Không Gia Đình

4. NHÀ MẸ



Chúng tôi về đến nhà thì má Bácbơranh hỏi:

Nào! Ông xã trưởng nói thế nào?

Tôi không gặp ông ấy.

Thế nào? Ông không gặp ông ấy à?

Không. Tôi gặp mấy ông bạn già ở quán cà phê Đức Bà, khi ra thì muộn quá. Ngày mai tôi sẽ đến tòa xã trưởng.
Như thế hẳn là ông Bácbơranh đã dứt khoát cắt đứt việc mua bán với ông cụ làm xiếc chó rồi.
Trên đường về tôi lởn vởn nghĩ ông Bácbơranh mà dắt tôi trở về nhà như thế này là có âm mưu gì đây. Nhưng câu trả lời cuối cùng của ông Bácbơranh với má tôi đã đánh tan mọi ngờ vực. Dĩ nhiên là ông Bácbơranh đã từ chối những điều kiện của ông cụ Vitali cho nên mới định đến gặp xã trưởng vào ngày hôm sau chứ!
Tuy thế, mặc những lời ông ta đe dọa, tôi cũng đã nói điều nghi ngờ của tôi với má nếu có được giây lát ngồi một mình vời má. Nhưng suốt buổi tối, ông Bácbơranh không ra khỏi nhà, và cho đến lúc đi ngủ, tôi vẫn không có dịp nói chuyện với má. Lên giường nằm tôi tự nhủ đến mai vậy.
Hôm sau, thức dậy, tôi không tìm thấy má Bácbơranh:

Má con đâu?

Má mày xuống làng trưa mới về.

Không hiểu sao sự vắng mặt của má khiến tôi đâm lo ngại. Tối hôm qua má không hề nói má xuống làng kia mà! Quá trưa chúng tôi cũng xuống làng, cớ sao má không đợi để cùng đi một thể? Má có về kịp trước khi chúng tôi ra đi hay không?
Lòng tôi se lại vì một nỗi lo mơ hồ. Sợ gì tôi không biết rõ, nhưng tôi cảm thấy có một mối nguy hiểm sắp xảy đến với tôi. Ông Bácbơranh nhìn tôi một cách kỳ quái, cái nhìn đó làm tôi chả yên tâm tí nào.
Tôi chạy ra vườn để tránh con mắt ông ta.

Cái vườn không lớn lắm, nhưng đối với chúng tôi rất quý, vì nó nuôi sống chúng tôi. Trừ bột mì không kể, còn thì những thức ăn trong nhà này hầu hết do nó cung cấp: khoai, đậu, bắp cải, cả cải, cà rốt. Vì vậy không có tấc đất nào bỏ trống. Tuy thế má Bácbơranh cũng cho tôi một góc để tôi trồng đủ thứ cây, cỏ, rêu. Hễ cứ buổi sáng đi chăn bò, tôi nhặt được thứ gì ở biên rừng hay chân rào là buổi chiều tôi trồng lại trong góc vườn, lẫn lộn, hú họa, thứ nọ cạnh thứ kia.

Chắc chắn đây không phải là một khu vườn đẹp đẽ, có những con đường rải cát và những bồn hoa giăng dây trồng toàn hoa quý. Khách qua đường không nghển cổ nhòm vào qua cái hàng rào gai tươi xén bằng kéo. Nó chỉ có vậy thôi, nhưng được cái nó là của tôi, nó đáng yêu cũng chỉ vì nó là của tôi. Nó là của cải, là giang sơn, là sự nghiệp của tôi. Tôi xếp đặt nó tùy ý tôi, tùy thích thú mỗi lúc. Khi nói về nó, mỗi ngày tôi nhắc tới nó dễ đến vài mươi lần, tôi gọi nó là “cái vườn của tôi”.

Tôi thu thập và trồng những cây cỏ ấy mùa hè trước, thế thì đến mùa xuân nó phải mọc lên. Những giống sớm không cần đợi đến hết đông đã mọc, còn các giống khác thì lần lượt nối tiếp nhau. Chính vì vậy mà lúc bấy giờ, tính tò mò của tôi được kích thích tột độ.

