Không Gia Đình

28. MỘT BÀI HỌC NHẠC



Một số người trong mỏ đã trở thành thân thiết với tôi. Cảnh hoạn nạn cùng chịu đã gắn bó mọi người: cùng đau khổ, cùng ước mong, người ta kết với nhau là một.

Chú Gátxpa và cụ giáo đều quý mến tôi, đặc biệt là cụ giáo. Còn ông kỹ sư mặc dù không bị mắc nghẽn cùng chúng tôi, ông cũng thương mến tôi vì tôi là một đứa bé mà ông giành giật lại với Thần Chết. Ông mời tồi đến ăn cơm. Theo yêu cầu của con gái ông, tôi phải kể lại tỉ mỉ tất cả những gì xảy đến trong khi chúng tôi bị chôn sống trong ngách cụt.

Ai cũng muốn tôi ở lại Vácxơ.

– Ta sẽ tìm cho cháu một người thợ cuốc dùng cháu làm tay phụ đẩy goòng. – Chú Gátxpa bảo. – Và thế là chú cháu ta sẽ mãi mãi gần gũi nhau.
Nếu em thích làm việc bàn giấy thì ta sẽ cho em một chân, làm việc bàn giấy

Ổng kỹ sư nói.

Chú Gátxpa yên trí rằng tôi sẽ trở xuống làm việc dưới mỏ. Về phần chú, chú đã xuống làm việc dưới mỏ trở lại, thản nhiên như một người dày dạn hiểm nguy.
Nhưng tôi thì tôi không thích trở lại đi đẩy xe goòng chút nào cả. Mỏ thì quả thật là đẹp, là lạ mắt, tôi lấy làm sung sướng đã được trông thấy một cái mỏ. Nhưng trông thấy như thế đã đủ lắm rồi, tôi không còn chút lưu luyến nào nữa, không mảy may ao ước được trở lại một cái ngách cụt nào đó lần nữa. Chỉ mới nghĩ tới, tôi đã thấy ngột ngạt rồi. Rõ ràng là tôi không phải sinh ra để làm việc trong hang tối. Được sống quang đãng, đầu đội trời, dù là trời băng tuyết đi nữa, tôi vẫn cảm thấy thích hơn. Tôi đem điều đó bày tỏ với chú Gátxpa và cụ giáo thì chú Gátxpa lấy làm lạ lùng khó hiểu, còn cụ giáo thì buồn lòng vì tôi không có cảm tình với nghề mỏ. Thằng Carôry gặp tôi bảo tôi là đồ nhút nhát.

Với ông kỹ sư, tôi không thể đơn giản trả lời rằng tôi không còn muốn làm việc dưới hầm sâu nữa: ông bảo tôi làm việc ngay tại công sở với ông. Ông hứa sẽ dạy bảo tôi nếu tôi muốn học. Tôi muốn nói với ông ấy tất cả sự thật và tôi đã nói như thế. Ông bảo:

Thế là em yêu cuộc sống ngoài trời, thích đi đây đi đó và được phóng khoáng. Tôi không có quyền làm trái với ý muốn của em. Vậy thì, chú bé của tôi ơi, chú cứ theo con đường của chú!
Đúng là tôi yêu cuộc sống ngoài trời, và chính trong khi bị hãm trong ngách ngược tôi lại càng cảm thấy như thế hơn bao giờ hết! Dễ gì để có thể quên nếp đã định đi đâu thì đi, đã định làm gì thì làm, luôn luôn chủ động?
Suốt trong thời gian người ta tìm cách giữ tôi lại Vácxơ thì Mátchia có vẻ buồn bã, ngẩn ngơ. Tôi hỏi nó: nó bảo là nó vẫn thường, không thấy có gì khác. Đến khi tôi bảo nó sửa soạn để ba hôm sau sẽ lên đường thì nó bá lấy cổ tôi và thú thật vì sao nó buồn. Nó hét:
Thế là mày không bỏ rơi tao thật à?

