Kho báu của vua Solomon

Chương 2 : AMBOV TỰ NGUYỆN ĐẾN PHỤC VỤ



Để đi bằng đường biển từ Keptao đến Durban, phải mất bốn hoặc năm ngày, tùy vào thời tiết và tốc độ tàu đi nhanh hay chậm. Ở London Đông (Một cảng ở Nam Phi trên bờ Thái Bình Dương) cảng còn chưa được xây xong, dù đã đổ vào đấy khá nhiều tiền. Vì vậy đáng lẽ được cập bến sát cầu tàu ở một cảng được trang bị hiện đại, thì cho đến tận bây giờ tàu vẫn phải thả neo ngoài xa. Nếu biển động, nhiều khi còn phải chờ hàng mấy ngày liền, cho đến khi có tàu kéo thuyền từ bờ đến chở người và bốc hàng. Nhưng thật may, lần này chúng tôi không phải chờ. Khi tàu chúng tôi đến London Đông, biển động không đáng kể, và từ bờ lập tức người ta cho tàu kéo ra, kéo theo một dẫy dài các thuyền đáy dẹt trông thật xấu xí. Từ tàu của chúng tôi, người ta ném sang chúng từng kiện hàng, mà không cần biết bên trong đựng gì: cả len, cả đồ sứ đều được ném xuống thành một đống. Đứng trên boong, tôi nhìn thấy một hòm đựng độ dăm chục chai sâm banh bị ném vỡ, chảy tung tóe, sủi bọt trên mặt sàn chiếc thuyền chở hàng bẩn thỉu. Thật là khó chịu khi phải chứng kiến chừng ấy rượu ngon bị làm hỏng một cách vô lý. Đám công nhân bốc hàng người Capphơ cũng nhanh chóng nhận ra điều đó. Họ tìm thấy hai chai may mắn còn nguyên, mở nút và uống sạch. Rượu sâm banh làm họ say ngay lập tức. Những người Capphơ này hoàn toàn không ngờ lại như vậy. Vô cùng hoảng sợ, họ vừa lảo đảo đi lại giữa thuyền, vừa kêu to rằng thứ nước uống này bị “ta ga ti”, nghĩa là đã bị phù phép. Tôi bắt chuyện với họ, và nói rằng họ đã phải uống thứ thuốc độc ghê gớm nhất của người da trắng, và rằng họ sẽ chết. Trong cơn sợ hãi hoang dại, họ vội nắm lấy tay chèo và con thuyền lao vun vút vào bờ. Tôi tin rằng từ đây cho đến chết, họ sẽ chẳng bao giờ dám động tới chai rượu sâm banh nữa.

Suốt dọc đường tới Natan, tôi luôn suy nghĩ về đề nghị của Henry Curơtix. Hai ngày đầu chúng tôi không đả động đến vấn đề này, mặc dù ở bên nhau. Tôi kể cho Henry và thuyền trưởng Huđơ nghe về các chuyện săn bắn phiêu lưu và mạo hiểm của tôi, không hề thêm bớt hay phóng đại điều gì, như cảnh phường săn vẫn thường làm. Tôi cho rằng chúng tôi, những người đi săn ở châu Phi, không cần thiết phải làm như vậy. Với chúng tôi vẫn thường xẩy ra những chuyện lạ lùng, đến mức không cần bịa thêm cũng đã rất hấp dẫn. Nhưng thôi, cái ấy không liên quan đến câu chuyện tôi đang kể.

Cuối cùng, vào một ngày tháng giêng đẹp trời. – chỗ chúng tôi, tháng giêng là tháng nóng nhất – Con tàu của chúng tôi bắt đầu đến gần Natan. Chúng tôi đi dọc bờ biển xanh tươi xinh đẹp, hi vọng sẽ vòng qua mũi Durban vào lúc hoàng hôn. Bờ biển đẹp một cách lạ lùng với những cồn cát màu nâu đỏ và những khu rộng mọc đầy cây xanh biếc che kín các làng xóm của người Capphơ. Từng đợt sóng chạy vào bờ va phải đá, quay ngược trở lại, làm thành những dải bọt màu trắng viền quanh. Nhưng thiên nhiên ở Durban mới đặc biệt hào phóng. Trong suốt nhiều thế kỷ nước mưa chảy mạnh, bào mòn, khoét sâu các khe đồi núi, làm thành những dòng sông lấp lánh dưới ánh mặt trời. Trên nền xanh thẫm của những bụi cây thấp dày, thỉnh thoảng lại xuất hiện một rừng mít hoặc một bãi mía. Đây đó giữa biển cây xanh rờn ấy nhô lên những ngôi nhà màu trắng như mỉm cười với biển hiền lành, làm tăng thêm vẻ đẹp và sự ấm cúng gia đình của bức tranh toàn cảnh.

