Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 7



Bao giờ tôi phải vào bệnh viện hở Ravic? – Kate Hegstroem hỏi.
– Tối mai. Hôm sau sẽ mổ.
Kate Hegstroem đang đứng trước mặt anh, mảnh dẻ, hơi có dáng đàn ông, đầy tự tin, xinh đẹp, nhưng không còn trẻ lắm.
– Lần này tôi thấy sợ – Cô nói – Tôi không hiểu tại sao, nhưng tôi thấy sợ quá.
– Tôi không hiểu nổi chị đấy. Chỉ là một chuyện vặt thôi mà.
Trước đây hai năm Ravic có mổ ruột thừa cho cô. Từ đó hai người trở thành đôi bạn. Nhiều khi Kate biến đi đâu mấy tháng liền rồi một ngày đẹp trời lại thấy cô trở về. Ravic coi cô như một thứ bùa hộ mệnh. Cô là bệnh nhân đầu tiên của anh ở Paris, và đã đưa lại may mắn cho anh: kể từ đấy, anh có việc làm đều đều và không gặp chuyện lôi thôi với cảnh sát nữa.
Kate đứng cạnh cửa sổ, nhìn ra ngoài, cửa sổ nhìn ra khoảng sân của khách sạn Lancaster. Một cây dẻ khổng lồ vươn những cành trơ trụi lên bầu trời mờ sương.
– Lúc nào cũng mưa – Kate nói – Hôm tôi rồi Vienne cũng mưa. Khi tôi thức giấc ở Zurich cũng lại mưa. Và bây giờ… – Cô kéo rèm lại – Tôi chẳng biết tôi làm sao thế này… Có lẽ tôi bắt đầu già đi.
– Khi nào không có chuyện đó người ta mới nói như vậy.
– Lẽ ra tôi phải cảm thấy mình khác đi. Tôi đã đòi được quyền ly hôn cách đây hai tuần. Lẽ ra tôi phải vui. Nhưng tôi lại thấy mệt mỏi. Mọi sự đều lặp lại, Ravic ạ. Tại sao?
– Không có cái gì lặp lại. Chính chúng ta tự lặp lại thì có. Chung quy là thế.
Kate mỉm cười và ngồi chiếc đi-văng đặt cạnh cái lò sưởi giả.
– Được trở về cũng thật là may – Cô nói – Vienne đã trở thành trại lính thực sự. Chán không thể tả được! Người Đức đã dẫm bét nó ra, theo nghĩa đen ấy, và cả người Áo nữa; Ravic ạ. Người Áo mà lại là quốc xã thì thật là một chuyện mâu thuẫn của trời đất. Thế mà tôi đã trông thấy những người như thế.
– Không có gì lạ đâu, Kate ạ. Không có bệnh gì dễ lây như quyền lực.
– Và không có cái gì làm cho con người thay đổi bằng. Chính vì thế mà tôi đã xin ly dị. Cái anh chàng ăn không ngồi rồi đáng yêu mà tôi đã lấy cách đây hai năm chỉ ngày một ngày hai đã biến thành tên võ biền thô lỗ hung bạo. Tôi đã nhìn thấy hắn bắt giáo sư Berustein già cả phải cọ vỉa hè rồi đứng nhìn ông cụ làm mà cười hô hố. Chính giáo sư Berustein trước đó một năm đã chữa cho hắn khỏi bệnh viêm thận. Hắn nói là hắn trả thù vì ông cụ đã bắt hắn trả viện phí quá đắt – Kate Hegstroem mím môi – Chính tôi đã trả số tiền ấy cho cụ.
– Thoát khỏi một người như thế chị nên mừng mới phải.
– Hắn đòi tôi phải đưa hai trăm năm mươi ngàn Schilling [1] rồi mới chịu ly hôn.
– Rẻ đấy – Ravic nói – Cái gì đã thanh toán được bằng tiền thì đều là rẻ cả.
