Không gì là mãi mãi

Chương 03



07 THÁNG BA

Đầu giờ chiều, hai cảnh sát đến nhà. Trong đó có một người hai vợ chồng đã gặp một lần, ngay khi sự việc diễn ra; người kia thì bọn mình không biết mặt. Vì thấy người bọn mình đã biết mặt lúc nào cũng lắng nghe người kia, liên tục gật đầu tán đồng một cách kính cẩn, mình nghĩ người đang nói chuyện với hai vợ chồng là chỉ huy. Mình đã hiểu ngay khi thấy ánh mắt trốn tránh, ngại ngần của họ… Chân mình trở nên mềm nhũn như bún, tim bắt đầu đập hoảng hốt. Cỗ máy bị chạy quá tải, đã phát điên. Thậm chí, mình còn không mời họ vào nhà. Từng từ, từng câu cứ vang lên, không thể chịu nổi: “Thưa bà, mặc dù đã tiến hành tất cả các hình thức tìm kiếm, nhưng đến giờ, cuộc điều tra vẫn không đạt được kết quả gì. Tôi không giấu giếm bà là hiện giờ, rất ít khả năng tìm thấy con gái ông bà còn sống. Tất nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục, nhưng…” Cái gì đó cử động ngay bên cạnh mình. Vincent đang lùi từng bước nhỏ, sự kinh hãi ngập tràn trong ánh mắt. Viên cảnh sát đang nói chuyện với hai vợ chồng nhìn trân trân vào mặt mình với vẻ ăn năn. Mình đọc thấy trong mắt anh ta sự thương hại. Anh ta cố vớt vát: “Thật kinh khủng, phải không ạ? Bản thân tôi cũng có hai con…?” Mình không nghe phần tiếp theo. Tai mình bắt đầu ù đi. Mình ra dấu tay để anh ta hiểu rằng như thế là quá đủ rồi, rằng phần còn lại không quan trọng với mình nữa. Anh ta làm như thể không hiểu, anh ta tiếp tục nói, một tràng những lời lẽ mà mình không hiểu nghĩa, có vài từ mình nghe được, rời rạc, như những trích đoạn của một xê ri phim truyền hình chán ngắt, “bắt cóc hàng loạt”, “người mắc bệnh rối loạn nhân cách”, “nhiều bé gái khác”… Bỗng dưng mình cảm thấy kiệt sức. Mình sẽ ngã quỵ xuống mất. Mình những muốn bảo anh ta câm miệng lại, bởi vì mình đã hiểu phần cốt lõi, nghĩa là họ sẽ không tìm thấy Clara, và như vậy phần còn lại, mình không quan tâm, mình hoàn toàn không quan tâm, mong họ hãy bỏ quá cho mình, mình không đủ rộng lượng để nhỏ lệ cho những cô bé khác, đó không phải con mình, không phải giọt máu của mình, niềm vui của mình, vậy nên anh ta hãy câm miệng lại, chúng ta hãy kết thúc câu chuyện, anh ta hãy xéo đi, để bọn mình được yên, để Vincent và mình với nỗi đau riêng, với sự trống vắng mà Clara để lại trong lòng.

Mình đã không thể mở miệng. Chính tay cảnh sát kia đã đỡ mình trước khi mình ngã quỵ xuống đất. Một lúc sau, họ đi về, mặt cúi gằm, ấp úng chào như những cậu bé bị bắt lỗi.

Tối nay mình cảm thấy quá mệt mỏi. Mình nghĩ đến mẹ. Nếu bà còn sống, mình ước muốn biết bao bà ở cạnh mình, ôm mình trong vòng tay, đưa mình vào giường, nằm cạnh mình và thì thầm với mình những lời dịu ngọt, mình sẽ không cố hiểu những lời đó nhưng chúng sẽ chảy thấm khắp người mình nhu mật ngọt, như tuổi thơ, như niềm tin chắc chắn rằng ngày mai tất cả rồi sẽ tốt đẹp.

