Khóc Giữa Sài Gòn

CHƯƠNG 2



Sài Gòn chưa bao giờ rơi vào thời kỳ hỗn độn lòng tin như lúc này, một phần rất lớn là do sự tiếp tay của mạng xã hội và các trang tin điện tử. Chỉ cần một nguồn tin nào đó nhen nhúm xuất hiện, không cần kiểm chứng, lập tức được một nhóm người vô hình thường được gom chung trong cái tên “cư dân mạng” lan truyền, chia sẻ cho nhau. Với suy nghĩ, có người nói, chắc chắn là phải đúng, dù chỉ là đúng một phần cũng được, nhấn chia sẻ một chút cũng không ảnh hưởng gì nhiều, chủ yếu cho những người chưa biết được đọc. Nhờ đó, những thông tin “rác” bắt đầu tràn lan trên mạng, không ai có thể quản lý. Và cũng biết bao câu chuyện bi hài từ đó mà ra.
Tú mở cửa phòng trọ, mệt mỏi dắt chiếc xe máy cà tàng vào, quăng luôn cái giỏ xách đi làm xuống nệm dù biết trong đó có cả cái laptop cũ, nhưng thôi, không quan trọng. Căn phòng trọ hẹp, bốc lên thứ mùi ẩm ương chán nản, mốc meo như chính cuộc đời Tú. Tú thở hắt, lủi thủi ra khỏi phòng, đóng sập cửa, khóa lại cẩn thận rồi lững thững ra đường. Hai giờ sáng, xe đã thưa dần, khí trời lành lạnh sau cơn mưa dầm ban nãy. Tú mệt lả người, cơn đói cồn cào xồng xộc ập vào người. Tú ngó quanh, hàng quán hầu như đã tắt đèn, chỉ còn lại ánh đèn leo lét của xe hủ tiếu gõ đầu hẻm. Không suy nghĩ nhiều nữa, Tú lầm lũi đi về hướng xe hủ tiếu, chọn một chỗ yên vị.
– Cho em một tô nước, bỏ thêm hoành thánh.
– Hôm nay Tú đi làm về trễ dữ.
Chị hủ tiếu mỉm cười chào khách quen rồi nhanh tay làm việc. Tú ngó thấy đồ đạc còn nhiều, nên khi chị chủ bưng tô hủ tiếu nóng bốc khói ra, bèn lân la hỏi chuyện.
– Sao giờ này mà còn nhiều vậy chị, bình thường đã chuẩn bị dọn hàng rồi mà.
– Nói đến chán thêm, đang buôn bán cũng khấm khá, tự dưng trên mạng có bài báo nói là hủ tiếu gõ nấu bằng trùng chỉ, chuột cống, bỏ hóa chất độc hại, làm gì còn ai dám ăn. Không phải mình chị bị, mà mấy người bán khác cũng ế y chang.
– Báo chí gì mà viết ác vậy chị? – Tú múc muỗng nước lèo, húp xì xoạp.
– Ăn từ từ, coi chừng nóng. – Chị hủ tiếu nhìn Tú rồi bật cười. – Chị cũng có biết báo mạng báo miếc gì đâu, làm quần quật từ sáng đến tối mịt còn không đủ ăn, thời gian đâu quan tâm. Nhưng bữa có chú kia đến ăn kể cho nghe mới biết. Mà Tú nghĩ coi, chuyện kể như cho con nít nghe mà cũng có người tin sái cổ.
Bài báo trên mạng, đại loại viết rằng có anh phóng viên đi tác nghiệp cùng đội công an bắt cướp. Cướp bắt được rồi, nhưng tang vật vô tình văng vào thùng nước lèo xe hủ tiếu gõ. Công an yêu cầu chủ quán phải đổ thùng nước ra để lấy sợi dây chuyền cho bằng được, nào ngờ chủ quán không chịu. Cự cãi hồi lâu, đến mức phải dùng pháp luật ra hù dọa, ông chủ mới nhún nhường, cũng là lúc trong đó rớt ra năm sáu con chuột cống đã cạo lông với xác trùng chỉ lềnh bềnh trong một túi vải, hỏi ra mới biết những thứ đó dùng để làm nước lèo ngọt hơn mà không tốn tiền xương. Cảnh tượng đó ghê rợn đến mức, mấy người khách đang ngồi ăn phải gập người ói.
