Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

10. Lưu Bị phản bội hiệp ước, Ích Châu đổi bạn thành thù.



Đến năm thứ 2, tướng giữ Bạch Thủy Quan là Dương Hoài và Cao Bái vẫn nổi tiếng ở Ích Châu, thấy Lưu Bị không có ý mang quân bắc phạt Trương Lỗ, bèn ngầm phái người báo cáo với Lưu Chương bày tỏ tình hình như vậy, Lưu Bị có thể đi chệnh quỹ đạo, đề nghị lập tức đuổi Lưu Bị về Kinh Châu, Lưu Chương cũng không biết làm thế nào, đành phái sứ giả mang mật thư chỉ thị cho Dương Hoài phải cẩn thận giám sát mọi hành động của Lưu Bị.

Bức mật thư ấy lại bị Pháp Chính đang ở trong quân Lưu Bị bắt được, ông ta lập tức đến trao đổi với Bàng Thống. Bàng Thống cũng thấy sự tình đã gấp, sau khi cùng Pháp Chính nghiên cứu tình thế chung, đề nghị với Lưu Bị kế hoạch ba điểm:
Kế sách thứ nhất, là không đếm xỉa đến Dương Hoài và Cao Bái, trực tiếp ngầm tuyển lựa một đội cảm tử, tập kích Thành Đô đoạt lấy quyền bính ở Ích Châu, đó là thượng sách.
Kế sách thứ hai, là bắt ngay Dương Hoài và Cao Bái, giành quyền không chế Bạch Thủy Quan, lại tập hợp nhiều binh mã nhằm hướng Thành Đô tiến đánh, đó là trung kế.
Kế sách thứ ba, là sớm rút về thành Bạch Đế, sau khi củng cố phòng tuyến, sẽ liên hợp với quân Kinh Châu, tấn công mạnh vào Ích Châu, đó là hạ sách.
Bàng Thống cho rằng, không nên do dự nữa nếu không đội quân đánh Thục sẽ rơi vào nguy hiểm, có hối cũng không kịp.
Lưu Bị cũng biết rõ binh lực của mình, dẫu có hành động thế nào cũng cần phải táo bạo. Ông ta cho rằng kế đầu rất mạo hiểm, kế dưới lại khá trì hoãn, bèn quyết định vận dụng kế sách thứ hai.
May mà Dương Hoài chưa nắm được chỉ thị mới của Lưu Chương nên không dám có hành động mạnh mẽ. Lưu Bị mời Dương Hoài, Cao Bái đến để thảo luận quân tình, Dương Hoài không nghi ngờ gì, đến doanh trại của Lưu Bị, lập tức bị bắt giữ, rồi bị tống giam; Lưu Bị đã nắm được quyền chỉ huy quân sự không chế Bạch Thủy Quan.
