Kho báu của vua Solomon

Chương 1: TÔI GẶP NGÀI HENRI CURƠTIX



Có lẽ cũng khá lạ lùng, rằng sống đến cái tuổi năm mươi lăm, lần này tôi cầm bút là lần đầu. Tôi cũng chẳng biết tôi sẽ làm được cái gì từ câu chuyện của tôi, và rồi không hiểu tôi có đủ kiên nhẫn để đưa nó đến cùng hay không.

Bây giờ nhìn lại quãng đời đã qua, tôi thầm ngạc nhiên rằng tôi đã kịp làm nhiều việc và phải chịu đựng nhiều thử thách như thế. Cũng có thể tôi cảm thấy đời mình quá dài là do buộc phải sống tự lập quá sớm. cái tuổi trẻ con còn đi học ở trường, tôi đã phải làm việc để kiếm sống, bằng cách buôn bán các thứ lặt vặt ở thuộc địa cũ. Tôi đã buộc phải đi buôn, đi săn, làm việc ở các hầm mỏ, thậm chí cả đi đánh nhau. Và chỉ cách đây tám tháng, tôi mới trở thành người giàu có. Bây giờ thì tôi là ông chủ của một tài sản khổng lồ, chính tôi cũng không biết rõ nó lớn đến mức nào, nhưng tôi không tin rằng để đạt được điều ấy, tôi sẵn sàng chịu sống lại quãng thời gian mười lăm, hai mươi tháng gần đây của đời tôi, ngay cả khi biết trước rằng mọi chuyện sẽ kết thúc tốt đẹp và tôi sẽ giàu đến mức này. Tôi là một người khiêm tốn bình thường, không thích máu và bạo lực, và cũng xin nói thẳng rằng tôi đã ngấy đến tận tai các chuyện phiêu lưu mạo hiểm. Tôi không hiểu tôi định viết cuốn sách này để làm gì, vì văn chương là nghề rất xa lạ với tôi. Mà tôi cũng chẳng dám tự cho mình là người có học, dù tôi rất thích đọc Cựu ước (Phần đầu của Kinh Thánh) và các truyện hoang đường của Ingôndơbi (Tên thật là Barham (1788-1845) nhà văn Anh nổi tiếng nhờ các truyện thơ Balát). Nhưng dù sao tôi cũng xin nêu lên những lý do đã khiến tôi viết cuốn sách này.

Thứ nhất là do ngài (Tiếng Anh là Sir một tiếng đệm chỉ những nhà quý tộc lớn. Trong toàn bộ tác phẩm, trước Henry đều có chữ Sir (ngài), nhưng để tránh nặng nề và trùng lặp nhiều, chúng tôi bỏ không dịch, chỉ gọi đơn giản là Henry. -ND) Henry Curơtix và thuyền trưởng Huđơ đã yêu cầu tôi làm điều ấy.

Thứ hai là hiện giờ tôi đang ở Durban, hoàn toàn chẳng có việc gì khác để làm, vì vết thương ở chân trái lại tái phát và bắt tôi phải nằm một chỗ. Tôi bắt đầu khổ sở vì nó kể từ khi con sư tử khốn kiếp kia vồ tôi. Giờ đây tôi càng cảm thấy đau hơn và đi khập khiễng hơn bao giờ hết. Chắc trong răng sư tử có một thứ chất độc nào đó, chứ không thì cớ sao các vết thương đã lành lại tái phát, và xin các bạn nhớ cho lặp đi lặp lại năm này qua năm khác và cũng vào một thời gian nhất định!

Trong đời, tôi đã bắn chết sáu mươi lăm con sư tử mà vẫn giữ được mình sống sót và nguyên vẹn, thế thì thử hỏi làm sao không bực mình khi con thứ sáu mươi sáu nào đó đã ngoạm vào chân tôi mà nhai như là nhai thuốc lá? Như thế là trái với quy luật tự nhiên của tạo vật, và tôi, ngoài các yêu cầu khác, tôi rất thích sự quy củ, nên đã hiểu điều này đã làm tôi khó chịu như thế nào!

