Không Gia Đình

29. CON BÒ CỦA HOÀNG TỬ



Đến Măngđơ, tôi đã yêu quý Mátchia lắm rồi, nhưng từ Măngđơ ra đi tôi càng yêu quý nó hơn nữa. Còn gì sung sướng hơn, còn gì êm dịu hơn trong tình bạn khi cảm thấy chắc chắn rằng người mình yêu quý lại cũng rất yêu quý mình? Và còn bằng chứng nào rõ ràng hơn để biết là Mátchia yêu quý tôi bằng cái việc nó đã từ chối đề nghị của ông Étxpinát xu, nghĩa là từ chối sự yên tĩnh, cuộc sống đầy đủ, học vấn cho lúc này và giàu sang cho mai sau, để chia sẻ với tôi cuộc sống lang thang và bấp bênh, không tương lai và cũng có thể không có cả ngày mai nữa!

Trước mặt ông Étxpinátxu, tôi không thể để lộ xúc cảm của mình khi nghe nó kêu lên: “Xa bạn tôi sao?”, nhưng khi chúng tôi đã ra ngoài đường, tôi nắm chặt tay nó mà nói:

Mày nhớ nhá! Chúng ta cùng sống cùng chết với nhau đấy nhá. Nó mỉm cười và mở to mắt nhìn tôi, trả lời:
Tớ biết điều đó từ trước rồi!

Mátchia lâu nay không ham đọc sách mấy, thế mà khi được đọc quyển “Nhạc lý” của Kun thì nó tiến nhanh một cách phi thường. Khốn thay, tôi không bao giờ chỉ bảo cho nó được như chúng tôi mong muốn: chúng tôi phải đi liên miên từ sớm đến tối trải qua những chặng đường dài để vượt qua khỏi mấy tỉnh Lôde và Ôvécnhơ cho nhanh chóng, vì những nơi này không quen niềm nở đối với bọn đàn hát rong chúng tôi.

Được đào tạo ở trường của Garôphôli, chỉ lo khai thác cho hết mức lòng thương người của kẻ khác, nó đã nhập tâm tất cả những mánh khóe của cái nghệ thuật vô cùng khó khăn là kích động lòng nhân từ hoặc thiện cảm của mọi người. Ngay từ lần thứ nhất, gặp nó trên gác xép phố Luốcxin, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi nghe nó giải thích những lý do khiến khách qua đường phải thò tay vào túi. Bây giờ tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy nó bắt tay vào việc.

Chỉ đến các thành phố dưỡng bệnh, Mátchia mới trổ hết tài năng của nó ra, trổ tài trước những người Pari, cái công chúng quen thuộc từ trước của nó mà giờ đây gặp lại. Chẳng hạn khi thấy một thiếu phụ mặc đồ tang đi đến, thì Mátchia bảo tôi: “Chú ý nhé! Phải đánh những điệu sầu. Phải cố gắng làm cho bà ta cảm động nghĩ đến người đã khuất. Nếu bà ta khóc thì ăn tiền!”. Và thế là chúng tôi đánh những điệu u hoài, khoan thai, thống thiết, não ruột, nghe như xé ruột xé lòng.

Trong những nơi người ta đi dạo mát quanh vùng Môngđơ, có những chỗ người ta gọi là “Phòng khách”. Đó là những lùm cây trồng rợp bóng mát, mấy người bệnh đi tắm suối thường ra đó nghỉ ngơi đôi chút ngoài trời. Mátchia tìm hiểu những thính giả trong những “Phòng khách” đó và dựa theo nhận xét của nó, chúng tôi xếp đặt chương trình. Khi thấy một người bệnh xanh xao vàng vọt ngồi tư lự trên ghế tựa, mắt mờ má hóp, chúng tôi không đường đột đến trước mặt họ, khiến họ phải rời bỏ những tư tưởng u buồn. Chúng tôi dừng lại ở xa, đánh đàn như để cho tự mình nghe thôi, và hết sức chăm chú vào việc đó. Chúng tôi liếc mắt trông trộm người bệnh: nếu anh ta nhìn chúng tôi một cách bực bội thì chúng tôi cuốn gói, nếu ngược lại, anh ta có vẻ thích thú thì chúng tôi nhích lại gần và Capi có thể mạnh dạn đưa âu xin tiền mà không sợ bị mấy cái đá tống đi.

Nhưng phải nói rằng với trẻ con thì Mátchia đạt kết quả tốt đẹp nhất. Cái cung vĩ cầm của Mátchia chọc cho những đôi chân trẻ nhảy nhót, nụ cười của Mátchia khiến lũ trẻ nô cười cả những khi chúng bực bội. Nó làm cách nào mà được vậy, tôi không biết, nhưng hai năm rõ mười như thế: người ta ưa thích nó, người ta mến nó.

Kết quả chúng tôi thu được thật là mỹ mãn: trong một thòi gian ngắn, trừ chi phí xong, chúng tôi có sáu mươi tám phờrăng. Sáu mươi tám phờrăng cộng với một trăm bốn mươi sáu sẵn có trong quỹ, vị chi hai trăm mười bốn. Thế là chúng tôi lên đường đi Savanông được rồi, không phải chờ đợi gì nữa. Trên đường đi, chúng tôi sẽ ghé lại Uýtxen, ở đó có phiên chợ gia súc to, theo như người ta nói. Phiên chợ gia súc ấy chính là cái chúng tôi cần! Ở đây chúng tôi sẽ tậu được con bò sữa oai vệ, vì nó mà lâu nay chúng tôi luôn mồm bàn tán và thắt lưng buộc bụng không nề hà. Tới nay, chúng tôi chỉ mới hưởng cái thú mơn trớn một ước ao và tô vẽ cho nó tốt đẹp theo trí tưởng tượng của mình. Mátchia thì ước một con bò trắng; tôi thì ước một con bò màu hung, tưởng nhớ con Rútxét tội nghiệp của chúng tôi xưa kia; con bò sẽ rất hiền lành, sẽ có lắm sữa. Tất cả những cái ấy quả là rực rỡ, mê ly.

