Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 3



Ravic thức giấc với cái cảm giác mơ hồ về sự hiện diện của một cái gì xa lạ ở trong phòng. Người thiếu phụ, đã ăn mặc chỉnh tề, đang ngồi trên đi-văng, mặt quay ra cửa sổ. Ravic lấy làm lạ rằng cô ta vẫn còn ở đây. Sáng dậy anh không thích có mặt đồng loại ở bên cạnh.
Nếu anh cố ngủ lại thì sao nhỉ? Nhưng anh lại cảm thấy khó chịu khi biết có người đang quan sát mình ngủ. Anh quyết định tìm cách làm cho cô ta đi ngay đi. Nếu cô ta còn chờ anh dậy để xin tiền thì đơn giản quá. Anh choàng dậy.
– Cô dậy đã lâu chưa?
Người thiếu phụ giật mình.
– Tôi không ngủ được nữa. Tôi rất tiếc đã làm ông thức giấc.
– Không, có phải cô làm tôi thức giấc đâu!
– Tôi đã định đi… nhưng rồi không biết có cái gì giữ tôi lại.
– Cô đợi một tí; một phút sau tôi sẽ xong ngay. Ta sẽ cùng ăn sáng. Cái món cà phê “bản hiệu” trứ danh mà hôm qua tôi có nói chuyện với cô ấy!
Ravic bấm chuông gọi và vào buồng tắm. Người thiếu phụ đã vào đây trước anh, và mọi thứ trong buồng đều được xếp dọn ngăn nắp cực kỳ. Ngay cả mấy cái khăn mặt anh đã dùng cũng được sắp lại cẩn thận. Trong khi đánh răng, anh nghe thấy tiếng cô hầu phòng bưng thức ăn sáng lên. Anh vội vàng rửa ráy cho chóng xong.
– Cô có thấy phiền gì không?
– Phiền gì cơ?
– Vì bị cô gái kia trông thấy ấy. Thú thật tôi cũng quên nghĩ đến chuyện này.
– Không sao đâu. Thậm chí thấy tôi ngồi đây cô ta cũng chẳng hề ngạc nhiên.
Khay thức ăn sáng dọn cho hai người, tuy Ravic không hề dặn.
– Phải rồi. Đây là Paris mà. Cà phê của cô đây. Cô có đau đầu không?
– Không.
– Tôi thì đầu đau như búa bổ. Nhưng chỉ một giờ nữa là hết. Bánh nướng nhé?
– Tôi không đói.
– Cô tưởng thế thôi. Cứ thử ăn đi.
Cô cầm miếng bánh nướng lên, nhưng lại đặt xuống dĩa ngay.
– Thật tình tôi không ăn được.
– Thế thì cô uống cà phê đi, rồi hút một điếu thuốc lá. Điểm tâm kiểu nhà binh đấy.
Ravic bắt đầu ăn. Một lát sau anh ngẩng lên.
– Vẫn không thấy đói à?
– Không. – Người thiếu phụ dụi tắt điếu thuốc – Có lẽ tôi xin phép đi đây.
– Cô nhớ đường chứ? Ở đây rất gần đại lộ Wagram. Cô ở đâu?
– Ở khách sạn Verdun.
– Ngay cạnh thôi. Tôi sẽ đưa cô về. – Anh thấy cô ta vẫn trù trừ. Chắc hẳn là đợi anh cho tiền. Anh rút ví.
– Không, tôi xin ông… – Cô nói dứt khoát. Ravic cất chiếc ví đi. Cô đứng dậy.
– Tôi xin lỗi… Ông thật là… Tôi cảm ơn ông đã… Nếu không có ông, tôi một mình giữa đêm khuya… không thể nào… không biết mình phải làm gì…
Cô ta còn đợi gì nữa mà không đi đi? – Ravic tự hỏi. Để phá tan sự im lặng, anh mới:
– Thế bây giờ thì cô biết rồi chứ?
– Tôi vẫn chưa biết – Cô thật thà trả lời – Tôi chỉ biết mỗi một điều là phải làm một việc gì, là tôi không thể để mặc được.
– À ra thế, tôi hiểu. – Anh với lấy áo khoác – Tôi đưa cô về.
– Không, không, vô ích… chỉ xin ông bảo cho… – Cô ta khó nhọc tìm từ ngữ – Có lẽ ông biết rõ cần phải làm gì… khi…
– Khi có chuyện gì?
– Khi có người chết. – Cô bỗng rơi phịch xuống ghế, suy sụp hoàn toàn. Không có tiếng nức nở. Cô khóc gần như thầm lặng. Ravic đợi cho cô bình tâm lại đôi chút.
– Có người nào chết sao?
Cô gật đầu.
– Tối hôm qua ư?
Lại gật đầu.
– Cô đã giết người ấy à?
