Không Gia Đình

33. TÌM KIẾM



Sáng hôm sau, việc đầu tiên của tôi là viết thư cho má Bácbơranh tin cho má rõ những điều tôi mới được biết. Đối với sức của tôi, đây không phải là một công việc nhỏ. Ai đành lòng nói cộc lốc với má rằng chồng má đã qua đời. Má yêu mến “anh Giêrôm” của má. Má với ông ấy đã ăn ở với nhau mấy chục năm nay, nếu mình không chia sẽ nỗi đau buồn với má thì sẽ phiền lòng má.

Hì hục mãi, cuối cùng tôi cũng viết xong lá thư. Suốt thư, tôi cứ nhắc đi nhắc lại là tôi thương má. Tất nhiên tôi có kể cho má nghe sự thất vọng vừa qua và những hy vọng hiện nay của tôi. Nói cho đúng thì chỉ việc này là tôi nói đến nhiều nhất. Tôi nhờ má tin ngay cho tôi biết nếu má được thư của gia đình tôi gửi hỏi tin tức ông Bácbơranh, nhất là cần nhớ gửi địa chỉ đến cho tôi: gửi đến khách sạn Căngtan, ở Pari.

Xong nhiệm vụ ấy, còn một nhiệm vụ thứ hai nữa đối với ông bố Lidơ. Nhiệm vụ này cũng khó khăn không kém. Khi ở Đrơdy, tôi nói với Lidơ rằng hễ đến Pari, lần đi phố đầu tiên của tôi là đi thăm ông bố em ở nhà lao. Tôi giải thích là nếu cha mẹ tôi mà giàu có như tôi tin tưởng, thì tôi sẽ xin tiền trả nợ cho bác Acanh; như vậy, tôi đến nhà lao chỉ để giải phóng cho bác và đưa bác đi với tôi thôi. Việc này nằm trong chương trình những niềm vui tôi đã vạch sẵn cho mình. Trước tiên là bác Acanh, sau đến má Bácbơranh, rồi lần lượt đến Lidơ, Êchiênnét, Alơxi, Bănggiamanh. Về phần Mátchia thì tất nhiên tôi được cái gì, nó được cái ấy, và hạnh phúc của tôi sẽ làm nên hạnh phúc của nó. Thế mà nay phải tay không mà đến nhà lao mới chán nản làm sao! Đến gặp bác Acanh mà vẫn bó tay như ngày từ giã bác, không giúp được gì, không đền ơn đáp nghĩa.

Cũng may là tôi có những lời âu yếm và những cái hôn mà Lidơ và Alơxi trao gửi để mang đến cho bác. Niềm vui sướng của người cha chắc sẽ xoa dịu nỗi ân hận trong lòng tôi và tôi cũng được hởi dạ vì đã giúp ông được nhiều ít, trong khi chờ cơ hội làm hơn. Mátchia thích xem nhà tù quá nên đi theo tôi, vả lại tôi cũng muốn cho nó biết mặt người trong hai năm trời đã coi tôi như con. Bây giờ tôi đã biết cái mẹo làm thế nào để vào nhà lao Clisy, nên chúng tôi không phải đứng trơ ra và chờ đợi rất lâu trước cổng lớn như lần trước nữa.

Người ta cho chúng tôi vào phòng đợi và lát sau thì bác Acanh đến. Từ bục cửa, bác đã dang tay ra đón tôi. Bác vừa ôm vừa nói:
– Ôi! Cái thằng bé ngoan! Thằng cháu Rêmi trung hậu!

Tôi báo tin về Lidơ và Alơxi ngay. Rôi khi tôi muốn bày tỏ vì sao tôi không thể đến chị Êchiênnét thì ông nói:
Thế bố mẹ cháu?

Bác biết chuyện rồi sao?

Lão ta chết rồi. – Tôi nói.

Tai hại chưa!

Bác nói cho tôi biết vì sao Bácbơranh đến tìm bác để hỏi tin tức tôi: đến Pari thì Bácbơranh tới nhà Garôphôli và tất nhiên là không gặp hắn ta. Lão bèn đi rất xa, về tận tỉnh có cái nhà lao đang giam hắn, để hỏi về tôi. Tên này cho lão biết sau khi cụ Vitali mất đi, thì tôi được một ngươi trồng vườn tên là Acanh đem về nuôi. Bácbơranh bèn trở về Pari đến khu Glaxie, ở đấy người ta cho lão biết người trồng vườn ấy hiện đang bị giam giữ ở Clisy. Lão đến nhà lao và bác Acanh nói cho lão biết tôi đi chu du nước Pháp như thế nào, cho nên, dù bây giờ không biết rõ tôi ở đâu, nhưng đến một lúc nào đó, nhất định tôi sẽ ghé lại thăm một trong những đứa con bác ấy. Bởi thế, chính tay bác Acanh đã viết mấy lá thư cho tôi và gửi đến Đrơdy, Vácxơ, Étxnăngđơ và Xanh Căngtăng cùng một lúc. Tôi không nhận được thư bác gửi đến Đrơdy chắc là vì tôi đi rồi thư mới đến. Tôi hỏi:

Thế Bácbơranh có nói gì với bác về cha mẹ cháu không?