Nghe thấy thế, tôi tông cho nó một quả để nó chừa cái tội đã dám nghi ngờ tôi và cũng để che giấu nỗi cảm động của tôi khi nghe tiếng reo tha thiết của tình bạn. Đúng, đó là tiếng reo của tình bạn, chỉ của tình bạn chứ không phải của lòng ích kỉ tự ti. Mátchia không cần có tôi cũng kiếm sống được, nó thừa sức tìm sinh kế một mình.

Nói cho đúng thì về sinh kế, Mátchia có những khả năng bẩm sinh mà tôi kém thua xa. Trước hết, nó hơn tôi ở chỗ có tài chơi đủ mọi thứ đàn địch, lại biết hát, biết nhảy múa, biết đóng đủ mọi vai trò. Đến cái việc kính thỉnh “chư vị khán giả” móc hầu bao chi tiền – cụ Vitali ngày xưa gọi thế – thì nó lại thạo hơn tôi vô kể. Chỉ mỗi cái nụ cười, đôi mắt hiền dịu, hai hàm răng trắng ngà ngọc, cái vẻ mặt cởi mở của nó đủ làm cảm kích những tay keo kiệt nhất. Nó không xin, nhưng trông thấy nó, người ta đã muốn cho rồi, và làm cho nó vui lòng cũng là một cái thú. Những điều này quả đã hai năm rõ mười chứ không phải bàn cãi gì nữa, bởi vì trong lúc tôi xuống mỏ đẩy goòng thì nó mới đi sơ sơ một vòng, đã kiếm được mười tám phờrăng, mười tám phờrăng chứ không ít. Tiền quỹ được một trăm hai mươi tám phờrăng, thêm mười tám phờrăng do Mátchia làm ra vị chi là một trăm bốn mươi sáu. Thế là chỉ cần có bốn phờrăng nữa là mua được con bò của hoàng tử.

Mặc dù không muốn làm việc ở mỏ, tôi cũng nao nao buồn khi rời bỏ thị trấn Vácxơ ra đi, bởi vì tôi phải xa Alơxi, chú Gátxpa và cụ giáo. Nhưng số kiếp tôi là như vậy đó, là phải xa rời những người mình yêu mến và cũng yêu mến mình. Phải đi lên! Vai đeo đàn, lưng mang xắc, chúng tôi lại ra đi trên đường thiên lý cùng với Capi, con chó sung sướng quá cứ lăn bừa trên cát bụi. Ra khỏi thị trấn Vácxơ, được nện gót trên đường âm vang, nó dội tiếng lên thật sự chứ không như thứ đất bùn nhão nhoẹt vùng mỏ, tôi cảm thấy cũng khoái chí. Ôi! Cái ánh nắng sáng tươi và những hàng cây xinh đẹp.

Trước khi ra đi, Mátchia và tôi bàn bạc nhiều về hướng đi, bởi vì tôi đã bày cho nó biết xem bản đồ. Bây giờ nó không còn nghĩ rằng con đường dài đi bằng đôi chân từ thành phố này qua thành phố kia cũng không dài hơn con đường lần theo ngón tay trên bản đồ.

Cân nhắc kĩ chúng tôi quyết định tạt qua Clécmông chứ không đi thẳng đến Uýtxen để về Savanông đi vòng Clécmông cũng không xa hơn là mấy, lại được cái lợi là có thể biểu diễn ở những đô thị có suối tắm đương đông nghịt bệnh nhân. Lúc tôi làm việc dưới mỏ thì Mátchia có gặp một anh xiếc gấu, anh ta đang đi về nẻo suối tắm; anh ta bảo ở đó có thể kiếm tiền được. Mátchia muốn kiếm tiền vì nó cho rằng một trăm rưởi phờrăng vẫn chưa đủ để tậu một con bò sữa.

Càng có nhiều tiền, bò càng tốt; bò càng tốt, má Bácbơranh càng đẹp lòng; má càng đẹp lòng chúng tôi càng hởi dạ.
Vậy thì, cần phải tạt qua Clécmông.

