Kho báu của vua Solomon

Chương 15: LÂU ĐÀI THẦN CHẾT



Ba ngày trôi qua kể từ cảnh vừa miêu tả trên. Lúc ấy trời đã xẩm tối, chúng tôi nghỉ lại ở trong một vài ngôi nhà dưới chân Ba phù thủy – đó là tên của những hòn núi đứng chụm thành hình tam giác, mà đỉnh là điểm kết thúc của Con đường Xolomon Vĩ đại. Cùng đi theo chúng tôi có Phulata, người hầu như bao giờ cũng bám sát Huđơ; ngoài ra còn có Inphadux, Gagula và một toán lính vừa người hầu. Gagula được khiêng trên cáng, suốt ngày mụ luôn miệng chửi rủa.

Những dãy núi, hay nói đúng hơn là những đỉnh núi cao, chắc được tạo thành sau một trận địa chấn lớn, và như tôi nói, đứng chụm thành hình tam giác mà đỉnh quay về phía chúng tôi. Một núi ở về phía phải, một núi phía trái, còn núi thứ ba thì ở ngay trước mặt.

Trước chúng tôi, như một dải băng trắng, Còn đường Xolomon Vĩ đại chạy kéo dài lên đến chân đỉnh núi chính giữa cách chúng tôi khoảng năm dặm. Con đường kết thúc ở đấy .

Thật khó mà diễn tả nổi sự hồi hộp của chúng tôi lúc lên đường đi tiếp vào sáng hôm ấy. Có lẽ để bạn đọc tự hình dung điều ấy thì tốt hơn. Vì cuối cùng thế là chúng tôi đang tới gần những kho báu kì diệu đã từng là nguyên nhân cái chết bi thảm không chỉ của ông già Bồ Đào Nha ba trăm năm trước đây, mà còn của người bà con xa xôi của ông ta, và như chúng tôi nghĩ, còn của cả George Curơtix em trai Henry nữa.

Sau chừng ấy gian khổ mà chúng tôi đã trải qua, liệu chúng tôi có được một số phận may mắn hơn không? Bất hạnh đã đổ xuống đầu họ, như mụ phù thủy già Gagula đã nói. Còn chúng tôi thì sao? Cách này hay cách khác, khi đi những đoạn cuối cùng của Con đường Xolomon Vĩ đại, tôi không thể không cảm thấy sợ hãi, và nghĩ rằng cả Huđơ và Henry cũng thế.

Cứ thế, hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi bước lên phía trước theo con đường có lau sậy mọc hai bên. Vì quá hồi hộp, chúng tôi đi nhanh đến nỗi phải vất vả lắm những người khiêng cáng Gagula mới đuổi kịp, còn mụ thì luôn kêu ré lên, bắt chúng tôi phải dừng lại.

– Hỡi những người da trắng! Đi chậm thôi! – Mụ vừa kêu to, vừa ló khuôn mặt nhăn nheo gớm ghiếc ra khỏi tấm vải che, hướng đôi mắt nẩy lửa, trân trân về phía chúng tôi. – Hỡi những người đi tìm kho báu, các ngươi vội đi đến cái chết như thế làm gì? – Rồi mụ phá lên cười một cách man rợ, khiến tôi lạnh cả xương sống. Tiếng cười của mụ làm chúng tôi đỡ hăng hái trong chốc lát.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cương quyết đi về phía trước, cho đến khi cuối cùng thấy ngay trước mặt một hình phễu khổng lồ có bờ dốc thoai thoải sâu ít nhất cũng một trăm mét, chu vi hơn nửa dặm.

– Chắc các ông đoán hiểu đấy là cái gì? – Tôi quay sang nói với Henry và Huđơ lúc này đang ngạc nhiên nhìn cái hố sâu vĩ đại.

Họ lắc đầu không biết.

– Nếu thế chắc các ông chưa bao giờ thấy các mỏ kim cương ở Kimbecli. Có thể nói một cách chắc chắn rằng đây chính là mỏ kim cương của Xolomon. Các ông hãy nhìn đây, – tôi nói rồi chỉ những lớp đất sét màu xanh nhạt nằm rải rác giữa các bãi cỏ và lùm cây quanh mỏ. – Đây là thứ đất thường có ở mỏ kim cương. Tôi tin nếu xuống mỏ, chúng ta sẽ tìm thấy các quặng có chứa kim cương. Còn bây giờ hãy nhìn đây nữa, – tôi đưa tay chỉ những tảng đá bằng phẳng nằm ngay dưới chỗ thoát nước. – Tôi sẽ không còn là tôi, nếu các tấm đá này ngày xưa không phải là chỗ để rửa quặng.

