Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 31



Buổi tiễn biệt Rolande bắt đầu đúng sáu giờ. Một giờ sau, mọi việc đã xong hết. Bây giờ thì công việc làm ăn lại tiếp tục.
Bàn tiệc bày trong một căn phòng, kế cận với gian phòng lớn. Tất cả các cô gái đều ăn mặc chỉnh tề. Phần đông mặc áo lụa đen. Xưa nay Ravic bao giờ cũng chỉ trông thấy họ trần truồng hay mặc sơ-mi trong suốt cho nên bây giờ có một vài cô anh phải nhìn kỹ một chút mới nhận ra được. Chỉ có chừng sáu cô phải ở lại gian phòng lớn để tiếp khách. Đến bảy giờ họ sẽ được thay và lúc ấy sẽ dọn riêng cho họ ăn.
Các cô đã tổ chức quyên góp tiền lại để mua sáu cái ghế mây cho quán cà-phê của cô Rolande. Madamme tặng cô một cái quầy có máy ghi tiền, Ravic thì biếu cô hai cái bàn cẩm thạch, để đi đôi với mấy cái ghế kia. Anh là người ngoài duy nhất có mặt. Và cũng là người đàn ông duy nhất.
Bữa tiệc bắt đầu lúc sáu giờ năm phút. Madamme ngồi ghế chủ tọa. Rolande ngồi bên phải bà ta, và Ravic ngồi bên trái. Sau đó đến bà quản lý mới, rồi bà phó quản lý, và các cô gái.
Món khai vị ngon tuyệt. Gan ngỗng Strasbourg, pa-tê bản hiệu, nhắm với rượu sherry lâu năm. Ravic rất ghét sherry, cho nên họ dọn cho anh một chai vodka. Sau đó là một món Vychissoise rất thành công. Rồi một con cá bon khổng lồ nhắm với rượu Meursault 1933. Con cá cũng ngon chẳng kém gì món cá bon của tiệm Maxim’s. Rượu vang rất nhẹ, và vừa đủ mới. Rồi đến món măng tây, món gà rô-ti, thịt mềm và rán vàng rộm, món xà-lách rất ngon có chút mùi tỏi, nhắm với rượu Saint Emilion. Cuối bữa, họ uống một chai Romanée Conti 1921.
– Các cô chẳng chuộng rượu này đâu. – Madamme tuyên bố.
Ravic thì lại rất chuộng. Họ dọn thêm cho anh một chai nữa, thay vì rượu champagne và kem bọt có sô-cô-la. Rồi để nhắm với rượu, Madamme và Ravic ăn một lát pho-mát vùng Brie với bánh mì mới không phết bơ.
Quanh bàn, câu chuyện chẳng khác nào câu chuyện quanh bàn ăn của một ký túc xá nữ sinh. Các ghế ngồi bằng cói được trang hoàng bằng ruy-băng thắt nơ. Cái quầy có máy ghi tiền sáng loáng dưới ánh đèn. Mặt cẩm thạch mài nhẵn bóng của hai cái bàn cũng bóng lộn lên. Một không khí buồn man mác ngự trị trong căn phòng. Madamme mặc áo đen. Bà đeo mấy hạt kim cương. Vừa đủ thôi. Một cái trâm và một chiếc nhẫn. Thật là những viên đá tuyệt đẹp. Không đội tiểu miện, tuy bà đã là bá tước phu nhân. Bà có óc thẩm mỹ khá tinh. Bà rất chuộng kim cương. Bà thường nói là bích ngọc và hồng ngọc đều có thể e ngại, chỉ có kim cương mới thật đáng tin cậy. Bà nói chuyện với Rolande và với Ravic. Bà đã đọc rất nhiều, và câu chuyện của bà ngộ nghĩnh, nhẹ nhàng và sắc sảo. Bà thường dẫn Montaigne, Chateaubriand và Voltaire. Mái tóc bạc có ánh xanh của bà tỏa một vầng sáng dịu trên gương mặt tinh tế và đượm vẻ mỉa mai.