Tôi nghĩ, cho dù thiên nhiên có đẹp đến đâu cũng vẫn cần có bàn tay con người. Có thể tôi cảm thấy như vậy vì trong một thời gian quá dài tôi sống ở những nơi hẻo lánh hoang dã, nên tôi đánh giá cao các tiện nghi do con người tạo nên, dù cái tiện nghi văn minh ấy đã xua đuổi các loài thú. Tất nhiên, cả khi con người chưa xuất hiện, vườn tiên trên thiên đường vẫn đẹp, nhưng từ lúc có nàng Eva dạo chơi trong vườn, nó càng trở nên đẹp hơn.

Nhưng thôi, xin quay lại chuyện chính. Chúng tôi đã tính nhầm. Mặt trời lặn từ lâu, tàu chúng tôi mới thả neo cách vịnh Durban không xa, và mới vang lên phát súng báo tin cho dân chúng Durban biết có tàu chở thư và bưu phẩm từ nước Anh đến. Giờ mà lên bờ thì đã quá muộn, nên chúng tôi đứng nhìn người ta chuyển thư xuống chiếc canô cấp cứu một lúc rồi đi ăn tối.

Khi chúng tôi quay lại đứng trên boong thì trăng đã lên cao, chiếu sáng mặt biển và đất liền, làm những ngọn đèn hải đăng luôn luôn quay nhanh trở nên nhợt nhạt. Từ phía bờ bay ra một mùi thơm dìu dịu mà bao giờ cũng làm tôi nhớ tới các bài hát nhà thờ và các nhà truyền đạo. Từ một chiếc tàu khá to đậu bên cạnh bay đến tiếng nhạc và tiếng hát của những người thuỷ thủ đang nhổ neo chuẩn bị rời bến.

Ba chúng tôi, nghĩa là tôi, Henry Curơtix và thuyền trưởng Huđơ đi lại và ngồi xuống bên bánh lái.

– Thế nào, thưa ông Quotécmên, – sau một phút im lặng, Henry quay sang tôi hỏi. – Ông đã suy nghĩ kĩ lời đề nghị của tôi rồi chứ?

– Vâng, vâng! – Huđơ phụ thêm, – ông quyết định thế nào? hi vọng rằng ông sẽ nhận lời, đúng không? Chúng tôi sẽ rất lấy làm sung sướng nếu được ông đồng ý đi theo chúng tôi không những tới kho báu của vua Xolomon, mà tới bất cứ nơi nào có con người mà ông biết dưới cái tên Nevin.

Tôi lặng lẽ đứng dậy, đi đến bên lan can, moi tàn thuốc ra khỏi tẩu. Tôi không biết phải trả lời thế nào. Tôi cần ít nhất là một phút nữa để suy nghĩ thêm trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Nhưng đúng vào lúc mẩu tro thuốc đỏ hồng lóe lên trong bóng tối, tôi bỗng quyết định – Đồng ý! Trong đời vẫn thường xẩy ra như thế: Ta do dự rất lâu, mãi không biết nên làm gì, cuối cùng chỉ trong nháy mắt, ta quyết định tất cả.

– Được, thưa các ông. – Tôi nói và ngồi xuống chỗ của mình. – Tôi xin nhận lời. Nếu các ông cho phép, tôi sẽ nói rõ vì sao tôi nhận lời, và nhận lời với điều kiện như thế nào. Xin bắt đầu từ điều kiện.

Thứ nhất là: Ngoài việc ông Henry phải chịu mọi phí tổn liên quan đến cuộc hành trình, tất cả ngà voi và các của quý khác kiếm được dọc đường đi, sau này chỉ được chia đều làm hai phần cho thuyền trưởng Huđơ và tôi.

Thứ hai là: Thêm vào đó, trước khi lên đường, ông sẽ trả công cho tôi với số tiền năm trăm bảng. Phần tôi, tôi có trách nhiệm phải phục vụ ông một cách mẫn cán cho đến khi ông quyết định bỏ dở cuộc hành trình, hoặc khi chúng ta đạt được mục đích hay sẽ chết.