Ngay trên miệng của chiếc hố khổng lồ mà chúng tôi tin chắc là chiếc mỏ được ông già Bồ Đào Nha đánh dấu trên bản đồ. Con đường vĩ đại chia làm hai và bao quanh nó, nhiều chỗ được đắp hai bên bằng những tảng đá lớn, chắc là để giữ cho mép hình chắc khỏi lở. Chúng tôi bước nhanh vì muốn mau chóng biết rõ ba hình người khổng lồ ở bờ hố đối diện là cái gì. Đến gần, chúng tôi hiểu đó là những bức tượng đá và đoán không sai rằng chính chúng là ba Thần Im lặng đã làm dân chúng Cucuan luôn sợ hãi bao đời nay. Nhưng chỉ khi đến thật gần, chúng tôi mới thấy hết trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của nó.

Trên chân tượng được làm bằng những khối đá màu xám có khắc những tượng hình nào đó. Phía trên là ba bức tượng đá miêu tả hai người đàn ông và một người đàn bà nhìn theo con đường chạy về phía Luu cách đây khoảng sáu mươi dặm. Từ chân tượng tới đỉnh mỗi tượng cao gần sáu mét.

Một trong ba bức tượng miêu tả một người phụ nữ trần truồng, đẹp một cách độc đáo và nghiêm khắc, rất tiếc là các đường nét của khuôn mặt đã bị thời gian làm hỏng nặng, vì trong vòng nhiều thế kỉ qua, thời tiết khí hậu không thể không tác động đến nó. Trên đầu cô ta là hình lưỡi liềm của mặt trăng đầu tháng. Trái với cô ta, hai hình người đàn ông được miêu tả trong những bộ quần áo chỉnh tề. Khuôn mặt họ rất đáng sợ, nhất là người ngồi bên phải. Trông ông ta như một con quỷ. Còn khuôn mặt người ngồi phía trái thì có vẻ thanh thản, bình tĩnh nhưng là một sự thanh thản bình tĩnh đáng sợ. Nó bộc lộ một sự độc ác ghê gớm. Cả ba hình người ngồi lặng lẽ kề bên nhau trên đỉnh cao và hàng trăm năm nay đưa mắt nhìn xuống đồng bằng phía dưới, đúng là đã tạo nên một ấn tượng khủng khiếp.

Nhìn các Thần im lặng, như người Cucuan vẫn gọi, chúng tôi rất muốn biết ai là người đã chạm những bức tượng đá này, đã làm nên con đường và đào lòng mỏ khổng lồ này. Trong khi sững sờ ngắm nhìn các bức tượng, bỗng nhiên tôi nhớ (tôi biết rất rõ về Kinh Cựu Ước), rằng có thời vua Xolomon đã từ bỏ tôn giáo của mình để thờ các thần xa lạ. Tôi cũng nhớ rằng tên của ba trong các vị thần đó là: Axtoret – Nữ thần Xiđônhian; Xemot – thần của những người Moabit; và Miacôm – thần bảo vệ trẻ em của xứ Ammon. Tôi đem ý kiến của mình nói cho các bạn đường nghe rằng ba bức tượng đang ngồi cao trước mặt chúng tôi có thể là những vị thần đó.

– Có thể là thế, trong giả thiết của ông không phải không có phần sự thật, – Henry trầm ngâm đáp. Ông là người hiểu biết rất rộng, và thời còn học ở trường đại học, ông đã đạt được nhiều thành tích lớn trong việc nghiên cứu các tác phẩm cổ điển.- Vì thần Axtoret của người Do Thái cổ, – ông nói tiếp, – được người Finiki gọi là thần Axtátta. Dưới thời vua Xolomon, người Finiki nổi tiếng về nghê buôn bán. Họ thường miêu tả nữ thần Axtátta mà say này người hi Lạp gọi là Afrođít với hai chiếc sừng giống như hai nửa của vầng trăng đầu tháng. Trên đầu của người phụ nữ này cũng có hai chiếc sừng như vậy. Có thể những bức tượng này do một người Finiki giàu có trông coi các khu mỏ này cho dựng lên. Ai mà biết được?

