Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 30



Một giờ sau, anh dừng xe trước một cái quán nhỏ. Anh thấy đói cồn cào, và một cơn đau đầu dữ dội giần như búa bổ vào hai thái dương anh. Trước quán có hai cái bàn và mấy cái ghế. Anh gọi một chén cà-phê và mấy cái bánh nướng, rồi đi rửa. Trong phòng toa-lét rất hôi. Anh mượn một cái cốc, súc miệng. Rồi anh rửa tay và trở ra.
Bữa ăn sáng của anh đã dọn lên bàn. Từ chén cà-phê bốc lên cái mùi hương quen thuộc của tất cả những bữa ăn sáng trên đời, một đàn chim én bay sạt qua các mái nhà, và trên các bức tường mặt trời đã bắt đầu chăng những tấm màn bằng bột vàng của nó. Dân trong xóm bắt đầu đi làm. Phía sau những bức rèm của quán rượu, Ravic trông thấy một cô gái xắn cao váy lên lau sàn nhà. Anh không nhớ là đã từng thấy một buổi sáng nào yên tĩnh như vậy.
Anh uống chén cà-phê nóng hổi, nhưng không sao bắt đầu ăn được. Anh không muốn sờ vào bất cứ cái gì với hai bàn tay của anh. Anh ngắm kỹ hai bàn tay ấy. Chỉ vớ vẩn! – Anh nghĩ. Thật bậy bạ! Mình lại bắt đầu có những phức cảm kiểu này hay sao? Mình phải ăn. Anh gọi thêm một chén cà-phê nữa. Anh lấy một điếu thuốc lá, chú ý không cho cái đầu đã cầm tay vào miệng. Không thể tiếp tục như thế này được. – Anh tự nhủ. Tuy thế, anh vẫn không ăn. Anh nghĩ: tốt hơn là nên giải quyết ngay cho nó xong đi. Anh trả tiền rồi lên xe.
Một đàn bò. Những con bướm. Ánh nắng tràn trên cánh đồng. Ánh nắng trên tấm kính chắn gió. Ánh nắng trên mui xe. Ánh nắng trên cái nắp kim loại bóng loáng của chiếc hòm đồ trong đó có Haake… kẻ bị giết mà chẳng biết ai giết mình và tại sao mà giết.
Lẽ ra, sự việc phải diễn ra khác hẳn…
– Mày có nhận ra tao không, Haake? Mày có biết tao là ai không?
Anh trông thấy cái mặt đỏ gay trước mắt anh.
– Không, tại sao ông lại hỏi thế? Vậy ông là ai? Chúng ta đã gặp nhau từ trước rồi sao?
– Đúng.
– Bao giờ? Hồi ấy chúng ta là bạn à? Có lẽ ở Trường Võ bị chăng? Tôi không còn nhớ nữa.
– Mày không nhớ sao Haake? Không phải ở Trường Võ bị đâu. Sau nữa kia.
– Sau nữa? Nhưng ông sống ở nước ngoài kia mà? Còn tôi thì lại không bao giờ ra khỏi nước Đức. Chỉ hai năm nay tôi mới sang Paris. Có lẽ chúng ta đã uống…
– Không, chúng ta chưa từng uống rượu với nhau. Mà không phải ở dây. Ở Đức kia, Haake.
Một cái ba-ri-e. Những dải đường ray xe lửa. Một mảnh vườn, những khóm hồng, những khóm cúc, những khóm hoa quỳ. Sự chờ đợi. Một đoàn xe lửa đen đủi và ọp ẹp chạy qua buổi sáng quang đãng. Và trong tấm kính chắn gió, sinh động một cách khủng khiếp, là hình phản chiếu của đôi mắt ấy, hiện giờ đang ở trong cái hòm đồ như một chất thạch vô sinh, dính đầy những hạt bụi đã từ bên ngoài lọt vào các khe hở trên nắp hòm.
– Ở Đức ư? À, tôi đoán ra rồi. Ở một buổi họp đảng. Ở Nuremberg. Phải, hình như tôi nhớ ra rồi. Có phải ở Nuremberg Hof không?
– Không phải, Haake ạ.
Ravic nói chầm chậm với tấm kính chắn gió, và anh cảm thấy đợt thủy triều đen tối của những năm xưa lộn trở về dìm ngập anh.
– Không phải ở Nuremherg, ở Berlin kia.
– Berlin?
Cái mặt đỏ gay lộ vẻ sốt ruột.
– Thôi anh nói quách đi, anh bạn. Nói đi! Đừng loanh quanh nữa. Nhắc cho tôi nhớ đi. Ở đâu? Đừng tra tấn tôi nữa!
– Tra tấn à? Thế thì mày đã đoán ra rồi đấy, Haake ạ. Ta đã gặp nhau trong phòng tra tấn đấy.