Cô đứng bật dậy.
– Sao? Ông nói gì?
– Tôi hỏi có phải cô đã giết người ấy không. Nếu cô muốn tôi giúp cô, cô phải nói hết ra.
– Ông ấy chết rồi! – Cô kêu lên – Ông ấy chết đột ngột. Ông ấy…
– Ông ấy bệnh à?
– Vâng.
– Cô có gọi bác sĩ đến chứ?
– Có, nhưng ông ấy không chịu vào nhà thương.
– Bác sĩ đến từ hôm qua à?
– Không, cách đây ba hôm rồi. Nhưng ông ấy cáu quá… ông ấy đã đuổi bác sĩ đi…
– Cô có gọi bác sĩ khác chứ?
– Chúng tôi không quen bác sĩ nào khác. Chúng tôi mới đến đây được có ba tuần. Bác sĩ kia là do người bồi khách sạn tìm cho. Nhưng ông ấy không chịu để cho bác sĩ chữa.
– Ông ấy mắc bệnh gì?
– Tôi không rõ lắm. Bác sĩ nói là viêm phổi, nhưng ông ấy không tin. Ông ta quát lên rằng các bác sĩ đều là kẻ cướp và lang băm. Đến hôm qua ông ấy thấy đỡ. Nhưng rồi bỗng nhiên…
– Tại sao cô không đưa ông ấy đi bệnh viện?
– Ông ấy nhất định không đi. Ông ấy bảo là tôi sẽ… phản bội ông ấy trong khi ông ấy vắng mặt… Ông chưa biết ông ấy… đã quyết định cái gì là không còn cách gì làm cho ông ấy đổi ý được nữa.
– Ông ấy giờ vẫn nằm ở khách sạn à?
– Vâng.
– Cô báo cho chủ khách sạn biết rồi chứ?
– Chưa. Khi tôi chợt hiểu ra rằng ông ấy đã chết, tôi không còn tự chủ được nữa… tôi đã trốn đi.
Nhớ lại đêm vừa qua, Ravic có một cảm giác ngượng nghịu mơ hồ. Thôi biết làm sao được, chuyện đã xảy ra rồi, chỉ có thế thôi. Đối với cô ta, chỉ có một điều là đáng kể: làm sao khắc phục được những nỗi kinh hoàng của đêm ấy, làm sao cho chóng đến hôm sau. Xét cho cùng, cuộc sống chẳng qua là một chuỗi ước lệ tình cảm. Chẳng hạn cái đêm mà Lavigue được tin vợ chết, ông ta đã ngủ ở một nhà chứa. Chính nhờ thế mà ông ta đã sống được, chứ bất cứ cách gì khác chắc cũng đều vô hiệu. Chẳng qua là phải hiểu. Ravic với lấy chiếc áo khoác.
– Ta đi thôi. Tôi sẽ đến với cô. Ông ấy là chồng cô à?
– Không.
Ông chủ khách sạn Verdun là một người phì nộn, đầu hói trụi, nhưng lại có được một bộ ria đen rất rậm và đôi lông mày sâu róm. Ông ta đang đứng ở tiền sảnh. Sau lưng ông là một anh bồi, một cô hầu phòng, và một cô thủ quỹ ngực lép kẹp. Trông mặt ông chủ cũng biết ngay là ông đã biết chuyện. Vừa trông thấy người thiếu phụ, ông ta đã xửng cồ lên, mắng nhiếc cô bằng những lời lẽ tục tằn. Mặt ông ta biến sắc đi, hai bàn tay múp míp của ông vung lên lia lịa, trút hết cơn thịnh nộ điên cuồng lên đầu cô. Ravic toan ngắt lời thì ông ta quay phắt sang anh:
– Ông là ai? Và thưa ông, ông muốn gì?
– Ông này! Ông định tiếp tục quát tháo đến mấy giờ thì thôi đấy?
Ông chủ đột nhiên bình tĩnh hẳn:
– Nhưng ông là ai ạ? – Ông ta nói từ tốn hơn: nhỡ vấp phải một nhân vật quan trọng nào thì phiền.
– Tôi là bác sĩ. – Ravic đáp.
– Bác sĩ mà làm gì! – Ông chủ nói, giọng lại giận dữ hơn cả ban nãy – Bây giờ thì chỉ cần đến cảnh sát! – Ông ta dừng lại, chớ nghe những tiếng khóc và những lời than thở.
– Ông nghĩ rất đúng. Tôi cũng không hiểu tại sao cảnh sát chưa đến đây. Mặc dầu cách đây mấy tiếng đồng hồ ông đã biết ông khách kia chết.