Các cây trường thọ bây giờ đã ra nụ, mỗi nụ nhú lên một chấm vàng ở bên trên. Cây tử đinh hương đâm những chồi lốm đốm tím và giữa mấy lá anh thảo nhăn nhíu, trồi lên những lộc sẵn sàng nở xòe ra.

Các thứ này sẽ ra hoa như thế nào đây? Đó là điều mà ngày ngày tôi tọc mạch chờ xem.
Nhưng có một nơi khác trong mảnh vườn, tôi theo dõi một cách hồi hộp chứ không phải chỉ tò mò.
khoảng ấy, tôi trồng một thứ rau củ người ta cho tôi, một thứ rau củ mà hầu như cả làng không ai biết. Đó là củ cúc vu. Người ta bảo củ cúc vu ngon hơn củ khoai tây nhiều vì nó có cái vị của áctisô, vừa có cái vị của củ cải, và nhiều thứ rau củ khác nữa. Những điều báo trước tốt đẹp kia gợi cho tôi ý định dành một sự bất ngờ cho má Bácbơranh. Tôi không nói gì với má về giống cây người ta cho, tôi cứ việc trồng các củ ấy trong vườn tôi. Khi nó mọc lên, tôi cứ để cho má tưởng rằng đó là một loại hoa. Rồi một ngày nào đó, khi cúc vu đã già, tôi lợi dụng một buổi vắng mặt của má để bới củ, rồi tự tay tôi nấu nướng. Nấu thế nào đây, tôi không biết! Nhưng trí tưởng tượng của con người ta khi bốc lên có đâu vướng vấp về một chi tiết nhỏ mọn như thế! Và khi má về ăn tối, tôi dọn cái món của tôi ra.
Ai ngạc nhiên đây? Má Bácbơranh.

Ai lấy làm thú vị đây? Cũng là má.

Bởi vì má con tôi đã có một món ăn mới thay thế cho món khoai tây trường kỳ và má Bácbơranh cũng không thấy khổ sở lắm nữa vì nỗi đã bán con bò Rútxét tội nghiệp. Cái người phát minh ra món ăn mới đó là tôi, phải chính tôi: Rêmi, như vậy tôi là người có ích trong gia đình.

Biết tôi có cái chương trình ấy, tất hiểu vì sao tôi chăm chú mong đợi những củ cúc vu mọc lên đến thế! Ngày nào tôi cũng ra nhìn khoảnh đất trồng cúc vu. Sốt ruột quá, tôi cứ nghĩ rằng không đời nào kiếp nào các củ ấy mọc mầm cả.

Tôi đang quì gối, chống tay xuống đất, gí mũi nhìn trong đám cúc vu thì bỗng nghe có tiếng ai gọi tôi giật giọng. Đó là tiếng ông Bácbơranh.
Ông ta muốn gì đây?

Tôi vội vã trở vào nhà. Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy ông cụ Vitali và bầy chó của ông cụ đứng trước lò sưởi! Tôi đoán được ngay ông Bácbơranh gọi tôi làm gì. Ông cụ Vitali đến để đem tôi đi. Không để cho má nuôi tôi bênh vực tôi, sáng nay lão Bácbơranh đã bảo má đi sang bên làng. Tôi cảm thấy không thể trông mong lão Bácbơranh kia đoái hoài thương xót. Tôi chạy đến ông già Vitali:

Ôi! Cụ ơi! Cháu van cụ! Xin cụ đừng đem cháu đi. Thế rồi tôi khóc oà. Ông cụ dịu giọng trả lời:
Này cháu ơi! Cháu đi với ông sẽ không khổ đâu. Ông không đánh đập trẻ con bao giờ cả! Cháu lại được làm bạn với lũ học trò của ông nữa. Chúng nó ngộ lắm kia. Cháu còn luyến tiếc cái gì?
Má Bácbơranh! Má Bácbơranh!

