Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 6



Ravic vào thì thấy Lucienne Martinet ngồi bên cửa sổ.
– Thế nào, cô bệnh nhân, lần đầu ra khỏi giường cô thấy trong người ra sao?
Lucienne nhìn Ravic rồi quay mặt nhìn ra cái quang cảnh xám xịt ở bên ngoài.
– Trời không được đẹp lắm, Lucienne nhỉ. – Anh nói.
– Đẹp chứ, – Cô đáp – đối với em thì trời đẹp.
– Sao thế?
– Vì em không phải đi ra ngoài.
Lucienne ngồi tụt sâu vào ghế bành, trên vai khoác một chiếc áo kimono in hoa phù dung. Đó là một cô gái tầm thường, có bộ răng rất xấu, nhưng đối với Ravic lúc này cô còn đẹp hơn nàng giai nhân tuyệt sắc nhất. Cô là một sinh mệnh mà anh đã cứu được, bằng hai bàn tay của mình. Thật ra cũng không có một lý do gì thật đặc biệt để mà tự hào. Trước đây mấy hôm anh đã để mất một sinh mệnh. Đến lần sau anh rất có thể để mất một sinh mệnh nữa. Nhưng bây giờ, riêng sinh mệnh này, thì anh đã cứu được.
– Bác sĩ tưởng đi giao mũ giữa một thời tiết như thế này sướng lắm sao?
– Cô làm nghề đi giao mũ cho khách à?
– Vâng. Em làm cho bà Lauvert. Cửa hàng của bà ấy ở đại lộ Matignon. Phải làm việc đến năm giờ chiều, sau đó lại phải đưa mấy cái hộp mũ đi giao cho khách. Bây giờ là năm giờ rưỡi. Bình thường vào giờ này em đang ở ngoài phố. Đáng tiếc là trời không mưa rõ to vào. Hôm qua mưa to hơn nhiều. Như trút nước ấy! Giờ này mấy đứa khác đang phải lội mưa.
Ravic ngồi xuống trước mặt cô gái. Thật là kỳ lạ -Anh nghĩ thầm – Người ta bao giờ cũng nghĩ là những người vừa thoát chết đều vui sướng cực kỳ. Thế mà hầu như chẳng bao giờ như thế cả. Một điều kỳ diệu vừa cứu sống cô gái này, thế mà chỉ có một chuyện duy nhất khiến cô lấy làm thích thú: cô không phải phải ra đường giữa mưa. Anh hỏi:
– Sao cô biết là có bệnh viện này?
– Có người nói chuyện cho em biết. – Cô thận trọng đáp.
– Người nào?
– Một người quen.
– Người quen nào?
Cô gái phân vân một lát trước khi trả lời.
– Một người đã đến đây. Em đưa người ấy đến tận cổng, cho nên em biết.
– Người ấy đến đây vào lúc nào?
– Một tuần trước em.
– Có phải cái cô đã chết trong khi đang mổ không?
– Phải.
– Thế mà cô vẫn đến à?
– Vâng, – Lucienne thản nhiên đáp – sao lại không ạ?
Ravic nhìn kỹ khuôn mặt nhỏ nhắn mà lạnh lùng, đã bị cuộc đời sớm làm cho mất hết vẻ hiền dịu.
– Cô cũng đã đến cái bà mụ ấy à? – Anh hỏi.
Không thấy trả lời.
– Cũng chính ông bác sĩ ấy à? Cứ nói đi đừng sợ. Nói ra thì tôi cũng có biết là ai đâu?
– Marie đến đây trước. Một tuần trước. Mười ngày trước cơ.
– Rồi khi đã xảy ra chuyện Marie, cô lại đến đấy?
Lucienne nhún vai.
– Em biết làm thế nào được? Đằng nào cũng đành phải liều một chuyến. Em không biết người nào khác. Nếu có con thì em biết sống thế nào?
Lucienne lại nhìn ra cửa sổ. Trên bao lơn một ngôi nhà gần đấy, một người đàn ông quần đeo dải đang che ô đứng nhìn xuống đường.
