Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

67. KHỔNG LỒ ĐÚC CHUÔNG HAY LÀ SỰ TÍCH TRÂU VÀNG HỒ TÂY



Vào đời nhà Lý có một người gọi là Khổng Lồ. Nhìn thấy thân thể ông, các tay lực sĩ trong triều ngoài quận đều khiếp sợ, mặc dầu ông chưa từng đọ sức với ai. Từ trẻ Khổng Lồ đã đi tu, ông thường đi chu du thiên hạ. Vật tuỳ thân của ông có một cây gậy sắt nặng không thể tưởng tượng được. Lại có một cái đãy rất màu nhiệm. Đãy trông không khác gì những đãy thường nhưng có thể bỏ lọt vào đấy bao nhiêu đồ vật to lớn, cồng kềnh. Dù chất chứa thế nào đãy cũng không đầy và không to thêm.

Buổi ấy nhà vua cần rất nhiều đồng để đúc các khí vật thờ phật, nhưng ngặt vì ở đất Việt không có đồng đen. Nghe tiếng Khổng Lồ, nhà vua cho triệu đến kinh nhờ sư đi sang Trung-quốc quyên giáo. Khổng Lồ nhận lời và xách đãy đi về phương Bắc.

Sau bao nhiêu ngày trèo non lội suối, Khổng Lồ đã đến kinh đô Trung-quốc. Thấy một nhà sư to lớn đi vào yết kiến, vua Trung-quốc lấy làm lạ hỏi:

Hoà thượng từ phương nào lại và đến đây làm gì? Ông đáp:
Chúng tôi đến cầu bệ hạ một ít đồng đen để mở rộng Phật pháp trong nước Đại-việt.

Vua ngỡ là còn nhiều người theo ông nữa, bèn hỏi:

Quý quốc cần dùng bao nhiêu đồng? Hoà thượng đem sang cả thảy bao nhiêu đồ đệ?

Khổng Lồ giơ đãy lên và tâu:

Kẻ hạ thần chỉ sang có một mình và chỉ xin một đãy này là đủ. Thấy cái đãy bé tý, vua Trung-quốc mỉm cười:
Hoà thượng có lấy cả trăm đãy, trẫm cũng vui lòng huống gì là một đãy.

Đoạn vua sai nội thị mang lệnh chỉ cho quan giữ kho, mở kho đồng đen cho Khổng Lồ muốn lấy bao nhiêu thì lấy.

Trước khi vào kho phải đi qua một cái sân rộng. Ở đó có một cái nền gạch, trên nền dựng tượng một con trâu bằng vàng to như một cái nhà, sáng choé cả một vùng trời đất. Quan giữ kho chỉ vào trâu rồi hỏi đùa Khổng Lồ:

Hoà thượng có cần dùng cả con trâu này không?

Không, tôi chỉ cần một ít đồng đen mà thôi.

Rồi đó Khổng Lồ trút tất cả đồng đen lọt thỏm vào trong đãy của mình mà đãy vẫn còn vơi. Đoạn Khổng Lồ mắc đãy vào một đầu gậy quảy về nước.

Quan giữ kho thấy hết nhẵn cả đồng, vội vã đem sự tình tâu cáo cho vua mình biết. Vua Trung-quốc không ngờ có sự phi thường như thế, lấy làm hối và tiếc bèn sai 500 quân sĩ đuổi theo Khổng Lồ. Lúc ấy mặc dầu gánh nặng đè lên vai, nhưng sư cũng đã đi được ba trăm dặm đường. Vừa đến một khúc sông rộng, ông bỗng nghe có tiếng reo dậy trời ở sau lưng. Ông ngoảnh cổ lại thấy bụi bốc mịt mù, đoán biết là vua Trung-quốc đã cho quân đuổi theo. Ông lật đật thả chiếc nón tu lờ xuống nước, đặt đãy lên, rồi vừa bơi vừa đẩy qua sông. Bọn quân sĩ vừa đến bờ thì Khổng Lồ đã ra đến giữa sông rộng. Bọn chúng đánh lừa nói rằng:

Hoà thượng hãy chờ một tí, hoàng đế cho chúng tôi khiêng giúp đồng và hộ tống ngài về.

Nhưng Khổng Lồ nói với lên:

Bần tăng gửi lời về cám ơn lòng tốt của hoàng đế. Còn như cái đãy này để mặc bần tăng mang lấy, đâu dám làm phiền đến thiên sứ.

Bọn lính biết là không thể đuổi nổi bèn quay trở lại.

