Khóc Giữa Sài Gòn

CHƯƠNG 6



Tú gặp Thụy lần đầu hồi hai năm trước, khi đó Tú hai hai, Thụy hai mươi, cùng trên chuyến xe đò từ miền Tây lội ngược dòng vô Sài Gòn tìm đất sống. Tú ngồi cạnh Thụy, thấy cái thằng này sao lơ ngơ hết sức.
– Dân tỉnh lên Sài Gòn? Hay dân Sài Gòn về chơi rồi giờ lên đó lại? – Tú hất hàm hỏi, tìm chuyện cho đường đi bớt dài.
– Lên đó tìm đường sống. Còn anh?
– Cũng vậy, lên tìm tiền trả nợ cho nhà.
Tú nói xong, bật lửa hút thuốc, hé cửa sổ xe đò thả khói bàng bạc về đằng sau lưng, về quá khứ nghèo đói, mà cũng chưa dám chắc tương lai thoát được đói nghèo.
– Lên đó anh tính làm gì sống? – Thụy đưa tay quạt khói thuốc.
– Cũng chưa biết, tốt nghiệp xong thì về quê tính kiếm việc làm, nhưng lương bèo quá, với lại nhớ không khí Sài Gòn, thêm cảnh nợ nần chồng chất, nên lại ngoi lên đó tìm đường sống tiếp. Còn mày?
– Làm gì ra tiền thì em làm, em học xong mười hai là hết muốn ở quê, chủ yếu muốn đi đây đi đó coi người ta sống ra sao. Nếu có nản quá thì chui về nhà lại.
– Ừ, như mày mà hay, còn đường quay về, tao thì hết.
Tú và Thụy vẫn giữ liên lạc từ ngày đó, thỉnh thoảng có khi thấy tù túng quá, lại hẹn nhau ra café hay uống vài chai, nói chuyện cho khuây khỏa, truyền cho nhau thêm chút nghị lực để tiếp tục bám trụ đất Sài Gòn.
Thụy sau mấy tháng tìm việc không ra, chán nản nằm dài ở khu nhà trọ dột nát, nghe tiếng chuột diễu hành như coi phim hành động, thì được một thằng bạn mới quen rủ rê đi làm massage, sau đó cũng rành nghề. Nhưng do không chịu làm thêm mấy khoản “tới Z”, với lại ăn xài nhiều, chuyển sang chỗ ở sang hơn, gởi tiền về nhà mỗi tháng, nên hai năm rồi cũng chẳng dư dả bao nhiêu. Và mỗi lần nói chuyện với khách massage, vẫn chỉ là “mới làm được hơn hai tháng”.
Tú cầm tấm bằng, xin việc ở vài chỗ lương ba cọc ba đồng, nhưng chẳng hứng thú làm việc lắm, một phần bởi không thỏa được đam mê. Tú mê viết, mỗi khi buồn, bí bách thì lại viết như kiểu trút gan trút ruột trong lòng ra. Còn mấy công việc tìm được, phần lớn là làm “sale”, kiểu đi chèo kéo anh chị ơi mua giùm em, hàng công ty em “được quảng cáo” là tốt lắm. Cứ một thời gian là nản, không đạt doanh thu thì Tú lại xin nghỉ, loay hoay tìm việc khác.
Thời gian rảnh Tú viết. Viết rất nhiều nhưng đa phần về đàn bà. Ngoài tiền ra, Tú thích đàn bà, hiểu đàn bà và bị đàn bà ám ảnh kinh khủng. Nhưng cái ám ảnh của Tú không phải ở việc muốn lột trần hay lôi đàn bà lên giường để thỏa mãn nhu cầu xác thịt đơn thuần. Tú bị ám ảnh bởi những suy nghĩ luôn luôn ẩn sâu của đàn bà. Có ai đó nói, “bí ẩn làm nên sự quyến rũ của đàn bà”, và Tú bị cuốn hút bởi sự bí ẩn đó.
Cuốn sách của Tú đậm đặc chất đàn bà, những trải nghiệm, trăn trở trong hai mấy năm sống về nửa phần thế giới bên kia làm nên cuốn sách khiến người ta ham đọc. Không quảng bá nhiều, không chiêu trò rầm rộ, sách của Tú được người ta rỉ tai nhau là nên đọc đi, hay dữ lắm, nó viết về đàn bà sâu cay lắm, thực lắm, đời lắm. Và, nó bán được dữ lắm, thế nên nhiều người bắt đầu tự hỏi, đằng sau bút danh “Chú Hề” là gã đàn ông nào mà lại có thể hiểu đàn bà đến thế.