– Em còn phải ở đây bao lâu nữa hả bác sĩ?
– Khoảng một tuần.
– Những một tuần kia ư?
– Cũng chóng qua thôi. Sao?
– Tốn tiền lắm…
– Có lẽ cũng có thể bớt một vài hôm.
– Theo bác sĩ thì liệu em có thể trả dần theo kỳ hạn được không? Bây giờ em không đủ tiền. Ba mươi quan một ngày đắt quá.
– Ai nói với cô như vậy?
– Bà y tá ấy.
– Bà y tá nào? Eugénie phải không?
– Vâng. Bà ấy bảo là tiền mổ và tiền thay băng phải tính thêm. Có đắt lắm không ạ?
– Tiền mổ thì cô đã trả rồi.
– Bà y tá bảo còn thiếu nhiều.
– Bà ấy không biết gì đâu Lucienne ạ. Tốt hơn là cứ đợi đã, rồi hỏi bác sĩ Veber sau.
– Em muốn biết thật sớm cơ.
– Để làm gì?
– Vì em phải trù liệu trước xem phải làm bao nhiêu cho đủ tiền thanh toán. – Cô ngắm nghía hai bàn tay. Mấy ngón tay gầy guộc lỗ chỗ những vết kim đâm – Em có một tháng tiền nhà phải trả. Em đến đây hôm mười ba, mà lẽ ra ngày mười lăm đã phải thanh toán rồi. Rồi đây em phải trả cả một tháng tiền không.
– Cô không có ai có thể giúp đỡ cho cả hay sao?
Lucienne ngẩng đầu lên. Trông cô già đi đến mười tuổi.
– Bác sĩ cũng biết là anh ấy cáu em lắm. Anh ấy không ngờ em dốt nát đến thế. Chứ nếu anh ấy biết, anh ấy chẳng bao giờ thèm động vào người em đâu.
Ravic ra hiệu là đã hiểu. Những chuyện này chẳng có gì mới đối với anh.
– Lucienne này, ta cũng có thể bảo cái bà mụ ấy chịu trả bớt lại một ít. Bà ta phải chịu trách nhiệm chứ. Cô chỉ cần cho tôi biết bà ta tên gì.
Lucienne đứng phắt dậy, thái độ lập tức trở nên thù địch.
– Cảnh sát phỏng? Không đời nào. Tôi sẽ bị liên lụy vào đấy.
– Không đâu mà, có thể giàn xếp mà không cần dính đến cảnh sát. Chỉ dùng cách hăm dọa thôi.
Lucienne cười chua chát.
– Làm cách ấy bác sĩ chẳng moi được chút gì của bà ta đâu. Bà ấy là thứ người làm bằng sắt. Em đã đưa cho bà ấy ba trăm quan. Để làm việc ấy… – Cô vuốt tà áo kimono – Có những người thật không may. – Cô nói thêm, giọng nhẫn nhục, như thể đang nói về một người nào khác.
– Trái lại – Ravic đáp – Cô rất may.
Ravic gặp Eugénie trong phòng mổ. Cô ta đang đánh bóng mấy thứ dụng cụ. Đó là cách dùng thì giờ cô ưa thích nhất. Cô mải mê đến nỗi không nghe thấy tiếng chân Ravic.
– Eugénie. – Anh nói. Cô y tá giật bắn người lên.
– Ông đấy à? Lần sau ông nên để ý, đừng làm cho người ta giật mình như thế.
– Chị nói hơi quá đấy. Còn về phía chị, chị hãy nói cho tôi nghe tại sao chị lại làm cho bệnh nhân phát hoảng lên vì những cái giá cắt cổ như vậy?
Eugénie rướn thẳng người lên.
– Chưa chi cái con đĩ ấy đã bép xép rồi!
– Chị Eugénie thân mến ạ, – Ravic trả lời – tôi xin cam đoan với chị rằng trong số những người đàn bà chưa bao giờ ngủ với đàn ông còn có nhiều “con đĩ” hơn là trong số những người kiếm ăn một cách khó nhọc bằng cái nghề này. Đó là chưa kể những người đã có chồng. Mà thậm chí họ cũng không hề ca thán gì. Chị đã cố tình làm cho cô ấy buồn phiền suốt một ngày. Đấy, chỉ có thế!