Ông chủ tức điên lên nhưng không nói gì. Ravic liền nói tiếp:
– Thế thì tôi đây, tôi xin nói cho ông hiểu rõ tại sao: ông sợ tai tiếng, ông sợ mất khách, vì chẳng ai ưa thứ chuyện này. Nhưng dù ông có muốn hay không, cảnh sát cũng phải được báo tin. Còn tiền buồng thì ông chớ lo: ông sẽ được thanh toán đầy đủ. Bây giờ tôi muốn xem qua thi thể. Tôi sẽ lo liệu tất cả phần còn lại. – Anh quay sang người thiếu phụ: phòng số mấy?
– Số mười bốn.
– Cô không cần đi theo tôi. Tôi muốn vào một mình.
– Tôi không muốn đứng đây.
– Vậy thì đi với tôi.
Đó là một căn phòng trần thấp, trông ra phố. Ravic gạt đám bồi bếp đang xúm xít trước cửa phòng ra hai bên và bước vào. Trong phòng có hai cái giường. Trên cái thứ nhất là thi thể của người đàn ông mới chết, sắc da đã vàng như sáp, mái tóc đen quăn tít, mặc bộ pyjama lụa đỏ, hai bàn tay chắp trên bụng. Trên bàn đặt một pho tượng đức bà nhỏ bằng gỗ, loại rẻ tiền, có những vết son trên mặt. Ravic nhấc nó lên và đọc hàng chữ đề trên lưng: “Made in Germany”. Anh quan sát mặt người chết. Hai con mắt mở he hé, một bên to một bên nhỏ, như đã ngưng đọng lại trong một nỗi chán chường vĩnh cửu.
Anh cúi xuống nhìn thi thể, đọc các nhãn dán trên mấy lọ thuốc để trên bàn ngủ và bắt đầu khám nghiệm. Không có vết hành hung. Anh đứng thẳng lên.
– Cô có biết tên người thầy thuốc hôm trước không? – Anh hỏi người thiếu phụ.
– Không. – Ravic nhận thấy gương mặt cô tái nhợt đi.
– Cô ngồi vào góc kia và đừng cựa quậy.
Mắt anh lướt qua đám nhân viên khách sạn vẫn tụ tập trước cửa. Gương mặt nào cũng phản ánh một mối tò mò bệnh tật như nhau.
– Người hầu đã đi gọi bác sĩ đâu rồi?
– Đó là Francois.
Một người bước ra.
– Ông bác sĩ đã đến đây tên là gì?
– Bonnet ạ, bác sĩ Charles Bonnot.
– Anh có số điện thoại không?
Người hầu lục lọi trong túi áo một lúc rồi rút một mảnh giấy ra đọc:
– Passy 27-43.
Vừa lúc ấy ông chủ bước tới, vẻ giận dữ.
– Xéo hết đi, đồ ăn hại! – Ông ta quát – Trả lương cho chúng mày để chúng mày bỏ việc đứng đấy mà dòm phỏng?
Ông ta đóng cửa lại. Ravic cầm ống máy lên nói mấy câu với Veber. Rồi anh gọi số điện ở Passy. Bác sĩ Bonnet đang ngồi ở phòng mạch, xác nhận những điều người thiếu phụ đã kể cho Ravic nghe. Ravic nói với ông ta:
– Người ấy đã chết. Xin ông đến để cấp giấy xác nhận tử vong.
– Thưa ông không ạ. Người ấy đã đuổi tôi ra cửa. Hắn đã lăng mạ tôi.
– Bây giờ người ấy không lăng mạ ông nữa đâu.
– Hắn đã không chịu trả thù lao cho tôi, lại gọi tôi là đồ lang băm, đồ trộm cướp.
– Nếu họ thanh toán hóa đơn cho ông, ông có vui lòng đến hay không?
– Có thể tôi sẽ cho người đến.
– Ông thân hành đến thì hơn. Nếu không, ông sẽ không được lấy một xu.
– Được! – Bonnet nói sau một lát do dự – Nhưng tôi nói trước cho ông biết: tôi sẽ không ký bất kỳ giấy gì trước khi nhận tiền thanh toán: cả thảy ba trăm quan.
– Đồng ý. Ông sẽ có đúng ba trăm quan!
Ravic đặt ống máy xuống, rồi quay sang người thiếu phụ, anh nói:
– Tôi rất tiếc là cô phải chứng kiến những chuyện này. Nhưng không có cách gì khác. Chúng ta đang cần đến ông bác sĩ này.
– Không sao đâu ạ – Cô vừa nói vừa rút trong ví ra mấy tờ giấy bạc – Tôi cũng quen những việc như thế này rồi. Tiền đây ạ.
– Cô đợi bác sĩ đến đã. Cô sẽ tự tay trao cho ông ta.
– Tại sao ông không thể tự làm giấy xác nhận tử vong? – Cô hỏi.
– Không được, phải là một bác sĩ người Pháp. Tốt hơn cả là chính người bác sĩ đã từng điều trị người mới chết.
