Không Gia Đình

14. TUYẾT VÀ SÓI



Thế là tôi lại lẽo đẽo theo gót ông chủ tôi. Dây quai đàn căng thẳng trên vai ê ẩm, tôi lại đi mải miết trên những con đường thiên lý, dầm mưa dãi nắng, trong gió bụi, trong bùn lầy. Tôi lại phải đóng vai thằng ngốc ở những nơi công cộng. Tôi lại cười, lại khóc để mua vui cho chư vị khán giả. Đang sống êm ấm thì lại phải đi lang thang, sự thay đổi ấy đối với tôi cũng thực là khổ, vì thói thường hễ sống sung sướng là người ta chóng quen đi. Tôi cứ thấy buồn chán mệt nhọc. Trước kia, khi chưa được hưởng hai tháng của những người sung sướng, tôi làm gì biết những giây phút đen tối ấy!

với bà Miligơn, lắm khi tôi tôi nhớ đến cụ Vitali. Giờ đây đi bên cạnh cụ Vitali, tôi lại nghĩ đến bà Miligơn. Trong lúc đi đường trường như thế, nhiều khi tôi cố tụt lại sau để tha hồ nghĩ đến Áctơ, bà mẹ nó và con thuyền, và bằng tưởng tượng, tôi quay về sống lại những ngày vừa qua. Chao ôi! Cái thời sung sướng! Mỗi khi đặt lưng xuống giường, trong một cái quán khổ ở thôn quê, tôi lại nghĩ đến cái giường con của tôi trên chiếc du thuyền. Lúc bấy giờ chăn chiếu nơi quán trọ trở nên xù xì không thể tả.

Thế là từ nay tôi không còn được đánh bạn với Áctơ! Tôi không còn được nghe giọng nói âu yếm của bà Miligơn nữa.
May thay trong nỗi buồn da diết dai dẵng ấy, tôi cũng có một điều an ủi là cụ chủ bây giờ hiền từ hơn trước nhiều, có thể nói là âu yếm nữa. Đã có sự thay đổi trong tính tình cụ Vitali, hay ít ra là cách đối xử với tôi. Điều ấy nâng đỡ tôi làm cho tôi ngăn ngừa được nước mắt khi chạnh lòng nhớ đến Áctơ. Tôi cảm thấy trên đời này tôi không cô quạnh và chủ tôi đối với tôi có cái gì hơn là một ông chủ thông thường.

Nhiều lúc tôi muốn ôm hôn cụ chủ bởi vì tình cảm chất chứa trong lòng tôi chỉ trực trào ra ngoài, nhưng tôi đâu dám. Với cụ Vitali, không thể suồng sã được. Lúc đầu tôi xa cụ và sợ sệt. Bây giờ tôi cũng không dám gần cụ vì một cảm giác gì lờ mờ như lòng kính nể cụ.
Rồi Xếttơ ra đi, mấy ngày đầu tôi không nói chuyện về bà Miligơn, về thời gian lối sống trên thuyền Thiên Nga. Nhưng dần dần trong lúc chuyện vãn, chúng tôi bắt đầu nói đến, và lần nào cũng do cụ Vitali gợi ra trước. Rồi thì không ngày nào là chúng tôi không nhắc đến tên bà Miligơn. Cụ Vitali hỏi tôi:

Cháu mến bà ấy lắm phải không? Ừ, ông cũng hiểu bụng cháu mà! Bà ấy đối với cháu tốt, rất tốt. Khi nào nghĩ đến bà, cháu phải nhớ ơn bà.
Rồi cụ thường thêm:

Đành phải thế mới được!

Phải thế là cái gì? Thoạt tiên tôi không hiểu. Nhưng rồi sau tôi nghĩ rằng “phải thế” là phải từ chối lời đề nghị của bà Miligơn xin cho tôi ở lại với Áctơ. Khi cụ chủ tôi bảo “đành phải thế” chắc hẳn cụ nghĩ đến việc ấy. Trong hai tiếng “phải thế” của cụ Vitali, tôi nghe như ẩn cái ý luyến tiếc. Phải chăng cụ cũng phải nghĩ để tôi ở lại với Áctơ nhưng quả là không thể làm như thế được?

Trong thâm tâm, tôi cám ơn cụ về niềm ân hận của cụ, mặc dù tôi không đoán ra vì sao cụ không nhận lời bà Miligơn. Bà ấy có kể cho tôi nghe những lý do ông cụ nêu ra, nhưng tôi vẫn chưa hiểu.

Có lúc tôi nghĩ: “Có lẽ một ngày kia cụ sẽ nhận lời chăng!”. Nghĩ thế lòng tôi chứa chan hy vọng. Tôi tự hỏi: Sao chúng ta lại không thể gặp lại thuyền Thiên Nga? Nó đi ngược sông Rôn còn chúng ta thì đi trên bờ sông kia mà!

Nghĩ như thế cho nên trong khi đi đường, mắt tôi thường quay về phía dòng sông hơn là về phía đồi núi, những đồng bằng phì nhiêu ở hai bên bờ.
Khi chúng tôi đến thị trấn: Átlơ, Tarátxcông, Avinhông, Môngtêlima, Valăngxơ, Tuốcnông, Viênnơ. Nơi đi dạo đầu tiên của tôi là bến sông và cầu. Tôi tìm thuyền Thiên Nga. Khi tôi nhìn xa xa thấy một con thuyền mờ tỏ trong sa mù, tôi đợi cho nó đến gần để xem thử có phải thuyền Thiên Nga đấy hay không.

Nhưng không phải.

Một đôi khi tôi đánh bạo hỏi những người thủy thủ. Tôi tả hình dáng con thuyền cho họ nghe. Họ đều nói không thấy con thuyền ấy đi qua.
Tôi tưởng tượng ra là bây giờ ông chủ tôi đã nhất định nhường tôi cho bà Miligơn. Như thế, thì không còn lo người ta nói đến lai lịch tôi hay người ta viết thư cho má Bácbơranh nữa. Công việc sẽ được giải quyết giữa cụ chủ tôi và bà Mili-gơn

thôi. Trí óc ngây thơ của tôi xếp đặt sự việc như thế này: Bà Mi-li-gơn muốn giữ tôi lại bên cạnh bà, cụ chủ tôi bằng lòng từ bỏ quyền làm chủ của cụ, thế là xong.
Chúng tôi lại ở lại Lyông mấy tuần lễ, và hễ có dịp được tự do là tôi đến bên bờ sông Rôn và sông Xôn. Nhờ vậy tôi biết các cầu trên hai sống ấy rõ như một người dân thành phố Lyông chính cống.

Nhưng tôi tìm kiếm bao nhiêu cũng không thấy thuyền Thiên Nga.

Rồi đến lúc chúng tôi rời Lyông để đi về Đigiông. Tôi bắt đầu mất hy vọng sẽ được gặp lại bà Miligơn và Áctơ. Ở Lyông, tôi đã nghiên cứu tất cả các bản đồ nước Pháp bày ở mấy hiệu bán sách cũ, cho nên tôi biết rằng kênh Giữa tách khỏi sông Xôn từ Salông, mà bà Miligơn thì định đi theo kênh ấy để vào sông Loa.

Đến Salông chúng tôi vẫn không gặp thuyền Thiên Nga, mãi cho đến lúc đi cũng không thấy. Thôi thế là hết, cái mộng đoàn viên đành phải vứt bỏ. Tôi buồn đến nẫu ruột.