10 THÁNG BA

Chiều nay, mình đã gọi điện tới văn phòng. Mình đã bảo mọi người một tuần nữa mình sẽ quay lại làm việc. Guillaume có vẻ ngạc nhiên, gần như phật ý, mình có cảm giác thế. Trừ khi mình bị nhầm: có thể mình làm phiền anh ấy, có lẽ chỉ đơn giản là anh ấy không chờ đợi cú điện thoại của mình, anh ấy không biết nói gì, anh ấy bị bất ngờ, là điều không thể chịu được đối với anh ấy.

Dù sao cũng không quan trọng. Tuần sau mình sẽ đi làm. Mình không thể chịu được chuyện phải ở nhà nữa, giam mình giữa bốn bức tường, bên cạnh Vincent, người càng ngày càng bị chơi vơi, giống như mình vậy.

14 THÁNG BA

Nỗi tức giận âm ỉ của Vincent, tối nay, sau bữa tối, vì mình ngồi ở ghế bành và cầm một quyển sách: “Làm sao em có thể ngồi đọc sách như thể không có chuyện gì xảy ra, như thể cuộc sống sẽ trở lại nhịp bình thường ấy? Làm sao em có thể chấp nhận những gì xảy đến với chúng ta cơ chứ?” Ánh mắt anh ấy biểu lộ bao sự tức giận… Mình đã định nói cho anh ấy hiểu rằng không phải vì mình tự cho phép mình đọc sách có nghĩa là mình chấp nhận, có nghĩa là mình đầu hàng; nhưng làm gì bây giờ? Cứ để mình dần dần bị suy sụp trong nỗi sợ hãi, bị sự điên dại cuốn đi như anh ấy ư, nào chờ đợi, nào ngồi cả ngày bên máy điện thoại chờ đợi một cú gọi càng ngày càng ít khả năng xảy ra, đi lòng vòng như một con vật lên cơn dại, trở nên đau đớn đến mức không chịu đựng được sự hiện diện của người khác trong ngôi nhà nữa, đến mức không còn biết suy luận cho đúng nữa? Anh ấy đứng dậy, đi mấy bước về phía mình. Toàn thân anh ấy run lên, khuôn mặt nhợt nhạt, bàn tay nắm chặt. Anh ấy nói, giọng đầy tức giận: “Em làm anh thất vọng biết bao, Geneviève! Vậy là em cũng giống những người khác, em chấp nhận, em chịu khuất phục, em chấp nhận tất cả những gì khốn nạn của cuộc đời này!” Chưa bao giờ mình nhìn thấy anh ấy có thái độ tàn nhẫn như vậy, dường như nó đã vượt quá cả tầm kiểm soát của anh ấy. Anh ấy tiếp tục bước tới, cánh tay giơ về phía mình, đe dọa. Mình nhìn khuôn mặt anh ấy bị biến dạng bởi sự tuyệt vọng, mình thấy anh ấy tiến lại gần và mình không thể làm gì. Mình những muốn tìm được những lời nói thích đáng, những lời nói có thể xoa dịu anh ấy và giúp cho bọn mình cuối cùng có thể tìm lại sợi dây liên kết với nhau. Nhưng mình chỉ có thể thì thào được một từ khốn khổ: “Vincent. Anh Vincent, nào…” Anh đấm tay xuống bàn, cú đấm mạnh đến mức khiến mình giật nảy người. Mình hiểu rằng từ giờ mọi lời nói sẽ là vô nghĩa, nỗi đau đã đẩy hai vợ chồng vào hai thế giới khác nhau và cú đấm xuống bàn này đặt dấu niêm phong cho tình trạng đó. Mình cúi đầu. Vẫn im lặng.