Ngoài ra, tôi cũng muốn Hary, con trai tôi, hiện giờ đang làm việc ở một bệnh viện London để chuẩn bị trở thành bác sĩ, khi đọc câu chuyện này, có thể tạm thời nghỉ ngơi khỏi các công việc bận bịu của mình. Công việc ở bệnh viện có lẽ nhiều khi cũng làm người ta chán vì quá đơn điệu và buồn tẻ. Suy cho cùng, cả đến việc mổ tử thi cũng không thể hấp dẫn người ta mãi được. Tôi tin là Hary sẽ không chán khi đọc chuyện này của tôi, và ít nhất thì nó cũng sẽ làm cuộc sống con tôi đỡ buồn tẻ, dù chỉ một vài ngày, vì câu chuyện tôi sắp kể thuộc vào loại kì lạ, hấp dẫn nhất mà xưa nay hiếm khi xẩy ra. Các bạn sẽ cho là lạ nếu tôi nói rằng trong truyện của tôi không có một người đàn bà nào, trừ Phulata. À mà không! Cả Gagula nữa, mặc dù tôi không biết chính xác rằng mụ là phụ nữ hay phù thủy. Nhưng cần phải nói rằng ít nhất mụ đã một trăm tuổi, vì vậy, với tư cách là phụ nữ, mụ cũng chẳng là đối tượng hấp dẫn đối với đàn ông, thành ra không nên tính đến mụ. Vì vậy, tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng trong toàn bộ câu chuyện này của tôi không hề có một chiếc váy nào cả!

Nhưng đã đến lúc tôi phải được thắng vào xe chưa nhỉ? Đường ở đây xấu và lầy lội lắm, và tôi cứ có cảm giác như chiếc xe tôi kéo bị lún tới quá nửa bánh.

Trong những trường hợp thế này, nếu bò khỏe thì sẽ chẳng thành vấn đề, rồi sẽ kéo lên tất. Còn nếu bò yếu thì tất nhiên là đành chịu. Nào, tôi xin bắt đầu.

“Tôi, Alan Quotecmen, người quê Durban, ở Natan (Một tỉnh thuộc Liên minh Nam Phi ngày xưa.) một người tử tế dòng dõi thượng lưu, tôi xin thề mà nói rằng…” – Tôi đã bắt đầu lời khai của tôi như thế ở phiên tòa xét về cái chết bi thảm của Hiva và Venfogen. Nhưng mở đầu cho một cuốn sách bằng cách ấy thì có lẽ không ổn lắm. Mà nói chung, tôi có quyền hay có quyền tự gọi mình là người tử tế? Thế nào là một người tử tế? Tôi không rõ lắm. Trong đời mình, tôi đã gặp nhiều mọi đen… Không, tôi xin xóa chữ ấy, tôi không thích dùng nó! Tôi đã gặp nhiều người bản xứ thực sự là những người tử tế đáng kính. (Hary, con trai của bố, trước khi đọc cuốn sách này, con phải đồng ý với bố điều đó đã). Đồng thời tôi cũng biết không ít những người da trắng đểu cáng, tồi tệ, và họ chẳng bao giờ là người tử tế, dù có rất nhiều tiền. Ít ra thì sinh ra, tôi vốn là người tử tế, dù trong suốt cả cuộc đời mình tôi chỉ đơn giản là một anh buôn vặt, một thợ săn nay đây mai đó. Tôi có giữ được cái chất tử tế của mình không, tôi không biết. Điều ấy dành cho các bạn tự đánh giá. Nhưng có Chúa làm chứng tôi luôn cố để bao giờ cũng là người tử tế!

Trong đời, tôi đã buộc phải giết nhiều người, nhưng chưa lúc nào tôi để bàn tay tôi vấy máu người lương thiện. Tôi chỉ giết để tự vệ.

