Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

184. NGƯỜI CƯỚI MA



Ngày xưa có một anh đồ họ Lê, nhà nghèo khó phải bỏ đi khắp nơi làm nghề gõ đầu trẻ. Về sau, anh được phú ông một làng nọ đón về “ngồi” ở nhà để cho con khỏi phải đi học xa. Phú ông có một cô con gái chưa chồng. Từ ngày có anh đồ đến ở nhà mình cô gái đâm ra phải lòng chàng trẻ tuổi. Thấy cô gái thực bụng yêu mình, anh đồ cũng yêu lại một cách thắm thiết. Hai bên từng chỉ non thề biển quyết sống với nhau đến đầu bạc răng long.

Nhưng khi bố mẹ anh đồ mang trầu rượu tới dạm cô gái cho con, thì phú ông nhất quyết không chịu gả. Không những thế, sợ để thầy đồ “ngồi” tại nhà mình lâu ngày sẽ không có lợi, nên hết năm đó, lấy cớ là con lên tỉnh học với cụ Cử chỗ bà con, phú ông mời thầy dọn đi chỗ khác. Thấy mối tình bị chia rẽ cô gái phú ông lòng đau như cắt, nhưng vì e thẹn, cô không dám bày tỏ cho một ai biết, chỉ mình tự khóc với mình mà thôi. Xa người yêu, cô sinh ra tương tư, lâu dần sầu não thành bệnh. Mặc dầu thuốc thang chăm sóc cũng nhiều, bệnh cứ mỗi ngày một nặng, chẳng bao lâu nụ hoa mơn mởn đã sớm lìa cành.

Thương tiếc con gái, vợ chồng phú ông tỏ ý hối hận. Họ bỏ tiền ra làm ma chay rất hậu. Người ta bỏ vào áo quan tất cả những vật kỷ niệm của nàng. Để tưởng nhớ lâu dài, người ta đập tấm giương soi của nàng làm hai mảnh: một mảnh bỏ váo áo quan còn một mảnh đem đặt ở giường thờ.

Lại nói chuyện anh đồ họ Lê, từ khi bị phú ông từ chối và cấm cửa, cũng đau xót không kém gì cô gái. Nhưng vì sinh kế, anh phải bỏ đi dạy học ở một tỉnh xa. Tuy vậy, anh vẫn không quên theo dõi tin tức của người yêu. Khi biết nàng đã sầu não mà chết, lòng anh thương tiếc không lúc nào nguôi. Từ đấy anh quyết định ở vậy cho đến già, khước từ tất cả mọi đám do bà con mối manh hoặc tìm giúp.

Ba năm trôi qua.

Một hôm vào dịp cuối năm, anh đồ khăn gói trở về quê hương. Đường đi phải qua làng người yêu, nhưng vừa bước chân đến đây thì trời đã tối. Bỗng trời nổi lên một cơn giông, gió bụi mù mịt. Đang đi đường thấy sắp sửa mưa to, anh đồ lật đật chạy tìm một nơi trú ẩn. Chạy quá mấy lùm cây thì may sao anh nhìn thấy xa xa le lói có ánh đèn. Anh vội băng đồng tìm tới. Khi đứng trước một ngôi nhà nhỏ, anh kêu cửa xin vào trọ. Cửa vừa mở, một cô gái cầm đèn bước ra. Anh hết sức ngạc nhiên vì người ấy không phải ai xa lạ, mà chính là người yêu của mình ngày xưa. Anh kêu lên:

Ôi! Người hay là ma đây? Nghe người ta đồn là nàng đã chết rồi kia mà? Tại sao bây giờ lại ở đây?

Thiếp chưa chết đâu. Cô gái tươi cười đáp. Nếu chết rồi thì làm sao còn đứng đây nói chuyện được với chàng. Mấy năm nay, thiếp hàng ngày tựa cửa đợi chàng. Hôm nay được gặp lại nhau, thiếp vui mừng biết mấy. Mời chàng vào đi kẻo mưa.

– Nhà có ai không? Nàng ở với ai thế?

Ở với người cô. Ở đây đôi ta có thể được tự do. Không một ai quấy nhiễu ngăn cấm chúng mình cả.

Nghe lời nàng nói, chàng họ Lê có vẻ ngờ vực. Anh rụt rè bước vào.