Khi bác sĩ Bonnet đã vào phòng và cánh cửa đã đóng lại sau lưng ông ta, không khí trong phòng bỗng trở nên yên tĩnh một cách kỳ lạ. Những tiếng động từ bên ngoài, tiếng còi xe, tiếng rì rầm của phố xá vọng về đây đều bị hãm lại và nghe như không còn thuộc về cõi thực. Những thanh âm rộn rịp của những giờ đã qua đều đã lắng xuống. Lần đầu tiên người ta nhận thức được thật rõ ràng là có một người chết đang nằm trong phòng. Ngay cả bộ pyjama đỏ lố lăng kia trông cũng không còn chướng mắt nữa. Không thể có một sinh vật nào có thể so bì được với sự bất động uy nghi của cái xác người trong đó quá trình giải thể đã bắt đầu diễn ra. Con người chỉ đạt đến hoàn thiện trong cái chết, và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi mà thôi.
– Hai người không có hôn thú a? – Ravic hỏi.
– Không. Để làm gì?
– Vì cảnh sát sẽ niêm yết tất cả đồ đạc lại đợi người thừa hưởng nếu có. Vậy cô phải lấy lại ngay những đồ vật của riêng cô. Ông ấy có họ hàng thân thuộc gì không?
– Ở Pháp thì không.
– Cô sống chung với ông ta à?
Không thấy trả lời.
– Đã lâu chưa?
– Hai năm.
– Rương hòm của cô đâu?
– Hôm qua tôi còn để đây, cạnh giường ấy.
– Tôi hiểu… ông chủ đây. – Ravic mở cửa. Bà dọn phòng giật mình lùi ra – Ở tuổi bà mà tò mò thế là quá đáng đấy – Ravic nói – Bà đi tìm ông chủ cho tôi. – Thấy bà ta càu nhàu phản đối, anh nói thêm – Kể ra cũng thông cảm được. Ở tuổi bà thì may ra chỉ còn được hưởng mỗi cái tò mò. Bà đi gọi ông chủ đi.
Bà dọn phòng lẩm bẩm nói thêm mấy tiếng, rồi bỏ đi, tay đung đưa cái chổi. Một lát sau ông chủ khách sạn bước vào phòng, không buồn gõ cửa, tay cầm tờ giấy.
– Hành lý của phu nhân đâu? – Ravic hỏi.
– Phải thanh toán cho tôi đã. Hóa đơn đây.
– Không, ông trả hành lý đi đã. Có ai không chịu thanh toán đâu. Buồng này vẫn đang trong tình trạng cho thuê. Và nhân thể cũng xin nhắc là lần sau, trước khi vào, ông nhớ gõ cửa cho. Ông có thể để hóa đơn đây, rồi đi lấy rương hòm lại đây cho tôi.
Ông chủ ném vào Ravic một cái nhìn tức tối.
– Ông đừng sợ – Ravic nói thêm – Ông sẽ được trả tiền sòng phẳng.
Ông chủ lui ra, đóng cửa đánh sầm một tiếng.
– Ông kia có tiền không? – Ravic hỏi người thiếu phụ.
– Có, trong ví ấy.
– Ví để đâu?
– Ở dưới… – Cô hơi ngập ngùng – Ông ấy vẫn thường nhét dưới gối ấy.
Ravic nhấc chiếc gối của ngoi chết lên một chút. Anh rút từ đấy ra một cái ví bằng da đen, đưa cho người thiếu phụ.
– Cô lấy số tiền trong ví đi, và tất cả những cái gì có thể hệ trọng đối với cô. Mà phải nhanh lên. Đây không phải là lúc tỏ ra đa cảm. Cô cần có tiền để sống. Tiền sinh ra là để cho người ta sống, chứ không phải để mốc meo dần ở sở cảnh sát. – Anh chồm người ra ngoài cửa sổ một lát. Ngoài phố, một anh lái xe camion đang cãi nhau với một anh đánh chiếc xe chở đồ thắng hai ngựa. Anh lái xe camion chửi mắng anh kia không tiếc lời, dựa vào cái uy thế mà chiếc xe camion nặng hàng tấn đem lại cho anh. Ravic quay trở lại phía người thiếu phụ.
– Xong chưa?
– Xong rồi. – Cô trao lại cho anh chiếc ví. Anh đút nó xuống dưới cái gối.
– Cô bỏ hết cái túi xách đi. – Nói đoạn, Ravic cầm tờ hóa đơn lên xem – Cô đã thanh toán một hóa đơn nào ở đây chưa?
– Hình như đã có một lần. Tôi không chắc.
– Tờ hóa đơn này ghi chi phí của hai tuần. Ông ấy… – Ravic không sao mở mồm gọi tên người chết ra được, tuy xem hóa đơn anh biết ông ta là M.Raczinski – Ông ấy có thanh toán hóa đơn đều đặn không?