Theo tôi, đức Chúa toàn năng khi trao cho ta cuộc sống, ngài nghĩ rằng tự chúng ta sẽ bảo vệ lấy nó. Ít ra bao giờ tôi cũng hành động trên cơ sở của niềm tin ấy. Và tôi hy vọng rằng khi tôi chết, ngài sẽ tha lỗi cho tôi. Than ôi, trên đời này quá nhiều sự tàn bạo và phi đạo đức! Chính vì thế mà một người bé nhỏ như tôi đã phải tham gia vào nhiều việc đẫm máu. Tôi không biết tôi nghĩ như thế có đúng không, nhưng quả tôi chưa bao giờ ăn cắp, trừ một lần tôi đã lừa lấy đàn súc vật của một gã người Caphơ (Tên cũ gọi chung các dân tộc Đông Nam châu Phi). Và dù chính hắn cũng lừa dối tôi, cho đến nay tôi vẫn cảm thấy lương tâm bị cắn rứt.

Vâng, kể từ ngày tôi gặp Henry và thuyền trưởng Huđơ đến nay đã gần mười tám tháng. Chuyện xẩy ra như sau. Trong lần săn voi ở Banmangoato, ngay từ đầu tôi đã không gặp may, thêm vào đó, tôi lại bị sốt nặng. Vừa khỏe lại một chút, tôi tìm đến các mỏ kim cương, bán hết ngà voi cùng cỗ xe và những con bò kéo, thanh toán với bạn phường săn rồi ngồi lên xe thư đi tới Cap (Tên gọi tắt Keptao). Kêptao, tôi sống một tuần trong khách sạn, nơi mà nhân thể xin nói thêm, rằng người ta đã tính gian của tôi một số tiền khá lớn. Rồi tôi lang thang đi xem hết các danh lam thắng cảnh của thành phố. Tôi tới vườn bách thảo mà theo tôi mang lại rất nhiều ích lợi cho đất nước, tới xem cả toà nhà nghị viện mà tôi cho là hoàn toàn chẳng được tích sự gì. Tôi quyết định trở về Natan bằng chiếc tàu thủy “Danken”. Lúc này nó đang đậu ở cảng chờ tàu “Edinbua Caxla” sắp sửa từ Anh tới. Tôi mua vé, xuống tàu, và trong cùng ngày ấy, hành khách đi Natan chuyển ngay từ tàu “Edinbua Caxla” sang tàu “Danken”. Tàu nhổ neo rồi đi ra biển.

Trong số những hành khách mới xuống tàu Danken có hai người lập tức thu hút sự chú ý của tôi. Một người thuộc dòng dõi quý phái trạc ba mươi tuổi. Tôi chưa bao giờ gặp người nào to lớn như ông ta. Ông ta có mái tóc màu rơm khô, bộ râu rậm, khuôn mặt có những đường nét cân đối và đôi mắt to, sâu, màu xám. Trong đời, tôi cũng chưa thấy ai đẹp như thế, trông ông ta như một người Đan Mạch thời cổ. Nói thế tất nhiên không có nghĩa tôi biết nhiều về những người Đan Mạch cổ. Tôi chỉ biết một người Đan Mạch hiện tại nặng hơn tôi gần năm cân. Tôi nhớ có lần đã nhìn thấy đâu đó một bức tranh vẽ mấy ông quý tộc mà tôi cho là rất giống những người Dulux. Tay họ cầm những chiếc cốc bằng sừng, mái tóc dài buông xuống tận lưng. Bây giờ, nhìn con người này đang đứng cạnh cầu thang lên xuống, tôi cứ nghĩ rằng nếu ông ta để tóc dài hơn tí nữa, mang áo giáp bằng thép che bộ ngực đồ sộ của mình, đeo giáo và tay cầm cốc sừng, thì hoàn toàn có thể đứng làm mẫu cho một bức tranh như thế. Và trong thực tế (quả là một sự trùng hợp lạ lùng), sau này tôi biết được rằng trong cơ thể của Henry Curơtix – tên của con người cao to quý phái kia là thế, – đang chảy mạnh dòng máu của người Đan Mạch. Ông ta làm tôi nhớ tới một người nào Ở đấy , nhưng cụ thể là ai thì tôi không sao nhớ nổi.

