Không Gia Đình

18. MỎ ĐÁ GIĂNGTILI



Khi còn đi trong đường phố có đông người qua lại, cụ Vitali không nói năng gì cả. Được một lát, thầy trò chúng tôi đến một ngõ vắng vẻ, cụ Vitali bèn ngồi phịch xuống một trụ đá. Mấy lần cụ đưa tay bóp trán, như thế nghĩa là cụ đương lúng túng.

Khẳng khái và hào hiệp thì đẹp thật, – cụ nói như tự nói với mình, – nhưng cũng vì thế mà bây giờ chúng ta phải lang thang trên đường phố Pari, không một xu dính túi, không một mẩu bánh lót lòng. Cháu có đói không?
Từ lúc ăn miếng bánh ông cho sớm nay mãi đến bây giờ, cháu chưa có chút gì trong bụng.
Thế thì tối nay cháu có cơ ngủ đói đấy, tội nghiệp quá! Mà cũng chưa biết ngủ vào đâu nữa chứ!
Thế ra trước ông định ngủ nhà lão Garôphôli à!

Ông định: cháu thì ngủ lại đó, còn ông, ví thử hắn thuê cháu vài mươi phờrăng trong mùa đông này thì trước mắt, phần ông cũng đỡ lo. Nhưng thấy cách hắn đối xử với trẻ con, ông không tự chủ được. Cháu cũng không thích ở lại với hắn, phải không?
Ôi chao! Ông tốt quá!

Lòng ông lão cù bất này vẫn chưa nguội lạnh hẳn. Nhưng khốn thay! Lão đã tính toán đúng mà lòng lão lại làm sai cả đi.Ta biết đi về đâu bây giờ?
Đêm đã khuya, cơn rét có dịu đi chút ít so với lúc ban ngày, thì bây giờ trở lại gay gắt, buốt tận xương. Gió thổi từ phương Bắc, đêm nay sẽ rét cắt da. Cụ Vitali ngồi khá lâu trên trụ đá, còn tôi với con Capi thì đứng yên lặng trước mặt cụ. Cuối cùng cụ đứng lên.
Ta đi đâu? – Tôi hỏi.

Đi Giăngtili để cố gắng tìm một cái mỏ đá trước đây ta đã ngủ lại. Cháu có mệt không?
Cháu đã được nghỉ ở đằng lão Garôphôli.

Khổ là ông chưa hề được nghỉ và đã kiệt quệ rồi. Nhưng mặc nó, cũng phải đi chứ biết làm thế nào. Nào ta đi lên đi, các con!

Đó là câu nói khi vui vẻ cụ thường dùng với tôi và mấy con chó, nhưng tối hôm nay, cụ nói câu ấy một cách buồn rầu.
Chúng tôi lại ra đi trên các đường phố Pari. Đêm tối đen, các ngọn đèn khí(1) bị gió thổi vật vờ không soi tỏ mặt đường. Mỗi bước mỗi trượt trên rãnh nước đóng băng hoặc trên những tảng băng đóng ở vỉa hè. Cụ Vitali nắm tay tôi, còn con Capi thì chạy theo bên chân cụ. Chốc chốc nó tụt lại sau, bởi một đống rác để tìm xem có cái xương hay mẩu bánh nào không, vì nó cũng đói cồn gan cồn ruột. Nhưng rác rưới bị mắc cứng trong băng, có lục lọi cũng hoài công thôi! Thế là nó cụp tai xuống đi theo chúng tôi.

Phố lớn rồi đến phố nhỏ, phố nhỏ chán rồi đến phố lớn, cứ như thể chúng tôi đi mải miết. Những người khách qua đường thưa thớt nhìn chúng tôi có vẻ ngạc nhiên. Tại áo quần chúng tôi hay tại dáng đi mệt mỏi mà họ chú ý nhỉ? Chúng tôi gặp cảnh sát thì cảnh sát quay quanh chúng tôi rồi dừng lại đưa mắt theo dõi.

Không nói không rằng, người cúi gập xuống cụ Vitali cứ việc đi. Rét thế mà tay cụ nóng bỏng trong tay tôi. Hình như cụ run. Một đôi khi cụ dừng lại tựa vào vai tôi một chút và lúc đó tôi thấy toàn thân cụ rung bần bật.

Thường ngày, tôi ít dám hỏi han cụ, nhưng lần này tôi phá cái lệ ấy, vả lại tôi thấy hình như cần phải nói với cụ là tôi yêu mến cụ, hay ít nhất là tôi muốn giúp cụ được tí gì. Thừa dịp cụ dừng lại, tôi nói:

Thưa ông, ông ốm thì phải?