Khi Inphđux đi đến, chúng tôi vẫn còn mải ngắm nghía những bức tượng kì lạ của thời cổ. Đầu tiên, ông ta giơ giáo chào các Thần Im lặng, sau đó quay sang chúng tôi, hỏi xem chúng tôi có muốn vào ngay Lâu đài Thần chết hay không, hay chờ ăn trưa xong đã. Ông ta nói nếu chúng tôi muốn đi ngay bây giờ, thì Gagula sẽ sẵn sàng làm người dẫn đường. Vì còn chưa đến mười một giờ, lại bị tính tò mò kích động, chúng tôi nói là muốn đi ngay lập tức. Tôi đề nghị là để dự phòng, nên mang theo một ít thức ăn vào hang.

Người ta mang cáng chở Gagula tới, và mụ già đáng kính ấy đưa mắt hằn học nhìn chúng tôi. Trong khi đó thì Phulata theo đề nghị của tôi, đang cho vào chiếc giỏ mây một ít thịt phơi khô và hai bình đựng đầy nước uống.

Ngay trước mặt chúng tôi, cách lưng các bức tượng Thần Im lặng là một bức tượng bằng đá cao không dưới hai mươi tư mét. Càng lên cao, núi đá càng thu hẹp dần và tạo thành một đỉnh chót vót phủ tuyết cao gần một nghìn mét. Vừa tuột khỏi cáng Gagula liền liếc nhìn chúng tôi một cách độc ác, rồi mụ chống gậy đi về phía dốc đá. Chúng tôi đi theo và chẳng bao lâu tới một cửa miệng hẹp được viền tròn xung quanh trông như cửa vào hầm đó.

Gagula chờ chúng tôi ở đây. Trên khuôn mặt khủng khiếp của mụ vẫn còn phảng phất nụ cười chế giễu.

– Thế nào, hỡi những người da trắng từ các vì sao xuống đây, – mụ kêu the thé.- Hỡi các chiến binh Incubu, Buguan vĩ đại, và hỡi Macumazan thông minh, các ông đã sẵn sàng chưa? Các ông thấy đấy , tôi đến đây theo lệnh của vua, và là ông chủ của tôi, để chỉ cho các ông xem kho báu chứa đầy các viên đá lóng lánh.

– Chúng tôi đã sẵn sàng, – tôi nói.

– Được! Được! Hãy chuẩn bị tinh thần để khỏi ngất ngã trước những gì các ông sắp thấy. Ông có đi với chúng tôi không. Inphadux, người đã phản bội ông chủ của mình.

Inphadux đáp:

– Không, ta không đi. Ta không được phép vào đó. Nhưng ngươi, Gagula, hãy cẩn thận với cái lưỡi độc ác của ngươi, và đừng có giở trò gì với các ông chủ da trắng. Ngươi phải chịu trách nhiệm với họ trước ta, nếu chỉ dù một sợi tóc nhỏ rơi khỏi đầu họ, thì ngay lập tức ngươi sẽ bị giết chết, cho dù ngươi quả là phù thuỷ đi nữa. Ngươi nghe ta nói chứ?

– Vâng, tôi nghe, Inphadux. Tôi biết ông rất rõ! Bao giờ ông cũng thích nói những lời huyênh hoang. Tôi nhớ khi còn nhỏ ông đã từng đe dọa cả chính mẹ mình. Điều này vừa mới xẩy ra thôi. Nhưng đừng sợ, đừng sợ, tôi sống chỉ để phục tùng ý vua. Tôi đã làm theo lệnh của rất nhiều vua, Inphadux, cho đến khi cuối cùng họ phải theo lệnh của tôi. Ha! Ha! Bây giờ tôi đi tới đây để một lần nữa nhìn lại khuôn mặt họ và của Tuala! Nào, ta cùng đi, cùng đi nào! Đến đây. – Rồi mụ rút ra từ chiếc áo lông của mình một quả bầu lớn rỗng ruột đựng đầy mỡ dùng làm đèn, bấc thắp là ruột sậy. – Cô có đi với tôi không, Phulata? – Huđơ nói bằng thứ tiếng Cucuan sai một cách khủng khiếp, thứ tiếng mà thời gian gần đây ông ta cố học bằng được dưới sự hướng dẫn của cô gái trẻ xinh đẹp.

– Thưa ông chủ, tôi sợ lắm,- Phulata rụt rè nói.