Lúc ấy Lưu Bị nhận được thư của Tôn Quyền, Tào Tháo bởi muốn báo thù trận đại bại ở Xích Bích đang chuẩn bị đại quân nam chinh, hy vọng Lưu Bị mau chóng trở về Kinh Châu cùng bàn bạc kế sách phòng thủ lớn.
Bởi việc Tôn phu nhân dứt khoát trở về Đông Ngô, mối liên minh Tôn – Lưu đã bị phủ một bóng đen. Huống chi qui mô nam chinh của quân Tào lần này không lớn, hơn nữa Quan Vũ đã bố trí phòng thủ, và ngăn chặn thành công sự manh động của Tào Nhân, cho nên tình hình khẩn cấp này dẫu thế nào cũng đã rõ, song Lưu Bị lại nhân đó mà mượn cớ. Lưu Bị lập tức phái sứ giả báo cáo với Lưu Chương rằng môi hở răng lạnh, chẳng thể vứt bỏ được đồng minh, muốn nhờ Lưu Chương viện trợ, để Lưu Bị có đủ thực lực đối kháng với Tào Tháo. Còn vấn đề Trương Lỗ sẽ giải quyết như thế nào? Lá thư của Lưu Bị bầy tỏ Bạch Thủy Quan đã tăng cường phòng thủ, Trương Lỗ chẳng qua là bọn giặc tự xưng, trong một thời gian ngắn chẳng cần lo lắng, đợi sau khi vấn đề Tào Tháo được giải quyết, sẽ bắc phạt vẫn chưa muộn.
Đối với Lưu Chương mà nói, lý lẽ như vậy là rất khó thuyết phục, cơ hồ giống như vươn mỏ gà chẳng thể moi được gạo, làm sao có thể cam tâm tình nguyện viện trợ cho Lưu Bị nhỉ? Song lại sợ Lưu Bị trở mặt, đành phải cấp cho Lưu Bị 4000 quân, lương thực, xe cộ cứ theo yêu cầu mà giảm đi một nửa. Việc này cho thấy sự do dự không quyết của Lưu Chương, sợ đắc tội với người mà không dám thoái thác, nếu xét kỹ đủ thấy Lưu Bị vốn đã bội ước, đó là một lý do phản lại những lời lẽ nghiêm chỉnh của ông ta.
Lưu Bị tự nhiên hiểu được cơ hội lợi dụng, lập tức đùng đùng nổi giận mà rằng: “Ta vì Ích Châu mà đối kháng với cường địch, chẳng ngại đường xa nghìn dặm mà đến giúp đỡ, nay ta gặp phải khó khăn, cần một ít nhân mã và quân trang cũng không được, làm sao bảo ta cam tâm tình nguyện mà bán cả sinh mệnh nhỉ?”.
Sự việc viện trợ này hiển nhiên cho thấy mối quan hệ giữa Lưu Bị và Lưu Chương có chiều hướng xấu dần.

