cho người bệnh. Bà ta ứng trước tiền thuê nhà cho anh ta. Tôi có nói với bà ta là bệnh nhân đã trả trước tiền viện phí, vậy không có lý do gì anh ta lại không trả trước tiền thuê nhà. Vả lại tất cả những chuyện này là phần việc của công an. Thế là bà quay ra mắng chửi tôi.
– Tiền làm cho người ta giàu óc sáng kiến lạ lùng. – Ravic nói.
Veber cười.
– Ta sẽ báo cho nhà chức trách biết. Họ sẽ lo liệu. Việc mai táng cũng vậy.
Ravic nhìn con người không có gia đình, không có bạn bè và không có dạ dày. Trong giờ vừa qua, gương mặt anh ta thay đổi nhiều hơn bất cứ lúc nào trong đời anh. Từ cơn co giật khi tắt nghỉ, dần dần nổi lên bộ mặt cứng đơ của cái chết. Tất cả những gì ngẫu nhiên hành như lan ra và biến mất. Những dấu hiệu của cơn hấp hối mờ dần rồi mất hẳn, và trên cái khuôn mặt tầm thường và co quắp ấy cái chết khắc lên mọi cái mặt nạ khắc khổ và trang nghiêm – cái mặt nạ của vĩnh cửu.
Ravic đi ra. Trong hành lang anh gặp cô y tá trực đêm. Cô ta vừa đến.
– Bệnh nhân buồng mười hai chết rồi – Anh nói -Chết cách đây nửa giờ. Không cần gác đêm.
– Anh ta có biếu cô cái gì không?
– Không – Cô ta đáp ngập ngừng – Trời lạnh lắm. Mấy ngày sau anh ta hầu như không nói gì.
Cô ta nhìn người chết với cái vẻ của một người đàn bà thiết thực, nói:
– Anh ta có một bộ đồ chải tóc rất đẹp. Toàn bằng bạc. Đàn ông mà dùng thì quá đẹp, không hợp lắm. Phụ nữ dùng thì hợp hơn.
– Cô có nói với anh ta như thế không?
– Em với ông ấy có nói chuyện này một lần. Hôm thứ Ba vừa rồi. Tối hôm ấy ông ta bình tĩnh hơn. Nhưng ông ta nói đàn ông dùng đồ bạc rất hợp. Mấy cái bàn chải tốt lắm, bây giờ khó kiếm đâu ra. Ngoài mấy câu ấy ông ta hầu như không nói gì.
– Bây giờ bộ đồ này sẽ thuộc về nhà nước. Vì ông ta không có họ hàng.
Cô y tá lắc đầu.
– Thật đáng tiếc! Nó sẽ đen đi. Mấy cái bàn chải sẽ hư hết. Vì chẳng ai lau rửa cả.
– Đáng tiếc thật đấy – Ravic tán đồng – Giá ông ta cho cô thì hơn. Ít nhất nó cũng còn hữu dụng cho một người nào.
Cô y tá mỉm cười biết ơn.
– Không sao ạ. Em chẳng dám mong. Những người sắp chết ít khi cho lắm. Chỉ có những người sắp khỏi bệnh họ mới cho. Những người sắp chết thì họ không muốn tin rằng họ phải chết. Cho nên họ không cho. Cũng có những người họ không cho là vị họ ác. Bác sĩ ạ. Bác sĩ không thể ngờ được những người sắp chết họ ác đến thế nào đâu! Và trước khi chết họ nói những điều đến là gớm guốc!
Gương mặt hồng hào mũm mĩm như trẻ con của cô toát ra vẻ chân thực rõ ràng. Cô không hề mảy may quan tâm đến những việc xảy ra ở xung quanh cô, nếu nó không ảnh hưởng gì đến cái vũ trụ cỏn con của cô. Những người sắp chết là những đứa trẻ ác, hoặc không được ai che chở. Người ta săn sóc họ cho đến phút cuối cùng, sau đó có những người khác đến, trong số này có người khỏi bệnh và lấy làm cảm kích, có người thì lại chết. Không có gì phải bận tâm nhiều. Những đợt hạ giá ở cửa hàng Bon Marché hay đám cưới của ông anh họ Jean với Jeanne Couturier còn quan trọng hơn nhiều.
Và như thế là công bằng – Ravic nghĩ – Còn có gì có thể quan trọng hơn cái vòng chật hẹp nó ngăn ta ra khỏi chốn hỗn mang? Nếu không có cái vòng bảo vệ ấy người ta sẽ sống vào đâu?
Ravic đang ngồi ở sân hiên tiệm Triomphe. Đêm nhợt nhạt và nhiều mây. Trời nóng, và thỉnh thoảng có những ánh chớp im lặng lóe lên trên nền trời. Trên các vỉa hè đám đông có vẻ dày đặc hơn. Một người đàn bà đội cái mũ xa-tanh xanh đến ngồi ở bàn anh.
– Anh thết em một ly vermouth chứ? – Cô ta hỏi.
– Được. Nhưng uống xong em để anh ngồi một mình; anh đang đợi một người.
– Thì ta cùng đợi.