Ông cũng e như thế. Dù không ốm thì cũng là quá mệt. Những ngày đường vừa qua thật là quá dài đối với tuổi tác của ông, và cái rét đêm nay thì sức già khó lòng chịu đựng. Ông cần có một cái giường êm ấm, một bữa ăn tối trong phòng kín gió, bên cạnh lò sưởi tốt. Thế nhưng các cái ấy đều là chuyện mộng mị cả. Ta đi lên thôi, các con!

Đi lên! Chúng tôi đã ra khỏi thành phố hay nói cho đúng là ra khỏi khu vực nhà cửa. Chúng tôi đi, khi thì lọt thỏm giữa hai dãy tường dài, khi thì chơi vơi trong khoảng đồng trống. Chúng tôi đi mãi. Không còn khách đi đường, không còn cảnh sát, không còn đèn lồng, đèn khí nữa. Chỉ thỉnh thoảng, đây đó một khung cửa sổ le lói ánh đèn và luôn luôn trên đầu một khoảng trời xanh thẫm điểm vài vì sao thưa. Gió càng thổi mạnh, thổi rát từ phía sau lưng. Tuy vậy, vì tay áo của tôi đứt đường chỉ, nó luồn vào chỗ hở và chạy dọc theo cánh tay, làm cho tôi rét quá.

Mặc dù trời tối và đường xá dọc ngang chằng chịt, cụ Vitali vẫn đi theo hướng của mình, như một người thông thuộc đường sá. Tôi cứ bước theo cụ, không lo gì lạc đường, chỉ lo không biết bao giờ mình mới tới được chỗ cái mỏ đá kia. Thình lình cụ Vitali dừng lại.

Cháu có thấy một lùm cây không? – Cụ hỏi.

Cháu chả thấy gì.

Cháu không thấy một đống đen sì à?

Tôi nhìn ra tứ phía trước khi trả lời. Chắc chúng tôi ở giữa đồng bằng, vì tầm mắt tôi mất hút trong bóng đêm mờ mịt, không gặp cây cối, nhà cửa gì chắn lối cả. Quanh chúng tôi là khoảng trống. Không một tiếng động, ngoài tiếng gió rít là là mặt đất trong những bụi cây cối không nom thấy. Cụ Vitali nói:

Chao ôi! Ước gì ông có cặp mắt của cháu! Ông trông nhòa ra cả. Cháu nhìn thử đằng kia xem nào.
Cụ đưa tay chỉ thẳng ra trước mặt, rồi không nghe thấy tôi nói gì cả, – tôi không dám nói là không trông thấy gì, – cụ lại đi lên.
Chúng tôi lặng im thêm mấy phút, rồi cụ dừng lại lần nữa và hỏi tôi xem có thấy lùm cây không. Tôi bắt đầu thấy không yên lòng và thoáng thấy lo sợ. Giọng tôi run run khi tôi trả lời cụ chủ rằng tôi không trông thấy cái gì cả. Cụ chủ hỏi:
Cháu sợ nên quáng mắt đó!

Cháu cam đoan với ông là cháu không thấy cây cối gì cả.

Không có vết bánh xe lớn?

Không thấy.

Ta lạc đường hay sao nhỉ?

Ta hãy đi dăm phút nữa. Chừng đó nếu vẫn không thấy cây cối gì thì ta quay lại vì hẳn lầm đường.
Khi biết có thể chúng tôi lạc đường thì tôi cảm thấy không còn hơi sức đâu mà đi được nữa. Cụ Vitali kéo tay tôi:

Thế nào?

Cháu đi không nổi nữa.

Chứ còn ông, dễ cháu tưởng ông cõng cháu được? Sở dĩ ông không khuỵu hai chân này là vì ông biết rằng nếu ông cháu ta ngồi xuống thì sẽ không đứng lên được nữa và chết rét tại đây. Thôi, gắng lên đi nào!
Tôi bước theo cụ.

Đường có vết bánh xe sâu không?

Tuyệt nhiên không có.

Thế thì phải quay lại.