Bây giờ thì phải thực hiện cái ước mơ ấy, và cái khó bắt đầu từ đây. Làm thế nào chọn được một con bò cái chắc chắn có những đức tính mà chúng tôi hằng mơ ước? Cái này quả là trọng đại, và trách nhiệm của người mua bò nặng nề làm sao! Tôi không biết một con bò sữa tốt có những dấu hiệu gì, lông, xoáy ra sao. Mát chia thì cũng mù tịt như tôi.

Chúng tôi càng lo tợn vì có nghe nhiều chuyện lạ lùng trong các quán trọ, từ khi ôm cái mộng mua bò. Quả vậy, nói lái bò, lái ngựa cũng tức là nói bợm bãi, ba que. Bao nhiêu những chuyện lừa đảo, xỏ lá của bọn đó lởn vởn trong đầu óc chúng tôi, làm chúng tôi khiếp sợ! Một bác nông dân đến phiên chợ mua một con bò sữa có cái đuôi đẹp nhất tự cổ chí kim; có cái đuôi như thế, nó có thể đuổi ruồi, muỗi đến tận chóp mũi, ai cũng biết như thế là lợi lắm; bác mua được con bò khác thường đó với giá phải chăng nên hý hửng dắt bò về.

Sáng hôm sau bác ra thăm bò thì thấy con bò không có đuôi nữa; cái đuôi hiên ngang hôm trước chỉ là một cái đuôi giả, một túm lông dán vào cái đuôi cụt của con bò. Một bác nông dân khác mua phải một con bò sừng giả. Một bác nữa khi định vắt sữa con bò mới tậu thì thấy vú nó bị bơm lên chứ thực ra vú ấy thì mỗi ngày đêm chỉ tiết ra hai cốc là hết nhẵn. Phải làm sao tránh những cái xúi quẩy ấy.

Về khoản đuôi giả thì Mátchia không ngại: nó sẽ đánh đu lên đuôi của tất cả những con bò mà chúng tôi định mua và nhún hết sức, để nếu là đuôi dán thì sẽ rơi ra. Còn vú bơm thì cũng có cách trị, hiệu nghiệm không kém. Nó sẽ dùng chiếc đanh ghim dài, to và châm vào vú bò xem sao. Cách thử ấy thì bách phát bách trúng nếu quả có đuôi giả và vú bơm hơi. Nhưng nếu là đuôi thật thì cũng dè chừng người kéo đuôi bò ăn phải một cú đá ra trò vào bụng, vào đầu chứ! Và khi bị kim châm vào thịt, e nó cũng làm thế chứ không chơi.

Nghĩ đến việc có thể ăn một cái đá của bò thì đầu óc Mátchia cũng nguôi đi phần nào, cho nên chúng tôi lại cứ băn khoăn, lo lắng. Nếu mang biếu má Bácbơranh một con bò không có sữa hoặc không có sừng thì sẽ buồn biết bao nhiêu!

Trong những câu chuyện chúng tôi được nghe, có một chuyện trong đó một viên thú y đã chơi cho tên lái bò một vố đau điếng. Ví thử chúng tôi nhờ một viên thú y giúp, cái đó hẳn là mất tiền mà yên bụng biết bao nhiêu! Luẩn quẩn mãi cuối cùng chúng tôi nhất định giải quyết theo cách đó. Cân nhắc mọi mặt thì thấy đó là cách khôn ngoan nhất, vì thế chúng tôi vui vẻ đi.
Đường từ Môngđơ đến Uýtxen không xa, chúng tôi đi hai hôm đã tới, mà khi tới trời hãy còn sớm nữa là khác. Đến Uýtxen thì cũng như là đến quê tôi: tại đây tôi đã ra mắt công chúng lần đầu trong vở kịch “Kẻ đần độn nhất không phải là kẻ mà người ta tưởng’’. Và cũng tại Uýtxen này, cụ Vitali đã mua cho tôi đôi giày đầu tiên trong đời, đôi giày đinh đã làm tôi khôn xiết sung sướng.

Tội nghiệp con Giôlicơ! Nó không còn đây với bộ quân phục tướng Anh màu đỏ. Và con Décbinô, con Đônxơ đáng yêu cũng vắng mặt. Cụ Vitali đáng thương, tôi đã mất cụ rồi, tôi không còn nhìn thấy cụ đi vào thị trấn, đầu ngẩng cao, ngực ưỡn, đi đều bước và thổi một điệu vanxơ véo von trên ông sáo. Trong số sáu nhân vật lúc bấy giờ, hiện nay chỉ còn hai: Capi và tôi, sống sót trên đời. Những kỉ niệm làm tôi ủ dột. Tôi có muốn thế đâu, nhưng sao cứ mường tượng sắp thấy cái mũ dạ của cụ Vitali hiện ra ở đầu phố và sắp nghe tiếng gọi lên đường đã bao lần thúc giục bên tai.

Cái hiệu bán quần áo hồi trước cụ Vitali dẫn tôi đến sắm bộ quần áo nghệ sĩ, may mắn đã xua đuổi giúp tôi những ý nghĩ u ám. Nó vẫn như hồi tôi đặt chân lên bực tam cấp trơn tuột của nó. Trước cửa vẫn lủng lẳng chiếc áo đính đầy quân hiệu mà tôi đã mê mẩn ngắm nghía mãi, và bên trong chiếc đồng hồ vẫn là những khẩu súng cũ ngày ấy cùng vởi chiếc đèn cũ ngày ấy.

Tôi cũng muốn giới thiệu cái bãi rộng ở đó tôi bắt đầu bước thân vào nghề trong vai người hầu của ngài Giôlicơ, tức là “kẻ đần độn nhất”. Capi đã nhận ra và phe phẩy đuôi.

Chúng tôi ghé vào cái quán cụ Vitali và tôi trọ ngày xưa. Cởi bỏ hành lý và nhạc cụ ra, rồi tìm tới một ông thú y. Khi nghe chúng tôi trình bày xong, ông cười chế nhạo và nói:

Trong vùng này không có bò thông thái(1) đâu.

Không, chúng cháu không tìm bò biết diễn trò, chúng cháu cần một con bò tốt sữa.

– Và có đuôi thật.

Mátchia nói thêm như thế vì câu chuyện đuôi giả ám ảnh nó.

