Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

1. Lần thứ ba khởi binh, sách lược là bám rễ.



Liên tục hai lần không được gì mà phải rút quân, Gia Cát Lượng nung nấu quyết tâm, kiểm điểm toàn bộ những được mất về chiến lược và chiến thuật mà mình đã vận dụng vừa qua.

Hiển nhiên hai lần trước đều là chiến thuật đột kích, đánh thẳng vào vị trí quân sự quan trọng của địch. Lần thứ nhất tuy giành được thành công khá lớn, nhưng do thâm nhập quá vào đất địch, đường tiếp vận không ổn định, sau chiến bại ở Nhai Đình, bởi lo bị cắt mất tuyến sau, không thể không vội vã rút quân.
Lần thứ hai bởi về tình báo lúc đầu phán đoán đã có nhầm lẫn, mà chẳng thể phát huy hữu hiệu chiến thuật đánh tập kích.
Thất bại cả hai lần, đều do vội vã cầu thắng.
Sau khi triệt để kiểm điểm, Gia Cát Lượng quyết định thi hành phương pháp thực tiễn, trước tiên xây dựng lũy đầu cần tấn công, lại thu thập tin báo về trung tâm ở đó, rút ngắn chiến tuyến, khiến cho việc tiếp cận không đến nỗi khó khăn, sau khi thấu hiểu địch tình, sẽ có kế hoạch tiến thêm một bước, nói cách khác Gia Cát Lượng có ý lựa chọn sách lược trường kỳ tác chiến.
Hai lần trước đều bắt đầu từ phía quân địch có biến động lớn, một lần là Tào Phi mới mất, lần khác là Tào Hưu vừa thua, nhưng người kế thừa là Ngụy chủ Tào Tuấn lại có biểu hiện xuất sắc, về chính trị thì đối phương chẳng thể thừa cơ, hiện tại chỉ có thể dựa vào nỗ lực tích lũy lực lượng của mình dần dần.
Mùa xuân năm Kiến Hưng thứ 7, Gia Cát Lượng phát động cuộc bắc phạt lần thứ ba, lần này hoàn toàn chọn lựa sách lược sâu rễ bề gốc chỉ cần giành được thành công nhỏ cũng được.
Mục tiêu tiến công là Vũ Đô và Âm Bình phía nam Kỳ Sơn, hai địa phương này đều sát biên giới Ngụy – Thục, tuy là vị trí quân sự quan trọng, là địa phương của người thiểu số cách xa đầu não Lương Châu, ví như có bị đánh chiếm, đối với chính quyền Tào Ngụy mà nói chỉ là bệnh nhỏ ngoài da mà thôi, nên không đến nỗi có phản ứng rất lớn. Hành động bắc phạt lần này, nghiêm chỉnh mà nói, chỉ có thể kể là một trò… chơi nhỏ trong canh bạc lớn mà thôi.
Song để chấn hưng tinh thần binh sĩ quân Thục sau hai lần thất bại, Gia Cát Lượng vẫn quyết định dốc toàn lực thực hiện. Tác giả “Tam quốc diễn nghĩa” đã khoa trương chiến công lần này, miêu tả Gia Cát Lượng chẳng những tự mình vây hãm Trần Thương, nạt chết Hác Chiêu, mà còn địa chiến ở Âm Bình với Tư Mã Ý và Trương Cáp, thu được thắng lợi rất lớn.