– Nhưng tôi không đưa. – Kate ngẩng lên phía anh khuôn mặt trái xoan với những đường nét như trên một một bức phù điêu cổ – Tôi đã nói cho hắn nghe tôi nghĩ gì về hắn, về đảng của hắn, về lãnh tụ của hắn, và nói thêm rằng kể từ phút ấy tôi sẽ công khai nói toạc những điều đó ra. Hắn đã đưa Gestapo và trại tập trung ra dọa tôi, nhưng tôi đã cười vào mặt hắn. Tôi là công dân Mỹ, tôi ở dưới quyền bảo trợ của sứ quán. Chúng nó không làm gì được tôi cả. Ngược lại, hắn sẽ bị lôi thôi vì đã lấy tôi. Hắn quên mất điều đó. Khi chợt nhớ ra, hắn trở thành ngoan ngoãn như con cừu non.
Sứ quán, bảo trợ – Ravic thầm nghĩ. Tất cả những cái đó anh tưởng chừng như thuộc về một thế giới khác.
– Bây giờ mà Berustein còn làm y học được thì tôi thấy lạ quá.
– Ông cụ không được phép làm nữa đâu. Khám cho tôi là khám lén, sau khi tôi bị xuất huyết lần đầu. Ơn trời, tôi không thể có con được. Con của một tên quốc xã…
Kate rùng mình. Ravic đứng dậy.
– Tôi phải đi đây. Chiều nay Veber sẽ khám lại cho chị lần nữa. Chỉ là một thủ tục.
– Tôi biết. Nhưng lần này tôi thấy sợ.
– Kìa, Kate, có phải lần đầu đầu. Còn đơn giản hơn cắt ruột thừa. – Ravic quàng tay qua vai cô – Chị là bệnh nhân đầu tiên tôi được mổ ở đây. Cũng có chút gì giống như một mối tình đầu. Tôi sẽ chăm nom chị thật kỹ.
– Tôi biết.
– Thôi tạm biệt nhé, tám giờ tối tôi sẽ đến tìm chị.
– Tạm biệt Ravic. Tôi sẽ đi mua ngay một chiếc áo dài dạ hội ở của hàng Mainbocher. Nó sẽ làm cho tôi nhẹ nhõm ra. Nó sẽ xua tan cái cảm giác mình bị vướng vào mạng nhện. Tội nghiệp cho thành Vienne. Thành phố của những ước mơ…
Ravic xuống bằng thang máy, đi qua tiền sảnh ra quán bar. Có mấy người Mỹ đang ngồi ở đấy. Ở chính giữa phòng có một lẵng hoa glaieuls đỏ rất to. Dưới ánh sáng khuếch tán, mấy đóa hoa bỗng dưng có cái màu tai tái của máu trong tình trạng tiện huyết. Mãi khi đến gần, Ravic mới thấy là hoa vừa mới cắt. Đây chỉ là hiệu quả của ánh sáng mà thôi. Anh đứng lại ngắm lẵng hoa hồi lâu.
Ở lầu hai khách sạn International nhốn nháo cả lên. Nhiều của buồng để mở toang hoác. Mấy người bồi và mấy chị hầu phòng chạy ngược chạy xuôi, trong khi bà chủ đứng giữa hành lang chỉ huy trận địa. Ravic xuống cầu thang.
– Có việc gì thế?
Bà chủ khách sạn là một người lực lưỡng, ngực căng phồng, đầu quá nhỏ, mái tóc đen ngắn và xoăn.
– Mấy anh Tây Ban Nha đi rồi. – Bà nói.
– Tôi biết. Nhưng tại sao muộn rồi mà còn nhốn nháo cả lên thế?
– Sáng mai phải có phòng cho khách mới.
– Lại thêm những người Đức tị nạn nữa?
– Không, người Tây Ban Nha.
– Tây Ban Nha ư? – Ravic nhắc lại, không hiểu – Sao lại thế? Bà vừa nói là họ đi rồi mà?
Bà chủ nhìn Ravic bằng đôi mắt đen nho nhỏ, rồi mỉm cười. – Có cả một trời mỉa mai và thông hiểu trong nụ cười này.
– Đây là thứ người Tây Ban Nha khác.
– Khác thế nào?