Trên con đường Pari đi Vácxơ, tôi đã bắt đầu dạy cho Mátchia học, học chữ đồng thời học những điều nhập môn về nhạc lý. Từ Vácxơ đi Clécmông, tôi lại bày tiếp. Không biết tại tôi là một thầy giáo tồi – có lẽ như thế cũng nên – hay tại Mátchia là một cậu bé học trò kém – cũng có thể như thế – mà nó học chữ chậm chạp và khó khăn quá. Nó có cặm cụi bao nhiêu, có dán mắt trên trang sách bao nhiêu cũng chỉ đọc thấy vô khối những trò kỳ quặc chứng tỏ nó giàu tưởng tượng hơn là biết ham học. Bởi thế, mà đôi khi tôi mất bình tĩnh, đập tay lên sách, giận dữ hét lên rằng cái đầu nó rắn quá chừng quá đỗi, không nhét chữ nghĩa vào được.

Những lúc ấy, nó không hề hờn dỗi, nó nhìn tôi với đôi mắt dịu hiền, mỉm cười mà nói:
– Cậu nói đúng đây, cái đầu tớ chỉ mềm ra khi có người choảng lên đó. Cái thằng cha Garôphôli nó cũng khá ranh, nó đã tìm thấy điều ấy.

Nghe nói thế thì còn giận làm sao được nữa? Tôi bật cười và hai đứa lại bày, lại học.

Về âm nhạc thì chúng tôi không gặp những khó khăn đó và ngay từ đầu, Mátchia đã đạt những bước tiến lạ lùng, hết sức đáng chú ý. Chẳng bao lâu, nó hỏi tôi những điều khiến tôi ngạc nhiên. Làm tôi ngạc nhiên chán, nó tiến lên làm tôi lúng túng và cuối cùng có nhiều lúc nó khiến tôi bí không trả lời được.

Thú thật quả là cái điều này là cho tôi bẽ mặt và tự ái. Tôi coi trọng vai trò thầy giáo của tôi và tôi cho rằng không trả lời được những câu hỏi của học trò là nhục. Không trả lời là trốn nhiệm vụ, mà cái chú học trò của tôi đó, chú chẳng hề tiếc câu hỏi:

“Tại sao người ta không viết nhạc theo một khóa duy nhất?”

“Tại sao khi lên giọng người ta lại dùng dấu thăng, và khi hạ giọng, người ta lại dùng dấu giáng?”.
“Tại sao nhịp đầu và nhịp cuối của một bản nhạc có lúc lại không giữ đúng số phách đều của các nhịp khác trong bản?”
“Tại sao người ta lên dây vĩ cầm theo một số nốt nhất định mà không theo những nốt khác?”
Đối với câu hỏi sau này, tôi trịnh trọng trả lời rằng tôi không chuyên vĩ cầm, tôi không hề nghiên cứu xem người ta phải lên dây cho nó thế này hoặc thế khác. Mátchia đành chịu. Nhưng lối thoát ấy không thích hợp với những câu hỏi về khóa nhạc và các dấu thăng giáng. Đó là âm nhạc, là nhạc lý. Tôi là thầy dạy nhạc, là thầy dạy âm pháp, tôi phải giải đáp, nếu không thì mất uy tín, tôi cảm thấy thế. Mà tôi thì tôi lại rất cần giữ cho được cái uy tín đó.

Nghĩ thế cho nên khi không biết giải đáp như thế nào thì tôi tránh trớ theo lối trả lời của chú Gátxpa. Tôi còn nhớ khi hỏi chú: “Than đá là gì?” – chú nghiễm nhiên đáp: “Đó là than người ta tìm thấy ở dưới đất”.

Khi tôi không biết giải đáp như thế nào cho đúng thì tôi cũng lấy cái tư thế vững vàng kiểu ấy mà nói:
“Cái đó là thế bởi vì phải là như thế mới được. Luật nhạc là thế đấy”.

Mátchia vốn không phải là người hay phản kháng luật lệ. Duy nó có một cách nhìn thế nào ấy, vừa nhìn, vừa giương mắt, há mồm, làm tôi chẳng vừa lòng với mình tí nào.