– Thì đã sao nào? Đã sống cái kiểu ấy thì đừng có đa cảm chứ!
Một thứ sách giáo lý biết đi – Ravic nghĩ thầm – Một tấm gương đức hạnh đáng ghê sợ! Làm sao một người như thế có thể hiểu được lòng can đảm của cô thợ khâu nhỏ bé kia đã dám đến nhờ cái bà mẹ vừa giết chết bạn mình phá thai cho, rồi lại đến chính cái nhà thương nơi bạn mình vừa chết, rồi nói một cách giản dị: “Tôi còn biết làm cách nào khác” và “tôi làm thế nào để đủ tiền trả viện phí”?
– Chị nên lấy chồng đi thôi Eugénie ạ. – Ravic nói – Lấy một người góa vợ có mấy đứa con, hay một ông chủ hiệu cho thuê đồ mai táng.
– Ông Ravic này, – Eugénie nói một cách đĩnh đạc – tôi xin ông đừng động đến những việc riêng tư của tôi. Nếu không, tôi sẽ khiếu nại tới bác sĩ Veber.
– Thì xưa nay chị có làm việc gì ngoài cái việc mách chuyện tôi với bác sĩ Veber đâu, mách suốt ngày ấy. – Ravic rất khoái trá khi thấy Eugénie đỏ mặt lên – Tại sao trong số những con người đức hạnh và mộ đạo lại ít có người trung thực đến thế, hả chị Eugénie? Chính những người hay nói giọng báng bổ đạo đức lại là những người tốt bụng nhất, trong khi những người có lý tưởng cao siêu lại là những người khó chịu nhất. Điều đó không làm cho chị suy nghĩ sao?
– Không, đội ơn Chúa.
– Đúng như tôi vẫn nghĩ. Còn bây giờ thì tôi đến chỗ những con người tội lỗi đây. Đến nhà hàng Osiris. Tôi nói cho chị rõ như vậy là để phòng khi Veber có việc gì cần gọi đến tôi.
– Tôi không thể tưởng tượng là bác sĩ Veber lại có việc gì cần đến ông.
– Sự trinh bạch không nhất thiết phải làm cho người ta có tài đoán được hết mọi việc. Có thể là Veber cần đến tôi. Tôi sẽ ở đấy cho đến năm giờ. Sau đó tôi sẽ về khách sạn.
– Khách sạn gì! Sào huyệt của bọn Do Thái thì có!
Ravic quay lại.
– Những người tị nạn không phải ai cũng là Do Thái, Eugénie ạ! Mà ngay trong đám Do Thái cũng không phải mọi người đều là Do Thái. Nhưng lại có những người Do Thái mà không ai biết là Do Thái. Ngày trước tôi còn biết cả một người Do Thái da đen nữa kia. Đó là một người cô độc đến mức khủng khiếp. Trên đời anh ta chỉ thích có một thứ. Đồ ăn Tàu. Đời nó thế.
Eugénie không đáp. Cô ta đang lau chùi một cái khay không dây lấy một vết bẩn.
Ravic đang ngồi trong một quán rượu ở phố Boissiere. Anh nhìn bâng quơ ra ngoài đường qua mấy tấm kính giàn giụa nước mưa thì đột nhiên trông thấy. HẮN. Như thể có ai đánh trúng vào giữa ức anh. Thoạt tiên anh chỉ cảm thấy choáng một cái, mà không hiểu cho rõ lắm cái gì đã xảy ra. Nhưng chỉ một giây sau, anh đã ẩy mạnh cái bàn ra, nhảy chồm lên khỏi chiếc ghế và chạy qua gian phòng chật ních những người, lao ra cửa.
Có ai nắm cánh tay anh giữ lại.
– Có chuyện gì thế? Ông đi đâu? – Đó là người hầu bàn – Ông chưa trả tiền mà!