Thứ ba là: Trước khi lên đường đi tới núi Xulâyman, ông phải làm giấy cam đoan, trong đó nói rõ việc trong trường hợp tôi chết hoặc bị tàn tật suốt đời, ông sẽ trợ cấp cho con trai tôi là Hary hiện đang học y ở London mỗi năm hai trăm bảng trong vòng năm năm. Đến lúc ấy, con trai tôi đã trưởng thành và có thể tự kiếm sống, tất nhiên nếu nó là người có khả năng và chí thú làm ăn. Tất cả các điều kiện của tôi là thế. Có thể các ông sẽ cho tôi yêu cầu quá nhiều?

– Không, không! – Henry vội nói. – Tôi xin vui lòng chấp nhận mọi điều kiện của ông. Tôi đã quyết định bất kì giá nào cũng phải tìm em tôi bằng được và tôi sẽ không thay đổi ý định đó của mình. Đánh giá cao kinh nghiệm và sự hiểu biết lớn của ông trong việc này, tôi sẵn sàng trả cho ông hơn thế.

– Thế thì tiếc là tôi đã không yêu cầu hơn, – tôi nói. – Nhưng tôi không bao giờ lấy lại lời nói của mình. Còn bây giờ tôi sẽ nói vì sao tôi quyết định đi với các ông trong một cuộc hành trình dài và nguy hiểm như thế. Trước hết, thưa các ông, tôi phải thú nhận rằng mấy ngày qua tôi đã chú ý quan sát các ông, và mong các ông không cho tôi là thiếu tế nhị, nếu tôi nói rằng tôi rất quý mến các ông. Tôi tin rằng chúng ta sẽ hợp ý nhau, đó là điều rất quan trọng cho một chuyến đi lâu dài. Còn về bản thân cuộc hành trình. Tôi muốn nói tới việc ta định vượt núi Xulâyman thì xin nói thẳng rằng khó mà chúng ta sống sót nổi để quay lại. Ta thử xem số phận của ông già Hoxe Xinvext cách đây ba trăm năm đã kết thúc thế nào? Rồi số phận của người bà con ông ta cách đây hai mươi năm? Và cuối cùng là của em trai ông nữa? Thưa các ông, tôi tin một cách chắc chắn rằng số phận của chúng ta cũng chẳng hơn gì.

Tôi ngừng nói để xem tác động của lời tôi đến hai người ra sao. Tôi có cảm giác rằng thuyền trưởng Huđơ ít nhiều tỏ ra lo lắng: còn mặt của Henry thì thậm chí hơi biến sắc.

– Chúng ta phải liều thôi, – ông nói, vẫn bằng cái giọng thản nhiên hàng ngày.

– Chắc các ông sẽ lấy làm lạ. Tôi nói tiếp, rằng dù thấy trước như thế, tôi vẫn quyết định đi với các ông, hơn nữa tôi lại là người vốn nhút nhát. Có hai nguyên nhân. Trước hết, tôi là người tin ở định mệnh. Tôi tin rằng cái chết của tôi hoàn toàn không phụ thuộc vào các việc làm và mong muốn của tôi. Và nếu tôi phải đi tới núi Xulâyman để chết ở đó, thì nghĩa là số phận bắt tôi phải vậy. Tất nhiên Thượng đế toàn năng biết rõ Ngài sắp sửa làm gì với tôi, vì vậy tự tôi, tôi chẳng cần quan tâm tới điều ấy. Nguyên nhân thứ hai là tôi là một người nghèo. Mặc dù làm nghề săn voi đã gần bốn mươi năm nay, tôi vẫn chẳng dành dụm được gì vì tiền tôi kiếm được chỉ vừa đủ sống. Tất nhiên các ông biết rằng săn voi là một nghề mạo hiểm, và thường những người làm nghề này chỉ kéo dài được bốn hoặc năm năm. Thế mà tôi đã vượt cái thời hạn được quy định ấy đã bảy tám lần, vì vậy, tôi nghĩ có lẽ tôi chẳng còn sống bao lâu nữa. Nếu tôi chết trong khi đi săn, thì sau khi trả hết nợ nần, Hary, con trai tôi, người đang rất cần được giúp đỡ để học hành nên người, sẽ chẳng còn đồng nào để sống. Còn nếu tôi đi với các ông, nó sẽ được bảo đảm trong năm năm. Ở đấy, đại khái các suy nghĩ của tôi là như vậy.