– Tú nghĩ đi, mua thịt chuột làm chi, chuột cống bây giờ người ta đem bán vô mấy nhà hàng làm giả chuột đồng, giá cao lắm, hơi đâu bán cho mấy xe hủ tiếu. Chưa kể, xương chợ đầu mối có mấy chục ngàn, mua về tha hồ hầm. Muốn ngọt nữa, bỏ mía đập dập hay mực nướng vô, không thì củ cải trắng, nấu từ sáng đến chiều cũng còn thơm, ngọt. Bán hủ tiếu, một ngày khá cũng lời mấy trăm ngàn, đâu cần làm chuyện thất đức vậy. Người ta ăn lỡ có chuyện gì, mình mang tội Tú ơi. – Chị chủ quán nói một tràng dài, giọng có khi run run, đứt quãng, mắt như chực khóc tới nơi.
– Em hiểu mà. Trước đây cũng có bài báo nói này nọ, người ta có ăn ít một thời gian, xong rồi cũng đâu lại vào đấy, không sao đâu, dân mình quên mau lắm chị. Họ chỉ cần món ăn nào ngon, rẻ lại tiện, hủ tiếu gõ là nhất rồi.
Chị chủ gật gật đầu, đành vậy, rồi đứng dậy, chuẩn bị dọn hàng.
– Thôi về, chứ tình hình này thì có bán tiếp cũng không ai ăn.
Trên đường đi bộ về lại bốn bức tường tạm bợ của phòng trọ, Tú suy nghĩ nhiều về câu chuyện mới nói cùng chị hủ tiếu.
Khu Tú trọ vào hạng không giàu, nếu không muốn nói nằm trong hạng trung bình thấp của dân lao động chân tay, dân tha hương vào Sài Gòn lập nghiệp. Nơi đó có sinh viên nghèo, có phụ hồ, mấy cô hàng rong người miền Trung ngày ngày quẩy gánh đi dọc phố đông người. Cả ngày làm lụng nhưng ăn uống cũng thắt lưng buộc bụng vì phải dành ra một mớ gởi về quê nghèo đang trông tiền như nắng hạn chờ mưa rào. Ăn uống kham khổ, họ không sợ, chỉ sợ người thân mình khổ. Có khi đi làm về trễ, nhìn quanh quất chỉ còn xe hủ tiếu gõ tù mù ánh đèn, người ta khó mà ngó lơ cơn đói.
Mấy xe hủ tiếu gõ, đa phần cũng đều là do dân phương xa đứng ra bán. Bình thường đắt hàng dữ lắm, muốn ăn, có khi phải xếp hàng, chờ người ta kêu tính tiền là lật đật chụp cái ghế nhựa thấp lè tè, cáu bẩn, ngồi xuống gọi nhanh, “Cho em hai tô, một khô, một nước nha chị.” Với Tú, ký ức Sài Gòn gắn với những xe hủ tiếu gõ như vậy, gắn luôn với tiếng lốc cốc rao hàng của mấy đêm mưa lất phất, và gắn cả với mấy miếng thịt cắt mỏng te hơn tờ giấy học trò.
Nói hủ tiếu gõ sạch sẽ, vệ sinh, Tú sẽ phản bác. Nó không phải những món ăn bán trong nhà hàng sang trọng, mắc tiền, được kiểm dịch vệ sinh mấy chục lần một năm. Tô hủ tiếu mười ngàn, giờ cao điểm bán phải chừng mấy chục tô một lúc, đôi khi cái tô nhúng qua nước coi như đã rửa sạch là chuyện bình thường, hay thấy trên cái muỗng mới lấy ra còn dính miếng hành cũng xé tờ giấy chùi đi rồi coi như thôi. Người bán có lúc để tay không cầm cục thịt lên cắt miếng, người ăn hơi ngại nhưng rồi cũng ăn, bởi nó rẻ, nó bình dân và nó hợp với nhiều người.