– Không nên. Anh đang đợi bà đô vật ở Palais des Sports.
Người đàn bà mỉm cười. Khuôn mặt cô ta lấp dưới một lớp phấn dày đến nỗi nụ cười chỉ hiện rõ trên đôi môi. Còn lại chỉ là một cái mặt nạ trắng.
– Anh đi với em đi – Cô ta nói – Em có một căn buồng rất bảnh. Chẳng có ai đến quấy rầy được.
Ravic lắc đầu và đặt lên bàn một tờ năm quan.
Người đàn bà cầm lấy tờ giấy bạc, gấp nó lại và đút nó vào cái vòng dây thun thắt bít tất ở sát bẹn.
– Anh đang chán đời à?
– Không.
– Em rất hợp với tâm trạng chán đời. Em lại có cô bạn rất dễ thương. Trẻ lắm.
Cô ta nói thêm sau một giây im lặng.
– Vú như cái tháp Eiffel ấy.
– Để khi khác.
– Tùy anh.
Người đàn bà đứng dậy đi ra ngồi ở cách đấy mấy bàn. Cô ta vẫn thỉnh thoảng nhìn sang phía anh, rồi mua một tờ báo thể thao, chăm chú đọc kết quả đua ngựa.
Ravic ngồi nhìn thẫn thờ vào cái đám đông lộn xộn đang đi ngang qua sân hiên. Trong tiệm, giàn nhạc đang chơi mấy bài valses thành Vienne. Những ánh chớp trên trời mỗi lúc một thêm mau. Ở bàn bên, một nhóm đồng cô ồn ào và lẳng lơ đang nói thao thao như một đàn vẹt. Họ đều để râu cằm theo thời trang mới nhất, mặc áo rất rộng vai và thắt eo rất chật.
Một cô con gái dừng lại ở cạnh bàn Ravic và nhìn anh. Anh có cảm giác mơ hồ là gương mặt này quen quen. Nhưng có biết bao nhiêu gương mặt quen quen như vậy!
Đó là một trong những cô gái yêu kiều mà sức hấp dẫn lớn nhất là ở chỗ họ trông như bơ vơ tội nghiệp, không có cách gì tự vệ.
– Bác sĩ không nhận ra em sao? – Cô hỏi.
– Có chứ. – Ravic nói.
Anh không thể nào nhớ ra được cô ta là ai.
– Cô dạo này thế nào?
– Thưa cũng khá. Nhưng rõ ràng là bác sĩ không nhận ra em rồi.
– Tôi hay quên tên lắm. Nhưng tôi biết là tôi có quen cô. Đã lâu tôi không gặp cô.
– Vâng. Bác sĩ đã làm cho Bobo bị một mẻ kỉnh hồn. – Cô mỉm cười – Bác sĩ đã cứu sống em, thế mà bây giờ lại không nhận ra em nữa.
Bobo… cứu sống… bà mụ… Bây giờ thì Ravic nhớ ra rồi.
– Cô là Lucienne – Anh nói – Dĩ nhiên là tôi nhớ, hồi ấy cô ốm. Bây giờ cô không ốm nữa. Chính vì thế mà tôi không nhận ra được cô ngay.
Lucienne rạng rỡ lên:
– Thật à? Bác sĩ nhớ em! Em lại phải cám ơn bác sĩ về cái món một trăm quan mà bác sĩ đã bắt bà mụ trả cho em.
– À… à vâng.
Anh nhớ ra rằng sau khi bị thất bại với bà Boucher, anh có lấy tiền tủi gửi cho cô.
– Tôi rất tiếc là bà ta không chịu gửi cả ba trăm quan cho cô.
– Một trăm cũng đủ lắm rồi ạ. Thật ra em cũng không dám nghĩ là bà ta sẽ trả cho em lấy một xu.
– Cô uống với tôi chút gì, Lucienne nhé.
Cô gật đầu rồi rụt rè ngồi xuống cạnh Ravic.
– Một Cinzano pha soda.
– Công việc ra sao, Lucienne?
– Ổn lắm rồi bác sĩ ạ.
– Vẫn đi với Bobo à?
– Vâng, tất nhiên. Nhưng bây giờ anh ấy khác rồi. Anh ấy khá hơn rồi.
– Tôi mừng cho cô.
Chẳng có gì nhiều để hỏi thăm. Cô thợ khâu nhỏ đã trở thành cô gái bán tình. Anh chữa cho cô hóa ra là để cô làm nghề đó. Bobo đã lãnh lấy phần việc còn lại. Cô ta không phải sợ có mang nữa. Lại càng thêm thuận lợi. Cô ta còn ở giai đoạn tập sự. Cái vẻ trẻ thơ của cô còn đủ sức thu hút mấy lão già dâm đãng… một thứ đồ sứ tuy dùng lâu nhưng chưa mất vẻ bóng bẩy. Cô uống một cách thận trọng, như con chim uống nước; nhưng mắt cô đã bắt đầu lơ láo. Chẳng có gì đáng vui mừng cho lắm, mà cũng chẳng có gì đáng buồn thương cho lắm. Chẳng qua là một mảnh đời đang trôi dạt.