Thưa ông thú y, tóm lại, chúng cháu đến nhờ ông đem sự hiếu biết của ông giúp chúng cháu khỏi bị cảnh lái bò lừa gạt.
Khi nói câu ấy, tôi cố bắt chước cái vẻ trang trọng của cụ Vitali khi cụ muốn thuyết phục người khác. Ông thú y nói:
Nhưng các em tậu bò làm gì kia?

Các em là những đứa trẻ ngoan. – Ông nói. -Sớm ngày mai, ta sẽ đi với các em đến chợ phiên, và ta hứa rằng con bò sữa ta chọn cho các em sẽ không mang đuôi giả.
Cũng không có sừng giả? – Mátchia hỏi.

Vú sữa cũng không bị bơm lên?

Con bò đó sẽ là con bò đẹp và tốt. Nhưng muốn mua, phải có tiền trả.

Tôi không đáp, chỉ mở chiếc khăn tay gói vốn liếng của chúng tôi.

Tốt lắm! Sáng mai, bảy giờ các em lại đón ta.

Thưa ông thú y, thế còn công ông, cháu phải trả hầu ông bao nhiêu?

Không phải trả gì hết! Đời nào ta lại lấy tiển của những đứa bé ngoan như các em.

Tôi chẳng biết làm thế nào để tỏ lòng biết ơn đối với con người hào hiệp đó, nhưng Mátchia nảy ra một sáng kiến. Nó hỏi:
Thưa ông, ông có thích âm nhạc không ạ?

Thích lắm, em ạ.

Và ông ngủ sớm chứ?

Khi đồng hồ đánh chín giờ.

Cảm ơn ông. Thế đến mai, bảy giờ, chúng cháu lại. Tôi đã hiểu ý Mátchia. Tôi hỏi:
Mày muốn hiến ông thú y một buổi hợp tấu?

Đúng thế. Một buổi dạ tấu khi ông ấy đi ngủ. Người ta làm thế đối với người mà người ta yêu quý.
Ý của mày hay đấy. Ta hãy trở về quán trọ lo tập dượt những bản tấu sắp tới.

Dạo nhạc cho công chúng nghe để lấy tiền thì có sơ suất một chút cũng chả sao, đằng này đánh đàn để đền ơn người ta thì phải có gắng hết sức mình.
Bảy giờ kém vài phút thì chúng tôi đến trước nhà ông thú y. Mátchia mang vĩ cầm, tôi mang thụ cầm. Đường phố tối tăm vì người ta không đốt đèn đường, để chờ chín giờ đã có sáng trăng. Các hiệu buôn đều đóng cửa, người đi lại thưa thớt. Đến chín giờ khi đồng hồ bắt đầu buông tiếng chuông thứ nhất thì chúng tôi cũng bắt đầu hợp tấu. Trong đường phố chật hẹp vắng vẻ ấy tiếng đàn chúng tôi vang lên như ở trong gian phòng ấm tiếng nhất. Các cửa sổ đều mở. Và những cái đầu nhô ra, những cái đầu đội mũ chụp đêm hoặc trùm khăn; người ta ngạc nhiên, gọi nhau ý ới từ của này qua cửa nọ.

Ông bạn thú y của chúng tôi ở một nhà có cái phòng con xinh xắn nhô ra ở góc nhà. cửa sổ phòng ấy mở, ông thò đầu ra xem ai đánh đàn. Hẳn ông nhận ra chúng tôi và hiểu dụng ý của chúng tôi vì thấy ông khoát tay bảo chúng tôi đừng đánh đàn nữa. Ông nói:

– Ta đi mở cổng cho các em đây. Các em vào vườn mà đánh.

Ngay sau đó, cổng vườn mỏ ra đón chúng tôi. Ông thú y bắt chặt tay hai đứa chúng tôi và nói:
Các em là những chú bé tốt, nhưng các em dại lắm: các em không để ý rằng các em có thể bị cảnh sát bắt vì tội làm náo động đường phố ban đêm.
Chúng tôi lại bắt đầu cuộc hợp tấu trong vườn. Vườn không rộng nhưng rất xinh: trong vườn có một vỏ cua(2) mái phủ đầy dây leo. Ông thú y có vợ và đông con, cho nên trong chốc lát chúng tôi cũng có cả một công chúng thính giả. Người ta thắp nến dưới vỏ cua và chúng tôi đánh đàn đến gần mười giờ. Hễ xong một bản thì công chúng vỗ tay và yêu cầu đánh cho bản nữa. Giá như ông thú y không bắt buộc chúng tôi về thì có dễ, theo yêu cầu của lũ nhỏ, chúng tôi sẽ đánh đàn đến quá nửa đêm. Ông ta bảo:

Phải để cho các anh ấy đi ngủ với chứ! Sáng mai, các anh ấy cần đến đây lúc bảy giờ mà!
Tuy nói vậy, ông vẫn giữ chúng tôi lại ăn khuya chứ không cho về ngay. Bữa bánh khuya ấy rất thú vị. Để tạ ơn, Capi diễn vài tiết mục ngộ nghĩnh nhất của nó, làm cho lũ trẻ nhỏ hết sức vui thích. Khi chúng tôi ra về thì đã gần nửa đêm.

Thị trấn Uýtxen ban đêm yên tĩnh là thế mà sáng hôm sau thì náo nhiệt lạ thường. Trời chưa sáng đã nghe tiếng xe tải lăn liên miên trên đường, xen lẫn với tiếng ngựa hí, tiếng bò rống, tiếng cừu be và tiếng la hét của các bác nông dân đi chợ. Khi chúng tôi xuống sân quán trọ thì thấy ở đây chật ních những xe tải vướng vào nhau chằng chịt; các bác nông dân diện quần áo ngày lễ từ trên mấy chiếc xe ngựa mới đến, nhảy xuống; rồi họ ôm xốc vợ đặt xuống đất. Xong, ai cũng co tay duỗi chân cho đỡ mỏi, các chị phụ nữ thì vuốt lại váy cho khỏi nhàu nát. Vì mới sáu giờ thôi, nên chúng tôi muốn đi duyệt qua các con bò sữa một lượt để thử chọn trước.

