Không Gia Đình

8. VƯỢT NGÀN BĂNG NỘI



Chúng tôi chu du một phần miền Nam nước Pháp qua các tỉnh Ovécnhơ, Vơlê, Lănggơđốc… Cái lối đi của chúng tôi thật đơn giản: cứ việc đi tới phía trước, không suy nghĩ tính toán gì cả. Hễ trông thấy đằng xa có một làng nào không có vẻ quá tiêu điều là chúng tôi sửa soạn tiến vào một cách vinh quang. Tôi trang điểm chải chuốt cho mấy con chó, đội mũ cho con Đônxơ, mặc áo cho con Décbinô, dán một bên mắt cho con Capi để cho nó đóng vai một chiến bình kỳ cựu. Và tôi bắt con Giôlicơ mặc quân phục tướng Anh. Đó là phần việc khó nhọc nhất của tôi, bởi vì con khỉ biết rằng mặc áo là sắp sửa phải làm việc vất vả, nên nó cố sức chống cự. Nó nghĩ ra những ngón rõ ma mãnh để làm cho tôi thất bại. Thế là tôi phải cầu cứu con Capi. Vì con chó tỉnh táo, tinh ý và nhạy cảm cho nên bao giờ nó cũng phá được những trò ranh mãnh của con Giôlicơ.

Đoàn xiếc mặc đại lễ xong, cụ Vitali cầm ống tiêu thổi, và chúng tôi xếp đội ngũ chỉnh tề, diễu hành qua làng.
Nếu những kẻ hiếu kỳ kéo theo sau chúng tôi khá đông thì chúng tôi tổ chức ngay một buổi diễn. Nếu số người quá ít không hy vọng kiếm tiền được thì chúng tôi cứ tiếp tục đi. Chỉ tới những thành thị chúng tôi mới ở lại nhiều ngày, và khi đó thì buổi sớm tôi được tự do đi dạo chơi, muốn đi đâu thì đi, tôi dắt con Capi đi rong vơ vẩn các phố phường, tất nhiên con Capi chó nhà chứ không phải con Capi trong trang phục biểu diễn.

Thông thường cụ Vitali giữ tôi bên nách cụ. Nhưng trong những dịp trên thì cụ buông lỏng cho tôi mặc tình, mặc ý. Cụ bảo:
Ngẫu nhiên mà cháu được đi chu du nước Pháp ở cái lứa tuổi các trẻ con khác đang đi học tiểu học hay trung học, thì cháu hãy mở mắt ra, cố nhìn và gắng học hỏi. Khi cháu lúng túng, khi trông thấy điều gì chưa hiểu, muốn hỏi ông thì cứ việc hỏi, đừng sợ gì. Cũng có cái ông không thể giải thích cho cháu được vì ông không dám tự hào là cái gì cũng biết. Nhưng chắc là một đôi khi ông có thể làm cho tính ham hiểu biết của cháu được thỏa mãn đấy. Trước kia không phải bao giờ ông cũng làm anh bầu một gánh xiếc chó khỉ như thế này đâu! Cho nên ông cũng đã học tập được nhiều cái khác kia, chứ không phải chỉ cái nghề trình diễn anh Capi hay ngài Giôlicơ với chư vị khán giả.

Cái khác là những cái gì kia, thưa cụ?

Để lúc nào rỗi ông sẽ nói chuyện. Bây giờ cháu chỉ biết rằng một người làm xiếc chó cũng có thể đã từng có địa vị trong xã hội, thế là đủ. Đồng thời cũng cần biết rằng hiện nay cháu ở bậc thấp nhất trong các bậc thang xã hội, nhưng nếu cháu muốn thì cháu cũng có thể leo lên bậc cao hơn. Cái đó một phần tùy hoàn cảnh, nhưng phần lớn là ở cháu. Cháu à, cháu hãy chịu khó nghe những bài học của ông, những lời ông khuyên bảo. Sau này lúc cháu lớn khôn, cháu sẽ cảm động và biết ơn ông khi cháu nhớ tới cái lão nhạc sĩ tội nghiệp đã khiến cháu khiếp đảm khi cướp cháu trong tay người mẹ nuôi của cháu. Ông cảm thấy rằng cuộc gặp gỡ giữa ông và cháu sẽ mang lại hạnh phúc cho cháu sau này.

Không biết trước kia ông cụ chủ tôi làm gì mà bây giờ hễ cứ nói đến là giữ gìn tứ nhỉ? Tôi cứ tò mò tự hỏi như thế và nghĩ ngợi. Nếu đúng như ông cụ nói, ông cụ đã từng ở một bậc thang cao trong xã hội thì tại sao bây giờ ông cụ lại đang ở bậc thấp? Ông cụ cho rằng nếu tôi muốn thì tôi có thể leo lên bậc cao, thế mà tôi thì chỉ là một đứa trẻ hèn mọn, dốt nát, không gia đình, không ai giúp đỡ. Thế thì tại sao chính ông cụ lại tụt xuống?

