Không Gia Đình

40. THUYỀN THIÊN NGA



Sau khi người anh anh Bốp từ giã chúng tôi, chiếc tàu vẫn đậu yên lặng một thời gian nữa. Chỉ nghe tiếng gió lọt giữa đám cột buồm và tiếng sóng vỗ mạn tàu nhè nhẹ. Dần dần quang cảnh trở nên náo nhiệt: tiếng chân bước trên sàn tàu, tiếng dây rợ buông rơi, tiếng ròng rọc nghiến kèn kẹt, lại có cả tiếng xích sắt cuộn vào tháo ra. Cột trục neo xoay, một cánh buồm kéo lên, bánh lái cọt kẹt và chiếc tàu bỗng nghiêng về cạnh trái rồi dập dềnh, chồm lên, chúi xuống. Chúng tôi lên đường. Tôi thoát nạn.

Nhưng lúc đầu tàu dập dềnh từ từ và nhẹ thì sau dần trở nên nhanh và mạnh. Tàu vừa chúi xuống vừa lắc lư, bất thình lình lại có những làn sóng dữ dội xô đến đập mạnh vào mũi tàu hoặc vào sườn tàu bên phải.

Tôi nắm chặt tay Mátchia và nói: “Thương Mátchia quá!”

Nó trả lời:

Chả sao đâu! Cậu thoát nạn rồi! Vả lại tớ cũng đã nghĩ rằng thế nào rồi cũng phải đến nước này mà thôi! Trên xe, nhìn gió lay ngọn những cây to tớ đã nghĩ rằng trên mặt biển thế nào chúng ta cũng được nhảy múa! Đấy điệu múa đã bắt đầu!
Vừa lúc đó, cửa buồng mở. Ông anh anh Bốp bảo chúng tôi:

Ổn rồi! Các anh có thể lên sàn tàu đấy!

Ở chỗ nào thì đỡ mệt hơn!

Nằm là tốt nhất!

Cảm ơn ông, vậy thì tôi xin nằm! Và nó nằm duỗi dài trên ván.

Ông thuyền trưởng nói thêm:

Chú nhỏ tập sự sẽ đem vào cho các anh những thứ cần thiết! Mátchia trả lời:
Cảm ơn ông! Chú ta đến được sơm sớm thì hay lắm!

Đã cảm thấy rồi à?

Từ lâu ấy chứ!

Tôi muốn ngồi lại bên nó, nhưng nó cứ bảo tôi lên sàn và nhắc lại:

Chả sao đâu! Cậu thoát nạn rồi! Ngoài ra thì mặc kệ nó chứ, có bao giờ tớ nghĩ say sóng mà lại được thú vị như thế này đâu!
Lên tới sàn tàu, tôi phải bíu chặt lấy một dây thừng lớn mới đứng vững được. Nhìn sâu vào trong đêm tối cũng chỉ thấy một mảng trắng xóa bọt sóng, trên đó con tàu nhỏ bé của chúng tôi dập dềnh lướt đi, tròng trành như muốn đắm. Kỳ thực nó đâu có đắm, trái lại, nó nhô lên nhẹ nhàng, nhún nhảy trên đầu sóng, được nâng lên, được đẩy đi theo chiều gió tây.

Tôi quay nhìn lại đất liền. Xa xa đèn trên cảng chỉ còn le lói như những đốm lửa nhỏ trong bóng đêm. Nhìn chúng cứ yếu dần và theo nhau biến mất tôi thấy dễ chịu từ khi giã đất Anh! Ông thuyền trưởng bảo tôi:
Gió thuận như thế này, chiều nay sẽ đến Ixinhy khá sớm sủa. Tàu “Nhật thực” quả là một chiếc tàu buồm cừ.
Ròng rã một ngày trời trên biển, hơn một ngày trời ấy chứ, tội nghiệp Mátchia, thế mà nó lại vui thích được say sóng! Tuy vậy, cái ngày trời ấy rồi cũng trôi qua. Tôi hết đi từ buồng lên sàn lại từ sàn xuống buồng. Có lần, tôi nói chuyện với ông thuyền trưởng. Ông chỉ tay về phía Tây Nam cho tôi thấy một cây cột cao và trắng nổi bật trên nền trời lam nhạt. “Đó là Bácphơlơ”. – Ông ta bảo.