Đến bảy giờ, sau chén cà-phê, các cô gái đứng dậy như những cô nữ sinh ký túc xá ngoan ngoãn. Họ lễ phép cám ơn Madamme và từ biệt cô Rolande. Madamme ngồi lại một lát nữa. Bà cho dọn ra một chai Armagnac loại đặc biệt, thứ mà Ravic chưa từng được thưởng thức bao giờ. Đội trực gồm những cô đã ở lại phòng lớn trong khi mọi người dự tiệc để phòng khi có khách quan trọng, bây giờ kéo vào ngồi quanh bàn. Họ đánh phấn rất nhạt, và mặc áo dài dạ hội. Madamme đợi cho họ bắt đầu ăn món cá bon. Bà trao đổi vài lời với từng cô một, và cám ơn họ đã vui lòng hy sinh giờ vừa qua. Rồi bà cáo lui một cách nhã nhặn.
– Tôi sẽ gặp chị trước khi chị lên đường, Rolande ạ.
– Thưa bà dĩ nhiên ạ.
– Ông cho phép tôi để lại chai Armagnac nhé? – Bà nói với Ravic.
Ravic cám ơn. Bà bước ra khỏi phòng, phong thái danh giá vọng tộc cho đến tận đầu móng tay móng chân.
Ravic cầm lấy chai rượu và ngồi xuống bên cạnh Rolande.
– Bao giờ chị đi? – Anh hỏi.
– Chiều mai, lúc bốn giờ bảy phút.
– Tôi sẽ ra ga.
– Thôi, Ravic ạ. Không được đâu. Chồng chưa cưới của tôi tối nay sẽ đến. Chúng tôi sẽ cùng đi với nhau. Anh hiểu tại sao anh đừng ra ga thì hơn.
– Dĩ nhiên.
– Sáng mai chúng tôi định mua thêm mấy thứ nữa rồi gửi tất cho hỏa xa trước khi đi. Tối nay tôi ngủ ở khách sạn Belfort. Ở đấy cũng khá, không đắt lắm, mà lại rất sạch.
– Anh ấy cũng ở đấy à?
– Không! – Rolande ngạc nhiên kêu lên – Chúng tôi đã cưới đâu?
– Ra thế.
Ravic hiểu rằng đó không phải là một lối kiểu cách. Rolande chẳng qua là một người trưởng giả đã làm qua một nghề. Nghề đó là quản lý một ký túc xá hay một nhà chứa thì cũng thế thôi. Bây giờ cô đã thôi việc, thế là hết, cô lại trở về với cái thế giới trưởng giả, không mang theo một chút dấu vết nào của cái thế giới cô đã từng sống trong thời gian qua. Rất nhiều cô gái điếm cũng như vậy. Trong đó có những người về sau thành những người vợ hoàn hảo. Đối với họ, làm điếm là một nghề nghiệp nghiêm chỉnh, chứ không phải là một sự trụy lạc. Chính điều đó cứu họ khỏi quá trình sa đọa.
Rolande mỉm cười với Ravie, cầm chai Armagnac rót vào cốc cho anh. Rồi cô lấy trong túi xách ra một tờ giấy đưa cho anh.
– Nếu có bao giờ anh thấy muốn ra khỏi Paris để đi xa một chút, anh cứ đến địa chỉ này. Anh muốn đến nhà vợ chồng tôi lúc nào cũng được.
Ravic nhìn cái địa chỉ.
– Ở đây có đề hai tên – Rolande nói – Một tên dùng cho hai tuần đầu. Đó là tên tôi. Còn tên sau là tên chồng chưa cưới của tôi.
Ravic đút tờ giấy vào túi.
– Cám ơn Rolande. Hiện giờ thì tôi ở Paris. Vả lại chắc anh chồng chưa cưới của chị sẽ hơi ngỡ ngàng nếu tôi đến.
– Anh nói thế vì thấy tôi yêu cầu anh đừng ra ga chứ gì? Đó là chuyện khác. Tôi cho anh địa chỉ là để phòng khi anh cần đi khỏi Paris. Đi thật nhanh ấy. Ý tôi là thế.
Anh ngẩng đầu lên.
– Ravic ạ – Rolande nói – Anh là một người tị nạn. Mà người tị nạn thì đôi khi cũng gặp những chuyện phiền toái. Thế thì họ nên có một nơi nào có thể ở mà không bị công an chú ý.
– Sao chị biết tôi là dân tị nạn?
– Tôi biết. Nhưng tôi không nói với ai cả. Việc đó chẳng có dính dáng đến ai hết. Anh giữ lấy địa chỉ của tôi đi. Và nếu một ngày kia gặp lúc khó khăn, anh cứ đến. Ở nhà tôi, sẽ không có ai hỏi gì đâu.