-Thưa ông Quotécmên,- Henry nói sau khi đã lắng nghe tôi rất chăm chú. – Những nguyên nhân khiến ông cùng đi với chúng tôi vào một cuộc hành trình mà theo ông có thể kết thúc rất bi thảm, đã nâng cao thêm phẩm giá của ông. Tất nhiên, chỉ thời gian và kết quả công việc sẽ chỉ rõ rằng ông đúng hay sai. Nhưng riêng tôi, dù chết hay không, tôi vẫn quyết định theo đuổi đến cùng. Mà nếu số phận quả tình bắt ta phải chết thì tôi hi vọng rằng trước khi chết, ta còn kịp săn bắn chút ít. Ông có cho là thế không, ông Huđơ?

– Đương nhiên là thế, – ông thuyền trưởng nói – Cả ba chúng ta đều đã nhiều lần giáp mặt thần chết, nên chắc sẽ không nản chí. Vì vậy rút lui là điều không nên. Còn bây giờ tôi đề nghị ta cùng xuống phòng ăn để uống mừng sự khởi đầu tốt đẹp này.

Ngày hôm sau chúng tôi xuống bờ và tôi đề nghị Henry cùng thuyền trưởng Huđơ đến ở trong ngôi nhà khiêm tốn của tôi trên bờ Bêrêa. Nhà tôi chỉ có ba phòng và một gian bếp, được xây bằng gạch không nung, còn mái thì che bằng tôn. Nhưng để bù lại, tôi có một khu vườn rất đẹp, trong đó tôi trồng các cây musaula Nhật Bản thuộc loại giống tốt nhất, và trồng nhiều cây mãng cầu mà tôi đang chờ thu hoạch một vụ thắng lợi. Giống cây này do ông giám đốc vườn bách thảo tặng tôi. Tôi có một người làm vườn, tên là Giéc, vốn là một trong những người trước đây giúp tôi đi săn. Khi chúng tôi cùng ông ta săn ở đất nước Xicucunix, một con trâu cái đã húc vào đùi ông ta, vết thương sâu đến nỗi ông ta buộc phải từ giã vĩnh viễn nghề săn bắn. Nhưng ông ta vẫn còn có thể cà nhắc đi lại chăm sóc khu vườn được. Giéc là người thuộc bộ lạc Gricva nổi tiếng không thích đánh nhau. Không ai có thể bắt một người Dulux làm vườn được, vì đơn giản là anh ta không muốn phí sức cho một nghề hiền lành như thế.

Vì nhà tôi chật nên Henry và Huđơ ngủ trong chiếc lều vải tôi dựng lên ở giữa hai hàng cây cam cuối vườn. Cam đang độ ra hoa tỏa hương thơm dễ chịu, còn trên cành thì treo lủng lẳng những chùm quả còn xanh hoặc đã chín vàng (cần phải nói thêm rằng ở Durban một lúc người ta có thể nhìn thấy ngay trên một cây cả hoa lẫn trái). Khu vực chúng tôi ở đẹp, ngủ ngoài trời rất dễ chịu, vả lại ở Bêrêa lại hầu như không có muỗi, nếu có cũng chỉ hoạ hoằn, sau những trận mưa lớn.

Tuy nhiên, cần phải kể tiếp câu chuyện của chúng ta, nếu không Hari, con trai tôi, sẽ phát chán trước khi chúng tôi đến được núi Xulâyman. Thế là sau khi quyết định cùng đi với Henry, lập tức tôi bắt tay vào công việc chuẩn bị. Trước hết, tôi nhận từ tay Henry tờ cam đoan bảo đảm tương lai cho con trai tôi. Trong việc này cũng có một ít khó khăn, vì Henry không phải là người sở tại, và tiền ông ta sẽ cấp cho con trai tôi trong trường hợp tôi chết còn nằm ở nước Anh. Nhưng cuối cùng rồi chúng tôi cũng giải quyết ổn thỏa, nhờ sự giúp đỡ của một luật sư khôn khéo, người đã bắt chúng tôi trả một khoản tiền lớn đến không chịu nổi – Những hai mươi đồng bảng Xteclinh!