Không! Chỉ nói tí chút, chả có ích lợi mấy. Lão nói cha mẹ cháu đã dò hỏi phòng cảnh sát khu Anh Valiđơ và biết rằng đứa bé bị vứt bỏ ở phố Bơrơtơi đã được một người thợ nề nhặt về nuôi. Họ đến tìm cháu ở nhà lão Bácbơranh. Không thấy cháu họ đã nhờ lão lùng kiếm giúp họ.
Lão không nói tên của cha mẹ cháu, không nói gì về quê quán cháu hay sao?

Bác hỏi thì lão bảo để rồi sẽ nói chuyện. Bác chẳng buồn nhắc lại. Bác hiểu rằng lão ta giấu kỹ tên tuổi bố mẹ cháu chỉ vì lão sợ không được hưởng một mình tất

cả món thù lao lớn như lão mong muốn: chẳng là bác cũng có nuôi nấng cháu nên cái lão Bácbơranh ấy tưởng là bác muốn được đền công. Vì thế, bác tiễn lão ra ngay và từ đó không thấy tăm hơi lão đâu nữa. Bác không ngờ lão đã qua đời. Hóa ra có cha mẹ mà vì sự tính toán của lão keo bẩn ấy thành ra cháu chẳng biết cha mẹ cháu là ai, ở đâu!

Tôi bày tỏ niềm hy vọng của chúng tôi. Bác cho rằng tin tưởng như thế là phải và viện ra nhiều lý lẽ xác đáng để khuyến khích tôi:
Bố mẹ cháu đã moi lão Bácbơranh ở tận Savanông ra, rồi Bácbơranh lại truy ra Garôphôli và tìm ra được cả bác ở đây nữa, thì tất người ta sẽ tìm thấy cháu ở khách sạn Căngtan thôi! Hãy ở đấy mà chờ!
Những lời lẽ ấy khiến tôi cảm thấy dễ chịu và trở lại vui vẻ. Tôi nói chuyện Lidơ, Alơxi và chuyện tôi bị vùi trong hầm mỏ. Khi tôi kể hết, bác than thở:
Cái nghề sao mà hiểm nghèo thế! Mà thằng Alơxi lại làm cái nghề ấy mới tội chứ! Chà! Hồi nó trồng yên chi thì sung sướng hơn biết bao nhiêu.
Thời ấy rồi sẽ trở lại, bác ạ!

Ơn trời mà được như cháu nói, cháu Rêmi yêu mến ạ!

Lưỡi tôi ngọ nguậy muốn nói rằng không lâu nữa bố mẹ tôi sẽ vận động cho bác ra tù. Nhưng tôi kịp nghĩ rằng không nên khoe trước những điều tốt mình định mang lại cho người ta. Tôi chỉ nói không bao lâu nữa bác sẽ ra khỏi nhà tù và con cái sẽ quây quần bên bác. Khi ra đường, Mátchia nói:

Trong khi chờ đợi cái giờ phút tốt đẹp ấy, mình có ý kiến là chúng ta không nên bỏ phí thời gian. Phải kiếm tiền đi!
Giá thử mấy hôm trước, dọc đường chúng ta không dành nhiều thì giờ kiếm tiền như thế thì hẳn chúng ta đã đến Pari kịp cho gặp lão Bácbơranh.
Cái đó đúng! Làm cho cậu đến chậm, tớ đã tự trách mình bao nhiêu rồi, cậu đừng trách tớ nữa!
Tớ có trách móc gì cậu đâu, Mátchia thân mến ạ! Tớ cam đoan với cậu như thế. Không có cậu, làm sao tớ mua được con búp bê cho Lidơ? Không có cậu, hẳn lúc này chúng mình phải vất vưởng trên vỉa hè thành phố Pari, không có một đồng xu nào để nuôi miệng.

Đã thế thì thế này nhé: cậu đã cho cái việc tớ muốn làm cho có tiền là phải thì giờ đây ta hẵng cứ coi là phải. Vả chăng, chúng mình có việc gì đáng làm hơn là ca hát và biểu diễn cái chương trình của đoàn ta. Còn như dạo chơi đây đó, thì ta hãy chờ khi cậu có xe ngựa, đỡ mệt hơn. Gì chứ, ở Pari thì tớ coi như ở nhà vậy, tớ biết rõ chỗ nào là chỗ hời.

Mátchia quả biết rõ những chỗ kiếm ra tiền, những quảng trường, những sân họp đặc biệt, những hiệu cà phê, cho nên tối hôm đó, trước khi đi ngủ chúng tôi đếm lại số tiền thu được thì thấy những mười bốn phờrăng. Thế là khi sắp đi ngủ, tôi nhớ lại một câu quen thuộc của cụ Vitali nói rằng của cải chỉ đến với người không cần đến nó. Thu được khá thế này hẳn là dấu hiệu bố mẹ tôi sắp đến, chỉ ngày một ngày hai, vì chính tôi không cần tiền nữa, tiền mới đổ xô về như vậy.