– Có, bao giờ ông ấy cũng thanh toán đúng kỳ. Ông ấy nói trong hoàn cảnh chúng tôi đó là điều tối quan trọng.
– Cái lão chủ này thật đểu cáng! Cô có nhớ là ông ấy để biên lai tuần trước ở đâu không?
– Tôi không biết. Bao nhiêu giấy tờ ông ấy cất hết vào chiếc va-li nhỏ.
Có tiếng gõ cửa. Ravic không giấu nổi một nụ cười. Người khiêng đồ đưa mấy cái va-li tới. Theo sau là ông chủ khách sạn.
– Đủ chưa? – Ravic hỏi người thiếu phụ.
– Đủ ạ.
– Tất nhiên là đủ! – Ông chủ làu bàu. – Chứ ông tưởng sao hả?
Ravic chỉ chiếc va-li nhỏ nhất.
– Cô có chìa khóa không?
– Chìa khóa đều để trong túi áo com-lê của ông ấy. Trong tủ này.
Ravic mở tủ. Trong tủ chẳng có gì.
– Sao đây? – Anh nhìn ông chủ hỏi. Ông ta quay sang người khiêng đồ càu nhàu nhắc lại câu hỏi – Sao thế này?
Anh khiêng đồ nói lắp bắp.
– Thưa ông tôi lấy bộ com-lê ra rồi ạ.
– Để làm gì thế?
– Để đưa đi hấp và chải ạ.
– Tôi thấy hình như việc này không cần thiết. – Ravic chêm vào.
– Đi lấy về đây ngay, đồ kẻ cắp! – Ông chủ quát lớn.
Anh khiêng đồ nhìn ông chủ, đá lông nheo một cái rồi đi ra. Một lát sau anh ta cầm bộ com-lê bước vào. Anh ta rũ rũ cái áo, rồi đến cái quần. Có tiếng vật gì leng keng. Lục lọi áo quần người chết là một việc gây cho người ta một cảm giác kỳ lạ. Cứ như thể bộ com-lê này cũng đã chết theo người mặc nó. Thật là một ý nghĩ kỳ cục! Áo quần chỉ là áo quần!
Ravic tìm ra chìa khóa, mở chiếc va-li nhỏ. Trên cũng có một cái cặp simili.
– Có phải đây không? – Anh hỏi người thiếu phụ. Cô gật đầu.
Tờ biên lai thanh toán tiền tuần trước còn sơ sờ ra đấy. Ravic đưa cho ông chủ xem.
– Một tuần mà ông bắt người ta trả tiền hai lần ư?
– Thì đã sao? – Ông chủ la lên – Thế còn những chuyện phiền hà? Thế còn cái tình trạng lộn xộn này thì sao? Chẳng nhẽ không có cách gì đền bù cho tôi sao? Tôi không có quyền gộp những khoản đó vào hóa đơn sao? Thì đấy, chính ông cũng có nói là khách có thể ra đi bất thần kia mà! Lại còn gường đệm nữa! Lại còn phải tẩy uế căn phòng nữa! Lại phải nấu tẩy tấm drap nữa!
– Khoản này đã tính trong tiền thuê buồng rồi. À ở đây còn thấy ghi tiền bữa ăn tối qua nữa: hai mươi lăm quan. Cô có đặt bữa ăn ấy à? – Ravic hỏi người thiếu phụ.
– Không. Nhưng cứ cho tôi thanh toán đơn giản thôi, đừng tính lại nữa. Tôi… tôi… muốn cho nó chóng xong đi cho rồi.
“Cho nó xong đi cho rồi – Ravic nghĩ thầm – Phải, mình biết rõ tâm trạng này. Cho nó xong đi để được yên thân, để được thanh tịnh. Phải, như thế hơn thật”. Anh lấy cây bút chì để trên bàn làm nhanh mấy con tính, rồi đưa mảnh giấy cho ông chủ.
– Ông đồng ý chứ?
Ông ta liếc qua mảnh giấy, càu nhàu:
– Thế này thì thật quá quắt! Tôi đã mất trí đâu mà ông tính toán với tôi kiểu này?
– Ông có đồng ý không? – Ravic nhắc lại.
– Nhưng ông là ai mới được chứ? – Ông chủ khách sạn hét lên – Ông lấy tư cách gì mà thò mũi vào đây?
– Tôi là em trai ông ấy. Vậy ông đồng ý chứ?
– Ông phải thêm mười phần trăm tiền phục dịch và tiền thuế. Nếu không là không được đâu!