Ôi chao! Những con bò đẹp làm sao! Đủ mọi màu lông, đủ mọi vóc dáng, con béo, con gầy, con kèm bê, con kéo lê thế những chiếc vú dài mọng sữa. Trong chợ cũng có ngựa nữa, ngựa đực hí ran, ngựa cái liếm lông cho con, lại còn lợn, lợn béo khoét hốc dưới đất mà nằm, lợn con kêu như bị lột da sống, rồi cừu, gà, ngỗng… nhưng cần quái gì những thứ ấy! Chúng tôi chỉ mê bò mà thôi. Lũ bò nheo mát nhìn chúng tôi, quan sát chúng tôi và bình thản đưa đẩy hàm dưới một cách chậm chạp để nhai lại bữa ăn đêm qua; chúng không hề ngờ rồi đây chúng có thể không còn được ăn ngọn cỏ ở làng quê.

Đi dạo xem nửa giờ, chúng tôi đã tìm ra mười bảy con hoàn toàn vừa ý, con thì vì đức tính này, con thì vì đức tính khác, ba con vì lông màu hung, hai con vì lông trắng; cái chuyện màu lông hung, màu lông trắng này dĩ nhiên đã làm Mátchia và tôi tranh cãi với nhau lần nữa.

Bảy giờ, chúng tôi đến đón ông thú y đang chờ chúng tôi ở nhà, rồi cùng đi với ông đến chợ. Đi đường, chúng tôi lại một lần nữa trình bày cho ông rõ chúng tôi cần mua con bò có những đức tính gì. Những đức tính ấy tóm tắt trong mấy chữ: tiết sữa nhiều, ăn ít.

Mátchia chỉ một con bò trắng:

Con này chắc tốt.

Tôi thấy con này hơn.

Tôi chỉ con màu hung mà nói thế. Ông thú y hòa giải chúng tôi bằng cách không dừng lại ở con nào trong hai con đó cả. Ông đi thẳng đến một con thứ ba, một con bò cái nhỏ, chân mảnh khảnh, tai và má nâu đen, mắt viền đen, mõm viền trắng.

Ông nói:

– Đây là một con bò sữa thuộc giống xứ Tuéc, đúng loại các em cần.

Một nông dân gày còm nắm dây thừng giữ bò. Ổng thú y hỏi người đó bán giá bao nhiêu.
– Ba trăm phờrăng.

Con bò nhỏ vóc, thanh mảnh, nhanh nhẹn, linh lợi ấy đã chinh phục chúng tôi rồi. Nhưng nghe đến giá thì tay chúng tôi buông xuôi. Những ba trăm phờrăng thì chúng tôi mua làm sao nổi! Tôi ra hiệu cho ông thú y đi xem con khác. Ông ra hiệu cho tôi bảo phải kiên trì. Ông trao đổi giá cả với người nông dân. Ông trả một trăm năm mươi phờrăng. Bác nông dân bớt đi mười phờrăng. Ông thú y giả lên trăm bảy; bác nông dân hạ xuống hai trăm tám.

Sự việc diễn ra lúc ban đầu như vậy, đã đem lại cho chúng tôi nhiều hy vọng, nhưng đến đây thì nó xoay chiều. Đáng lẽ trả thêm thì ông thú y dừng lại, bắt đầu xem xét kỹ con bò; chân nó yếu quá, cổ thì quá ngắn, sừng lại quá dài, ngực lép. vú không nở. Bác nông dân bảo vì chúng tôi thông thạo như vậy cho nên bác vui lòng bán với giá hai trăm năm mươi phờrăng để cho con bò về tay những ông chủ biết chăm sóc. Bấy giờ Mátchia và tôi đâm hoảng, tưởng con bò xấu thật. Tôi nói:

– Thưa ông, chúng ta đi xem con khác.

Nghe thế bác nông dân miễn cưỡng hạ cho một chục nữa. Bớt lần bớt hồi, cuối cùng bác hạ giá xuống còn hai trăm mười và nhất định giữ giá đó. Ông thú y cũng đã huých khuỷu tay ra hiệu cho chúng tôi biết rằng cái chuyện ông nói đó là chuyện vớ vẩn, thật ra con bò ấy không phải là bò xấu, trái lại đó là một con bò rất tốt. Tuy thế hai trăm mười phờrăng vẫn là một số tiền khá lớn đối với chúng tôi.

Lúc này Mátchia vòng ra sau con bò, dứt của nó một cái lông đuôi dài và bị nó đá cho một cái. Điều này khiến tôi hết do dự:
– Thôi, hai trăm mốt thì hai trăm mốt vậy!

Và tôi chìa tay ra để cầm lấy dây thừng buộc bò. Nhưng người chủ bò không trao cho tôi. Bác ta nói:
– Thế còn cái món tiền kim băng cặp tóc của bà xã nhà tôi?

Thế là lại phải mặc cả và cuối cùng phải thỏa thuận đưa thêm hai mươi xu về khoản kim băng cặp tóc.
Chúng tôi chỉ còn có ba phờrăng. Tôi chìa tay ra. Bác nông dân nắm lấy tay tôi bắt thật chặt như bạn chí thân. Đúng là bạn chí thân, và đã là bạn chí thân thì tôi không được quên cốc rượu nho cho cô con gái bác. Rượu nho của cô con gái xén đứt mười xu.

Lần thứ ba, tôi định cầm thừng. Nhưng ông bạn lái bò của tôi ngăn lại:

Thế anh bạn có đem theo vòng cổ bò không đấy? Tôi bán bò nhưng có bán vòng cổ đâu!
Tuy vậy, vì đã là bạn thân, bác ta cũng phải vui lòng nhường lại cái vòng cổ bò cho tôi lấy ba mươi xu, chẳng đắt đâu!
Tất nhiên phải có vòng cổ để buộc dây dắt bò; tôi đành xỉa ra ba mươi xu, nhẩm tính cũng còn được hai mươi xu. Thế là tôi đếm đủ hai trăm mười ba phờrăng và lần thư tư tôi chìa tay ra, bác ta hỏi: “Thế thì dây thừng của anh bạn đâu nhỉ? Tôi nhường vòng cổ, nhưng tôi đã bán dây thừng cho anh đâu”.
Phải trả hai mươi xu nữa để lấy dây thừng, hai mươi xu vét túi.