– Thế thì đưa giỏ đây cho tôi.

– Không thưa ông chủ. Ông đi đâu, tôi sẽ đi theo tới đó.

Chắc thế nào cô ta cũng đi cho mà xem, quỷ quái thật! – tôi thầm nghĩ, – rồi sẽ khối chuyện phiền toái xẩy ra khi rời khỏi đây để về lại quê hương. Sau đó, hoàn toàn không còn giữ ý tứ gì nữa, Gagula chui vào một lối đi rất tối nhưng đủ rộng để hai người cùng đi một lúc. Mụ the thé ra lệnh cho chúng tôi đi theo, và chúng tôi đã đi theo, mặc dù không yên tâm lắm. Tiếng vỗ cánh đột ngột của một con gì đó hoảng sợ khi thấy chúng tôi xuất hiện càng làm tăng sự hồi hộp của mọi người.

– Ê! Cái gì thế này nhỉ? – Huđơ kêu lên. – Có cái gì Đấy đánh vào mặt tôi.

– Dơi đấy , – tôi nói. – Đi tiếp đi!

Được khoảng năm mươi bước, chúng tôi nhận thấy lối đi trở nên sáng lên. Một phút sau chúng tôi đã đứng giữa một chỗ rất kì lạ mà chắc ít người từng gặp.

Bạn đọc hãy tưởng tượng phần bên trong của một ngôi nhà cực lớn mà bạn đọc đã có dịp bước vào, lúc ấy bạn đọc có thể ít nhiều tưởng tượng ra kích thước của hang núi khổng lồ mà chúng tôi đang rơi vào. Nhưng ngôi nhà do thiên nhiên, nhà kiến trúc sư vĩ đại tạo nên này, còn cao và rộng hơn bất cứ ngôi nhà nào do con người xây dựng. Không có cửa sổ nhưng ánh sáng yếu ớt vẫn dọi đâu đó từ trên xuống. Có lẽ trên nóc hang cao hàng ba bốn chục mét có đặt các ống thông hơi để lấy không khí. Nhưng trong tất cả những điều kì lạ chúng tôi đang chứng kiến, kích thước khổng lồ của hang đá mới chỉ là điều kì lạ nhỏ nhất. Suốt chiều dài của hang đá là những hàng cột cao to tướng như được làm bằng nước đóng băng. Mà quả thế thật, chúng là những cột thạch nhũ do nước nhỏ nhiều năm mà thành. Không ai có thể nói hết sự hùng vĩ và vẻ đẹp tuyệt vời của những cột đá trắng này. Một vài cột dưới chân có đường kính không ít hơn sáu mét, vươn cao lên nóc hang một cách đồ sộ, nhưng đồng thời thanh thoát. Một số cột khác còn đang trong quá trình hình thành, và theo lời của Henry thì trông giống như những cột đá đổ vỡ ở các đền thờ hi Lạp. Còn cao trên nóc hang là hình mờ mờ của những vú đá khổng lồ treo thõng xuống dưới.

Chúng tôi lặng lẽ ngạc nhiên chiêm ngưỡng cảnh tượng hùng vĩ này trong khi tai vẫn nghe rõ sự hình thành của các cột đá, vì chốc chốc từ một chiếc vú đá nào đấy treo trên cao một giọt nước lại khẽ rơi xuống cột đá đang đứng giữa hang. Một số cột đá các giọt nước rơi cách nhau từ hai đến ba phút. Sẽ rất thú vị nếu chúng ta tính với tốc độ nước rơi như thế, thì trong bao lâu mới tạo được một cột đá cao hai mươi tư mét, đường kính ba mét.