Đến nay, dù vào làm tại “Thiên đường”, mấy lúc rảnh rỗi Tú lại lôi máy ra gõ lộc cộc cho thỏa cái đam mê viết về đàn bà của mình. Còn những khi nào bức bách, chẳng muốn làm việc, cũng chẳng viết lách được, Tú lại gọi Thụy, như hai người bạn cùng quê, ra nhấp chén cay nhìn đời chảy nước mắt.
– Công việc của mày dạo này sao rồi, Thụy?
– Cũng vậy, vẫn bóp vai bóp đít cho đám đàn ông thích đàn ông.
– Mày có bị cuốn vào đó chưa?
– Vẫn chưa, ráng giữ được khi nào hay khi đó.
– Ừ, nếu từ đầu mình như vậy thì cứ như vậy, chẳng có gì sai, nhưng nếu đã không phải như vậy, đừng nên sống theo người ta mà chẳng còn là mình. – Tú lại uống bia, khà một cái rõ to, thấy chuyện buồn phiền cũng theo đó mà tan đi đâu mất.
– Em biết rồi, còn anh Tú? Làm bên đó chắc cũng ổn định rồi phải không?
– Cũng tốt, đúng với sở thích là viết, được mặc sức mà thể hiện, lương cũng kha khá. Tháng này mới được thưởng thêm một cục tiền vì làm tốt, sếp thì nhìn được khả năng của mình và muốn mình phát triển.
– Sung sướng vậy còn muốn gì nữa.
– Đời đâu thằng nào cho không thằng nào cái gì. Cũng phải đánh đổi thôi em.
– Được giá thì cứ đổi.
– Lương tâm thì ai biết giá nó bao nhiêu.
– Nếu là em, đói quá thì lương tâm bán được em cũng bán.
Thụy nói xong cười khẩy, vẻ bất cần đời hằn trên nụ cười nửa miệng. Tú nhìn lại thằng em ngang hông, thấy sao mới có hai năm mà cái vẻ lơ ngơ ngày nào gặp trên xe đò giờ mất sạch, tanh mùi Sài Gòn đến lợm giọng.
 
***
 
Sài Gòn mưa đêm, trắng xóa mấy con đường len lỏi bóng đèn xe hối hả. Phan trở người, vòng tay tìm Nam để ôm gọn vào lòng như mỗi đêm say ngủ, nhưng vòng tay lại lọt vào khoảng không trống hơ trống hốc. Phan giật mình ngồi dậy, cảm giác mất mát đầy sợ hãi thoáng qua tim, đảo mắt quanh tìm kiếm người yêu. Nam đâu rồi?
Nam đứng tựa vào cửa kính, vẫn chưa mặc lại đồ. Cả thân thể trần trụi áp vào tấm kính mờ, mưa phủ bên ngoài nhưng không thể chạm vào Nam, hơi lạnh nhinh nhích theo từng mảng da thịt. Nam nghe tiếng bước chân đằng sau, không quay lại nhìn vì biết đó là ai, chỉ chờ vòng tay người đó luồn qua ôm chặt, xoa dịu cơn lạnh lẫn cơn đau âm ỉ trong lòng.
– Sao Nam không đi ngủ?
– Em đã ngủ rồi, vừa dậy nhìn mưa thôi.
– Nam nhìn bao nhiêu lần rồi, không thấy chán sao.
– Em nhìn mặt Phan mỗi ngày cũng đâu thấy chán.
– Ừ nhỉ.
Phan phì cười, kéo sát Nam vào người mình hơn, nghe hơi lạnh từ Nam truyền sang từng chút một. Phan gục mặt vào cổ Nam, hít một hơi dài mùi cơ thể, nghe ngọt ngào. Một ánh đèn xe lóe sáng rồi lao vào màn mưa, vụt tắt.
– Sài Gòn chẳng bao giờ ngủ, Phan nhỉ.
– Ừ, người ta tranh thủ sống trước khi tới lượt mình chết.
– Nhìn người đi dưới kia, Phan biết người nào đang sống, người nào đã chết không?
– Làm sao biết được, với lại anh cũng chẳng tin vào ma quỷ.
– Em đâu nói về ma quỷ, em nói về con người. Có nhiều người thật ra họ chết rồi, chỉ là thân xác còn tồn tại, chờ đến ngày gục xuống được người khác đem chôn cất thôi.