– Cô có hài lòng không?
Cô gật đầu. Ravic hiểu rằng cô hài lòng thực sự. Cô thấy mọi sự đều ổn thỏa đâu vào đây. Không có gì phải lo lắng ưu phiền.
– Bác sĩ đang một mình phải không?
– Phải.
– Vào một buổi tối như thế này?
Lucienne e dè ngước mắt nhìn Ravic, rồi mỉm cười.
– Em có thì giờ… – Cô nói.
Hôm nay mình thế nào ấy nhỉ? – Ravic tự hỏi -Chẳng lẽ mình có vẻ đói khát đến mức cô điếm nào cũng đến gặp mình chào hàng?
– Cô ở xa quá Lucienne ạ. Tôi thì lại còn quá ít thì giờ.
– Ồ, không phải về nhà em đâu. Phải đừng để cho Bobo biết.
– Sao, Bobo không biết cô làm gì hết ư?
– Có ạ, với những người khác ấy. Chính Bobo giữ tiền. – Cô mỉm cười – Anh ấy còn trẻ quá. Cứ sợ em không đưa hết tiền.
– Và vì thế cho nên không thể cho anh ta biết?
– Không phải đâu ạ. Nếu biết thì anh ấy sẽ ghen. Mà anh ấy ghen thì như điên như dại ấy.
– Cứ lần nào cô đi với ai anh ta cũng lại ghen à?
Lucienne ngạc nhiên nhìn Ravic.
– Dĩ nhiên là không rồi. Những người khác là chuyện làm ăn.
– Tôi hiểu rồi. Chỉ có khi nào không dính gì đến tiền nong anh ta mới ghen chứ gì?
Lucienne ngập ngừng một lát. Rồi cô đỏ mặt.
– Không phải thế ạ. Chỉ có điều nếu anh ta nghi là có cái gì khác… là em vì tình cảm mà…
Cô không ngẩng đầu lên. Ravic cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn dường như bị bỏ quên trên bàn.
– Lucienne, – Anh nói – cô nhớ đến tôi là rất quý. Cô lại muốn đi với tôi nữa, như vậy cũng rất quý. Cô rất xinh và tôi rất thích đưa cô đi. Nhưng tôi chưa bao giờ có thể ngủ với những đàn bà mà tôi đã mổ. Cô có hiểu không?
Lucienne ngước đôi hàng mi đen lên và gật đầu. Cô đứng dậy.
– Thôi bây giờ em xin phép đi.
– Chào Lucienne nhé. Cầu mong cho cô nhiều may mắn. Cẩn thận, đừng để đau ốm gì nhé.
– Vâng ạ.
Ravic viết nghệch ngoạc mấy chữ trên một mảnh giấy rồi đưa cho cô.
– Đây, cô kiếm mua thứ này, nếu cô chưa có. Chỉ có thứ này là hơn cả đây. Và đừng đưa hết tiền cho Bobo nhé.
Cô mỉm cười, lắc đầu. Cả hai đều biết rằng cô vẫn cứ đưa hết tiền cho Bobo như thường. Ravic nhìn theo Lucienne cho đến khi cô mất hút trong đám đông. Rồi anh gọi người hầu bàn.
Người đàn bà đội cái mũ xanh đi qua chỗ anh ngồi.
Cô ta đã theo dõi hết cảnh nói chuyện giữa Ravic và Lucienne. Cô cầm tờ báo quạt. Cô nói với một nụ cười làm lộ rõ hàm răng giả.
– Chắc là anh bất lực, nếu không thì anh cũng là dân đồng cô. Cám ơn một lần nữa, và chúc anh may mắn.
Ravic đi trong bóng đêm nóng nực. Những làn chớp lóe nhanh trên các mái nhà. Không có lấy một hơi gió thoảng. Lối vào viện Lucienne chiếu đèn sáng trưng, và các cửa ra vào đều mở. Anh bước vào.
Hôm nay có cuộc triển lãm đêm. Nhiều phòng thắp sáng. Anh đi qua dãy hàng lang Ai Cập giống như một cái lăng khổng lồ, đèn chiếu sáng rực. Những ông vua bằng đá già ba thiên niên kỷ, im lìm bất động, giương đôi mắt bằng hoa cương nhìn những nhóm sinh viên, những người đàn bà đội kiểu mũ mua từ năm ngoái, những ông già có vẻ chán chường. Ngự trị trong gian phòng là mùi của bụi bặm, của không khí tù hãm và của sự bất tử.