Một tiếng cười ngượng ngập, đột nhiên chứa đầy ngờ vực.
– Thôi đừng đùa nữa anh bạn!
– Trong phòng tra tấn đấy, Haake ạ. Bây giờ thì mày đã biết tao là ai chưa?
Tiếng cười càng ngượng ngập hơn, ngờ vực hơn, gần như dữ tợn.
– Làm sao tôi biết được? Tôi làm việc với hàng ngàn người, làm sao nhớ được từng cá nhân? Nếu anh muốn nói đến cơ quan mật vụ…
– Đúng đấy, Haake ạ, Sở Gestapo.
Một cái nhún vai. Hắn đã chột dạ, đề phòng.
– Nếu anh đã từng bị hỏi cung…
– Tao đã bị hỏi cung. Mày không nhớ sao?
Lại nhún vai.
– Làm sao tôi nhớ được? Chúng tôi đã hỏi cung hàng ngàn người.
– Hỏi cung! Đúng hơn là đánh cho đến ngất đi, dập cả gan, thận, gãy cả xương, ném người ta xuống những căn hầm hôi thối như ném những cái bị, rồi lại lôi lên, mặt mũi bầm tím, hạ bộ nát nhừ… Như thế mà gọi là hỏi cung? Tiếng kêu rên đẫm máu của những người không còn đủ sức để khóc nữa… thế mà là hỏi cung! Những tiếng rên yếu ớt của những thân thể hãy còn mê man, những cái đá vào bụng, những cú dùi cui, những nhát roi, những thứ đó mà gọi là hỏi cung!
Ravic ngắm bộ mặt vô hình trong tấm kính chắn gió, trong khi ở bên ngoài, qua tấm kính ấy, phong cảnh thôn dã đang diễu qua, những cánh đồng lúa mì, những bãi cỏ trồng hoa mào gà đỏ rực, những dãy rào… anh ngắm nó, và môi anh lại lắp bắp, anh lại nói nốt với nó tất cả những gì anh muốn nói trước khi giết nó, tất cả những gì cần phải nói lúc này.
– Không được động đậy hai bàn tay! Tao sẽ giết mày như giết một con chó! Mày còn nhớ thằng bé Max Rosenberg nằm cạnh tao trong căn hầm, thân hình rách nát, đã đập đầu vào tường xi-măng để đừng bị hỏi cung nữa chứ! Tại sao! Tại vì nó thuộc phe dân chủ! Và Willmann nữa, máu cứ chảy hết dần, răng thì không còn, mắt thì mất một bên sau khi bị mày hỏi cung hai tiếng đồng hồ… hỏi cung về tội gì! Chỉ vì hắn là người theo đạo Gia-tô, nên không tin rằng cái thằng Quốc trưởng của mày là đấng cứu thế mới. Và Riesenfeld nữa, đầu và lưng giống như những súc thịt ở cửa hàng, cứ van xin chúng tao cắn đứt giùm động mạch cho chết đi, vì anh ta không còn răng nữa mà tự cắn lấy, sau khi bị mày hỏi cung. Tại sao! Tại vì anh ta phản đối chiến tranh, và không tin rằng bom và súng phun lửa lại là sự thể hiện cao nhất của văn hóa. Hỏi cung! Hàng ngàn người đã bị hỏi cung. Phải… đừng cựa quậy, đồ rác rưởi! Và bây giờ thì mày đã thuộc về tao, chúng ta đang đi xe đến một ngôi nhà có tường dây, sẽ chỉ có tao với mày mà thôi, đến lượt tao, tao sẽ hỏi cung mày… hỏi từ từ… thật chậm rãi, hết ngày này sang ngày khác, như Rosenberg, như Willmann, như Riesenfeld… như mày dã dạy cho chúng tao. Rồi sau đó…
Ravic chợt nhận thấy rằng mình đang phóng xe ở một tốc độ khủng khiếp. Anh cho xe đi chậm lại. Mấy nếp nhà. Một cái làng. Mấy con chó. Mấy con gà. Mấy con ngựa phi trên đồng cỏ, cổ vươn dài, đầu nghểnh cao, giống như những con nhân mã của thần thoại. Một người đàn bà đội một thúng áo quần cười khanh khách. Những dãy áo quần màu tươi sáng treo trên những giàn phơi – những lá cờ của hạnh phúc bình lặng. Mấy đứa trẻ chơi trước cửa. Anh nhìn thấy những cái đó rất rõ ràng. Thế nhưng dường như có một bức tường thủy tinh ngăn cách giữa cảnh đó với anh. Phải, nó rất gần anh mà cũng cách xa anh ngàn dặm; nó đầy vẻ đẹp, đầy thanh bình và thơ ngây, đầy một sức lực lành mạnh, nhưng xa cách anh vô cùng, vĩnh viễn không bao giờ với tới được, vì cái đêm vừa qua. Anh không hề thấy hối tiếc. Chẳng qua nó như vậy. Thế thôi.