– Đừng suy nghĩ nữa, vào ngủ cùng anh.
Nam quay người, vẫn còn gọn trong vòng tay Phan, đưa tay áp vào má Phan, giữ cho hai gương mặt đối diện nhau. Nam nhìn sâu vào mắt Phan, chợt hỏi:
– Phan nhìn vào mắt em, đố Phan biết em còn sống hay là đã chết?
Một tia sét ngoài kia rạch nát bầu trời, mưa lại tầm tã, vỗ đời qua giấc an nhiên.
 
***
 
Thụy dừng xe trước cửa nhà trọ, ướt sũng nước mưa. Thời tiết Sài Gòn thật khó hiểu, cả ngày nay oi nồng, nóng bức, đùng một cái lại mưa tầm tã, không biết đường nào mà chiều chuộng. Thụy cởi cái áo mưa ni lông mua hết mười ngàn bạc bên đường, nghe nó rách xoẹt một đường. Đúng là tiền nào của nấy, mấy thứ dùng qua cơn, giá rẻ thì công dụng cũng chỉ được một cơn thế thôi. Đang loay hoay tìm chìa khóa nhà, Thụy nghe tiếng lịch kịch mở cửa bên trong, rồi gương mặt Ân ẩn đằng sau ánh đèn đỏ của căn nhà trọ.
– Vô nhanh đi Thụy.
Thụy vội cảm ơn rồi dắt xe vào nhà, áy náy nhìn nước mưa nhỏ tong tỏng xuống nền nhà đã được bà giáo quét sạch. Ân quay lại chỗ ngồi trên sofa, lấy điện thoại nhìn ngắm một chút rồi chụp lại tấm hình Thụy đang lui cui dắt xe, mưa còn đậu giọt trên cánh mũi cao cao. Thụy cất xe xong, nhìn cái nền nhà lấm lem, tự dưng áy náy.
– Không có gì đâu, lên tắm rửa thay đồ đi, coi chừng bệnh. Lát Ân lau giùm cho.
– Phiền Ân quá, tôi ngại.
– Phiền gì đâu, Ân cũng không ngủ được nên ngồi đây chơi.
– Vậy, Ân chờ chút, tôi lên lau người rồi pha trà xuống uống cùng Ân.
Ân gật đầu mỉm cười, nhìn theo dáng Thụy gầy gầy đi lên cầu thang rồi khuất sau cánh cửa phòng. Ân coi lại tấm hình vừa chụp, thấy Thụy mờ ảo trong ánh đèn đỏ, nhập nhoạng, nửa ma mị, nửa cuốn hút. Ân chỉnh lại màu cho tấm hình, thêm chút viền tối cho tấm ảnh thêm sức hút, gõ vài chữ, “Sài Gòn rơi máu…”, rồi tải lên trang xã hội, tắt máy trước khi nó bắt đầu báo số người yêu thích, bình luận hay chia sẻ. Ân cũng như bao nhiêu người dùng mạng xã hội khác, lúc nào cũng muốn được người ta quan tâm. Niềm vui, nhiều khi nó đơn giản tới mức chỉ cần bật máy lên, thấy có một đống thông báo, là đã mỉm cười thỏa mãn.
Ân đưa mắt nhìn một lượt thứ ánh sáng đỏ quạch đang nhấn chìm mình, phủ ngập phòng khách, cũng là nơi để xe cho khách trọ. Bà giáo chỉ có hai phòng dư, nên ngoài Thụy và Ân, cũng chẳng còn ai là hàng xóm trong căn nhà này. Ân đứng dậy, lấy đồ lau rồi bắt đầu dọn dẹp đống sình đất Thụy mang về ban nãy.
Nhà ba tầng, tầng trệt là bếp và phòng khách có đặt cái sofa, dùng luôn làm chỗ để xe. Tầng hai có hai phòng cho Thụy và Ân thuê, còn tầng một là phòng bà giáo, và một căn phòng trống đối diện phòng bà. Có lần Ân hỏi vì sao không cho thuê luôn căn phòng đó, bà giáo chỉ cười, bảo rằng để dành cho thằng con trai khi nào về sẽ ở, đến lúc Ân hỏi thêm rằng con bà đi đâu mà về, bà chỉ im lặng, ánh mắt xa xăm, “Nó chết rồi…” Ân hơi bất ngờ, nhưng biết bản thân nên dừng câu chuyện tại đây. Mỗi người đều có trong mình một khoảng không gian gọi là kí ức, và ngoài chính bản thân mình, họ không thích ai chạm vào nơi ấy.