Tôi xin dẫn ra đây một thí dụ để chứng minh rằng quá trình ấy xẩy ra chậm như thế nào. Trên một cột đá chúng tôi phát hiện thấy hình khắc thô sơ của một ngôi mộ, trên đầu có một tượng thần ngồi. Đó chắc là một trong các thần Ai Cập do bàn tay của một người nào đó ngày xưa làm việc ở mỏ kim cương tạo nên. Người thợ điêu khắc vô danh ấy đã tạc “tác phẩm nghệ thuật” của mình có kích thước bằng người thật, nghĩa là cao khoảng một mét sáu mươi. Thì ra ở bất kì thời nào kể từ thời cổ đại của những người Finiki cho tới các cậu bé người Anh hiện nay, bao giờ cũng có những anh lười muốn biến mình thành bất tử thông qua các tác phẩm tuyệt mĩ do thiên nhiên tạo nên. Tuy nhiên, nhìn kĩ hình khắc cách đây gần ba nghìn năm, chúng tôi nhận thấy nó đã được bồi lên một lớp nhũ thạch cao chỉ một mét rưỡi, và quá trình tạo thành của cột đá còn lâu mới kết thúc, từ đây có thể tính được tốc độ của nó: ba mươi xăngtimét một nghìn năm, hay nói cách khác, sau một trăm năm cột đá mới cao thêm được ba xăngtimét. Trong khi làm các phép tính ấy, chúng tôi đứng bên chân cột đá và lắng nghe tiếng rơi đều đều của những giọt nước. Trong một vài trường hợp, nhũ thạch có hình dạng rất kì dị, đặt biệt là ở những nơi nước rơi vào không đúng một điểm. Thí dụ có một miếng nhũ thạch to có lẽ phải nặng tới một trăm tấn có hình như chiếc bàn giảng đạo trong nhà thờ, bên ngoài được bao bọc bằng một lớp hoa văn nổi rất đẹp như hình thêu trên vải. Những tảng khác cũng có những hình thù quái dị, còn trên tường xung quanh hang nổi lên những đường hoa văn đẹp hình quạt, như thể được khắc lên ngà voi, hay hình băng mỏng bám lên mặt kính cửa sổ.

Từ lòng hang chính khổng lồ có rất nhiều lối đi ra những hang khác nhỏ hơn, mà Henry nói là giống các cửa dẫn đến những phòng nhỏ trong một ngôi nhà thờ lớn. Trong số đó có nhiều hang thật lớn, nhưng cũng có một vài hang hoàn toàn giống hang đá khổng lồ đầu tiên; trong đó các giọt nước cũng rơi từ những vú đá tí hon, và các cột đá trắng cũng được hình thành như vậy.

Thật tiếc là chúng tôi không đủ thời gian quan sát một cách kĩ lưỡng như mong muốn, vì Gagula tỏ ra hoàn toàn thờ ơ đối với các hình thù do nhũ thạch tạo thành và rõ ràng là mụ đang muốn kết thúc càng sớm càng tốt. Điều này làm tôi rất bực mình, nhất là vì tôi đang khao khát được biết bằng cách nào ánh sáng lọt vào hang đá – nhờ bàn tay con người, hay thiên nhiên tạo ra? Nhưng rồi chúng tôi cũng tự an ủi, rằng lúc quay lại sẽ xem xét kĩ hơn, còn lúc này thì phải đi theo mụ dẫn đường kinh khủng thúc giục. Mụ dẫn chúng tôi đi tiếp, đi tiếp cho tới tận góc cuối cùng của một hang núi khổng lồ lặng lẽ. Đấy chúng tôi nhìn thấy một lối cửa khác. Nó không được viền tròn phía trên như cửa đầu tiên, mà có hình vuông giống cửa ra vào của một ngôi đền Ai Cập.

– Các ông đã sẵn sàng bước vào Lâu đài Thần chết chưa? – Gagula hỏi, rõ ràng là có ý định làm chúng tôi kinh sợ.

– Dẫn chúng tôi vào đi, Mácđúp (Tên một quý tộc phong kiến Xcốtlen, một trong những thủ lĩnh cầm đầu cuộc nổi dậy chống vua Macbet (thế kỷ XI). – Huđơ nói to, giọng long trọngvà cố làm ra vẻ ông ta không biết sợ là gì.

Tất cả chúng tôi cũng giả vờ tỏ ra bình tĩnh trừ Phulata. Cô ta luôn nắm chặt tay Huđơ như chờ đợi được che chở.

– Giờ thì có vẻ đáng sợ thật. – Henry vừa nói vừa nhìn vào lỗ hổng của lối cửa. – Ông đi trước đi, Quotécmên; Seniores priores (Tiếng La tinh người lớn tuổi đi trước.) Đừng để bà già đáng kính kia phải đợi, – rồi ông lịch sự nhường tôi đi trước, điều mà trong thâm tâm tôi không cảm ơn ông một chút nào.

Cạch! Cạch! – Chiếc gậy của Gagula gõ xuống nền đá. Mụ chống gậy bước lên phía trước theo lối đi mờ tối. Miệng vẫn không ngớt cười châm chọc. Hoảng sợ vì mối lo sẽ gặp một điều gì nguy hiểm nào Đấy chưa biết trước, tôi bắt đầu đi chậm lại.