Nhét tờ séc năm trăm đồng bảng vào túi và bằng cách ấy biểu hiện tính cẩn thận của mình, rồi dùng tiền của Henry tôi mua một chiếc xe cùng đàn bò kéo tuyệt diệu. Thùng xe dài gần tám mét, trục sắt, rất vững và nhẹ, có điều không được mới lắm. Một lần nó đã đi tới các mỏ kim cương và quay lại mà không hề bị sứt mẻ gì. Điều này lại càng làm tôi yên tâm, rằng nó được làm bằng thứ gỗ khô đã chịu qua thử thách. Nếu xe được làm bằng thứ gỗ tươi hay đóng dối, thì tự nó sẽ để lộ ngay chuyến đi đầu tiên. Độ bốn mét phần sau của thùng xe được che bằng vải bạt không thấm nước. Còn phần trước dùng để chở hàng thì để trần. Loại xe này ở chỗ chúng tôi được gọi là xe “nửa kín nửa hở”. Phần sau được dùng làm chỗ nghỉ ngơi, có chiếc giường bằng da thú có thể ngủ hai người một lúc, có gác để vũ khí và các vật dụng khác. Tôi mua nó với giá một trăm hai mươi lăm bảng, và cho rằng như thế là rẻ.

Sau đấy, tôi mua một đàn bò kéo tuyệt vời gồm hai mươi con bò đực giống Dulux mà trong vòng hai năm trước đấy tôi đã chú ý tới. Thông thường một cỗ xe chỉ cần mười sáu con kéo, nhưng để dự phòng, tôi mua thêm bốn con nữa.

Giống bò Dulux thường thấp đi lại nhẹ nhàng, to chỉ bằng một nửa giống bò Aphricanđerơ vẫn thường được dùng để kéo xe chở hàng nặng. Loại bò bé này ít bị bệnh long móng hơn, dễ nuôi và có khả năng thích hợp với những hoàn cảnh khó khăn nhất. Hơn thế, chúng có thể sống ở những nơi mà giống bò Aphricanđerơ phải chết vì đói. Giống bò Dulux nhẹ nhàng và đi nhanh, nếu không phải kéo quá nặng, một ngày chúng có thể đi được năm dặm. Ngoài ra, chúng đã được thử thách nhiều vì đã từng đi ngang dọc khắp Nam Phi. Vì vậy, trong một chừng mực nào đó, đàn bò của chúng tôi đã được bảo đảm để không mắc thứ bệnh dịch vẫn thường làm chết cả đàn khi chúng đi qua những thảo nguyên xa lạ. Còn để tránh bệnh phổi khủng khiếp, tức là bệnh lao thì chúng đã được tiêm phòng trước. Để làm điều ấy, người ta lấy dao cắt một tí da ở quãng cách cuống đuôi ba mươi phân rồi lấy một tí phổi của con bò chết vì bệnh lao đắp vào đó. Một thời gian sau, con bò ấy sẽ mắc bệnh lao, nhưng ở dạng nhẹ, dần dần cái đuôi sẽ chết và rụng ở chỗ cắt, và như thế là con bò đã được miễn dịch. Tất nhiên là tàn nhẫn khi cắt đuôi của con vật, nhất là ở những nước có quá nhiều ruồi muỗi, nhưng biết làm thế nào được. Thà mất đuôi còn hơn mất cả đuôi lẫn bò. Không có con bò thì cái đuôi chẳng dùng được vào việc gì, họa chăng để phủi bụi. Nhưng dù sao cũng khá là buồn cười khi ta đi sau đàn bò và thấy trước mặt mình một lúc hai mươi mẩu cụt thay cho hai mươi chiếc đuôi dài tuyệt đẹp.