Ôi, mình muốn xiết bao được nói với anh ấy rằng, mình cũng thế, mình cũng tự vấn làm sao có thể tiếp tục sống sau chuyện đó; rằng mình cũng thế, thỉnh thoảng mình chỉ mong mỏi duy nhất một điều: đó là tất cả mọi chuyện kết thúc, một cơn sóng tràn đến phủ kín cơ thể của bọn mình và vĩnh viễn khép chắt mí mắt hai vợ chồng mình lại. Nhưng nếu mình đã quyết định tiếp tục sống, cần phải đương đầu với những hệ quả của nó, nghĩa là phải sống xứng đáng, phải đứng thẳng. Đứng hay nằm, đó là điều cần phải chọn lựa, nhưng đối với mình, sự chọn lựa rất rõ ràng: hoặc mình nằm trong một nấm mồ, hoặc mình đứng thẳng trong cuộc đời này. Một cuộc sống khác, chắc chắn thế, nhưng là cuộc đời này.

Anh ấy vẫn đứng cách mình vài mét. Mình cảm thấy anh ấy đang tìm những từ ngữ xúc phạm khác, để kéo mình vào với nỗi tuyệt vọng của anh ấy, kéo mình theo anh ấy. Mình hiểu rõ. Đúng, mình hiểu rõ: nỗi đau, đó là nỗi cô đơn, và anh ấy không muốn cô đơn. Mình ngẩng đầu lên. Mình muốn mỉm cười với anh ấy. Những giọt nước mắt lăn trên mặt mình. Mình đi ngang qua sát anh ấy, không chạm vào anh ấy, và mình rời khỏi căn phòng.

Mình vào phòng của Clara. Mình nhắm mắt. Mình cố nghe giọng nói của con, tiếng cười của con, tiếng líu lo của con. Mình cố làm cho con vẫn sống ở trong mình. Con đang ở đây. Mình thật may mắn: con đang ở đây. Con phì cười, con hát, con kể những chuyện linh tinh, con không ngừng kể những chuyện linh tinh. Con giơ tay về phía mình. Con không muốn ngủ. Mẹ ơi, ở lại với con thêm một tẹo nữa đi ạ. Thêm một tẹo thôi ạ. Chưa muộn đâu ạ. Ngày mai con không phải đi học. Con rúc mặt vào cổ mình. Mình khóc. Thật tuyệt. Thật êm ái. Mình vùi đầu vào chiếc gối màu xanh da trời. Mình tưởng sẽ tìm lại được mùi của con. Mình nhầm, có lẽ thế, nhưng không quan trọng… Chỉ cần tự nhủ đó đúng là mùi của con, chỉ cần tin chuyện đó là đủ. Mùi hương thấm đượm trong vải sẽ đọng lại được bao lâu? Bao lâu trước khi mùi hương đó cũng bay mất?

17 THÁNG BA.

Hôm nay, lần đầu tiên kể từ ngày Clara mất tích (mình đã khó nhọc biết bao khi viết những từ này: “Clara mất tích”: mình có cảm tưởng đang viết ra những từ của một bộ phim, hay của một cuốn sách, những từ không thể liên đới tới đời mình), mình quay trở lại làm việc. Lẽ ra mình phải chuẩn bị, mình nghĩ thế, đối diện với những ánh mắt ngần ngại, những nụ cười gượng, những cuộc trao đổi bỗng nhiên ngừng bặt… Cũng như sự thiếu vắng của Clara khiến hai bọn mình, Vincent và mình, trở nên xa lạ, mình có cảm tưởng các đồng nghiệp và mình giờ cũng thuộc hai thế giới khác nhau: tất cả đều vênh lệch. Mình không biết rằng nỗi đau lại đẩy nhiều người ra xa nhau đến thế. Chỉ có duy nhất Esdouard ra chỗ mình. Anh ấy vừa bắt tay vừa nhìn vào mắt mình. Sự biểu cảm trên khuôn mặt anh ấy thật rõ ràng, mình không hề đọc thấy trên đó sự ngượng nghịu, gò bó, hay sự lo lắng, hay một câu hỏi, dù là nhỏ nhất: anh ấy bắt tay mình, chỉ có vậy. Vào giây phút đó, anh ấy đứng bên mình, không hơn, không kém. Mình đã nói câu cảm ơn anh ấy. Mình không rõ anh ấy có hiểu không.