– Cám ơn Rolande.
– Cách đây hai ngày, có người của sở công an đến đây. Người đó có hỏi về một người Đức nào đó. Họ muốn tìm xem hắn ta có đến đây không.
– Thật à? – Ravic chợt chú ý nghe kỹ.
– Phải. Cái người mà họ tìm có mặt ở đây hôm anh ghé lần sau cùng ấy. Chắc anh cũng quên rồi. Một người béo và hói đầu. Hắn ngồi với Yvonne và Claire, cảnh sát họ hỏi xem hắn có đến đây không, và lúc bây giờ có ai ở đây nữa không.
– Tôi không nhớ. – Ravic nói.
– Tôi biết là anh không chú ý đến hắn. Dĩ nhiên tôi không nói với họ là anh có ghé trong đêm ấy. Như thế thì hơn. Như thế cảnh sát sẽ không có cơ hội hỏi hộ chiếu những người không quen biết.
– Dĩ nhiên. Người ấy có nói là hỏi để làm gì không?
Rolande nhún vaị.
– Không. Vả lại việc đó không dính dáng gì tới chúng tôi. Tôi nói với họ là chẳng có ai đến. Đó là một trong những nghiêm lệ của nhà này. Chúng tôi không bao giờ biết một cái gì hết. Vả chăng, người kia cũng chẳng có vẻ quan tâm gì cho lắm.
– Chị cho là như thế?
Rolande mỉm cười.
– Ravic ạ, có rất nhiều người Pháp chẳng quan tâm gì mấy đến những công chuyện của một khách du lịch người Đức. Người Pháp với nhau cũng đã đủ lắm rồi. – Cô đứng dậy – Đã đến lúc tôi phải đi. – Chào anh, Ravic nhé.
– Chào chị, Rolande. Ở đây không có chị rồi sẽ khác đấy.
Rolande mỉm cười.
– Lúc đầu thì có thể. Nhưng rồi anh cũng chóng quen thôi.
Rolande đi từ biệt các cô gái. Cô nhìn qua cái quầy có máy ghi tiền, mấy cái ghế và hai cái bàn. Đó là những món quà thiết thực. Cô đã bắt đầu thấy nó bày trong tiệm cà-phê của cô. Nhất là cái quầy. Quầy tính tiền là một biểu trưng: tiền lời, sự yên ổn, gia đình ấm cúng và thịnh vượng. Rolande do dự một lúc, rồi không cưỡng lại sự cám dỗ nữa. Cô lấy trong túi xách ra mấy đồng tiền lẻ rồi ấn lên một nút có số. Cái máy liền đánh tách một cái, số “2,50f” hiện lên, cái ngăn kéo mở ra, và với một nụ cười con trẻ, Rolande gạt tiền vào đấy.
Các cô mon men xúm lại quanh cái quầy. Rolande lại cho máy chạy. Một quan bảy mươi lăm xu.
– Một quan bảy mươi lăm xu thì ở tiệm của cô được những món gì? – Marguerite, biệt hiệu Ngựa Cái, hỏi.
Rolande nghĩ một lát.
– Một Dubonnet, hai Pernod. – Cô nói.
– Một amer picon và một bock thì hết bao nhiêu?
– Bảy mươi xu. – Và Rolande cho máy ghi bảy mươi xu.
– Rẻ nhỉ. – Ngựa Cái nói.
– Phải lấy rẻ hơn ở Paris chứ. – Rolande giảng giải.
Các cô lấy ghế cói đặt quanh bàn và thận trọng ngồi xuống. Họ vỗ vỗ lên áo dài, và bắt đầu làm như thể mình là khách hàng của tiệm cà-phê cô Rolande.
– Cho chúng tôi ba chén trà với bích quy ăng-lê, cô Rolande ạ. – Daisy, một cô gái tóc vàng hình dáng thanh tú, được giới đàn ông có vợ rất ưa chuộng, nói.
– Bảy quan tám.
Rolande cho máy quay.
– Rất tiếc, nhưng bánh bích quy ăng-lê dạo này hơi đắt.
Ở bàn bên, Ngựa Cái bàn bạc kỹ lưỡng với các bạn rồi ngẩng lên gọi, vẻ đắc thắng.