Chúng tôi vừa đi khỏi Vácxơ ba hôm thì nó hỏi tôi một câu hỏi đúng kiểu đó. Đáng lý phải trả lời: “Mình không biết”, tôi ngang nhiên bảo: “Bởi lẽ nó là như thế đó”.

Từ đó, nó sinh đăm chiêu, và suốt ngày tôi không tài nào bắt nó trò chuyện. Việc này lạ vì ai chứ Mátchia thì bao giờ cũng ưa trò chuyện, cười cợt. Tôi bức bách nó quá nên cuối cùng nó phải nói:

Cậu là một ông giáo cừ, tớ tin rằng không ai bày vẽ cho tớ những điều tớ đã học được như cậu. Nhưng…
Nó không nói nữa.

Thế nào, nhưng… thế nào?

Nhưng có lẽ có những điều cậu không biết, những người thông thái nhất cũng có những điều mà họ không biết, có phải không nào? Chẳng hạn khi trả lời tớ: “Cái đó là như thế bởi vì nó là như thế”, thì có thể có những lý lẽ mà cậu không giảng được bởi cậu không hề được nghe giảng. Ấy, suy nghĩ như vậy cho nên tớ tự chủ rằng nếu cậu vui lòng thì chúng ta sẽ tìm mua một quyển sách, ồ, không mất nhiều tiền đâu – một quyển sách dạy những nguyên lý về khoa âm nhạc.

Đúng đấy!

Có phải không? Tớ cũng đã nghĩ rằng chắc cậu tán thành, bởi vì cậu làm thế nào mà biết hết những gì có trong sách, cậu có học trong sách vở đâu!
Một ông thầy tốt còn hơn gấp mấy lần một quyển sách hay nhất!

Cái điều cậu vừa nói đó khiến tớ muốn bày tỏ với cậu một việc nữa: nếu cậu vui lòng thì tớ tìm tới ông thầy chính cống mà học một bài. Một bài thôi, như thế bắt buộc ông ta phải nói cho tớ biết tất cả những cái gì tớ bí.
Tại sao cậu không tìm thầy chính tông mà học cái bài ấy trong thời gian cậu đi biểu diễn một mình?
Tại vì hễ đã là thầy chuyên nghiệp thì họ đòi công, mà tớ thì không muốn lấy tiền của cậu để trả.

Nghe Mátchia nói đến thầy chính tông, tôi lấy làm phật ý. Nhưng câu cuối cùng của nó làm tiêu tan bệnh hiếu danh ngu muội của tôi. Tôi nói:
Cậu tốt quá! Tiền của tớ là tiền của cậu, vì cậu cũng làm ra như tớ, nhiều khi còn dồi đào hơn tớ nữa. Cậu học bao nhiêu bài cũng được, tùy cậu và tớ sẽ học cùng cậu.
Rồi tôi dũng cảm thú nhận sự dốt nát của tôi: “Như thế, về phần tớ, tớ cũng sẽ được học hỏi những điều tó không biết”.
Ông thầy, ông thầy chính tông mà chúng tôi cần không phải là một nhạc công vườn mà phải là một nhạc sĩ, một nhạc sĩ lớn chỉ ở các đô thị quan trọng mới tìm thấy. Bản đồ mách cho tôi biết, từ nơi này đến Clécmông, đô thị quan trọng nhất là Măngđơ. Măngđơ có thật là một đô thị quan trọng hay không, tôi không rõ, nhưng vì trên bản đồ tên đó in chữ to nên tôi mới tin như thế. Chúng tôi quyết định đến Măngđơ thì sẽ thực hiện cái khoản chi lớn cho một bài học âm nhạc. Mặc dù qua các làng mạc thưa thớt và nghèo nàn trong vùng núi buồn tênh của tỉnh Lôde, chúng tôi thu thập được rất ít, tôi cũng muốn nhanh chóng làm vừa lòng Mátchia để nó khỏi phải mong đợi nhiều.