Vào lúc ấy, lại phát sinh bi kịch Trương Tùng bị Lưu Chương bắn giết.
Trương Tùng vốn là người đưa ra kế sách mời Lưu Bị vào Thục, nhìn thấy Lưu Bị đã nắm quyền ở phía bắc, thành công ở ngay trước mặt, lại đưa tin muốn trở về Kinh Châu. Trương Tùng không rõ ra sao, vội phái người đưa thư đến Lưu Bị và Pháp Chính, hỏi rõ sự việc tiến triển ra sao và nhận làm nội ứng. Lá thư ấy lại rơi vào tay Trương Túc, ông ta rất kinh hãi sợ liên lụy đến gia đình mình, bèn tố giác âm mưu của Trương Tùng và Lưu Bị với Lưu Chương. Lưu Chương cũng rất kinh ngạc, lập tức bắt giữ Trương Tùng, chém cả nhà, lại hạ lệnh tăng cường phòng thủ các nơi cửa ải, cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ với Lưu Bị.
Lưu Bị nghe tin Trương Tùng bị giết, cũng lập tức trả đũa, đem giết Dương Hoài và Cao Bái, chính thức ngả bài với Lưu Chương, bắt đầu mở màn cuộc chiến tranh đoạt lấy Ích Châu.
Quân Lưu Bị tuy không nhiều song được chuẩn bị chu đáo. Lại thêm được sự giúp đỡ của Pháp Chính và Mạnh Đạt, còn quân Ích Châu của Lưu Chương hiển nhiên là không có ý chí chiến đấu. Sau khi chiếm được Bạch Thủy Quan, Lưu Bị cử Hoàng Trung làm tiên phong, dẫn quân xuống phía nam chiếm lấy Phù Thành. Từ hành động quân sự này mà xem, việc Lưu Bị đưa tin trở về Kinh Châu, căn bản chỉ là giả dạng.
Lưu Chương điều Trương Nhiệm, lãnh tụ quân Bản Thổ làm chỉ huy, phôi hợp với Lưu Quý thủ lĩnh quân thân tộc, cùng với quân của Ngô Ý, Đặng Hiền, Lãnh Bào ở phái Đông Châu lên phía bắc bố trí phòng thủ. Theo như cách sắp xếp của Lưu Chương, thấy có sự đoàn kết của các phe phái Ích Châu quyết tâm chống lại Lưu Bị. Thực ra theo như phán đoán của Mạnh Đạt, các đại quân Ích Châu cũng không ưa gì nhau.
Hoàng Trung đóng quân ở Miên Trúc, triển khai thế trận, quân Ngô Ý sớm quay giáo, Trương Nhiệm thiếu chuẩn bị, bị đánh tan tác, Phù Thành thất thủ. Trương Nhiệm đành rút về phía nam Phù Thành bố trí phòng thủ, yêu cầu Lưu Chương tiếp viện. Chẳng ngờ Lưu Chương lại phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Lần này ông ta phái quân Đông Châu do lão tướng Lý Nghiêm chỉ huy đi cứu viện, Lý Nghiêm là người Nam Dương, là bạn của Pháp Chính và Mạnh Đạt, đã có Kinh Châu nhiều năm, bởi thế đối với Lưu Bị có cảm tình đặc biệt. Do tác dộng của những người quen cũ như Pháp Chính và Bàng Thống, Lý Nghiêm sau khi đến Phù Thành, không đánh mà hàng, khiến tinh thần binh sĩ quân Ích Châu bị giáng một đòn nghiêm trọng.
May mà Trương Nhiệm già dặn kinh nghiệm, lại giỏi thao lực, ông ta lập tức chỉnh đốn quân trực thuộc của mình và quân Lý Quý còn chưa có vấn đề gì. Thế rồi rút về Lạc Thành cùng với Lưu Tuần cố thủ ở đấy.
Thu phục được quân Ngô Ý và Lý Nghiêm, quân Lưu Bị có thanh thế rất lớn. Song Trương Nhiệm cố thủ ở nơi hiểm trở, ngăn chặn được quân Lưu Bị đánh xuống phía nam, bởi thế Lưu Bị lập tức làm theo kế hoạch ban đầu, khẩn cấp điều động Gia Cát Lượng ở Kinh Châu, dẫn đội quân của Trương Phi và Triệu Vân, từ phía đông Ích Châu nhằm thẳng Thành Đô, Gia Cát Lượng tiến quân cuốn theo cuộc chiến tranh vào đất Thục.
Chẳng qua việc Tôn Quyền bị Tào Tháo đe dọa, Kinh Châu có nguy cơ môi hở răng lạnh, song lại mang đại quân vào Thục, cho thấy một điều rằng, việc Lưu Bị báo tin khẩn cấp vừa rồi thực đáng ngờ lắm vậy.

