Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 8



Anh xem này – Ravic nói với Veber – Anh thấy không… chỗ kia… chỗ kia… và ở đây nữa…
Veber cúi xuống xem kỹ đường cắt.
– Ờ, ờ…
– Mấy cái hạch nhỏ này, đây… và đây… chẳng phải là một chỗ sưng, mà cũng chẳng phải là một mảng dính.
– Đúng là không phải.
Ravic thẳng người lên.
– Đây là một khối ung thư. Rõ ràng, không thể nhầm được, đúng là ung thư! Đây là cuộc phẫu thuật đáng nguyền rủa nhất mà tôi đã làm trong khoảng mấy năm nay. Dùng ống banh soi chẳng thấy chút gì hết, khảo sát khung chậu chỉ thấy có một chỗ sưng nhẹ ở một bên, và có khả năng u nang hay u xơ, chẳng có gì nghiêm trọng, thế nhưng mở ra thì phát hiện một khối ung thư rõ ràng.
Veber hỏi:
– Theo anh thì cần phải làm gì?
– Ta sẽ cắt một mẩu gửi đi xét nghiệm bằng kính hiển vi. Boisson có còn ở phòng xét nghiệm không?
– Chắc chắn là còn.
Veber ra lệnh cho cô y tá gọi điện tới phòng xét nghiệm. Cô lặng lẽ đi ra. Ravic nói:
– Chỉ còn có cách tiếp tục làm hysterectomie [1]. Đó là cách duy nhất có thể làm được. Tệ nhất là chị ấy không biết. Mạch ra sao? – Anh hỏi người phụ trách gây mê.
– Bình thường. Chín mươi.
– Huyết áp?
– Trăm hai mươi.
– Được. – Ravic nhìn thân thể Kate Hegstroem đặt nằm trên bàn mổ, phía đầu hạ thấp xuống, ở tư thế Tredelenburg – Lẽ ra cô ấy phải được báo trước và chấp thuận cho chúng ta mổ. Bây giờ cứ thế này có thể tiếp tục được không?
– Theo pháp luật thì không. Nhưng dù sao thì chúng ta cũng đã trót bắt đầu làm rồi.
– Tất yếu phải như vậy. Không có cách gì tiến hành việc phá thai mà không mở ra. Nhưng dù sao phá thai và cắt bỏ dạ con vẫn có khác nhau.
– Tôi thấy cô ấy mặc nhiên tin cậy hoàn toàn vào chúng ta.
– Có thể. Nhưng nếu biết cô ấy có chấp thuận không?… – Ravic hất khuỷu tay sửa lại cái tạp dề cao su cho ngay ngắn lại – Dù sao ta cũng có thể tiếp tục khảo sát sâu hơn. Sau đó sẽ quyết định xem có phải cắt bỏ dạ con không. Eugénie, dao mổ.
Anh kéo dài đường rạch cho đến rốn, buộc các mạch máu lại, lấy một con dao mổ khác cắt đường dây chằng vàng vàng. Anh dồn các bắp thịt vào phía trong cho lộ rõ phúc mạc, mở nó ra…
– Banh kéo. – Anh gọi.
Cô y tá cầm sẵn cái banh. Cô ném sợi dây chuyền vào giữa hai chân Kate và móc cái bửng chặn bàng quang.
– Bông gạc…
Anh đặt miếng bông gạc ướt và ấm, mở khoang bụng và thận trọng đặt forceps. Anh ngẩng đầu lên.
– Veber, anh nhìn đây, chỗ này… chỗ này… sợi dây chằng lớn. Và cái khối cứng này. Không thể đặt cặp Kocher được: phát triển già ngày quá rồi – Veber háo hức theo dõi từng cử chỉ của Ravic. – Anh thấy không, không thể nào cặp các động mạch lại được. Vỡ mất. Bệnh lan cả sang đây. Không còn hy vọng gì nữa.
Anh hết sức thận trọng cắt một mẩu nhỏ xíu.
– Boisson có còn ở phòng xét nghiệm không?
– Còn – Cô y tá nói – Tôi đã báo trước. Ông ấy đang đợi.
– Gửi cho anh ta cái này. Chúng ta sẽ đợi kết quả xét nghiệm. Sẽ mất không đến mười phút.
– Dặn anh ấy gọi điện nhé – Veber nhắn – Xét nghiệm xong là gọi ngay đấy. Ta sẽ tạm ngừng phẫu thuật.
Ravic hỏi:
– Mạch ra sao?
– Chín mươi lăm.
– Huyết áp?
– Trăm mười lăm.
– Veber ạ, không mổ được đâu, dù có được sự chấp thuận của cô ấy hay không cũng thế thôi. Chúng ta không thể làm gì được nữa hết. – Veber gật đầu – Phải khâu lại thôi. Lấy cái thai ra, có thế thôi. Khâu lại và không nói gì với chị ấy hết.
Ravic đứng yên một lát, nhìn cái thân thể chị mở phanh bụng dưới ra. Ánh đèn sáng rực làm tăng thêm màu trắng muốt của mấy tấm drap trên đó vết mổ đỏ loét nổi bật lên. Kate Hegstroem, ba mươi bốn tuổi, sang trọng, đỏng đảnh, nước da rám nắng, say mê cuộc đời… bị cái vật mơ hồ và vô hình đang gặm nhấm các tổ chức trong cơ thể kia tuyên án tử hình.