– Phe đối lập. Xưa nay vẫn thế thôi. – Bà dặn dò một chị hầu phòng làm việc gì đấy, rồi nói tiếp – Khách sạn này thành lập đã lâu – Bà nói, không khỏi có phần hãnh diện – Khách của chúng tôi rất thích quay về đây. Họ mong được về ở lại những căn phòng cũ. Dĩ nhiên có những người bị chết trận không trở về. Nhưng những người khác thì nán lại ở Biarritz hay ở Saint-Jean-de-Luz đợi cho đến khi phòng của họ rảnh trở lại.
Ravic ngạc nhiên nhìn bà chủ.
– Kìa, ông Ravic, sao ông lại không hiểu ra nhỉ! Trong thời kỳ Primo de Rivera làm độc tài, dĩ nhiên là họ phải trốn sang đây tị nạn. Khi Tây Ban Nha trở thành nước cộng hòa, họ trở về nước, đến lượt phe bảo hoàng và phe phátxít chạy sang đây. Bây giờ phe phát xít đi rồi thì phe cộng hòa lại trở về đây. Những người còn sống sót ấy. Đúng là một vòng đu quay.
– Vâng – Ravic nói – Đúng là một vòng đu quay.
Trong một căn phòng đang dọn dẹp, bà chủ trông thấy một bức ảnh màu chụp cựu Quốc vương Alphonse.
– Bỏ cái này xuống, Célestine – Bà nói – Cô hầu phòng gỡ cái khung ra khỏi tường – Đây, đưa ra ngoài này.
Bà chủ để bức ảnh tựa vào vách hành lang và đi sang phòng bên. Ở phòng này có một bức chân dung của Tổng tư lệnh Franco.
– Tháo cả cái này ra. Đem để ngoài hành lang với mấy bức kia đi.
– Không biết tại sao mấy thằng cha Gomez kia không đem mấy bức chân dung của họ đi nhỉ.
– Những người tị nạn khi về nước hầu như không bao giờ đem những thứ đó về. Về đến nhà rồi thì họ không cần đến nữa. Vả lại khung ảnh rất cồng kềnh, mà kính thì dễ vỡ. Hầu như bao giờ họ cũng để lại khách sạn.
Bà chủ còn đưa ra hành lang hai bức chân dung nữa của ông Tổng tư lệnh phốp pháp, một bức của vua Alphonse và một bức nhỏ hơn của Queipo de Liano, và mấy bức khác nữa.
– Mấy bức ảnh thánh thì có thể để được – Bà chủ quyết định khi phát hiện một bức ảnh đức bà màu sắc lòe loẹt – Các thánh đều thuộc phái trung lập.
– Không nhất thiết. – Ravic nói.
– Trong những lúc khó khăn ai cũng nhớ đến Chúa.
– Bà chủ đáp – Ngay ở đây tôi đã trông thấy những ông vô thần cầu nguyện. – Bằng một động tác rắn rỏi, bà xốc lại cái coóc-xe. Còn ông, những khi ông sa lầy đến tận cổ rồi ông có cầu nguyện không?
– Dĩ nhiên là cũng có. Nhưng tôi không phải là người vô thần. Tôi chỉ là người có đạo bất đắc dĩ.
Một người hầu đi lên cầu thang. Hắn bưng một chồng khung gỗ.
– Anh trang trí lại đây à? – Ravic hỏi.
– Dĩ nhiên. Trong nghề chúng tôi, trước tiên là phải tế nhị. Chính cái đó làm nên thanh danh của một khách sạn. Nhất là đối với cái loại khách như của chúng tôi. Họ đặc biệt nhạy cảm về phương diện này. Chắc chắn là họ chẳng thích ở trong một phòng mà suốt ngày kẻ thù ghê gớm nhất của họ cứ từ cái khung thiếp vàng đóng trên tường cao nhìn trừng trừng xuống phía họ. Tôi nói thế có phải không ạ, thưa ông?
– Phải quá đi chứ.
Bà chủ quay về phía người hầu.
– Để hết vào đây đi, Adolphe. Hay thôi, để đây cho sáng, dễ nhìn hơn.
Người hầu vừa làm theo lệnh bà chủ vừa càu nhàu:
– Bà sẽ treo những tranh gì lên tường? – Ravic hỏi.