– Hai chai pommery! – Cô ta mến cô Rolande lắm, nên muốn tỏ rõ cho cô thấy mối thiện cảm của mình.
– Chín mươi quan. Pommery loại ngon!
– Và bốn cognac! – Ngựa Cái gọi thêm – Chả hôm nay là sinh nhật của tôi.
– Bốn quan tư!
Cái máy lại quay.
– Và bốn cà-phê với một đĩa bánh meringues!
– Ba quan sáu.
Ngựa Cái nhìn cô Rolande một cách đắc chí. Cô ta chẳng còn biết gọi thêm món gì.
Các cô lại xúm quanh cái quầy.
– Cả thảy hết bao nhiêu hở cô Rolande?
Rolande lấy ra cho họ xem mảnh giấy đã in mấy hàng chữ số, rồi bắt đầu cộng lại.
– Một trăm linh năm quan tám mươi xu.
– Từng ấy thì lãi được bao nhiêu ạ?
– Khoảng chừng ba mươi quan. Đó là vì có champagne. Bán champagne lãi được nhiều lắm.
– Tốt lắm – Ngựa Cái nói – Cứ phải như thế mới được.
Rolande trở lại chỗ Ravic. Mắt cô có cái ánh sáng mà chỉ có tình yêu hay công chuyện làm ăn mới đem lại được.
– Từ biệt Ravic nhé. Anh đừng quên những điều tôi đã nói.
– Tôi sẽ không quên một điều gì. Rolande đi mạnh giỏi nhé.
Rolande ra đi, dáng đường hoàng, mạnh mẽ, tinh thần thoải mái… vì tương lai của cô giản dị, và cuộc sống của cô chắc chắn sẽ êm xuôi.
Anh đang ngồi với Morozov ở sân hiên tiệm Fouquet’s. Lúc bấy giờ là chín giờ tối. Người qua lại, ra vào rất đông. Phía Khải Hoàn Môn, hai ngọn đèn đường tỏa ra một ánh sáng trắng và lạnh.
– Chuột đang rời Paris – Morozov nói – Ở International có ba phòng bỏ không rồi. Từ 1933 đến nay, đây là lần đầu có như thế.
– Sẽ có người tị nạn khác điền vào.
– Loại nào? Ta đã có người Nga, người Ý, người Ba Lan, người Tây Ban Nha, người Đức…
– Bây giờ sẽ có những người Pháp – Ravic nói – Ở biên giới về tị nạn, như trong cuộc chiến tranh trước.
Morozov nâng cốc lên mới thấy nó đã cạn. Anh gọi thêm một bình Pouilly nữa. Rồi hỏi:
– Thế còn cậu thì sao, Ravic?
– Anh muốn hỏi tôi sẽ làm gì với tư cách chuột?
– Ừ.
– Thời buổi bây giờ chuột cũng không thể thiếu hộ chiếu và giấy nhập cảnh.
Morozov nhìn anh, vẻ chê trách.
– Từ trước đến nay cậu đã có được tờ giấy nào chưa? Chưa. Thế nhưng cậu đã từng ở Prague, ở Vienne, ở Zurich, ở Tây Ban Nha và ở Paris. Đã đến lúc cậu phải đi khỏi đây.
– Để đi đến đâu?
Anh cầm lấy cái bình mà người hầu mới bưng ra. Nó rất lạnh, hơi đọng lại mờ cả lớp pha lê. Anh rót rượu ra.
– Sang Ý chăng? Bọn Gestapo sẽ đợi tôi ở biên giới. Sang Tây Ban Nha chăng? Tôi sẽ bị quân Franco bắt giữ.
– Sang Thụy Sĩ.
– Nước Thụy Sĩ nhỏ quá. Tôi đã ở đấy ba lần. Mỗi lần như thế tôi chỉ ở được một tuần rồi bị bắt và trục xuất sang Pháp.
– Sang Anh. Cậu có thể bí mật xuống tàu ở Bỉ.
– Không được đâu. Đến Anh, tôi sẽ bị bắt ngay ở cảng và tống về Bỉ. Mà nước Bỉ thì lại không phải là một nơi tị nạn được.
– Cậu không thể sang Mỹ. Nhưng tại sao không sang Mexico?
– Đông quá. Vả lại sang ấy ít nhất cũng phải có vài thứ giấy tờ gì đấy.
– Cậu không có được sao?