– Còn phải…
Đứa con. Một sinh linh mù quáng đang phát triển trong cái cơ thể đang thối rữa kia. Bị tuyên án tử hình cùng với nó. Một cái thai, một bản năng sinh thành lẽ ra phải phát triển, lớn lên, thích chơi đùa trong vườn, sẽ trở thành một con người, một kỹ sư, một giáo sĩ, một quân nhân, hay một kẻ giết người. Một con người biết đau khổ, biết vui sướng… và cuối cùng sẽ tiêu vong. Cái thìa nạo nhẹ nhàng chạy dọc thành tử cung khuất sâu bên trong, tìm ra chỗ vướng, thận trọng cắt chỗ nối ấy đi, và lấy cái thai ra. Xong. Thế là hết những con vật lộn vô thức. Thế là hết hơi thở hãy còn trong trạng thái thái tiềm năng, hết mọi triển vọng lớn lên, hưởng hạnh phúc, cùng những tiếng khóc than. Chỉ còn là một chút thịt chết nhợt nhạt và vài giọt máu.
– Đã có báo cáo của Boisson chưa?
– Vài phút nữa thôi.
– Ta có thể đợi thêm lát nữa. Mạch?
Anh nhìn đôi mắt Kate. Đôi mắt mở rộng và đang nhìn anh, không phải cái nhìn lờ đờ của người đang mê, mà như thể Kate đang trông thấy anh, và đang tỉnh táo. Anh bước lên một bước rồi dừng lại. Không thể được. Trong một giây, anh đã tưởng Kate tỉnh. Đó là tác dụng của thuốc mê; đôi đồng tử nở rộng ra.
– Mạch ra sao?
– Một trăm, huyết áp trăm mười hai. Bệnh nhân đang yếu dần.
– Chẳng còn được bao nhiêu thời gian nữa – Ravic nói – Sao chưa thấy Boisson trả lời nhỉ?
Chuông điện thoại réo lên. Ravic đứng yên, trong khi Veber đi ra cửa. Cô y tá bước vào, nói khẽ một câu gì, Veber nói:
– Đúng. Ung thư.
Ravic lại bắt tay vào việc. Anh lấy hết các thứ banh, móc ra. Anh bỏ móc kéo và gạc bông đi. Bên cạnh anh, Eugénie đếm số y cụ như cái máy. Anh bắt đầu khâu lại. Anh làm việc đó một cách tinh vi vô hạn, không suy nghĩ, đầu óc trống rỗng. Cái huyệt đỏ khép lại dần, các lớp thịt lần lượt liền lại. Ravic đặt cặp nhịp và thẳng người dậy.
– Xong.
Eugénie ấn lên cái cần, đưa bàn mổ trở về tư thế ngang bằng, và đắp chăn lại cho bệnh nhân. Những ý nghĩ hỗn độn chen nhau trong tâm trí Ravic: quán Schéhérazade, ngày hôm kia, chiếc áo dạ hội, giàn nhạc Tzigan… Anh có bao giờ hạnh phúc?… Lần này tôi thấy sợ… Chỉ là một chuyện vặt…
Anh nhìn cái đồng hồ treo ở phía trên cửa. Mười hai giờ trưa. Bên ngoài, những cánh cổng nhà máy và công sở mở rộng để cho làn sóng những con người hoàn toàn khỏe mạnh chảy qua. Giờ ăn trưa. Hai cô y tá đưa bệnh nhân vừa mổ xong ra ngoài. Ravic cởi đôi găng cao-su, đi sang phòng bên rửa tay.
– Coi chừng điếu thuốc lá – Veber nói – Khéo bỏng môi đấy.
– Cám ơn. Ai sẽ nói cho cô ấy biết?
– Anh. – Veber đáp không chút do dự.
– Sẽ phải cắt nghĩa cho cô ấy hiểu tại sao phải làm phẫu thuật. Cô ấy nghĩ là công việc sẽ tiến hành theo những con đường tự nhiên. Không thể cho cô ấy biết sự thật được.
– Rồi anh sẽ tìm được một cách gì thôi. – Veber nói, giọng tin tưởng.
– Anh tin như thế à?
– Chứ sao? Anh còn được nghỉ đến chiều nay.
– Sao lại không phải là anh?
– Cô ấy sẽ không tin. Cô ấy biết là anh mổ cho nên cô ấy muốn anh giải thích. Tôi mà xen vào đây thì chỉ làm cho cô ấy sinh nghi mà thôi.
– Có lẽ thế thật.
– Tôi không thể hiểu nổi căn bệnh làm thế nào mà phát triển nhanh đến thế. – Veber nói.
– Cũng có khi nhanh như thế đấy. Không biết bây giờ ăn nói với cô ấy ra sao đây.
– Anh sẽ tìm ra một cách giải thích. – Veber nói – Một thứ kyste hay là fibrome [2] gì đấy.
– Phải rồi – Ravic nói – Một thứ kyste hay là fibrome.
Tối đến, Ravic quay trở về bệnh viện, Kate Hegstroem đang ngủ. Cô đã tỉnh dậy vào lúc gần chiều. Cô nôn mửa, rồi sau một giờ vật vã, cô đã ngủ lại.