Lời bình của Trần Văn

Trong “Binh pháp Ngô Khởi” phần “luận tướng thiên” có chép:

“Việc tác chiến quan trọng hàng đầu là phải triệt để hiểu thấu tướng lĩnh của đối phương, sau đó dựa vào cá tính, tài năng, đề ra kế hoạch đối phó với thủ đoạn của họ; nếu không tốn nhiều công sức như vậy, làm sao có thể giành được thắng lợi dễ dàng.
Với tướng lĩnh phản ứng chậm chạp lại dễ tin người khác có thể dùng mưu kế xảo trá mà dẫn dụ.
Với người tham lam mà không xem trọng danh tiết, có thể dùng vàng bạc mà mua họ.
Với người dễ thay đổi ý kiến của mình, thiếu mưu lược hoạch định, có thể dùng chiến thuật quấy nhiễu khiến họ mỏi mệt và bỏ chạy.
Với các tướng lĩnh cao cấp, xa xỉ ngạo mạn, trong khi các thuộc hạ thì nghèo khó, có thể dùng cảm tình mà ly gián họ.
Với người nhu nhược không quyết đoán, không dứt khoát tiến thoái, không có chỗ dựa vững chắc, có thể dùng áp đảo thanh thế mà đánh gục họ.
Với người hiểu được mà vận dụng những chiến thuật này, ắt sẽ dễ dàng nắm bắt được nhược điểm của đối phương, giành được nhiều thắng lợi”.
Lưu Bị lần thứ nhất tiến quân vào Ích Châu, đã nắm được đầy đủ ưu thế này; Lưu Chương nhu nhược không quyết đoán, đối với hình thế và tình hình hiển nhiên thiếu ứng phó sắc bén, bởi thế sau khi Trương Tùng và Pháp Chính tác động, Lưu Chương rất dễ rơi vào cạm bẫy tự bán mình. Song cũng thấy rất rõ ràng các văn võ đại thần Ích Châu phản đối và ngăn cản âm mưu của Trương Tùng uà Pháp Chính cũng không nhiều, ngoài Hoàng Quyền và Vương Lũy đã hết sức ngăn cản, tựa hồ đại bộ phận tướng lĩnh quân sự và đại thần, đều “cách sơn quan hổ đấu” (đứng trên núi xem hổ chọi nhau), mà chẳng quan tâm gì đến vận mệnh quốc gia của mình.
Nghiêm Nhan là một viên thượng tướng, cũng chỉ ngồi một chỗ mà thôi. Danh tướng Trương Nhiệm tuy đứng ở chiến tuyến thứ nhất song chưa có thể phán đoán những sai lầm của Lưu Chương để ngăn cản hữu hiệu. Lý Nghiêm là lãnh tụ quân đoàn Đông Châu, chỗ dựa chủ yếu của Lưu Chương, theo sự tác động của Pháp Chính và Mạnh Đạt không đánh mà hàng. Nhược điểm của các tướng lĩnh Ích Châu tựa hồ đã hoàn toàn nằm trong tay Lưu Bị.
Pháp Chính, Mạnh Đạt, Trương Tùng đều là danh sĩ Ích Châu, họ sở dĩ bán rẻ chủ củ, xét kỹ chẳng phải bởi công danh và hư vinh; họ không tín nhiệm Lưu Chương, tuy chính quyền Lưu Chương đã kéo dài hơn 10 năm, song ông ta tựa hồ chỉ làm được những điều sai lầm. Không chỉ Pháp Chính không thừa nhận ông ta, hy vọng tìm được người thay thế ông ta, những người khác không biểu lộ ý kiến hoặc thấy gió quay lái thuận chiều, hiển nhiên cũng thiếu tín nhiệm Lưu Chương.
Nói cho cùng Lưu Chương hoàn toàn không biết thuộc hạ bất mãn với mình, vẫn chưa có thể trọng dụng được Pháp Chính và Mạnh Đạt, sớm đã dẫn đến sự oán hận trong lòng họ, dẫn đến hành động quyết định đưa Lưu Bị vào Thục; Pháp Chính hiểu rằng đấy không phải là một đại biểu duy nhất xứng đáng, trách chi phải rơi vào cạm bẫy của người khác. Sự mơ hồ của Lưu Chương đã dẫn ông ta đến chỗ mất mạng. Còn nhớ năm nào Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng: “Quả nhân có tật hiếu sắc, thích săn bắn phải chăng sẽ ảnh hưởng đến bá quyền?”.
Quản Trọng thản nhiên nói rằng: “Chẳng phải! Người làm vua mà không biết như thế nào là bầy tôi hiền tài, như thế nào là người có dã tâm, mới ảnh hưởng đến bá quyền, nếu dùng người hiền tài mà không tín nhiệm, cũng sẽ ảnh hưởng đến bá quyền”.
Người kinh doanh rất xem trọng “lý tính” nỗ lực khắc phục nhược điểm, về cá tính của mình, lấy lợi hại mà phán đoán. Không sợ làm sai, chỉ sợ do dự không quyết, hoặc làm sai cũng không biết mình làm sai chỗ nào, đấy mới là chỗ đáng buồn trong kinh doanh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.