Phải lái chầm chậm. Đi xe trong làng mà đi nhanh thì chỉ tổ bị nghi ngờ. Đồng hồ. Anh đi đã hai giờ rồi. Có thể thế được chăng? Anh không nhận thấy. Anh đã không nhìn thấy gì cả. Chỉ thấy cái mặt trong tấm kính chắn gió đã nghe anh nói…
Saint Germain. Công viên. Những dãy rào lưới sắt màu đen trên nền trời xanh, rồi những rặng cây. Những rặng cây. Những đại lộ cây, những công viên cây, và cuối cùng là mục tiêu của anh – khu rừng.
Chiếc xe bây giờ chạy êm hơn. Khu rừng nuốt anh vào như một đại dương xanh um và vàng óng. Rừng che hết chân trời, hấp thu mọi vật, ngay cả con bọ kim loại đang chạy ngoằn ngoèo qua các lùm cây.
Mặt đất rất mềm, và dưới những gốc cây đại thụ, các bụi cây nhỏ mọc rất rậm. Ravic để xe ở một nơi có thể quan sát được. Rồi anh lấy cái xẻng ra và bắt đầu đào đất. Ở đây không có gì nguy hiểm. Nếu có ai đi ngang, anh chỉ có việc bỏ cái xẻng xuống rồi trở ra đường như một người đi dạo chơi.
Anh đào vừa đủ sâu để có đất mà lấp lên cái xác. Cái hố đào xong, anh cho xe tới gần. Một xác chết bao giờ cũng nặng. Nhưng anh dừng lại ngay khi thấy đất có thể in dấu bánh xe.
Thân hình của Haake mềm nhũn. Anh kéo lê nó đến bên hố. Rồi anh lột hết áo quần để thành một chồng. Việc này dễ hơn là anh vẫn tưởng. Anh để cái xác nằm trần truồng, nhặt áo quần lên bỏ vào hòm đồ, và cho xe trở ra đường. Anh quay lại với một cái búa. Phải dự tính trường hợp xác Haake được phát hiện ngay, và phải làm sao người ta đừng nhận diện được hắn.
Trong khoảng một giây, anh do dự. Anh cố hết sức cưỡng lại cái ý muốn nhảy lên xe bỏ đi thật nhanh. Anh đứng yên một lát, đưa mắt nhản quanh. Cách đây mấy thước, hai con sóc đuổi nhau trên một thân cây sù sì. Bộ lông hung đỏ của chúng sáng bóng lên dưới nắng. Anh trở vào lùm cây.
Mặt Haake tím bầm và sưng to. Anh lấy một tấm giẻ tẩm dầu phủ lên trên và lấy búa đánh cho dập nát ra. Sau nhát búa thứ nhất, anh dừng lại. Anh có cảm giác nhát búa ấy gây thành một tiếng động dữ dội. Nhưng anh lại bắt đầu nện búa xuống. Một lát sau, anh giở tấm giẻ ra. Cái mặt chỉ còn là một khối bầy nhầy, máu đen kịt lại. Giống như cái đầu của Riesenfeld – Anh nhớ lại. Anh cảm thấy hai hàm răng anh nghiến chặt. Không, không giống đầu Riesenfeld còn gớm guốc hơn, vì nó đang còn sống.
Chiếc nhẫn ở bàn tay phải. Anh giật nó ra, và đẩy cái xác xuống huyệt. Cái xác quá dài, anh phải cho hai đầu gối co vào bụng. Rồi anh cào đất lấp lên. Chỉ một lát là xong. Anh giẫm lên đám đất và lấy những mô cỏ anh đã xắn từ ban nãy đặt lên. Hoàn hảo. Không thể trông thấy một dấu vết nào, trừ khi nhìn thật sát. Anh dựng lại những bụi cây bị sạt xuống.
Cái búa. Cái xẻng. Tấm giẻ máu me. Anh để các thứ đó vào hòm đồ, cùng với áo quần của Haake. Rồi anh tự buộc mình quay trở vào một lần nữa xem cho thật chắc là không còn dấu vết gì. Hầu như không còn. Chỉ vài hôm nữa là mưa và cây cỏ sẽ xóa sạch hết.
Kỳ dị thay, đôi giày của một người chết. Đôi bít tất. Mấy thứ đồ lót. Anh thấy ghê tởm không sao tả xiết khi phải cầm các thứ đó lên để giật đứt nhãn hiệu sản xuất và nhãn đề tên viết tắt.