– Cô ấy có hỏi gì không?
– Không. Cô ấy chưa thật tỉnh ngủ. Cô ấy chẳng hỏi gì cả.
– Có lẽ cô ấy sẽ ngủ cho đến sáng. Nếu cô ấy thức giấc và hỏi han này nọ, cứ nói là mọi việc đều đã diễn ra một cách tốt đẹp. Cô ấy cần phải ngủ. Nếu cần, cho cô ấy uống chút thuốc an thần. Nếu cô ấy trằn trọc quá, hãy gọi Veber hay gọi tôi. Ở khách sạn họ sẽ biết tìm tôi ở đâu.
Ra ngoài đường, Ravic có cảm giác mình như một tội nhân vừa được hưởng án treo. Mấy giờ ân xá trước khi phải nói dối một người tin mình. Anh chợt thấy màn đêm ấm áp và êm ả. Được hưởng thêm vài giờ… Một lần nữa bộ mặt ghê tởm của cuộc đời lại được che mờ đi một cách đầy từ bi bằng mấy giờ hòa hoãn đang bay đi như một đàn bồ câu. Mấy giờ ấy cũng là những sự dối trá… trước sau rồi cũng phải trả đền… Nó cũng chỉ là một sự trì hoãn tạm thời, nhưng trên đời này có cái gì mà lại không phải là một sự trì hoãn tạm thời? Mọi sự đều là một sự gia hạn, một sự gia hạn đầy lòng trắc ẩn, tạm che giấu sự chuyển biến huyền bí và tối tăm mà người ta đang đi tới một cách vô phương cứu vãn.
Anh bước vào một quán rượu và ngồi xuống trước một cái bàn cẩm thạch đặt gần cửa sổ. Căn phòng ồn ào và mù mịt khói.
– Một Dubonnet và một bao Maryland. – Anh gọi.
Anh mở gói thuốc lá châm một điếu hút. Ở một bàn bên, mấy người Pháp bàn bạc về tình trạng thối nát của chính phủ, về thỏa ước Munich. Anh chỉ nghe một cách lơ đãng. Ai nấy đều nhận thức được rằng thế giới đang thản nhiên trượt về phía một cuộc chiến tranh mới. Người ta không hề làm gì để ngăn chặn cuộc chiến tranh ấy cả.
Một sự gia hạn… gia hạn một năm… đó là cái đích mà người ta cố đeo đuổi. Ở đấy cũng lại là gia hạn… gia hạn nữa… bao giờ cũng chỉ là gia hạn.
Anh uống chất rượu khai vị ngọt mà chẳng thấy thích thú gì. Sao anh lại gọi thứ rượu này? Anh lại gọi người bồi bảo lấy một fine [3].
Anh nhìn ra cửa sổ, cố xua những ý nghĩ của mình đi. Một khi đã không còn cách gì nữa, thì việc gì phải tự dằn vặt đến phát điên lên? Anh nhớ lại bài học mà đời đã dạy anh… Một trong những bài học lớn nhất của đời anh…
Ấy là vào tháng Tám năm 1916, ở gần Ypres. Hôm trước, đại đội của Ravic vừa từ mặt trận trở về. Đây là một khu vực yên tĩnh. Chẳng có gì xảy ra cả. Bây giờ họ đang nằm quanh một bếp lửa nhỏ của trại lộ thiên, nướng mấy củ khoai tây kiếm được ở một đám ruộng. Một giây sau, chẳng còn lấy một chút gì. Một trận pháo bắn chặn… một quả đạn nổ trúng vào giữa đám lính. Khi tỉnh dậy, lành lặn, anh tìm thấy hai chiến hữu đã chết… và cách đấy một quãng là Messman, người bạn của anh từ thời thơ ấu, trước nay chưa bao giờ xa nhau. Messman nằm đấy, bụng thủng, ruột trào ra xung quanh.
Họ đưa anh đến trạm quân y dã chiến, đi theo một con đường tắt vượt qua một cánh đồng lúa mì. Messman nằm trên cáng, hai tay đè lên đống ruột đầm đìa máu me, hai mắt trợn trừng, cái nhìn trống rỗng.
Messman đã rống lên vì đau đớn trong một tiếng đồng hồ, rồi tắt thở.
Ravic còn nhớ khi anh trở về đơn vị. Anh đã ngồi trong doanh trại hoàn toàn mất phương hướng. Đây là lần đầu anh trông thấy một cảnh tượng như vậy. Katezinsky, người chỉ huy chi đội, vốn làm nghề thợ giày trong thời bình, đã tìm thấy anh ở đó.
– Nào đi với tôi – Katezinsky nói – Tối nay có bia và whisky ở ngoài căng tin ấy. Có cả xúc-xích nữa.
Ravic nhìn người chỉ huy mà không sao hiểu nổi sự hờ hững của ông ta. Katezingsky nói thêm:
– Cậu sẽ đi với tôi, dù có phải đấm vỡ mặt cậu ra tôi cũng không từ. Cậu sẽ ăn cho no, uống cho say và đi nhà thổ.