Trong nhà bày biện có vẻ khác với ngôi nhà ngày xưa anh ngồi dạy học, nhưng anh không tiện nói. Nhà vắng vẻ chỉ có một bà cô hom hem và nặng tai. Nhưng chỉ trong một chốc, cô gái đã gọi tới năm bảy người có cả đàn ông và đàn bà. Họ vật lợn, giã giò, đồ xôi, gói bánh, khiêng bàn dọn ghế rất tấp nập. Anh hỏi cô gái khi cô gái lại ngồi bên cạnh:

Giết lợn đồ xôi làm gì vậy?

Để làm lễ cưới chúng ta đấy! Sao chàng hiểu chậm thế!

Không có bố mẹ họ hàng hai bên dự sao?

Có chứ. Có cô ruột. Có ông bà nội. Nhưng cũng phải làm giấu giếm một tý. Nếu có bố mẹ thì chàng chẳng lấy được thiếp đâu. Vả, còn có xóm làng quanh đây đến chứng kiến cho đôi ta.

Cô gái thấy anh có vẻ bỡ ngỡ, liền dắt anh vào buồng. Trong buồng bài trí rất đẹp. Cô gái lấy ra tất cả những vật kỷ niệm hồi còn trẻ trong đã có chiếc lược anh đồ họ Lê tặng mình ngày trước, cho anh xem.

Nhìn thấy chiếc lược sừng cũ, anh đồ cảm thấy yên tâm hơn. Anh rụt rè sờ thử vào người cô gái. Thấy nàng vẫn xinh xắn mềm mại như ngày xưa, mọi ngờ vực của anh đồ bỗng trút đi đâu mất sạch. Chỉ trong một chốc, cỗ bàn đã bày xong. Khách đến dự khá đông, có cả ông bà nội cô gái, bà cô lúc nãy và nhiều ông già bà lão khăn áo đều đẹp đẽ chỉnh tề. Người ta mời hai anh chị vào trước bàn thờ làm lễ. Mùi hương trầm sực nức. Một ông cụ khấn vái hồi lâu rồi cuối cùng quay ra chúc cho hai anh chị “bách niên giai lão”. Chàng họ Lê thấy cô gái đứng trước ánh đèn, gò má đỏ lên vì có vẻ thẹn thò.

Sau đó họ ngồi vào mâm. Hai vợ chồng được ngồi riêng một mâm ở trong buồng. Cô gái ăn nhỏ nhẹ, nhưng anh đồ bụng đói sẵn nên cảm thấy ngon miệng. Phía ngoài, tiếng đũa bát chạm nhau và tiếng chuyện trò râm ran. Cuối cùng cảnh vật lại chìm vào vắng lặng như lúc mới đến.

Hai người cùng nằm lên giường tỉ tê trò chuyện. Anh đồ chưa bao giờ thấy sung sướng và thoải mái đến thế. Anh đọc những vần thơ tả nỗi nhớ nhung sầu muộn từ ngày cách biệt cho vợ nghe. Cô gái hỏi anh: – “Thế là chúng ta đã thành vợ chồng, thỏa lời nguyện ước, chàng có vui sướng không?” – “Có – chàng đáp – Nhưng giá được phép bố mẹ thì còn vui sướng gấp bội”. – “Thế ngộ nhỡ có việc gì liệu chàng có còn thương đến thiếp không?” – “Thương” – “Thương nhiều hay thương ít?” – “Thương mãi mãi” – “Thiếp chết rồi, chàng còn thương nữa chăng?” – “Dù có thế nào, vẫn thương hết mức”.

Rồi đó sau cuộc ân ái, anh đồ lăn ra ngủ say.

Đến sáng mai, khi anh bừng mắt tỉnh dậy thì không thấy cô gái và nhà cửa ở đâu cả, chỉ thấy mình nằm trên một ngôi mộ xây rất đẹp. Anh mới biết rằng tối hôm qua mình mới lạc vào làng ma và được gặp người yêu. Anh chỉ lấy làm lạ rằng bụng mình vẫn còn no, mũi vẫn còn phảng phất mùi hương trầm.