Trong gian Hy Lạp, đứng trước tượng Venus ở Milo là một nhóm thiếu nữ đang bàn tán thì thầm, trông chẳng giống vị nữ thần một chút nào. Ravic đứng lại. Sau chất hoa cương và chất đá siênit của người cổ Ai Cập, chất Cẩm thạch trông yếu ớt và suy đồi. Nữ thần Vernis, dịu hiền và tròn trĩnh, trông như một bà tiểu tư sản đang đi tắm, vẻ thỏa thuê với số phận; đẹp, và đầu óc trống rỗng không chứa đựng chút ý nghĩ gì. Apollon, vị thần chuyên săn giết thằn lằn, là một thiếu niên Hy Lạp đang cần thi thố tài năng. Cái làm cho những pho tượng này chết là cái tình trạng bị trung bày trong phòng. Cái này không giết chết các pho tượng Ai Cập, vì nó được làm ra để đặt trong các đền đài và lăng tẩm. Còn các pho tượng Hy Lạp thì lại cần có ánh nắng, có không khí; có những hàng cột mở rộng cho làn ánh sáng thiếp vàng của thành Athenae tràn vào.
Ravic đi tiếp. Gian phòng lớn với dãy cầu thang như tiến về phía anh. Rồi đột nhiên, cao hơn tất cả, hiện ra pho tượng nữ thần Chiến thắng ở Samothrace.
Đã lâu anh không được nhìn pho tượng này. Lần sau cùng là vào một ngày u ám. Chất cẩm thạch hôm ấy trông tẻ nhạt và không hồn trong làn ánh sáng ảm đạm của mùa đông, và vị nữ chúa của chiến thắng có vẻ băng giá và thiếu cương nghị. Nhưng bây giờ, nàng áp đảo cả khoảng bậc cấp rộng thênh thang, đứng trên mũi thuyền bằng cẩm thạch, tràn ngập trong ánh sáng chói lòa của mấy ngọn đèn chiếu, hai cánh dang rộng, sẵn sàng bay lên. Phía sau lưng nàng như có thể nhìn thấy máu huyết dụ rộng mênh mông của mặt biển Salamine đang gầm thét.
Nàng không biết gì về luân lý. Nàng không biết gì về các vấn đề của cuộc sống. Nàng không biết đến những cơn giông tố và những cạm bẫy tối tăm của máu. Nàng biết thế nào là chiến thắng và thế nào là chiến bại, mà cả hai thì vốn dĩ gần như đồng nhất với nhau. Nàng không phải là sự cám dỗ. Nàng là sự cất cánh bay lên. Nàng không phải là sức quyến rũ, mà là sự thanh thản vô tư. Nàng không có điều gì bí ẩn; thế nhưng nàng lại làm cho người ta xao xuyến hơn Venus, người đàn bà đang che đậy chỗ kín khiến cho nó nổi bật lên. Nàng như những con tàu biển và những con chim, như gió, như sóng, như chân trời. Nàng không có quê hương.
Không, nàng không có quê hương – Ravic nghĩ. Mà nàng cũng không cần quê hương. Nàng thấy có quê nhà trên mọi con tàu. Nàng thấy quê nhà bất kỳ nơi đâu có lòng can đảm, có sự đấu tranh và cả chiến bại, miễn là không có tuyệt vọng. Nàng còn hơn là nữ thần của chiến thắng, nàng cũng là nữ thần của những kẻ giang hồ và là nữ thần của những kẻ tị nạn… Chừng nào mà họ không cam tâm chịu thúc thủ.
Anh đưa mắt nhìn quanh. Trong phòng không còn ai nữa. Nhưng cô học trò và những người đi du lịch đã về nhà. Về nhà họ… Có chăng mọi thứ nhà nào khác cho kẻ không còn nơi ghé bến, nếu không phải là sự ấp ủ trong chốc lát mà kẻ đó có thể tìm được trong trái tim của một kẻ khác? Phải chăng vì thế mà tình yêu, khi nhập vào trái tim của một kẻ không nhà, làm cho nó rung chuyển và chiếm hữu lấy nó một cách trọn vẹn đến như vậy? Và chẳng phải là chính lý do đó mà anh đã tìm cách tránh nó đó sao? Thế mà tình yêu đã dõi theo anh, đã bắt kịp anh và đã xô anh ngã xuống. Trườn lên khỏi vực khó hơn nhiều nếu là trên sườn dốc giá băng của một đất nước lạ chứ không phải trên một địa thế thân quen.
Mắt anh chú ý đến một vật gì trăng trắng đang cử động. Đó là một con bướm, chắc là đã bay vào đây qua khung cửa mở rộng. Có lẽ nó đến đây từ những vòng hoa hồng ở điện Tuileries, bị một đôi tình nhân xua ra khỏi cái giường thơm tho của nó, rồi bị lóa mắt vì những ngọn đèn pha – đối với nó khác nào vô số những mặt trời xa lạ và dị kỳ. Nó đã đâm bổ vào cửa viện, vào khoảng tối niềm nở bên kia các cánh cửa, và bây giờ nó đang bay chập chờn, lạc lõng nhưng can trường, trong gian phòng rộng mênh mông nơi nó sẽ chết, rồi đến khi kiệt sức, nó sẽ xuống ngủ trên một cái gờ cẩm thạch, trên một bậu cửa sổ, hay mãi tận trên cao kia, trên vai của vị nữ thần chói lọi hào quang. Sáng mai nó sẽ bay đi tìm hoa, tìm chất sống, tìm chất mật nhẹ của hoa hồng, và sẽ không thấy. Rồi đến khi đuối sức, nó lại ghé ngủ trên cẩm thạch ngàn năm cổ kính cho đến khi những đôi chân bền bỉ và tế vi của nó buông ra, và nó sẽ rụng xuống như một chiếc lá thu sớm tàn.