Dù sao mày cũng không được ở lại đây nữa mà! – Lão Bácbơranh vừa nói vừa kéo mạnh tai tôi – Hoặc là ông cụ đây, hoặc là trại trẻ rơi, mày chọn đi.
Không, má Bácbơranh kia!

Lão Bácbơranh nổi cơn thịnh nộ, thét:

– À, cái quân này, mày làm rầy tao quá! Phải đến lấy gậy mà đuổi mày ra khỏi nhà chắc? Tao làm ngay tức khắc đây!

Ông Vitali nói:

Thằng bé này nó quyến luyến má Bácbơranh của nó. Không nên vì thế mà đánh nó. Nó có tình có nghĩa, đó là dấu hiệu tốt.
Nếu cụ tỏ ý thương hại nó, thì nó gào lên cho mà xem!

Thôi, ta tính toán đi!

Nói xong ông già Vitali xỉa lên trên bàn tám đồng năm phờrăng. Lão Bácbơranh vội vã vơ lấy chỗ tiền, cất biến vào trong túi. Cụ Vitali hỏi:
Thế gói quần áo đâu?

Đây kia. – Lão Bácbơranh đáp và trỏ một chiếc khăn tay băng vải xanh buộc túm bốn góc.
Cụ Vitali cởi nút khăn ra để xem có những gì. Chỉ có hai chiếc sơ mi và một cái quần vải.
Theo chúng ta giao hẹn với nhau thì không phải như thế này! Chúng ta đã nói rằng ông phải trao quần áo nó cho tôi mà ở đây tôi chỉ thấy mấy thứ rách mướp này thôi!
Nó không còn thứ gì khác cả.

Nếu tôi hỏi thằng bé thì chắc nó sẽ bảo ông nói không đúng. Nhưng thôi, tôi cũng chẳng muốn cãi vã với ông làm gì. Tôi không có thì giờ. Tôi phải đi ngay bây giờ. Thôi ta đi đi, cháu ơi. Tên nó là gì nhỉ?
Rêmi.

Nào, Rêmi, cầm lấy khăn gói và đi lên trước đi, còn Capi nào, tiến lên! Tiến! Tôi giơ hai tay về phía ông cụ, tôi lao về phía lão Bácbơranh để van xin, nhưng mà cả hai người đều ngoảnh mặt. Cụ Vitali nắm cổ tay tôi.

Đành phải đi thôi.

Chao ôi! Cái nhà thân yêu của ta ơi! Khi ta bước chân qua ngưỡng cửa để xa mày, ta thấy hình như rứt ruột để lại.
Tôi nhìn nhanh quanh tôi. Đôi mắt mờ lệ của tôi chẳng trông thấy ai hòng cầu cứu. Không một bóng người trên đường cái, không một bóng người trên những cánh đồng cỏ xung quanh. Tôi bèn gọi:

– Má ơi! Má Bácbơranh ơi!

Nhưng không ai đáp lại tiếng gọi của tôi cả, tiếng nức nở. Cụ Vitali vẫn không buông tay tôi ra, Lão Bácbơranh nói:

Chúc cụ đi đường mạnh giỏi! Xong lão quay gót vào nhà. Ôi thôi, thế là xong!
Này, Rêmi, con ơi, chúng ta đi lên đi nào! nó vang lên rồi tự tắt dần trong tôi đành phải bước theo ông cụ.

Cụ Vitali vừa nói vừa kéo cánh tay tôi. Tôi bước đi bên cụ. Cũng may mà cụ không rảo bước đi nhanh, trái lại hình như ông cụ còn đi chậm lại theo nhịp bước của tôi.

Con đường chúng tôi đi là con đường dốc chữ chi dọc theo sườn núi. Cứ đến mỗi chỗ ngoặt, tôi lại nhìn thấy ngôi nhà của má Bácbơranh bé dần, bé dần đi. Tôi đã đi con đường này nhiều lần rồi. Tôi biết rằng khi đến chỗ ngoặt cuối cùng tôi sẽ trông thấy ngôi nhà một lần chót, rồi đi vài bước nữa thì chẳng còn trông thấy gì. Trước mắt tôi sẽ là quê xa xứ lạ. Đằng sau tôi là ngôi nhà mà tôi đã sống thật sung sướng từ bé tới nay và có lẽ rồi đây không bao giờ tôi thấy lại nữa.