Đi hết cao nguyên Mêgiăng khô cằn, vắng vẻ, tiêu điều, chúng tôi đến Măngđơ. Đêm đã khuya, không thể đi học nhạc ngay được, vả lại chúng tôi cũng đã mệt phờ đi. Tuy vậy, Mátchia thấy Măngđơ không có vẻ gì là một đô thị quan trọng như tôi nói nên nôn nóng muốn biết ở đây có một nhạc sư chính tông hay không. Vừa ăn bữa tối tôi vừa hỏi bà chủ quán xem trong thành phố có một nhạc sư nào giỏi, chuyên dạy âm nhạc hay không. Bà ta trả lời rằng bà ta hết sức ngạc nhiên về câu hỏi của chúng tôi: hóa ra chúng tôi không nghe tiếng ông Étxpinátxu hay sao?

Chúng tôi từ xa đến. – Tôi nói.

Hẳn là xa lắm?

Từ nước Italia. – Mátchia đáp.

Nghe thế, bà ta không lấy làm lạ nữa. Hình như bà ta thừa nhận rằng ở quá xa như vậy cho nên không nghe tiếng ông Étxpinátxu cũng phải. Chứ còn ở Lyông hay Mácxây mà vô ý thức đến nỗi không hay biết gì về ông Étxpinátxu thì bà ta có mà còn nói chuyện với.

Tôi nói với Mátchia, bằng tiếng Italia:

– Tớ tin rằng chúng mình gặp may rồi đó!

Đôi mắt của Mátchia ngời lên. Chắc chắn là ông Étxpinátxu sẽ giải đáp dễ dàng tất cả mọi câu hỏi của nó. Để giải thích vì sao người ta dùng dấu giáng khi hạ giọng và dấu thăng khi lên giọng, tất nhiên là ông không lúng túng đâu! Bỗng nhiên tôi đâm lo ngại. Một nhạc sĩ có danh vọng như thế có chịu dạy cho những đứa trẻ khốn khổ như chúng tôi hay không? Tôi hỏi:

Ông Étxpinátxu hẳn là bận lắm?

Ồ! Hẳn chứ! Hẳn là ông ta bận lắm! Ông ta không bận thế nào được?

Theo ý bà thì ngày mai, ông ta có vui lòng tiếp chúng tôi không?

Có chứ! Ai ông ta cũng tiếp miễn là tiền có trong túi, đành rồi.

Chúng tôi nghĩ như vậy cho nên yên lòng. Dù là mệt mỏi, trước khi ngủ, chúng tôi cũng thảo luận với nhau rất nhiều về những điều mà hôm sau chúng tôi sẽ đặt ra cho vị giáo sư lừng lẫy tiếng tăm ấy giải đáp.

Hôm sau dậy, hai anh em tôi sửa sang người ngợm hết sức cẩn thận. Nghĩa là chúng tôi rửa mặt mũi chân tay sạch sẽ, chỉ thế thôi, chứ còn áo quần thì vẫn nguyên những thứ mang trên người, không có cách nào khác hơn. Rồi Mátchia xách vĩ cầm, tôi mang thụ cầm lên đường đi tìm ông Étxpinátxu. Con Capi định đi theo chúng tôi như lệ thường. Chúng tôi phải buộc nó lại trong chuồng ngựa của bà chủ quán vì mang chó đến nhà nhạc sĩ nổi tiếng thị trấn Măngđơ e có khiếm lễ.

Người ta chỉ chỗ ở của giáo sư cho chúng tôi. Đến đấy, chúng tôi ngỡ là nhầm, vì trước cửa thấy treo lủng lẳng hai cái đĩa thợ cạo bằng đồng thau, không bao giờ bảng hiệu của một nhạc sư, lại như thế. Chúng tôi đang ngơ ngác nhìn cái bảng hiệu có vẻ là một bác phó cạo ấy, thì gặp một người qua đường. Chúng tôi hỏi ông Étxpinátxu ở đâu. Người ấy chỉ hiệu thợ cạo mà bảo: “Đấy!”. Ừ, chẳng có gì là lạ: tại sao một giáo sư âm nhạc lại không ở trong một nhà bác phó cạo được?