Một hình ảnh ủy mị – Ravic nghĩ thầm. Một nữ thần của chiến thắng và một con bướm tị nạn. Một biểu trưng tầm thường, dung tục. Nhưng phỏng có gì làm cho ta xúc động hơn những vật tầm thường, những biểu trưng dung tục, và sự đa cảm thường tình? Và cái gì làm cho nó tầm thường? Đó là cái sự thật trần truồng mà nó chứa đựng. Sự rởm đời mất đi khi vấn đề đặt ra là chuyện sống còn.
Con bướm đã khuất đi trong bóng tranh tối tranh sáng dưới vòm mái của phòng trưng bày. Ravic rời khỏi viện bảo tàng. Bên ngoài, không khí nồng nực bọc lấy anh như một bồn nước tắm ấm. Anh đứng lại. Những tình cảm dung tục ư? Chẳng phải bản thân anh đã làm mồi cho thứ tình cảm dung tục nhất trong các thứ tình cảm đó sao? Anh hướng cái nhìn về phía khoảng sân rộng, nơi như có những vong hồn cổ xưa đang trầm ngâm mơ mộng, và bỗng dưng anh có cảm giác như bị vô số địch thủ đánh đấm tới tấp. Anh suýt lảo đảo dưới cái cảm giác ấy. Bóng ma trắng của nữ thần Chiến thắng đang sẵn sàng bay lên vẫn lởn vởn trước mắt anh; nhưng từ phía sau, một gương mặt khác từ bóng tối nhô ra, một gương mặt tầm thường không chút giá trị, nhưng trí tưởng tượng của anh đã vướng vào đấy như một tấm voan Ấn Độ vương vào một bụi hồng lắm gai. Anh cố gỡ ra, nhưng gai vẫn giữ vững lấy những sợi tơ và những sợi kim tuyến. Tấm voan và bụi cây lẫn vào nhau khắng khít đến nỗi chưa chi đã không thể nào phân biệt cho rõ đâu là những cành gai góc, đâu là tấm tơ óng ả.
Một gương mặt! Một gương mặt! Ai hỏi xem nó tầm thường hay quý giá? Ai hỏi xem nó là độc nhất vô nhị hay là đâu đâu cũng có? Có thể đặt câu hỏi trước khi đó, – nhưng một khi đã mắc vào đó rồi, thì người ta không còn biết nữa. Người ta đã bị tình yêu cầm tù rồi… Tình yêu, chứ không phải người đàn bà tình cờ mang tên nó. Ai còn có thể phán, đoán được nữa, khi đã bị lóa mắt vì những ngọn lửa của trí tưởng tượng? Tình yêu không thừa nhận các giá trị.
Nền trời thấp. Chốc chốc những tia chớp lặng lẽ lại làm nổi rõ các đường viền của những đám mây chất chứa diêm sinh. Khí nồng, với hàng triệu con mắt không hồn của nó, đè nặng lên các mái nhà. Ravic đi dọc theo đường Rivoli. Những quầy kính thắp đèn sáng trưng dưới các vòm cửa. Đám đông vẫn tiếp tục chen chúc. Những đoàn xe hơi như những đám nhấp nháy nối đuôi nhau diễn hành. Ta là một trong hàng nghìn người đi qua chầm chậm bên những quầy kính bày đầy những món hàng quý giá lộng lẫy, hai tay đút vào túi, một kẻ tản bộ như bao nhiêu kẻ khác… thế nhưng trong ta máu lại sôi lên, và trong cái mê hồn trận màu xám của cái chất vô hình thù và chập chờn được gọi là bộ óc kia đang có một chiến trận diễn ra, một chiến trận vô hình đang làm cho ta mất ý thức về hiện thực và phi hiện thực. Ta cảm thấy những cánh tay đang sờ vào ta, những thân thể đang chạm vào ta, những con mắt đang quan sát ta, ta nghe thấy tiếng những chiếc xe, những giọng nói, tất cả cảnh rộn ràng của hiện thực hữu hình, ta ở vào trung tâm của các thứ đó, song ta lại còn xa hơn cả mặt trăng, trên một hành tinh không còn biết đến lô-gich, không còn biết đến sự thật. Trong ta có một cái gì gợi lên một cái tên mà biết rằng đó không phải là cái tên đúng, nhưng vẫn rướn cổ ra mà gọi, gọi thất thanh trong một cõi im lặng đã tồn tại từ vĩnh hằng, trong đó đã có bao nhiêu tiếng kêu mất hút đi mà chưa hề có tiếng trả lời nào đáp lại. Ấy thế mà cái gì đó vẫn kêu, tiếng kêu của đêm ái ân và tiếng kêu của đêm hấp hối, tiếng kêu của siêu thoát và của ý thức đang sụp đổ, tiếng kêu của rừng rú và của hoang mạc; và có lẽ ta biết hàng ngàn câu trả lời, nhưng riêng câu trả lời ấy thì vượt quá sức ta, và ta sẽ không bao giờ biết được.