Ngọn gió trước đây thổi sau lưng, bây giờ đập vào mặt mạnh quá làm tôi ngạt thở. Tôi thấy buốt như bị bỏng. Lượt đi, chúng tôi đi có chậm, lượt về, lại càng chậm hơn. Cụ Vitali bảo:

Khi cháu thấy có những dấu bánh xe thì bảo cho ông biết. Con đường đúng nó ở bên trái, có cột chỉ đường ở chỗ ngã ba.
Chúng tôi chống chọi với gió, đi như thế trong mười lăm phút. Trong cảnh đêm tĩnh mịch, tiếng chân chúng tôi dội vang trên đất rắn. Dù mỗi bước nhích chân mỗi thấy trong người rời rã, thế mà bây giờ chính tôi lại lôi cụ Vitali đi tới. Tôi gương mắt cố tìm về phía trái, lòng phập phồng lo lắng xiết bao! Bỗng một chấm đỏ lóe lên trong bóng tối. Tôi chỉ tay, nói:

Có ánh đèn kia.

Đâu?

Cụ Vitali nhìn theo hướng tay tôi. Mặc dù ánh đèn không cách xa lắm, cụ vẫn không trông thấy. Nhờ đó, tôi biết rằng mắt cụ đã mờ đi, vì thường ngày cụ nhìn rất xa và rất tinh trong đêm tối.
Ánh đèn mà làm gì! – Cụ nói. – Đó là đèn chong trên bàn một người làm việc khuya hay trên giường một kẻ hấp hối, chúng ta không thể đến gõ cửa nhà họ. Ở nông thôn, ban đêm ta có thể xin ngủ nhờ được, chứ quanh vùng Pari thì đừng hòng người ta mở cửa cho chúng ta. Cứ đi thôi!
Chúng tôi đi mấy phút nữa. Rồi tôi thấy lờ mờ hình như có một con đường đâm ngang qua đường chúng tôi đi, và ở góc đường có một vật gì đen đen có lẽ là cái cột chỉ đường. Tôi buông tay cụ Vitali để đi nhanh hơn. Con đường đó đầy những vết bánh xe sâu lõm.

Cái cột chỉ đường ở đây rồi. Và có nhiều vết bánh xe.

Cháu đưa tay đây. Thoát nạn rồi. Ta đi năm phút nữa là tới mỏ đá. Nhìn kỹ thử, chắc cháu trông thấy lùm cây rồi.
Thấy có một đám đen, tôi nói là tôi nhận ra bóng cây. Hy vọng đem lại sức lực cho người ta, chân bớt nặng, đất dưới chân cũng bớt rắn đi.
Tuy cụ Vitali nói năm phút nhưng sao mà tôi thấy dài dằng dặc như bất tận. Cụ dừng lại, nói:
Chúng ta đi con đường đúng này đã hơn năm phút rồi đấy.

Cháu cũng nghĩ thế.

Những vết bánh xe về đâu?

Đi thẳng.

Lối vào mỏ ở bên trái, chúng ta đã đi qua mà không nhìn thấy. Đêm dày thế này, cái đó cũng là thường thôi. Tuy vậy, giá nhận thấy dấu bánh xe thì ta đã sớm biết ngay là ta vượt qua nơi ta tìm rồi.
Cháu nói chắc chắn là dấu bánh xe không hề rẽ về bên tay trái.

Thôi được, cứ phải quay trở lại.

Cháu có thấy lùm cây không?

Có ở bên trái đấy.

Còn dấu bánh xe?

Không có.

Ta mù rồi chăng? – Cụ Vitali vừa nói, vừa đưa tay dụi mắt. – Giờ chúng ta cứ nhằm thẳng lùm cây mà đi tới. Cháu đưa tay ông nắm.
Có một bức tường cao.

Đó là một đống đá.

Không. Đúng là một bức tường, ông ạ.

Điều tôi nói rất dễ thẩm tra, bởi vì chúng tôi đứng cách bức tường có mấy bước. Cụ Vitali bước tới, và như không tin ở đôi mắt, cụ áp hai bàn tay lên cái vật trở ngại mà tôi gọi là bức tường còn cụ gọi là đống đá ấy. Cụ nói:
Bức tường thật. Đá xếp đều đặn và sờ thấy có vôi hồ. Thế cổng đi vào ở đâu. Cháu cố tìm cho ra dấu bánh xe.
Tôi cúi sát đất, men theo tường đi cho đến cuối mà chẳng thấy vết xe nhỏ nào cả. Tôi trở về chỗ cụ Vitali đứng rồi đi ngược đầu kia. Kết quả cũng thế: đâu cũng là tường, trên tường không có một khoảng trống, dưới đất không một con đường, một rãnh đất hay một dấu vết gì chứng tỏ là có lối đi vào.
Cháu chỉ thấy những tuyết là tuyết!