Chính lúc ấy thời tiết trở nên xấu, tưởng như dễ làm cho nỗi thất vọng khá nặng của tôi càng nặng nề thêm. Năm đã muộn, mùa đông sắp về. Phải dầm nước, lội bùn, thầy trò chúng tôi ngày càng vất vả. Buổi tối ngã lưng xuống nằm ở một cái quán trọ tồi tàn hay một vựa rơm của nhà nào đó, tôi chẳng thấy vui vẻ ít nào. Rời Đigiông, trong khi xuyên qua vùng đồi Cốttơdo, chúng tôi gặp một cơn rét, buốt đến tận xương. Giôlicơ trở nên buồn bã, bực dọc hơn cả tôi nữa.

Mục đích của ông chủ tôi là đi gấp rút đến Pari. Chỉ ở Pari mới có cơ hội biểu diễn một đôi lần trong mùa rét. Nhưng không biết vì túi tiền quá nhẹ, ông cụ không dám đi tàu hỏa, hay vì lý do khác, thầy trò chúng tôi phải cuốc bộ trên quãng đường từ Đigiông đến Pari.

Qua các thị trấn và làng mạc, hôm nào may mắn gặp trời tạnh ráo, chúng tôi diễn một vài tiết mục, kiếm một ít tiền, rồi lại lên đường ngay.
Cho đến Satiông thì mọi việc cùng tàm tạm xuôi, mặc dù chúng tôi khổ vì mưa rét. Đi khỏi thành phố thì trời tạnh mưa, gió trở hướng Bắc. Gió bấc thổi tạt vào mặt cũng khó chịu đấy, nhưng lúc đầu, chúng tôi không phàn nàn. Cân nhắc cho kỹ vì cái thứ gió ấy có thổi rát chăng nữa cùng dễ chịu hơn nạn mưa dầm làm nẫu người chúng tôi từ mấy tuần nay.

Khổ thay gió hanh không thổi được lâu. Trời kéo từng mảng mây đen, rồi bị mặt trời che lấp hẳn. Tất cả đều báo hiệu là mưa tuyết sắp rơi.
Tuy vậy chúng tôi còn kịp đến một làng khá lớn mà vẫn chưa gặp tuyết. Nhưng cụ chủ không định trú ở lại đó, cụ muốn đi nhanh đến Tờroakia. Tờroa là một thị trấn lớn, nếu phải bó chân ở đấy vì trời xấu thì cũng có thể biểu diễn được dăm ba lần.

Khi đã vào quán trọ và xếp đặt yên chỗ rồi thì cụ Vitali bảo: “Cháu lo mà ngủ đi, nhanh lên. Đến mai, tờ mờ sáng chúng ta lại đi ngay không thì đến gặp phải mưa tuyết giữa đường mất!”. Về phần cụ thì không đi ngủ sớm như thế. Cụ ngồi bên cạnh lò bếp để sưởi cho con Giôlicơ. Cả ngày Giôlicơ bị rét buốt cứ rên mãi mặc dù chúng tôi đã bọc nó thật cẩn thận trong mấy lớp chăn.

Hôm sau, chưa sáng tôi đã dậy đúng như lời cụ dặn. Bấy giờ trời không một vì sao, thấp và đen như mực. Người ta tưởng như một cái vung to tướng và tối om đã đậy lên mặt đất và đè bẹp nó đi. Khi mở cửa thì một ngọn gió rất rát lùa vào lò sưởi, làm những khúc củi tàn vùi dưới tro từ tối hôm qua lại cháy bừng lên. Ông chủ quán bảo cụ Vitali:

Tôi như cụ thì hôm nay tôi chưa đi đâu, tuyết sắp xuống rồi.

Tôi vội quá. – Cụ Vitali đáp. – Tôi hy vọng đến được Tờroa trước khi có

tuyết.

Tuy ông chủ quán nói vậy, chúng tôi vẫn ra đi. Cụ Vitali ôm con Giôlicơ trong áo để truyền hơi ấm cho nó. Mấy con chó thấy trời khô ráo thì hí hửng chạy lên phía trước. Lúc ở Đigiông cụ chủ có mua cho tôi một tấm áo da cừu, lông quay vào bên trong. Tôi khoác nó lên, cuộn kín người. Gió bấc thổi tạt vào mặt, tấm da cừu dính sát người tôi. Mở miệng ra thì khó chịu, chúng tôi cứ im lặng mà đi, bước rảo lên cho mau đến nơi mà cũng để cho ấm người nữa.

Đáng lẽ sáng rồi mà trời vẫn tối tăm mờ mịt. Mãi mới thấy ở đằng đông có một vết trăng trắng rựng lên, nhưng mặt trời thì vẫn không ló ra. Đành rằng đêm đã qua. Nhưng nói trời đã sáng thì cũng là nói gượng.

Tuy vậy, cảnh vật nông thôn bây giờ nhìn đã rõ hơn. Từ cái cửa thông hơi lớn ở đằng đông rọi đến, một thứ ánh sáng nhỏ nhỏ là là mặt đất, làm rõ hình thù những

thân cây trụi lá và đây đó những hàng giậu, những bụi còi. Mỗi khi luồng gió đến làm bụi cây rung lên quằn quại thì những lá khô còn dính trên cây kêu rào rào.
Không một bóng người trên đường cái, không một bóng người ngoài đồng, không có tiếng xe chạy, không có tiếng roi ngựa vun vút.
Không có sinh vật nào ngoài loài chim mà người ta nghe tiếng kêu chứ không nhìn thấy hình dáng bởi chúng lấp trong lá. Duy có mấy chú chim khanh khách nhảy nhót trên đường cái, đuôi cất cao, mỏ vểnh. Khi chúng tôi đến gần thì chúng vỗ cánh bay lên đậu trên cây kêu khanh khách, những tiếng kêu ấy đuổi theo chúng tôi như nguyền rủa, như báo trước chuyện không hay.

Bỗng một chấm trắng hiện ra giữa trời về từ phương Bắc. Nó vừa tiến về phía chúng tôi vừa tỏa rộng ra rất nhanh, đồng thời là những tiếng xôn xao hỗn tạp, hợp thành một cái gì rào rào, nghe rất lạ tai. Đó là những đàn ngỗng, đàn vịt giời phương Bắc di cư về phương Nam. Chúng bay qua trên đầu chúng tôi, bay đã xa mà còn thấy một vài mẩu lông tơ trắng toát lơ lửng trên nền trời đen.

Cảnh vật xứ này ảm đạm quá! Đã thế lại tĩnh mịch nên càng buồn thêm. Trong ánh mai xám xịt ấy, nhìn đến đâu cũng chỉ thấy đồng cói, đồi trọc và rừng cây đỏ úa.

Gió vẫn thổi từ hướng Bắc tuy có nhiều chuyển nhẹ qua hướng Tây. Từ phía ấy ùn về nhiều đám mây màu đồng đỏ bay thấp và nặng nề, trông như đè lên ngọn cây. Lát sau, vài bông tuyết to như cánh bướm bay qua trước mặt chúng tôi. Nó tung lên, sà xuống quay lộn chập chờn, nhưng không bén đất.