Trả tiền đủ, chúng tôi mới được nhận con bò với đủ lệ bộ vòng cổ, dây thừng. Chúng tôi có một con bò sữa, nhưng không có lấy một xu dính túi, một đồng xu để nuôi nó và để nuôi sống cả chúng tôi.
Mátchia bảo:

Chúng ta lại biểu diễn! Các quán nước rất đông khách. Mỗi đứa một ngả, chúng ta sẽ biểu diễn được ở khắp các quán và chiều nay chắc sẽ thu được khá đấy!
Sau khi dắt bò vào chuồng ở quán trọ và buộc cẩn thận ba bốn nút thừng, chúng tôi mỗi đứa đi biểu diễn một ngả. Chiều về gom tiền lại, Mátchia được bốn phờrăng năm mươi xăngtim, còn tôi được ba phờrăng.
Với bảy phờrăng mười xu chúng tôi lại giàu rồi! Tuy vậy, thu được bảy phờrăng mười xu ấy, niềm vui của tôi xem ra rất nhỏ nhoi bên cạnh niềm vui đã tiêu xài hai trăm mười bốn phờrăng kia.
Về quán trọ, chúng tôi năn nỉ chị bếp vắt hộ sữa bò và chúng tôi đem ăn bữa sáng: chưa bao giờ chúng tôi được uống thứ sữa ngon như vậy. Mátchia tuyên bố rằng sữa nó ngọt lịm như đường và thơm mùi hoa cam, giống như thứ sữa nó uống ở bệnh viện, nhưng ngon hơn nhiều. Trong cơn hào hứng, chúng tôi ôm con bò, hôn cái mõm đen của nó. Có lẽ nó cũng cảm động vì sự vuốt ve đó nên thè cái lưỡi nhám sì liếm mặt chúng tôi. Mátchia phấn khỏi reo lên:

– Nó hôn đó, mày biết không?

Muốn biết khi hôn con bò và được nó hôn lại, chúng tôi sung sướng ngần nào thì xin các bạn nhớ rằng hai chúng tôi không phải là những đứa được vuốt ve hôn hít quá nhiều. Chúng tôi khác với những đứa con cưng, chúng phải chống đỡ sự vuốt ve mơn trớn của mẹ, còn chúng tôi thì thèm khát được mơn trớn, vuốt ve.

Hôm sau, chúng tôi dậy thật sớm và lên đường đi Savanông ngay. Để đền ơn Mátchia, bởi vì không có nó chắc không đời nào tôi kiếm được món tiền kếch sù trên hai trăm phờrăng ấy, tôi nhường cho nó cái thú dắt bò. Được nắm dây dắt con bò đi, Mátchia khoái lắm, còn tôi thì lẽo đẽo theo sau. Ra khỏi thị trấn, tôi mới đi lên ngang hàng với nó, để chuyện trò với nhau như thường lệ, nhất là để nhìn con bò từ phía trước. Tôi chưa bao giờ thấy con bò nào đẹp như thế! Quả vậy, dáng dấp của nó toát lên trang nhã, nó bước đi nhún nhảy, chậm rãi, đủng đỉnh như một con vật tự biết giá trị của mình.

Bây giờ thì mỗi lúc chẳng còn phải giở bản đồ tìm đường như hồi mới từ Pari ra đi. Tôi biết rõ mình sẽ đi đâu và mặc dù từ khi qua chốn này với cụ Vitali đến nay đã nhiều năm rồi, tôi vẫn nhận ra những đặc điểm rải rác trên đường.

Để cho con bò cái đỡ mệt, nhưng cũng đừng có đến Savanông quá muộn, tôi quyết định sẽ ngủ lại ở cái làng trước kia, tôi đã trọ đêm đầu tiên trong cuộc đời giang hồ với cụ Vitali.

Cái đêm ấy, trong đệm cỏ, con Capi tốt bụng hiểu được nỗi buồn của tôi, đã đến nằm bên cạnh tôi và đặt chân nó vào lòng bàn tay tôi để tỏ cho tôi biết rằng nó sẽ là bạn thân thiết của tôi.

Tảng sáng hôm sau, chúng tôi sẽ lên đường về nhà má Bácbơranh cho được sớm.

Nhưng số mệnh cho tới nay vẫn phù hộ chúng tôi bỗng trở tráo và đảo lộn tất cả những sự sắp đặt ấy.

Chúng tôi quyết định đi mỗi ngày hai đợt, giữa hai đợt nghỉ để ăn trưa, trước hết là cho bò ăn. Thức ăn của nó là cỏ ở bờ rào hai bên đường. Hôm đó vào khoảng mười giờ sáng, gặp nơi có cỏ dày, xanh mướt, chúng tôi cởi bỏ xắc và dắt bò xuống vệ đường. Thoạt đầu, tôi nắm dây thừng giữ nó, nhưng được giây lát, thấy nó hiền lành bình tĩnh, chỉ chăm gặm cỏ, tôi quấn dây lên sừng nó và ngồi xuống bên cạnh để ăn bánh.

Dĩ nhiên là chúng tôi ăn xong trước nó nhiều. Thế là chúng tôi ngồi ngắm nó say sưa. Ngắm khá lâu, rồi không có chuyện gì để làm nữa, chúng tôi rủ nhau chơi bi. Đừng tưởng chúng tôi là hai ông cụ non khắc khổ, nghiêm nghị, chỉ biết kiếm tiền. Cuộc sống của chúng tôi không giống cuộc sống của những đứa trẻ khác cùng tuổi, quả có vậy, nhưng chúng tôi cũng có những sở thích, những ý nghĩ của lứa tuổi chúng tôi. Nghĩa là chúng tôi thích những trò chơi của trẻ con và không ngày nào là chúng tôi không chơi bi, chơi bóng hoặc nhảy cừu một lần. Không cần duyên cớ gì hết, đột ngột Mátchia rủ: “Chơi chứ?” thế là trở tay một cái, chúng tôi cởi bỏ hết đàn, xắc và nhào ra chơi ở giữa đường. Nhiều khi chúng tôi mải mê suýt tối mất, nếu không có cái đồng hồ nhắc nhở giờ giấc. Nó nhắc cho tôi nhớ rằng tôi là chủ gánh, cần phải làm việc, phải kiếm tiền để sinh sống, thế là tôi lại quàng quai đàn lên cái vai đau tấy, và lên đường!