Sau đó Khổng Lồ đi cứ theo dọc bờ biển, đi bộ lần về phương Nam. Đến một cửa sông, ông gặp một chiếc tàu lớn sắp sửa kéo buồm sang nước Việt. Khổng Lồ đặt đãy
bến, đến gặp người chủ tàu xin cho đi nhờ. Chủ tàu thấy một mình hoà tượng với một chiếc đãy, ước lượng không nặng thêm cho tàu bao nhiêu nên vui lòng cho ông đi.

Nhưng khi một thuỷ thủ xuống bến xách đãy hộ cho nhà sư lên tàu thì anh ta cảm thấy chưa có vật nào nặng đến như thế. Người thứ hai xuống giúp cũng chịu. Người thứ ba, người thứ tư cho đến khi tất cả mọi thuỷ thủ trên tàu cùng hè nhau khiêng, ai nấy đều phải lắc đầu vì chiếc đãy vẫn không hề nhúc nhích. Bấy giờ Khổng Lồ ở trên tàu xuống, cười và bảo:

– Để bần tăng tự mang lên cho, không phiền đến các người!

Nói rồi một tay xách đãy, một tay cầm nón và gậy bước lên tàu trước con mắt kinh ngạc của mọi người.

Thấy tàu quá nặng, nước mấp mé then, mọi người ngần ngại không dám nhổ neo.

Khổng Lồ bảo họ: – “Các người chớ ngại, ta quyết không để cho tàu chìm đâu”.

Thuận buồm xuôi gió, tàu rẽ nước đi băng băng. Được mấy ngày bỗng xảy ra một trận phong ba dữ dội. Một con ngô công mình dài trăm trượng, miệng há đỏ như lửa đang vẫy vùng giữa sóng gió chồm đến toan nuốt cả tàu. Mọi người ngồi trên chiếc tàu chòng chành, vô cùng kinh sợ. Khổng Lồ nói to:

– Các người cứ ngồi yên mặc ta diệt trừ con quái vật!

Nói đoạn sẵn có quả bí lớn, ông cầm lấy đứng ở miệng mũi tàu ném vào miệng ngô công. Ngô công vừa đớp lấy thì ông đã nhảy xuống nước cầm gậy đánh vào mình nó. Ngô công chạy không kịp bị gãy xương, đứt làm ba đoạn và hiện thành ba hòn đảo nổi lên giữa biển. Ngay sau đó, sóng gió yên lặng, tàu lại đi một mạch về tới đất Việt.

Về tới kinh đô, Khổng Lồ vào chầu vua và kể lại mọi việc.Vua sai sư đem đồng ra đúc thành bốn thứ bảo khí thờ Phật để cho mọi người ngưỡng mộ và truyền lại ngàn đời sau. Khổng Lồ bèn cho gọi bao nhiêu thợ đúc tài giỏi trong nước đến, rồi mở đãy lấy đồng ra chia làm bốn phần. Đầu tiên ông cho đúc một cái tháp cao 9 tầng gọi là tháp Báo-thiên. Tháp đúc xong hiện ra giữa kinh thành vòi vọi đứng đâu cũng thấy. Khổng Lồ lại đúc một tượng phật cao vừa 6 trượng, một cái đỉnh to vừa bằng mười người ôm. Rồi còn bao nhiêu đồng, Khổng Lồ cho đúc một quả “hồng chung”- chuông đúc xong lớn không thể tưởng tượng được, đến nỗi khi đánh lên hồi đầu tiên, tiếng ngân vang cùng khắp bốn cõi, vang sang đến tận bên Trung-quốc.

Lại nói chuyện con trâu vàng nằm trước kho đồng của vua Trung Quốc khi nghe tiếng chuông, tự nhiên như được thức tỉnh dậy. Vì đồng đen là mẹ của vàng cho nên do tiếng ngân, nó biết là mẹ của nó đã ở nước Việt. Nó bèn đứng dậy vươn người rồi ba chân bốn cẳng chạy một mạch sang Nam, không một sức nào có thể cản nổi. Cuối cùng nó tìm đến quả chuông do Khổng Lồ mới đúc, hôn hít hồi lâu rồi nằm xuống bên cạnh.

Thấy việc không ngờ lại xảy ra như thế, Khổng Lồ tự nghĩ nếu để chuông lại thì mỗi lần đánh chuông, vàng trong bốn biển sẽ qui tụ cả lại vào trong nước mình. Như thế sẽ rất nguy hiểm vì gây hiềm khích với tất cả mọi nước. Ông bèn tâu vua xin đem quả chuông ném cho mất tích để tránh một cuộc binh đao tai hại có thể xảy tới. Nhận thấy lời tấu có lí, vua cũng bằng lòng. Ngày ném, Khổng Lồ đứng trên núi xách quả chuông vứt xuống hồ Tây. Chuông bị tung lên không bay ra giữa hồ, vang lên một hồi rất dữ dội. Con trâu vàng nghe tiếng, vội theo mẹ nó nhảy ngay xuống hồ. Từ đó về sau thỉnh thoảng những lúc thanh vắng, người ta vẫn thấy quai chuông nổi lên mặt nước. Còn con trâu vàng đôi lúc lên bờ hồ đi dạo, hễ thoạt thấy bóng người là lặn xuống ngay. Cũng vì câu chuyện trên mà hồ Tây còn có tên là vực Kim-ngưu (Trâu vàng). Riêng Khổng Lồ về sau được thợ đồng thờ làm thần nghề đúc đồng[1].