– Rồi! – Ravic kiểm lại tổng số tiền – Cả thảy hai trăm chín mươi hai quan – Anh nói với người thiếu phụ. Cô ta lấy trong túi xách ra ba tờ một trăm quan. Ông chủ cầm lấy đút vào túi áo rồi vừa đi ra cửa vừa nói:
– Phải trả phòng trước sáu giờ, nếu không, tôi buộc lòng phải tính thêm một ngày nữa.
Ravic chặn ông ta lại:
– Ông thối cho tám quan tiền thừa.
– Thế còn tiền pourboire cho người gác cổng?
– Chúng tôi sẽ tự lo lấy.
Ông chủ miễn cưỡng đếm tám quan đặt lên bàn. “Cái bọn ngoại quốc bẩn thỉu này!” – Ông ta vừa lẩm bẩm vừa đi ra cửa.
– Có những ông chủ khách sạn lấy làm hãnh diện khi tỏ ra khinh ghét những người khách ngoại quốc đang nuôi sống họ. – Ravic nói.
Người khiêng đồ vẫn còn đứng ở cửa. Anh chìa cho hắn một món pourboire. Hắn xem tờ giấy tính tiền một lát, rồi vừa cúi đầu chào vừa nói:
– Cảm ơn ông.
Người thiếu phụ đã ngồi xuống ở một góc phòng giữa mấy chiếc va-li. Chiều đang buông xuống.
– Bây giờ chỉ còn có việc đợi cảnh sát đến. – Ravic nói.
– Sau đó có thể đưa đi. Kể cũng ngộ. Con người ta khi chết đi bỗng dưng trở thành một nhân vật quan trọng, mặc dầu khi còn sống thì chẳng có ai thèm để ý đến. Cô xuống dưới kia ngồi nhé? Chắc ở tầng dưới phải có một phòng khách…
Người thiếu phụ lắc đầu từ chối.
– Tôi sẽ đưa cô xuống. Một người bạn của tôi sẽ thu xếp với cảnh sát. Đó là bác sĩ Veber. Ta có thể ngồi đợi ông ta ở dưới kia.
– Tôi muốn ngồi đây.
– Để làm gì? Chẳng còn việc gì làm ở đây nữa.
– Tôi không biết… Nhưng ông ấy… không nằm đây lâu nữa… Nhiều khi tôi… ông ạ, ông ấy ở với tôi không được hạnh phúc lắm… Tôi hay đi vắng quá… Cho nên bây giờ tôi thấy cần ở lại đây.
Cô nói những điều đó mà không hề có chút sắc thái gì bi lụy.
– Được. Tôi sẽ bảo họ đưa lên đây mấy thứ để cô dùng. Cô cần ăn uống chút đỉnh.
Không đợi cô trả lời, Ravic bấm chuông gọi. Người bồi tới nhanh lạ lùng.
– Hai cognac.
– Ở đây ạ?
– Dĩ nhiên là ở đây.
Người bồi bưng lên hai cái ly và một chai Courvoisier. Hắn liếc mắt về phía cái giường đang làm thành một vệt trăng trắng trong góc phòng.
– Có cần bật đèn lên không ạ?
– Không, nhưng anh cứ để chai rượu lại.
Người bồi đặt cái khay lên bàn và hấp tấp lui ra. Ravic rót đầy hai ly.
– Cô uống đi. Sẽ thấy vững tâm hơn.
Anh chờ đợi một lời khước từ, nhưng người thiếu phụ uống cạn cốc không hề ngập ngừng. Ravic hỏi:
– Trong chiếc va-li này có đồ đạc gì của cô không?
– Không.
– Còn trong va-li con?
– Tôi không biết ông ấy đựng những gì trong ấy.
Ravic đặt chiếc va-li lên cái bàn kê sát cửa sổ và mở nó ra. Vài cái lọ nhỏ, mấy thứ đồ lót, mấy cuốn sổ tay, một hộp màu vẽ và mấy cái bút lông, một cuốn sách. Trong cái cặp bằng vải sơn có một ngăn đựng hai tờ giấy bạc gói giấy lụa rất cẩn thận.
– Đây có một trăm dollars. Cô cầm lấy. Đủ sống được ít lâu. Ta hãy để chiếc va-li nay bên cạnh mấy chiếc va-li của cô, nó rất có thể là va-li của cô.
– Cảm ơn. – Người thiếu phụ nói.
– Chắc cô thấy những chuyện này hơi lợm giọng, nhưng cần phải thế. Trước hết phải nghĩ đến vấn đề sắp tới đây cô sẽ ra sao.
– Tôi có thấy lợm giọng gì đâu… nhưng rõ ràng là cứ để mặc một mình tôi thì tôi không thể tự làm lấy được.
Ravic rót rượu vào hai cái ly. Người thiếu phụ uống chầm chậm.
– Có thấy đỡ không?
Cô ngước mắt lên nhìn anh:
– Chẳng hơn mà cũng chẳng kém. Tôi thấy như người tôi tê dại đi. Chừng nào ông ấy còn nằm đây, tôi không nghĩ ngợi gì được hết.