– Tôi chỉ có những giấy chứng nhận mãn hạn giam của các nhà tù mà tôi đã phải vào vì tội nhập cảnh bất hợp pháp ở nước này nước nọ. Những thứ giấy tờ ấy không hẳn là những thứ cần có đâu. Cho nên dĩ nhiên là tôi đã xé hết, ngay khi ra tù.
Morozov lặng thinh.
– Tôi đã đến cuối đường rồi Boris ạ. Trước sau rồi quãng đường bôn tẩu cũng phải có lúc kết thúc.
– Cậu biết việc gì sẽ xảy ra khi có chiến tranh chứ?
– Dĩ nhiên. Một trại tập trung ở Pháp. Sẽ khá gay go, vì họ chưa chuẩn bị trước một chút gì.
– Rồi sau đó thì sao?
Ravic so vai.
– Không nên nhìn xa quá vào tương lai.
– Thôi được. Nhưng cậu có nghĩ đến cái gì sẽ xảy ra nếu ở đây mọi thứ sẽ sụp đổ trong khi cậu ngồi đợi trong trại tập trung không? Quân Đức có thể bắt cậu.
– Tôi và bao nhiêu người nữa! Có thể lắm. Mà cũng có thể là họ sẽ thả chúng tôi ra sau một thời gian nào đấy. Biết đâu?
– Rồi sau đó?
Ravic rút trong túi ra một điếu thuốc lá.
– Hôm nay chúng ta sẽ không nói chuyện đó nữa, Boris ạ. Tôi không có cách gì ra khỏi nước Pháp hết. Tất cả các nước khác đều nguy hiểm, hoặc không thể nào vào được. Vả lại tôi cũng không muốn trốn tránh nữa.
– Cậu không muốn trốn tránh nữa ư?
– Không. Tôi nghĩ rồi. Cái này khó cắt nghĩa lắm. Thậm chí không thể cắt nghĩa được. Nhưng tôi không muốn ra đi một lần nào nữa hết.
Morozov im lặng quan sát đám đông.
– Ồ, Jeanne kia kìa. – Anh nói.
Jeanne ngồi với một người đàn ông bên một cái bàn trông ra đại lộ George V.
– Cậu có biết người kia không? – Anh hỏi Ravic.
– Không. – Ravic nhìn rồi đáp.
– Cô ấy thay đổi luôn luôn ấy nhỉ?
– Cô ấy chạy theo cuộc sống – Ravic nói một cách dửng dưng – Cũng như phần đông trong chúng ta. Cô ấy cứ lo nhỡ mất một cái gì.
– Cái lối đó có thể gọi bằng một tên khác.
– Phải, nhưng chung quy nó vẫn là một thôi. Đó là sự lo âu, anh bạn già ạ. Đó là cái bệnh của phần tư thế kỷ nay. Người ta không còn tin rằng có thể sống yên hưởng tuổi già với của cải dành dụm được nữa. Ai nấy đều đánh hơi thấy mùi lửa và đều vội vàng tìm cách vơ được cái gì thì vơ. Dĩ nhiên trong đó không có anh. Anh thì lại là một nhà triết học của những lạc thú giản dị.
Morozov không đáp.
– Cô ấy không biết chọn mũ – Ravic nói – Anh thử nhìn mà xem cô ấy đội cái gì! Nói chung cô ấy không có óc thẩm mỹ. Chính đó là sức mạnh của cô ấy. Văn hóa làm cho người ta yếu đi. Rốt cục bao giờ người ta cũng trở về với những động lực nguyên thủy của sự sống. Bản thân anh cũng là một dẫn chứng tuyệt vời của điều đó.
Morozov mỉm cười.
– Cứ để mặc tôi với những lạc thú tội nghiệp của tôi, kẻ lãng du của những lĩnh vực cao cả kia! Người có óc thẩm mỹ giản dị thì thích rất nhiều thứ. Hắn không bao giờ chịu tay không. Kẻ nào chạy theo tình yêu sau tuổi sáu mươi là một thằng ngốc nuôi hy vọng đánh thắng những đối thủ dùng một bộ bài có đánh dấu sẵn. Một cái nhà chứa tốt đem lại cho người ta sự thanh thản tinh thần. Nhà mà tôi lui tới có mười sáu thiếu phụ. Ở đấy chỉ cần bỏ ra một ít tiền là tôi thành bậc đế vương. Và những khoái cảm mà tôi hưởng thụ ở đấy còn cao cấp hơn những niềm vui mà những kẻ nô lệ của tình yêu thèm khát.