– Hả? À phải… Tôi sẽ trở lại ngay – Anh giật tay ra.
– Lệ ở đây không cho phép như vậy. Ông phải trả tiền ngay rồi mới đi được.
– Đây.
Ravic rút một tờ giấy bạc ném cho người hầu bàn rồi lao ra cửa. Anh rẽ một lối đi qua một tốp người, chạy ngoặt sang phải, dọc theo phố Boissiere. Có ai gọi í ới sau lưng. Anh trấn tĩnh lại, không chạy nữa, cố đi thật nhanh, cố sao đừng làm cho mọi người để ý. Không phải, – Anh tự nhủ – không thể được; chắc mình phát rồ rồi, chứ làm gì có chuyện đó… đây chỉ là một vố của dây thần kinh chơi khăm mình, thật ngu xuẩn… HẮN không thể ở Paris. Cái mặt ấy nó ở Berlin kia, chứ không thể ở đây. Tấm kính bị mờ, cho nên mình nhìn không rõ. Chắc mình trông nhầm… Mình phải trông nhầm…
Anh rẽ đám đông dày đặc đang từ trong rạp xi-nê tuôn ra, cố nhìn kỹ mặt từng người. Anh nhìn chằm chằm vào mặt họ, khiến cho nhiều người nhìn lại một cách bực mình hay ngạc nhiên; nhưng anh vẫn tiếp tục tìm, kiên trì cố tìm cho ra… Thêm những khuôn mặt khác nữa, dưới những cái mũ màu xám, màu đen, màu xanh, đủ các thứ màu. Anh đi vượt qua, quay trở lại nhìn cho thật kỹ…
Ravic dừng lại ở góc đại lộ Kléber, sực nhớ ra rằng lúc ngồi trong quán rượu anh trông thấy một người đàn bà… một người đàn bà đi với con chó, rồi ngay phía sau là người đàn ông ấy.
Anh đã vượt lên quá người đàn bà có con chó từ lâu. Anh quay trở lại, đi nhanh về phía sau, rồi nhìn thấy hắn từ xa, anh đứng yên trên mép vỉa hè, hai bàn tay nắm chặt lại trong hai túi quần.
Anh nhìn kỹ tất cả những người qua đường. Con chó, khi đi đến chân cột đèn, ngửi ngửi cái cột sắt rồi giơ chân sau lên. Sau đó nó cào cào lên nền xi-măng một cách cần mẫn rồi đi tiếp. Ravic cảm thấy mồ hôi chảy dòng dòng trên cổ. Anh đợi thêm một lát nữa. Cái mặt ấy không hiện ra nữa. Anh đưa mắt dòm vào những chiếc xe đỗ bên đường. Chẳng thấy ai ở bên trong. Anh đi ngược trở lại một lần nữa cho đến ga xe điện ngầm ở đại lộ Kléber. Anh theo các bậc cấp chạy xuống đường ngầm, mua một tấm vé rồi đứng ở bến xe. Khách chờ khá đông. Trước khi anh làm xong việc điểm qua các hành khách, chuyến xe đã vun vút lao tới, đỗ lại một phút, rồi lại chui vào hầm. Bến xe vắng ngắt.
Anh chậm rãi quay về quán rượu. Anh vào ngồi ở cái bàn ban nãy. Cốc calvados của anh mới uống hết một nửa vẫn còn để đấy. Anh lấy thế làm lạ. Người hầu bàn đến.
– Xin ông thứ lỗi cho. Ban nãy tôi không biết.
– Không sao đâu – Ravic nói – Cho tôi một ly calvados khác.
– Một ly nữa ạ? – Người hầu bàn vừa nói vừa nhìn cốc calvados bỏ dở – Ông không uống nốt cốc này à?
– Không. Anh đưa cho tôi một cốc khác.
Người hầu bàn cầm cái cốc lên ngửi.
– Rượu không uống được nữa hay sao ạ?
– Được chứ, nhưng tôi muốn uống cốc khác.
– Thưa ông được ạ.