Anh làm rất nhanh. Sau đó anh cuộn chặt lại và chôn xuống đất. Anh chôn cách cái xác đến mười cây số, để người ta đừng phát hiện ra cả hai thứ này cùng một lúc.
Anh tiếp tục đi cho đến khi gặp một con suối. Anh lấy các thứ nhãn đã cắt ra, gói vào một tờ giấy. Rồi anh xé vụn cuốn sổ ghi của Haake, và lục cái ví của hắn. Trong ví có hai tờ giấy ngàn quan, vé xe lửa đi Berlin, mười đồng mark, nhiều mảnh giấy có ghi địa chỉ này nọ, và tờ hộ chiếu của Haake. Anh bỏ số tiền Pháp vào túi. Trước đó anh cũng đã tìm thấy mấy tờ năm quan trong túi bộ áo quần hắn mặc.
Anh ngắm cái vé xe lửa một lúc. Đi Berlin… anh có một ấn tượng kỳ lạ: đi Berlin. Anh xé nó đi và gộp vào các thứ kia. Rồi anh ngắm nghía hồi lâu tờ hộ chiếu. Nó còn có giá trị ba năm nữa. Anh nảy ra ý muốn giữ lấy dùng. Nếu trong một hoàn cảnh ít nguy hiểm hơn, anh đã không do dự.
Anh xé nó đi. Anh cũng xé luôn cả tờ giấy mười mark. Anh giữ bộ chìa khóa, cái súng lục, chiếc nhẫn và tờ biên lai gửi hành lý. Anh sẽ phải quyết định xem có nên đi lấy hành lý lại không, để xóa sạch dấu vết cuối cùng. Anh đã tìm ra và đã xé tờ hóa đơn tính tiền của khách sạn.
Anh đem đốt hết các thứ ấy. Cũng mất một ít thì giờ. Anh phải dùng giấy báo để đốt mấy mảnh vải. Anh bỏ tro xuống suối. Rồi anh xem kỹ xe xem có vết máu không. Không có. Anh rửa cẩn thận cái búa và cái clê ăng-lê rồi bỏ vào hòm đồ. Anh rửa tay thật kỹ, châm một điếu thuốc lá và ngồi hút thuốc một lúc.
Mặt trời xuống nghiêng nghiêng giữa mấy cây sồi lớn. Ravic không nhúc nhích. Óc anh trống rỗng. Anh không nghĩ gì hết.
Mãi đến khi anh đã lên xe lái ngược trở về con đường dẫn đến lâu đài, anh mới nghĩ đến Sybil. Trong buổi chiều quang đãng, tòa lâu đài vươn lên, trắng toát giữa bầu trời vĩnh cửu của thế kỷ XVIII. Anh nghĩ đến Sybil, và lần đầu tiên anh không tìm cách xua đuổi kỷ niệm ấy đi. Anh chưa bao giờ muốn nhớ lại những gì đã xảy ra sau khi Haake cho dẫn anh vào căn phòng ấy. Anh chưa bao giờ muốn thấy gì xa hơn cái vẻ ghê tởm và sợ hãi điên cuồng hiện lên gương mặt cô. Và ký ức của anh dừng lại hôm anh biết rằng cô đã tự tử thắt cổ chết. Anh đã không muốn tin sự việc đó. Ai biết được những gì đã xảy ra trước đây? Anh không thể nghĩ đến Sybil mà trí óc không qua một cơn co giật nó biến đôi tay anh thành một bộ vuốt của loài ác điểu ăn thịt thú vật, nó ép ngực anh lại như bằng một cái ê-tô bằng sắt, nó làm cho anh mấy ngày liền chìm đắm trong đám sương mù đỏ của niềm hy vọng trả thù.
Bây giờ anh nghĩ đến Sybil mà không thấy tâm trí mình co quắp lại như vậy. Có một cái gì đã được nới lỏng ra, có một dãy rào chắn đã bị hạ xuống. Cái hình ảnh ghê sợ kia, trước đây đông cứng lại trong ký ức, nay đã bắt đầu cử động. Nó không còn im lìm như suốt mấy năm qua. Cái miệng mếu máo của Sybil đã trở thẳng ra, và đã ngậm lại, đôi mắt không còn mở trừng trùng và bất động, và từ từ, máu đã trở lại trên gương mặt trắng bệch của cô. Đây không còn là cái mặt nạ vĩnh cửu của sự kinh hãi. Đây đã là gương mặt của Sybil mà anh quen thuộc, đây đã là cô gái Sybil đã từng sống với anh, mà anh đã từng ôm ấp bộ ngực dịu mềm, và đã đưa vào cuộc sống của anh, trong hai năm liền, một cái gì như hương vị của một đêm tháng Sáu.