Ravic không trả lời, và Katezinsky đã ngồi xuống cạnh anh. Ông ta nói:
– Tôi biết cậu đang ở trong tình trạng nào, và cũng biết cậu nghĩ gì về tôi. Nhưng tôi ở trong cuộc từ hai năm nay. Còn cậu thì mới hai tuần. Không còn cách gì cứu giúp Messman nữa cả. Cậu thừa biết là nếu còn có cách gì thì chúng mình đã làm kỳ hết để cứu nó bằng được. Nhưng quả không còn có cách gì.
Ravic biết rằng ông ta nói đúng.
– Messman chết rồi – Katezinsky nói tiếp – Đối với nó không có một cái gì là quan trọng nữa hết. Nhưng chúng ta thì hai ngày nữa là ra trận. Mà lần này thì ác liệt đây. Cậu đừng có ngồi lì ở đây mà nghĩ mãi đến Messman cho nó mụ người đi. Rốt cục cậu sẽ không có đủ sức lực và tinh thần để ra trận nữa. Và người ta sẽ phải cáng cậu về như đã cáng Messman. Cậu tưởng làm như vậy có lợi cho ai chắc? Cậu đã hiểu tôi chưa?
Ravic đã trả lời:
– Hiểu thì hiểu, nhưng tôi không thể…
– Câm mồm đi! Cậu sẽ có thể, không thua gì ai hết! Cậu không phải là thằng đầu tiên!
Sau đêm ấy sự tình có khá lên. Ravic đã được bài học đầu tiên. Phải cố mà làm hết cách chừng nào còn một chút hy vọng. Nhưng khi không còn lấy một cách gì nữa thì phải quên đi! Phải trấn tĩnh lại. Tình thương xót chỉ hợp với những lúc yên tĩnh… nó không thể hợp nữa khi một tính mạng được đặt lên bàn cân. Phải chôn những người chết đi và tiếp tục sống. Phải như vậy. Than khóc là một chuyện, sống là một chuyện khác. Người ta không phải là không biết buồn thương khi người ta nhìn thẳng vào sự thật và chấp nhận những gì đã xảy ra rồi. Đó là cách duy nhất để sống sót.
Ravic uống ly cognac, ở bàn bên, mấy người Pháp vẫn nói về chính phủ của họ. Về sự phá sản của nước Pháp. Của nước Anh. Của nước Ý. Của Chamberlain. Toàn những ngôn từ và những ngôn từ! Chỉ có phe kia là đang hành động. Họ không mạnh hơn, nhưng mà quyết chí hơn. Họ không dũng cảm hơn, chẳng qua họ biết rõ là đối thủ của họ sẽ không chiến đấu. Những đối thủ đó cố tranh thủ một sự gia hạn. Họ đã có được một sự gia hạn… Và họ đã dùng nó để làm gì? Để vũ trang chăng? Để chuộc lại thời gian đã mất? Để đoàn kết nhau lại? Không. Họ ngồi nhìn bọn kia tự vũ trang còn họ thì đợi chờ, hy vọng bâng quơ là sẽ xin được một lần gia hạn nữa. Đó là câu chuyện bầy hải cẩu. Hàng trăm con nằm trên bãi biển, và ở giữa là người đi săn hải cẩu cầm vồ đi đập vỡ đầu hết con này đến con khác. Nếu cùng nhau kháng cự lại, chúng sẽ đè bẹp người kia một cách dễ dàng. Nhưng chúng cứ nằm yên, ngay từ đầu đã cam tâm chịu chết, mỗi con đều lấy làm may cho mình khi thấy con khác, chứ không phải mình, bị giết. Câu chuyện của bầy hải cẩu Âu châu. Buổi chiều tà của nền văn minh. Gotterdaminerung – buổi Hoàng hôn của Chư thần. Những Quyền làm Người mất hết nội dung ý nghĩa. Sự phản bội của một lục địa. Nạn hồng thủy đang ập đến. Cuộc mặc cả cuối cùng bỉ ổi. Điệu vũ của tuyệt vọng mà người ta nhảy trên đỉnh hỏa diệm sơn. Những dân tộc bị lùa chầm chậm vào lò sát sinh. Lũ chấy rận sẽ thoát chết trong khi gia súc chịu hành quyết. Vẫn như cũ xưa nay.
Ravic dụi tắt điếu thuốc. Anh nhìn xung quanh. Tất cả những thứ đó có nghĩa lý gì? Chẳng phải ban nãy anh đã thấy đêm nay êm ả đó sao? Êm ả như tiếng vỗ cánh của một đàn bồ câu? Phải chôn cất những người thân đã chết và tiếp tục sống. Thời gian bay qua rất nhanh. Sống sót, đó là điều duy nhất quan trọng. Rồi nó sẽ đến, cái ngày mà người ta sẽ còn cần đến anh. Chính vì cái ngày ấy mà anh phải giữ gìn cho bản thân. Ravic gọi người hầu bàn ra tính tiền.
Ở nhà hàng Schébérazade ánh đèn rất mờ dịu khi anh bước vào. Các nhạc công Tzigan đang chơi, và gần cạnh giàn nhạc, mấy ngọn đèn chiếu rọi vào bàn của Jeanne Madou.
Ravic dừng lại ở cửa. Mọi người hầu tiến lại và bố trí một cái bàn cho anh. Ravic đứng quan sát Jeanne Madou.