Tôi tin chắc ở linh tính của tôi nên hôm sau, tôi sẵn sàng nằm ỳ ở khách sạn, nếu Mátchia không thúc ép tôi dậy đi. Nó lại bắt tôi đàn, tôi hát, và ngày hôm đó, chúng tôi lại thu mười một phờrăng, Mátchia vừa cười, vừa nói:
Ta không trở nên giàu có nhờ của cải của bố mẹ cậu thì tự tay ta, với sức ta, ta cũng sẽ làm nên giàu có được đấy! Mà như thế thì tuyệt!
Ba ngày trôi qua như thế mà vẫn không có gì mới lạ xảy đến. Ngày nào chị giúp việc ở khách sạn cũng chỉ trả lời tôi một câu, như một điệp khúc bất diệt: “Không có ai hỏi ông Bácbơranh cả và tôi cũng không nhận được thư nào gửi cho cậu hoặc cho ông ta”. Mãi đến ngày thứ tư chị ta mối đưa cho tôi một phong thư. Đó là thư trả lời của má Bácbơranh do má nhờ người ta viết. Thư má nói rằng má đã được báo tin chồng má mất và trước đó ít lâu, má có nhận được thư của ông ấy. Cái thư đó có nói đến tung tích gia đình tôi, má nghĩ rằng nó có thể giúp ích cho tôi nên mới chuyển theo tôi. Mátchia reo:

Mau lên, mau lên. Mau xem thư của lão Bácbơranh đi!

Tôi mở phong bì, tay run run, lòng như thắt lại:

“Tôi đang nằm viện, ốm nặng lắm, có lẽ không qua khỏi. Giá tôi có đủ sức thì tôi kể cho u nó nghe tôi lâm bệnh như thế nào. Nhưng kể chẳng chả ích gì, tốt hơn là đi ngay vào công việc gấp rút này. Tôi viết thư cho u nó cốt để dặn dò u nó, nếu chẳng may tôi có mệnh hệ nào thì u nó phải viết thư cho các ông Gơrét và Gơli, công viên Grin, quán trọ Linhcôn, ở Lơnđơn. Họ là những người thừa biện được ủy nhiệm lùng tìm Rêmi. U nó nói với họ rằng chỉ có u nó là biết tung tích thằng bé và u nó nhớ đòi tiền công cho xứng đáng để u nó có chút dư dật mà sống no ấm trong lúc tuổi già. Muốn biết Rêmi bây giờ thế nào thì u nó cứ việc gửi thư hỏi lão Acanh, trước làm nghề trồng vườn, bây giờ bị tù tại nhà lao Clisy ở Pari. Thư từ, u nó nhờ cha xứ viết tất, chứ trong công việc này đừng có tin ai. Khi nào u nó biết chắc tôi đã chết rồi thì chừng đó, làm gì hãy làm.

Tôi hôn u nó lần cuối cùng đây.

“Bácbơranh”

Tôi chưa đọc hết câu cuối thì Mátchia đã nhảy choàng lên, hét:

– Đi Lơnđơn đi thôi!

Tôi đang còn ngạc nhiên về những điều tôi vừa đọc nên chỉ đưa mắt nhìn

Mátchia, không hiểu nó nói gì. Nó tiếp:

Trong thư, lão Bácbơranh chẳng bảo rằng những người thừa biện ngươi Anh được ủy nhiệm lùng tìm cậu là gì! Cái đó có nghĩa là bố mẹ cậu cũng là người Anh, phải không nào?
Cậu không thích là người Anh à?

Giá tớ là người Pháp, cùng một Tổ quốc với Lidơ và lũ trẻ nhà ấy thì thích hơn.

Tớ thì lại muốn cho cậu là người Italia kia!

Nếu tớ là người Anh thì tớ sẽ là đồng bào của Áctơ và bà Miligơn.

Thế nào? Nếu cậu là người Anh à? Cái đó chắc chắn rồi chứ còn nếu niếc gì nữa! Nếu bố mẹ cậu là người Pháp thì có đâu lại đi nhờ cậy bọn thừa biện Anh lùng kiếm đứa con đánh mất, ở nước Pháp? Cậu đã là người Anh thì phải sang Anh đi. Đó là cách tốt nhất để cậu nhích gần đến bố mẹ. Hay là ta viết thư cho các lão thừa biện ấy?

Viết làm gì? Gặp nhau nói thẳng với nhau dễ ăn ý hơn là dùng thư từ. Khi chúng mình đến Pari, chúng mình còn mười bảy phờrăng. Một hôm sau chúng mình kiếm được mười bốn, hôm khác mười một, hôm sau nữa chín, thế là cộng được năm mươi mốt phờrăng. Chúng mình đã tiêu hết tám, thế là còn bốn mươi ba. Đi Lơnđơn thừa đi ấy chứ! Chúng mình đến Bulônhơ xuống tàu đi Lơnđơn, chả tốn là bao!