Tôi ba chân bốn cẳng chạy ào xuống báo tin mừng cho Mátchia: Chúng ta đã thấy đất Pháp! Nhưng từ Bácphơlơ đến Ixinhy, đường còn dài, tàu phải men dọc bán đảo Côtăngtanh rồi mới vào cửa sông Virơ và cửa sông Ôrơ.
Tàu “Nhật thực” cặp bến Ixinhy muộn, ông thuyền trưởng vui lòng cho chúng tôi ngủ đỗ lại trên tàu. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi mới từ giã ông để lên đường, không quên cảm ơn ông đã có lòng tốt giúp đỡ.
Ông thuyền trưởng bắt tay chúng tôi rất chặt và bảo:

Khi nào các cậu muốn trở về nước Anh thì cứ đến đây. Tàu “Nhật thực” nhổ neo từ bến này vào ngày thứ ba hàng tuần, sẵn sàng đón các cậu!
Gợi ý thật tốt bụng nhưng chúng tôi lại không còn lòng dạ nào muốn nhận: Mátchia và tôi, đứa nào cũng có nhiều lý do để không vượt biển trở lại trong những ngày sắp tới.

Đặt chân lên đất Pháp, chúng tôi chỉ còn quần áo và nhạc cụ – Mátchia không quên đem theo cây thụ cầm tôi để lại trong lều anh Bốp tối hôm đến quán Cây Sồi Lớn. Còn xắc thì vẫn nằm lại với tất cả tài sản chúng tôi trong xe hàng hóa nhà Đơrixcơn. Điều này cũng làm cho chúng tôi lúng túng. Chúng tôi không thể tiếp tục cuộc sống giang hồ của mình mà lại thiếu áo, thiếu bít tất, và nhất là thiếu bản đồ. May mắn sao, Mátchia còn được mười hai phờrăng để dành, cộng vào đó còn phần chia với anh Bốp và các bạn anh được hai mươi hai xilinh(1) hay là hai mươi bảy phờrăng, thành một cái vốn xấp xỉ bốn chục phờrăng, kể cũng đã lớn đối với chúng tôi! Mátchia đã định đưa tất cả món tiền ấy cho anh Bốp để bù vào những chi phí tổ chức cứu tôi, nhưng anh Bốp không nhận một xu nhỏ nào. Anh trả lời: bạn bè giúp nhau ai lấy công bao giờ!

Rời tàu “Nhật thực”, trước tiên chúng tôi đi tìm mua ngay một chiếc xắc nhà binh đã cũ, rồi mua luôn một cặp sơmi, hai đôi bít tất dài, một bánh xà phòng, một chiếc lược, chỉ khâu, cúc áo, kim và sau cùng là cái thứ cần thiết nhất, hơn cả những đồ dùng cần thiết kia; đó là một tấm bản đồ nước Pháp.

Bây giờ đã ở trên đất Pháp rồi, vậy thì phải đi đâu? Đi theo con đường nào? Đi theo phương hướng nào?
Đó là vấn đề cứ xoắn lấy chúng tôi từ khi ra khỏi Ixinhy, theo con đường đi Bayơ.

Mátchia nói:

Về phần tớ thì chẳng phải chọn lựa gì hết! Tớ sẵn sàng đi đâu cũng được! Tớ chỉ muốn một điều…
Điều gì?

Đi dọc một con sông lớn, một con sông nhỏ hoặc một con kênh, bởi vì tớ mới nảy ra một ý kiến.
Tôi không hỏi Mátchia ý kiến của nó như thế nào nhưng nó cũng nói tiếp: “Tớ thấy cần phải nói cho cậu hiểu rõ ý kiến của tớ: Khi Áctơ ốm, bà Miligơn cho nó đi dạo thuyền, và chính vì vậy mà cậu đã gặp nó trên thuyền Thiên Nga…”
Nó khỏi rồi cơ mà!

Nghĩa là nó mới đỡ thôi! Hồi trước nó ốm thập tử nhất sinh ấy chứ! Và nó sống được là nhờ sự chăm sóc của mẹ nó! Bởi thế, tớ mới nghĩ rằng muốn chữa cho nó khỏi hẳn, bà Miligơn vẫn tiếp tục cho nó dạo thuyền trên các con sông lớn, sông nhỏ, kênh đào mà thuyền Thiên Nga có thể đi được. Vậy thì cứ theo những con sông như thế, chúng ta sẽ có nhiều hy vọng gặp được thuyền Thiên Nga.

Lấy gì mà nói rằng thuyền Thiên Nga còn ở Pháp?