KHẢO DỊ

Truyện trên được nhiều người truyền là sự tích thiền sư Dương Không Lộ hay Nguyễn Minh Không với nhiều tình tiết phụ thuộc khác nữa (xem thêm truyện Từ Đạo Hạnh, số 120, tập III).

Về chỗ trâu vàng, sách Truyện đức Lý quốc sư kể rằng: Con trâu vàng của nhà Tống được người cháu Cao Biền đem bút thần điểm nhãn nên trâu trở nên có cảm giác và hoạt động như trâu thật. Khổng Lồ biết vậy, nên khi về nước đúc chuông xong, đánh một hồi rất dài và kêu. Trâu nghe tiếng liền lồng sang đất Việt. Khi đến kinh đô Thăng-long thì tiếng chuông vừa dứt, trâu đi vẩn vơ không biết chuông đâu mà tìm cả. Bấy giờ Cao Thị Na là cháu Cao Biền làm một con diều giấy rất lớn, dùng bút thần điểm nhãn, diều quả bay lên cao, Cao thị bèn cưỡi lên đi tìm trâu vàng. Diều bay đến hồ Tây, trâu vàng sợ bèn lặn xuống hồ[2]. đoạn kết có người kể khác, chuông không bị ném xuống hồ Tây nhưng đến triều vua Lê, vua Chiêu Thống ra lệnh lấy hết chuông khánh đem về đúc tiền, trong đó có quả chuông của Khổng Lồ. Khi quân sĩ mang qua sông Lục Đầu, chuông tự nhiên lặn xuống nước không sức gì có thể kéo lên được. Từ đó những khi thanh vắng, người ta thấy chuông nổi lên rồi lại lặn xuống.

Người ta truyền rằng gia đình nào có một vợ, một chồng mà lại có mười người con trai thì có thể kéo được chuông lên. Bởi thế có câu tục ngữ:

Người nào một vợ, một chồng

Đẻ mười trai cả, chuông đồng thánh cho[3].

Những truyện trên có lẽ người kể đã nhớ lẫn lộn, chắp vá mẩu truyện này vào với mẩu truyện kia.

Sê-ông (Chéon) kể truyện trên có nói đến con trâu vàng. Đường đi của nó ở Thăng-long về sau thành con sông Tô-lịch. Còn quả chuông thì không phải được Khổng Lồ ném xuống hồ Tây mà xuống sông Lục-đầu. Cũng tại sông này ở chỗ gần Phả-lại còn có hòn đá tròn mấp mé giữa dòng, người ta nói đó là cái đó Khổng Lồ. Còn con trâu vàng tìm mãi không thấy mẹ nó đâu cả, thì nó bực mình vùng vẫy làm cho cả một đám rừng sụt xuống hoá thành hồ, gọi là hồ Kim-ngưu[4].

Về chỗ cái đãy bỏ vật gì vào bao nhiêu cũng không đầy và không to thêm, truyền thuyết Cham-pa có truyện Vua Kơ-long Ga-rai. Ông vua này lúc còn hàn vi cùng bạn lên Tây-nguyên đi buôn trầu. Ông có hai cái sọt có phép lạ làm cho người bán hái trầu trồng trên ba đám ruộng bỏ vào mà không đầy. Người bạn đồng hành thấy vậy sợ quá, không dám cùng ăn cùng uống. Để hắn ta cùng ăn với mình, Kơ-long Ga-rai lấy tay rẽ đôi cơm trên lá chuối cho hắn ăn (cho nên từ đấy lá chuối có sọc trắng ở giữa) lại bóp bầu nước chia ra cho hắn uống (cho nên từ đấy quả bầu nậm nào cũng bị eo ở khoảng giữa)[5].

Về Khổng Lồ thần của nghề đúc đồng, xem thêm truyện Người thợ đúc và anh học nghề, số 122, tập III.

Theo lời kể của người miền Bắc.

Xem thêm truyện Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non (số 39).

Đoạn này tương tự với một truyện trong mục “Thần núi” ở Lược khảo về thần thoại Việt-nam.

[4]Sưu tầm 100 bài An-nam.

Theo Lăng-đơ (Landes). Truyện cổ tích Cham-pa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.