Chúng tôi bước vào. Hiệu thợ cạo ngăn ra làm hai: bên phải, trên những tấm ván nhỏ, có bày bàn chải, lược, xà phòng và những lọ sáp, mỡ; bên trái, hoặc đặt ở bàn hoặc treo trên tường, có những nhạc cụ như vĩ cầm, kèn đẩy, kèn loa. Mátchia hỏi:

– Chúng tôi muốn gặp ngài Étxpinátxu.

Một người nhỏ bé, nhanh nhảu và lanh lẹ như một con chim, đang cạo mặt cho bác nông dân ngồi trên ghế bành. Người ấy trả lời giọng trầm:
– Tôi đây.

Tôi đưa mắt ra hiệu bảo Mátchia rằng bác thợ cạo kiêm nhạc sĩ này không phải là người đáng làm thầy chúng tôi, nhờ bác ta dạy cũng bằng vứt tiền qua của sổ. Nhưng Mátchia lại không hiểu, không phục tùng. Nó ngồi vào ghế và thản nhiên hỏi:

Cạo mặt cho ông ấy xong ông có vui lòng hớt tóc cho tôi không?

Hẳn chứ, ông bạn trẻ ạ! Tôi cạo mặt cho cả ông bạn nữa, nếu ông bạn muốn.

Cám ơn ông, hôm nay tôi không cạo, để bận sau.

Vẻ mặt điềm tĩnh của Mátchia khiến tôi kinh ngạc. Nó ngầm đưa mắt bảo tôi chờ một lát rồi hãy bực mình. Giây phút sau, ông Étxpinátxu cạo xong cho người nông dân và mang khăn đến cắt tóc cho Mátchia. Trong khi ông buộc khăn vào cổ nó, nó nói:

Thưa ông, hai anh em chúng tôi vừa tranh cãi với nhau. Biết ông là một nhạc sĩ lừng danh, chúng tôi nghĩ chắc rằng ông vui lòng chỉ giáo về vấn đề đang làm chúng tôi lúng túng.
Nào, vấn đề gì làm các anh bạn trẻ lúng túng, hãy nói ta xem, thử sao!

Bây giờ tôi mới hiểu Mátchia muốn đi đến đâu! Trước hết nó muốn thử tài anh chàng thợ cạo kiêm nhạc sĩ này xem có trả lời nổi những câu hỏi của nó không, trường hợp anh ta thỏa mãn nó thì tiền công hớt tóc cũng đồng thời sẽ là tiền công học nhạc, không mất gì cả. Cái thằng bé láu cá thật! Mátchia hỏi:

Tại sao người ta lại lên dây vĩ cầm theo một số nốt nhất định mà không theo những nốt khác?
Lúc ấy, bác phó cạo đang xốc chiếc lược vào mớ tóc dài của Mátchia. Ngỡ bác ta sẽ trả lời bằng một câu theo kiểu của tôi, tôi đã cười thầm đắc chí. Bác nói:
Dây thứ hai bên trái vĩ cầm phải buông nốt la theo thanh mẫu bình thường, vậy thì phải lên những dây khác như thế nào cho cách nhau từng quãng năm, nghĩa là dây thứ tư phải buông son, dây thứ ba: rê, dây thư hai: la, dây thứ nhất: mi.
Cái người cười toáng lên không phải là tôi mà lại là Mátchia. Nó chế nhạo bộ mặt của tôi chăng? Hay nó chỉ vui thích vì được biết cái mà nó muốn biết? Dẫu sao, nó cũng cười oang oang.
Tóc chưa cắt hết thì Mátchia cũng chưa hết hỏi. Hỏi gì, ông thợ cạo cũng giải đáp một cách dễ dàng và chắc chắn như giải đáp câu hỏi về vĩ cầm. Trả lời xong chính ông lại hỏi, và chẳng mấy chốc ông ta biết rõ chúng tôi tìm tới ông với ý định gì. Ông cười khanh khách nói:

– Những chú nhóc này khá, khá lắm. Các chú đến là ngộ!