Sau khi rời dãy núi tỉnh Ovécnhơ, chúng tôi đến vùng đá vôi tỉnh Kécxi. Đó là những đồng bằng rộng lớn, mặt đất cuộn lên như những làn sóng không đều, trên đó chỉ có đất hoang và rừng cây thưa thớt. Không có miền nào buồn bã, nghèo nàn hơn thế. Đó là cảm tưởng của khách khi qua đây. Cái điều làm cho cảm tưởng này càng thêm rõ rệt là không thấy chỗ nào có nước cả. Không có sông, không có suối, cũng không có ao hồ. Đây đó là một vài lòng suối khô cạn trơ những sỏi đá. Nước thì đã tuồn vào những vực sâu và biến vào trong lòng đất để rồi lại rỉ ra ở nơi xa, tạo thành những dòng sông hay những giếng lộng.

Giữa đồng bằng đang bị khô hạn ấy, có một làng lớn gọi là làng Baxtimuyara. Chúng tôi nghỉ đêm lại đấy, trong vựa cỏ một quán trọ. Buổi tối trước khi ngủ, ông cụ Vitali nói:

Ở trong miền này, và có thể ở chính ngay quán trọ này, đã ra đời một con người từng làm chết hại hàng ngàn binh lính. Người ấy xuất thân là một anh chàng giữ ngựa mà về sau làm nên vương bá. Ông ta tên là Muyra(1). Người ta tôn ông ta là anh hùng và lấy tên ông ta đặt cho làng này. Ông có biết ông ấy và đã nhiều lần nói chuyện với ông ấy.

Thuở ông ta giữ ngựa?

Câu hỏi đó bật ra ngắt lời ông cụ, tôi không kịp giữ lại. Ông cụ cười đáp:

Không, thuở ông ta làm vua. Ông đến làng Baxti lần này là lần đầu, còn ông gặp ông Muyra thì ở Naplơ kia, ở giữa triều đình của ông ta.
Chao! Ông đã quen thân với một vị vua?

Chắc hẳn tiếng reo của tôi có gì ngộ nghĩnh lắm, vì thấy ông cụ lại phá lên cười, cười khá lâu.
Ông cháu chúng tôi ngồi trên một chiếc ghế dài trước chuồng ngựa, lưng tựa vào tường hãy còn ấm nắng ban ngày. Trên một cây sung lớn vòm lá trùm đầu chúng tôi, lũ ve sầu đang tung khúc nhạc đơn điệu của chúng. Trước mặt chúng tôi lửng lơ trên các mái nhà, vầng trăng tròn vạnh vừa mọc từ từ nhô lên giữa khoảng không. Cái đêm hôm ấy êm ả, đối với chúng tôi lại càng dễ chịu bởi vì ban ngày nóng bức quá chừng.

Cụ Vitali hỏi:

Cháu buồn ngủ chưa? Hay là cháu ưng nghe ông kể chuyện vua Muyra?

Ồ! Chuyện vua Muyra, thưa ông.

Thế là ông cụ kể câu chuyện từ đầu chí cuối cho tôi nghe. Chúng tôi ngồi hàng mấy giờ đồng hồ liền trên ghế, ông cụ thì kể, tôi thì dán mắt lên gương mặt ông cụ mờ tỏ dưới ánh trăng xanh. Sao? Tất cả những sự việc đó có thể có được ư? Không những có thể có, mà lại có thực nữa chứ!

Cho tới lúc đó, tôi không có một ý niệm gì về lịch sử cả. Ai kể cho tôi nghe kia chứ? Nhất định là không phải má Bácbơranh rồi. Má có biết lịch sử là cái gì? Má sinh ra ở Savanông thì má lại chết ở đấy thôi. Trí óc của má không hề vượt ra quá tầm con mắt của má. Và đối với con mắt của má thì vũ trụ nằm trọn trong cái vành chân trời trông từ trên chóp núi Ôđudơra.

Cụ chủ tôi đã trông nhiều thấy rộng làm sao!

Không biết thời trai trẻ ông cụ là người thế nào nhỉ? Tại sao ông cụ lại trở thành cái người như giờ đây tôi trông thấy trong tuổi già nua? Hẳn ai cũng phải nhận rằng tất cả những điều đó đủ làm cho trí tưởng tượng tỉnh táo, linh hoạt, hiếu kỳ của một đứa trẻ làm việc không ngừng.

————————–

Muyra (Murat): Thống chế Pháp, người sử dụng và chỉ huy kỵ binh xuất sắc của Napôlêông. Được Napôlêông gả em gái và cho làm vua Naplơ (Italia). Về sau bị người Italia lật đổ và bắn chết (1767-1815) – N.D


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.