Còn người thứ hai đang đứng và nói chuyện với Henry thì lại thuộc một dạng khác. Ngay lập tức tôi đã nghĩ ông ta là sĩ quan hải quân. Tôi không biết vì sao, nhưng rõ ràng là sĩ quan hải quân. Tôi đã có dịp nhiều lần cùng đi săn với họ, và phải nói rằng họ là những người cực kì dũng cảm và đáng yêu, những người như thế thường rất hiếm. Họ chỉ có một thói xấu duy nhất là hay nói tục.

Lúc nãy tôi có tự hỏi: Thế nào là một người tử tế, một đấng quân tử? Bây giờ tôi xin trả lời: Đó là các sĩ quan của Hạm đội Nữ hoàng Anh. Tất nhiên trong số họ cũng có một ít trường hợp ngoại lệ. Tôi cho rằng biển cả bao la và gió mát mang hơi thở của Chúa đã rửa sạch trái tim họ, xua đi các ý nghĩ xấu xa khỏi tiềm thức và biến họ thành những con người chân chính. Nhưng thôi, ta quay lại câu chuyện bỏ dở. Hóa ra cả lần này tôi cũng đoán đúng. Ông ta quả là một sĩ quan hàng hải thật. Sau khi phục vụ một cách hết sức tận tình trong hạm đội của Nữ hoàng đúng mười bảy năm, đùng một cái, bất chấp cả nguyện vọng của ông ta, ông bị thải hồi và được xếp vào ngạch dự bị với chức vụ thuyền trưởng. Số phận của những người tận tuỵ phục vụ Nữ hoàng là thế đấy (Ở đây là Nữ hoàng Victoria (1819 – 1901).

Đang khi sức khỏe tràn trề, có khả năng, thừa kinh nghiệm và hiểu biết thì họ bị quẳng vào cuộc đời giá lạnh và đầy thù hằn mà không một đồng xu dính túi. Cũng có thể họ sẽ chấp nhận điều đó, nhưng tôi thì dù sao tôi cũng thích kiếm sống bằng nghề săn bắn hơn. Tôi cũng sẽ ít tiền như họ, nhưng số phận sẽ không đến nỗi quá trớ trêu như thế. Tên ông ta tôi dò tìm trong bảng danh sách những người đi tàu là Huđơ, thuyền trưởng Giôn Huđơ. Đó là một người khỏe mạnh, không cao nhưng vạm vỡ, tóc màu đen, có vẻ ngoài khá nổi bật. Ông ta ăn mặc vô cùng cẩn thận, râu cạo nhẵn thín và bao giờ cũng mang chiếc kính một mắt ở mắt phải. Tôi cứ có cảm giác như chiếc kính mọc và dính ngay vào mắt, vì ông ta mang nó mà không cần dây, gọng, và chỉ cởi ra những khi cần lau bụi. Tôi nghĩ một cách thơ ngây rằng cả khi ngủ ông ta cũng mang nó. Nhưng không, tôi nhầm. Sau này tôi biết được rằng khi ngủ, ông ta cất nó vào túi quần cùng với hai bộ răng giả cực đẹp, đến nỗi nhiều khi làm tôi phải vi phạm điều răn thứ mười của Chúa(Điều răn thứ mười khuyên không nên ghen tị với người khác), chả là vì răng của tôi không lấy gì làm tốt cho lắm. Nhưng tôi lại đi quá xa về phía trước mất rồi!

Chẳng bao lâu sau khi nhổ neo, đêm ập đến và thời tiết bỗng trở nên xấu hẳn. Gió thổi mạnh từ đất liền tới, xuất hiện sương dày ẩm ướt, và tất cả các hành khách buộc phải rời boong tàu. Chiếc tàu đáy bằng của chúng tôi chở chưa đủ nặng nên nghiêng khá mạnh, nhiều khi tưởng như sắp lật sấp. Nhưng thật may là điều ấy đã không xảy ra. Không thể đứng trên boong được nữa, tôi xuống đứng bên cạnh buồng máy ấm áp, và vì không có việc gì để làm, tôi nhìn vào chiếc máy nhỏ đo độ nghiêng của tàu. Chiếc kim chậm chạp hết quay lên rồi lại xuống, phụ thuộc vào con sóng lớn hay bé.