*

* *

Sau những ngày nghỉ ngơi ở quê nhà, anh đồ họ Lê lại trẩy vào mấy tỉnh đường trong để trở lại với công việc dạy học. Một năm nữa lại trôi qua một cách chóng vánh. Năm ấy tết đến, vì ma bệnh giày vò, anh không về được. Khi lành bệnh anh lại tiếp tục dạy học cho đến tháng Năm. Một hôm anh đồ họ Lê bỗng cảm thấy lòng xao xuyến nhớ người yêu khôn tả. Hồi tưởng lại cái đêm năm xưa, anh tha thiết muốn được gặp lại nàng một lần nữa, dù có thế nào cũng cam lòng. Anh bèn sửa soạn khăn gói từ giã đám học trò để trở về thăm quê. Qua làng của người yêu, anh không ngờ chân anh tự nhiên đưa anh bước theo lối cũ tới đúng vào cái nơi anh từng dự lễ thành hôn với người mình yêu dấu, và lần này cũng đúng vào lúc đêm hôm khuya khoắt như hôm nào. Gọi cửa, anh lại thấy người yêu ra mở cửa. Nhưng trong tay nàng giờ đây còn có một đứa bé chừng bảy tám tháng. Nàng trách chàng:

Sao chàng đến muộn thế? Thiếp giận lắm đấy!

Con ai thế này? Anh đồ họ Lê hỏi.

Con chàng chứ còn con ai. Này thử nhìn xem, nó giống chàng như đúc.

Hai người dắt nhau vào dưới ánh đèn. Anh đồ liếc nhìn thấy vợ có phần xinh hơn trước, tuy rằng nước da hơi xanh. Thằng bé trong tay nàng bụ bẫm và có vẻ khôi ngô. Nàng nhìn anh cười:

– Sau này chàng nhớ dạy cho nó học. Nó sẽ làm hơn cả bố đấy!

Sau khi ăn cơm xong, hai người lại lên giường. Nhưng lần này vợ bảo chồng:

Hai chúng ta đã kết nghĩa vợ chồng, thật là thỏa tấm lòng mong ước. Nhưng thú thật với chàng: thiếp vốn là người ở cõi âm, còn chàng là người dương thế, không thể sum họp với nhau lâu dài. Nay chúng ta đã có một đứa con. Xin giao lại để chàng đưa nó về nuôi.

Thấy chồng có vẻ ngần ngại, vợ lấy trong hòm ra một mảnh gương vỡ trao cho và nói:

Chàng đừng lo phải bận bịu vất vả về việc nuôi con. Bố mẹ thiếp từ ngày thiếp mất đi đã biết hối hận. Vậy chàng cứ tìm đến nhà bố mẹ thiếp mà ở, thế nào ông bà cũng không tuyệt tình với cháu ngoại đâu. Chàng đừng lo ngại gì cả. Với lại, chàng giữ lấy mảnh gương này, khi con khóc đưa ra cho nó soi, tự khắc nó nín.

Tình tự ân ái suốt đêm, anh đồ lại ngủ quên. Sáng dậy, cũng như lần trước, mọi cảnh vật lẫn người yêu đều biến mất cả. Nhưng lần này trên ngôi mộ ngoài anh ra còn có một đứa bé con với mảnh gương soi đã vỡ.

Nhớ lời dặn của vợ, anh đồ họ Lê bế con tìm vào nhà phú ông. Sợ vợ chồng phú ông không nhận, anh chỉ xin họ cho ở nhờ để mở một lớp dạy học trò. Nhưng anh không ngờ vợ chồng phú ông lần này tiếp đãi mình rất tử tế và sốt sắng nhận lời. Lại nhờ có phú ông giúp đỡ, trường học của anh ngày một đông học trò. Từ đấy, anh đỡ vất vả hơn trước. Đứa con của thầy đồ cũng được gia đình nhà chủ nuôi nấng chăm sóc mà không tính công.

Nhưng mỗi khi thằng bé khóc nư thì không một người nào có thể làm cho nó nín được: dỗ dành cũng như dọa nạt đều chỉ phí công. Chỉ có đưa cho bố nó bế thì bao giờ nó cũng nín ngay. Một hôm phú ông để ý rình xem tại sao thầy đồ lại có cách dỗ con tài tình như vậy. Khi trông thấy mảnh gương vỡ trong tay thầy đồ, phú ông vội kêu lên, ngỡ là thầy đã tự tiện lấy trộm mảnh gương vỡ bày trên bàn thờ con gái.

Anh chàng họ Lê phải hết sức biện bạch cho mọi người hiểu rằng đó là vật kỷ niệm của vợ để lại, chẳng phải là trộm cắp của ai. Phú ông vào lục tìm ở bàn thờ thì thấy mảnh gương của con mình vẫn còn. Và cả nhà rất lấy làm ngạc nhiên khi đưa cả hai mảnh ra so thì vừa như in, những đường vỡ của hai bên khớp nhau một cách kỳ lạ. Nhưng sự ngạc nhiên càng tăng lên gấp bội khi họ thấy cả hai mảnh gương bỗng nhiên dính liền với nhau làm một.