Chúng tôi đi chưa được mấy đoạn đường, và chắc là không tài nào đến Tờroa được trước khi có mưa tuyết. Tuy nhiên điều đó cũng không cho tôi lo ngại lắm, vì tôi nghĩ rằng tuyết xuống thì gió bấc sẽ ngừng và rét cũng giảm đi.

Quả tôi chưa biết thế nào là một cơn bão tuyết!

Nhưng rồi tôi được biết liền ngay đấy, không phải chờ đợi lâu, và biết một cách thấm thía, suốt đời không thể quên.
Những đám mây từ Tây Bắc ùn về đã đến gần và trôi về phía ấy sáng lên một màu trắng nhạt. Như thế là mây đã vỡ và tuyết đã tung rơi. Bây giờ không phải là những cánh bướm bay lượn nữa mà là cả một trận mưa tuyết rào rào đổ xuống, phủ lên người chúng tôi. Cụ Vitali bảo:

Trời đã không cho chúng ta đi tới Tờroa, vậy thì hễ gặp nhà nào chúng ta trú ngay lại ở nhà đó.
Thật là một câu nói quý hóa, nghe mà hởi lòng hởi dạ. Nhưng biết tìm ở đâu ra cái nhà phúc đức ấy? Trước khi tuyết xuống vây phủ chúng tôi trong đám mù trắng này, tôi đã phóng tầm mắt ra tận xa nhìn khắp cảnh vật trong vùng. Tôi không hề thấy bóng dáng một cái nhà nào, cũng không có một dấu hiệu gì báo cho biết rằng sắp đến thôn xóm làng mạc, ngược lại, chúng tôi đi vào một khu rừng thì có.

Trước mắt tôi, màu âm u thăm thẳm của rừng cây dàn trải đến tận chân trời, ở hai bên cũng thế, chỉ toàn rừng là rừng trên những dãy đồi xung quanh.
Bởi vậy không nên trông vào cái nhà trọ hứa trước ấy cho lắm, nhưng chắc rồi thế nào tuyết cũng sẽ ngừng rơi chứ? Không, tuyết vẫn tiếp tục rơi dày hơn nữa. Trong giây lát, nó đã phủ kín mặt đường, hay nói cho đúng phủ kín tất cả những cái gì cản trở nó, chẳng hạn những đống đá, bờ cỏ, bụi cây… Gió mạnh đẩy tuyết bay là là mặt đất, cho nên gặp vật gì chắn nó lại thì nó dồn đống lên vật ấy ngay. Phiền một nỗi là chúng tôi đã thuộc loại những chướng ngại vật đó. Khi tuyết tạt vào người chúng tôi, gặp những chỗ tròn nhẵn không gồ ghề thì nó trượt đi cả, nhưng gặp một kẽ hở nào thì nó tọt vào như bụi và không mấy chốc thì tan ra.

Về phần tôi, tôi cảm thấy nó trôi chảy thành dòng nước trên cổ. Cụ chủ tôi chắc không hơn gì tôi bởi vì cụ phải mở hé tấm áo da cừu để cho con Giôlicơ thở.
Mặc bão tuyết, chúng tôi vẫn cặm cụi bước đi, ngược chiều gió, ngược chiều tuyết, không nói, không rằng, chốc chốc lại ngoái cổ về một bên để thở. Mấy con chó không chạy đằng trước nữa. Chúng bám sát gót chân tôi nài xin chỗ nấp, nhưng chúng tôi biết làm thế nào được! Chúng tôi tiến từng bước chậm rì, khó nhọc, mắt mờ, thân hình ướt át, tê lạnh. Đã vào giữa rừng sâu từ đời nào rồi mà cũng không được che chỗ tí nào, bởi vì con đường xoay hẳn về hướng gió.

May sao – có nên nói là may không chứ? – cơn lốc giảm dần đi. Nhưng tuyết lại càng rơi mạnh hơn, không rơi thành bụi nữa mà thành từng mảng to, dày đặc. Chỉ trong giây lát, mặt đường đã phủ một lớp tuyết dày, chúng tôi giẫm lên không nghe thấy tiếng động. Thỉnh thoảng, tôi thấy cụ chủ nhìn về bên trái hình như cố ý tìm một cái gì. Nhưng nào có gì đâu! Chỉ thấy một khoảng rừng thưa rộng đã đẵn gỗ từ mùa

xuân trước, nay còn những cây to chừa lại, thân mềm mại oằn xuống vì tuyết. Cụ Vitali định tìm gì ở phía ấy nhỉ?
Tôi thì tôi cứ trông thẳng trước mặt, theo đường cái, cố nhìn cho hết sức xa để xem thử khu rừng đã sắp hết chưa và có cái nhà nào ở bên đường không.
Nhưng thật là điên rồ! Mắt làm sao chọc thủng cái màu trắng ấy? Chỉ cách mấy thước thôi, mọi vật đã nhòa mất, chỉ còn thấy tuyết rụng xuống thành bông. Tuyết xuống càng lâu càng dày, tuyết như bọc lấy chúng tôi trong một mạng lưới mênh mông.

Tình cảnh chúng tôi thật đáng buồn! Tôi chưa bao giờ thấy tuyết rơi mà không nao nao trong lòng, dù cho đứng nhìn sau cửa kính trong một căn buồng có ngọn lửa ấm chăng nữa, huống hồ bây giờ đây cái căn buồng ấm cúng ấy còn ở đâu xa lắc xa lơ! Tuy vậy vẫn phải đi lên, không được ngã lòng, bởi vì chân càng ngày càng lún sâu xuống tuyết và tuyết đã lên tới ống chân. Bởi vì vậy chiếc mũ phủ dày tuyết và nặng trĩu trên đầu.

Thình lình cụ Vitali đưa tay về phía trái như để cho tôi chú ý. Nhìn theo tay cụ, tôi thấy lờ mờ hình như có một túp lều trong rừng, một túp lều bằng cành cây phủ đầy những tuyết. Tôi không hỏi gì cụ. Tôi biết rằng cụ chỉ cái lều ấy cho tôi không phải để cho tôi ngắm bức tranh “Lều trong rừng tuyết”, vấn đề ở chỗ là tìm con đường đi đến lều ấy.

Điều đó thật khó, vì tuyết xuống khá dày đã xóa nhòa mọi dấu vết đường lớn đường nhỏ. Duy ở cuối khu rừng đã đẵn gỗ, nơi bắt đầu có cây to trở lại thì hình như có một cái hào ở chỗ con đường cái đã bị lấp bằng. Con đường con dẫn đến lều có lẽ từ chỗ đó tách ra.

Đoán thế mà đúng. Khi chúng tôi vượt qua hào thì lớp tuyết ở đấy không lún

xuống.

Chẳng bao lâu chúng tôi đã đến túp lều.

Lều dựng bằng những bó củi chạc và củi chà chồng lên nhau, trên thì xếp cành cây nhỏ khít vào nhau làm mái. Mái ấy khá kín, tuyết khó mà lọt qua.
Đây là chỗ trú tạm, nhưng quí như một ngôi nhà. Nôn nóng hơn hay nhanh nhẹn hơn không biết, mấy con chó xông vào lều trước hết.

Chúng lăn bừa trên nền đất bụi, khô ráo, ăng ẳng reo mừng.