– Một vodka ạ? – Người hầu bàn hỏi.
– Ừ. Một bình.
Anh ngồi xuống, rót rượu ra cốc và bắt đầu uống. Anh nóng lòng muốn thoát cho thật nhanh ra khỏi những ý nghĩ đã ám ảnh anh trước khi vào đây. Bộ mặt nhăn nhở của quá khứ, cái cười méo mó của tử thần… Một thân thể vỡ toác ra vì những mảnh đạn đại bác… Một thân thể khác bị ung thư gặm nhấm. Anh chợt nhận thấy mình ngồi đúng cái bàn anh đã cùng ngồi với Kate Hegstroem cách đây hai ngày. Bàn bên không có ai ngồi.
Nhưng anh vẫn ngồi yên ở chỗ cũ. Anh có ngồi bàn này hay ngồi bàn khác thì có gì là quan trọng? Anh không còn có thể làm gì để cứu Kate Hegstroem. À, hôm vừa rồi Veber có nói gì với anh nhỉ? Tại sao anh lại xúc động đến thế khi một phẫu thuật không để lại chút hy vọng nào? Anh phải làm hết cách đi, rồi sau đó đừng nghĩ đến nữa, nếu không, ta sẽ đi đến đâu? Phải, ta sẽ đi đến đâu? Giọng hát của Jeanne Madou vang vọng đến tai anh. Kate Hegstroem nói đúng. Giọng hát thật có sức thu hút. Anh cầm bình rượu lên. Đó là một trong những phút mà cuộc sống như bỗng bạc hết màu, và mọi vật đều ngả sang một màu xám đơn điệu. Một thứ thoái triều huyền bí. Khoảng ngưng giữa hai hơi thở. Vết cắn của thời gian dần dần thiêu hủy trái tim từng chút một. Santa Lucia Luntana – tiếng hát vẫn ngân nga. Nó vọng đến anh như từ một bến bờ xa xăm có những rừng hoa huyền diệu.
– Ông thấy cô ấy thế nào?
– Ai? – Ravic hỏi.
Ông quản lý nhà hàng đang đứng cạnh anh. Ông ta nghiêng đầu chỉ Jeanne Madou.
– Khá lắm, rất khá.
– Thật ra cô ấy chẳng có gì xuất sắc lắm, nhưng xen vào giữa các tiết mục thì tiếng hát của cô rất dễ chịu.
Ông quản lý bỏ đi. Trong một khoảnh khắc, khuôn mặt ông ta in bóng lên cái bối cảnh sáng trưng ở phía trước. Rồi ông mất hút trong bóng tối.
Mấy ngọn đèn chiếu đã tắt. Giàn nhạc bắt đầu một bản tango. Những mặt bàn thủy tinh lại sáng lên. Jeanne Madou đứng dậy. Cô phải dừng lại nhiều lần vì vướng những đôi trai gái đang đi ra vũ trường. Cô nhìn Ravic mà gương mặt không hề có chút ngạc nhiên. Cô đi thẳng về phía anh. Ravic đứng dậy và ẩy cái bàn ra để có lối cho cô vào ngồi. Một anh hầu bàn sốt sắng đến giúp anh.
– Cám ơn – Ravic nói – Anh cho thêm một cái cốc nữa.
Anh kéo bàn lại như cũ, và rót rượu vào cái cốc thứ hai.
– Vodka đây. Tôi không biết cô có thích không.
– Thích chứ. Vả lại chúng ta đã từng uống vodka ở Trạm Belle Aurore.
– Đúng.
Chúng ta cũng đã đến cả đây nữa, anh nghĩ. Cách đây nhiều thế kỷ. Cách đây ba tuần. Cô ấy ngồi với chiếc áo mưa ướt sũng, lòng tràn đầy tuyệt vọng và tang tóc. Còn bây giờ…
– Salute. – Anh nói.
Một luồng sáng xuyên qua gương mặt Jeanne. Cô không mỉm cười, nhưng cô bừng sáng lên:
– Đã lâu tôi không được nghe nói Salute.
Ravic uống cạn cốc và ngắm kỹ Jeanne. Đôi mày vòng cung, đôi mắt hơi cách xa nhau, cái miệng… Tất cả những nét đã cấu tạo thành gương mặt không rõ nét, không có sức biểu hiện trước kia bây giờ lại cấu tạo nên một gương mặt đầy ánh sáng và đầy bí ẩn… một gương mặt mà toàn bộ bí quyết là sự ngây thơ trong sáng, không hề che giấu gì và không hề phô bày gì. Nó hứa hẹn đủ điều mà cũng không hứa hẹn gì hết. Trước kia mình không nhìn thấy tất cả những cái đó thì thật là lạ – Ravic nghĩ. Phải chăng là vì tất cả những gì mà hôm nay mình nhìn thấy được thì trước kia đều bị chìm ngập dưới một tâm trạng thảng thốt, ngượng ngùng và sợ hãi?
– Ông có thuốc lá không? – Jeanne hỏi.
– Tôi chỉ có Algériennes thôi. Thuốc lá sợi, đen ấy mà… – Anh toan gọi người hầu bàn thì Jeanne đã nói:
– Không đến nỗi nặng quá đâu. Tôi đã từng hút một điếu vào mỗi buổi tối nào đấy… trên cầu Alma.