Anh đồ họ Lê đành phải thuật lại sự tình cho vợ chồng phú ông nghe. Từ đây vợ chồng phú ông nhận anh là rể và nhận con anh là cháu ngoại. Anh ở vậy nuôi con, không lấy vợ khác. Đứa con anh về sau học giỏi, thi đỗ làm quan đúng như lời mẹ nó báo trước[1].

KHẢO DỊ

Một truyện Người cưới ma khác, cũng do người Hà-tĩnh kể, không giống truyện trên nhưng phần nào lại có sử dụng một số hình ảnh của truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt:

Xưa, có một anh chàng thư sinh học giỏi nhà nghèo. Nghe tin vua mở khoa thi, anh sắm sửa hành trang lên đường tiến kinh.

Một thầy bói gặp dọc đường cho biết là anh phải lấy một người vợ ma, nó sẽ giúp anh qua nhiều cơn hiểm nghèo, nếu không thì chẳng đỗ đạt gì, mà còn có thể chết. Nghe nói, anh không tin, cứ tiếp tục cuộc hành trình. Không ngờ chiều hôm đó trời mưa đường vắng, như truyện trên, để tìm một nơi nghỉ trọ, anh đi mãi, càng đi càng lạc. Cuối cùng theo ánh đèn, anh đến một ngôi nhà, gọi cửa, một người con gái xinh đẹp bước ra đón vào, cho biết là bố mẹ còn bận đi ăn giỗ, chỉ có một mình ở nhà. Không tiện đi đâu nữa, anh xin ở lại, giở cơm gói ra ăn rồi vì mệt nên ngủ quên. Khuya tỉnh dậy, anh trò chuyện với cô gái, mới hay tên là Ba, họ Trương, có theo đòi bút nghiên, vì mấy năm mùa màng thất bát nên đến đây mở quán bán hàng. Hai người làm thơ xướng họa, rồi đi đến chỉ non thề biển hẹn sẽ lấy nhau. Tờ mờ sáng, hai bên từ biệt, cô gái dặn: – “Dù đỗ hay hỏng, chàng cứ trở lại đây, đừng quên nhé”. Đi được một đoạn đường, sực nhớ mình bỏ quên con dao, vật kỷ niệm của bố mẹ, anh trở lại kiếm nhà mãi không thấy mà chỉ thấy một ngôi mộ trên có con dao của mình, mới biết là đã gặp ma.

Kỳ thi ấy, anh đỗ hội nguyên. Vinh quy về làng, khi sắp sửa qua chỗ cũ, anh ra lệnh cho đoàn võng lọng rẽ sang lối khác. Bỗng có tiếng cô gái lọt vào tai anh: – “Chàng quên lời thề hôm trước rồi sao? Nếu cố tình trốn tránh hẳn sẽ gặp chuyện chẳng lành”. Hoảng sợ, anh bèn cho đoàn mang cờ biển về trước, còn mình thì lần đến chỗ gặp gỡ cũ. Sau khi tình tự, cô gái bảo anh hãy cứ về quê mười ngày nữa lại tới để tính chuyện kết hôn. Anh hỏi lý do, cô gái cho biết sự thực: – “Thiếp vốn là con gái chết oan vì thầy lang cho uống nhầm thuốc. Nhưng thiếp đã có cách tái sinh bằng việc nhập hồn vào xác một người khác. Sau khi chết, thiếp đã báo mộng cho bố mẹ mình hay rằng một ngày kia thiếp sẽ trở về chẳng phải một mình mà còn có cả chồng nữa. Thấy bố mẹ thiếp tỏ ý không tin, thiếp bảo bố ghi lên giấy ngày tháng thiếp hẹn trở về để chiêm nghiệm. Mười ngày nữa, chàng lại tới đây, chúng ta sẽ về cho đúng hẹn”. Cô gái lại nói: – “Vì thiếp bị chết oan, nhưng lại không chịu đầu thai nên hồn lang thang vơ vẩn ở đây, chỉ có hồn mà không có xác. Ngày nào chàng đến, thiếp sẽ cùng chàng đi đến chợ, hễ thấy có cô nào đẹp ưng ý, chàng làm hiệu mách cho thiếp, thiếp sẽ vật cho cô nàng chết. Đoạn chàng theo dõi xem người ta táng cô ấy tại đâu, đêm lại chàng lén đào mộ đưa xác cô ấy về đây, thiếp sẽ nhập hồn mình vào xác nọ làm cho sống lại.” – Anh hỏi: “Công việc lôi thôi thế kia, tôi bàn tay học trò làm sao có thể đảm đương nổi?” – “Đừng lo, thiếp sẽ luôn luôn theo giúp đỡ chàng, làm cho công việc nhẹ nhàng trôi chảy”.