Bóng hoàng hôn trong căn phòng bao bọc quanh người thiếu phụ. Từng chặp một đều đặn, ánh đèn néon trên các biển quảng cáo hắt lên mặt và lên đôi tay cô một vầng đo đỏ.
Hai người y tá đặt cái cáng xuống bên giường. Với cái thái độ dửng dưng của những người đã quen việc, họ nhấc cái xác lên. Ravic đứng bên cạnh người thiếu phụ, sẵn sàng đỡ lấy cô nếu cần thiết. Hai người kia đắp một tấm chăn lên cái xác. Ravic cầm pho tượng đức bà trên bàn ngủ.
– Hình như cái này của cô thì phải. Cô không muốn giữ lấy à?
– Không.
Thấy cô không chịu cầm lấy pho tượng. Ravic mở chiếc va-li nhỏ, đút vào trong.
Hai người y tá nhấc cáng lên. Cửa phòng quá hẹp, lại mở ra một dãy hành lang chật chội, họ cố tìm cách đưa cáng qua mà không sao đưa được.
– Phải bỏ ra thôi – Một trong hai người nói – Không có cách gì khác.
Hắn ra hiệu cho Ravic. Anh liền nói với người thiếu phụ.
– Ta xuống trước, đứng đợi ở tầng dưới.
Nhưng cô lắc đầu. Anh liền bảo hai người cứ làm những việc cần thiết. Nắm lấy vai và chân người chết, họ nhấc xác ông ta đặt xuống sàn. Ravic quan sát người thiếu phụ: không thấy cô phản ứng gì. Họ đưa cái cáng ra dãy hành lang tối mờ mờ, rồi quay trở vào khiêng cái xác ra. Ravic đi theo họ. Họ phải nâng cái cáng lên rõ cao để xuống cầu thang. Mặt họ đỏ bừng, mồ hôi toát ra đầm đìa. Cái xác lắc lư trên đầu họ, lúc nào cũng như chực tuột ra khỏi cáng. Ravic nhìn theo họ cho đến khi họ xuống hết cầu thang, rồi trở vào phòng.
Người thiếu phụ đang đứng trước cửa sổ. Cô nhìn hai người y tá tuồn cái cáng vào xe cứu thương, trông như hai người thợ bánh mì đút xửng bánh vào lò. Một giây sau, chiếc xe nổ máy chạy và khuất sau góc đường. Người thiếu phụ quay lại.
– Lẽ ra cô phải đi trước đi, – Ravic nói – ở lại đến cùng như vậy phỏng ích gì?
– Tôi không thể đi trước ông ấy. Ông không hiểu được sao?
Đèn trong phòng vẫn sáng. Bây giờ căn phòng như rộng hẳn ra, và trống trải lạ lùng, như thể chỉ có cái xác ra đi, còn cái chết thì vẫn ở lại.
– Cô không định ở lại khách sạn này chứ?
– Không.
– Ở đây cô không có bạn bè gì sao?
– Không, không có ai cả.
– Cô định trú ngụ ở đâu?
– Tôi không biết nữa.
– Gần sát đây có khách sạn Milan, khá sạch và tiện nghi. Cô thấy thế nào?
– Tôi có thể đến ở cái khách sạn mà… khách sạn của ông ấy.
– Ở khách sạn International?
– Vâng… Tôi… khách sạn ấy… dù sao tôi cũng đã có lần đến… có lẽ ở đây tôi sẽ đỡ lạc lõng…
– Khách sạn International không phải là nơi thích hợp với một người đàn bà độc thân, chắc cô đã nhận ra điều đó.
Thế này thì đạt đến tuyệt đỉnh rồi! – Ravic nghĩ bụng. Cùng ở một khách sạn kia chứ! Mình có phải là hộ lý đâu. Hẳn cô ta nghĩ là mình có duyên nợ gì với cô ta? Anh quyết định thu xếp thật dứt khoát.
– Thật tình, tôi thấy không nên. Cái môi trường dân tị nạn ấy không thích hợp với cô đâu. Vả lại chẳng bao giờ có phòng bỏ không. Cô nên đến khách sạn Milan. Nếu ở đây cô không thích, vẫn có đủ thì giờ tìm nơi khác.
Nhìn vào mắt cô, Ravic thấy cô đọc được ý nghĩ của mình, nên cảm thấy ngượng. Nhưng dù sao đó cũng là cách duy nhất để được yên.
– Ông nói đúng đấy. – Người thiếu phụ nói, vẻ nhẫn nhục.
Ravic cho đưa mấy cái va-li xuống xe taxi. Khách sạn Milan rất gần. Anh thuê một phòng rồi cùng lên với người thiếu phụ. Căn phòng ở lầu hai: một tấm thảm xung quanh chạy những chuỗi hoa hồng, một cái giường, một cái tủ xay, một cái bàn và hai cái ghế tựa.