– Thế mà cũng máy với móc! chỉ sai bét! Tôi bỗng nghe có ai nói bên cạnh, giọng giận dữ.

Quay lại, tôi thấy đó là người sĩ quan hăng hái mà trước Đấy tôi chú ý quan sát.

– Thật ư? Sao ông lại nghĩ thế?

– Nghĩ à? Chẳng có gì phải nghĩ cả! Rồi ông ta nói tiếp khi tàu lấy lại thăng bằng sau một cơn sóng mạnh. Nếu quả thật tàu nghiêng đến cái độ mà cái máy tuyệt diệu này chỉ, thì từ lâu ta đã bị lật úp. Nhưng thử hỏi còn có thể chờ gì hơn ở những gã thuyền trưởng các tàu buôn! Họ là những người cẩu thả đến không thể tin nổi!… Đúng lúc ấy thì có tiếng cồng báo hiệu giờ ăn trưa, làm tôi rất vui mừng, vì phải nghe một sĩ quan của hạm đội Anh mắng chửi các thuyền trưởng tàu buôn thì quả là điều không sao chịu nổi. Xấu hơn điều ấy chỉ có thể là nghe một thuyền trưởng tàu buôn bộc lộ ý kiến thẳng thắn của mình về các sĩ quan của hạm đội Anh!

Tôi và thuyền trưởng Huđơ đi xuống phòng ăn, và ở đấy chúng tôi đã thấy Henry Curơtix đang ngồi sẵn sau bàn. Thuyền trưởng Huđơ ngồi xuống cạnh, còn tôi thì ngồi đối diện. Tôi và thuyền trưởng Huđơ nói về chuyện săn bắn. Ông ta đặt cho tôi nhiều câu hỏi, còn tôi thì cố trả lời một cách đầy đủ nhất. Một lúc sau chuyện chuyển sang đề tài săn voi.

– Thế là các ông gặp may nhé! Một người nào Đấy ngồi gần tôi nói. Nếu có người nào ở đấy biết kể một cách chính xác cho các ông nghe về loại voi, thì đó chỉ có thể là người thợ săn Quotécmên này.

Từ nãy tới giờ lặng lẽ ngồi nghe chúng tôi nói chuyện, vừa nghe mấy tiếng cuối cùng, Henry khẽ rùng mình.

– Xin lỗi – Ông ta nói bằng giọng trầm thấp, đúng như cái giọng của một người có bộ ngực khổng lồ như thế phải có. Thưa ông, có phải ông là Alan Quotecmen không ạ!

Tôi đáp rằng quả đúng như thế.

Henry không còn quay về phía tôi nữa, nhưng tôi vẫn nghe ông khẽ nói thầm: “Chà! May quá!”.

Sau bữa ăn trưa, khi chúng tôi đi ra khỏi phòng ăn. Henry mời tôi vào phòng ông hút thuốc. Tôi nhận lời, và chúng tôi cùng thuyền trưởng Huđơ vào phòng Henry. Đó là một căn phòng tuyệt đẹp, rộng, có cửa nhìn thẳng lên boong, một thời đã từng là hai phòng riêng biệt, nhưng bị người nào đấy trong số các nhân vật quan trọng của ta khi dùng tàu này đi dạo quanh bờ biển, đã tháo bỏ bức tường ngăn che, nhưng sau lại quên lắp vào chỗ cũ. Trong phòng có một chiếc đi văng với một chiếc bàn con trước mặt. Henry nhờ người phục vụ mang tới một chai uýtki, rồi cả ba chúng tôi ngồi xuống bắt đầu hút thuốc.

– Thưa ông Quotécmên, Henry nói với tôi khi người phục vụ mang rượu tới và thắp đèn. Năm kia, cũng vào khoảng thời gian này, hình như ông đang ở một làng nhỏ bé có tên là Bamangoato, phía bắc Transvaan phải không?