– Tôi hiểu, Boris ạ.
– Rất tốt. Ta uống hết bình rượu này đi. Rượu Pouilly trong và mát. Và ta hãy thở không khí của Paris trong khi nó chưa bị nhiễm độc.
– Phải đấy. Anh có nhận thấy các cây dẻ đã nở hoa lần thứ hai trong năm nay chưa?
Morozov gật đầu. Anh chỉ lên trời, nơi Hỏa tinh đang điểm thành một châm đo đỏ.
– Người ta nói rằng lúc này ngôi sao kia gần hành tinh của chúng ta hơn mấy năm trước.
Anh cười khà khà.
– Chỉ ít lâu nữa ta sẽ được đọc tin mới ra đời một đứa trẻ có cái nốt ruồi hình thanh kiếm. Và ở một vùng nào đó trên trái đất đã đổ một trận mưa máu. Chỉ còn thiếu có ngôi sao chổi huyền bí của thời Trung Cổ nữa thôi, thì ta sẽ có đủ các triệu chứng bất thường.
– Ngôi sao chổi kia thôi! – Ravic vừa nói vừa chỉ dòng tin bằng ánh sáng đang chạy trên một tầng cao: những con chữ dường như đang đuổi theo nhau mà không bao giờ bắt kịp nhau, và đám đông đang đứng im lặng ngẩng mặt lên đọc.
Hai người còn ngồi lại một lát nữa. Ở góc phố một người chơi đàn xếp bắt đầu chơi bài La Paloma. Mấy người bán thảm xuất hiện, vai vác những cuộn hàng. Một thằng bé con đi qua các bàn, bán hột hạnh nhân. Mọi vật đều có cái dáng vẻ bình thường của mọi ngày, cho đến khi những người bán báo tới. Người ta xúm lại tranh nhau mua, gần như mạnh ai nấy giật. Vài giây sau, khoảng sân hiên với bấy nhiêu tờ báo mở rộng ra, dường như bị lấp dưới một bầy thiêu thân khổng lồ trắng nhợt, đang ăn thịt mấy con mồi của chúng, cánh vỗ im lặng.
– Jeanne bỏ đi rồi kìa. – Morozov nói.
– Đâu?
– Kia, ở góc đường ấy.
Jeanne đang băng qua đường đi về phía một chiếc xe màu xám kiểu coupé đỗ dọc Champs Elysées. Cô không trông thấy Ravic. Người đàn ông đi với cô vòng sang bên kia xe và ngồi vào sau tay lái. Hắn đi đầu trần, và trông hãy còn trẻ. Chiếc xe phóng đi. Đó là một chiếc Delahaye.
– Chiếc xe đẹp thật. – Ravic nói.
– Bộ bánh cao su tuyệt hảo – Morozov nhại lại, mũi thở phì pho một cách khinh miệt – Ravic con người thép.
– Anh giận dữ nói thêm – Chiếc xe đẹp thật! Giá nói là “con đĩ gớm thật” thì còn hiểu được!
– Thì có gì là quan trọng? – Ravic mỉm cười đáp -Con đĩ hay bà thánh… tất cả đều tùy quan điểm. Anh không hiểu được điều đó đâu, anh là một ông khách yên lành của những nhà chứa, với mười sáu cô thiếu phụ của anh. Tình yêu không phải là một nhà kinh doanh muốn thấy tiền đầu tư của mình sinh lợi. Trí tưởng tượng chỉ cần một cái đinh để mắc tấm màn của mình lên. Cái đinh ấy có là vàng, là thiếc hay là sắt rỉ thì cũng thế thôi. Dù là một khóm hồng hay một bụi gai, thì nó cũng được đưa vào Một Ngàn Lẻ Một Đêm khi nó được phủ tấm màn làm bằng tơ xà cừ và bằng những tia sáng trắng.
Morozov uống một ngụm rượu.
– Cậu nói quá nhiều – Anh nói – Mà lại sai.
– Tôi biết. Nhưng trong bóng tối dày đặc, ngay một ánh ma trơi cũng là một nguồn sáng, Boris ạ.