Mình nhầm. – Ravic nghĩ bụng – Tấm kính mờ làm mình nhìn không chính xác. Anh nhìn chằm chằm ra cửa sổ, như một người đi săn rình mồi. Anh nhìn kỹ từng người qua đường… nhưng cùng lúc ấy, từ đáy sâu của ký ức, lần lượt hiện lên những hình ảnh rõ nét và chính xác như trong một cuốn phim.
Berlin. Một buổi tối mùa hè 1933. Văn phòng Gestapo. Máu; một căn phòng trơ trụi, không có cửa sổ; ánh sáng gắt của mấy ngọn đèn điện; một cái bàn loang lổ những vết đỏ, có những sợi dây da chằng ngang dọc; sự tỉnh táo sắc nhọn sau những lần bất tỉnh, khi chúng nó dội một xô nước lạnh buốt vào đầu làm cho anh gần như chết đuối; tấm lưng anh bị đánh dã man đến mức mất hết cảm giác; trước mắt anh là gương mặt bầm nát tả tơi của Sybil; hai tên đao phủ mặc quân phục đỡ Sybil đứng trước mặt anh; một khuôn mặt tươi cười và một giọng nói ngọt ngào giảng giải cho anh rõ điều gì sẽ đến với Sybil nếu anh không khai ra… với Sybil mà ba hôm sau xác đã bị treo cổ trong phòng giam.
Người hầu bàn đặt cái ly lên bàn.
– Thưa ông đây là một nhãn hiệu khác: Didier de Caen. Rượu này cũ hơn.
– Cám ơn.
Ravic uống cạn ly. Anh rút trong túi ra một điếu thuốc rồi châm lửa hút. Hai tay anh vẫn còn run. Anh ném que diêm xuống sàn và gọi thêm một món nhẹ. Cái mặt ấy, cái mặt tươi cười mà giây lát vừa qua anh ngỡ là đã gặp lại… Không, chắc chắn là anh đã trông nhầm. Không thể nào Haake lại ở Paris được. Không thể có chuyện đó được! Anh cố nghĩ sang chuyện khác. Ích gì cứ tiếp tục tự hành hạ mình khi mình không thể làm gì được? Sẽ đến lúc có thể nghĩ đến hành động khi ở bên ấy tất cả đã sụp đổ… khi anh sẽ có thể về bên ấy. Còn trước đó thì…
Anh gọi người hầu bàn ra trả tiền. Dọc đường anh không thể không nhìn kỹ mặt tất cả những người qua đường.
Ravic ngồi với Morozov trong Hầm Mộ.
– Cậu có chắc là chính hắn đó không? – Morozov hỏi.
– Không, nhưng giống lắm. Giống một cách đáng nguyền rủa. Nếu không thì tôi không còn có thể tin cậy vào trí nhớ của mình nữa.
– Đáng tiếc là cậu ngồi trong quán.
– Đúng.
Morozov ngồi trầm ngâm một lát rồi nói tiếp:
– Một vố dữ dội đấy nhỉ? Ác nhất là cậu lại không biết chắc.
– Những bóng ma – Ravic nói – Tôi cứ tưởng là đã thoát hẳn những thứ đó.
– Người ta không bao giờ thoát được đâu. Tôi cũng đã trải qua những nỗi kinh hoàng như vậy. Nhất là lúc đầu. Trong năm sáu năm đầu ấy. Bây giờ vẫn còn lại ba tên mà tôi đang rình, hiện ở Nga. Chúng nó có cả thảy bảy đứa. Bốn đứa đã chết, do đích thân đảng của chúng xử hắn. Tôi đợi những đứa còn lại đã hơn hai mươi năm nay. Từ năm 1917. Một trong số đó bây giờ dễ đã bảy mươi rồi. Hai tên kia thì khoảng từ bốn mươi đến năm mươi. Đây chính là hai tên mà tôi hy vọng sẽ thộp được. Chúng sẽ trả giá cho những gì đã đến với cha tôi.
Ravic ngắm Boris. Anh đã hơn sáu mươi, nhưng cao to như một ông hộ pháp.
– Anh sẽ thộp được chúng.