Tình cảnh của chúng tôi bây giờ thật là khủng khiếp. Chắc là cụ chủ tôi đã lầm đường và cái mỏ đá cụ tìm không phải ở chỗ này.
Khi tôi nói tôi không tìm ra vết bánh xe thì cụ Vitali lặng người đi, không nói gì cả. Rồi đặt tay lên tường một lần nữa, cụ sờ suốt từ đầu này đến đâu kia. Con Capi không hiểu gì, sủa lên một cách nôn nóng. Tôi lần bước theo sau cụ Vitali. Tôi nói:

Có phải tìm xa hơn nữa không?

Không. Mỏ đã bít rồi.

Bít rồi?

Người ta đã bít lối, không thể đi vào được nữa.

Thế thì làm thế nào bây giờ?

Làm thế nào? Ừ, làm thế nào? Ông cũng chẳng biết nữa. Đành chết ở đây.

Chao ôi! Ông ơi!

Ừ, cháu không đành chết! Cháu còn bé quá, cháu ham sống. Thế thì chúng ta hãy đi lên. Cháu đi được không?
Còn ông?

Khi ông không đi được nữa, ông sẽ quỵ như một con ngựa già.

Đi đâu?

Trở về Pari. Gặp cảnh sát, chúng ta sẽ nói họ dắt chúng ta đến sở cẩm. Ông muốn tránh cái việc ấy, nhưng đâu nỡ để cháu chết rét. Đi lên đi, bé Rêmi, đi lên đi con, hãy can đảm lên!
Thế là chúng tôi ngược trở lại những đoạn đường chúng tôi vừa đi qua. Mấy

giờ đêm rồi? Tôi chả đoán được. Chúng tôi đi đã lâu, lâu lắm, mà lại đi chậm. Nửa đêm rồi chăng? Hay là một giờ sáng? Trời vẫn một màu xanh sẫm, không trăng, chỉ vài ông sao lưa thưa và có vẻ như bé hơn ngày thường. Gió đã không lặng, còn thổi mạnh gấp bội. Gió cuốn bụi tuyết lên hai bên mép đường và quất vào mắt chúng tôi. Qua nhà nào cũng thấy tối mò và kín mít. Tôi nghĩ lan man rằng những người nằm ngủ ấm áp giữa chăn nệm ở trong kia nếu biết chúng tôi rét lạnh đến như thế này họ sẽ đứng dậy mở cửa cho vào.

Đi nhanh thì cũng đỡ rét, nhưng cụ Vitali vừa đi vừa thở dốc, chân bước rất khó khăn. Cụ thở phì phò như vừa mới chạy xong. Tôi hỏi cụ thì cụ không đáp, cụ lấy tay chậm chạp ra hiệu cho tôi biết là cụ không nói được. Từ thôn quê chúng tôi đã trở vào thành phố, nghĩa là chúng tôi đi giữa những bức tường trên đấy thỉnh thoảng có một ngọn đèn lồng đu đưa, tiếng dây sắt kêu loảng xoảng.

Cụ Vitali dừng lại. Tôi biết là cụ đã đuối sức. Tôi nói:

Để cháu gõ của một nhà nào đấy thử xem ông nhé!

Không nên. Người ta không mở cửa đâu. Những người trồng hoa, trồng rau củ ở đây ban đêm người ta không thức dậy đâu!
Cứ đi nữa thôi.

Nhưng cụ có nghị lực hơn có sức lực. Đi được mấy bước, cụ dừng lại nữa. Cụ nói:

– Ông phải nghỉ một tí. Ông kiệt sức rồi.

Quãng ấy có một hàng giậu, có cổng mở. Một đống phân bón to vun thẳng lên, cao hơn hàng giậu. Người ta thường thấy những đống phân như thế trong mấy vườn trồng rau. Gió thổi qua đống phân làm khô lớp rơm phủ mặt và vung vãi xuống đường khá nhiều, thành một lớp dày ở ngay dưới chân giậu. Cụ Vitali nói:

Để ông ngồi xuống chỗ này.

Ông có nói hễ ta ngồi xuống thì ta sẽ rét cóng đi và không bao giờ đứng dậy được nữa cơ mà?
Không trả lời, cụ ra hiệu bảo tôi dồn đống rơm vào sát cửa và cụ để rơi người xuống cái ổ rơm ấy chứ không phải là ngồi xuống. Răng cụ đánh vào nhau cầm cập, toàn thân cụ run lẩy bẩy. Cụ nói:

– Mang thêm rơm lại đây. Đống phân sẽ che gió cho chúng ta.