Sau khi vấn đề xe và bò được giải quyết xong, đến lúc phải nghĩ tới thực phẩm và thuốc men, việc này cần phải được thảo luận một cách hết sức kĩ lưỡng. Chúng tôi không được chở quá nặng, nhưng lại phải mang rất nhiều thứ cần thiết cho một chuyến đi dài ngày như thế này. Rất may là hóa ra thuyền trưởng Huđơ có biết ít nhiều về y. Bằng cách nào đó, có thời ông ta đã từng học qua một lớp về y và phẫu thuật, và rồi sau đấy thỉnh thoảng vẫn ứng dụng cái kiến thức của mình vào thực tế. Tất nhiên, ông ta không có bằng cấp, nhưng sau này chúng tôi nhận ra là trong nghề này, ông ta còn hiểu biết hơn nhiều các đức ông, đức bà được nhận quyền ghi trước tên họ mình hai chữ “bác sĩ”. Ông ta có một tủ thuốc lưu động, rất đầy đủ và một bộ đồ mổ. Khi chúng tôi còn ở Durban, ông ta cắt ngón chân phải cho một người Caphơ khéo léo đến mức nhìn mãi mà không chán. Nhưng ông ta thật sự kinh ngạc lúc người kia, sau khi quan sát toàn bộ cuộc phẫu thuật một cách rất bình tĩnh, liền yêu cầu Huđơ gắn cho một mình một ngón chân mới, không có đen thì trắng cũng được.

Lo xong ổn thỏa chuyện thực phẩm và thuốc men. Chúng tôi bắt tay vào lo sắm vũ khí và thuê người giúp việc. Về vũ khí, tốt hơn để tôi ghi ra đây bản liệt kê các thứ chúng tôi đã chọn trong số vũ khí dự trữ phong phú do Henry mang từ Anh sang, và cả trong số vũ khí mà tôi có. Bản liệt kê này có trong sổ ghi chép của tôi, bây giờ chỉ việc chép lại:

“Ba súng hai nòng loại lớn bắn trực diện, mỗi khẩu nặng bảy cân, thường dùng để săn voi”. Hai trong số ba khẩu ấy cho Henry và thuyền trưởng Huđơ – Được các nghệ nhân tuyệt vời của một hãng nổi tiếng ở London chế tạo. Tôi không biết khẩu của tôi do hãng nào sản xuất, nó không được đẹp lắm, nhưng đã được thử thách trong những lần săn voi của tôi.

“Ba súng hai nòng kiểu Express – 500, bắn phát một” – là loại súng tuyệt vời, đặc biệt dùng để săn các loại thú bé hơn, như sơn dương chẳng hạn, đồng thời cũng là loại súng không thể thay thế được khi cần phải tự vệ ở những địa bàn trống trải.

“Một súng hai nòng loại mười hai li, đạn nhồi thì bắn trực diện”.

Về sau khẩu súng này đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc kiếm thịt ăn hàng ngày.

“Ba khẩu súng trường có hộp đạn kiểu Wincherter không phải ca-ra-bin”

Đó là kho vũ khí dự trữ của chúng tôi. Còn vũ khí phòng thân gồm có ba khẩu côn tự động loại lớn.

Cần phải nói thêm rằng súng của mỗi loại đều do một hãng sản xuất cùng cỡ, nên chúng tôi có thể dùng chung đạn. Đó là điều rất tiện lợi và quan trọng. Tôi phải xin lỗi vì có thể đã làm bạn đọc mệt khi phải nghe một bản liệt kê quá chi tiết như thế, nhưng ai đi săn có kinh nghiệm đều biết rằng việc chọn vũ khí quan trọng nhường nào đối với một chuyến thám hiểm.

Bây giờ tôi đi sang vấn đề người giúp việc, những người sẽ đi theo chúng tôi.

Sau khi tranh luận khá lâu, chúng tôi quyết định rằng chỉ cần mang theo năm người là đủ: Một người dẫn đường, một người đánh xe và ba người giúp việc. Cả người dẫn đường lẫn người đánh xe tôi tìm không khó lắm. Đó là hai người Dulux tên là Hôda và Tôm. Tìm thuê người giúp việc hóa ra lại phức tạp hơn. Chúng tôi cần những người dũng cảm, đáng tin cậy, vì cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc vào chính hành động của họ. Cuối cùng, tôi cũng tìm được hai người, một người Gôtentôta (Một trong những bộ lạc ở Nam Phi) tên là Venfogen, có nghĩa là “Con chim của gió”, và Hiva, một người Dulux nhỏ bé có một ưu điểm rất lớn là biết nói tiếng Anh khá thành thạo. Trong đời tôi, tôi ít khi gặp được một người thợ săn giỏi như thế. Anh ta là người giỏi chịu đựng đến ngạc nhiên, dù bề ngoài trông hầu như chỉ toàn gân với xương. Chỉ tiếc rằng anh ta có một khuyết tật đặc trưng cho cả bộ lạc của anh ta nói chung là thích uống rượu. Vì vậy không thể tin tưởng anh ta hoàn toàn được: Chỉ cần đặt trước mặt anh ta một chai grog( Một loại rượu mạnh) là anh ta quên hết mọi thứ trên đời. Nhưng vì chúng tôi đi đến những nơi không có hàng ăn và quán rượu, nên cái khuyết tật nho nhỏ ấy cũng không đến nỗi quan trọng lắm.