Chúng tôi chơi xong mà con bò vẫn chưa ăn xong. Khi thấy chúng tôi nó lại ngoạm những miếng cỏ lớn, dường như để bảo rằng nó còn đói. Mátchia nói:
Hẵng đợi tí đã!

Mày không biết rằng giống bò ăn suốt ngày ư?

Tí thôi mà!

Chúng tôi vừa đợi vừa quàng đàn, xắc lên vai. Mátchia chẳng bao giờ chịu đứng yên, nó nói:
Hay là tớ thổi cho nó nghe một bài kèn ngăn ngắn nhỉ? Gánh xiếc Gátxô có một con bò cái ưa âm nhạc lắm.
Thế là không một hai gì nữa, Mátchia thổi ngay một khúc kèn diễu binh. Thoạt nghe những tiếng kèn, con bò nghển cổ. Rồi bất thình lình nó vụt chạy,
khiến tôi không kịp chộp lấy dây thừng ở cổ nó. Tức khắc chúng tôi phóng theo, vừa phi nước đại vừa gọi. Tôi thét bảo con Capi chặn nó lại. Nhưng làm sao đòi hỏi Capi đủ mọi tài! Giá là chó của người chăn nuôi thì hẳn, nó đã nhảy tới đón đầu con bò lại. Nhưng Capi chỉ là con chó thông thái, nó cứ chạy sau cắn theo chân con bò. Dĩ nhiên là cái ấy không làm cho con bò dừng lại, ngược thế, bò càng vọt mạnh. Tôi vừa đuổi theo bò vừa mắng Mátchia: “Thằng ngốc này!”. Nó cũng vừa chạy vừa hổn hển: “Rồi mày cứ việc choảng. Đáng đời lắm!”.

Chỗ chúng tôi dừng lại ăn trưa ở cách hai cây số một cái làng lớn trên đường cái. Bấy giờ con bò nhầm hướng làng ấy mà chạy và nó vào làng trước chúng tôi. Vì đường thẳng cho nên dù còn xa, chúng tôi vẫn thấy có nhiều người chặn nó và bắt nó. Thế là chúng tôi chạy chậm lại. Con bò sữa của chúng tôi không mất được, chỉ cần hỏi những người dân lành đã bắt nó, khắc họ trả lại. Chúng tôi càng đến gần thì số người vây quanh con bò càng đông thêm lên, cho đến khi chúng tôi tới bên cạnh nó thì đã có vài chục đàn ông, đàn bà, trẻ con vừa bàn tán, vừa nhìn chúng tôi đi đến.

Tôi cứ tưởng rằng chỉ cần hỏi xin con bò lại là xong cả. Không ngờ họ không giao bò, mà còn vây quanh chúng tôi hỏi hết câu này đến câu khác, nào là chúng tôi từ đâu đến, nào là chúng tôi tậu con bò đó ở đâu. Chúng tôi trả lời dễ dàng, đơn giản. Nhưng họ không tin và có vài ba người lên tiếng bảo rằng chúng tôi đã bắt trộm con bò sổng đó, phải bỏ tù chúng tôi cho đến khi điều tra rõ trắng đen.

Hai tiếng “bỏ tù” làm tôi kinh hoảng quá, đâm cuống ra và thế là hỏng bét. Tôi tái mặt, tôi ăn nói lắp bắp. Vừa chạy một thôi xong, đang thở dốc, tôi không thể tự bào chữa được. Giữa lúc ấy thì một viên cảnh sát tới. Người ta kể vắn tắt sự việc lại cho ông ta nghe. Thấy câu chuyện mập mờ khả nghi, ông ta tuyên bố giữ con bò và giam chúng tôi lại, sau sẽ hay. Tôi muốn phản kháng, Mátchia định trình bày, nhưng viên cảnh sát khắc nghiệt bảo chúng tôi im mồm. Tôi sực nhớ cái việc xảy ra giữa cụ Vitali với tên cảnh sát thành Tuludơ nên tôi bảo Mátchia im đi và đi theo ông ta.

Toàn xã hộ tống chúng tôi cho đến tòa xã trưởng, ở đó có nhà giam. Người ta vây bọc chúng tôi, ẩy chúng tôi, xô đẩy chúng tôi, mắng chửi chúng tôi. Giá không có người cảnh sát bênh vực thì chắc hẳn người ta đã ném đá chúng tôi như những tên trọng phạm, những tên giết người, những tên đốt nhà.

Lúc mới tới nhà giam, tôi có chút ít hy vọng: viên gác trụ sở xã kiêm cai ngục và tuần phiên không chịu nhận chúng tôi. Tôi tự nhủ anh chàng này là người tốt. Nhưng viên cảnh sát nài nỉ, nên viên cai ngục nhượng bộ. Bước lên trước chúng tôi, ông ta mở một cánh cửa khóa ngoài, có ổ khóa to và hai chốt. Bấy giờ tôi mới hiểu vì sao lúc đầu ông ta không chịu nhận tù: Thì ra ông ta đã bày những củ hành để dành lại của ông ta lên sàn ván phòng giam để hong cho khô. Người ta lục soát chúng tôi, người ta thu tiền bạc, dao, diêm, trong khi viên cai ngục dồn hành vào một góc. Rồi thì họ đi ra và cánh cổng đóng lại với tiếng sắt rít rợn người.

Thế là chúng tôi ở tù, ở đến bao giờ đây? Tôi đương tự hỏi như vậy thì Mátchia đến đứng trước mặt tôi đưa đầu ra nói:
Cậu choảng tớ đi, cứ việc nhằm đầu mà nện. Choảng mạnh mấy cũng chưa vừa cái ngu ngốc của tớ.
Mày làm một việc ngốc mà tao không ngăn lại thì tao cũng ngốc không kém gì mày!