– Sạch mà sáng sủa. – Ravic vừa nói vừa tránh nhìn tấm thảm xấu khủng khiếp.
– Vâng, tốt quá!
Một người hầu đưa mấy cái va-li vào.
– Đây, bây giờ cô đã có đủ đồ đạc riêng.
– Vâng, cám ơn ông nhiều.
Cô ngồi lên giường. Gương mặt cô xanh xao và phờ phạc.
– Cô phải nghỉ. Cô liệu có ngủ được không?
– Tôi sẽ có.
Ravic rút trong túi ra một cái ống bằng nhôm, dốc ra mấy viên thuốc.
– Đây, cô uống lấy hai viên, với nước. Cô sẽ ngủ được. Cô uống nhé?
– Để lát nữa.
– Bây giờ tôi phải đi đây. Ít lâu nữa tôi sẽ ghé lại. Cô cố đi ngủ, càng sớm càng tốt… À, đây là địa chỉ hiệu thầu mai táng, để nhớ khi cần… Nhưng cô đừng đến. Phải giữ sức. Tôi sẽ theo dõi tin tức cô. – Anh ngập ngừng một lát, rồi hỏi – À, cô tên là gì nhỉ?
– Jeanne… Jeanne Madou.
– Jeanne Madou, tôi sẽ nhớ. – Ravic biết chắc mình sẽ quên cái tên này và sẽ không quay lại. Nhưng anh vẫn cố cứu vãn cái thể diện của mối quan hệ giữa hai người. Anh rút sổ tay ra – Đây cô viết giùm, dễ hơn.
Cô cầm lấy cuốn sổ tay, viết tên mình vào, rồi đưa lại cho Ravic. Anh đọc qua, xé rời tờ giấy ra và đút vào túi.
– Bây giờ cô đi ngủ đi. Mai cô sẽ thấy mọi sự khác hẳn. Trước hết phải ngủ và để mặc cho thời gian làm cái công việc của nó. Trước sau chỉ là trải qua một giờ phút khó chịu…
– Tôi biết. – Người thiếu phụ nói.
– Nhớ uống hai viên thuốc đấy.
– Vâng, cám ơn ông về mọi thứ. Thật nếu không có ông, không biết tôi sẽ ra sao nữa.
Cô đưa tay ra, một bàn tay tươi mát, bắt tay Ravic một cách rắn rỏi.
– Rất tốt, – Ravic nghĩ thầm – cô ta hình như đã vững tâm lại rồi.
Anh đi ra phố, hít thở làn không khí ẩm và dịu. Xe cộ, đám đông, mấy cô điếm đã ra đứng ở các góc phố, những hàng ăn, những hiệu bia, mùi thuốc lá, mùi rượu cồn, mùi xăng, phải, cả một cuộc sống dồn dập, rộn ràng, cuộc sống ấy có những khi cũng biết tự làm cho mình êm ả biết bao nhiêu! Anh ngắm mặt tiền khách sạn. Nhiều khung cửa sổ đã lên đèn. Sau một cửa sổ nào đấy, cô ta đang ngồi, Ravic rút tờ giấy ghi tên cô ta ra, xé làm trăm mảnh. Lãng quên! Hai tiếng đầy nỗi kinh hoàng, đầy niềm an ủi và đầy ma lực diệu kỳ. Liệu người ta có thể sống mà không lãng quên được chăng? Làm sao sống nổi nếu không lãng quên?… Nhưng ai là người có thể quên cho đúng mức, quên thực sự? Đáy lòng ta chất nặng những đám tro tàn của kỷ niệm. Chỉ khi nào không còn mục đích trong cuộc đời nữa thì mới thực sự tự do.
Ravic đi về phía quảng trường Ngôi Sao. Một đám đông dày đặc đang chen chúc trên quảng trường. Phía sau Khải Hoàn Môn, những ngọn đèn pha chiếu sáng ngôi mộ của người Lính Vô Danh. Họ đang ăn mừng kỷ niệm lần thứ hai mươi ngày Đình chiến 1918. Một lá cờ ba sắc khổng lồ bay phấp phới trước gió, và những ngọn đèn pha như hắt bóng cờ đang bay cuồn cuộn lên lớp mây thấp. Đâu đây có tiếng quân nhạc lanh lảnh âm sắc kim loại. Không có ai hát. Đám đông chỉ im lặng đứng đấy. Gần sát bên cạnh Ravic, một bà già nói:
– Đình chiến ư! Cuộc chiến tranh trước tôi đã mất ông già nhà tôi. Bây giờ lại đến lượt con trai tôi. Đình chiến… ai biết được tương lai sẽ dành cho ta những gì…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.