– Ừ. – Morozov xòe ra bóp vào hai bàn tay to tướng – Tôi đang đợi đây. Chính vì vậy mà tôi sống thận trọng, tôi uống ít. Có thể còn phải đợi lâu. Tôi phải giữ sức. Tôi không muốn ở vào cái tình trạng phải giết chúng bằng dao hay bằng súng lục.
– Tôi cũng thế. – Hai người im lặng một lát, rồi Morozov hỏi.
– Đánh ván cờ nhé?
– Phải đấy, cho nó khuây khỏa một chút. Cờ là một trò chơi hoàn hảo hơn tất cả các trò chơi bài. Đánh bài thì có thể may rủi. Như thế rất chán. Cờ thì lại là cả một thế giới ở bên trong. Đánh cờ, người ta quên hết mọi sự.
Họ đánh hai ván, Morozov đứng dậy.
– Tôi phải đi đây. Tôi phải về mở cửa đón những tinh hoa của nhân loại. Chẳng bao giờ thấy cậu đến Scheherazade nữa. Sao thế?
– Tôi không biết. Chẳng có lý do gì đâu.
– Tôi mai đến đi.
– Không được. Tôi phải ăn tối ở Maxim’s.
Morozov mỉm cười.
– Làm thằng dân tị nạn ngoài vòng pháp luật mà sống như cậu thì chúa thật. Một nơi sang trọng nhất ở Paris đấy.
– Chỉ có những nơi ấy mới thật an toàn, khi người ta không có được một tấm hộ chiếu Nansen như anh. Cách chắc chắn nhất để bị lộ là xử sự như một kẻ tị nạn. Cái đó anh thừa biết.
– Cậu đi với ai? Đi với đại sứ Đức cho nó bề thế hơn chắc?
– Với Kate Hegstroem.
Morozov huýt sáo một tiếng.
– Kate Hegstroem! Cô ấy về rồi đấy à?
– Mai cô ấy đến. Từ Vienne sang.
– Nếu vậy, mấy hôm nữa cậu sẽ đến Scheherazade.
– Không chắc.
– Thôi đi, Scheherazade xưa nay vẫn là đại bản doanh của Kate Hegstroem mỗi khi về Paris. Điều đó cậu cũng rõ chẳng kém gì tôi.
– Lần này thì khác. Cô ấy vào bệnh viện. Mấy hôm nữa cô ấy phải mổ.
– Thế thì cô ấy càng phải đến Scheherazade. Rõ là cậu ít hiểu đàn bà! – Morozov nheo nheo đôi mắt – Hay là cậu sẽ khuyên cô ta đừng đến?
– Sao vậy?
– Tôi chợt nghĩ là từ hôm cậu gửi gắm cái cô Jeanne Madou cho tôi, từ đấy chẳng thấy tăm hơi cậu đâu nữa. Tôi có cảm giác đó không phải chỉ là sự tình cờ.
– Thật là nhảm nhí! Tôi có biết là cô ấy đã đến đấy đâu. Thế ra cô ấy có việc làm rồi?
– Có rồi. Lúc đầu cô tham gia ban ca nhạc. Bây giờ cô ta có một thứ tiết mục riêng. Hai ba bài hát gì đấy.
– Cô ấy lấy lại được thăng bằng rồi chứ?
– Dĩ nhiên. Sao lại không?
– Vừa qua cô ấy khốn khổ quá. Tội nghiệp cô bé.
– Cậu bảo sao?
– Tôi bảo là “tội nghiệp cô bé”.
Morozov cười khà khà.
– Ravic ạ, – Anh nói giọng như bố nói với con, trong đó có thể đọc thấy cả một trời kinh nghiệm – cậu đừng có vớ vẩn. Người đàn bà ấy là một con đĩ.
– Hả? – Ravic thốt lên.
– Một con đĩ. Không phải là một cô gái điếm, mà là một con đĩ. Giá cậu là người Nga thì cậu sẽ hiểu.
Ravic lắc đầu.
– Thế thì cô ấy đã thay đổi nhiều. Thôi, tạm biệt Boris.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.