Cụ Vitali và tôi mừng rỡ chẳng kém gì chúng nó. Nhưng chúng tôi không lăn chiêng xuống đất để biểu lộ sự mừng rỡ ấy. Nói cho đúng, lăn được xuống đất thì cũng chóng khô người đi đấy. Cụ Vitali nói:

Ta đoán đúng là trong rừng vẫn đẵn gỗ này, tất có một cái lều thợ rừng ở đâu đây. Bây giờ thì tuyết cứ việc rơi.
Vâng, cho nó tha hồ rơi! – Tôi đáp lại giọng thách thức.

Rồi tôi đi lại phía cửa lều để rũ áo mũ cho khỏi ướt át “phòng trọ” của chúng

tôi.

Thật ra thì cái lều ấy không có cửa lớn, cửa sổ gì cả, chỉ có một lỗ hổng để ra

vào.

“Phòng trọ” của chúng tôi xây dựng sơ sài, bàn ghế chả có, cái gì cũng hết sức đơn giản. Chỗ ngồi gần vẻn chả có, cái gì cũng hết sức đơn giản. Chồ ngồi gồm vẻn vẹn một ụ đất dài làm bàn và mấy hòn đá lớn làm ghế đẩu. Nhưng trong tình cảnh chúng tôi bây giờ, có cái này đáng quý nhất: đó là năm sáu viên gạch đặt nghiêng xếp thành một cái bếp trên mặt đất ở một góc lều.

Có lửa rồi đây! Chúng tôi có thể đốt lửa sưởi được rồi.

Nói cho đúng thì có bếp cũng chưa phải là có lửa, còn phải có củi đốt nữa! Trong một cái nhà như kiểu nhà chúng tôi đang trú thì củi không khó kiếm.
Cứ việc lấy ở tường, ở mái, nghĩa là rút các que củi đã xếp làm phên, làm mái nhà.

Duy phải rút ở chỗ này một ít, chỗ kia một ít để cho lều khỏi trống trải, lung lay.

Công việc kiếm củi làm nhanh lắm. Chẳng bao lâu một ngọn lửa hồng bốc lên trên bếp, nhảy nhót reo vui. Ôi! Ngọn lửa đẹp, lành, ấm áp làm sao! Đành rằng lửa hun khói lên, và vì không có ống thoát nên khói bay khắp cả lều. Nhưng hề gì! Miễn là có lửa, có hơi nóng là được.

Tôi bò rạp xuống đất chống tay thổi lửa, còn ba con chó thì gấp chân sau ngồi rất chững chạc, vươn cổ, phơi mấy cái bụng ướt lạnh ra đón ngọn lửa hồng. Rồi đến lượt con Giôlicơ cũng hé vạt áo ông chủ, ló mũi ra: nó dòm xem cho biết đây là đâu. Thấy không có gì đáng ngại, nó nhanh nhẹn nhảy xuống đất, chọn chỗ tốt nhất bếp mà ngồi, rồi đưa hai bàn tay bé bỏng đang run lẩy bẩy ra hơ lửa.

Bây giờ thì chắc chắn không chết rét rồi, nhưng vấn đề đói vẫn chưa có cách giải quyết. Cái lều ấy trú chân được, nhưng trong lều không có thùng đựng bánh cũng không có xoong chảo reo sôi trên lò.

May sao, cụ tôi là người cẩn thận và từng trải. Lúc sớm, tôi chưa dậy, cụ đã lo xong khoản lương thực đi đường, gồm có một chiếc bánh và một rẻo pho mát. Nhưng đâu phải là lúc vòi vĩnh khó tính! Thoạt trông thấy chiếc bánh, chúng tôi tỉnh cả người ra.

Khổ thay, khẩu phần chẳng được là bao vì cụ chủ không chia hết bánh, chỉ cắt một nửa. Tôi thất vọng, đưa mắt hỏi cụ. Cụ bảo:
Ông không quen con đường này nên không rõ từ đây đến Tờroa có tìm thấy quán cơm không, vả lại ông cũng không thuộc đường đi lối lại trong rừng. Ông chỉ biết rằng vùng này cây dày rừng rậm, rừng rú mênh mông bạt ngàn nối tiếp nhau. Có thể chúng ta còn cách xa nhà cửa xóm làng những năm mười dặm. Cũng có thể chúng ta bị nghẽn lâu trong túp lều này. Vì vậy phải dành lại ít lương thực để ăn tối.

Những lý lẽ ấy, tôi hiểu, bởi vì tôi còn nhớ cái ngày đoàn chúng tôi ra khỏi Tuludơ sau khi cụ Vitali bị bắt. Nhưng mấy con chó hiểu sao được! Vừa liếm láp chút ít đã thấy cụ chủ cất chiếc bánh mì vào xắc, chúng bèn chìa chân ra xin thêm và cào cào lên đầu gối ông cụ. Chúng chân những cặp mắt van lơn vào cái xắc, và làm nhiều điệu bộ tỏ ý yêu cầu cụ mở xắc ra.

Van lơn, mơn trớn cũng vô hiệu. Chiếc xắc vẫn cài im.

Tuy bữa ăn hết sức sơ sài, chúng tôi cũng đã được hồi sức. Có chỗ trú, có lửa sưởi ấm, chúng tôi có thể chờ cho qua cơn mưa tuyết. Ở lại trong cái lều ấy, tôi thấy chẳng có gì đáng ngại cả, huống hồ tôi yên trí là không phải ở lâu. Tôi không tin rằng sẽ bị mắc nghẽn ở đấy, mặc dù ông chủ tôi nói thế để giải thích vì sao phải dè xẻn. Chắc là tuyết không rơi mãi. Nhưng cũng phải nói là chưa hề có dấu hiệu gì báo trước là nó sắp ngừng rơi.

Nhìn qua cửa lều tôi thấy tuyết vẫn cứ rơi nhanh và dày. Gió đã lặng nên tuyết rơi thẳng đứng, bông này chồng lên bông khác không ngớt. Nhìn chẳng thấy da trời. Ánh sáng từ tấm thảm tuyết chói ngời dưới đất chiếu lên chứ không phải từ trên cao rọi xuống.

Mấy con chó cũng đã tạm bằng lòng với chỗ trú chân bất đắc dĩ này, nên cả ba đều xúm quanh bếp lửa mà ngủ, con nằm khoanh tròn, con nằm nghiêng. Con Capi thì nằm sấp, dúi mũi vào tro. Tôi nảy ra ý định làm như chúng nó. Sáng nay tôi đã dậy quá sớm, bây giờ ngồi trông tuyết rơi thì không bằng thả hồn trong cõi mộng, biết đâu trong chiêm bao lại được đi trên thuyền Thiên Nga?

Không biết tôi đã ngủ bao lâu. Chỉ biết lúc tỉnh giấc thì tuyết đã ngừng rơi. Tôi nhìn ra ngoài thấy lớp tuyết đóng ở trước cái lều cao lên lắm; nếu lại ra đi thì dễ thường tuyết cũng lên cao qua đầu gối tôi.

Mấy giờ rồi nhỉ?

Cụ chủ có biết đâu mà hỏi. Mấy tháng gần đây, số thu tệ quá, không đủ bù lại những khoản phí tổn trong lúc cụ ở tù và hầu kiện. Bởi vậy, ở Đigiông cụ phải bán cái đồng hồ quả quýt để mua tấm áo da cừu cho tôi và vài thứ đồ dùng lặt vặt cho cả hai thầy trò. Đó là chiếc đồng hồ vỏ bạc to lớn mà ngày mới nhập đoàn, tôi thấy con chó Capi xem để báo giờ cho khán giả. Nay chiếc đồng hồ thân mến đã không còn thì muốn biết giờ khắc đành phải nhìn ra ngoài trời.