Mình cứ tưởng theo lại nhịp độ bình thường sẽ tốt cho mình, nhưng cả một ngày làm việc là một thử thách thực sự: lúc nào mình cũng cảm thấy mình không ở đúng vị trí của mình, công việc thiết kế đồ họa chẳng con ý nghĩa gì với mình hết. Từng giờ trôi đi, chậm chạp, vô ích. Mình về nhà bằng tàu điện ngầm. Tất cả những khuôn mặt đó, những cơ thể đó bị ép chặt vào nhau… Mình cảm thấy ngộp thở. Mình cảm thấy là người thừa: như thể cuộc đời mình, giờ đây, không còn dính dáng đến cuộc đời của những người khác nữa. Mình đi lảo đảo trên đường phố. Khi về tới nhà, mình đã phải ngồi xuống để khỏi ngã.

Chắc chắn mình đã nhầm khi quyết định đi làm lại: mình nghĩ không thể sống ở đây được nữa. Mình cần yên tĩnh. Toàn bộ sự náo nhiệt này khiến mình quay cuồng, choáng váng. Cái mình cần, đó là một nơi yên tĩnh ở thôn quê. Một cuộc sống ẩn dật.

22 THÁNG BA

Con mất tích đã được hai tháng. Liệu có tình yêu nào có thể trụ được, có thể đứng vững được không? Tại sao bọn mình không đủ mạnh mẽ?

Liệu Vincent có hiểu rằng hai vợ chồng đang lạc mất nhau? Mình sẽ phải cố gắng, còn phải cố gắng, để giải cứu cho hai vợ chồng ư?

Không, mình không nghĩ thế: đã quá muộn rồi. Hai vợ chồng đã quá xa nhau. Có những hoang mạc chỉ có đường qua theo một chiều duy nhất.

Nếu không có cuốn sổ này, mình tin chắc mình sẽ từ từ bị đẩy đến tuyệt vọng, giống như Vincent. Trước đây, mình không biết rằng ngôn ngữ có thể giải thoát con người. Giờ mình đã biết: chúng giữ sợi dây liên hệ với chính bản thân mình. Chúng giúp ta không bị lạc lối trong đêm đen sâu thẳm của sự điên rồ.

25 THÁNG BA

Tối hôm nọ mình đã viết: “hoặc nằm trong một nấm mồ, hoặc đứng vững trong cuộc đời này”. Mình đã lấy đâu ra sức mạnh để có thể nghĩ như vậy, để tin mình có khả năng thực hiện lựa chọn đó? Hôm nay, từng giờ phút trôi qua mới khó khăn làm sao. Sự thiếu vắng Clara, thiếu vắng thân hình con bé, trên cơ thể mình, trong đôi tay mình, trong lòng mình. Làm thế nào để nhận thức chuyện đó, nhận thức sự bất lực đó: đôi tay mình tìm kiếm con, gần như vô thức, như một thói quen của cơ thể nhưng không tìm thấy… Cảm giác mỗi động tác của mình giờ đây trở nên vô ích: tứ phía mình đều va phải hư không, như thể hư không tồn tại cả trong con người và xung quanh mình. Máu không lưu thông nữa.

Liệu mình có muốn máu lại chảy trong huyết quản không? Đời mình không có Clara sẽ thế nào đây? Cuộc đời đó có thể được nuôi dưỡng bằng cái gì đây?

Cuộc đời mình… Mình cố nhìn nó trực diện. Làm thế nào để không sợ hãi? Bỏ ra nhiều năm để tìm ra ý nghĩa cho sự có mặt của mình trên cõi đời này, để trải nghiệm ý nghĩa đó, để sống trong cuộc đời. Rồi bỗng nhiên đánh mất ý nghĩa đó, đánh mất những trải nghiệm đó. Bỗng chốc đánh mất tất cả. Còn lại gì đây?