Nghe thủng câu chuyện, anh chàng cảm thấy thích thú, không lo sợ như trước. Mười ngày sau, anh đến, cùng hồn cô gái đi chợ. Dạo một hồi vẫn chưa thấy có ai ưng ý. Sau cùng đến chỗ hàng thịt, anh thấy cô gái con người bán thịt mặt mũi khá xinh, bèn đi đến ngã ba đường nói thoảng: – “Mình, tôi đã chấm con ông hàng thịt!”. Khi trở vào, anh thấy cô hàng thịt đã ngã xuống, miệng sùi bọt, chết tại chỗ. Vì hôm sau là ngày “trùng” nên ông hàng thịt đưa con về chôn cất ngay. Anh chàng làm theo lời dặn, đêm đến đào mộ đưa xác về nhà cô gái ma. Chỉ một lát sau, cô hàng thịt đã sống lại. Cô bảo anh: – “Sáng mai, đúng ngày hẹn, chúng ta sẽ trở về trình diện bố mẹ và kết hôn”. Nhưng khi hai người về đến nơi, bố mẹ cô gái không chịu nhận, mặc dù cô đã nhắc đến sự báo mộng trước đây. Phú ông mời xã trưởng tới phân xử. Xã trưởng bảo cô gái nhắc lại các chuyện cũ làm chứng, cô kể ra vanh vách mọi chuyện, bấy giờ phú ông mới tin, sai làm một gian nhà tại góc vườn cho ở sau khi đã tổ chức lễ cưới.

Được mấy năm, bỗng có lệnh vua đòi quan tân khoa về tội thi đỗ mà không chịu ra làm quan. Nghe tin, Trương Ba – vợ anh – biết mọi việc sẽ xảy ra như thế nào, bèn bảo chồng: “Chuyến này đi sẽ có chuyện chẳng lành, nhưng chàng cứ việc đi, có gì sẽ liệu sau”. Vua có công chúa chưa chồng, thấy anh học giỏi đẹp trai, định kén anh làm phò mã, nhưng anh từ chối, nói rằng đã có vợ ở nhà. Vua không nói gì, song công chúa thì không hài lòng, bèn xin vua cha cho đày quan tân khoa đến một huyện sơn cùng thủy tận để cho biết hối. Anh không thể không nhậm chức. Đường đi qua nhà, vợ anh dặn:

“Vùng ấy có nhiều ma, đó là những con hổ (dã nhân) thường hiện hình người đến hầu quan rồi thình lình bắt ăn thịt. Trước đây đã có nhiều quan bị hại như vậy”. Nói rồi đưa ra một cái gương bảo chồng: – “Mỗi khi có người nào đến gặp, anh khoan cho vào, hãy đưa gương soi qua khe cửa, hễ thấy trong gương không phải hình người mà là dã nhân thì lập tức ra hiệu cho lính chém ngay”. Quả như lời vợ, sau khi nhậm chức, một lần có hai ông già đầu râu tóc bạc bưng một cái mâm sơn son thếp vàng trên có hai quả cam, đến xin ra mắt. Quan đưa gương ra chiếu thì thấy đó là hai con hổ. Liền ra mật hiệu, lính chém một người đầu rơi xuống đất hóa thành đầu hổ, còn người kia cũng hóa hổ chạy mất.