Nhưng ngoài trời không có gì trả lời cho tôi được: dưới đất một vạch trắng lóa mắt; giữa không trung một đám sa mù sâm sẫm; trên trời, một thứ ánh sáng nhờ nhờ chen vài khoảnh ố vàng đây đó, không có cái gì trông mà đoán được là trưa, chiều hay sớm.

Tai nghe cũng không hơn gì mắt ngó, bởi vì sự yên lặng thật là tuyệt đối. Không một tiếng chim kêu, một tiếng roi ngựa vút, một tiếng bánh xe lăn. Dù cảnh đêm chăng nữa, dễ cũng không có đêm nào vắng vẻ như cái cảnh ngày hôm nay.

Thêm vào đó, một sự ngưng trệ hoàn toàn. Tuyết đang chặn đứng mọi chuyển động, tuyết đã biến tất cả thành đá. Chỉ chốc chốc có tiếng động khẽ, chú ý lắm mới nghe thấy, rồi một cành thông đu đưa nặng nề. Cành thông trĩu tuyết dần dần oằn xuống, và khi độ nghiêng dốc quá thì tuyết rơi tuột xuống hết, cành thông lại bật lên ngay. Bấy giờ màu xanh thẫm của cây nổi bật lên giữa tấm màu trắng trùm lên tất cả những cây cối khác; nhìn xa, người ta tưởng đây đó tấm màn bị thủng những lỗ đen ngòm.

Tôi đang tựa cửa say sưa ngắm nhìn cảnh tượng ấy thì cụ chủ gọi tôi:

Rêmi, cháu thích lên đường rồi đấy à?

Cháu không biết, cháu không thích gì cả. Ông muốn gì thì cháu làm nấy.

Thế à, thế thì theo ý ông, ta nên ở nán lại đây. Ở đây ít ra cũng có chỗ ẩn trú, và có lửa ấm để sưởi.
Tôi nghĩ tới việc thiếu lương thực, nhưng tôi không nói. Cụ Vitali tiếp:

Ông chắc rồi tuyết sẽ rơi trở lại, chốc lát nữa thôi. Không nên xông pha trên đường trong khi chưa biết làng mạc còn cách bao xa. Đêm đến không dễ gì nằm giữa tuyết. Ở đây vẫn còn hơn. Ở đây ít ra chân chúng ta cũng khỏi bị dầm nước.
Gác vấn đề lương thực lại một bên thì kể ra tôi cũng thấy làm thích cách thu xếp ấy. Với lại có ra đi ngay thì cũng không chắc gì gặp một quán ăn trước khi đêm đến. Trái lại cái chắc chắn sẽ gặp là một lớp tuyết dày trên đường cái, chưa ai giẫm lên nên đi lại sẽ rất khó khăn.
Chỉ cần bóp bụng mà chịu, thế thôi.

Đúng là chúng tôi phải làm thế khi đến bữa ăn tối. Cụ Vitali chia chỗ bánh còn lại làm sáu phần. Chao ôi! Sao mà ít thế? Chúng tôi đã bẻ bánh ra từng miếng, hết sức nhỏ để kéo dài bữa ăn, nhưng rồi nó cũng hết béng đi nhanh chóng.
Tôi cứ tưởng là ăn xong bữa ăn ít ỏi và ngắn ngủi ấy thì lũ chó sẽ giở lại cái trò ban trưa vì quả thật chúng tôi còn đói lắm. Nhưng chúng không làm thế. Một lần nữa tôi quả thật thấy chúng quả là giống vật tinh khôn.
Cụ Vitali vừa bỏ con dao vào túi quần – thế nghĩa là bữa tiệc của chúng tôi đã chấm dứt – thì con Capi đứng dậy. Nó gật đầu ra hiệu cho hai bạn chó của nó đến ngửi cái xắc thường ngày chứa lương thực. Đồng thời nó nhẹ nhàng đặt chân lên xắc để sờ thử. Qua hai cuộc xét nghiệm ấy, nó biết chắc là không còn gì chén nữa. Thế là nó trở về chỗ cũ bên cạnh bếp lửa, và sau khi gật đầu ra hiệu một lần nữa cho con Đônxơ và con Décbinô, nó nằm thườn thượt ra, thở dài một cách nhẫn nại.

Nó đã diễn đạt ý nghĩ của nó rõ ràng không kém gì dùng lời nói. Nó muốn

nói: “Không còn gì nữa đâu. Đừng van xin vô ích”.

Lũ bạn của nó cũng hiểu ý nó. Chúng nằm dài trước bếp lửa y như nó. Nhưng tiếng thở dài của con Décbinô không có vẻ gì nhẫn nại cả. Nó vốn ăn tợn mà lại tham ăn, cho nên khi phải chịu đói nó khổ sở hơn các bạn nó.

Tuyết đã rơi lại và cũng rơi liên miên dai dẳng như trước. Thời gian càng trôi qua, lớp tuyết đóng trên mặt đất càng cao lên dần dọc theo những chồi non mọc ở góc cây mới đốn, về sau chỉ còn các chồi non ngoi ngóp trên mặt tuyết trắng và tuyết cũng sắp dâng lên phủ ngập chúng như một ngọn triều.

Trời hôm nay sẫm quá cho nên cũng chóng tối. Ăn xong bữa tối trông ra ngoài không thấy rõ mọi vật nữa. Đêm đến tuyết vẫn cứ rơi. Từ trên trời tối đen từng mảng tuyết trắng rơi xuống liên hồi trên mặt đất trắng xóa. Đằng nào cũng phải nghỉ đêm tại đây thì tốt hơn là ngủ đi cho rồi. Tôi nghĩ thế và làm theo mấy con chó. Cuộn mình trong tấm da cừu đã hong khô, tôi nằm dài bên cạnh bếp lửa, gối đầu lên một hòn đá phẳng. Cụ Vitali bảo:

Cháu ngủ đi. Ông sẽ đánh thức cháu dậy khi đến lượt ông ngủ. Ở trong lều này thì không sợ gì người hay thú rừng quấy phá, nhưng giữa hai ông cháu mình phải luôn có một người phải thức để coi bếp lửa. Ta phải phòng rét cẩn thận, khi tuyết ngừng rơi thì có thể lạnh cắt da cắt thịt đấy.
Không đợi bảo lần hai tôi đã nhắm mắt ngủ kỹ.

