Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

179. CHIẾC GIÀY THƠM



Ngày xưa, ở chợ Đồng-xuân có cô gái họ Trương, con một gia đình giàu có lớn. Cô gái mặt hoa da phấn và đã đến tuổi yêu đương. Thường ngày sống trong nhung lụa, có kẻ hầu người hạ nên cô ít khi bước chân ra ngoài.

Một hôm cô ngồi hóng mát trên lầu tây. Đang dựa bao lơn nhìn xuống đường phố, cô trông thấy có chàng trẻ tuổi cưỡi ngựa đi qua. Bên phía chàng trai nhác thấy bóng hồng thì say vì nhan sắc, đứng lại ngắm mãi không rời. Cô gái họ Trương thấy có người nhìn chòng chọc vào mình liền thẹn thò lui gót. Chàng trẻ tuổi tên là Lý Quốc Hoa còn đang dùi mài kinh sử, là con một vị tướng ở vệ Kim Ngô đóng tại kinh thành. Hôm ấy, sau khi nhìn thấy người đẹp chàng đâm ra thẫn thờ, không còn muốn giục ngựa đi tiếp. Nhưng khi nhìn lại nhà cô gái, thấy tường cao cổng kín, chàng mới biết đó là người không phải dễ dàng gặp gỡ. Mặc dầu vậy, chàng vẫn không quên ngôi nhà lầu, chỗ giai nhân vừa ngồi ngắm cảnh, có bao lơn con tiện và rèm the, bụng bảo dạ:

Thật là một trang phong lưu tuyệt sắc! Thế nào cũng phải tìm cách gần gũi nàng mới thỏa dạ.

Từ đó chàng ra công dò la tông tích, hy vọng có ngày được mắt xanh.

Một hôm chàng đi qua cửa, gặp mặt người ra dáng con hầu từ nhà ấy đi ra. Chàng sán đến gần, làm quen. Qua trao đổi một vài câu chàng mới biết đó là người nữ tỳ của nhà họ Trương tên là Hồng Hạnh, đi mua phấn cho cô chủ. Chàng khẩn khoản nhờ nàng làm ơn giúp mình trao cho cô chủ một bức hoa tiên. Thấy Hồng Hạnh nhận lời, chàng mừng rỡ cảm ơn.

Lần đầu tiên đọc bức thư cầu thân, cô gái họ Trương cảm thấy trong lòng nở hoa. Đoán biết đó là ánh chàng cưỡi ngựa chòng chọc nhìn mình hôm nọ, nàng mỉm cười, nhớ lại khuôn mặt tuấn tú của chàng. Hàng ngày nàng đọc đi đọc lại bức thư không chán. Rồi cuối cùng nàng cũng viết mấy dòng lên hoa tiên trả lời.

Hồng Hạnh từ đấy trở thành con thoi thông tin tức cho hai bên, vì vậy không mấy chốc họ đã trở thành cặp bạn tình. Lần đầu cô gái họ Trương hẹn chàng đến vườn hoa nhà mình một đêm trăng. Chàng họ Lý lén lút tìm đến, cảm thấy vừa hồi hộp vừa thích thú. Và chàng sung sướng vô hạn khi được đối diện và người ngọc. Cuộc tình duyên cứ thế nảy nở thuận lợi. Sau bao lần gặp gỡ khác, họ lại hẹn vào mồng ba tháng Ba sẽ gặp nhau trên một chiếc cầu vắng ở phía cửa Đông.