– Tôi có nhớ.
Ravic nghĩ: điều đó đúng mà cũng không đúng. Hôm ấy không phải là cô mà là một sinh vật nhợt nhạt, bị một cái gì hắc ám khống chế. Đã có nhiều cái diễn ra giữa chúng ta, và cả những cái đó cũng bỗng dưng không còn thật nữa. Anh nói thành tiếng:
– Tối hôm kia tôi có đến đây.
– Tôi biết. Tôi có trông thấy ông.
Jeanne không hỏi anh về Kate Hegstroem. Cô ngồi yên, điềm tĩnh và trong sáng, dường như chỉ chú tâm vào điếu thuốc lá. Rồi cô uống chầm chậm. Hình như cô làm gì cũng làm hết mình, dốc hết tâm sức vào việc đang làm, dù đó có là một việc làm không có chút gì quan trọng. Ravic nghĩ: trước đây cô ấy tuyệt vọng biết chừng nào, nhưng bây giờ cô không thế nữa. Bây giờ cô đã có được sự ấm áp và sự điềm đạm thanh thản. Anh không băn khoăn tự hỏi xem ánh sáng và hơi ấm ấy từ đâu tỏa ra, anh chỉ cần cảm thấy nó ở quanh mình. Bình rượu đã cạn.
– Cô có muốn tôi gọi một bình nữa không? – Ravic hỏi.
– Hôm ấy ông cho tôi uống gì?
– Hôm nào? Ở đây à? Hình như chúng ta đã làm một cuộc pha trộn.
– Không, không phải ở đây. Tối đầu tiên ấy.
Ravic cố nhớ lại.
– Tôi quên mất rồi. Có phải cognac không?
– Không. Nó giống cognac, nhưng lại là thứ rượu khác. Về sau tôi đã đi kiếm mà không được.
– Có thật là ngon đến thế không?
– Không. Nhưng đó là thứ rượu có sức an ủi mạnh nhất mà tôi đã từng được uống.
– Ở đâu?
– Trong một cái quán nhỏ gần quảng trường Ngôi Sao. Vào quán phải xuống mấy bậc cấp. Trong quán có những anh lái xe và những cô điếm. Và người hầu bàn có xăm một hình đàn bà trên bắp tay.
– Bây giờ thì tôi nhớ rồi. Chắc hẳn là calvados. Rượu táo vùng Normandie. – Anh gọi người hầu bàn – Anh có calvados không?
– Rất tiếc, thưa ông không có ạ. Không thấy ai hỏi bao giờ.
– Dĩ nhiên quán này quá sang trọng. Đơn giản nhất là quay về cái quán nhỏ ấy. Chắc không thể được nhỉ.
– Sao vậy?
– Cô không phải ở lại đây sao?
– Không. Việc của tôi tối nay thế là xong.
– Nếu vậy cô có muốn đến đấy không?
– Có.
Ravic tìm ra cái quán nhỏ chẳng khó khăn gì. Căn phòng rất vắng. Anh hầu bàn có cánh tay xăm hình đứng sau quầy tính tiền chăm chú nhìn hai người khách mới vào. Rồi anh ta rời quầy, đến lau bàn cho họ.
– Cũng có tiến bộ đây – Ravic nhận xét – Lần trước anh ta có thèm lau chùi gì đâu.
– Không phải bàn này – Jeanne Madou nói – Bàn này cơ.
Ravic mỉm cười:
– Cô có mê tín không?
– Cũng có đôi khi.
Người hầu bàn đứng đợi.
– Bàn ấy đấy – Anh ta vừa cho cái hình xăm uốn éo – Lần vừa rồi hai ông bà ngồi ở bàn ấy đấy.
– Sao? Anh vẫn còn nhớ kia à?
– Nhớ chứ!
– Trí nhớ như thế thì làm tướng mới phải. – Ravic nói.
– Tôi chẳng quên cái gì bao giờ.
– Tôi không hiểu làm sao anh có thể sống được. Có lẽ anh còn nhớ hôm ấy chúng tôi uống gì nữa?
– Calvados. – Anh ta đáp ngay.
– Phi thường! Anh cho calvados đi. – Anh quay sang Jeanne – Cô thấy đôi khi mọi sự đều đơn giản đến nhường nào. Bây giờ chỉ còn xem thử hương vị calvados có giống như lần trước không.
Người hầu bàn đem hai cái cốc ra.
– Double calvados đây. Lần trước ông cũng gọi double.
– Anh làm cho tôi phát rợn người lên rồi đấy, anh bạn ạ. Anh còn nhớ chúng tôi ăn mặc như thế nào nữa chắc?
– Ông bà đều mặc áo mưa. Bà đội mũ bê-rê basque.
– Anh ở đây thì thật phí của. Anh làm ở đoàn tạp kỹ mới phải.
– Trước kia tôi làm ở rạp xiếc. Tôi đã nói với ông lần trước. Ông quên rồi sao?
– Vâng, tôi quên rồi, thật xấu hổ.
– Ông ấy chóng quên lắm – Jeanne nói với người hầu bàn – Ông ấy điêu luyện trong nghệ thuật quên cũng như anh điêu luyện trong nghệ thuật nhớ vậy.