Đây hiển nhiên là tình tiết hư cấu của nhà viết tiểu thuyết. Trần Thương cách Âm Bình, Vũ Đô vài trăm dặm đồng thời xử lý cục diện chiến trường ở hai bên. Huống chi, cứ theo sử liệu ghi chép, Gia Cát Lượng chưa đánh đến Trần Thương và chiến sự năm Kiến Hưng thứ 7, chẳng cần nói đến Tư Mã Ý đang ở tận phía đông, đến như Trương Cáp ở tây chiến tuyến, cũng chưa từng đến vùng đó. Gia Cát Lượng huy động đội quân bắc phạt rất ít. Ví như hổ tướng Ngụy Diên thường làm tiên phong, thời gian này cũng ở Hán Trung, sắp xếp và bổ sung đội quân của ông ta, cũng chưa lao vào cuộc chiến này.
Đạo quân bắc chinh được huy động lần này cũng giống như cuộc bắc phạt lần thứ hai, ước chừng chỉ có hơn hai vạn binh lính. Đợt thứ nhất, do tướng quân Trần Thức dẫn đầu (có sách gọi là Trần Thành) từ Vũ Hưng xuất phát, trực tiếp đánh quận Vũ Đô và Âm Bình.
Đợt thứ hai, Gia Cát Lượng tự mình dẫn hơn một vạn quân chủ lực, ngầm tiến về phía tây, chuẩn bị tiếp ứng cho Trần Thức. Hai quận Vũ Đô và Âm Bình (nay thuộc tỉnh Cam Túc), lúc đó đều thuộc Ung Châu cai quản, bởi thế Thái thú Ung Châu là Quách Hoài tự mình dẫn quân đến chuẩn bị tập kích đội tiên phong của Trần Thức.
Quách Hoài tên chữ là Bá Tế, người Thái Nguyên. Trong chiến dịch Hán Trung làm tham mưu trưởng đạo quân Hạ Hầu Uyên, trước trận đánh ở Thiên Đãng Sơn, Quách Hoài đang bị bệnh nặng nên không tham dự. Hạ Hầu Uyên tử trận, quân Tào rơi vào sự nguy cấp, Quách Hoài gượng bệnh đứng ra thuyết phục tướng lĩnh trong quân, cùng ủng hộ lập Trương Cáp tạm thời làm Tổng tư lệnh, ổn định tình thế quân Tào, cũng ngăn cản hữu hiệu cuộc tấn công của Lưu Bị. Bởi thế rất được Tào Tháo mến mộ, phong làm quan nội hầu, lại đề bạt làm Trấn tây trưởng sử.
Trong chiến dịch Nhai Đình, Quách Hoài đánh chiếm Liễu Thành, ngăn cản đường rút của Gia Cát Lượng, bức quân Thục không thể không khẩn cấp rút lui toàn thể, Quách Hoài nhờ công lao ấy mà được đề bạt làm Uyên Châu thứ sử.
Từ đó có thể thấy, Quách Hoài là viên tướng trí dũng song toàn cũng không dễ đối phó. Bởi thế bố trí đợt hai của Gia Cát Lượng là ẩn dấu thực lực đạo quân chủ lực; hành động ngấm ngầm, là đã có sự dụng tâm của ông ta. Quả nhiên Quách Hoài chưa phát hiện được quân sĩ chủ lực của Gia Cát Lượng, chỉ đem toàn lực đón đánh cuộc tấn công của quân Trần Thức, hai bên mấy lần giao tranh ở quận Vũ Đô. Đang lúc quân lính của Quách Hoài dần dần nắm được ưu thế, quân chủ lực của Gia Cát Lượng lại đột nhiên xuất hiện ở quận Kiến Uy phía tây bắc Vũ Đô có khả năng lại ra Kỳ Sơn đánh Tây huyện và Nhai Đình. Quách Hoài nghe tin cả kinh, chẳng có thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng, bèn hạ lệnh vứt bỏ Vũ Đô, Âm Bình vội vã rút về Nhai Đình, bố trí lại phòng tuyến. Gia Cát Lượng với hành động đột kích lần này, không đánh mà nạt được đạo quân của Quách Hoài. Gia Cát Lượng để quân Trần Thức đóng ở đấy, sau khi vỗ về đầy đủ đối với các tộc Đê, Khương, lại thu quân rút về Hán Trung, tiến hành công việc huấn luyện quân đội. Từ đó Vũ Đô và Âm Bình chính thức sát nhập vào bản đồ của chính quyền Thục Hán, cùng sự cai quản chung.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.