Thà rằng cậu choảng mà lại hơn đấy! Như thế sẽ bớt khổ hơn… Chao ôi! Con bò tội nghiệp, con bò của hoàng tử!
Mátchia bật khóc. Bây giờ thì tôi phải an ủi nó. Tôi phân trần cho nó thấy cảnh ngộ chúng tôi không có gì ngặt nghèo lắm, có khó gì mà không chứng minh được rằng con bò đó là của mình mua. Ông thú y quý hóa ở Uýtxen sẽ làm chứng cho mình.
Thế nhưng họ buộc tội rằng cái khoản tiền dùng mua bò đó là do chúng tôi ăn cắp thì ăn nói làm sao?
Mátchia nói thế mà có lý. Nó vừa khóc, vừa kể lể thêm:

Rồi đây, khi chúng ta ra tù, dù họ có trả lại con bò thì chắc gì ta gặp được má Bácbơranh?
Sao không gặp?

Từ ngày mày rời bỏ má cho đến nay, má cũng có thể chết đi chứ!

Mối lo ngại của Mátchia xuyên thẳng vào tim tôi. Đúng là má Bácbơranh có thể đã chết mất rồi. Tuy còn ở tuổi mà người ta không dễ dàng nghĩ đến cái chết nhưng do cảnh ngộ của mình, tôi vẫn biết rằng người thân của mình có thể bị thần chết cướp mất lắm. Tôí chẳng đã mất cụ Vitali đó sao? Thế thì tại sao tôi không nghĩ như Mátchia nhỉ? Tôi hỏi:

Tại sao mày không bảo cho tao biết sớm hơn?

Tại vì khi tớ sung sướng thì trong đầu óc đần độn của tớ chỉ có những ý nghĩ vui tươi, còn khi cực khổ thì tớ chỉ có những ý nghĩ đen tối. Mà khi tớ nghĩ đến cái việc trao tặng con bò sữa của cậu cho má Bácbơranh thì tớ sung sướng khôn xiết kể, tớ chỉ thấy má vui thích, chúng mình vui thích, và tớ lóa mắt, tớ say sưa.
Đầu óc của cậu cũng không đần độn hơn đầu óc của tớ đâu, Mátchia ạ! Tớ cũng chỉ có những ý nghĩ như cậu. Cũng như cậu, tớ lóa mắt, tớ say sưa.
Ôi, chao ôi! Con bò của hoàng tử! – Mátchia gào khóc. – Hoàng tử đẹp quá mà!

Bất thình lình nó đứng dậy vung tay:

Nếu má Bácbơranh thì chết mà thằng cha Bácbơranh gớm ghiếc ấy lại sống và nó bắt mất con bò của chúng mình, nó bắt luôn cả mày nữa thì sao?
Rõ ràng là cảnh ở tù đã xui chúng tôi nghĩ ra những chuyện não nùng ấy, cảnh tù và những tiếng hò hét của công chúng, và tên cảnh sát, rồi thì tiếng rít của cái ổ khóa và hai cái chốt sắt khi người ta đóng cửa nhốt chúng tôi. Mátchia không những nghĩ đến tình cảnh hai chúng tôi, nó còn nghĩ đến cả con bò nữa: “Ai cho nó ăn bây giờ? Ai vắt sữa cho nó?”
Tuy nhiên tôi cũng cố gắng vỗ về Mátchia, tôi bảo cho nó biết người ta sắp đến hỏi cung rồi.
Ừ! Thế thì chúng mình khai thế nào?

Sự thật.

Để rồi họ giao cậu cho lão Bácbơranh à? Hoặc là nếu chỉ có má ở nhà thì người ta cũng sẽ xét hỏi má để xem thử chúng mình có nói dối không, và thế là cái trò bất ngờ của chúng ta đi tong.
Cuối cùng, cái cửa mở ra với tiếng sắt khua kinh khủng, rồi một ông tóc bạc đi vào. vẻ mặt hiền từ cởi mở của ông ta khiến chúng tôi lạc quan ngay.
Viên cai ngục thét:

Nào, lũ ranh kia, đứng lên và trả lời quan dự thẩm.

Được rồi, được rồi. – Ông dự thẩm vừa nói vừa ra hiệu cho viên cai ngục hãy để một mình ông ta ở lại. – Để tôi hỏi cung tên này. – Ông chỉ tôi. – Còn ông đưa tên kia đi chỗ khác và giữ lấy nó. Tôi sẽ hỏi nó sau.
Tôi nghĩ rằng trong điều kiện thế này, cần phải làm sao cho Mátchia biết nó nên khai cái gì. Tôi nói:
– Thưa ông dự thẩm, nó cũng như tôi thôi, nó sẽ khai với ông tất cả sự thật, tất cả.

Được, được. – Ông dự thẩm vội vã nói hớt như muốn cắt ngang lời tôi.

Trước khi ra cửa Mátchia còn kịp nheo mắt nháy tôi để tỏ cho tôi biết rằng nó đã hiểu. Ông dự thẩm nhìn thẳng vào mặt tôi, nói:

– Người ta tố cáo anh ăn trộm một con bò sữa.

Tôi trả lời rằng hai chúng tôi dã mua con bò ấy ở phiên chợ Uýtxen và tôi nói tên viên thú y đã giúp chúng tôi mua bò.
Cái đó sẽ được xác minh.

Tôi cũng mong thế vì sự xác minh đó sẽ làm rõ rằng chúng tôi vô tội.

Thế các anh mua bò cái để làm gì?

Để đưa tới Savanông biếu bà má đã nuôi tôi bằng dòng sữa của bà, gọi là trả nghĩa cho bà và ghi lại lòng yêu mến của tôi.
Người đàn bà ấy tên gì?

Má Bácbơranh.

Có phải vợ một người thợ nề cách đây mấy năm đã bị nạn què chân ở Pari hay không?
Thưa ông, phải.

Việc này cũng sẽ được xác minh.

Nhưng tôi không trả lời câu hỏi này như tôi đã trả lời câu nói về ông thú y. Thấy tôi lúng túng, ông dự thẩm hỏi dồn tôi nhiều câu khác, làm tôi phải nói rằng nếu ông hỏi má Bácbơranh thì mục đích của chúng tôi sẽ không đạt, trò bất ngờ không thành.