Người thứ ba thì mãi tôi vẫn không tìm được, và chúng tôi đã quyết định là sẽ lên đường với chỉ hai người giúp việc, hi vọng dọc đường sẽ tìm thêm được một người nào đó thích hợp. Nhưng đúng trước ngày xuất phát, vào buổi tối, khi chúng tôi đang ăn thì Hiva đi vào báo rằng có một anh chàng Dulux đến tìm tôi. Ăn xong, tôi bảo Hiva dẫn anh ta vào. Đó là một người to cao, đẹp, độ ba mươi tuổi, và so với người Dulux thì da rất trắng.

Thay cho câu chào, anh ta giơ cao chiếc gậy sần sùi rồi lặng lẽ ngồi xổm trong góc phòng. Trong khoảng mấy phút tôi làm ra vẻ không nhận thấy sự có mặt của anh ta. Sẽ là một điều hớ hênh, nếu tôi cư xử khác vì một khi bạn bắt chuyện với người bản xứ ngay, họ sẽ cho bạn là người chẳng ra gì và không có lòng tự trọng. Nhưng tuy thế, tôi đã kịp nhận ra anh ta là Kesla tức là người đeo vòng. Quanh đầu anh ta là một chiếc vòng lớn bằng cao su và được bôi mỡ cho bóng. Chỉ những người Dulux nào có danh tiếng và đạt đến một lứa tuổi nhất định mới được đeo loại vòng như thế. Tôi trông mặt anh ta quen quen.

– Thế nào, – Cuối cùng tôi hỏi. – Tên anh là gì?

– Ambov. – Anh ta đáp bằng một giọng trầm dễ nghe.

– Tôi đã gặp anh đâu đó.

– Vâng, Incôôzi (Tiếng địa phương – Thưa thủ lĩnh) Ông đã gặp tôi ở Litton Len ở Iganchiana (Nơi xảy ra trận đánh giữa người Anh và người Du-lu, ngày 22 tháng Giêng 1879; 1.400 binh lính và sĩ quan Anh bị giết) trước khi trận đánh bắt đầu.

Nghe nói thế, tôi liền nhớ ra ngay. Trong cuộc chiến tranh với người Dulux, tôi là một trong những người dẫn đường của Huân tước Semfod. Rất may rằng tôi đã kịp rời doanh trại cùng những chiếc xe được giao cho tôi trước khi trận đánh bắt đầu. Trong khi thắng bò vào xe, tôi đã chuyện trò với anh chàng này. Anh ta cầm đầu toán người địa phương chiến đấu bên phía chúng tôi. Trong khi trò chuyện, anh ta có tỏ ý nghi ngờ về an ninh của doanh trại. Lúc ấy tôi bảo anh ta liệu mà giữ mồm giữ miệng, vì việc này vượt quá óc thông minh của anh ta, nhưng sau này không ít khi tôi đã nhớ tới những lời anh ta nói.

– Tôi nhớ ra rồi, – Tôi nói. – Nhưng anh cần gì ở tôi?

– Chuyện là thế này, thưa Macumazan (người Caphơ gọi tôi là như vậy, dịch ra có nghĩa là “người dậy sau nửa đêm”. Còn theo cách nói của ta thì đơn giản là “người bao giờ cũng cảnh giác”). Tôi nghe nói ông chuẩn bị làm một chuyến du hành xa lên phía bắc cùng các thủ lĩnh da trắng khác mới từ bên kia Hồ nước Vĩ đại tới, có đúng thế không ạ?

– Đúng!

– Tôi nghe nói các ông sẽ đi tới tận sông Luanga, cách Manica một tuần trăng. Cả điều ấy cũng đúng, phải không, thưa Macumazan?

– Anh cần biết chúng tôi đi đâu để làm gì? Việc này liên quan gì đến anh? – Tôi đáp và nhìn anh ta vẻ nghi ngờ, vì chúng tôi đã quyết định giữ bí mật mục đích của chuyến đi.