Những ngày đã trôi qua, những đêm đã lắng xuống… như một tràng pháo hoa xa xôi hiện ra ở chân trời. Cánh cửa đẫm máu khóa chặt của quãng đời dĩ vãng của anh nay đã mở ra êm ả và dễ dàng, và phía sau lại có một mảnh vườn, chứ không phải căn hầm gớm guốc của sở Gestapo.
Ravic ngồi trên xe đã hơn một tiếng đồng hồ. Anh không đi về Paris. Anh cho xe dừng lại trên cái cầu vượt qua sông Seine miệt Saint Germain, và ném xuống sông chùm chìa khóa, chiếc nhẫn và khẩu súng của Haake. Rồi anh kéo mui xe lên, và lại lên đường.
Anh đi qua một buổi sáng đẹp trời của đất Pháp. Đêm đã bị quên đi và dường như đã lùi xa mấy năm trời về phía dĩ vãng. Những sự việc xảy ra trước đây mấy giờ nay đã trở nên mơ hồ, hư ảo… và tất cả những gì đã bị trấn áp mấy năm trời nay lại rồi quá khứ trở về với anh, như thể cái vực thẳm ngăn cách nó với anh bấy lâu nay đã được lấp đầy.
Ravic thấy khó lòng mà hiểu nổi cái gì đang xảy đến với anh. Trước đây anh đã tưởng là anh sẽ thấy mệt rã rời và xốn xang như trong cơn sốt; anh chờ đợi một cảm giác ghê tởm, hay một quá trình tự bào chữa im lặng, hay một nhu cầu bức thiết phải uống rượu thật say, để quên hết. Chứ anh không hề dự kiến một tâm trạng như thế này. Anh không ngờ là mình bỗng thấy được giải thoát và hoàn toàn thoải mái, như thể cái ổ khóa vẫn giam cầm quá khứ của anh đã bị đập vỡ ra. Anh đưa mắt nhìn quanh. Phong cảnh đang vun vút lùi về phía sau; những cây phong dương vươn cành lá lên trời xanh như những ngọn đuốc màu lục, những cánh đồng rải rác hoa mào gà và hoa mắt lam. Mùi bánh mì từ các lò nướng bay ra, những tiếng trẻ con tan học, tất cả nghe như tiếng rung của một cây vĩ cầm.
Lần trước, khi đi ngang đây, anh nghĩ gì? Lần trước… cách đây vài giờ… hay vài thế kỷ? Đâu rồi, bức tường bằng thủy tinh cái cảm giác mình bị loại ra ngoài? Tất cả những cái đó đều đã tan đi như làn sương lúc mặt trời mọc. Anh thấy lại những đứa trẻ chơi trên thềm cửa, những con mèo lười biếng và những con chó tinh nghịch, những bộ quần áo nhiều màu phơi trước gió, và người đàn bà đang cầm kẹp phơi cả một dãy sơ-mi lên sợi dây. Anh nhìn lại tất cả những cảnh đó mà thấy mình cũng là một bộ phận của nó hơn bao giờ hết. Trong anh có một cái gì đã hòa tan ra, một cánh đồng mà hỏa hoạn đã làm cho cằn cỗi đi nay đã trở lại xanh tốt, và sự thăng bằng trong tâm hồn anh đã trở lại.
Anh ngồi yên trên xe, không dám cử động, sợ xua tan cái ý nghĩ tuyệt vời ấy. Cái cảm giác ấy lớn dần lên mãi, chuyền qua các huyết mạch, mà anh vẫn chưa dám tin. Trước kia anh tưởng tượng là bóng ma của Haake sẽ ngồi bên anh, luôn luôn lởn vởn trước mắt anh… thế mà bây giờ bên anh là sự sống, nó đã trở lại và đang nhìn anh. Đôi mắt Sybil đã bao nhiêu năm mở trừng trừng trong một cái nhìn van lơn và buộc tội, bây giờ đã nhắm lại; cái miệng đã tìm lại được sự thanh bình, và hai cánh tay mà sự kinh hoàng giữ mãi trong tư thế giơ cao lên trời nay đã buông xuống. Cái chết của Haake đã tẩy sạch gương mặt của Sybil khỏi dấu ấn gớm guốc của tử thần. Gương mặt ấy đã sống lại một khoảnh khắc, rồi mờ dần đi. Nó đã tìm thấy lại thanh bình, nó sẽ không quay về nữa; cỏ cây âu yếm chôn vùi nó vào lòng, và chỉ còn lại mùa hạ, tiếng ong bay, và một sự mệt mỏi mênh mông, nhưng lành mạnh, như thể khi ta không được ngủ trong mấy đêm liền.