– Những phong cảnh đồng nội, hay những bức vẽ động vật, hay cảnh núi Vezuve đang phun lửa?
– Nếu thiếu thì mới treo các thứ đó. – Bà chủ đáp.
– Còn thì tôi cho treo các tranh cũ thôi.
– Tranh cũ nào?
– Những bức treo vào thời cánh ông Gomez chưa đến, do các ông khách cũ để lại khi họ về nước để đứng đầu chính phủ. Còn cả đây này.
Bà chủ chỉ ra dãy tường bên trái hành lang. Đối diện với những bức vừa tháo xuống có một dãy những bức tranh cũ sắp được treo lên lại. Có hai bức vẽ Karl Marx, ba bức vẽ Lênin, trong đó có một bức bị dán giấy che bớt một nửa, một bức vẽ Trotzky và vài phiên bản đen trắng của chân dung Negrin và một số chiến sĩ cộng hòa Tây Ban Nha khác, đóng khung nhỏ hơn. Những bức này kém phần rực rỡ và trang trọng so với mấy bức của Alphonse, Primo de Rivera và Franco xếp hàng ở trước mặt. Thật là một cảnh tượng kỳ lạ: hai dãy học thuyết đối lập đang im lặng nhìn nhau, đứng giữa là một bà chủ người Pháp, có đủ sự tinh tế, cái vốn kinh nghiệm và sự khôn ngoan hóm hỉnh của dân tộc bà.
– Khi các vị kia ra đi, tôi đã cất mất bức ấy đi để để dành – Bà giảng giải – Thời buổi bây giờ các chính phủ có sai đâu. Làm cái nghề chủ khách sạn là phải nhìn xa trông rộng mới được.
Bà bèn cho treo các bức ảnh cũ để dành lên, trừ bức chụp Trotzky, vì bà tìm hiểu chưa đủ kỹ càng về ông này. Ravic nhìn kỹ bức tranh vẽ Lênin có dán giấy che mất một nửa. Anh thử bóc tờ giấy he hé ra một chút thì trông thấy ở phía dưới có một gương mặt khác, mặt của Trotzky, đang mỉm cười với Lênin. Dĩ nhiên người dán tờ giấy che mặt Trotzky lại là một người theo phái Stalin. Ravic nói:
– Bà xem này, lại một bức Trotzky nữa. Chắc hẳn là một kỷ niệm của những ngày tươi đẹp của mối tình đồng chí và tình huynh đệ giữa hai vị lãnh tụ.
Bà chủ lấy lại bức tranh trong tay Ravic, nói:
– Bức này vứt đi thôi. Hoàn toàn không có giá trị. Nửa này là một sự thóa mạ thường xuyên đối với nửa kia. Còn cái khung thì nhớ giữ lại. – Bà dặn anh bồi – Gỗ sồi đấy. Còn dùng được.
– Còn mấy bức kia thì sao? – Ravic hỏi – Mấy ông Alphonse với lại Franco ấy?
– Đem cất dưới hầm rượu. Biết đâu sẽ có lúc dùng đến?
– Căn hầm rượu của bà tuyệt diệu thật. Đó là một thứ lăng tẩm hiện đại. Ở dưới ấy có còn những bức chân dung nào khác nữa không?
– Còn chứ. Còn mấy vị người Nga nữa. Mấy tấm ảnh của Lênin, mấy bức chân dung của ông sa hoàng cuối cùng. Đó là di sản của mấy người Nga đã chết ở đây. Có một bức tranh vẽ sơn dầu trên vải khổ lớn, khung thiếp vàng, của một người đã tự vẫn. Có cả những bức của Ý nữa. Hai ông Garibaldi, ba ông vua Ý, một bức cắt trong báo ra hơi bị ố: đó là ảnh Mussolini thời còn là đảng viên đảng xã hội ở Zurich. Bức này dĩ nhiên chỉ có giá trị đối với người hiếu kỳ. Chắc chẳng ai muốn treo nó lên tường.
– Bà có bức nào chân dung người Đức không?