– Nào, đi đi chứ, ông bạn. Huđơ nói, – nếu không ta sẽ bị bà dẫn đường xinh đẹp kia bỏ rơi.

Sau lời nhận xét ấy tôi đi nhanh hơn và sau khoảng hai mươi bước thì đến một hang đá ảm đạm dài độ mười hai mét, cao và rộng gần mười mét. Rõ ràng cái hang này được bàn tay con người đẽo thành từ thời xa xưa. Nó được chiếu sáng kém hơn hang thạch nhũ khổng lồ mà chúng tôi vừa đi qua.

Vật duy nhất mà tôi nhận ra trong bóng tối ngay cái nhìn đầu tiên là một cái bàn đá rất rộng trải theo suốt chiều dài cửa hang. Phía trên là một hình gì đấy to lớn màu trắng. Xung quanh bàn là những hình người bình thường màu trắng đang ngồi. Sau đó tôi nhìn thấy ở chính giữa bàn có một vật màu nâu, còn mấy giây sau, khi mắt đã quen với bóng tối, tôi nhìn kĩ và hiểu được những hình màu trắng đó là gì, liền bỏ chạy với một tốc độ lớn nhất mà đôi chân cho phép.

Nói chung, tôi không phải là người mắc bệnh thần kinh, cũng không mê tín chút nào, vì tôi đã được nhiều lần chứng kiến nhiều cảnh lố bịch của sự mê tín nhưng lúc này phải nói rằng những điều vừa nhìn thấy đã làm tôi hoảng sợ đến mức nếu không bị Henry ôm lấy bụng giữ chặt thì chắc chắn sau năm phút tôi đã bỏ chạy khỏi hang. Thậm chí nếu như người ta có cho tôi tất cả kim cương của mỏ Kimbecli, tôi cũng chẳng chịu quay lại. Nhưng Henry giữ tôi rất chặt thành ra tôi chẳng còn biết làm gì khác ngoài việc đành quy phục số phận.

Một giây sau, khi mắt Henry cũng quen với bóng tối, ông liền thả tôi ra và bắt đầu lấy tay lau những giọt mồ hôi lạnh trên trán. Huđơ thì khẽ văng tục còn Phulata rú lên, ôm lấy cổ ông ta.

Chỉ một mình Gagula là cười thành tiếng, to và liên tục. Cảnh tượng chúng tôi nhìn thấy quả đúng là đáng sợ thật. Trong một góc của chiếc bàn đá dài chính Thần chết đang ngồi dưới dạng một bộ xương người khổng lồ cao gần năm mét, giữ trong những đốt xương tay một mũi giáo to màu trắng. Mũi giáo được giơ cao như đang chuẩn bị đâm. Một cánh tay khác tì lên chiếc bàn đá như một người đang chống tay định đứng dậy. Cả bộ xương người cúi hẳn về phía trước như chực vồ lấy chúng tôi. Hai hố mắt của nó hướng về phía chúng tôi, còn hai hàm răng thì hé mở như đang chuẩn bị nói thành lời.

– Ôi, lạy Chúa! – Cuối cùng tôi phải kêu lên.- Đây là cái gì thế này?

– Còn những hình này là gì? – Huđơ hỏi, tay chỉ những hình màu trắng ngồi sau bàn.

– Và cái vật kia là gì? Quỷ quái thật – Henry hồi hộp nói, tay chỉ vào vật màu xám đang ngồi xổm trên bàn.

– Ha! Ha! Ha! Gagula cười to. – Tai họa sẽ đổ xuống đầu người nào bước vào Lâu đài thần chết. Hí! Hí! Hí! Ha! Ha! Ha! Hãy đến gần thêm nữa, hỡi Incubu, một chiến binh dũng cảm ngần ấy ngoài chiến trường hãy lại gần hơn và nhìn kĩ con người đã bị người giết! – Vừa nói, mụ già vừa đưa những ngón tay xương xẩu túm lấy ống áo Henry, kéo lại gần bàn.

Chúng tôi cũng đi theo.