– Vâng, tôi ở đấy. Tôi đáp, hơi ngạc nhiên vì sao con người không quen biết này lại biết rõ như thế về cuộc hành trình lang thang của tôi, mà tôi cho là chẳng có gì đáng để ý đến.

– Ông bán hàng ở đấy à? – Huđơ hỏi tôi, vẻ chăm chú.

– Vâng.

Henry ngồi đối diện tôi trong một chiếc ghế đan, tay tì vào bàn. Ông ta nhìn thẳng vào mặt tôi bằng đôi mắt xám tinh tường của mình, và tôi có cảm giác như cái nhìn của ông để lộ một thoáng lo lắng khó hiểu nào đó.

– Đấy ông không gặp người nào tên là Nevin à?

Sao lại không, tất nhiên là tôi gặp! Ông ta cho đỗ xe cạnh xe tôi và ở đấy hai tuần để đàn bò kéo được nghỉ ngơi trước khi đi sâu vào nội địa. Cách đây mấy tháng, tôi có nhận được thư của một ông luật sư nào đó yêu cầu tôi báo tin về Nevin. Tôi lập tức báo cho ông ta những gì tôi biết.

-Vâng, Henry nói. – Ông ta đã gửi bức thư của ông cho tôi. Trong thư ông nói rằng có một người tên là Nevin đã rời Bamangoato từ đầu tháng năm bằng xe bò kéo với một người đánh xe và một người dẫn đường Caphơ tên là Jim; rằng Nevin có nói là ông ta định và nếu có thể, sẽ đi tới tận, điểm buôn bán cuối cùng của xứ Motabl. Đấy ông ta bán xe và đi bộ tiếp. Ông cũng bảo rằng quả thật ông ta đã bán xe, vì sau đó sáu tháng, ông có thấy ông ta ở nhà một nhà buôn Bồ Đào Nha nào đó. Người này có kể lại với ông rằng ông ta đã mua cỗ xe của một người da trắng mà ông ta không nhớ tên, và có lẽ người da trắng ấy cùng với người hầu bản xứ đã đi sâu vào nội địa để săn bắn.

– Tất cả đều đúng như thế, – Tôi nói.

Tiếp đến mọi người cùng im lặng.

– Thưa ông Quotécmên, bỗng Henry lên tiếng. Tôi nghĩ có thể ông không biết hoặc không đoán biết nguyên nhân nào đã đưa người… đưa ông Nevin đến quyết định làm một chuyến du hành lên phía bắc?

– Tôi có nghe đôi điều về chuyện này. Tôi đáp rồi ngồi im vì không muốn đả động đến đề tài ấy.

Henry và Huđơ đưa mắt nhìn nhau, rồi Huđơ gật đầu một cách đầy hàm ý.

– Thưa ông Quotécmên. – Henry nói. – Tôi muốn kể cho ông nghe một câu chuyện và xin ông khuyên bảo, có thể là giúp đỡ nữa. Luật sư của tôi có đưa bức thư của ông cho tôi, và nói rằng tôi hoàn toàn có thể tin tưởng ở ông. Theo lời ông ta thì mọi người ở Natan đều biết và kính trọng ông. Ngoài ra, ông ta còn nói rằng ông là người biết giữ bí mật.

Tôi cúi xuống uống một ngụm rượu uýtki pha loãng để che giấu sự lúng túng của mình, vì tôi là người khiêm tốn hay cả thẹn. Henry nói tiếp:

– Thưa ông Quotécmên, tôi cần phải cho ông biết sự thật: Nevin là em trai tôi.

– Ồ, tôi giật mình thốt lên.

Bây giờ thì tôi hiểu Henry làm tôi nhớ đến ai khi lần đầu mới gặp. Nevin có khổ người nhỏ hơn, râu đen, nhưng đôi mắt vẫn màu xám và tinh nhanh như thế. Mặt của hai người cũng có nhiều nét giống nhau.