Chẳng lấy gì cả! Tuy nhiên phải thấy rằng thuyền Thiên Nga không thể đi ra biển và ta có thể tin rằng nó chưa rời Pháp. Chúng ta có nhiều hy vọng tìm được nó. Mà cho dầu chỉ có một tia hy vọng mong manh thì cậu cũng đồng ý là phải cố níu lấy chứ? Tớ thì tớ muốn rằng chúng ta đi tìm bà Miligơn và nhất định là không nên bỏ lỡ bất cứ một khả năng gì để làm cho được việc ấy!

Thế còn Lidơ, Alơxi, Bănggiamanh, Êchiênnét?

Chúng mình sẽ gặp họ trong khi tìm bà Miligơn chứ sao? Thế là chắc chắn phải theo một con sông hoặc một con kênh! Giở bản đồ tìm xem có con sông nào gần đây nhất đi!
Tấm bản đồ trải rộng ngay trên bờ cỏ bên đường, chúng tôi tìm xem con sông nào gần nhất. Sông Xen! Mátchia bảo:
Nào! Thế thì ta đi theo sông Xen!

Sông Xen chảy qua Pari!

Thì đã sao?

Sao lắm chứ! Tớ đã nghe cụ Vitali nói rằng muốn tìm một kẻ nào thì người ta đến Pari để kiếm kẻ đó. Nếu cảnh sát Anh muốn lùng tớ vì cái vụ trộm ở nhà thờ Xanh Gioócgiơ thì tớ không thích họ tìm ra tớ chút nào! Nếu không thì nhọc công ra khỏi đất Anh làm gì?
Cảnh sát Anh có thể đuổi theo cậu sang tận đất Pháp ư?

Tớ cũng chẳng biết nữa. Nhưng giả thiết như thế thì ta không nên đi Pari. Vậy thì ta cứ theo sông Xen mà đi cho đến gần Pa-ri thì rời nó, đi một quãng
cho quá Pari sẽ trở lại với nó. Tớ cũng không muốn gặp Garôphôli.

Tất nhiên!

Vậy thì cứ thế nhá! Dọc đường, chúng ta sẽ hỏi những người thủy thủ, những người kéo thuyền. Với cái mái hiên đặc biệt, thuyền Thiên Nga không thể nhầm với bất cứ một chiếc thuyền nào khác và hẳn được mọi người chú ý nếu nó đi trên con sông Xen. Nếu không tìm thấy nó trên sông Xen, ta lại tìm nó trên sông Loa, sông Garon, trên mọi con sông ở nước Pháp và cuối cùng sẽ gặp nó thôi!

Tôi không có lý lẽ gì để phản đối ý kiến Mátchia, như vậy là chúng tôi sẽ đi về phía sông Xen rồi ngược theo bờ sông.
Lo liệu cho mình xong xuôi, chúng tôi phải lo ngay cho con Capi. Con Capi đã nhuộm vàng lông, đối với tôi không phải là con Capi nữa. Chúng tôi mua xà phòng mềm và khi gặp con sông đầu tiên chúng tôi thay nhau tắm rửa kỳ cọ thật kỹ cho nó.

Thứ thuốc nhuộm của anh Bốp quả là tốt! Phải nhiều lần tắm rửa kỳ cọ xà phòng, phải hàng tuần hàng tháng sau, con Capi mới có được bộ lông ngày trước. Cũng may miền Noócmăngđi này là đất sông ngòi, cho nên ngày nào chúng tôi cũng có thể tắm rửa cho nó.

Chúng tôi gặp sông Xen ở La Buiơ.

Qua một khúc đường ngoặt rợp bóng mát mà chúng tôi tới sau một ngày đường, đứng trên đồi cao xanh cây, Mátchia bỗng bắt gặp con sông Xen ngay trước mắt, cuộn một đường vòng rộng bao la quanh chúng tôi; dòng nước lặng lẽ và hùng tráng, chảy hiền hòa, tấp nập những thuyền căng buồm trắng lốp và những tàu máy khói bay lên tận chỗ chúng tôi. Mátchia hiểu rằng người ta sẽ rất thích thú được buông trôi theo dòng nước êm ả này, giữa những nội cỏ tươi mát, những cánh đồng xanh tốt và những dải rừng thẫm viền quanh con sông một màu lục. Nó bảo tôi:

Nhất định bà Miligơn đã cho đứa con trai ốm yếu của bà dạo thuyền trên sông Xen.
Chúng ta sẽ biết rõ điều ấy thôi! Ta cứ xuống hỏi chuyện những người dân trong làng dưới kia!
Tôi không hiểu rằng không dễ dàng gì hỏi chuyện được những người dân xứ Noócmăngđi này, ít khi họ trả lời chính xác và trái lại, thường tự họ còn hỏi lại người đã hỏi:
Thế các anh muốn hỏi một chiếc “chàu” từ Lơ Havơrơ hay là một chiếc “xuyền” từ Ruăng? Nó là một chiếc xuồng? Nó là một chiếc đò, một chiếc xà lan hay một chiếc tam bản?