Thế rồi ông muốn Mátchia chơi cho ông nghe một bài: rõ ràng là Mátchia “ngộ” hơn tôi nhiều. Nó mạnh dạn cầm cây vĩ cầm của nó lên, kéo một bài vanxơ.
“Mày không biết lấy một nốt quèn âm nhạc mà thế đấy!”. Ông thợ cạo reo lên như thế và vỗ tay. Ông gọi Mátchia là “mày” như đã thân với nó từ lâu lắm rồi.
Tôi đã nói có nhiều loại nhạc cụ đặt trên bàn hoặc treo trên vách. Xong bản vĩ cầm, Mátchia với chiếc kèn Clarinét và nói:
Tôi cũng biết chơi Clarinét và cả kèn đẩy nữa.

Ừ thì chơi đi thử xem. Étxpinátxu nói.

Cái chú ranh này là một kỳ tài. – Étxpinátxu thét lớn. – Nếu chú mình bằng lòng ở lại đây với ta, ta sẽ đào tạo chú mình thành một nhạc sĩ vĩ đại. Buổi sớm, chú cạo râu cho khách hàng cùng với ta, rồi thì cả ngày, có bao nhiêu thì giờ ta sẽ vẽ cho chú học. Đừng có tưởng rằng ta không có đủ tài năng dạy bảo cho chú vì ta là thợ cạo! Không đâu! Cứ phải ăn uống, phải ngủ, phải sống, cho nên phải cầm con dao cạo. Giátxmanh(1) cũng cạo râu cắt tóc cho người ta đấy, nhưng Giátxmanh vẫn là đệ nhất thi sĩ của nước Pháp, thành Agiăng có Giátxmanh, thành Măngđơ có Étxpinátxu.

Khi nghe mấy lời cuối của người thợ cạo, tôi nhìn Mátchia. Nó trả lời sao đây? Tôi sắp mất người bạn thân, người đồng nghiệp, người anh em, cũng như tôi đã lần lượt mất những người thân trước chăng? Tim tôi đau quặn. Tuy thế, tôi không buông mình để cho thứ tình cảm ấy lôi cuốn. Tình huống Mátchia có phần giống tình huống tôi, khi bà Miligơn nói với cụ Vitali xin cho tôi ở lại. Tôi nói, giọng cảm động:

Cậu hãy nên nghĩ đến tương lai của cậu thôi, Mátchia ạ.

Nhưng Mátchia đã bước nhanh lại phía tôi, cầm tay tôi mà nói:

– Xa bạn tôi sao? Không đời nào tôi làm thế! Thưa ông, tôi cảm ơn ông.

Ông Étxpinátxu nài nỉ bảo rằng khi Mátchia đã học qua bước đầu rồi thì sẽ tìm cách gửi nó đi học ở Tuludơ, xong sẽ cho đi Pari để vào Nhạc viện. Nhưng Mátchia cứ khăng khăng đáp:

Không bao giờ tôi rời bỏ Rêmi.

Đã thế thì ta cũng phải làm một cái gì có ích cho chú mới được, chú nhóc ạ. Ta muốn tặng chủ một quyển sách để chú học những gì chú không biết.
Thế là ông lục tìm các ngăn kéo. Lục một lúc khá lâu, ông mới tìm được cái quyển sách mang nhan đề: Nhạc lý. Sách cũ, sờn gáy, nhàu nát cả! Nhưng hề gì! Ông cầm bút, lật trang đầu viết:

“Tặng chú bé, sau này trở nên nghệ sĩ, sẽ nhớ đến anh thợ cạo thành Măngđơ”.

Tôi không biết ở Măngđơ còn có giáo sư âm nhạc nào ngoài ông thợ cạo Étxpinátxu hay không, nhưng vị giáo sư mà tôi biết là ông ấy, và cả Mátchia lẫn tôi không bao giờ quên ông.

————————–

Thi sĩ ở miền nam nước Pháp, sống vào thế kỉ 19, làm thơ bằng tiếng địa phương. Lúc sống, ông làm nghề thợ cạo – N.D


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.