Tình yêu! Tất cả những gì mà hai tiếng này muốn nói! Từ sự mơn trớn dịu dàng nhất của xác thịt cho đến sự bay bổng siêu thoát nhất của tinh thần, từ cái dục vọng đơn giản muốn chiếm hữu một người đàn bà cho đến những cơn giẫy giụa của hấp hối, từ sự say mê không bao giờ toại mãn cho đến cuộc đọ sức giữa Jacob và Thiên thần. Ta đây, đã hơn bốn mươi tuổi, đã qua nhiều trường đào tạo, đầy kinh nghiệm và tri thức, ta đây, kẻ đã bị đánh ngã và đã đứng dậy, đã qua sự sàng lọc của năm tháng, đã trở thành cứng rắn hơn, khó tính hơn, lạnh lùng hơn… ta đã không muốn thế, ta không phân rõ được, ta tưởng không thể nào điều đó lại xảy ra lần nữa… ta đây, với tất cả cái mớ kinh nghiệm đã trở thành vô ích ấy, cái hiểu biết đã làm cho nỗi đau của ta da diết hơn… vì trong ngọn lửa của xúc cảm không có gì cháy to hơn là chất gỗ khô của thái độ khuyển nho đối với cuộc sống nữa.
Anh đi suốt mấy giờ liền, và đêm trở nên rộng thoáng và vang dội. Anh đi không mục đích, không có ý thức về những phút hay những giờ đang trôi qua, và anh không ngạc nhiên khi thấy mình đứng giữa mấy khu vườn trải rộng phía sau đại lộ Raphael.
Tòa nhà ở đường Pascal, đường viền mờ mờ của các tầng lầu, nơi vài ba khung cửa sổ còn sáng dìu dịu. Anh tìm ra khung cửa sổ gian phòng studio của Jeanne. Bên trong có ánh đèn. Jeanne đang ở nhà. Cũng có thể cô đi vắng nhưng để đèn sáng. Cô rất ghét trở về những căn phòng tối. Cũng như anh Ravic đi đến tận phố ấy. Trước tòa nhà có mấy chiếc xe đỗ. Một chiếc coupé màu vàng, một chiếc xe thường cải trang thành xe đua khiến anh chú ý. Đó có thể là xe của người kia. Một chiếc xe rất thích hợp với một anh kép hát. Ghế bằng da đỏ, một bảng kê biểu giống như bảng kê biểu của máy bay, với vô số những thứ đồng hồ và tín hiệu không cần thiết… Đúng chắc là xe của hắn. Anh tự hỏi xem mình có ghen không. Ghen với một thứ đồ vật tình cờ mà nàng đã đem lòng quyến luyến? Ghen với một cái gì tuyệt nhiên không có liên quan đến mình? Người ta có thể ghen với một mối tình đã buột ra khỏi lòng ta, chứ không thể ghen với vật mà tình cảm ấy đã quay sang…
Anh trở về chỗ mấy khu vườn. Hương hoa bay lên từ bóng tối, lẫn mùi đất và mùi cỏ lá. Đó là cái mùi hương gần như dữ dội đi trước những cơn giông. Anh tìm một chiếc ghế đá và ngồi xuống. Không phải là ta đâu, – Anh nghĩ – cái anh chàng si tình muộn màng đang ngồi trên ghế đá trước nhà người đàn bà đã phản bội anh ta, cái anh chàng si tình đang dòm lên các cửa sử của nàng! Không phải ta đâu, cái con người đang bị dày vò vì một dục vọng mà ta có thể mổ xẻ được nhưng lại không sao chế ngự nổi. Không phải ta đâu, cái thằng điên sẵn sàng hy sinh nhiều năm trong đời mình để quay trở lại phía sau, và tìm thấy lại người đàn bà tóc vàng vẫn thì thầm những lời lẽ điên rồ bên tai hắn. Không thể là ta… dẹp hết những kiểu vờ vịt đi!… đang ngồi khổ sở, ghen tuông, suy sụp, và đang muốn châm lửa đốt cái xe kia!
Anh châm một điếu thuốc lá. Đốm sáng nhỏ thầm lặng, làn khói vô hình. Tại sao vừa rồi anh không lên phòng Jeanne? Liệu có thể xảy ra những gì? Đêm chưa khuya lắm. Đèn vẫn sáng. Anh có thể làm chủ tình thế. Tại sao anh không đưa Jeanne ra khỏi căn nhà này? Bây giờ, khi anh đã biết hết? Đưa nàng về, và không bao giờ để cho nàng ra đi nữa.
Mắt anh sục sạo trong bóng tối. Làm như thế sẽ đạt được kết quả gì? Anh sẽ làm được những gì? Anh không thể ném người kia ra cửa. Người ta không thể đuổi một con người ra khỏi lòng một người khác. Tại sao anh đã không chiếm lại nàng khi nàng trở lại với anh? Tại sao?
