Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

11. Khai sáng dân tâm, ban bố điều luật, đề cao uy tín của quyền lực.



Ví như kể về tài hoa cá nhân với năng lực dùng binh của Gia Cát Lượng, ít nhiều có sự bình giá khác nhau, song về tấm trung trinh và tài trị quốc của ông thì chưa hề có sự hoài nghi nào. Trần Thọ trong Tam quốc chí có bình phẩm như sau:

“Gia Cát Lượng làm tướng quốc rất đỗi quan tâm đến đời sống trăm họ, lấy mình làm gương về luân lý, điều hành chánh sự. Ông thanh trừ quan lại tham nhũng, giảm bớt các khoản chi quốc gia không cần thiết, tăng thêm hiệu suất bộ máy hành chính khai sáng dân tâm, ban bố điều luật, xây dựng được niềm tin của dân chúng toàn quốc với quyền lực của vương triều”.
“Người tận trung với nước hoặc tận trung với xã hội, tuy là ở phía đối địch với mình cũng đều đáng khen, kẻ phạm pháp lười nhác dẫu là chiến hữu của mình cũng phải xử phạt, tuyệt đối không thể bao che. Kẻ phạm lỗi mà biết hối cải tuy mắc trọng tội cũng có thể chiếu cố một chút, kẻ quanh co che giấu, tuy tội nhẹ cũng nên phạt thêm….
Cuối cùng, khắp trong lãnh thổ đều kính trạng mà nể sợ, hình phạt tuy nghiêm khắc song dân gian không oán thán, lấy chánh tâm công bằng mà khuyên thiện trừ ác vậy; thực là người hiền tài đại độ trong điều hành chánh sự, có thể nói ví như Quản Trọng và Tiêu Hà cũng chẳng thể hơn”.

Có một số sử học gia lấy việc Gia Cát Lượng ném mình vào công việc, lao lực quá độ, dẫn đến tổn hại sức khoẻ, phê bình Gia Cát Lượng chẳng khéo dùng người lại không tích cực bồi dưỡng nhân tài kế cận, kỳ thực đấy là những lời rất không công bằng vậy.
Trái lại, Gia Cát Lượng với việc đề bạt nhân tài rất đỗi quan trọng trong “Cử thố thiên” có viết: “Xét về đạo trị quốc, cần chú trọng ở việc đề cử hiền tài”. Lại nói: “Đề cử hiền tài có thể đem lại sự yên định”. Bởi đề cử hiền tài gắn liền với trị quốc, Gia Cát Lượng đã cho xây một cái đài cao ở phía Nam Thành Đô, để tiếp đón kẻ sĩ bốn phương, thường xuyên lại thiết lập một cơ cấu gọi là “Tham thự” để thu thập đóng góp ý kiến xây dựng của dân chúng.
Trong “Thị thính thiên” ông lại nêu rõ: “Đã là người cầm quyền phải biết lắng nghe, thu nạp tiếng nói phải của dân chúng, cùng những mưu kế của kẻ trí giả, mắt thấy đủ vạn vật, tai nghe khắp xa gần”. Trong “Xuất Sư Biểu” ông đã tiến cử với Lưu Thiện những người như Tưởng Uyển, Phí Vỹ, Đổng Doãn, Hứa Sưng đó đều là những nhân tài ưu tú. Ông cũng rất chú ý đến Khương Duy, Đặng Chi đều là những người chọn từ thực tế mà ra.
Trong lời chú giải Tam quốc chí có dẫn lời Quách Ban trong “Thế ngữ” bàn về nhân tài trong thiên hạ, họ muốn đến nước Thục hơn là Ngụy, Ngô, vậy nên quan lại đất Thục phần đông là những người tài giỏi trong thiên hạ. Ví như Ngụy tướng Chung Hội sau khi đánh chiếm được nước Thục đối với tình cảnh nước Thục đã mất, dân tâm sĩ khí vẫn kiên quyết chống Ngụy cũng phải thực sự cảm động cho rằng Gia Cát Lượng rất giỏi giáo hoá dân chúng. Triệu Dực trong cuốn “Sử trát ký” có một đoạn luận thuật như sau: “Tào Tháo dùng người lấy quyền lực mà chế ngự, Lưu Bị thì lấy tính tình làm trọng còn Tôn Quyền thì lấy ý khí làm đầu. Lấy quyền thuật chế ngự thì trọng ở cái cốt yếu, lấy tính tình đê mà tụ họp thì trọng ở chữ chân thành, Gia Cát Lượng thì dùng người, trên tình thần vận dụng sở trường của cả ba nhà đó”.

Đường Thái Tông cũng rất tôn sùng Gia Cát Lượng, như khi ông nói chuyện với Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, công nhiên tán thưởng Gia Cát Lượng làm “đệ nhất thừa tướng” rất đỗi tán dương tinh thần “chí công vô tư” của ông ta. Ông cũng chỉ ra rằng, Gia Cát Lượng đã từng rất nghiêm khắc trừng phạt những quyền thần nước Thục như Lý Nghiêm và Liêu Lập song hai người này nghe tin Gia Cát Lượng mất đều khóc lóc thống thiết, Lý Nghiêm vì thế mà âu sầu đến chết. Đường Thái Tông cảm khái mà nói: “Nếu chẳng phải là bậc chí công thì sao có thể như vậy được”. Ông đã có những lời đánh giá cao nhất dành cho Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng quả là con người đúng với những lời tán thưởng của Đường Thái Tông như “đại công vô tư”, “cao vời và sáng rực”, điều này qua thư tín mà Gia Cát Lượng trả lời Lý Nghiêm cũng thấy rõ. Sau khi bình định được phương Nam, danh tiếng của Gia Cát Lượng ở nước Thục đạt đến đỉnh tối cao. Lý Nghiêm bèn viết thư khuyến khích ông: “Nên nhận lễ phong cửu Tích đổi tước hiệu và xưng vương”. Gia Cát Lượng chẳng những không nghe theo mà trả lời rất thẳng thắn rằng:
“Tôi với túc hạ tương tri đã lâu há chẳng hiểu nhau ư… Tôi vốn là kẻ sĩ quê mùa ở phương Đông tiên đế lầm dùng được đặt ở vị trí cao sang hưởng lộc trọng, nay trừ giặc chưa mấy hiệu quả, biết rằng chưa đền đáp được bao nhiêu, mà được tôn sùng thái quá, cho ngồi ở những vị trí quan trọng hơn thực hổ thẹn vậy!”.
Nếu so với Tào Tháo tự phong lễ cửu Tích xưng làm Ngụy Vương, Gia Cát Lượng quả thật khả ái và đáng kính hơn nhiều lắm!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.