Giờ, sau cái chuyện thịt chuột trong xe hủ tiếu, thể nào những người mưu sinh nhờ thùng nước lèo cũng chịu nhiều khốn đốn. Tiếng chị bán hủ tiếu cũng còn văng vẳng bên tai, “không biết cái loại người nào viết bài, mà có thể vì chén cơm của mình đạp đổ nồi cơm của biết bao nhiêu con người.”
Tú rùng mình, thấy gió từ đâu xộc vào cơ thể, cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Người viết bài báo đó, là Tú.
 
***
 
Dãy phòng bệnh viện trắng xóa, mùi khử trùng tanh tưởi nồng nặc đổ vào khứu giác. Mễ nằm oằn người trên băng ca, cô y tá bình thản đẩy Mễ đi dọc hành lang vắng lặng không một bóng người. Cơn đau lại trào lên, Mễ buột miệng cất tiếng rên khẽ, cô y tá không buồn cúi đầu, chỉ liếc mắt nhìn qua một lượt, rồi lại đảo mắt lên, chân vẫn chầm chậm bước, như sợ trầy mấy viên đá hoa cương mới được thay hồi năm ngoái.
– Lúc sướng có rên la dữ vậy không?
Tiếng nói lạnh tanh, khô khốc, Mễ nuốt cơn đau, cơn nghẹn xuống tận sâu trong cuống họng. Cánh cửa sập bật ra rồi khép lại, tơ hơ trong mắt Mễ. Tay bác sĩ đứng nhìn Mễ đang cuộn người lại trong cơn đau, mặt không cảm xúc, tròng cái găng tay y tế trắng toát vô rồi hất hàm cho cô y tá ra khép cửa lại. Cơn đau cố nén nhịn ban nãy lại bùng lên khắp cơ thể khiến Mễ kêu lên một tiếng rồi lịm người đi trong vùng vô thức tối đen.
 
***
 
Mễ giật mình bật dậy, kéo mình ra khỏi phần quá khứ vừa trở về trong mơ, đồng hồ đang dừng lại ở bốn giờ ba mươi phút sáng. Cả cơ thể đàn bà mướt mồ hôi, hầm hập nóng dù máy lạnh vẫn phả đều đều lên da thịt. Cơn đau của những năm trước giờ hiển hiện như mới vừa hôm qua, Mễ vuốt mấy cọng tóc bết mồ hôi đang dính rịt trên mặt, thả lỏng cơ thể lẫn cảm xúc, rồi run tay lấy gói thuốc đầu giường, châm lửa rít một hơi dài, hít căng lồng ngực thứ chất trắng có khả năng giết dần giết mòn người ta.
Nhiều năm rồi, nhưng giấc mơ vẫn còn đeo bám. Nỗi đau đàn bà quấn lấy đời Mễ như sợi thòng lọng, sơ sẩy một chút, trượt chân thì coi như chết ngộp trong đớn đau. Hồi ba mươi, ở cái tuổi đàn bà chín mọng, tràn trề, Mễ yêu một người đến điên dại, dù biết người ta đã yên bề gia thất. Đàn bà khi đã vướng vào tình cảm, chẳng ai còn tỉnh táo để suy nghĩ, Mễ là đàn bà, Mễ cũng không thoát ra được quy luật đó. Nhưng với Mễ, đó lại là thất bại lớn nhất của cả đời gom lại.
Từ lúc còn nhỏ, Mễ đã thấy bản thân có hứng thú đặc biệt với việc đi tìm xem người ta đang suy nghĩ gì. Mễ hay đặt những câu hỏi làm người lớn khó chịu, “Chú nói vậy có nghĩa là chú đang không vui phải không?” “Cô đánh nó, nhưng thực chất cô rất thương nó mà phải không?” Lớn lên, dù gia đình cản, Mễ vẫn kiên trì theo đuổi đam mê của mình bằng việc theo học Khoa tâm lý ở một trường đại học danh giá. Mễ ra trường với tấm bằng loại ưu, cũng là lúc nhận ra thế giới xung quanh mình nhuốm một thứ màu xám u ám.