Anh ném điếu thuốc đi. Tại vì như thế không đủ. Phải rồi. Anh muốn nhiều hơn. Dù nàng có trở lại thì vẫn chưa đủ; dù cho tất cả những cái còn lại đều đã bị quên lãng và bị chìm xuống đáy dĩ vãng; không bao giờ, không bao giờ còn đủ nữa. Có một cái gì đó đã bị hỏng. Ở một điểm nào đấy, tia sáng từ trí tưởng tượng của anh dọi ra đã không trúng vào tấm gương có nhiệm vụ khuếch trương nó lên và chiếu nó lại cho bản thân anh. Và bây giờ tia sáng này đang bị phóng lên tận khóm tinh vân của những dục vọng khôn nguôi, và không còn có gì có thể đưa nó trở lại được nữa, dù là một tấm gương hay cả ngàn tấm gương. Những tấm gương này chỉ có thể thu được một phần tia sáng đó; nhưng không thể đưa nó trở lại được; nó đi phiêu diêu trong bầu trời trống rỗng của tình yêu, nó chỉ còn là một đám sương mù sáng, sẽ không còn bao giờ có thể làm thành một vòng hào quang muôn màu xung quanh một mái đầu yêu dấu. Vòng tròn thần diệu đã vỡ. Chỉ còn lại niềm nhớ tiếc, chứ niềm hy vọng thì đã tiêu vong.
Có ai từ trong nhà đi ra. Một người đàn ông. Ravic đứng dậy. Một người đàn bà đi theo người kia. Hai người cười nói vui vẻ. Không phải họ. Một chiếc xe mở máy. Anh lấy một điếu khác hút. Ví thử anh khác đi, liệu anh có giữ được nàng không? Nhưng có cái gì để mà giữ? Một ảo ảnh, không có gì hơn. Liệu một ảo ảnh có đủ không? Mà nói chung, người ta có đạt được tới một cái gì hơn là một ảo ảnh không? Ai có thể tự phụ là mình có thể biết được luồng xoáy của cuộc sống đang cuồn cuộn dưới các cảm quan của ta?
Không, khi một chiếc bình pha-lê đã vỡ đi rồi, người ta chỉ còn có thể gắn những mảnh vỡ lại mà thôi. Gắn nó lại và tự dối mình. Nhìn cái ánh sáng rạn vỡ xưa kia đã từng chói lọi. Không có gì nguyên lành trở lại. Dù cho Jeanne có quay về thì cũng chẳng còn như xưa nữa. Chiếc bình pha-lê chỉ còn là những mảnh gắn lại. Cái phút ấy đã qua. Không còn có gì có thể đưa nó trở về nữa.
Anh cảm thấy đau nhói, không sao chịu nổi. Ở trong anh có một cái gì rách toác ra. Trời ơi – Anh nghĩ. Sao cái đó có thể làm cho ta đau đớn đến như vậy? Ta tự quan sát mình qua vai, nhưng chẳng ăn thua gì. Ta biết rằng ta có tìm thấy lại nàng thì cũng chỉ để mất nàng lại một lần nữa mà thôi, nhưng điều đó không làm cho ta đỡ khát. Ta phanh phui nàng ra như một thây chết trong nhà xác, nhưng chỉ làm cho nàng sinh động hơn gấp ngàn lần. Ta biết rằng nỗi đau này một ngày kia sẽ dịu đi, nhưng cả điều này nữa cũng không an ủi được ta.
Đôi mắt mệt mỏi của Ravic lại nhìn lên cửa sổ. Anh cảm thấy mình trẻ con và lố bịch; nhưng điều đó cũng chẳng làm thay đổi được gì.
Bầu trời trên thành phố bỗng tràn đầy tiếng sấm rền. Những giọt mưa lớn rơi xuống và vỡ tung trên các cành cây. Ravic đứng dậy. Những giọt mưa mạ bạc vào các phiến đá lát đường. Anh nghe tiếng hát của mưa. Những giọt nóng hổi hắt vào mặt anh. Bỗng nhiên, anh không còn biết mình có lố bịch không hay chỉ là bất hạnh, không còn biết mình có đau hay không… anh chỉ còn biết có một điều: anh đang sống. Anh đang sống! Cảm giác ấy lại tràn vào anh, lay chuyển anh. Anh không còn là khán giả, là người đứng nhìn từ bên ngoài nữa. Ánh hào quang chói lọi vô biên của cái cảm giác không điều khiển nổi này vụt qua các mạch máu của anh như ngọn lửa luồn qua các ống lò, có nghĩa gì đâu chuyện anh có hạnh phúc hay là bất hạnh! Anh đang sống, anh có ý thức trọn vẹn là mình đang sống, và như thế cũng đủ rồi.
Những giọt mưa đập vào anh từng tràng như đạn ria. Anh đứng yên tại chỗ, anh đã trở thành mưa, trở thành cơn giông, trở thành nước và đất. Ánh chớp ở chân trời đến nhập vào anh, và anh là tạo vật và là tạo hóa. Không còn có một cái gì có tên để tách riêng anh ra nữa. Tất cả đều đồng nhất lại, tình yêu, cơn mưa, ánh chớp nhợt nhạt trên các mái nhà, mặt đất dường như đang phồng lên, tất cả chỉ là một. Không còn có ranh giới gì nữa, anh cũng ở trong tất cả các thứ đó, và hạnh phúc hay bất hạnh chỉ còn là những cái vỏ rỗng bị cái cảm giác là mình đang sống quét sạch đi.