Nhưng không may cho cặp bạn tình, đêm ấy quan Kim Ngô giữ anh chàng lại ở dinh để thảo hộ cho ông một tờ trình rất dài mãi đến canh ba rồi canh tư mà vẫn chưa xong. Cô gái họ Trương lần đầu một mình ra khỏi nhà trong đêm tối. Nàng đã giấu cha giấu mẹ, giấu cả bọn con hầu đầy tớ, trừ có một mình Hồng Hạnh. Nhưng Hồng Hạnh phải ở nhà để đề phòng bất trắc. Một mình nàng lủi thủi đến cầu, chờ mãi không thấy tăm hơi người yêu đâu cả. Cầu vắng tanh. Nép sau bụi cây, nàng thấy mỗi lúc một sốt ruột: – “Chẳng lẽ chàng lại lừa dối ta”. Nhưng trống lầu đã đổ canh hai mà vẫn biệt vô âm tín. -“Chàng tệ thật!” Đêm hôm khuya khoắt, lại thân gái một mình, nàng đành phải trở về không thể rốn đợi. Nhưng nàng đã hữu ý để lại một chiếc giày của mình ở chỗ hẹn, cũng là một cách báo cho chàng biết rằng mình có tới.

Mãi đến gần canh năm, Lý Quốc Hoa mới làm xong công việc khẩn cho bố. Vừa đặt bút xuống, chàng đã ba chân bốn cẳng chạy đến nơi hẹn đầu cầu. Nhưng ôi thôi, người ngọc đâu còn ở đó. Nhờ có chiếc giày của nàng để lại mùi thơm phảng phất, nên chàng không nghi ngờ gì nữa. Chàng đoán là nàng đã đợi mình sốt ruột, đã trách mình hết lời và chắc là từ nay nàng mất lòng tin cậy ở mình. -“Ôi! Bố ta đã báo hại ta, bây giờ thì nàng còn coi ta ra gì nữa”. Chàng cảm thấy như có một sự đổ vỡ ghê gớm, không cứu vãn được. Cầm lấy chiếc giày, chàng âu yếm mãi và trong một lúc rầu lòng đến cực điểm, tự nhiên hồn lìa khỏi xác. Và chàng ngã vật xuống bên cầu bất tỉnh nhân sự.

Sáng dậy, người nhà quan tướng Kim Ngô không thấy Lý Quốc Hoa, đâm bổ đi tìm nháo nhác. Họ ra đến cầu thì thấy xác công tử với chiếc giày thơm còn ôm ở ngực. Cả nhà họ Lý xúm quanh khóc nức nở. Câu chuyện đưa lên quan. Bấy giờ coi việc kinh thành có quan thiếu sư họ Trần. Nhìn thấy chiếc giày trong tay xác người trẻ tuổi, ông đoán đây hẳn là một vụ án về tình duyên. Bèn sai người đem chiếc giày để đi tìm chủ nhân của nó. Không bao lâu đến nhà họ Trương, họ đã tìm ra cô gái. Nghe tin người yêu nằm chết bên cầu, cô gái họ Trương kinh ngạc và bội phần đau xót. Nàng không đợi viên sai nhân bắt mình ướm giày nữa mà cầm luôn chiếc còn lại, ra thú thực với thiếu sư, và xin quan cho mình được phép đến than khóc trước người bạc mệnh. Đến nơi, giữa đám người đông nghịt, nàng chen đại vào, gục đầu vào thây chàng than khóc rất thảm thiết.

Không ngờ “âm dương cảm cách”, Lý Quốc Hoa như được truyền hơi thở, tự nhiên bừng tỉnh rồi vùng ngồi dậy y như sau một cơn mê. Nhà họ Lý khôn xiết mừng rỡ, lạy tạ quan thiếu sự họ Trần. Thiếu sư xoa tay vui vẻ nói:

Đôi lứa xứng đôi đấy, còn đợi gì mà không cho họ kết hôn với nhau. Ta vì vụ này vô tình trở thành mụ mối cho hai nhà.

Cả hai gia đình vui vẻ nhận lời. Thế là sau một tiệc cưới mà tiếng đồn vang dậy kinh thành, chàng và nàng trở thành vợ chồng[4].

KHẢO DỊ

Truyện này đã có người dặt thành thơ thất ngôn cổ phong chữ Hán mà Lê Quý Đôn trong Toàn Việt thi lục xếp vào văn học đời Trần.