Từ phía quảng trường Ngôi Sao, hơi mát của ban đêm dần dần lan tới. Tay Ravic ôm lấy cốc rượu mờ hơi lạnh. Khí mát đến cùng với hơi thở hiền hòa của đêm khuya, và cùng với nó là sự thản nhiên đối với số phận. Số phận và tương lai. Anh có tâm trạng này vào lúc nào? Ở Antibes, khi anh đã hiểu rằng một ngày kia Jeanne sẽ bỏ anh. Sự dửng dưng trở thành sự thanh thản. Cũng như cái quyết định không trốn tránh. Không trốn tránh nữa. Anh đã có được tình yêu, anh đã làm xong việc trả thù. Như thế là đủ. Đó chưa phải là tất cả, nhưng con người không có quyền đòi hỏi nhiều hơn. Anh không còn đợi gì nữa. Đó không phải là sự cam phận, đó là sự thanh thản xuất phát từ biện luận, từ một quyết định vượt ra ngoài phạm vi của luận lý… Sự giao động đã chấm dứt. Trật tự đã được lập lại. Không còn có gì quan trọng nữa. Tất cả các dòng nước đã ngưng lại. Một hồ nước trải rộng tấm gương của mình ra cho đêm soi, và buổi sáng sẽ thấy rõ nước thoát về phía nào.
– Tôi phải đi đây. – Morozov nhìn đồng hồ nói.
– Anh cứ đi đi Boris ạ. Tôi ngồi lại một chút nữa.
– Cậu muốn tận hưởng những đêm cuối cùng trước buổi Hoàng hôn của Chư thần?
– Phải. Tất cả những cái này sẽ không còn trở lại nữa.
– Cậu có thấy điều đó đáng sợ không?
– Không. Nhưng chúng ta cũng sẽ không trở lại nữa. Ngày hôm qua đã mất, và dù là nước mắt hay ma thuật cũng không thể nào đưa nó trở lại được. Nhưng ngày nay thì lại là vĩnh cửu.
– Cậu nói quá nhiều – Morozov vừa nói vừa đứng dậy – Cậu phải biết ơn: cậu được chứng kiến cơn hấp hối của một thế kỷ. Một thế kỷ xấu xa.
– Anh cũng nói quá nhiều đây Boris ạ.
Morozov đúng uống cạn cốc rượu. Anh đặt nó xuống bàn một cách thận trọng như thể đó là một ly thuốc nổ. Anh chùi bộ râu. Anh mặc thường phục, và đứng trước mặt Ravic, tấm thân to lớn, nặng nề.
– Và cậu đừng tưởng tôi không biết tại sao cậu chưa chịu về – Anh nói chậm rãi – Tôi thừa hiểu cái quyết định không trốn tránh nữa của cậu, ông thợ chắp xương định mệnh chủ nghĩa ạ!
Ravic trở về khách sạn. Anh trông thấy một hình dáng bé nhỏ như đang lạc lõng trong gian phòng lớn. Thấy anh về, nó rời chiếc ghế bành chạy ra đón. Anh nhận thấy nó chỉ còn có một chân. Một khúc gỗ sứt sẹo, bẩn thỉu thòi ra dưới gấu quần.
– Bác sĩ! Bác sĩ!
Ravic nhìn kỹ đứa bé. Trong cái ánh sáng buồn tẻ của gian phòng, anh nhìn ra một gương mặt con trai đang nhoẻn miệng cười với anh.
– Jeannot! – Anh ngạc nhiên thốt lên – Có đứng Jeannot không?
– Chính cháu đây! Cháu đã đợi bác suốt buổi tối! Mãi chiều nay cháu mới có được địa chỉ của bác. Cháu đã mấy lần hỏi cái mụ y tá quỷ quái ấy mà không được. Mụ ấy cứ bảo bác không ở Paris.
– Quả thật bác có đi vắng một thời gian.
– Cuối cùng mụ ấy mới nói là bác ở đây. Thế là cháu đến ngay.
– Chân cháu có làm sao không? – Ravic hỏi.
– Chẳng có làm sao hết bác ạ! – Jeannot vừa nói vừa vuốt vuốt lên cái chân gỗ, như thể vuốt lưng một con chó ngoan – Hoàn toàn ổn bác ạ!
Ravic xem cái chân.
– Cháu đã có được điều mà cháu muốn đấy. Cháu đã thu xếp ra sao với công ty bảo hiểm?