Ân lau sàn xong, cất đồ ra sân ngoài rồi lại ngồi lên sofa, nhìn mưa rơi qua ô cửa sổ nhỏ. Có tiếng chân Thụy từ trên lầu đi xuống, tay cầm theo hai ly trà nóng vẫn còn bốc khói, hương chanh thoang thoảng quyện cùng mùi ngòn ngọt của mật ong.
– Sao hai giờ sáng rồi mà Ân chưa đi ngủ? – Đưa Ân tách trà, Thụy ngồi xuống cạnh Ân trên sofa.
– Ngủ một lúc rồi, nghe mưa nên tỉnh dậy, xuống đây ngồi.
– Bình thường Ân vẫn hay ở trong phòng mà.
– Nhưng hôm nay Ân thấy căn phòng ngột ngạt quá nên phải ra khỏi đó một lúc. Còn Thụy, sao về khuya thế?
– Thấy Sài Gòn này chán nản quá nên đi uống mấy chai bia với ông anh, ai ngờ vừa chán Sài Gòn là bị nó chơi cho cơn mưa, càng chán hơn.
Ân bật cười vì câu nói của Thụy, thấy mưa ngoài kia không còn lạnh như ban nãy.
– Ân cũng không phải dân Sài Gòn, có khi nào thấy chán chỗ này không?
– Có chứ… từ lúc mới vô đây sống đã thấy không quen, tới giờ sống mấy năm rồi, cảm giác không quen vẫn còn nguyên.
– Không quen sao còn muốn sống tiếp ở đây?
– Vì gia đình Ân muốn.
– Ừ nhỉ… đâu phải lúc nào mình cũng có thể sống theo ý mình đâu. Một thân một mình thì sao cũng được, đằng này lại còn trách nhiệm, gia đình… đủ thứ chuyện, nghĩ đến mà nản.
Ân im lặng, khẽ cúi đầu mỉm cười, tay xoay ly trà ấm nóng. Chợt nhớ ra gì đó, cầm điện thoại ấn ấn vài cái đưa về phía Thụy.
– Coi đi, mới chụp hồi nãy.
Thụy nhìn gương mặt mình trong ánh đèn đỏ từ tấm ảnh, chợt thấy như hình của một ai khác, lạ lẫm lắm.
– Ân thích chụp hình nhỉ?
– Ừ, ghi lại hình ảnh để nhớ thôi. Thụy không thích à?
Thụy mỉm cười, lấy ngón tay chỉ vô mắt.
– Thụy chụp bằng cái này. – Rồi đưa tay xuống tim. – Và lưu lại ở đây.
Ân bối rối, lần đầu tiên nghe cậu bạn cùng trọ nói chuyện kiểu vậy. Thú thật, trước giờ khi nghe Thụy là dân tỉnh lên đây đi làm cho một tiệm massage, Ân có ý khinh thường. Bình thường có gặp nhau, Ân cũng chỉ gật đầu chào lấy lệ. Đây là lần đầu tiên hai người có dịp ngồi nói chuyện lâu hơn. Cảm giác bối rối tan mất, Ân đứng dậy.
– Thôi, Ân lên phòng ngủ tiếp đây, mai đi làm sớm, cảm ơn Thụy vì ly trà.
Ân đi về phía cầu thang, kịp nghe tiếng Thụy rất nhỏ, đuổi theo đằng sau:
– Hôm nào Ân rảnh… đi café với Thụy nha!
Ân khựng người, cảm giác thoáng bối rối vì không nghĩ lại có lời mời café lúc hai giờ sáng, nhưng cũng kịp trấn tĩnh, quay đầu trả lời:
– Ân thích uống trà trong mưa như vầy hơn café.
Rồi Ân lẫn vào bóng tối mà ánh đèn đỏ không với tới được, để lại Thụy cùng tách trà nóng bắt đầu nguội lạnh.
 
***
 
Đêm đó, Thụy trằn trọc không ngủ được. Ngoài kia mưa đã dừng, chỉ còn lại mặt đường sũng nước, bám rít lấy bánh xe của những người mưu sinh về đêm. Thụy nhớ lại nụ cười của Ân ban nãy, nụ cười khuất sau màn đêm và ánh đèn đỏ quạch.