Có những đoạn miêu tả khá đẹp, như: (dịch)

Ai ngờ việc đời khó vừa ý,

Kim Ngô cầm chân chàng họ Lý.

Cô nàng đêm ấy một mình ra,

Nào tìm thấy đâu người yêu ta?

Khá thương, trên cầu trăng một vùng,

Sông chảy dưới cầu, nước lạnh lùng.

Thấy cảnh khôn khuây niềm tưởng nhớ,

Đau lòng chẳng nói, lệ tuôn dòng.

Chuông điểm canh đầu đồng hồ giọt,

Chờ lâu sai hẹn giận càng xót.

Bèn để chiếc giày tỏ tình sâu,

Khi chàng Lý đến hiểu lòng nhau.

Canh năm chàng Lý được ra đi,

Đi đến đầu cầu trời vẫn khuya.

Ngoài cột mùi thơm còn phảng phất,

Bốn bề không ai, lòng héo hắt.

Non Vu mây tỏa, vượn dứt hồn,

Giang nam xuân già, quốc máu tuôn.

Máu khô ruột đứt tình chửa hết,

Ôm giày ngủ mãi, sức mỏi mệt.

Hương hồn bay tới lầu họ Trương,

Tương tư bên cầu chàng đã chết.

Buổi ấy may gặp Trần thiếu sư,

Chuyện tình gái trai ông biết thừa.

Sai đem chiếc giày tìm tung tích,

Đến nhà họ Trương quả thấy vừa.

Thoạt đầu cô nàng chưa nói rõ,

Ngập ngừng câu được, câu nức nở.

Bỗng nhảy ôm khóc thây Lý lang-

“Duyên đà chẳng hợp, xin cùng lỗ!” Nhờ thế âm dương cảm cách nhau, Giấc mơ biền biệt lại tỉnh mau.

Ná Sở không chiêu, hồn tự lại, Cung Tần có hẹn, phượng càng gào. Sống lại ngày nay nhờ ai hỡi, Cùng lạy thiếu sư ơn đức xối.

Thiếu sư bỏ về cười mà rằng.

Ta vì các ngươi thành mụ mối…

Trung-quốc có quyển Chiếc giày để lại làm chứng mà các nhà sân khấu đã biên soạn thành vở tuồng vào đầu thế kỷ XIX, gần với truyện của ta:

Một cô gái mười tám tuổi coi một cửa hàng hương. Nàng yêu một học sinh tên Quốc Loa và được yêu lại. Một hôm nàng hẹn tình nhân đến một ngôi chùa. Anh đến quá sớm và nhân ngồi chờ, có làm mấy chén rượu hâm nóng của một quán hàng gần đấy. Uống xong nằm say như chết. Khi cô nàng đến, anh còn say lử, cô bèn đặt lên thân người yêu một chiếu giày thêu của mình bọc trong một khăn là, rồi bỏ về. Quốc Loa tỉnh dậy thấy chiếc giày thì hối hận vì đã lỡ hẹn với bạn tình. Chàng bèn nuốt luôn chiếc khăn, rồi bỗng nhiên nằm vật xuống.

Tiểu đồng của người học trò đi tìm chủ, đến chùa thì đã thấy chủ bất tỉnh nhân sự. Cho là sư chùa đã giết chủ mình, hắn vội cáo lên quan. Quan bắt sư tra khảo. Nhưng vì có chiếc giày thêu, người ta bổ đi tìm. Bắt được cô gái hàng hương đem về tra hỏi. Cô đến, thấy có tý góc khăn thò ra ở miệng anh chàng, bèn kéo mạnh. Khăn vừa lôi khỏi miệng thì anh chàng cũng tỉnh dậy như không việc gì.

Kết quả quan mắng cho chị ta một trận vì tội dùng chùa làm nơi hẹn hò dâm đãng, và buộc hai người lấy nhau. Họ không mong gì hơn thế[5].