Phải trả lời đầy đủ những câu lục vấn ấy, chúng tôi mới được biết rằng có thể là thuyền Thiên Nga chưa bao giờ đi qua La Buiơ, hoặc có đi qua thì cũng vào ban đêm, cho nên chẳng ai trông thấy nó cả.

Từ La Buiơ chúng tôi tiến về Ruăng và tiếp tục tìm kiếm, nhưng cũng không có kết quả! Ở Enbớp, cũng chẳng ai biết đến thuyền Thiên Nga, ở Pôdơ, nơi đây có cống chắn, nhất định người ta phải để ý đến tàu thuyền đi qua, vậy mà cũng chẳng biết gì hơn.

Không nản lòng, chúng tôi cứ đi tới gặp ai cũng hỏi, nhưng không hy vọng gì lắm bởi vì thuyền Thiên Nga không thể nào đi từ một địa điểm chông chênh giữa chừng… Nhưng đã không bắt gặp dấu vết nó, nhất thiết chúng tôi phải đi tới Pari, hoặc nói đúng hơn, thì quá Pari nữa.

Chúng tôi đâu chỉ có rảo bước để tiến nhanh trên đoạn đường dài! Chúng tôi còn phải kiếm ăn hàng ngày nữa, cho nên đã phải mất năm tuần lễ để đi từ Ixinhy đến Sarăngtông. Đến đây một vấn đề nảy ra: cứ tiếp tục theo sông Xen hay là phải rẽ sang sông Mácnơ? Đó là điều tôi luôn băn khoăn mỗi lúc mở bản đồ tìm đường, nhưng vẫn chưa tìm được lý lẽ xác đáng để chọn đường này hay đường khác.

May mắn sao, tới Sarăngtông thì không còn phải phân vân nữa! Ở đây, lần đầu tiên chúng tôi được nghe trả lời có thấy một chiếc thuyền giống thuyền Thiên Nga, một chiếc du thuyền có mái hiên! Mátchia sung sướng đến nỗi nhảy múa ngay trên bến… Thế rồi đột nhiên nó ngừng điệu múa, vớ lấy vĩ cầm cuống cuồng kéo một hành khúc chiến thắng.

Trong khi đó, tôi tiếp tục hỏi chuyện người thủy thủ đã vui lòng trả lời cho chúng tôi. Không còn nghi ngờ nữa, đúng là thuyền Thiên Nga rồi! Khoảng hai tháng trước, nó có qua Sarăngtông trong khi ngược sông Xen.

Hai tháng! Nó bỏ xa chúng tôi ghê gớm! Nhưng lo gì! Cứ đi hoài, rồi cũng sẽ đuổi kịp, mặc dầu chúng tôi chỉ có hai cặp giò, còn nó thì lại đi bằng vó của một cặp tuấn mã!

Kể gì thời gian! Điều căn bản, điều lạ lùng, điều kỳ diệu ở đây là đã tìm thấy chiếc thuyền Thiên Nga. Mátchia reo lên:
– Ai đúng nào?

Tôi cũng muốn mạnh dạn thú thật rằng tôi cũng hy vọng tràn trề. Nhưng tôi vẫn không nói trắng ra, dù chỉ với riêng mình, những ý kiến, những tưởng tượng điên rồ làm bốc đầu óc tôi. Bây giờ thì không còn mất công dừng lại hỏi nữa: thuyền Thiên Nga đã ở phía trước, chỉ còn việc ngược sông Xen!

Nhưng đến Morê, nơi sông Loanh đổ vào sông Xen, phải hỏi nữa. Thuyền Thiên Nga vẫn ngược sông Xen. Đến Môngtrô lại phải hỏi nữa.
Tới đây, thuyền Thiên Nga đã bỏ sông Xen rẽ vào sông Yon. Tới ngã ba sông Yon và sông Ácmăngxông, thuyền Thiên Nga vẫn ngược sông Yon. Vậy là tôi sẽ đi qua Đơrơdy và ghé thăm Lidơ. Tự em, em sẽ nói cho chúng tôi biết về bà Miligơn và về Áctơ.