Anh bỏ cái xe Talbot ở phố Poncelet. Khi bước xuống vỉa hè, anh mới thấy rõ anh mệt đến mức nào. Đây không còn là cái cảm giác ê mỏi dịu ngọt trong khi anh đang ngồi lái xe; đây là một khát vọng dữ dội, một nhu cầu khẩn thiết đòi giấc ngủ. Mấy bước trở về International tốn của anh một nỗ lực phi thường. Nắng đè hai vai anh trĩu xuống như một thanh xà bằng thép. Anh sực nhớ ra là phải trả lại phòng cho khách sạn Prince de Galles. Anh đã quên bẵng chuyện đó đi. Anh thấy cần ngủ đến nỗi anh định khất việc này lại. Tuy vậy anh vẫn bắt mình phải lên taxi đến Prince de Galles. Thanh toán xong, anh suýt quên bảo lấy va-li xuống.
Anh ngồi đợi trong gian tiền sảnh mát và rạp. Bên phải anh, cạnh cái bar, mấy người đang ngồi uống Martini. Anh suýt ngủ trước khi người hầu xách va-li xuống. Anh cho hắn một món pourboire rồi gọi một chiếc taxi khác.
– Ra ga phía Đông. – Anh nói đủ to để người hầu và người gác cửa khách sạn nghe thấy.
Đến góc đường La Boétie, anh cho dừng xe lại.
– Tôi nhớ sai mất một giờ. Bây giờ còn sớm quá. Cho tôi xuống một quán rượu nào đấy.
Anh trả tiền, xách va-li vào một quán rượu, đợi cho xe taxi đi khuất, rồi trở ra gọi một chiếc khác, bảo đưa về khách sạn International.
Bấy giờ là mười hai giờ trưa. Không có ai ở nhà dưới, trừ một anh hầu đang ngủ gật. Bà chủ đang ăn trưa. Ravic xách va-li lên phòng. Anh cởi áo quần và vào buồng tắm mở gương sen. Anh tắm rửa rất kỹ và rất lâu. Rồi lấy còn xát vào người. Anh cảm thấy mát mẻ hẳn. Anh xếp chiếc va-li và tất cả những đồ đạc dựng bên trong vào tủ. Anh mặc đồ lót mới, và khoác bộ com-lê, rồi xuống phòng Morozov.
– Tôi vừa lên phòng tìm cậu ban nãy. – Morozov nói – Hôm nay là ngày nghỉ của tôi. Chúng mình có thể đến ăn ở Prince de Galles.
Anh ngừng lại và chăm chú nhìn Ravic.
– Không cần nữa. – Ravic nói.
Một mối quan tâm nhiệt thành hiện lên trên gương mặt Morozov.
– Xong rồi – Ravic nói tiếp – Vừa mới sáng nay. Anh đừng hỏi tôi. Tôi đang muốn ngủ.
– Cậu không cần giúp gì chứ?
– Không. Mọi việc đều đã xong. Tôi đã gặp may.
– Xe để đâu?
– Phố Poncelet. Ổn cả.
– Không phải thanh toán gì chứ?
– Không. Tôi đang đau đầu dữ dội. Tôi muốn ngủ. Tôi sẽ xuống sau.
– Tốt. Cậu có chắc là không cần nhờ tôi làm gì nữa không?
– Không. Không có gì, Boris ạ. Mọi sự đều đã dễ dàng.
– Cậu không quên điều gì chứ?
– Tôi chắc là không, Boris ạ, hiện giờ tôi không nghĩ đến chuyện ấy được nữa đâu. Tôi phải ngủ thôi. Ta sẽ nói sau. Anh ở lại đây chứ?
– Dĩ nhiên.
– Thế thì tôi sẽ xuống anh.
Ravic trở về phòng. Anh đứng bên cửa sổ một lát. Mấy bông hoa dã huệ của Wiesenhoff nở trắng muốt. Trước mặt là bức tường xám với những khung cửa sổ há hốc. Mọi sự đã xong. Như vậy là tốt, và phải như vậy mới được. Nhưng thế là hết, và không còn gì để làm nữa. Trước mặt anh không còn gì nữa. Ngày mai là một từ vô nghĩa.
Anh cởi áo quần ra và tắm lại lần nữa. Anh nhúng hai tay vào cồn và để thế cho nó khô. Da tay căng ra ở các khớp. Đầu anh nặng trịch, óc anh lăn lóc như một hòn bi trong sọ. Anh lấy một cái kim tiêm dưới da và khử trùng. Anh bẻ hai ống thuốc tiêm, rồi rút thuốc vào ông tiêm. Anh tự tiêm vào tay rồi nằm ra giường. Một lát sau, anh lấy chiếc áo choàng ngủ đắp lên người. Anh có cảm giác là anh mười hai tuổi, và thấm thía tất cả nỗi nhọc nhằn của tuổi niên thiếu và của sự trưởng thành.