Cậu chưa ở thành phố Lơnđơn chứ?

Cậu thừa biết là chưa. Thế nhưng ở gánh xiếc Gátxô có hai anh hề người Anh. Họ hay nói chuyện thành phố Lơnđơn với tớ. Họ còn dạy tớ một số tiếng Anh đủ dể trò chuyện với nhau thế nào cho bà lão Gátxô, tò mò như một con vọ, không nghe ra gì hết. Tớ sẽ đưa cậu đi Lơnđơn.
Tớ cũng vậy, tớ có học tiếng Anh với cụ Vitali.

Ừ, nhưng đã ba năm rồi, chắc cậu quên hết, chứ còn tớ thì tớ nhớ. Rồi cậu xem. Với lại tớ ưng đi Lơndơn không phải chỉ vì muốn giúp cậu mà thôi. Nói thật với nhau, tớ còn một lí do nữa.
Lý do gì?

Nếu bố mẹ cậu đến đón cậu ở Pari thì có thể người ta không mang tớ đi với cậu. Còn như tớ mà sang Anh thì người ta không nỡ đuổi tớ về.
Phỏng đoán như vậy có phần xúc phạm đến bố mẹ tôi đấy nhưng xét cho cùng thì cũng không hẳn là không có lý. Dù muốn một điều gì đó có thể xảy ra đi nữa thì tôi cùng phải ngăn chặn, tức là phải đồng ý đi Lơnđơn ngay với Mátchia. Tôi nói:
Ta đi chứ?

Cậu bằng lòng chứ?

Trong dăm phút, chúng tôi đã soạn xong xắc và xuống dưới nhà, sẵn sàng để ra đi. Trông thấy chúng tôi đóng bộ như thế, bà chủ khách sạn Căngtan phản kháng:
Coi cái cậu cả kìa! (cậu cả là tôi) Cậu không đợi ông bà nhà ta à? Đợi lại thì hơn đấy, cậu ạ! Với lại, để cho ông bà nhà ta đến sẽ thấy cậu quý tử được chăm sóc tử tế như thế nào chứ!
Nhưng cái tài hùng biện ấy không giữ chân tôi được. Trả tiền trọ xong, tôi đi ra đường. Mátchia và Capi đã ra trước, đứng đó đợi tôi. Bà cụ hỏi:
Thế thì cậu nên để địa chỉ lại đây!

Phải rồi, để địa chỉ lại có lẽ cũng hay. Tôi viết vào quyển sổ của bà.

Ở Lơnđơn! Bà cụ kêu. – Hai thiếu niên thế này mà vào giữa Lơnđơn! Lại băng đường trường! Lại vượt biển khơi nữa chứ!
Trước khi lên đường đi Bulônhơ, phải đến chào tạm biệt ông bố đã chứ!

Nhưng buổi chào tạm biệt này không buồn thảm! Bố Acanh sung sướng được biết là tôi sắp gặp gia đình, và tôi cũng rất vui mừng được nhắc lại với ông rằng nhất định tôi sẽ cùng bố mẹ trở lại ngay đây để cám ơn ông.

Thôi, chào con, chúc con may mắn, ta sẽ gặp nhau! Nếu vì một lý do nào đó mà con chưa trở lại được như ý muốn, con cứ viết thư cho ta cũng được!
Nhất định con sẽ trở lại!

Ngày hôm ấy, chúng tôi đi một mạch đến Moátxen và xin ngủ nhờ ở một trang trại vì cần phải ăn tiêu dè xẻn để dành tiền mua vé tàu vượt biển. Mátchia nói chả tốn bao nhiêu, nhưng chả tốn “bao nhiêu” là từng nào mới được chứ?

Vừa đi đường, tôi vừa học tiếng Anh với Mátchia.

Tôi hết sức băn khoăn về một ý nghĩ nó làm cho tôi mất tươi vui hỉ hả: chẳng hay bố mẹ tôi có nghe được tiếng Pháp hay tiếng Italia không nhỉ? Làm thế nào trò chuyện với nhau nếu như bố mẹ tôi chỉ nói tiếng Anh thôi? Nếu mà thế thì bất tiện biết bao nhiêu! Nếu có anh chị em thì tôi sẽ nói gì với họ cho được? Chưa nói chuyện được với anh chị em thì chắc anh chị em coi như người ngoài thôi! Từ khi ở Savanông ra đi, tôi đã nhiều lần hình dung trước cái cảnh đoàn tụ, và chưa bao giờ tôi thoáng nghĩ rằng mình có thể bị cụt hứng như thế này. Chắc là còn lâu nữa tôi mớí học thông được tiếng Anh, chừng như nó cũng khó học thật!