Từ khi chúng tôi chạy theo thuyền Thiên Nga thì chúng tôi không bỏ ra nhiều thì giờ để biểu diễn nữa. Là một nghệ sĩ cần cù, Capi không hiểu tại sao chúng tôi vội vội vàng vàng như thế. Tại sao không để cho nó ngoạm cái âu, ngồi trịnh trọng trước những vị khán giả không sốt sắng cho tay vào túi móc tiền ra kia chứ? Phải biết chờ mới được!

Nhưng mà chúng tôi không chờ nữa! Bởi vậy tiền thu nhập sụt đi, đồng thời số còn lại cũng mòn dần. Đã không dành để được gì thêm, chúng tôi còn tiêu thêm vào vốn.

“Nhanh nhanh lên! – Mátchia bảo. – Đi mau cho kịp thuyền Thiên Nga”. Cũng như nó, tôi giục: Nhanh nhanh lên!
Không tối nào chúng tôi kêu ca mệt nhọc, dù chặng đường đi hôm đó có dài bao nhiêu. Ngược lại, chúng tôi nhất trí đến hôm sau phải dậy đi cho thật sớm.
Mátchia ham ngủ, nó thường nhắc tôi: “Phải đánh thức tao dậy, nghe không?”.

Khi tôi đánh thức nó thì nó đứng lên ngay.

Chúng tôi dè xẻn, giảm bớt ăn tiêu. Trời đang tiết nóng, Mátchia tuyên bố kiêng thịt vì “tiết hè, ăn thịt không lợi cho sức khỏe”. Mỗi bữa hai đứa chỉ ăn một miếng bánh mì, cùng với một quả trứng luộc bẻ đôi hoặc là một chút bơ. Và chỉ uống nước, mặc dù đương ở xứ rượu vang.

Chúng tôi chả thiết gì! Tuy nhiên, cũng có lúc Mátchia nổi cơn thèm ăn, nó nói:

Mình ước bà Miligơn vẫn còn mướn cái chị làm bếp cũ, cái chị làm bếp đã làm cho cậu những chiếc bánh kẹp nhân mứt ấy mà! Cái thứ bánh kẹp nhân mứt đào thì phải biết là ngon nhé!
Cậu đã được nếm bao giờ chưa?

Tớ được ăn bánh quai vạc nhân táo chứ chưa được ăn bánh kẹp nhân đào. Có điều tớ đã trông thấy! Những cái gì nho nhỏ mà trắng dính trên mứt vàng là cái quái gì thế?
Hạnh nhân.

Chao ôi!

Và Mátchia há miệng như để nuốt cả một chiếc bánh kẹp.

Từ Gioanhi đến Ôxerơ, sông Yon quanh co nhiều khúc, nhờ thế đi trên đường cái lớn, chúng tôi cũng rút ngắn được một ít thời gian so với thuyền Thiên Nga. Nhưng từ Ôxerơ, chúng tôi lại bị chậm lại như trước vì trên dòng con kênh Nivécne êm ả, thuyền đi khá nhanh. Gặp mỗi cống nước, chúng tôi đều biết được tin tức nó, bởi vì trên con kênh này sự qua lại không đến nỗi nhộn nhịp, ai mà không để ý đến thuyền Thiên Nga, nó chẳng giống mấy chút những chiếc thuyền thường ngày vẫn thấy.

Chẳng những người ta nói cho chúng tôi biết về thuyền Thiên Nga mà còn nói cả về bà Miligơn “một bà người Anh rất phúc hậu” và về Áctơ, “một chú bé suốt ngày nằm dài trên một cái giường kê trên sàn, dưới mái hiên đầy dây leo hoa lá, đôi khi cũng có ngồi dậy”. Vậy là Áctơ đã khá hơn.

Chúng tôi tiến đến gần Đơrơdy. Còn hai ngày đường rồi một ngày, rồi chỉ còn mấy giờ nữa. Cuối cùng thì nhìn thấy những khu rừng mùa thu trước chúng tôi nô đùa với Lidơ, cái cống sông đào, và cái nhà nhỏ của cô Catơrin.