Sau một thời gian, anh lại được lệnh vua gọi về kinh. Ghé qua nhà, vợ anh cho biết là con dã nhân chạy thoát đã hoá thành một cô gái đẹp về triều được vua kén làm vợ. Và gần đây hắn đã có mang, càng được vua nâng niu chiều chuộng, hy vọng sinh được hoàng tử. Để báo thù anh, hắn giả thác bệnh nặng, mượn lệnh vua triệu anh về, để đòi ăn gan anh, nói là cho lành bệnh. Bèn đưa cho chồng một thanh gươm và bốn trăm quan tiền, dặn: – “Đến kinh đô, chàng khoan vào chầu vội, hãy dùng số tiền này đút lót bọn gác cổng, mỗi cổng một trăm quan, phải lọt bốn lần cổng mới vào được đến buồng hoàng hậu. Hãy nhớ là con dã nhân ấy nằm ngủ bao giờ đầu cũng ngoảnh về hướng Tây”. Làm theo lời vợ, anh lọt được vào buồng hoàng hậu. Tìm mãi mới thấy một người đàn bà nằm đầu hướng về hướng Tây, bèn rút gươm chém. Hắn hét một tiếng kinh hồn, đầu rơi xuống hóa làm đầu hổ. Nhà vua ở buồng bên cạnh nghe tiếng hét tưởng hoàng hậu đã sinh con lật đật chạy sang. Anh quỳ xuống kể lại mọi việc.

Mừng quá, vua hứa thưởng cho anh bất cứ gì anh muốn. Anh chỉ xin về quê gặp vợ và bố mẹ. Vua y cho. Hôm ấy, anh cùng vợ đi chợ mua quà về thăm bố mẹ đẻ. Nhưng đến hàng thịt thì người hàng thịt giữ chịt lấy bà quan – vợ anh – một hai nói là con mình. Như kết thúc truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt, việc cũng đưa lên quan phân xử, nhưng ở đây, cuối cùng, ông hàng thịt cũng được anh coi như bố vợ.

Người miền Nam có truyện Người lấy ma hình tượng và tình tiết đều khác với các truyện trên:

Tại làng Tân-thuận Đông (Sa-đéc) có một nông phu sống trong một gian nhà lá trơ trọi giữa đồng. Vùng này nổi tiếng nhiều ma. Đối với làng xóm, anh tự nhận là đã có vợ con. Nhưng chẳng bao giờ người ta thấy mặt, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng anh bảo vợ nấu nước, làm thức ăn, hoặc la rầy đứa con nghịch ngợm. Hay khi có người nào định ngồi vào võng thì anh cản lại, nói có con mình nằm trong đó. Dân làng để tâm rình mò quả thấy trong nhà anh có bóng một người đàn bà và một đứa bé chừng bốn tuổi, nhưng khi vào nhà lại chẳng thấy gì.

Một hôm bỗng có tiếng sét nổ, nhà anh bốc cháy, người ta thấy anh khóc sướt mướt kể chuyện cho xóm giềng hay: vợ anh là một cô gái chết oan không chịu đi đầu thai, lại vốn có duyên nợ với mình nên lấy nhau, sinh được một con. Tiếng sét vừa qua đã giết mất cả vợ lẫn con. Sau đó người ta thấy anh bỏ nhà bỏ cửa đi biệt[2].

Người miền Bắc có truyện Sinh nở dưới mồ, có hình ảnh nuôi con của ma:

Một người đàn bà quê ở châu Vạn-ninh (Quảng-yên) có mang được bảy tám tháng, bỗng nhiên bị bệnh chết. Lúc sống, mụ có quen một bà lão bán hàng nước ở bến sông. Một hôm bà hàng nước ngạc nhiên thấy mụ cầm mấy đồng tiền hỏi mua đường. “Mua để làm gì?” – “Mới sinh con không có sữa cho bú, phải mua đường cho nó ăn”. Bà hàng bán xong trông theo, thấy mụ đi về đến ngôi mộ cách đấy không xa, rồi tự nhiên biến mất. Hôm sau lại thấy mụ đến mua nữa. Bà hàng bèn mách cho nhà chồng biết. Người chồng đến rình.

Ban trưa khi mụ đến, chồng từ chỗ nấp bước ra hỏi. Vợ không đáp, bỏ chạy, chồng đuổi theo. Lại biến mất. Chồng đến mộ nghe ở trong có tiếng trẻ khóc, mới đào lên. Khi tháo nắp áo quan thấy có một đứa bé mới sinh chưa rụng rốn, miệng còn dính đường. Bèn bế về nuôi, lấp mộ lại. Anh xin sữa cho con bú nhờ, nhưng ai cũng sợ, bèn mớm cơm cho con[3].

Theo lời kể của người Hà-tĩnh (do Trường Kỳ Nguyễn Văn Hồng cung cấp).

Theo Lê Hương. Truyện tích Việt-nam, sách đã dẫn.

Theo Tô Linh Thảo, sách đã dẫn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.