Từ Pari đến Bulônhơ, chúng tôi đi mất tám ngày vì phải dừng lại ở các thị trấn lớn trên đường đi để biểu diễn gây lại vốn. Tôi Bulônhơ, chúng tôi vẫn còn được ba mươi hai phờrăng thừa mua vé tàu. Đến Bulônhơ, trước hết chúng tôi đi dạo xem cái đập ở cảng, vì Mátchia chưa bao giờ tròng thấy biển bao giờ. Nó đứng sững mấy phút, mắt nhìn đắm vào cõi mù mù, tăm tăm, ở chân trời xa tắp rồi tặc lưỡi bảo là xấu lắm, buồn lắm và bẩn nữa.

Thế là chúng tôi tranh luận. Ngày thường chúng tôi vẫn hay nói đến biển và bao giờ tôi cũng nói với nó rằng cảnh biển là cảnh đẹp nhất trên đời. Cho nên tôi bênh vực ý kiến ấy. Mátchia nói:

Có lẽ cậu nói có lý khi mặt biển xanh biếc như cậu trông thấy ở Xếttơ và thuật lại với tớ. Nhưng mà khi biển như biển này, vàng kệch và xanh lục, bên trên là trời xám xịt với những đám mây lớn âm u thì biển xấu, xấu lắm, tớ chẳng thích đi trên ấy tí nào…

Thường thường, Mátchia với tôi, chúng tôi vẫn dễ dàng nhất trí với nhau: hoặc là nó đồng ý với tôi hoặc là tôi cũng tỏ ra hợp ý với nó. Nhưng lần này tôi cứ khư khư giữ ý mình và tôi cho rằng mặc dầu một màu xanh lục, nhìn xuống thì mờ mờ, nhìn lên thì mây kéo ùa ùn theo gió thổi loạn xạ. Vùng biển này vẫn vô cùng đẹp hơn một cái biển xanh biếc dưới một bầu trời xanh lam.

Mátchia đáp lại: “Chỉ vì cậu là người Anh cho nên mới nói như vậy và cậu yêu thích cái biển tồi tệ này chẳng qua vì nó là biển của xứ sở quê hương đấy thôi!”
Tàu đi Lơnđơn sẽ nhổ neo vào bốn giờ sáng hôm sau. Mới ba giờ rưỡi, chúng tôi đã lên tàu, cố tìm lấy một chỗ tốt. Chúng tôi nấp sau một đống thùng gỗ để che bớt ngọn gió bấc lạnh và ẩm ướt. Dưới ánh sáng của mấy chiếc đèn lồng um khói, người ta bốc hàng xuống tàu, ròng rọc rít, những két hàng thả xuống hầm tàu kêu răng rắc, thủy thủ chốc chốc lại thét lên vài tiếng với giọng ồ ồ. Át cả mọi tiếng huyên náo là tiếng xì xụp của hơi nước, từ máy bốc lên thành những cuộn trắng. Một hồi chuông réo, dây cáp buông xuống nước và thế là chúng tôi lên đường. Lên đường về quê hương tôi.

Tôi thường nói với Mátchia rằng không có gì lý thú bằng đi chơi trên tàu thủy. Mình lướt êm ru trên mặt nước, không hề biết đã đi mấy đỗi đường. Thật là mê ly – như một giấc mơ.

Nói như vậy là tôi nghĩ đến thuyền Thiên Nga và cuộc du hành trên kênh Nam. Nhưng biển không giống sông đào. Vừa đi khỏi đập thì con tàu hình như đâm sâu xuống rốn nước lần nữa, cứ thế liên tục bốn năm bận, chẳng khác những chuyển động ấy, hơi nước từ ống khói thoát ra với tiếng rít chát tai rồi đột ngột lặng im. Bấy giờ chỉ còn nghe tiếng guồng gạt nước(1) lúc ở mạn bên này, lúc ở mạn bên kia tùy con tàu nghiêng bên nào. Mátchia nói: “Lướt êm quá nhỉ!” Tôi không biết đáp thế nào vì lúc bâv giờ tôi có biết sóng ngang ở cửa biển là thế nào đâu!

Thật ra thì không phải chỉ có sóng ngang(2) làm cho tàu tròng trành; hôm ấy ngoài khơi, biển cũng động nữa.
Mátchia lặng thinh đã lâu bỗng nhiên vùng dậy. Tôi hỏi:

– Cậu làm sao thế?

Tớ thấy nó nhảy nhót nhiều quá, ruột gan tớ lộn lên đây!

Say sóng đấy!

Hẳn rồi! Mình cảm thấy rõ quá!

Mấy phút sau, nó chạy lên mạn tàu vịn vào be. Tội nghiệp! Nó mệt quá! Tôi cố ôm nó vào lòng, ấp đầu nó trong ngực tôi, nó cũng không khỏi. Nó rên rỉ và chốc chốc nó vùng dậy, khập khiễng đi lại chống tay chồm qua be tàu. Mấy phút sau nó mới trở lại nép vào người tôi. Cứ mỗi lần trở về nó lại giơ quả đấm ra với tôi và nửa cười cợt, nửa cáu gắt, nó bảo:

Chà! Cái bọn Ănglê(3) này, chúng không có ruột gan!