Cũng may là đường dốc khá dài. Thế nhưng cứ đi mãi chúng tôi cũng lên tới đỉnh cao. Ông cụ Vitali vẫn không buông cổ tay tôi ra.
Cụ có thể cho cháu nghỉ chân một lát không? – tôi hỏi.

Được lắm, con ạ!

Lần đầu tiên ông buông tay ra nhưng đồng thời đưa mắt nhìn con Capi ra hiệu cho nó. Nó hiểu ý ngay. Như một con chó chăn cừu, nó đang đi đầu đoàn tức khắc chạy lại đứng sau tôi. Cách sắp xếp đó làm cho tôi càng hiểu rõ ám hiệu khi nãy: con Capi là người canh giữ tôi đây! Nếu tôi rục rịch chạy trốn nó sẽ nhảy xổ vào cắn chân lôi lại.

Tôi lại ngồi trên lũy cỏ xanh rì. Con Capi theo tôi từng bước. Ngồi trên lũy, tôi đưa mắt mờ lệ tìm kiếm ngôi nhà của má Bácbơranh.
Dưới chân chúng tôi, cái thung lũng chúng tôi vừa trèo qua thoai thoải, chặng này là rừng, chặng kia là đồng cỏ. Đến dưới cùng, cái nơi tôi sống tuổi thơ và lớn lên, cái ngôi nhà lẻ loi cô quạnh của má tôi hiện ra.

Ngôi nhà rất dễ nhận thấy giữa đám cây cối, nhất là giờ đây vì không có gió, một cột khói nhỏ vàng vàng từ ống khói tuôn lên thẳng tắp, lên đến ngang tầm cao của chóp núi chúng tôi ngồi nghỉ. Tôi ngửi thấy mùi thơm của lá sồi khô khi bốc cháy, những chiếc lá còn dính quanh mấy cành củi vụn mà má con chúng tôi lượm để sưởi trong suốt mùa đông.

Là thực hay là ảo tưởng đây? Có phải ngọn khói kia đã đưa mùi thơm ấy lên cho tôi không? Tôi tưởng như đang ngồi bên bếp, trên chiếc ghế dài nhỏ, chân dẫm lên tro, những lúc có cơn gió lùa vào lò sưởi, làm tạt khói vào mặt chúng tôi.

Mặc dù ở xa và cao, tôi thấy mọi vật vẫn giữ nguyên hình dạng của nó, rõ ràng, minh bạch, chỉ có cái là thu nhỏ lại thôi.
Trên đống phân bón, con gà mái cuối cùng của má con chúng tôi đi lại tung tăng đây đó. Nhưng nó không có cái vóc bình thường của nó nữa. Nếu tôi không biết nó quá rõ, thì tôi đã nhầm là một con bồ câu con. Tôi trông thấy rõ cây lê ở đầu hồi, với thân cây cong cong đã bao nhiêu năm tôi dùng làm ngựa cưỡi. Bên cạnh con suối đương vạch một vệt trắng trên đám cỏ xanh, tôi nửa nhìn thấy nửa đoán ra con mương dẫn nước mà tôi đã hì hục đào để chạy chiếc bánh xe nước tự tay tôi làm ra. Than ôi! Cái bánh xe ấy chẳng bao giờ quay được, mặc dầu tôi bỏ vào đó bao nhiêu công sức!

Mọi vật vẫn ở nguyên chỗ thường ngày. Kìa chiếc xe cút kít, kìa cái cày làm bằng một cành cây vẹo, kìa cái chuồng tôi nuôi thỏ khi nhà còn thỏ và kia là vườn tôi, cái vườn thân yêu của tôi!