Cô nhìn Ravic va Ravic mỉm cười.
– Có lẽ không phải thế cũng nên. Bây giờ ta thử nếm Calvados, Salute!
– Salute! – Jeanne hưởng ứng.
Anh hầu bàn vẫn đứng đợi.
– Thưa ông, tất cả những gì người ta quên thì về sau người ta đều mất đi trong cuộc sống.
Rõ ràng là đối với anh ta cuộc thảo luận chưa kết thúc.
– Anh nói đúng. Nhưng tất cả những gì người ta nhớ sẽ làm cho cuộc sống không sao chịu đựng nổi. – Anh quay sang hỏi Jeanne – Có phải đúng thứ calvados hôm ấy không?
– Ngon hơn.
Anh nhìn Jeanne. Anh cảm thấy một luồng nhiệt lượng dâng lên đầu. Anh biết rõ điều đó có nghĩa gì và cảm thấy mình hoang mang. Jeanne hình như không hề hay biết lời lẽ của mình, có hiệu quả gì. Cô ngồi ở cái nơi trống trải này như thể chỉ có một mình cô. Ánh sáng gắt của mấy ngọn đèn rất tàn nhẫn. Dưới cái ánh sáng ấy, hai cô gái ngồi ở bàn bên trông già như bà nội của họ. Nhưng đối với Jeanne ánh sáng này chẳng có hiệu quả gì. Tất cả những gì ban nãy anh đã nhìn thấy dưới ánh đèn dìu dịu của hộp đêm thì bây giờ vẫn còn nguyên. Gương mặt trong sáng và thanh thản ấy hình như không yêu cầu một điều gì, nó chỉ cần tồn tại và chờ đợi mà thôi. Đó là một gương mặt bỏ trống, một gương mặt mà chỉ một hơi gió thoảng cũng có thể làm thay đổi. – Ravic nghĩ – Người ta có thể để vào đấy bất cứ giấc mơ nào. Nó như một ngôi nhà lộng lẫy không bày biện gì đang chờ những tấm thảm và những bức tranh. Thứ gì cũng được. Tùy người đến ở ra sao, nó có thể biến thành một cung điện hay một căn nhà ổ chuột. Ngược lại, tất cả những cái gì đã hoàn chỉnh và đã được xếp loại đều bị giới hạn biết chừng nào.
Ravic nhận thấy Jeanne đã uống cạn cốc.
– Cô cừ lắm. Đó là một cốc double calvados. Cô uống thêm cốc nữa nhé?
– Vâng, nếu ông còn thì giờ.
Dĩ nhiên là Ravic còn thì giờ. Anh nhớ đến việc Jeanne đã trông thấy anh đi với Kate Hegstroem tối hôm trước. Anh thử quan sát cô. Gương mặt cô không để lộ một chút gì.
– Tôi còn thì giờ. Chỉ có điều chín giờ sáng mai tôi có ca mổ. Thế thôi.
– Ông thức khuya thế thì hôm sau mổ sao được?
– Chẳng can hệ gì. Tôi quen rồi. Vả lại có phải ngày nào tôi cũng mổ đâu?
Người hầu bàn rót rượu ra cốc. Anh ta đặt cái chai lên bàn, và bên cạnh là một gói, thuốc Gauloises xanh.
– Lần trước ông có hỏi thuốc này. – Anh ta nói, giọng đắc thắng.
– Chắc là đúng. Anh biết rõ hơn tôi. Bây giờ anh nói là tôi tin rồi.
– Anh ấy nói đúng đấy. Lần trước cũng Gauloises xanh.
– Ông thấy chưa! Bà đây có một trí nhớ tốt hơn ông.
– Chưa chắc! Cám ơn về gói thuốc lá nhé. – Anh mở gói thuốc lá đưa cho Jeanne – Cô vẫn ở khách sạn ấy chứ?
– Vâng, nhưng đã dọn sang một phòng lớn hơn.
Có mấy người lái xe đi vào quán. Họ ngồi vào bàn và bắt đầu một cuộc tranh luận ồn ào.
– Ta đi nhé? – Ravic nói.
Jeanne gật đầu. – Ravic gọi người hầu bàn ra thanh toán.
– Cô không phải trở lại Schéhérazade thật chứ?
– Thật mà.
Ravic đưa áo khoác cho cô. Cô không mặc vào, mà chỉ khoác lên vai. Đó là một chiếc áo lông chồn không có giá trị lắm, có lẽ là lông chồn giả, nhưng Jeanne mặc trông nó sang trọng hẳn lên. Chỉ cần mặc một cách thật tự tin là áo gì cũng sang trọng – Ravic nghĩ. Anh nhớ là đã từng trông thấy những chiếc áo lông chồn bạc hẳn hoi mà có những người đàn bà mặc trông như đồ tầm tầm.
– Tôi đưa cô về khách sạn – Ra ngoài. Ravic nói -Trời mưa bụi lâm thâm. Jeanne quay về phía anh.
– Hay là về phòng ông, được không?
Ánh đèn trên cửa quán dọi thẳng vào mặt cô. Mái tóc phủ những hạt mưa nhỏ lấp lánh như kim cương.
– Được. – Anh nói.