Anh tỉnh giấc lúc hoàng hôn. Một tấm màn màu hồng nhạt như treo trên các mái nhà. Anh nghe ở tầng dưới có tiếng nói của Wiesenhoff và Ruth Goldberg. Anh không ngne được họ nói những gì. Anh cũng chẳng cố nghe ra. Anh có cái cảm giác của một người đã ngủ suốt buổi chiều mà không quen ngủ vào giờ này… như bị cắt đứt mọi liên hệ và sẵn sàng tự sát một cách vô cớ. Giá có một ca phẫu thuật mà làm thì hay quá. Một ca thật nặng, một trường hợp tuyệt vọng. Anh nhớ ra rằng suốt ngày anh chưa ăn gì. Anh bỗng thấy đói ghê gớm. Cơn đau đầu đã qua. Anh mặc áo quần và xuống nhà.
Morozov mặc sơ-mi ngồi ở cái bàn quen thuộc đang giải một thế cờ. Căn phòng hầu như vắng không. Một cái áo quân phục treo trên tường. Trong góc, một bức tượng thánh có ngọn đèn chong treo ở trước mặt. Ở một góc khác, một cái bàn con ba chân, trên có đặt cái ấm samovar. Ở góc thứ ba có một cái tủ lạnh. Đó là thứ đồ xa xỉ của Morozov. Trong đó có vodka, một ít thức ăn và bia. Một tấm thảm Turcoman trải cạnh giường.
Morozov lặng lẽ đứng dậy, lấy ra hai cái ly và một chai vodka. Anh rót rượu ra.
– Subrovka. – Anh giới thiệu.
Ravic ngồi xuống cạnh bàn.
– Tôi không muốn uống đâu Boris ạ. Tôi đói ghê gớm.
– Tốt. Ta sẽ đi ăn cái gì. Trong khi chờ đợi… – Morozov lấy trong tủ lạnh ra một khoanh bánh mì Nga, mấy quả dưa chuột, một đĩa bơ và một hộp trứng cá muối… – Ăn đi! Món caviar là quà của anh đầu bếp ở Scheherazade. Loại ngon đấy.
– Boris ạ, – Ravic nói – chúng ta không đóng kịch vô ích đâu. Tôi đã gặp nó trước cửa Orisis, và đã giết nó trong rừng Boulogne, rồi chôn nó trong rừng Saint Germain.
– Không ai trông thấy chứ?
– Không. Ngay cả khi gặp trước cửa Orisis.
– Nơi khác thì sao?
– Có một người đi qua bãi cỏ khi tôi đã ở Rừng Boulogne. Nhưng lúc ấy tôi đã làm xong rồi. Haake đang ở trong hòm xe. Người đó chỉ trông thấy cái xe và trông thấy tôi đang mửa. Chắc hắn tưởng tôi ốm, hay say rượu. Không có gì bất bình thường.
– Quần áo hắn cậu để đâu?
– Chôn rồi. Tôi đã cắt hết nhãn hiệu và đem đốt với giấy tờ của hắn. Tôi còn giữ tiền của hắn và giấy biên lai gửi hành lý ở nhà ga phía Bắc. Hắn đã trả phòng khách sạn rồi, và lẽ ra sáng nay hắn lên đường về Đức.
– May thật đấy! Không có vết máu chứ?
– Không. Gần như không chảy máu chút nào. Tôi đã trả phòng bên Prince de Galles. Tôi đã đưa hết đồ về đây. Những người đã gặp hắn ở Paris chắc là đều nghĩ rằng hắn đã lên xe lửa. Nếu tôi ra ga lấy hành lý của hắn gửi ở đấy, sẽ không còn dấu tích nào của hắn nữa.
– Ở Berlin người ta sẽ phát hiện là hắn đã mất tích, và sẽ có một cuộc điều tra ở đây.
– Nếu không thấy hành lý của hắn ở đâu cả, người ta sẽ không biết hắn đi về hướng nào.
– Họ sẽ biết đấy. Hắn đã không sử dụng cái vé đi toa nằm của hắn. Cậu đã đốt đi chưa?
– Rồi.
– Vậy thì cậu đốt luôn cả tờ biên lai gửi hành lý đi.
– Có thể gửi cho nhà ga qua bưu điện và yêu cầu gửi đi Berlin.
– Chung quy cũng thế thôi. Đốt quách đi là hơn. Nếu cậu cứ dùng mưu mẹo nhiều quá, cậu chỉ tổ làm cho người ta chú ý thêm mà thôi. Cứ thế này thì chẳng qua người ta chỉ biết là hắn mất tích. Những chuyện như vậy rất có thể xảy ra ở Paris. Họ sẽ mở cuộc điều tra, và nếu thật may mắn, họ sẽ xác định được nơi có người trông thấy hắn lần cuối cùng. Tức ở Orisis. Cậu có đến đó không?