Cũng may đây.

Trời hửng sáng thì chúng tôi nhìn thấy những ghềnh đá trắng cao ở bờ biển và đây đó vài chiếc tàu im lìm, không kéo buồm. Dần dần tàu bớt tròng trành rồi lướt đi trên mặt nước phẳng lặng, nhẹ nhàng không kém gì đi trên kênh. Bây giờ tàu không ở biển khơi nữa, và chúng tôi nhìn thấy – nói cho đúng hơn là đoán thấy – qua màn sương sớm, bóng cây thấp thoáng ở hai bên bờ xa, xa tít. Chúng tôi đã đi vào sông Tamidơ. Tôi bảo Mátchia:

– Chúng mình đến đất Anh rồi!

Mátchia không hoan nghênh cái tin mừng này. Nó nằm dài trên boong, đáp:

– Để yên cho tao ngủ!

Tôi không bị say sóng khi vượt biển nên không buồn ngủ. Tôi sắp xếp cho Mátchia nằm thoải mái chừng nào hay chừng ấy, rồi tôi leo lên đống thùng gỗ, chọn chồng cao nhất để ngồi và đặt con Capi ở giữa hai chân. Con Capi đã vượt sóng gió một cách can đảm. Biết đâu! Biết đâu Capi không là một dân biển lão luyện! Ở với cụ Vitali, cái gì mà nó không biết!

Từ chỗ ngồi cao ấy, mắt tôi bao quát con sông, tôi nhìn thấy được dòng sông chảy ở hai bên bờ, nhìn ngược dòng, lại nhìn được cả về xuôi, đằng sau lái. Bên phải chạy dài một cồn cát lớn, mép viền bọt trắng. Bèn trái xanh mù như lại sắp đi vào biển nữa. Nhưng không, đó chỉ là ảo giác: chẳng mấy chốc bờ sông xanh xanh dịch lại gần rồi hiện lên rõ là những bãi lầy lội, màu sắc vàng.

Cả một hạm đội thả neo đỗ ở giữa sông. Len giữa đám tàu ấy, những tàu chạy hơi nước, tàu kéo đi đi lại lại. Và biết cơ man nào là buồm! Tôi chưa hề nghĩ rằng một con sông lại có thể đông đúc đến thế. Sông Garon đã khiến tôi ngạc nhiên, thì sông Tamidơ giờ đây khiến tôi thán phục. Nhiều tàu sửa soạn để nhổ neo. Trên giàn buồm, các thủy thủ chạy đây chạy đó trên những chiếc thang dây trông xa mỏng mảnh như tơ nhện.

Con tàu của chúng tôi để lại sau lái một làn bọt trắng trên mặt nước vàng. Vô khối những thứ rêu rác trôi nổi lềnh bềnh trên mặt sông: nào là ván, nào là đầu đày gỗ, nào là cỏ rác, nút chai, nào là xác súc vật trương sình lên. Chốc chốc một con chim có đôi cánh lớn sà xuống đám rác rểu ấy để rồi tức khắc kêu lên một tiếng xé tai mà bay lên, mỏ đã quắp mồi rồi.

Sao Mátchia lại muốn ngủ nhỉ? Nó thức dậy có hơn không? Cảnh tượng này kỳ thú, đáng xem lắm mà! Tàu càng ngược sông, lại càng kỳ thú, càng đẹp. Bây giờ, cái đáng xem không chỉ có thuyền buồm hay tàu chạy hơi nước, hoặc những chiếc tàu ba buồm to lớn, những thuyền đi biển khổng lồ từ phương xa về, những tàu than đen đủi, những thuyền chất rạ và cỏ khô trông như những đụn rơm cuốn theo dòng nước, những phao nổi to tướng sơn đen, trắng, đỏ bị dòng nước xô quay tròn. Còn đáng chú nữa là những việc xảy ra, những điều ta trông thấy ở hai bên bờ bây giờ hiện rõ mồn một. Những ngôi nhà quét sơn màu duyên dáng, những đám cỏ xanh, những cây sum suê cành lá chưa hề chạm lưỡi(4) dao tiện, và đây đó những chiếc cầu tàu nhô ra giữa bãi bùn đen, những tín hiệu thủy triều, những cọc xanh xanh, nhơn nhớt.
Tôi ngồi như thế lâu lắm, đôi mắt mở to chỉ để mà trông, mà phục.