Bỗng mụ dừng lại rồi chỉ tay vào hình thù màu xám đang ngồi trên bàn. Henry nhìn theo, kêu to một tiếng rồi nhảy lùi lại. Ông hoảng sợ như thế cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì đang ngồi trên bàn là cái xác khổng lồ của Tuala, ông vua cuối cùng của đất nước Cucuan. Hắn hoàn toàn trần truồng, chiếc đầu bị Henry chém đứt nằm trên gối hắn. Cả người hắn đã được phủ một màng mỏng mờ mờ như thủy tinh, và vì thế trông lại càng đáng sợ. Lúc đầu chúng tôi hoàn toàn không thể đoán ra từ đâu lại có màng bọc ấy. Nhưng bỗng nhiên chúng tôi nhận thấy từ trên trần đều đặn rơi xuống những giọt nước, rơi đúng vào cổ của xác chết và nước từ đó lăn ra bao bọc khắp cơ thể rồi cuối cùng chảy vào núi đá qua một lỗ nhỏ được khoan thủng giữa bàn. Lúc này tôi bỗng hiểu tất cả: xác của Tuala đang được biến thành nhũ thạch.

Tôi đưa mắt nhìn những hình người màu trắng đang ngồi quanh cái bàn khủng khiếp, và một lần nữa tự khẳng định ý kiến của mình là đúng. Rõ ràng Đấy là những hình người, hay đúng hơn, đã có thời đó là những hình người nay được bao bọc trong nhũ thạch. Và như thế là, từ thời xa xưa. Người Cucuan đã biết gìn giữ xác các ông vua của mình, bằng cách biến họ thành đá!

Thế là tôi cũng chẳng biết được thực chất của phương pháp biến thành đá như thế nào, (nếu quả có một phương pháp như thế), ngoài việc đặt xác người đã chết dưới những giọt nước nhỏ trong hang trong một thời gian rất nhiều năm. Họ ngồi sau bàn đá, cách này hay cách nọ được bao bọc xung quanh bằng một chất lỏng chứa canxi đông đặc dần, trông như băng giá và bảo vệ họ mãi mãi.

Không thể tưởng tượng nổi cái gì khủng khiếp hơn cảnh một dãy dài các ông vua đã chết được bọc trong chiếc áo trắng trong suốt như nước đá, qua đó có thể nhận thấy những đường nét mờ mờ của khuôn mặt.

Họ có tất cả hai mươi tám người, và người cuối cùng là cha của Icnôzi. Họ ngồi quanh cái bàn dưới sự chủ tọa chung của chính Thần chết.

Theo số lượng các ông vua đang ngồi quanh bàn mà đoán, thì phương pháp giữ các xác chết này của người Cucuan đã được áp dụng cách đây ít nhất là bốn trăm hai mươi lăm năm. Nếu giả thiết rằng tất cả các vua, sau khi chết đều được đưa vào đây, mà có lẽ điều ấy là có thật, và cho rằng trung bình mỗi vua trị vì đất nước mười lăm năm ( tất nhiên trong số họ nhiều người hi sinh ngoài chiến trường), thì ta sẽ có được con số nói trên.

Nhưng bộ xương khổng lồ của thần chết đang đứng cao trên bàn chắc chắn có từ rất lâu trước đấy, và nếu tôi không nhầm thì nó cũng được tạo ra bởi chính bàn tay của người nghệ sĩ đã tạo nên ba bức tượng kia. Bộ xương người này được đẽo từ một khối thạch nhũ nguyên, và nếu xem xét nó dưới góc độ một tác phẩm nghệ thuật thì phải công nhận rằng nó được thiết kế và đẽo rất khéo kéo. Là người hiểu biết về môn giải phẫu cơ thể, Huđơ tuyên bố rằng theo ông ta, bộ xương này rất đúng với bộ xương người thật, đúng đắn đến từng đốt xương nhỏ.

Tôi thì cho rằng bộ xương quái đản ấy là sản phẩm bệnh hoạn của một nhà tạc tượng nào đó thời cổ và mãi sau này người Cucuan mới nảy ra ý định đặt các ông vua đã chết của mình ngồi sau chiếc bàn mà Thần Chết đang chủ trì. Cũng có thể là bộ xương này được đặt ở đây để dọa những kẻ định lọt vào kho báu bên cạnh. Tôi không biết có đúng như vậy hay không. Điều duy nhất tôi có thể làm được là miêu tả tất cả đúng như nó có, còn sau thì tự người đọc rút ra kết luận.

Ít ra thì Thần chết Trắng và các xác chết Trắng là như vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.