Khi cụ chủ đánh thức tôi dậy thì đêm đã khuya lắm rồi, tôi đoán chừng như thế. Tuyết đã ngừng rơi, lửa vẫn đỏ rực. Cụ bảo:
Bây giờ đến phiên cháu. Cháu chỉ có mỗi việc chốc chốc bỏ thêm củi vào bếp. Cháu thấy không. Ông đã dự trữ sẵn củi cho cháu đây.
Quả vậy, tôi thấy có một đống củi chất sẵn, vừa tầm tay. Cụ chủ tôi tỉnh ngủ hơn nên không muốn cho tôi làm mất giấc ngủ của cụ khi rút củi sột soạt ở vách. Cụ đã rút sẵn và xếp đó cho tôi, tôi chỉ việc nhẹ nhàng với tay mà lấy.
Việc làm của cụ chủ tôi rõ ràng là khôn ngoan chu đáo. Nhưng chao ôi! Kết quả của nó lại khác hẳn với sự mong muốn của cụ.
Bấy giờ tôi đã tỉnh táo và sẵn sàng nhận phiên gác. Thấy thế cụ chủ nằm xuống bên bếp lửa, quấn chăn cho con Giôlicơ và đặt nó nằm bên cạnh. Lát sau nghe nhịp thở pho pho đều đặn của cụ, tôi biết là cụ đã ngủ. Tôi đứng lên nhẹ nhàng, rón rén nhón chân đi lại gần cửa để xem thử ở ngoài trời bây giờ ra sao.
Lúc này thì tuyết đã phủ lấp tất cả cỏ cây, bờ bụi, cả những cây cối lớn. Nhìn tận xa tít cũng chỉ thấy một lớp tuyết trắng toát nhưng không phẳng phiu lắm. Trên

nền trời lác đác có những chấm sao nhấp nháy. Mặc dù sao rất sáng, nhưng thứ ánh sáng nhờ nhờ soi rọi cảnh vật lúc bấy giờ lại không từ trên cao xuống mà từ dưới tỏa lên. Trời rét lại. Có lẽ ngoài kia tuyết đương đóng băng vì luồng khí tạt vào lều lạnh tê người. Trong sự yên lặng ảm đạm của cảnh đêm, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng lắc cắc thì người ta biết rằng tuyết trên mặt ngoài trời đang kết lại thành băng.

Chúng tôi tìm được chiếc lều này quả là có phúc, nếu không thì trong cảnh tuyết băng, giá rét ở giữa rừng này, còn gì là đời!
Dù đi rón rén nhẹ nhàng, tôi cũng đã làm mấy con chó thức giấc. Con Décbinô đã đứng lên theo tôi ra phía cửa. Không có con mắt biết ngắm cảnh đêm tuyết lộng lẫy như tôi, nó vừa nhìn qua một chút là chán ngay và muốn chạy ra ngoài. Tôi đưa tay ra hiệu bảo cho nó đi vào. Điên hay sao mà đòi đi ra ngoài trời trong khi rét như thế này? Ngồi sưởi lửa không sướng hơn là chạy lang thang hay sao?

Décbinô vâng lời, nhưng nó cứ hếch mũi ra phía cửa. Đúng là một con chó cứng đầu, thích làm gì thì khư khư ôm cái thích ấy.
Tôi đứng ngắm tuyết một lúc nữa. Cảnh ấy làm cho lòng tôi nao nao buồn nhưng không hiểu sao tôi cứ thích ngắm. Nhìn cảnh tuyết mà nao người muốn khóc. Mà không muốn nhìn thì rất dễ, chỉ cần nhắm mắt lại, hoặc trở về chỗ cũ. Nhưng tôi lại cứ đứng yên ở đó.

Nhưng mãi rồi tôi cũng đi lại bên bếp lửa. Tôi bỏ vào bếp ba bốn thanh củi gác chéo lên nhau, xong tôi ngồi lên hòn đá dùng để gối đầu lúc nãy, nghĩ rằng ngồi một lúc cũng vô hại. Chủ tôi ngủ yên. Mấy con chó và con khỉ cũng ngủ. Trong bếp ngút cháy, từng ngọn lửa hồng cuồn cuộn bốc lên tận mái lều và tàn bắn ra nổ lách tách. Đó là tiếng động duy nhất trong đêm tĩnh mịch này. Tôi thích thú ngắm nhìn những tàn lửa ấy khá lâu. Nhưng dần dần, tôi thấy trong người mệt mỏi, rồi chợp ngủ lúc nào không biết.

Giá cụ chủ để cho tôi tự lo khoản củi cành, thì tôi đã phải đứng lên, đi lại lăng xăng trong lều và như thế ắt phải tỉnh như con sáo. Đằng này ngồi yên một chỗ không cần cử động mấy, chỉ chốc chốc với tay lấy củi bỏ vào bếp, cho nên dễ buồn ngủ. Cứ đinh ninh là mình sẽ tỉnh táo, thế mà tôi ngủ quên đi.

Thình lình một tiếng sủa giận dữ làm tôi vùng dậy. Trời tối om. Có lẽ tôi ngủ

quên lâu rồi vì lửa đã tắt hay ít ra là không còn bốc ngọn, không soi sáng trong lều nữa. Tiếng sủa không ngơi. Đó là tiếng của con Capi. Nhưng lạ chưa! Còn con Décbinô và cả con Đônxơ nữa ở đâu mà không lên tiếng đáp lại? Cụ Vitali choàng dậy kêu to lên:

Cái gì thế? Có chuyện gì xảy ra đấy?

Cháu không biết!

Cháu ngủ quên để lửa tắt rồi.

Capi đã sấn ra phía cửa từ bao giờ nhưng nó không ra ngoài, nó đứng ở ngưỡng cửa mà sủa. Cái câu cụ chủ hỏi tôi, chính tôi cũng tự hỏi mình: “Có chuyện gì xảy ra thế?”. Đáp tiếng sủa của con Capi, vài tiếng rú đau đớn vang lại: Tôi nhận ra tiếng con Đônxơ. Tiếng rú vang lên từ sau lều nghe gần lắm.

Tôi toan chạy ra. Cụ chủ để tay lên vai tôi ngăn lại. Cụ ra lệnh:

– Hãy chất củi vào bếp đã!

Trong khi tôi làm theo lời thì cụ cầm một cái vỏ lửa(1) thổi lên. Que củi đỏ bừng, cụ không đưa vào bếp mà giữ lấy trong tay và bảo tôi:
Ta ra xem thử thế nào. Cháu đi sau ông. Nào! Capi, đi ra đi!

Chúng tôi sắp bước chân ra ngoài thì một tiếng tru dữ dội vang lên trong đêm lặng. Con Capi nhảy trở lại quấn lấy chân tôi, dáng hoảng hốt. Cụ Vitali nói:
Chó sói đấy! Con Décbinô và Đônxơ đâu?

Tôi không biết trả lời làm sao cả. Chắc chắn hai con chó đã ra khỏi lều trong khi tôi ngủ: con Décbinô trái chứng trái nết đã làm theo ý định của nó lúc nãy, còn con Đônxơ thì chạy theo bạn. Chó sói đã tha chúng đi rồi chăng? Khi chủ tôi hỏi hai con chó ở đâu, tôi thấy hình như cụ có ý lo ngại điều đó. Cụ bảo:

Cháu cũng cầm lấy một que củi đỏ rồi cùng đi cứu chúng nó với ông.

Ở làng quê, tôi đã nghe kể lắm chuyện muông sói hãi hùng. Tuy thế tôi cũng không do dự, cầm một que củi đỏ làm khí giới rồi đi theo cụ chủ. Nhưng ra rừng chẳng thấy chó đâu, sói đâu cả. Chỉ thấy dấu chân của hai con chó hằn trên tuyết.
Chúng tôi lần theo hai dấu chân đó. Dấu chân chỉ lẩn quẩn chung quanh lều. Rồi ở cách một khoảng xa hơn, trong bóng đêm lờ mờ, hiện lên một vạt tuyết nát nhàu như tuồng có những con vật gì lăn lộn trên ấy. Cụ chủ bảo con Capi:

Tìm đi, Capi, tìm đi con! – Rồi cụ huýt sáo để gọi con Décbinô và con

Đônxơ.