Khi mẹ mất, mình đã biết thế nào là đơn côi: mình đã mất đi sự yêu thương, bao bọc của mẹ, mất đi nguồn an ủi vô tận của “người luôn bên cạnh tôi dù xảy ra chuyện gì, dù tôi có làm gì”. Mẹ mất, đó là lúc chân trời bỗng chốc mở ra, toang hoang, cùng với đó là nỗi bàng hoàng, cô đơn tuyệt vọng, nhưng cũng có cả sự tự do để khám phá, để chinh phục.

Clara mất tích, đó là lúc chân trời vĩnh viễn khép lại.

Những lời nói của Julien, ngày hôm qua, trên điện thoại: “Điều khó khăn nhất, đó chính là sự không chắc chắn, xác xuất, dù rất nhỏ, là anh chị có thể còn tìm lại được cháu. Tia hy vọng đó khiến anh chị cứ mông lung, ngăn cản anh chị bắt đầu chấp nhận một cuộc sống thiếu cháu.” Những lời nói của anh khiến mình nghĩ tới những người phụ nữ, những người mẹ, nhiều tháng sau khi chiến tranh kết thúc, họ vẫn còn mong chờ, trong niềm hy vọng điên rồ đang vắt kiệt sức lực của họ, rằng một người chồng hay một đứa con sẽ lại xuất hiện, có thể ốm yếu, thương tật, què cụt, nhưng còn sống. CÒN SỐNG.

Julien nói đúng tâm trạng của Vincent: Vincent vẫn hy vọng, chính là điều đó đang bào mòn anh, chính điều đó khiến anh phát điên. Vincent chờ đợi Clara. Mình, mình không chờ đợi con bé nữa. Tại sao ngay từ ngày đầu tiên mình lại có linh cảm là người ta sẽ không tìm thấy con bé? Ôi, tất nhiên, giống như Vincent, mình đã hy vọng, bằng tất cả sinh lực của mình. Mình đã chờ đợi… Nhưng tại sao, trong sâu thẳm trái tim, mình lại chắc chắn điều đó, như thể ngay khi con bé biến mất, mình đã biết rồi.

Nếu ngược dòng thời gian mấy năm về trước, khi Clara mới được mấy tháng tuổi, những lúc con bé cười với mình giống như một thiên thần và nụ cười ấy khiến trái tim mình ngập tràn niềm vui, chẳng phải đôi khi mình đã từng cảm thấy một sự bất ổn, một sự bức bối mà mình vẫn vội vàng xua đi ngay đấy ư: sợ rằng Clara sẽ có lúc không còn ở đó? Tại sao lại thế?

Tất cả những câu hỏi đó vật vã trong tâm trí mình… Mình mong biết bao tìm lại được sự yên ổn trong tâm can, một sự tĩnh tại. Mình đã trở thành một mớ hỗn độn lớn.

30 THÁNG BA

Sáng nay, từ cửa sổ phòng ngủ, mình đã nhìn thấy những bông mộc lan đầu tiên. Mình đã khóc: vậy là mùa xuân sắp trở lại ư? Lại khung cảnh rực rỡ, không khí ấm áp, mùi hương ngọt ngào của những bông hoa và trái cây ư? Mình để mặc nước mắt tuôn rơi. Mình khóc, không phải chỉ do buồn: mình còn cảm thấy biết ơn vô cùng cái thế giới đang tồn tại này.

03 THÁNG TƯ

Từ hai đêm nay, Vincent ngủ trên ghế dài ngoài phòng khách. Cơ thể bọn mình từ từ tách xa nhau, đi về hai phía.

Mình vẫn nhớ lần đầu tiên hai đứa gần gũi nhau.

Giữ lại trong trí nhớ, trong ký ức, rằng niềm vui từng tồn tại với hai vợ chồng. Không hề nghi ngờ.

Giữ lại trong trí nhớ, trong ký ức, rằng niềm vui từng rạng ngời khuôn mặt Clara.