Những bông hoa đáng thương của tôi, ai sẽ ngắm nhìn nó nỏ. Ai sẽ chăm sóc những cây cúc vu của tôi? Chắc là lão Bácbơranh, cái lão Bácbơranh độc ác ấy!
Chỉ giơ chân đi một bước nữa thôi là tất cả mọi thứ đó sẽ vĩnh viễn tan biến. Bỗng nhiên trên con đường từ dưới làng đi lên nhà tôi, xa xa tôi trông thấy một cái khăn trùm đầu trắng. Cái khăn khuất sau một khóm cây thoắt lại hiện ra. Khoảng cách quá xa, nên tôi chỉ nhận thấy màu trắng của cái khăn chập chờn như một con bươm bướm xuân cánh nhạt đang bay lượn giữa những cành cây.

Có những lúc trái tim tôi thấy rõ hơn và xa hơn những con mắt tinh anh nhất: tôi nhận ra ngay đó là má Bácbơranh. Đúng là má! Tôi tin chắc là như vậy. Tôi tin chắc là như vậy. Tôi cảm thấy như vậy.

Thế nào? cụ Vitali hỏi – Chúng ta lên đường chứ?

Ôi cụ ơi, cháu xin cụ…

Thế ra họ nói sai à? Chân cháu chẳng khỏe tí nào, mới đi được một quãng ngắn mà đã mỏi rồi. Đi như thế thì một ngày đường có được là bao!
Tôi không trả lời, chỉ nhìn ra xa.

Đúng là má Bácbơranh rồi, đúng là cái khăn trùm của má, đúng là cái váy xanh của má. Đúng là má rồi.
Má bước những bước dài như hối hả muốn về nhà cho chóng. Đi tới trước tấm cửa ngõ, má đẩy cửa băng qua sân thật nhanh.
Tức khắc tôi vùng đứng lên trên bờ lũy, không nghĩ gì đến con Capi nhảy chồm chồm bên tôi.
Má Bácbơranh vào nhà không lâu lại ra ngay và chạy khắp chỗ trong sân, hai tay dang rộng ra. Má đang tìm tôi.
Tôi chồm người ra phía trước, dùng hết sức hét to lên:

Má ơi, má ơi!

Nhưng tiếng tôi không bay xuống tới chỗ má, cũng không thể át tiếng rì rầm của con suối. Nó bay mất trong khoảng không. Cụ Vitali hỏi:
– Cháu làm sao thế? Cháu điên à?

Tôi không trả lời, mắt chỉ đăm đăm nhìn xuống má Bácbơranh. Nhưng má không biết rằng tôi ở gần má đến thế nên má đâu có ngẩng đầu lên. Má đi qua sân rồi lại đi ra ngoài đường nhìn khắp mọi phía. Tôi gọi to lần nữa, nhưng cũng như lần trước, vô ích thôi!

Bấy giờ cụ Vitali đã hơi đoán biết. Cụ trèo lên bờ lũy. Chỉ trong giây lát cụ đã nhìn thấy chiếc khăn trùm đầu trắng. Cụ khẽ than:
– Tội nghiệp thằng bé!

Nghe tiếng kêu thương hại ấy, tôi được thể, van xin:

– Chao ôi! Cháu van cụ, cụ cho cháu trở về.

Nhưng ông cụ nắm cổ tay tôi dắt xuống đường. Cụ nói:

– Cháu ơi, cháu đã nghỉ ngơi rồi, bây giờ chúng ta đi thôi!

Tôi muốn giằng ra nhưng ông cụ giữ tôi rất chặt. Ông gọi:

– Capi! Décbinô!

Hai con chó liền vây quanh tôi: con Capi đi sau, con Décbinô đi trước. Đành phải đi theo ông cụ Vita li vậy.
Đi được ít bước, tôi ngoảnh đầu lại.

Đoàn chúng tôi đã vượt qua đỉnh núi và tôi không nhìn thấy thung lũng xưa, ngôi nhà cũ của tôi đâu nữa. Tít tận đằng xa chỉ thấy những ngọn đồi xanh xanh dàn ra tăm tắp như muốn lên tận chân mây, tầm mắt tôi mất hút đi trong khoảng không gian vô tận.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.