Che gió thì đúng, nhưng đống phân không che được rét. Tôi cố hết sức thu nhặt rơm, dồn lại cho cụ Vitali. Xong tôi đến ngồi bên cạnh cụ. Cụ bảo:
Cháu dịch sát vào người ông đi, và ôm lấy con Capi vào lòng. Nó sẽ san cho cháu một ít hơi ấm!
Cụ Vitali là người từng trải, cụ biết rằng trong hoàn cảnh chúng tôi lúc bấy giò, cái rét có thể làm chết người như chơi. Cái việc cụ làm như vậy chứng tỏ là cụ đã hoàn toàn kiệt sức.
Đúng là cụ đã kiệt sức. Mười lăm hôm nay, ngày nào cụ cũng gắng gổ quá sức mình. Cho nên khi cái mệt nhọc hôm nay chồng lên bao nhiêu sự nhọc nhằn mấy hôm trước thì sức cụ đã quỵ, không gượng được nữa. Đã già yếu, lại gắng sức quá còn thêm đói khát thiếu thốn đủ điều, cụ đã kiệt quệ.
Cụ tự lượng biết sức mình chăng? Điều đó không bao giờ tôi biết được. Chỉ thấy khi tôi cuốn rơm vào người và dịch sát bên cụ, thì cụ cúi xuống mặt tôi và hôn tôi. Đó là lần thứ hai cụ hôn tôi và cũng là lần cuối cùng.
Rét ít thì thường làm cho người bị rét khi vào giường cứ run và không ngủ được. Rét nhiều và kéo dài thì lại làm cho người bị rét ở giữa trời mê man tê liệt.
Đó là trường hợp của chúng tôi. Tôi vừa nép vào người cụ Vitali thì mắt ríu lại, cơ thể rã rời. Cố mở mắt không được, tôi tự cấu vào tay tôi rất mạnh. Nhưng da thịt tôi cũng tê dại cả rồi, cho nên cấu hết sức mới thấy hơi đau một tí. Tuy vậy tôi cũng hơi tỉnh lại một chút và nhìn nhận tình hình được phần nào. Cụ Vitali tựa lưng vào cổng ngồi thở hổn hến, thở rất mệt nhọc, hơi thở ngắn và dồn dập. Con Capi thì ngồi lên đùi tôi, vùi đầu trong ngực tôi mà ngủ. Trên đầu chúng tôi, gió vẫn thổi làm rơi rơm lên người thầy trò chúng tôi, như những chiếc lá khô lìa cành. Ngoài đường không có một bóng người. Gần, xa, chung quanh chúng tôi cảnh vật trầm mặc và vắng lặng như cõi chết.

Cảnh vắng lặng ấy khiến cho tôi đâm sợ. Sợ gì? Tôi không biết. Một nỗi sợ hãi mơ hồ lẫn với một nỗi buồn vô hạn làm cho nước mắt tôi chảy giàn giụa. Tôi cảm thấy hình như tôi sắp chết tại chỗ này.

Nghĩ đến sự chết chóc, tôi lại nhớ làng Savanông. Má Bácbơranh tội nghiệp, má ơi! Con chết mà không thấy mặt má, không được nhìn lại ngôi nhà mẹ con mình, mảnh vườn nhỏ của con! Trí tưởng tượng của tôi mới ngông cuồng làm sao! Mới nghĩ như thế, tôi đã thấy mình trở về đứng trong khoảng vườn: mặt trời sáng rực, tươi vui, ấm áp; cây trường thọ nở những nụ hoa vàng; chim sáo hót trong bụi; trên hàng rào gai, má Bácbơranh đang phơi những quần áo vừa giặt ở con suối róc rách trên sỏi.

Bỗng nhiên, trí của tôi lại rời bỏ Savanông để đến thuyền Thiên Nga. Áctơ ngủ trên giường. Bà Miligơn còn đang thao thức, nghe tiếng gió gào, bà tự hỏi không biết trong cơn rét mướt thế này, thằng Rêmi phiêu dạt nơi đâu.

Rồi mắt tôi lại ríu lại, tim tôi liệt dần, tôi cảm thấy mình đương ngất đi.

—————————

Đèn thắp bằng một thứ hơi, đốt lên cháy thành ngọn sáng lờ mờ – N.D


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.