05 THÁNG TƯ

Chiều nay, cô bé Camille qua nhà mình sau khi ở trường về. Không nói một lời, con bé chìa cho mình một tờ giấy. Camille đã vẽ Clara trên tờ giấy đó, tô màu rực rỡ: đôi mắt màu hồng, mái tóc màu vàng, thân hình màu xanh mạ. Con bé vừa nhìn thẳng vào mắt mình vừa thầm thì: “Cháu cố tình tô màu thế đấy ạ. Để bạn ấy trở về.” Mình vừa ôm riết con bé, vừa cắn chặt môi để khỏi bật ra tiếng khóc. Người con bé thật thơm, tuổi thơ và sự mệt mỏi, mình nhắm mặt lại và, trong giây lát, tự cho phép mình mơ mộng rằng mình đang ôm Clara trong vòng tay. Mình thở nhẹ. Biển ùa vào trong mình. Mình và con bé ôm chặt nhau một lúc. Rồi Camille buông ra: “Cháu phải về đây ạ, nếu không mẹ cháu sẽ lo lắng. Cháu không bảo mẹ cháu là cháu qua thăm cô. – Đúng rồi, mình lúng túng, đúng rồi, Camille. Cháu về nhanh đi.” Nhưng khi con bé bước qua bậc thềm để ra khỏi nhà, mình đã không tự kiềm chế, mình đã chạy sau con bé và ôm chặt con bé vào lòng, và lần này mình đã khóc, trong im lặng. Những giọt nước mắt thiêu đốt đôi mắt mình, khuôn mặt mình, cổ mình, toàn thân mình lảo đảo, mình thấy khó thở.

Mình và con bé ôm siết nhau trong bao lâu? Mình nghe thấy giọng nói của Camille, thật dịu dàng: “Cô ơi, bây giờ thực sự cháu phải đi rồi ạ. Cháu xin lỗi.” Rồi vì mình ngẩng đầu lên nên con bé đứng thằng người lại và nhanh như chớp, nó băng qua các bậc thềm dẫn ra cổng, rồi ngay sau đó, mình thấy con bé chạy trên vỉa hè, chiếc cặp xanh đỏ đung đưa trên lưng, cho tới khi con bé rẽ ở góc phố và ra khỏi tầm mắt của mình.

Mình vẫn cầm bức tranh của con bé trên tay. Mình ngắm khuôn mặt được tô màu hồng và vàng của Clara đang mỉm cười với mình và chợt nhớ ra đã quên không cảm ơn Camille về bức vẽ.

Giờ là một giờ đêm. Mình không thể nào ngủ được. Quá nhiều hình ảnh trong tâm trí mình, chúng ào đến tấn công bộ não mình. Bên ngoài gió rất to. Chắc lạnh lắm. Con ở đâu, Clara?

09 THÁNG TƯ

Hôm nay mình bốn mươi tuổi. Mười năm hạnh phúc với Vincent và Clara. Còn lại là gì? Không ai báo trước cho mình biết là cuộc đời có thể dừng lại ở tuổi bốn mươi. Là những gì mình đang có trong tay, tốt đẹp dường ấy, hiển nhiên dường ấy, lại có thể bỗng chốc bị lấy đi khỏi mình. Vậy như thế đã là kết thúc chưa?

Lúc này, chị Laura nói trên điện thoại: “Em nói như thể em sắp chết ấy. Rồi em xem, cho dù hôm nay em không thể dự liệu được gì, nhưng cuộc sống sẽ trở lại nhịp bình thường, em sẽ lại bắt đầu làm điều gì đó…” Chị ấy nhầm. Chị ấy không có con nên chị ấy không biết. Đời mình có thể sẽ tiếp tục, nhưng sẽ chỉ giống như một cánh tay giả được lắp cánh tay đã cụt: cánh tay không còn nữa, da thịt không còn nữa. Ở vị trí đó là một đoạn kim loại không có cảm giác, không biết lạnh, không biết nóng, không biết đau và cũng chẳng cảm nhận được những cái vuốt ve. “Bảo đảm không vỡ”.

13 THÁNG TƯ

Quen với sự trống vắng, với cái chết trong con người mình. Học cách không màng tới mọi chuyện.