– Chỉ ghé vào một phút. Tôi trông thấy hắn, nhưng hắn không trông thấy tôi. Tôi đã bỏ đi, và đợi hắn ở bên ngoài. Không có ai trông thấy hắn với tôi.
– Họ có thể hỏi lúc bây giờ có ai ở Orisis. Rolande sẽ nhớ lại là cậu có ghé qua.
– Tôi đến đấy luôn ấy mà. Chẳng có gì quan trọng.
– Nếu họ không hỏi đến cậu thì tốt hơn. Một người tị nạn không có giấy tờ. Rolande có biết cậu ở đâu không?
– Không. Nhưng cô ta biết địa chỉ của Veber. Đó là ông thầy thuốc hợp pháp, vả lại Rolande chỉ còn mấy ngày nữa là thôi việc.
– Họ sẽ tìm được cô ta – Morozov vừa nói vừa rót thêm rượu – Ravic ạ, theo tôi cậu nên đi mất tăm vài tuần thì hơn.
Ravic nhìn bạn.
– Nói thì dễ. Nhưng đi đâu?
– Một nơi nào đông người. Cannes hay Deauville. Bây giờ đang giữa mùa nghỉ mát, cậu có thể dễ dàng mất hút trong đám đông. Hay đi Antibes. Cậu đã biết rõ nơi này, mà ở đấy người ta không hỏi giấy tờ. Veber và Rolande lúc nào cũng có thể cho tôi biết tình hình, và nếu cảnh sát có hỏi họ về cậu thì tôi cũng biết đàng mà báo cho cậu.
Ravic lắc đầu.
– Tốt nhất là cứ yên ở đấy, và sống như thể không có việc gì xảy ra.
– Không được. Trong một trường hợp như thế này thì không được đâu.
Ravic ngước mắt lên nhìn Morozov.
– Tôi sẽ không chạy trốn đâu. Tôi cần phải ở lại đây. Anh có hiểu tôi không!
– Cậu đốt tờ biên lai gửi đồ đi đã. – Morozov chỉ đáp.
Ravic rút tờ giấy trong túi ra, đốt cháy rồi bỏ vào cái gạt tàn. Morozov hất tro ra ngoài cửa sổ.
– Thế là xong. Cậu còn giữ cái gì của hắn nữa không?
– Tiền.
– Đưa tôi xem.
Morozov xem kỹ từng tờ và không thấy có dấu vết gì khả nghi.
– Cậu có thể tống táng nó đi một cách dễ dàng. Cậu định dùng nó làm gì?
– Làm quà tặng, tặng nặc danh cho ủy ban cứu trợ những người tị nạn.
– Mai đem đổi đi, và hai tuần nữa đem đi gửi.
– Được.
Ravic đút mấy tờ giấy bạc vào túi. Trong khi gấp nó lại anh nhận ra rằng anh vừa ăn. Anh nhìn hai bàn tay. Sáng nay anh đã có những ý nghĩ kỳ dị biết chừng nào! Anh lấy một lát bánh mì nữa.
– Ta sẽ đi ăn ở đâu? – Morozov hỏi.
– Đâu cũng được.
Morozov nhìn anh. Ravic mỉm cười. Đây là lần đầu tiên anh mỉm cười.
– Boris ạ, anh đừng nhìn tôi bằng đôi mắt của chị y tá như vậy. Cứ như thể anh chờ tôi lên một cơn điên loạn gì đây. Tôi vừa diệt xong một con thú dữ xứng đáng với một số phận thảm khốc gấp trăm lần. Tôi đã giết chết hàng chục người không có thù oán gì với tôi, và đã được thưởng huân chương vì hành động đó. Thậm chí cũng chẳng phải tôi đã giết họ trong một chiến trận giáp lá cà hay một cái gì cho nó quân tử một chút. Tôi đã bò đến chiến tuyến của họ, đã rình họ, và đã đâm họ từ sau lưng. Nhưng đó là chiến tranh, cho nên làm như vậy là đáng trọng. Điều tiếc nuối duy nhất của tôi bây giờ là trước khi giết Haake tôi không cho hắn biết được tôi là ai như tôi đã ao ước một cách ngu xuẩn. Nhưng bây giờ hắn đã đi đời rồi; hắn sẽ không còn tra tấn ai nữa. Tôi đã ngủ một giấc, và bây giờ cái chết của hắn đối với tôi cũng xa lạ như một cái tin vặt tôi đọc trong bảo.
– Rất tốt.
Morozov mặc áo ngoài.
– Ta đi thôi. Tôi cần uống một cái gì.
– Anh ấy à? – Ravic ngước mắt lên hỏi.
– Vâng, tôi ấy. – Morozov nói.
Anh ta ngập ngừng một giây, rồi nói thêm:
– Hôm nay, lần đầu tôi cảm thấy mình già.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.