Một chiếc taxi đỗ lại. Người lái xe đợi một lát, rồi lại phóng xe đi trong tiếng máy lọc xọc.
– Mấy hôm rồi tôi đợi ông – Jeanne nói – Ông có biết không?
– Không – Mắt Jeanne long lanh. Đôi mắt ấy sâu thăm thẳm – Tôi nhìn thấy cô lần này là lần đầu – Anh nói thêm – Cô không phải là người dạo nọ.
– Không phải.
– Và tất cả những gì đã từng xảy ra đều không có thật nữa.
– Không có. Tôi quên rồi.
Ravic cảm thấy hơi thở nhẹ của Jeanne đưa về phía anh, vô hình và mềm dịu, nhẹ nhàng và đầy tin tưởng. Một sự sống kỳ lạ trong một đêm lạ kỳ. Máu anh tuần hoàn nhanh hơn, nó sôi sục lên, nhưng đó là một cái gì hơn cả dục vọng. Đó là cuộc sống nghìn lần bị nguyền rủa và nghìn lần được chờ đón, đã bao lần mất đi và đã bao lần tìm lại được. Cuộc đời mà chỉ một giờ trước đây hãy còn là một phong cảnh cằn cỗi, vắng lặng và u buồn mà nay đã tuôn trào lên như từ ngàn ngọn suối đầy âm thanh vang dội, đem về cho anh cái phút diễm huyền mà trước đây anh không còn tin là có thể có được. Anh lại một lần nữa là con người nguyên sơ, bên bờ suối đá, từ làn sóng nước đứng lên, trong trắng và rực rỡ. Vừa là câu hỏi, vừa là câu trả lời, anh bay lên, bay mãi lên, và cơn giông bắt đầu hiện lên trong mắt anh.
– Anh giữ lấy em đi. – Jeanne nói.
Anh nhìn sâu vào mắt Jeanne và quàng tay quanh người nàng. Jeanne đến với anh như một con tàu vào cảng.
– Vậy ra phải giữ lấy nhau sao?
– Vâng. – Hai bàn tay Jeanne vịn vào ngực anh.
– Anh sẽ giữ em.
Một chiếc xe taxi nữa thắng kin kít dừng lại bên vệ đường. Người lái xe thản nhiên nhìn họ. Một con chó nhỏ ngồi trên vai anh ta.
– Taxi không? – Anh ta nói, giọng khản đặc.
– Em thấy đấy. – Ravic nói – Anh ta không biết gì đâu. Anh ta không hề hay biết điều gì vừa đến với chúng ta. Anh ta nhìn mà không thấy là chúng ta đã thay đổi. Cõi đời mù quáng biết bao nhiêu! Người ta có thể biến thành một tổng lãnh thiên thần hay thành một tội phạm mà chẳng hề có ai hay. Nhưng nếu áo ta thiếu một cái khuy thì mọi người đều thấy.
– Càng tốt anh ạ. Thế mà lại hay. Thế là họ để mặc cho ta sống với bản thân ta.
Ravic nhìn Jeanne.
– Ta! – Anh nghĩ – Cái tiếng huyền bí nhất trên đời.
– Taxi không? – Người lái xe kiên nhẫn nhắc lại, giọng to hơn trước.
– Ta lên xe thôi – Ravic nói – Anh này thạo nghề lắm, sẽ không buông ta ra đâu.
– Em thích đi bộ hơn.
– Trời bắt đầu mưa rồi.
– Không phải mưa. Sương đấy chứ. Em muốn đi bộ với anh.
– Được. Nhưng anh muốn cho người này hiểu rằng có một cái gì vừa diễn ra.
Ravic đi về phía người lái xe và nói gì với anh ta một lát. Anh ta mỉm cười, chào Jeanne bằng một cử chỉ mà ngoài người Pháp ra không có một ai có thể làm được, và phóng xe đi.
– Anh cắt nghĩa cho anh ta bằng cách nào thế?
– Bằng tiền. Đó là cách giản tiện nhất. Cũng như tất cả những người làm việc ban đêm, anh ta là một khuyển nho. Anh ta hiểu ngay lập tức.
Jeanne mỉm cười. Ravic quàng tay quanh vai cô. Cô tựa vào anh. Anh có cảm giác là một cái gì đang mở ra trong anh, một cái gì vô cùng mạnh mẽ và êm dịu đang lôi cuốn anh như vô số những bàn tay. Anh bỗng thấy không tài nào chịu được nữa cái cảnh hai người đứng đây với nhau một cách ngu xuẩn trong khi lẽ ra phải ngã xuống, phải đáp lại lời kêu gọi của xác thịt, lời kêu gọi cổ xưa hơn các thời đại, cổ xưa hơn trí óc, hơn tư duy, hơn sự đau khổ…
– Đi, em! – Anh nói.
Họ đi bên nhau dưới làn mưa bụi. Cuối dãy phố, quảng truồng trải rộng ra trước mặt họ, vắng lặng, im lìm, như một biển bạc tối tăm, trong đó hiện ra mờ mờ hình dáng diễm lệ của Khải Hoàn Môn.
Chú thích:
[1] Cắt bỏ tử cung.
[2] U nang hay u xơ.
[3] Rượu trắng tinh chất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.