Tuy nhiên trong nỗi băn khoăn của tôi lại lẫn lộn một niềm vui sướng lớn: Ông dự thẩm đã biết má Bácbơranh. và định đến hỏi má xem tôi nói có thật không, thì tất nhiên là má tôi vẫn còn sống. Lát sau tôi lại càng vui mừng hơn nữa: trong khi hỏi những điều kia nọ, ông dự thẩm cho biết rằng gần đây, lão Bácbơranh đã đi Pari. Tôi phấn khởi quá nên tìm được những lời lẽ thuyết phục ông dự thẩm, khiến ông ta tin rằng chỉ lời chứng của ông thú y thôi cũng đủ xác minh rằng không phải chúng tôi đã bắt trộm con bò sữa.

– Vậy thì các anh lấy tiền ở đâu mà tậu bò?

Đó là câu hỏi làm cho Mátchia sợ hãi nhất khi nó đoán rằng người ta sẽ hỏi câu đó. Tôi đáp:
Chúng tôi kiếm ra.

Kiếm ở đâu? Bằng cách gì?

Tôi trình bày chúng tôi đã làm ra và dành dụm từng đồng xu trên đường đi từ Pari đến Vácxơ rồi từ Vácxơ dến Môngđờrơ như thế nào.
– Thế các anh đến Vácxơ để làm gì?

Câu hỏi đó buộc tôi phải kể một thôi nữa. Khi ông dự thẩm nghe nói tôi bị vùi lấp trong mỏ Tơruye thì ông không cho tôi nói nữa và hỏi, giọng dịu hẳn đi, gần như thân ái:

Trong hai người, ai là Rêmi?

Tôi đây, thưa ông dự thẩm.

Ai làm chứng? Viên sen đầm nói rằng em không có giấy tờ.

Thưa ông, không có.

Thôi, em hãy kể cho ta nghe tai nạn ở Vácxơ đã xảy ra như thế nào, ta có đọc bài tường thuật trên báo, nêu em không phả là Rêmi thì không lừa ta được. Ta nghe đây, phải coi chừng.
Việc ông dự thẩm đã gọi tôi bằng em đã làm cho tôi yên lòng; tôi thấy rằng đốì với chúng tôi, ông không có ác ý. Tôi kể xong câu chuyện thì ông nhìn tôi rất lâu, với đôi mắt dịu hiền, trìu mến. Tôi cứ tưởng ông ta sẽ tuyên bố trả lại tự do cho chúng tôi. Nhưng chẳng phải thế! Ông đi ra không nói gì hết. Chắc ông ta đi hỏi Mátchia để xem những điều chúng tôi kể có giống nhau không. Tôi đứng một lúc khá lâu, đăm chiêu suy nghĩ. Cuối cùng thì ông dự thẩm trở lại cùng với Mátchia. Ông nói:

Ta sẽ cho điều tra ở Uýtxen. Nếu kết quả điều tra xác nhận những điều các em khai, ta mong thế, thì đến mai các em sẽ được tự do.

Còn con bò sữa của chúng tôi? – Mátchia hỏi.

Người ta sẽ trả lại cho các em.

Tôi không định hỏi cái đó, thưa ông dự thẩm, tôi chỉ muốn biết có ai cho nó ăn không? Ai vắt sữa cho nó?
Chú nhóc cứ yên lòng!

Người ta vắt sữa con bò của chúng tôi thì người ta có thể cho chúng tôi sữa ấy không nhỉ? Có sữa mà ăn tối thì thích quá!
Ông dự thẩm vừa quay lưng ra thì tôi báo cho Mátchia biết cái tin lớn đã khiến tôi quên khuấy đi rằng chúng tôi đang ở tù: đó là tin má Bácbơranh vẫn còn sống và lão Bácbơranh thì lên Pari. Mátchia kêu lên: “Con bò sữa của hoàng tử sẽ đi vào nhà một cách vinh quang”. Nó vui sướng quá, vừa nhảy vừa hát. Bị lôi cuốn theo, tôi cũng nắm tay nó múa hát. Còn Capi từ đầu vẫn ngồi một xó, buồn bã lo âu, bây giờ cũng chạy đến đứng thẳng lên trên hai chân sau, giữa hai chúng tôi. Thế là chúng tôi nhảy múa ầm ĩ, khiến người cai ngục lo sợ – có lẽ vì mớ hành của ông ta – chạy đến xem có phải chúng tôi nổi loạn hay không.

Người cai ngục bảo chúng tôi im đi. Nhưng lần này ông ta không ăn nói cục cằn như khi cùng đến với ông dự thẩm. Nhờ thế, chúng tôi biết rằng tình hình không đến nỗi xấu và chỉ lát sau thì chúng tôi biết rõ mình đoán không sai: ông ta đã trở lại với một chậu sữa đầy, sữa con bò của chúng tôi. Đã hết đâu, ông ta còn cho chúng tôi một chiếc bánh mì trắng to và một miếng thịt bê luộc; ông ta nói thịt bê là của ông dự thẩm gửi đến. Xưa nay có lẽ không có tên tù nào được hậu đãi như thế.

Thế là vừa ăn thịt bê và uống sữa, tôi vừa xét lại ý niệm của tôi về nhà tù. Quả có khá hơn cái cảnh mà tôi tưởng tượng, và đó cũng là cảm tưởng của Mátchia. Nó vừa cười vừa nói:
Ăn ngủ không mất tiền, quả là dịp may hiếm có!

Nếu ông thú y chết bất thình lình thì lấy ai làm chứng cho chứng mình? Mátchia không chút nao núng, bình tĩnh nói:
Chỉ khi nào người ta khổ, người ta mới có những ý nghĩ đen tối như thế, nay thì quả là không phải lúc.

—————————

Nguyên văn tiếng này có nghĩa là thông thái, áp dụng cho một số thú vật thì có nhĩa là biết diễn trò, biết nhiều trò. Người ta thường dùng đùa với nghĩa đen. – N.D

Giàn hình khom khom, người ta cho các thứ cây leo bò lên để làm chỗ ngồi mát.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.