– Nevin là em út và là em duy nhất của tôi, Henry nói tiếp và chúng tôi bắt đầu xa nhau cách đây độ năm năm. Trước ở đấy, chúng tôi chẳng bao giờ xa nhau, dù chỉ một tháng. Nhưng năm năm về trước, một tai họa đã đổ xuống đầu chúng tôi: tôi và Nevin đã cãi nhau gay gắt (điều ấy đôi khi vẫn xảy ra, ngay cả với những người ruột thịt). Lúc ấy tôi đã xử sự không công bằng lắm.

Đến đây, như để khẳng định rằng quả đúng như thế Huđơ gật đầu lia lịa. Đúng lúc ấy tàu của chúng tôi nghiêng hẳn về một bên, và cái đầu luôn gật gật của ông thuyền trưởng in rõ trong chiếc gương ở ngay trên đầu tôi.

Tôi nghĩ chắc ông biết, Henry nói tiếp, rằng khi một người chết mà không để lại di chúc và không có tài sản nào khác ngoài đất đai, cái mà ở nước Anh gọi là bất động sản, thì tất cả quyền thừa kế được trao cho người con cả. Ngẫu nhiên đúng lúc chúng tôi cãi nhau thì bố chúng tôi chết, và cũng không để lại di chúc. Thành ra em tôi không được hưởng một tí gì, không đồng xu dính túi và cũng chẳng nghề nghiệp. Tất nhiên tôi phải có nghĩa vụ giúp đỡ, nhưng lúc ấy quan hệ giữa chúng tôi căng thẳng đến mức tôi phải xấu hổ mà nói rằng… (Ông thở dài một cách chua xót) rằng tôi đã chẳng làm gì để giúp em tôi. Không phải vì tôi muốn xử tệ, mà muốn em tôi là người đầu tiên chủ động hòa giải, nhưng em tôi đã không làm thế. Xin lỗi vì tôi đã bắt ông phải nghe quá chi tiết như vậy, nhưng đối với ông, mọi cái cần phải được sáng tỏ. Có đúng thế không, ông Huđơ?

– Tất nhiên là thế, ông thuyền trưởng đáp. – Tôi tin là ông Quotécmên sẽ không để ai biết chuyện này.

– Vâng, vâng. Tôi nói, các ông cứ yên tâm. Cũng cần phải nói thêm rằng tôi rất tự hào là người biết giữ bí mật.

– Vậy là, Henry kể tiếp, lúc ấy em tôi chỉ có mấy trăm đồng bảng (Đơn vị tiền tệ Anh) ở nhà băng. Không nói với tôi một lời nào, em tôi lấy số tiền ít ỏi đó rồi lên đường đi Nam Phi dưới cái tên giả Nevin, với ước mơ điên rồ mau chóng trở thành giàu có. Điều này mãi sau này tôi mới biết. Ba năm trôi qua. Tôi không biết tin gì về em trai, mặc dù có viết thư mấy lần. Tất nhiên em tôi không nhận được chúng. Càng ngày tôi càng lo lắng thêm về số phận của em tôi. Tôi là người hiểu rõ thế nào là tình cảm ruột thịt, thưa ông Quotécmên.

– Vâng, hẳn thế. – Tôi khẽ đáp và chợt nghĩ về Henry, con trai tôi.

– Tôi sẵn sàng chịu mất cả nửa gia tài của tôi để được biết rằng em tôi còn sống, khỏe mạnh và tôi có thể gặp lại!

– Nhưng để làm được điều ấy thì hi vọng không thôi chưa đủ, ông Henry ạ. – Thuyền trưởng Huđơ vừa nói tiếng một, vừa nhìn Henry.