– Có chứ, chủ yếu là Karl Marx. Có cả một ảnh Lasalle, một Bebel, rồi một bức chụp chung Ebert, Scheidemann, Nocke và nhiều ông khác nữa. Nocke đã bị bôi mực đen thui rồi. Nghe nói ông này về sau đi theo quốc xã.
– Quả có thế. Bà có thể xếp chung với Mussolini Xã hội đi. Không có bức nào của phe đối lập Đức sao?
– Có chứ! Một Hindenburg, một Kaiser Wilhelm, một Bismarck và lại có cả – Bà mỉm cười – một Hitler mặc áo mưa nữa. Đủ cả bộ sậu.
– Hitler à? Của ai để lại thế?
– Của ông khách đồng tình luyến ái. Ông ta đến đây năm 1934, khi Roehm và đồng đảng bị xử tử. Ông ta rất sợ hãi, cầu nguyện rất nhiều. Ông ta được một người Argentina giàu có đưa đi rồi. Ông ta tên là Putzi. Ông có muốn xem bức ảnh Hitler ấy không? Nó ở dưới hầm rượu ấy.
– Không, bây giờ thì chưa. Tôi muốn đợi đến khi nào các phòng khách sạn treo đầy những bức như thế đã.
Bà chủ nhìn Ravic chăm chú, rồi nói:
– À, tôi hiểu rồi. Ông muốn nói là bao giờ bọn họ đến tị nạn ở đây rồi hẵng xem chứ gì?
Boris Morozov đứng trên vỉa hè, trước cửa nhà hàng Scheherazade, mình mặc sắc phục của nhà hàng có đeo lon vàng. Anh mở cửa xe taxi. Ravic bước xuống. Morozov cười:
– Thế mà tôi cứ tưởng cậu không đến đây.
– Tôi không định đến.
– Chính tôi ép Ravic đến đấy, anh Boris ạ – Kate Hegstroem vừa nói vừa ôm hôn Morozov – Được về đây với các anh tôi mừng quá.
– Cô có một tâm hồn rất Nga, Katya ạ. Có trời biết tại sao cô lại phải sang đến tận Boston mà ra đời. Vào đi, Ravic. – Morozov mở cửa nhà hàng – Con người ta đầy những ý đồ, những dự định, nhưng đến khi cần thực hiện thì lại tỏ ra rất yếu đuối. Đó vừa là một nỗi khổ, vừa là cái đáng yêu của con người.
Nhà hàng Scheherazade được trang trí nội thất bắt chước phía trong một căn lều vùng Kavkaz. Hầu bàn đều là những người Nga mặc đồng phục Tcherkess màu đỏ. Giàn nhạc gồm những nhạc công Tzigan Nga và Ru-ma-ni. Khách ngồi trước những cái bàn nhỏ đặt trước một dãy ghế dài chạy dọc suốt bốn bức tường. Mặt bàn bằng thủy tinh, có đèn dọi từ phía dưới. Gian phòng sáng mờ mờ, chỗ nào cũng đầy khách.
– Kate, chị thích dùng gì? – Ravic hỏi.
– Một ly vodka. Và anh bảo giàn nhạc Tzigan chơi đi. Tôi nghe mãi những bài valses thành Vienne chơi như hành khúc nhà binh, chán đến tận cổ rồi. – Cô bỏ giày ra, thu hai chân dưới ghế dài – Tôi không thấy mệt nữa, Ravic ạ. Mấy tiếng đồng hồ ở Paris đã đủ cho tôi hồi sức rồi. Nhưng tôi vẫn không xua được cái cảm giác dai dẳng là mình vừa ở trại tập trung ra. Anh có hiểu được điều đó không?
– Hình như tôi hiểu. – Ravic nói.
Người hầu bàn Tcherkess đem đến một chai vodka nhỏ và mấy cái ly. Ravic rót rượu, đưa cho Kate một ly. Cô uống một hơi cạn và đặt ly xuống bàn. Cô đưa mắt nhìn xung quanh.
– Ai ngờ cái nơi tồi tàn này cứ đến tối là biến thành một nơi để trú ẩn và mơ mộng! – Cô dựa vào lưng ghế dài. Ánh đèn từ dưới mặt bàn chiếu lên mặt cô dìu dịu.