Tâm lý con người luôn là thứ phức tạp và khó nắm bắt nhất. Có những người ngoài mặt tươi cười, thân thiết, nhưng đằng sau lưng, tay lại thủ sẵn con dao nhọn, có thể giết chết ta bất cứ lúc nào. Mễ nhìn ra được những nét cảm xúc thay đổi trên gương mặt người khác, hiểu được đằng sau nụ cười của họ là gì, phần nào đoán được những thứ họ sẽ làm tiếp theo, và càng hiểu, Mễ càng hoảng sợ. Cũng chẳng bao nhiêu người thích Mễ, vì một lẽ, ai cũng cần giữ lại cho mình một thứ gì riêng tư, sâu kín. Cảm giác bị người khác bóc trần suy nghĩ khiến người ta khó chịu, khiến người ta không yên tâm.
Mễ trải qua vài mối tình chóng vánh, bọn đàn ông khi đó chán lắm, chúng nói dối Mễ đủ điều, “Anh sẽ yêu em mãi mãi, anh sẽ làm mọi thứ vì em…”. Ừ, chúng sẽ làm mọi thứ để lôi Mễ lên giường, rồi khi xong chuyện, sẽ hiểu được “mãi mãi” của chúng chỉ được tính bằng khoảng thời gian mặc lại cái quần rồi tách khỏi đời nhau, lặn mất tăm. Cũng có vài người đàn ông tốt ghé qua, nhưng rồi họ cũng nhanh chóng bỏ Mễ mà đi, bởi họ sợ Mễ. Đứng trước Mễ, bọn đàn ông dù tốt hay xấu đều thấy sợ, vì chúng không ẩn giấu được bản thân mình. Mễ thả trôi bản thân, hoang dại và bất cần, cho đến khi chán nản với trò chơi “hiểu đàn ông” thì hắn xuất hiện, rất đúng lúc.
Mễ trôi về phía hắn, không đắn đo suy nghĩ, chỉ nhớ được mùi nước hoa nồng nồng hương gỗ hắn hay sử dụng, khỏa lấp hết mọi giác quan. Bên hắn, Mễ không suy nghĩ gì nhiều, cũng không cố gắng đào sâu đời tư, bởi Mễ biết, càng hiểu rõ về một con người, kẻ đau lòng chỉ chính là bản thân ta. Cho đến một ngày, sau khi hai thân xác chạm vào nhau, rã rời rồi tách nhau ra, Mễ nghe tiếng kim loại rơi xuống sàn nhà đánh keng, hắn cúi xuống nhặt, lạnh lùng đeo vào ngón tay áp út. Và Mễ, nghiễm nhiên trở thành kẻ thứ ba. Người thứ ba không được quyền ghen, hiển nhiên là thế. Nhưng bản tính ích kỷ, muốn chiếm hữu trọn vẹn của con người rất khó kiềm chế. Lần này, Mễ không còn đủ sức để nhìn xem đằng sau mấy câu nói, “Gia đình không hạnh phúc, anh luôn cô đơn” của hắn có phải đơn thuần để giữ chân Mễ như một món đồ chơi hay không, Mễ chỉ biết đau đáu mỗi khi hắn đứng dậy khỏi giường, bước ra phía cửa, đóng lại những mơ mộng về một mối quan hệ tình cảm ngoài tình dục đơn thuần.
Có lần, khi Mễ nhất quyết đòi chia tay, hắn chảy nước mắt. Mễ không nghĩ hắn khóc, vì đàn ông chỉ khóc cho một người đàn bà duy nhất họ yêu thương, Mễ thì biết hẳn không phải là mình. Nước mắt đàn ông, có người nói, là còn sót lại từ chén canh Quên lãng của Mạnh Bà dưới Âm phủ. Nên đàn ông chỉ cần chảy nước mắt, là đàn bà quên sạch những lỗi lầm, những tổn thương đàn ông từng gây ra cho mình. Mễ cũng quên sạch, để lại rúc vào vòng tay của hắn trong những tối lạnh lòng, để rồi chừng một hai tiếng sau, nằm chơ vơ một mình, nghe mùi da thịt chưa kịp ấm đã vội vã lìa xa. Hắn tàn nhẫn với Mễ, hay phải nói, Mễ chấp nhận tàn nhẫn với chính bản thân mình.