Ân cười đẹp, tự dưng làm Thụy nghĩ về mối tình đầu của mình cách đây mấy năm, lúc còn dưới quê. Thụy chẳng biết có nên gọi đó là tình yêu không, vì cả hai chưa từng chính thức nói yêu nhau, dường như chỉ ngầm hiểu rằng đã là một nửa của đối phương từ cái ngày chịu để bàn tay người ta nắm chặt lấy bàn tay mình. Ngày đó Thụy không giống đám con trai khác, trong khi bọn chúng thích những trò chơi mạnh bạo, đá banh, gây sự đánh nhau, Thụy lại thích đọc sách, trăn trở và suy nghĩ về những thứ trong sách viết. Nhưng đơn giản Thụy chỉ thích đọc, còn bản thân lại không thể viết được, chắc có lẽ đó là do năng khiếu mỗi người, thế nên khi biết Tú viết sách, Thụy rất thích, cũng rất nể thằng anh ngang hông này.
Có lúc, đám con trai trong trường chọc Thụy là “pê-đê”. Thời gian đó, Thụy cũng hơi lăn tăn suy nghĩ, lo tìm sách báo đọc để coi cái “pê-đê” tụi nó nói là gì. Đọc xong mới thấy mình không phải.
Đúng là Thụy chưa có cảm giác muốn yêu đương đứa con gái nào, nhưng với đám con trai thì cũng tương tự. Nói chung ngoài đọc sách, lo lắng cho gia đình, tương lai, Thụy không để ý nhiều đến mấy chuyện yêu đương cho lắm. Nhưng để xác định giới tính mình là gì, lúc đó Thụy yêu cô bạn cùng lớp, là mối tình đầu. Hai đứa chơi cùng nhau hồi đầu cấp ba, ngồi bàn trên bàn dưới nên có gì cũng tìm nhau nói chuyện, rồi đến lúc chịu nắm tay nhau thì coi như bồ bịch. Cũng như bao nhiêu cặp yêu nhau, Thụy và cô bạn cũng đèo nhau trên chiếc xe đạp lên chợ huyện ăn đủ thứ món ăn vặt. Hôm nào có đoàn ca nhạc ở thành phố về, hai đứa cũng nắm tay nhau chen lấn đi coi cho bằng được. Học xong cấp ba, nhà nghèo nên Thụy dừng học, lo đi kiếm việc làm, cô bạn thì lại nghe theo gia đình, qua tỉnh khác làm công nhân may mặc gì đó, lương cao lắm.
Đêm trước ngày chia tay, Thụy với người yêu đã nằm cạnh nhau trong căn phòng trọ thuê theo giờ. Lúc ấy cả hai cũng đã trên mười tám, lại thấy yêu đối phương, nên muốn trao nhau cái lần đầu tiên. Rồi cũng hôn, cũng vùi đầu vào cơ thể nhau, sau đó rồi… thôi.
Thụy là người dừng lại vì bản thân biết mình hoàn toàn không muốn làm chuyện đó. Yêu, có yêu chứ, nhưng yêu lúc đó trong Thụy chưa dính đến tình dục, và Thụy hiểu, sau tình dục, còn là trách nhiệm. Thế nên, dừng lại ở đó là tốt nhất, đừng để cả hai phải hối hận những năm về sau.
À, về mặt cơ chế sinh lý cơ thể, Thụy vẫn bình thường. Đòi hỏi ham muốn cũng có, chỉ là, Thụy chưa xác định được một cá nhân cụ thể để đặt nhu cầu của mình vào.
Đến khi vô Sài Gòn, làm ở tiệm massage, tiếp xúc với rất nhiều người đồng tính (mà trước đây Thụy gọi là pê-đê), Thụy cũng cảm thấy mình không như họ. Việc thỏa mãn cho họ bằng tay, Thụy chẳng ghê tởm cũng không mảy may thích thú, chỉ coi như đó là cuộc trao đổi của người có tiền và kẻ cần tiền. Đó là lý do vì sao dù làm hơn một năm qua, Thụy vẫn giữ cho mình “trong sạch”, nói như kiểu trong sách là bán nghệ chứ không bán thân.
“Có khi mình thuộc về một cái giới tính thứ năm, thứ sáu gì đó mà con người chưa tìm ra…” Thụy thầm nghĩ, phì cười rồi chợp mắt ngủ lúc hơn ba giờ sáng. Nụ cười của Ân vẫn còn loáng thoáng trong giấc mơ đêm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.