Nhưng đến đây thì bỗng nhiên nhà ở hai bên bờ sông dồn đống lại, chen chúc thành từng hàng dài đỏ ngòm. Trời trở nên mù mịt. Khói và sương mù quyện lại với nhau, khó mà nói được sương dày hơn hay khói. Rồi thì giữa các đồng cỏ, đáng lẽ có cây cối và gia súc thì đột nhiên xuất hiện một rừng cột buồm: tàu bè đỗ trên đồng cỏ.
Không nhịn được nữa, tôi tụt từ “đài quan sát” xuống đi tìm Mátchia. Nó đã thức giấc. Hết say sóng rồi, nó không cáu kỉnh nữa và vui lòng leo lên đống thùng gỗ với tôi. Nó cũng thấy choáng và đưa tay dụi mắt. Đây đó, từ các đồng cỏ, có những con sông đào chảy ra sông lớn, các sông ấy cũng đầy tàu bè.
Khốn thay, sương mù và khói cứ càng lâu càng dày đặc. Chúng tôi thì chỉ nhìn thấy cảnh vật quanh mình từng quãng và cứ càng đi sâu vào nội địa càng lờ mờ.

Cuối cùng, con tàu đi chậm lại, tắt máy, và thủy thủ ném dây cáp lên bờ. Thế là chúng tôi đã ở thành phố Lơnđơn. Chúng tôi bước chân lên bờ giữa đám người chỉ nhìn chúng tôi mà không nói gì với chúng tôi. “Này, Mátchia thân mến, lúc này là lúc cậu cần giở cái vốn liếng tiếng Anh của cậu ra mà dùng đấy!”. Không chút e ngại, Mátchia đến gần một ông to béo, có chòm râu màu hung, và cầm mũ ở tay, nó lễ phép hỏi đường đi công viên Gờrin. Hình như Mátchia phải mất nhiều thì giờ lắm mới làm cho người đó hiểu mình và người đó đã bắt hắn nhắc đi nhắc lại mãi mấy tiếng. Nhưng tôi không muốn tỏ vẻ hoài nghi sự thông thái của bạn tôi. Mãi rồi nó cũng trở về chỗ. Nó nói:

Dễ lắm! Cứ việc đi dọc sông Tamidơ. Chúng mình sẽ lần theo bờ kè mà đi. Nhưng ở Lơnđơn hồi đó không có bờ kè, nhà cửa cứ việc nhô ra tận sông. Cho nên chúng tôi phải đi theo những đường phố đoán chừng là chạy dọc theo dòng sông. Những đường phố đó tối tăm lầy lội quá sức và ngổn ngang những xe cộ, những hòm xiểng, những kiện hàng, gói bọc đủ loại. Những thứ ấy, hết đây lại đó, cứ vướng chân vướng cẳng, chúng tôi len lỏi đi lên cho được rất khó khăn. Tôi buộc con Capi vào một sợi dây thừng và kéo nó theo sát bên tôi. Mới một giờ trưa mà đèn khí đã thắp trong các cửa hàng.

Nhìn thấy Lơnđơn như vậy, chúng tôi không có cảm tình như đối với sông Tamidơ.
Chúng tôi cứ đi lên và chốc chốc Mátchia lại hỏi thăm xem chúng tôi còn cách quán trọ Linhcôn bao xa. Rồi chúng tôi không còn đi trên đường phố ồn ào, nhộn nhịp nữa. Chúng tôi vào những con phố vắng vẻ, chằng chịt, ở đấy chúng tôi có cảm giác là cứ đi quẩn đi quanh tại chỗ như trong một trận đồ bát quái(5) chứ không tiến lên được bước nào.

Bỗng nhiên, giữa lúc tưởng đã lạc đường thì chúng tôi đến một nghĩa địa nhỏ đầy mồ mả, bia mộ đen sì như thể quét bồ hóng hay đánh xi đen: đó là công viên Gờrin. Trong lúc Mátchia đón một bóng người qua đường để hỏi han thì tôi đứng lại để tim khỏi đập mạnh. Tôi không thở được nữa, người tôi run lên. Rồi tôi bước theo Mátchia và dừng lại trước một tấm biển đồng đọc thấy mấy chữ: Gơrét và Gơli.

Mátchia bước lên định kéo chuông thì tôi ngăn tay nó. Nó hỏi:

Cậu làm sao thế? Mặt tái đi thế kia!

Hượm tí đã, đợi mình bớt hồi hộp!

Mátchia giật chuông và chúng tôi bước vào nhà. Tôi bối rối quá, không trông rõ quanh mình: chừng như đây là một phòng giấy, có hai người đang gò lưng viết trên bàn, dưới mấy ngọn đèn khí vừa cháy, vừa reo sè sè.

Mátchia đến nói với một trong mấy người đó vì dĩ nhiên là tôi đã cậy nó đỡ lời. Trong khi nó nói, tôi nghe mấy tiếng family, boy(6), Bácbơranh trở đi trở lại; tôi hiểu là nó trình bày rằng tôi là chú bé mà gia đình đã cậy Bácbơranh tìm kiếm. Cái tên Bácbơranh có tác dụng: mọi người nhìn chúng tôi và người kia đứng lên mở cửa cho chúng tôi vào một căn phòng đầy giấy tờ, sách vở. Một ông đang ngồi trước bàn giấy, một ông khác mặc áo dài, đầu chụp tóc giả, tay xách nhiều túi vải xanh, đang nói chuyện với ông kia.