Thế đấy, thưa ông Quotécmên, càng ngày tôi càng muốn biết em tôi còn sống hay không, và nếu sống thì làm thế nào đưa được về nhà. Tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được để tìm kiếm, và kết quả là nhận được bức thư của ông. Các tin tức tôi thu thập được đều đáng mừng, vì qua chúng, tôi biết rằng cách đây không lâu George, em tôi, còn sống. Nhưng những gì xảy ra tiếp theo thì còn là một điều bí mật. Nói tóm lại, tôi quyết định tự mình đến đây để tìm George, và thuyền trưởng Huđơ đã đồng ý cùng đi với tôi

Ông biết đấy, ông thuyền trưởng lên tiếng. Dù sao thì tôi cũng chẳng còn việc gì khác để làm. Các huân tước cầm đầu bộ tư lệnh hải quân đã đuổi tôi khỏi hạm đội để chết đói với đồng lương chỉ còn một nửa. Còn bây giờ, thưa ông, xin ông hãy nói cho chúng tôi tất cả những gì ông biết về con người mang tên Nevin nọ.

Tôi cho thuốc vào tẩu, thong thả chưa muốn trả lời vội.

– Thế ông đã nghe được những gì về cuộc hành trình tiếp theo của em tôi? Đến lượt mình, Henry hỏi.

– Tôi biết được một điều mà, – Tôi đáp, – cho đến nay tôi chưa hé lộ cho ai biết, rằng em trai ông đã lên đường đi tìm kho báu của vua Xolomon (Vua của dân tộc Ixraen, 1020-980 trước Công nguyên).

– Kho báu của vua Xolomon? – Cả hai người nghe xong cùng thốt lên. – Nhưng nó nằm ở đâu?

– Tôi không biết, – Tôi nói. – Tôi chỉ nghe người ta đồn đại về nó. Thật ra thì đã có lần tôi nhìn thấy đỉnh của những ngọn núi mà phía bên kia là kho báu của vua Xolomon, nhưng giữa tôi và những ngọn núi ấy là cả một sa mạc rộng tới một trăm ba mươi dặm, và như tôi được biết, chưa hề có người da trắng nào, trừ một người duy nhất, vượt qua nổi sa mạc ấy. Hay tốt hơn để tôi kể các ông nghe truyền thuyết về kho báu của vua Xolomon mà tôi đã nghe được? Nhưng các ông phải hứa với tôi rằng nếu không được tôi cho phép, các ông sẽ không nói lại với bất kì ai, được không? Tôi có những lý do chính đáng để yêu cầu các ông điều ấy.

Henry gật đầu đồng ý, còn thuyền trưởng Huđơ thì nói:

– Tất nhiên, tất nhiên!

– Vâng, tôi xin bắt đầu, – Tôi nói. – Chắc các ông cũng biết rằng làm nghề săn voi là những người thô lỗ và thực tế. Họ không quan tâm gì hơn ngoài những việc sinh hoạt hàng ngày và các phong tục của thổ dân Caphơ. Kể ra đôi lúc trong số họ cũng có người thích thu thập các truyền thuyết của người bản xứ, để qua đó cố hình dung phần nào lịch sử của đất nước đầy bí hiểm mà mình đang sống. Chính từ một người như thế, lần đầu tiên tôi được nghe về kho báu của vua Xolomon. Điều này xẩy ra cách đây gần ba mươi năm, trong chuyến săn voi đầu tiên của tôi ở xứ Motablâ. Người ấy tên là Ivan. Một năm sau thì anh ta chết. Một con trâu bị thương đã húc anh ta, tội nghiệp. Anh ta được chôn gần thác nước Dămbêdi. Tôi nhớ một lần vào ban đêm, tôi kể cho anh ta nghe về cái mỏ quặng kì lạ mà tôi gặp trong khi săn sơn dương, Cudu ( (2) Các loài khác nhau thuộc họ sơn dương.) và Cany (2) ở khu vực mà giờ được gọi là Lideburg thuộc Tifranxvaan. Tôi nghe nói cách đây không lâu các nhà công nghiệp vàng lại lần nữa khám phá ra khu mỏ này, nhưng tôi đã biết về nó từ nhiều năm trước. Ở đấy, xuyên qua núi đá dựng đứng, người ta làm một con đường rộng dẫn vào mỏ hoặc hầm ngầm. Trong hầm chứa những đống thạch anh có hàm lượng vàng đã chuẩn bị sẵn để nghiền…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.