“Hỡi vật ở trên kia! – Anh nói với khung cửa sổ có ánh đèn, vừa nói vừa cười mà không nhận thấy mình nói cười – hỡi cái ánh sáng nhỏ nhoi, cái ảo ảnh, cái gương mặt đang khống chế ta một cách kỳ lạ như vậy, trên trái đất nay vốn còn có hàng triệu những gương mặt tốt hơn, đẹp hơn, thông minh hơn, trìu mến hơn, trung thành hơn, hỡi ngươi, cái sự kiện ngẫu nhiên được vứt vào đường ta đi trong đêm tối, được ném vào đời ta, ngươi, cái tình cảm mù quáng mà đầy sức thống trị đã luồn xuống dưới da ta, đã vùi dập ta như một ngọn sóng cho đến khi ta không còn kháng cự nữa, rồi sau đó lại bỏ trốn đi, ta chào ngươi! Ta đã đứng dậy, thế mà trước đây ta tưởng sẽ chẳng bao giờ đứng dậy được nữa. Mưa chạy dưới làn áo ta, ấm hơn, mát hơn, dịu hơn hai bàn tay và làn da của ngươi. Ta đang đứng đây, khổ sở, gan ruột bị những móng vuốt của cơn ghen cào xé, hy vọng có được ngươi, khinh miệt ngươi, ngưỡng mộ ngươi, tôn sùng ngươi vì chính ngươi đã tung ra tia chớp làm cho ta bùng cháy, tia chớp vốn giấu kín trong mọi sinh vật, tia lửa của sự sống! Ta ở đây, không còn phải như một kẻ chết được nghỉ phép với món hành lý nhỏ nhoi gồm chút thái độ khuyển nho, chút ngạo nghễ, chút can trường, mà như một con người sóng, dù là đau khổ cũng được, nhưng lại được mở rộng đón lấy tất cả những giông tố của cuộc đời, được hồi sinh trong sức mạnh giản đơn của nó! Trời hãy phù hộ ngươi, hỡi nàng thánh nữ bạc tình, hỡi nữ thần chiến thắng nói giọng Rumani, hỡi giấc mơ và nỗi thất vọng, hỡi tấm gương vỡ của một vị thần u ám, ta cầu phúc cho ngươi, tuy ngươi không hề hay biết, tuy ta chẳng bao giờ sẽ nói cho ngươi, vì ngươi sẽ lợi dụng việc đó, ngươi đã trả lại cho ta cái mà cả Platon lẫn mớ hoa cúc trắng, cả sự chạy trốn lẫn sự tự do hay tất cả hồn thơ và lòng thương xót, hy vọng và tuyệt vọng đều không thể trả lại được: sự sống đơn giản, mãnh liệt, sự sống mà ta tưởng là một tội ác vì chúng ta sống ở khoảng giữa hai trận đổ vỡ kinh hoàng! Ta chào ngươi! Trời ban phúc cho ngươi! Ta đã phải mất ngươi mới biết được điều đó! Ta chào ngươi!”
Bây giờ mưa buông xuống như một bức màn lấp lánh. Các bụi cây tỏa hương. Mùi đất đậm đà và chan chứa biết ơn. Có một người nào từ tòa nhà trước mặt bước ra và vội vàng chống mui chiếc xe coupé, màu vàng lên. Mặc nó. Mặc tất. Chỉ có đêm, và mưa từ các vì sao rơi xuống, huyền bí và đầy mầu mỡ, mưa đang rơi trên thành phố, trên các ngõ hẻm và các mảnh vườn, hàng triệu bông hoa đang rướn về phía mưa để hấp thụ mầm sống. Mưa đang ngả vào hàng triệu cánh tay của cây cối và thấm xuống đất để dự những hôn lễ tối tăm với những rễ cây đang khát nước. Mưa, thiên nhiên, đêm tối, sự nảy mầm, sự phì nhiêu, tất cả những cái đó tồn tại, không hề biết đến sự băng hoại, đến cái chết, đến những kẻ tội phạm và những kẻ giả mạo, đến chiến thắng và chiến bại. Tất cả các thứ đó đều hiện diện như mọi năm, và đêm nay, anh là một bộ phận của nó. Cái vỏ đã mở ra, và sự sống tuôn ra từ đó, sự sống hằng được mong chờ, sự sống diễm phúc.
Anh đi nhanh qua các khu vườn và các phố. Anh không hề ngoái lại phía sau, anh đi thẳng về phía trước. Những ngọn cây trong Rừng Boulogne đón anh như một tổ ong khổng lồ. Mưa đổ rào rào trên các khóm lá đang đung đưa và hé mở. Anh thấy mình trẻ lại, như thể anh sắp biết đàn bà lần đầu tiên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.