Sách U minh lục (Trung-quốc) có quyển Cô mái bán phấn, cũng là dị bản của các truyện trên:

Một anh chàng con nhà giàu một hôm đi chợ, gặp một cô gái đẹp bán phấn làm trang sức. Ngày nào anh cũng đem tiền đến mua phấn để được ngắm cô nàng. Cô gái dần dần sinh nghi. – “Chàng mua phấn hàng tôi làm gì mà mua luôn vậy?”, một lần cô hỏi thế. Anh đáp: – “Vì yêu cô”. Từ đấy họ gắn bó với nhau. Một hôm, trong cuộc hẹn đầu, anh chàng quá sung sướng ngất đi. Thấy anh ngã xuống, cô gái sợ, bỏ về. Bố mẹ đi tìm con trai thấy con đã chết, vào buồng học thấy có nhiều gói phấn. – “Có lẽ vì phấn này mà con ta chết đây”. Bèn đi tìm ở chợ thì thấy cô gái bán phấn có những gói giống như ở buồng con mình, bèn bắt giải quan. Cô gái thú là mình có yêu chàng và xin phép được khóc trước xác người yêu. Quan cho phép.

Thấy áo quan còn mở nắp, cô ôm lấy xác người yêu hôn hít Chàng trai tự nhiên sống lại. Hai người được phép lấy nhau. Họ đẻ nhiều con[6].

Một truyện Lửa tình cũng của Trung-quốc, cũng là một dị bản, tuy kết thúc có khác:

Công chúa nước Bắc Tề cùng một thiếu niên họ Trần hẹn gặp nhau tình tự ở một cảnh chùa nọ vào ngày Tết. Thiếu niên đến trước nằm đợi, rồi ngủ quên. Công chúa đến thấy người yêu ngủ say thì giận, nhưng hữu ý để lại một vòng ngọc trên người chàng, rồi bỏ về. Chàng họ Trần tỉnh dậy thấy vòng ngọc thì uất lên vì hối hận. Lửa trong tim chàng phát ra đốt cháy cơ thể lại thiêu luôn cả cảnh chùa[7].

Chú thích:

Đoạn này theo Toan Ánh. Nếp cũ hội hè đình đám, quyển Hạ; và Văn hóa tập san, số 3 (1973).

Vàm sông: tức cửa sông hoặc cửa biển, chỗ sông đổ ra biển.

Theo Sơn Nam. Truyện xưa tích cũ, tập I.

Người dân chài ở vùng Côn-lôn cho rằng mỗi lần cá voi đi đâu thì ở phía trước có cặp cá đao rất lớn, kế đó là một cặp cá mực rất to, nhưng là để kiếm mồi cho cá voi. Cá đao phải dùng “gươm” của mình để lùa các loài cá nhỏ vào cái miệng khổng lồ của chủ tướng, còn cá mực thì phun chất mực đen trong nước biển khiến cho các loại cá nhỏ không thấy đường mà đi, phải chạy vào miệng chủ tướng. Khi miệng đã đầy cá, cá Ông bèn ngậm lại, ăn một cách ngon lành, lại còn xịt nước lên cao thành vòi để cảm ơn những kẻ tùy tòng đã giúp cho mình ngon miệng. Còn ở một số vùng khác thì cho rằng cá Ông đi đâu, tiền đội thường có cá mực dẫn đường, lại phun chất mực như để đánh dấu cho chủ tướng biết đường mà đi, còn hai bên sườn thì có cá đao đi hộ vệ.

Theo bài Hương miết hành trong Toàn Việt thi lục.

Theo Việt-nam cổ văn học sử, Nhà xuất bản Hàn Thuyên, Hà-nội, 1942.

Theo An-mơ-ra (Almeras). Người đàn bà yêu đương trong đời sống vở trong văn học (nghiên cứu tâm sinh lý học), Pa-ri.

[7] Theo Lưu Kính Thúc. Dị uyển.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.