– Tốt cả bác ạ. Họ đã cấp cho cháu một cái chân giả có khớp. Cháu đã đem bán lại cho một cửa hiệu, hạ giá mươi lăm phần trăm.
– Thế còn hiệu kem sữa thì sao?
– Chính vì chuyện này mà cháu đến thăm bác đây. Nhà cháu đã có được cái cửa hiệu đó. Không lớn gì, nhưng cũng đủ ăn bác ạ. Mẹ cháu lo bán hàng. Còn cháu lo việc mua các thứ và giữ sổ sách. Cháu biết những nơi mua được rẻ. Ở nhà quê ấy.
Jeannot quay trở lại chiếc ghế bành ban nãy nó ngồi đợi Ravic, rồi khập khiễng đi về phía anh, tay ôm một gói đồ.
– Đây bác sĩ ạ, cháu biếu bác! Cháu mang ở nhà đến đấy. Chẳng có gì đặc biệt đâu. Nhưng là của cửa hiệu nhà cháu cả. Bánh mì, bơ, pho-mát và trứng. Cũng được bữa ăn tối ngon ngon nếu bác ngại đi ăn hiệu.
Nó nhìn Ravic, đôi mắt hau háu.
– Đó là một bữa ăn rất ngon trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Jeannot có vẻ hài lòng đến cực độ.
– Cháu hy vọng bác sẽ thích món pho-mát. Có cả pho-mát vùng Brie, có cả pho-mát Pont l’Évêque.
– Đó là hai thứ bác thích nhất đấy.
– Thế thì may quá! – Jeannot vừa nói vừa vuốt cái chân gỗ – Chỗ pho-mát Pont l’Êvêque là do ý mẹ cháu. Còn cháu thì cứ nghĩ là bác thích thứ Brie. Brie là thứ pho-mát của đàn ông.
– Cả hai đều rất ngon. Cháu chọn như vậy là nhất rồi đấy.
Ravic cầm lấy gói thức ăn.
– Cám ơn Jeannot nhé. Không mấy khi bệnh nhân nhớ đến thầy thuốc như cháu đâu. Phần nhiều họ có trở lại cũng chỉ để than phiền về viện phí thôi.
– Nhất là mấy ông bà nhà giàu phải không? – Jeannot nói, vẻ thạo đời – Còn mẹ con cháu thì không đâu. Mẹ con cháu nhờ bác mà được bấy nhiêu thứ, chứ còn gì nữa? Nếu cháu chỉ bị liệt chân thôi, thì chỉ được bồi thường vài trăm chứ mấy.
Ravic nhìn thằng bé. Phải chăng nó nghĩ rằng anh cắt chân nó đi chỉ vì muốn cho mẹ nó có vốn liếng làm ăn?
– Đành phải cắt thôi cháu ạ. – Anh nói.
– Dĩ nhiên. – Jeannot vừa nói vừa nháy mắt một cái.
– Rõ ràng là phải như thế. – Nó kéo cái mũ lưỡi trai xuống trán – Bây giờ cháu phải đi đây. Mẹ cháu đang đợi. Cháu đi lâu rồi. Mà cháu lại còn phải đi gặp một người để bàn chuyện mua một ít pho-mát Roquefort. Cháu chào bác sĩ. Cháu hy vọng bác sẽ thích pho-mát của cháu!
– Chào Jeannot nhé. Cám ơn và chúc cháu may mắn.
Anh nhìn theo chú bé đi khập khiễng qua gian phòng lớn rồi ra cửa.
Về phòng. Ravic mở gói thức ăn. Anh đi tìm một cái bếp cồn mà đã mấy năm nay anh không dùng đến. Anh tìm được cả một gói cồn đặc, và lấy cái soong ra và đập vào đấy hai quả trứng. Anh cắt bánh mì tươi, thái ra một lát pho-mát Brie và mở một chai Vouvray. Sau đó anh đặt cái bếp cồn lên bàn, trên một từ báo, ngồi xuống ghế và bắt đầu ăn. Đã lâu lắm anh không ăn như thế này. Anh quyết định ngày mai sẽ mua thêm cồn đặc. Cái bếp cồn có thể tháo lắp được. Đưa vào trại tập trung cũng tiện.
Ravic ăn chầm chậm. Anh nếm cả miếng pho-mát Pont l’Evêque. Jeannot nói đúng. Đây là một bữa ăn tuyệt ngon.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.