Không có một tiếng sủa nào đáp lại tiếng gọi của ông cụ, không có tiếng động nào vang lên trong cảnh vắng lặng, ảm đạm của khu rừng.
Con Capi thường ngày dễ bảo và gan dạ là thế mà hôm nay không chịu sục sạo theo lệnh chủ, chỉ quấn lấy chân chúng tôi.
Ánh sáng phản chiếu từ mặt tuyết không đủ để chúng tôi nhìn thấy lối đi và theo vết chân chó. Hơi nhìn xa một tí thôi cũng đủ lóa mắt không thấy gì trong bóng đêm mập mờ. Cụ Vitali lại huýt sáo và gọi ầm lên: “Décbinô! Đônxơ!” Gọi rồi lại nghiêng tai nghe ngóng, vẫn im lìm. Lòng tôi thắt lại. Tội nghiệp con Décbinô. Tội nghiệp con Đônxơ!

Cụ Vitali nói mối lo của tôi ra:

Sói bắt chúng rồi!…Tại sao cháu lại để cho chúng đi ra ngoài?

Ừ! Tại sao? Than ôi! Tôi còn biết đáp lại thế nào!

Phải đi tìm chúng nó!

Đi tìm ở đâu?

Cháu không biết. Tìm khắp!

Làm sao đi được trong đêm tối mà lại ở giữa rừng tuyết thế này?

Quả là chuyện ấy không dễ. Tuyết lên đến nửa ống chân, mà hai que lửa trong tay chúng tôi thì làm sao mà soi được trong đêm tối? Cụ chủ nói:
Chúng không đáp tiếng gọi của ta, nghĩa là chúng đã ở đâu… xa lắm rồi. Vả lại cũng không nên liều lĩnh để cho sói tấn công ngay cả chúng ta nữa. Chúng ta có gì để tự vệ đâu!
Thế có nghĩa là phải bỏ chúng nó. Bỏ hai con chó bất hạnh, hai người bạn đường, hai người anh em chí thiết chúng tôi thì đau lòng biết chừng nào! Khổ nhất là tôi, vì lỗi tuy bởi chúng mà trách nhiệm thì ở tôi. Nếu tôi không ngủ quên thì chúng có ra ngoài được đâu!
Cụ chủ quay trở về lều, tôi cũng đi theo, cứ một bước tới lại ngoảnh nhìn đằng sau và dừng chân nghe ngóng. Nhưng chỉ thấy tuyết là tuyết, chỉ nghe thấy tiếng răng

rắc của tuyết kết thành băng.

Trong lều lại có chuyện bất ngờ nữa đang chờ đợi chúng tôi. Trong khi chúng tôi đi ra ngoài thì mấy cành cây khô chất trong bếp lúc này đã bén cháy và rực lên, soi tận những xó tối tăm nhất.

Thế mà tôi không trông thấy con Giôlicơ.

Cái chăn vẫn còn trước bếp lửa, nhưng xẹp lép, không có con khỉ trong ấy. Tôi gọi nó. Rồi đến cụ Vitali gọi, vẫn không thấy nó ra.
Nó làm sao rồi nhỉ?

Cụ Vitali nói khi cụ thức dậy thì vẫn thấy con khỉ còn nằm một bên. Thế thì đúng nó mất tích khi chúng tôi ra ngoài lều. Nó định chạy theo chúng tôi chăng?
Chúng tôi cầm mỗi người một nắm củi đỏ rồi bước ra ngoài lều, cúi rạp người xuống nghiêng đóm soi trên mặt tuyết để tìm dấu tay con Giôlicơ. Chả tìm thấy gì cả. Đã đành dấu chân chó và dấu chân chúng tôi làm loạn xạ trên tuyết. Nhưng nó cũng không làm nhòa tất, nếu có dấu tay khỉ thì vẫn có thể nhận ra. Thế thì rõ là Giôlicơ không ra khỏi lều.

Chúng tôi trở về lều để xem thử nó có thu mình trong bó củi cành nào không. Chúng tôi sục sạo lâu lắm. Mỗi nơi, mỗi góc, chúng tôi tìm kiếm dễ có đến mười lần. Tôi đứng lên vai cụ Vitali để lục lọi trong các cành cây xếp làm mái lều. Tất cả đều vô hiệu! Chốc chốc, chúng tôi ngừng tay để gọi nó, vẫn không thấy gì!

Cụ Vitali có vẻ tức tối bực bội lắm; còn tôi, tôi thực vô cùng buồn não. Tội nghiệp cho Giôlicơ quá!
Tôi hỏi cụ Vitali xem cụ có nghĩ rằng nó bị chó sói bắt đi không, cụ đáp:

– Không đâu. Sói hẳn không dám xông vào cái lều có lửa sáng như thế này.

Ta cho rằng sói đã bắt hai con chó vì chó chạy ra ngoài, chứ chúng không chui vào đây. Có lẽ trong khi chúng ta đi vắng, Giôlicơ hãi quá đã trốn vào xó nào đấy thôi. Ta lo cho nó lắm, vì với thời tiết chết tiệt này, nó sẽ cảm lạnh mất. Mà đối với giống ấy hễ lạnh là chết đấy.

– Thế thì ông với cháu sục tìm nữa đi.

Và chúng tôi lại tìm kiếm lục lọi, nhưng cũng hoài công như lần trước thôi. Cụ Vitali nói:

Thôi đành phải đợi đến sáng sẽ hay.

Nhưng bao giờ mới sáng?

Cũng vài ba tiếng đồng hồ nữa. Ông đoán thế.

Nói đoạn cụ ngồi xuống bên bếp lửa, hai tay ôm lấy đầu. Tôi không dám quấy rầy cụ, chỉ cử động những khi cần lấy củi bỏ vào bếp thôi.
Chốc chốc cụ đứng lên, đi lại cửa, ngước nhìn trời và nghiêng tai nghe ngóng. Rồi cụ trở về chỗ cũ. Tôi cảm thấy giá bị cụ mắng còn đỡ khổ tâm hơn là cứ nhìn vẻ mặt âu sầu ảo não của cụ.

Cụ Vitali nói có ba tiếng đồng hồ, nhưng mà giờ khắc sao mà đi chậm đến điên ruột như thế! Chừng như cái đêm này chẳng bao giờ hết.
Nhưng rồi sao trên không cũng nhạt dần, bầu trời ửng trắng, sắp sáng rồi đây.

Nhưng càng về sáng càng rét. Không khí bên ngoài lùa vào lửa lạnh như băng giá.

Trời thế này thì có tìm ra con Giôlicơ cũng chắc gì nó còn sống! Và có gì làm cho chúng tôi hy vọng là sẽ tìm được nó?
Biết đâu sáng ra, tuyết lại không rơi trở lại? Mà nếu thế thì tìm nó làm sao? May sao, tuyết đã dứt hẳn. Trời không mù mịt như hôm trước mà ửng một màu

hồng. Đó là triệu chứng tạnh ráo.

Khi trời đủ sáng, cây cỏ hiện hình rõ rệt, thì chúng tôi ra khỏi lều ngay. Cụ Vitali cầm lấy cây gậy lớn, tôi cũng thế. Con Capi chừng như cũng không còn sợ cuồng chân cuồng cẳng như lúc ban đêm nữa. Nó nhìn chòng chọc vào mắt cụ chủ, đợi cụ ra hiệu để phóng lên trước.