– Ravic, tại sao đến tối mọi vật đều dậy màu lên? Không còn cái gì có vẻ khó khăn. Mọi sự đều thành ra có thể thực hiện được. Những gì ta không làm nổi đều được thực hiện trong những giấc mơ. Tại sao?
Ravic cười:
– Vì không có những giấc mơ thì ta sẽ không chịu đựng nổi hiện thực.
Giàn nhạc dạo đầu. Vài quãng năm buồn bã, vài âm giai của vĩ cầm nổi lên trong gian phòng.
– Thế nhưng anh chẳng có vẻ gì là một người tự ru ngủ bằng những ước mơ.
– Người ta còn có thể tạo cho mình những ảo giác về sự thật. Đó là một trò chơi còn nguy hiểm hơn nữa.
Giàn nhạc bắt đầu chơi. Mấy chiếc đàn cymbalum cử trước. Những chiếc dùi mảnh bọc nỉ như đang tìm một giai điệu trong bóng tối mờ mờ và một nét glissando dịu như gió thoảng chuyển cái giai điệu ấy sang cho các vĩ cầm.
Một người Tzigan đến bên bàn họ. Anh ta đứng im trước mặt họ, hai mắt rực lửa, một nụ cười nở trên gương mặt táo bạo và tham lam. Nếu không có chiếc vĩ cầm, có thể tưởng đó là một anh chăn bò. Nhưng cây đàn khiến anh ta thành sứ giả của thảo nguyên, của những không gian vô tận, của những chân trời bát ngát, của tất cả những gì không bao giờ là hiện thực.
Giai điệu rót lên Kate Hegstroem như một cơn mưa rào tháng Tư diễm phúc. Cô chợt nghe ra hàng ngàn tiếng vọng, trong khi chẳng có ai gọi cô. Cô nhận ra những tiếng thì thầm to nhỏ, cô thấy lơ lửng xung quanh mình những kỷ niệm tản mạn, đôi khi đầy màu sắc óng ả, nhưng rồi tất cả đều ly tán và, vẫn không có ai gọi cô… không có ai gọi cô…
Anh Tzigan nghiêng mình. Ravic đút một tờ giấy bạc vào tay anh ta. Kate Hegstroem trở về với cõi thực.
– Anh đã bao giờ có hạnh phúc chưa, Ravic?
– Nhiều lần.
– Ý tôi không phải thế. Tôi muốn nói là hạnh phúc đến ngạt thở, đến mức không thể tưởng tượng được, bằng tất cả con người mình.
Ravic ngắm khuôn mặt thanh tú mà không lúc nào thanh thản, chỉ biết có một biểu hiện của hạnh phúc, biểu hiện mong manh nhất: tình yêu.
– Nhiều lần rồi, Kate ạ. – Anh nói, trong khi muốn diễn đạt một cái gì khác hẳn và biết rằng điều được diễn đạt như thế cũng chẳng phải là chân lý đâu.
– Anh không muốn hiểu. Hoặc anh không muốn nói. Ai đang hát với giàn nhạc thế?
– Tôi không biết. Đã khá lâu tôi không đến đây.
– Ngồi ở chỗ này không nhìn thấy cô ta. Cô không ngồi với các nhạc công. Chắc cô ta ngồi ở một bàn nào đấy.
– Thế thì chắc là một cô khách. Cũng có khi khách hàng hát với giàn nhạc đây.
– Một giọng hát lạ lùng – Kate nói – Vừa u buồn vừa phẫn uất.
– Đó là những bài cô ta hát nó vốn thế.
– Hoặc là tôi như thế cũng nên. Anh có hiểu cô ta hát gì không?
– Ya vas lubil… “tôi đã từng yêu em”. Đó là một bài thơ của Puskin.
– Anh biết tiếng Nga à?
– Chỉ biết những gì học được của Morozov. Nhất là những tiếng chửi thề. Tiếng Nga là một thứ tiếng lý tưởng để chửi thề.
– Anh không thích nói chuyện về bản thân, phải không?
– Đến nghĩ về mình tôi cũng không thích.
