Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

11. Xem thường đại thế, anh hùng lâm nguy



Có quan điểm chiến lược toàn cục, lâu dài để thấy tình thế ba chân đỉnh lớn, có thể nói chỉ có Lỗ Túc, Gia Cát Lượng và Triệu Vân mà thôi, ba người ấy kiên trì quan điểm Tào Ngụy còn tồn tại thì Tôn Quyền và Lỗ Túc chẳng có điều kiện xung đột với nhau; xét nhu cầu rất lớn về nhân lực và tài lực để kháng chiến lâu dài, điều kiện của Tôn Quyền và Lưu Bị đều còn lâu mới bằng Tào Tháo.

Đương nhiên Tào Tháo không phải không có nhược điểm, cai quản một vùng rộng lớn, bởi lợi hại ắt có xung đột, các thế lực gắn với nhau, thực ra đều mang quái thai, không như một đoàn thể nhỏ dễ chỉnh hợp. Người chỉ huy có năng lực (như Tào Tháo) tự nhiên có thể giải quyết được vấn đề, nếu như gặp chuyện, nguy cơ tất nhiên rất lớn.
Trong Long Trung Sách Gia Cát Lượng vẫn chủ trương “Liên Ngô chế Tào” cũng biểu thị nếu phương bắc có chuyện, Kình Châu có thể phái một viên Thượng tướng đánh Tương Dương, Lưu Bị và Tôn Quyền chia làm hai đường tiến công, có thể khôi phục được nhà Hán. Nói rằng phương bắc có chuyện, tức là nói một mai Tào Tháo mất đi, chính quyền Tào Ngụy về lực lượng chung ắt có nguy cơ giảm sút, lúc ấy chính là cơ hội tốt nhất để bắc phạt.
Đáng tiếc là Quan Vũ, Lưu Bị đều thiếu tính nhẫn nại, Tôn Quyền và Lã Mông cũng vội vàng nắm lấy lợi ích quốc gia riêng mình mà ít có tầm nhìn xuyên suốt cục diện thiên hạ. Chỉ cần sau một năm mà thôi, Tào Tháo từ trần trong tháng giêng năm Kiến An thứ 25, nếu như Lỗ Túc sống thêm hai năm, Quan Vũ có thể không vội vàng phát động cuộc bắc phạt, hoặc như Tôn Quyền và Lã Mông có tầm nhìn xa hơn một chút, thì đại thế thiên hạ thắng lợi cuối cùng thuộc về ai, cũng chưa biết sẽ thế nào. Cuộc tập kích của Lã Mông khiến đại bản doanh của Quan Vũ ở Giang Lăng rơi vào tay Đông Ngô, Quan Vũ không thể không từ chiến trường Tương Phàn vội vàng rút về, giữa đường lại bị Lã Mông phái Phan Chương tập kích đường sông, tạo thành sự đại bại của quân bắc phạt, dẫn đến Quan Vũ thua chạy về Mạch Thành, trong quá trình đột phá vòng vây thất bại mà bị giết, đấy là sự tích chủ quan để mất Kinh Châu, trong sử liệu có ghi chép rõ ràng, ở đây không kể lại. Quan Vũ lâm nạn lúc 58 tuổi. Rất thú vị là Lã Mông cũng tạ thế không lâu sau chiến dịch này, Tôn Quyền mang thủ cấp của Quan Vũ dâng cho Tào Tháo, Tào Tháo cho người bổ sung thân thể với quần áo mũ mão đầy đủ, lại lấy lễ táng chư hầu ban cho. (Quan Vũ từng được Tào Tháo tiến cử với Hán hiến đế được phong là Hán Thọ đình hầu). Tôn Quyền nghe tin, cũng lấy lễ nghi trọng thể mà mai táng thi hài Quan Vũ, có thể lúc ấy đã là cuối năm Kiến An thứ 24. Khéo thay Tào Tháo vào đầu tháng giêng năm Kiến An thứ 25, bởi bệnh cũ tái phát mà qua đời. Tác giả “Tam quốc diễn nghĩa” La Quán Trung, bằng vào trí tưởng tượng, viết ra câu chuyện Quan Vũ hiển linh đòi hồn Lã Mông, nạt chết Tào Tháo. Thực ra nếu như Quan Vũ thực có hiển linh ắt phải báo thù Tôn Quyền mới đúng mà không phải Tào Tháo. Tam quốc diễn nghĩa không biết dựa vào đâu, vói Phan Chương đã tập kích Quan Vũ năm nào, cũng miêu tả ông ta bị chết trận trong chiến dịch đông chinh báo thù của Lưu Bị. Thực ra theo sử liệu, Phan Chương chẳng những không chết ở chiến trường, lại bởi có quân công mà được thăng tiến và trọng dụng, khá thấy sự miêu tả của Tam quốc diễn nghĩa, có rất nhiều đoạn theo cách nghĩ chủ quan. Đề cập về cái chết của Lã Mông ra sao, tin rằng là vấn đề mọi người rất hứng thú.

Lã Mông vốn sức khoẻ không tốt, ông thấy rõ được trách nhiệm, làm việc rất vất vả, lại thêm thích uống rượu nên bệnh tỳ vị khá nghiêm trọng. Kể từ cuộc tập kích Giang Lăng, công việc rất căng thẳng bề bộn hay tư lự, bởi thế cuối tháng 11, bệnh cũ tái phát, thổ huyết không thôi, có thể là vỡ dạ dày hoặc dạ dày chảy máu.
Tôn Quyền đón ông ta về hành cung ở Công An, phái ngự y săn sóc cẩn thận, song bệnh tình của Lã Mông ngày một xấu đi. Tôn Quyền không dám làm phiền ông ta, bèn cho khoét một lỗ hổng trên tường để quan sát bệnh tình của Lã Mông. Mỗi lần thấy Lã Mông chuyển biến tốt có thể ăn được một chút, Tôn Quyền suốt ngày rất cao hứng, nếu như thấy bệnh xấu đi thì suốt ngày âu lo, đêm không ngủ được. Không lâu Lã Mông đã có hiện tượng hồi quan phản chiếu, tự biết số mệnh chỉ còn sớm tối, bèn yêu cầu Tôn Quyền mở yến mừng công, để được tiếp xúc với các tướng sĩ có công. Ông ta tự mình miễn cưỡng ôm bệnh tham gia, giữa tiệc lại yêu cầu Tôn Quyền đại xá cho hàng tướng và tù binh để củng cố thành tích sau chiến thắng. Tôn Quyền bùi ngùi mà ưng thuận, lại trịnh trọng tuyên bố Lã Mông có công lao bậc nhất, quần thần đều chúc mừng Lã Mông, Lã Mông miễn cưỡng đứng lên đáp tạ, bỗng chết ngay giữa tiệc, hoàn thành được di nguyện sau cùng. Lúc ấy ông ta mới 42 tuổi.

Tôn Quyền vô cùng đau xót, lệnh cử hành lễ mai táng long trọng, hậu đãi gia tộc của Lã Mông. Lã Mông chất phác suốt đời, có thể nói là khắc kỷ vì công việc, trước lúc lâm chung, lấy toàn bộ những thứ được ban thưởng hiến cho triều đình, lại còn dặn dò việc tang nên tiết kiệm. Tôn Quyền nghe những lời nói cuối cùng của Lã Mông lại càng thương cảm muôn phần đau xót khôn nguôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.