Chúng tôi đương tìm dấu tay Giôlicơ dưới đất. Bỗng thấy con Capi ngẩng đầu lên sủa có vẻ mừng rỡ. Như thế có nghĩa là phải tìm trên cao chứ không phải tìm dưới đất.

Quả nhiên chúng tôi thấy lớp tuyết phủ trên mái lều bị giày đạp lỗ chỗ thành một đường chạy thẳng đến một cành cây to sà xuống gần sát mái. Đó là một cây sồi to lớn. Chúng tôi đưa mắt nhìn trên cành ấy. Trên chót vót ngọn cây, chúng tôi thấy một hình thù bé nhỏ màu xám sẫm nép mình giữa một cái chạc đôi.

Đó là Giôlicơ. Chuyện xảy ra cũng dễ đoán. Con Giôlicơ nghe tiếng tru của chó và muông sói thì kinh hãi. Trong lúc vắng người, nó không dám vào trong lều, nó

phóng lên mái và từ đó đã leo tuột lên ngọn cây sồi.

Thấy ở đó yên ổn, nó thu mình lại nấp vào chạc cây, gọi cũng không lên tiếng.

Con vật bé bỏng vốn kém chịu rét, chắc hẳn nó đang bị cóng ở trên ấy.

Cụ chủ âu yếm gọi nó. Nhưng nó không nhúc nhích, nó chết rồi chăng? Cụ gọi đi gọi lại đến mấy phút. Giôlicơ vẫn cứ im lìm như chết.
Để chuộc lại sự sơ suất đêm qua, tôi nói:

Nếu ông cho phép thì cháu leo lên bắt nó cho.

E cháu ngã gãy cổ mất.

Không có gì nguy hiểm đâu.

Không có gì nguy hiểm thì không đúng. Trái lại có nguy hiểm đấy và nhất là có khó khăn. Cây đã to, lại dính đầy tuyết ở những chỗ thân và cành quay về phía gió.

Cũng may là tôi đã tập leo cây từ thưở bé, và trong khoa ấy, tôi đã đạt tới một tài nghệ khác thường. Quanh thân cây, đây đó có một vài tược nhỏ. Tôi đã dùng những tược ấy làm nấc thang. Mặc dù tay tôi bám vào cây làm tuyết rơi mờ cả mắt, nhờ có cụ Vitali giúp sức, không bao lâu, tôi đã trườn tới chạc thứ nhất. Đến đấy thì lên nữa cũng dễ, chỉ cần cẩn thận để chân khỏi trượt trên tuyết. Vừa leo tôi vừa lên tiếng vỗ về con khỉ. Nó không động đậy. Nó nhìn tôi với cặp mắt sáng ngời. Tôi đã lên tới chỗ nó. Tôi đưa tay ra toan bế nó thì nó nhảy phốc một cái, chuyển sang cành khác. Tôi leo qua cành ấy đuổi theo nó. Nhưng con người, dù là thứ trẻ ranh đi nữa, cũng không làm sao bì với loài khỉ trong khoa leo trèo chạy nhảy trên cây. Vì thế nếu tuyết không phủ các cành cây thì chắc không là bao giờ tôi bắt được nó. Tuyết làm ướt lạnh tay chân nó nên không bao lâu nó cũng chán với cái cảnh đuổi bắt đó. Thế là nó tuột từ cành này xuống cành khác rồi đánh một phốc xuống vai cụ chủ và chui vào trên trong áo cụ.

Tìm được con khỉ cũng khá rồi đấy, nhưng chưa phải là hết. Bây giờ còn phải tìm hai con chó nữa. Đi mấy bước, chúng tôi đã đến chỗ lúc ban đêm, tuyết bị giày đạp.

Bây giờ ban ngày cho nên xét đoán sự việc cũng không khó. Câu chuyện hai con chó của chúng tôi bị nạn như thế nào còn in rành rành trên tuyết.
Khi con Décbinô và con Đônxơ ra khỏi lều thì con trước con sau, chúng đi

dọc theo các bó củi dựng làm vách. Chúng tôi nhận rõ dấu chân của chúng đi như thế trong khoảng vài mươi thước. Thế rồi những dấu chân ấy nhòa đi trên một khoảnh tuyết bị giày xéo ngổn ngang. Cũng ở chỗ đó lại thấy nhiều dấu chân khác: Một phía thì dấu chân những con sói đã nhảy từng bước dài đến vồ chó; một phía thì dấu chân chúng tha mồi chạy đi sau khi vật đã chết mồi. Từ đấy mà đi dấu vết chó không có nữa, chỉ còn một vết máu dài nhuộm đỏ mặt tuyết đó đây.

Rõ ràng là chúng tôi không phải mất công tìm kiếm xa hơn nữa: Hai con chó đáng thương của chúng tôi bị cắn cổ ngay tại đây và lũ sói đã tha chúng vào lùm bụi rậm nào đó để xé nuốt tha hồ. Vả lại chúng tôi còn phải gấp rút lo sưởi cho con Giôlicơ nữa chứ!

Chúng tôi trở về lều. Trong khi cụ Vitali đưa tay chân con Giôlicơ kề ngọn lửa để hơ như một đứa trẻ con thì tôi hơ tấm chăn của nó.
Sau đó chúng tôi quấn nó vào chăn. Nhưng một tấm chăn chả đủ. Nó cần một cái giường đã được xông ấm và cần nhất là một cốc gì nóng để uống cho ấm người. Mà chúng tôi thì không có giường cũng không có thức uống nóng. Có lửa sưởi đã là phúc lắm rồi.

Cụ Vitali và tôi ngồi bên bếp lửa không động đậy, im lặng nhìn củi cháy.

Không cần nói, không cần nhìn nhau, chúng tôi cũng hiểu nỗi đau lòng của nhau.

“Tội nghiệp con Décbinô, tội nghiệp con Đônxơ. Thương hại hai chú bạn ấy làm sao!”
Đó là những lời mỗi chúng tôi thì thầm với mình hay ít ra là những ý thầm kín trong lòng mỗi chúng tôi. Hai con chó là bạn đường của chúng tôi, khi no đủ cũng như khi nghèo đói hoạn nạn không hề rời nhau. Riêng đối với tôi, trong những ngày não nề cô quạnh, chúng nó là những người bạn trung thành, hầu như là những đứa con.

Thế mà chúng nó chết vì sự lầm lỗi của tôi.

Tôi không thể tự bào chữa thế nào cho xuôi được: nếu tôi canh gác tròn phận sự, nếu tôi không ngủ quên, thì nó đã không ra ngoài lều để cho chó sói bắt. Đời nào chó sói lại dám xông vào tấn công chúng tôi ngay trong lều! Sợ ánh ngọn lửa sáng, hẳn chúng chỉ đứng xa mà nhìn thôi.

Tôi muốn cụ Vitali mắng tôi. Tôi suýt yêu cầu cụ đánh đòn cho nữa kia. Nhưng cụ không nói gì với tôi cả, cũng không nhìn tôi nữa. Cụ ngồi yên, đầu gục trên bếp lửa. Chắc cụ đang lo thiếu hai con chó thì tình cảnh của đoàn chúng tôi sẽ ra sao. Làm sao mà biểu diễn? Làm sao mà kiếm đủ sống?

————————–

Củi cháy dở, đã tắt ngọn – N.D.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.