Người đưa chúng tôi vào báo cáo vắn tắt chúng tôi là ai, tức thời hai ông ấy nhìn chúng tôi từ đầu đến chân. Cái ông ngồi bàn giấy hỏi bằng tiếng Pháp:
– Anh nào là đứa bé Bácbơranh nuôi?

Nghe thấy nói tiếng Pháp, tôi yên lòng bước lên một bước:

Thưa ông, tôi đây!

Bácbơranh đâu?

Ông ta chết rồi?

Hai ông nhìn nhau một lát rồi ông có tóc giả xách mấy chiếc túi đi ra. Ông vừa hỏi tôi lại tiếp:
Thế anh đến đây bằng cách nào?

Đi bộ đến Bulônhơ, rồi từ Bulônhơ, đáp tàu thủy đi Lơnđơn. Chúng tôi vừa lên bộ xong.
Bácbơranh có cấp tiền cho anh chứ?

Chúng tôi không gặp ông Bácbơranh.

Thế thì làm sao các anh biết tìm đến đây?

Tôi thuật lại rất vắn tắt câu chuyện mà ông ấy hỏi. Tôi nôn nóng muốn đến lượt mình hỏi một đôi câu, trước hết là một câu cháy lưỡi. Nhưng tôi không kịp hỏi.

Người ta cứ bắt tôi kể vì sao mà tôi được Bácbơranh nuôi, vì sao mà lão bán tôi cho cụ Vitali; rồi khi cụ chủ tôi chết, tôi được gia đình bác Acanh cứu mạng như thế nào và cuối cùng, khi bác Acanh bị bỏ tù vì thiếu nợ, tôi trở lại làm nghề nhạc sĩ lang thang như thế nào.Tôi nói đến đâu thì ông ta ghi lại đến đó và nhìn tôi với con mắt thế nào ấy, nó làm tôi khó chịu. Quả là ông ta có vẻ khắc nghiệt và nụ cười có ẩn cái gì man trá.

Thế còn chú bé này là ai? – Ông ta vừa hỏi vừa đưa cây bút sắt chỉ vào Mátchia như muốn bắn một mũi tên vào người nó.
Là bạn thân, bạn nghề nghiệp, một người anh em ruột thịt của tôi.

Tốt lắm! Chỗ quen biết gặp nhau trên bước giang hồ, chắc thế?

Một người anh em ruột thịt âu yếm và thân tình nhất!

Ồ! Ta có nói khác đâu!

Tôi nghĩ đã đến lúc đặt cái câu hỏi làm tôi ấm ức trong lòng từ khi bắt đầu câu chuyện:
Thưa ông, có phải gia đình tôi ở nước Anh không?

Hẳn là ở Anh rồi, ít nhất là trong lúc này!

Thế tôi sắp được gặp chưa?

Lát nữa anh sẽ về gia đình anh. Tôi sẽ bảo người đưa anh đi.

Ông bấm chuông gọi. Khó khăn lắm tôi mới thốt được mấy tiếng sau đây:

Ông cho phép tôi hỏi một câu nữa thôi! Tôi có bố không?

Không những bố, anh có một bà mẹ và nhiều anh chị em nữa.

Chao ôi! Ông ơi!

Cánh cửa mở ra chặn đứng sự cảm khái của tôi. Tôi chỉ biết đưa mắt trào lệ nhìn Mátchia. Ông kia nói tiếng Anh với người mới vào. Tôi hiểu chừng như ông ấy bảo người ấy đưa chúng tôi đi. Tôi đứng dậy. Ông nói tiếp:

– Ồ! Tí nữa thì quên. Tên họ anh là Đơrixcơn. Đó là tên bố anh.

Mặc dù với vẻ mặt bất lương của ông ta, tôi cũng muốn nhảy lên ôm cổ ông ta mà hôn, nếu ông để cho tôi đủ thì giờ. Nhưng ông ta đưa tay trỏ ra phía cửa và chúng tôi đi ra.

————————-

Ngày trước, tàu thủy không chạy bằng chân vịt, mà chạy bằng những guồng lắp hai bên mạn tàu. Máy quay nước quay guồng chạy và guồng gạt nước đẩy tàu đi tới. – N.D

Ở hải cảng, ở cửa sông, thường có những đợt sóng dài và lớn giăng ngang từ ngoài khơi chạy vào, tàu bè qua lại bị tròng trành, có khi rấy nguy hiểm. – N.D

Chỉ người nước Anh (Người Pháp gọi Anglais)

Người Anh không cắt xén cây cối như người Pháp – N.D

Một thế trận bố trí để cho quân địch đánh vào là bị bao vây chằng chịt, không sao tìm được đường thoát – N.D

Chữ Anh trong nguyên bản: family: gia đình; boy: con trai – N.D


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.