Không ai bảo ai, hai đứa cùng rảo bước đi nhanh. Nói cho đúng thì không phải là đi nữa, mà chạy. Con Capi cùng nhận ra cảnh cũ, phi lên trước. Nó chạy đi báo cho Lidơ biết chúng tôi đến, Lidơ sắp đi đón chúng tôi đây! Nhưng chúng tôi không thấy Lidơ ở trong nhà đi ra, chỉ có Capi quày quả chạy trở lại như bị đuổi đánh. Chúng tôi dừng chân tức khắc và tự hỏi thế là nghĩa thế nào? Gì đã xảy ra ở đấy? Câu hỏi ấy, hai chúng tôi không ai nói ra, và chúng tôi lại tiếp tục đi lên.

Capi đã trở lại bên chúng tôi. Nó đi liền theo sau gót chúng tôi, dáng tiu nghỉu. Một người đàn ông đang điều khiển chiếc cửa cống. Không phải người chú của Lidơ. Chúng tôi đi thẳng đến nhà. Một người đàn bà lạ đương lăng xăng trong bếp. Chúng tôi hỏi:

– Chúng tôi hỏi bà Xuyariô.

Bà ấy nhìn chúng tôi một lúc trước khi trả lời, y như là chúng tôi đã hỏi bà một câu vô lý. Mãi bà ta mới nói:
Bà ấy không ở đây nữa!

Thế bà ấy ở đâu?

Ở Ai Cập.

Chúng tôi sửng sốt nhìn nhau, ở Ai Cập! Chúng tôi không biết rõ Ai Cập là xứ nào, ở phương nào, nhưng cảm thấy lờ mờ là xa, xa lắm, cách mấy trùng dương.
Thế còn Lidơ? Bà biết Lidơ chứ?

Ôi dà! Lidơ xuống thuyền đi với bà người Anh.

Lidơ trên thuyền Thiên Nga! Chúng tôi mơ chăng? Bà ấy giúp cho chúng tôi thấy là đang ở trong hoàn cảnh thực. Bà hỏi:
Anh là Rêmi ư?

Vâng.

À, thế thì khi bác Xuya-ri-ô chết đuối…

Chết đuối!

Chết đuối ở cống sông đào! Ồ! Anh biết đâu rằng bác Xuyariô ngã xuống nước, vướng dưới một chiếc xà lan và bị mắc vào một cái đanh! Ấy cái nghề nghiệp của chúng tôi nó thường dẫn đến như vậy đấy! Khi bác Xuyariô chết đuối, bác Catơrin thật bối rối, mặc dù bác ấy là một người đàn bà đảm, nhưng biết làm sao bây giờ? Không có tiền thì không thể bữa hôm bữa mai làm ra tiền được, mà quả thật bác ấy túng. Một bà lớn xưa kia bú sữa bác, bây giờ gọi bác sang Ai Cập làm vú nuôi cho con bà ấy, như thế cũng được đi một điều. Nhưng cái vướng mắc là ở con cháu của bác, cô bé Lidơ kia. Bác đang loay hoay không biết làm thế nào thì một buổi chiều nọ, có một bà người Anh đưa con đi chơi dừng lại ở cổng này. Hai bên chuyện vãn. Và rồi cái bà người Anh, bà ấy đang muốn tìm một đứa trẻ để bầu bạn với con bà vì cậu ấy sống một mình trên thuyền cũng buồn, bà ấy bảo giao con Lidơ cho bà. Bà hứa sẽ chăm lo cho nó, chạy chữa cho nó, cuối cùng gây dựng cho nó nên người. Cái bà ấy phúc đức quá, rõ là dịu dàng, hào hiệp đối với kẻ khó. Bác Catơrin nhận lời. Rồi thì Lidơ xuống thuyền với bà người Anh, còn bác Catơrin soạn sửa lên đường đi Ai Cập. Ông nhà tôi thay thế cho bác Xuyariô đấy! Trước khi đi, con bé Lidơ nó câm nhưng thầy thuốc bảo có lẽ một ngày kia nó sẽ biết nói – con bé Lidơ nhờ cô nó bảo tôi thuật lại tất cả những việc ấy cho anh biết, nếu anh đến thăm nó. Như vậy đó!

Tôi choáng váng, không nói được một lời. Mátchia vẫn tỉnh táo hỏi:

Thế thì thưa bà, cái bà người Anh ấy đi đâu?

Xuống miền Nam nước Pháp hoặc là sang Thụy Sĩ. Đáng lẽ con Lidơ phải nhờ người ta viết thư cho tôi, nói rõ địa chỉ, để tôi mách lại với anh, nhưng tôi chả nhận được thư nó.
————————–

Tiền Anh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.