Hôm nay trời thật đẹp, bầu trời thật sáng rỡ. Mình ở trong vườn rất lâu. Trời lạnh nhưng mình ngồi tựa vào bức tường trắng, mặt hướng về phía mặt trời. Không một tiếng động, thậm chí không cả một tiếng chim ríu rít. Có lẽ ta nên tin là có hạnh phúc tất cả đều bừng lển rực rỡ. Dường như mình nhìn thấy Clara đang hiện hữu. Tất nhiên không ở bên cạnh mình: ở bên trong mình, như thể con bé đã đến thăm mình một cách vụng trộm. Mình đã khóc vì cảm thấy con hiện hữu gần đến thế nhưng cũng xa vời đến thế.

Mình lo sợ cho Vincent. Không phải mình nghĩ mình đi đúng hướng: nhưng mình nghĩ có thể thoát khỏi chuyện này. Với thời gian, sẽ tìm lại được sự tĩnh lặng, sự cô đơn, nếu không phải sự hài hòa, hay chí ít cũng là một hình thức nguôi ngoai nào đó. Còn anh ấy? Anh ấy cần phải cảm thấy còn sống, cần phải chạy nhảy, cần phải chiếm hữu ư? Anh ấy cần vận động, anh ấy đang chạy trốn khỏi nỗi cô đơn ư?

Mình mong biết bao anh ấy đừng quên gì hết: những gì liên quan tới con bé, và liên quan tới cả hai vợ chồng. Mình sợ anh ấy phủ nhận quá khứ; sợ anh ấy cho rằng cách duy nhất để có thể tồn tại là rũ bỏ hoàn toàn quá khứ. Vì ai có thể buộc chúng ta tin vào những gì đã tồn tại, nếu không phải chính chúng ta? Mình hiểu Vincent, mình hình dung câu chuyện sẽ thế này: khi hai vợ chồng chia tay nhau, anh ấy sẽ nhắm mắt lại và quyết định rằng quá khứ không có một giá trị nào hết, rằng tất cả sẽ bắt đầu từ ngày hôm nay. Anh ấy sẽ xua đi mọi hình ảnh, mọi kỷ niệm. Anh ấy sẽ giẫm đạp lên chúng ở một góc nào đó tối tăm trong con người anh ấy và sẽ hết sức cẩn thận cài khóa lối vào nơi đó. Hôm qua chẳng là gì cả, còn ngày mai lại hứa hẹn sẽ có sự hồi sinh.

Mình không giận anh ấy: có ai không bị cám dỗ bởi sự chối bỏ như vậy?

22 THÁNG TƯ

Hôm nay là tròn ba tháng. Ba tháng không có Clara. Nhưng mình vẫn đang sống.

25 THÁNG TƯ

Guillaume không hiểu. Guillaume cảnh báo mình. Guillaume cam đoan với mình rằng mình đang phạm sai lầm. Guillaume khẳng định rằng nỗi đau khiến mình trở nên mù quáng.

Làm sao người ta có thể hợm hĩnh đến mức nghĩ rằng họ biết điều gì tốt cho người khác và điều gì không? Nhân danh ham muốn sở hữu nào đây?

Ngay cả khi mình bảo anh ấy để mình yên, đừng có mà nói với mình về nỗi đau của mình, thứ mà anh ấy không biết và không thể hình dung nổi, trái với những gì anh ấy cam đoan với mình, vì làm sao người ta có thể “hình dung” nổi một nỗi đau, cho dù lúc đó, anh ấy không thể kiềm chế thở dài và hống hách nói bằng giọng mệt mỏi: “Tôi không thể đi ngược lại quyết định của chị, Geneviève. Cho dù tôi vẫn tin chắc rằng nếu có chuyện gì đó chị không nên làm lúc này, thì đó là ra đi để chôn mình ở vùng nông thôn.”

Mình đã gác máy mà không nói một lời. Lần đầu tiên kể từ khi Clara biến mất, mình đã nổi giận và cơn giận làm mình thêm đau đớn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.