– Đôi khi, – Kate nói sau một lát im lặng – tôi nghĩ là cách sống của ta trước kia nay đã chết rồi. Tính vô tự lự, những niềm hy vọng… tất cả những gì chúng ta có trước đây.
– Chị lầm đấy, Kate ạ – Ravic mỉm cười – Cuộc sống là một cái gì quá lớn để có thể biến đi trước khi chúng ta tắt thở.
Kate nói tiếp, không nghe Ravic.
– Đôi khi người ta thấy sợ. Một nỗi sợ hãi đột ngột, không sao cắt nghĩa nổi. Tương tự như thể khi bước từ đây ra, ta chợt thấy cả thế giới còn lại đều đã sụp đổ tan tành. Anh đã có bao giờ có cái cảm giác ấy chưa?
– Có, Kate ạ. Cũng như mọi người thôi. Đó là một căn bệnh Âu châu. Một căn bệnh đã gặm nhấm chúng ta từ hai mươi năm nay.
Kate vẫn trầm ngâm nghe nhạc.
– À, bây giờ không phải nhạc Nga nữa rồi. – Cô bỗng thốt lên.
– Đó là nhạc Ý. Bài Santa Lucia Luntana.
Luồng ánh sáng của ngọn đèn chiếu rồi người kéo vĩ cầm để chuyển sang một cái bàn gần đấy. Ravic nghĩ sâu xa. Dưới luồng ánh sáng, gương mặt cô trông như xanh xao. Nó đã mất cái vẻ mơ hồ và bất định mà Ravic đã từng biết. Nó rạng rỡ lên một cách bất ngờ vì một sắc đẹp kỳ dị và xa xôi mà anh nhớ là đã từng thoáng thấy ở cô vào một buổi chiều nào, trong một khoảnh khắc. Đó là vào cái đêm Jeanne ở lại phòng anh. Hôm ấy anh tưởng đó chỉ là một ảo giác của anh trong trạng thái say. Nhưng bây giờ vẻ đẹp ấy hiện ra rõ mồn một, còn lộng lẫy hơn đêm ấy nhiều.
– Có chuyện gì thế Ravic?
Anh quay lại với Kate.
– Có gì đâu. Tôi biết điệu nhạc này. Một khúc tình ca Napoli.
– Có những kỷ niệm đẹp phải không?
– Không. Tôi không còn có kỷ niệm. – Anh nói câu này một cách hùng hồn hơn là anh muốn. Kate chăm chú nhìn anh.
– Ravic ạ, có những lúc tôi cứ tự hỏi xem điều gì đang diễn ra ở trong anh.
Ravic làm một cử chỉ như chống đỡ.
– Không có gì khác mọi người. Thế giới ngày nay rất nhiều kẻ phiêu lưu không tự nguyện. Tất cả các khách sạn của dân tị nạn đều đầy rẫy những người như thế. Tiểu sử của mỗi người đều có thể là một cái mỏ vàng dành cho một Alexandre Dumas hay một Victor Hugo, thế nhưng đối với chúng ta thì chỉ cần nghĩ đến chuyện nghe những tiểu sử ấy thôi cũng đủ ngáp dài rồi. Chị uống vodka đi Kate ạ. Một cuộc sống giản dị ngày nay là cuộc phiêu lưu dị thường nhất.
Giàn nhạc bắt đầu chơi một điệu “blues”. Họ chơi nhạc khiêu vũ không được. Mấy đôi trai gái bắt đầu lượn vòng. Jeanne Madou đứng dậy và đi ra phía cửa. Cô bước đi như thể qua một gian phòng trống trải. Ravic chợt nhớ ra những lời của Morozov nói về Jeanne. Cô đi gần bàn hai người. Ravic có cảm giác là Jeanne đã nhìn thấy mình, nhưng khóe mắt của cô dửng dưng lướt qua chỗ Ravic, và cô đi thẳng ra ngoài. Kate nãy giờ vẫn quan sát anh, hỏi:
– Anh có quen người đàn bà kia không?
– Không.
Chú thích:
[1] Đơn vị tiền tệ cơ bản của Áo (không tương đương với đồng schilling của Anh).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.