– Ôi, hỡi những người da trắng! – Anh ta kêu lên.

– Nếu các ông quả thật định đi xa như thế, thì tôi muốn đi theo các ông!

Tôi ngạc nhiên vì giọng điệu và cung cách con người này nói chuyện. Anh ta tỏ ra rất biết tự trọng, và trong con người anh ta có một cái gì Đấy thuộc về nội tâm cao quý. Tôi ngạc nhiên nhất khi anh ta kêu: “Ôi, hỡi những người da trắng” thay cho “Ôi, Incôôzi”, tức là thưa thủ lĩnh mà tôi vẫn nghe.

– Anh quên rồi à! – Tôi nói, giọng gay gắt. – Hãy suy nghĩ kĩ trước khi nói chuyện với người da trắng. Anh là ai và làng của anh ở đâu? Hãy trả lời, để chúng tôi biết đang nói chuyện với ai.

– Tên tôi là Ambov. Tôi thuộc bộ tộc Dulux, nhưng thực ra tôi không phải người Dulux. Quê hương của bộ tộc tôi ở xa về phía bắc. Bộ tộc tôi tiếp tục ở lại đấy trong khi những người Dulux khác đi xuống đây. Điều này xảy ra cách đây một nghìn năm, rất lâu trước thời vua Chaca trị vì Đất nước Dulux. Tôi không có làng. Tôi đi nay đây mai đó đã nhiều năm nay. Từ phương bắc tôi tới Đất nước Dulux khi còn bé. Sau đó tôi phục vụ vua Kesvaio (Vua của người Dulux sống vào nửa sau thế kỷ XIX) trong trung đoàn Nconabacozi. Từ Đất nước Dulux, tôi chạy tới Natan vì tôi muốn biết người da trắng sống như thế nào. Ở đây mọi cái đã làm tôi chán, và tôi lại muốn đi về phương bắc. Đó cũng không có chỗ cho tôi. Tôi không cần các ông trả tiền công. Tôi là người dũng cảm và giúp đỡ nhiều cho các ông. Tôi sẽ làm việc để trả cho thức ăn mà tôi ăn và chỗ sưởi bên đống lửa. Tôi đã nói hết.

Tôi hoàn toàn lúng túng trước đề nghị của người này. Căn cứ vào cử chỉ và cách nói năng tự nhiên mà xét thì rõ ràng là nói chung anh ta đã nói đúng sự thật. Nhưng việc anh ta khác xa những người Dulux khác, và cả việc anh ta xin đi theo chúng tôi mà không đòi tiền công, nghe có vẻ khác thường, đến mức không thể không làm tôi nghi ngờ. Chưa biết trả lời thế nào, tôi dịch cho Henry và Huđơ nghe cuộc nói chuyện của chúng tôi và xin hai người cho biết ý kiến. Thay cho câu trả lời, Henry yêu cầu tôi nói với Ambov để anh ta đứng dậy.

Tụt bỏ chiếc áo khoác dài vẫn mặc khi đánh nhau Ambov đứng thẳng người, và trước chúng tôi là một người rất cao lớn, hầu như hoàn toàn trần truồng, nếu không kể chiếc khố và chuỗi hạt làm bằng xương sư tử.

Trong đời mình, tôi chưa bao giờ thấy một người bản xứ nào đẹp như thế. Anh ta cao hơn một mét chín mươi, vai rộng và đặc biệt là rất cân đối. Dưới ánh đèn, da anh ta trông đen hơn nước da ngăm bình thường một tí, dấu vết của vô số các mũi giáo đâm bị thương in lên cơ thể của anh ta trở thành từng chấm đen.

Henry bước lại gần và nhìn chăm chú vào khuôn mặt đẹp, kiêu hãnh của Ambov.

– Thật là một đôi tuyệt đẹp! Huđơ cúi xuống bên tôi, nói. – Ông nhìn kìa, hầu như họ cao bằng nhau.

– Tôi rất thích diện mạo của ông, ông Ambov, Henry nói bằng tiếng Anh với người Dulux, – Và tôi sẽ nhận ông vào phục vụ chúng tôi.

Hình như Ambov hiểu vì sau đó anh ta đáp bằng tiếng Dulux: “Rất tốt”. Rồi nhìn thân hình đồ sộ của người da trắng, anh ta nói thêm:

– Chúng ta là những người đàn ông thực sự, cả tôi, cả ông.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.