Nhưng đến cuối cùng, khi hắn thỏ thẻ bên tai Mễ lúc hai người đang trong cao trào cảm xúc, “Hôm nào cho bạn anh tham gia với mình để thay đổi cảm giác”, Mễ đã dừng lại, cho hắn một bạt tai bằng tất cả hờn căm, khinh bỉ. Trời ơi, đời Mễ đang gắn với thứ đàn ông gì vậy? Trong mắt hắn, Mễ là gì đây? Cũng chẳng cần nói nhiều, hắn im lặng và biến mất như những thằng đàn ông khác, bỏ mặc Mễ chết lịm với chút huyễn hoặc chưa kịp hình thành mang tên hạnh phúc.
Hắn đi rồi, nhưng dấu ấn hắn để lại trong đời Mễ vẫn còn lưu. Mấy cơn nhộn nhạo, cái que thử thai hai vạch đỏ sậm quăng trong thùng rác làm Mễ biết ở cơ thể mình, một con trong đám loăng quăng hắn gởi lại đang tìm đường phát triển. Ban đầu, Mễ sợ hãi và hoang mang, có khi muốn giữ lại phân nửa giọt máu của mình, nhưng rồi lại sợ nửa giọt máu của kẻ chẳng tốt đẹp gì kia. Biết đâu khi lớn lên nó lại đi làm hại đời đàn bà người ta. Nên thôi, dù biết tàn nhẫn lắm, cũng xin để đứa nhỏ chưa kịp thành hình mãi mãi không nhìn được ánh mặt trời ló rạng đằng đông.
Mấy viên thuốc phá thai vô vị, có chăng chỉ là vị đắng mà tự bản thân đàn bà nghiệm về số phận. Mễ uống thuốc không mảy may đắn đo, vì đã nghĩ quá nhiều về quyết định này. Nhưng chuyện không chỉ đơn giản như vậy, cơn đau dữ dội quặn thắt nơi bụng khiến ngay trong đêm đó Mễ phải nhập viện cấp cứu. Đến khi mở mắt dậy, cái đồng hồ trong bệnh viện đang dừng lại ở bốn giờ ba mươi, để rồi từ đó, dù bất cứ ngày nào, Mễ cũng thức dậy đúng bốn giờ ba mươi, để nhớ, để ám ảnh và để đau.
Mễ dụi điếu thuốc cháy hết vào gạt tàn, hít một hơi dài rồi đứng dậy ra nhà ngoài. Căn hộ chung cư đầy tiện nghi thân quen đến lạ, có nhắm mắt Mễ cũng biết mình đang đi về đâu. Sàn nhà lạnh buốt dưới chân sau một đêm dài không hơi người. Mễ pha ly café, quay lại phòng, nhấn nút dàn âm thanh rồi nghe bài hát phát ra từ đó như một thói quen.
“Người đàn bà đi nhặt mặt trời,
Trên đống bỏ hoang của loài người.
Màn đêm che lối tưởng rằng nắng tươi.
Sương đọng trên lá ngỡ giọt nắng rơi.
Quên hết vì đâu đời mình nên tội.”
Phố dưới kia vẫn êm đềm thở, phố không cần giật mình trong cơn đau như Mễ.
Mễ nhấp một ngụm café không đường, nhìn về phía xa, mặt trời đang dần xuất hiện, ánh sáng dần nuốt trọn Sài Gòn. Bất giác, Mễ đưa tay lên bụng, đứa con chưa kịp thành hình chắc cũng muốn được nhìn thấy thứ ánh sáng này một lần, phải không Mễ?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.