Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

12. Bát trận đồ – mê cung thiên cổ



Trần Thọ trong Tam quốc chí có viết: “Gia Cát Lượng thường hay tư lự hao tổn bởi nỏ liên châu, trâu gỗ, ngựa máy đều là những ý nghĩ kỳ lạ; suy diễn binh pháp làm ra bát trận đồ thật là huyền bí vậy”. Có thể là những năm tuổi trẻ còn cầy bừa gặt hái, Gia Cát Lượng đã thích tự tay mình làm lụng, có năng lực sáng tạo phát minh, dẫn đến những phát minh mới sau này như việc cải tiến nỏ liên châu lợi hại, và chế ra trâu gỗ, ngựa máy để vận chuyển lương thực.

Sách “Ngụy thị Xuân Thu” có ghi: “Gia Cát Lượng dùng nỏ liên châu để tập kích giết được danh tướng Trương Cáp, gọi nỏ ấy là “nguyên nhung”, lấy sắt làm tên, mỗi mũi tên dài 8 tấc, mỗi nỏ bắn ra 10 tên, thực là một vũ khí sát thương mãnh liệt”.
Trâu gỗ, ngựa máy là công cụ vận chuyển ứng dụng phát minh mới bởi nước Thục không đủ ngựa thồ, đường núi lại rất hiểm trở, ngựa không dễ qua lại, bởi vậy Gia Cát Lượng dùng nhân lực vận chuyển để khắc phục khó khăn này. Trâu gỗ là loại xe bốn bánh, còn ngựa máy là loại xe hai bánh. Cứ như sử kiện ghi chép, ngựa máy là loại trâu gỗ cải tiến, dùng trong cuộc Bắc phạt thứ 4, hiệu quả khá tốt đẹp. Trâu gỗ, ngựa máy đều là những loại xe thích hợp với việc vận chuyển. Cuốn truyện “Vũ Hầu” của Trương Chú viết: Trong Thục có xe nhỏ một người đẩy tải được 8 thạch phía trước như đầu trâu, lại có xe lớn dùng bốn người đẩy tải được hàng chục thạch gọi là ngựa máy.
Cũng có không ít người cho rằng xe một bánh đã có ỏ Thục trước thời Gia Cát Lượng, vậy nên trâu gỗ chỉ là công cụ cải tiến còn ngựa máy thì cải tiến từ trâu gỗ.
Trong rất nhiều phát minh, “Bát trận đồ” khiến người đời sau còn cảm thấy rất chi thần kỳ. Cũng bởi sự tô vẽ của La Quán Trung, “Bát trận đồ” cũng như việc mượn gió đông, đều thuộc về pháp thuật siêu năng kỳ môn độn giáp.
Đỗ Phủ, thánh thơ đời Đường đứng trước di chỉ bát trận đồ, có những câu thơ dâng tràn cảm xúc:
Công vạch thế chân vạc

Danh bầy bát trận đồ

Sống trôi đá thì đứng
Hận không bình được Ngô.
Năm ấy, đánh nhau lớn ở Tỉ Qui, Lục Tốn đuổi theo Lưu Bị vào trong đất Thục, bị khốn bởi “trận Thạch Đầu” do Gia Cát Lượng dự liệu trước, lấy các khối đá xếp lẫn lộn thành từng đông dựa theo sự sắp xếp kỳ môn độn giáp, y theo 8 cửa Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Cảnh, Tư, Kinh, Khai, vào mỗi giờ mỗi ngày biến hoá khôn lường, khá so với mươi vạn tinh binh. Đại quân Lục Tốn bị khốn ở trong trận, loanh quanh mãi sau nhờ có nhạc phụ của Gia Cát Lượng là Hoàng Thừa Ngạn giúp mới qua được. Đây đương nhiên là một tiểu thuyết gia không hiểu quân sự, nẩy sinh từ trí tưởng tượng ra những hư cấu nghệ thuật.
Song, trong sự tích lịch sử “Bát trận đồ” tồn tại như một thực tế, vậy tác dụng của trận Thạch Đầu là như thế nào? “Bát trận đồ” là một di tích lịch sử ở huyện Phụng Tiết, tỉnh Tứ Xuyên, nơi giao lưu sông Cù đường và sông Trường Giang, trước mắt thấy không còn nguyên trạng song “Thái bình hoàn vũ ký” có ghi rằng:
Bát trận đồ chu vi 480 trượng do các khối đá bị vận chuyển tụ tập mà thành, cao 5 thước, như được xếp đặt xúm xít bốn phía giống như một bàn cờ, mùa hạ thì nước dâng cao phủ lấp cả, mùa đông lại lộ ra.
Kỳ thực “Bát trận đồ’’ không chỉ thiết lập xếp đặt ở đấy, có thể thấy ở Thiểm Tây, Hán Trung, dọc đường Gia Cát Lượng Bắc phạt đều có những di tích ấy, tác dụng của nó ở chỗ nào? Có phải như trong tiểu thuyết đã nói là lũy thành phòng ngự ư?
Theo như “Gia Cát Lượng tập” ghi chép, bát trận đồ ứng tới 89 trận là Đông Dương, Trung Hoàn, Long Đằng, Điểu Phi, Hổ Dực, Triết Hàn, Liên Hoành, Ác Cơ, cứ theo tên gọi mà thấy bố cục trận doanh, mỗi bát trận đồ là một doanh trại nhỏ mà không phải là đầu não quân đoàn tác chiến, bởi vậy nó không giông với các trận như Trường Xà trận, Ngư Lân trận, Điểu Hành trận có tác dụng tác chiến, nó chỉ là nơi trận địa đóng quân mà thôi, là một hành doanh tiện cho việc tổ chức chỉ huy, mà không nặng ở tính công kích và phòng thủ.
Một học giả đời Hán là Trịnh Huyền có viết: có bát trận thập trận của Tôn Vũ, Tôn Tẫn, Đậu Hiến khi chinh phạt Hung Nô cũng có lợi dụng bát trận.
Có thể thấy bát trận đã được Gia Cát Lượng sử dụng chỉ là sự bổ sung thêm, làm thành phương pháp cơ bản trong hành quân và đóng trại.
Lịch sử có khen ngợi việc đóng quân của Gia Cát Lượng, có doanh lũy, bếp giếng, nhà xí, rào tre, chòi canh gắn liền với nhau, rất thuận lợi. Ở gò Ngũ Trượng, Tư Mã Ý đã nhìn thấy doanh lũy và công sự của quân Thục còn lưu lại, phải thốt lên rằng: “Thật thiên hạ kỳ tài vậy”. Có thể đây là quân danh “bát trận đồ” mà Gia Cát Lượng cải biến ra.
Xem xét di tích Thạch Đầu của bát trận đồ, thấy đó là sa bàn mà Gia Cát Lượng luyện binh mà thôi, chẳng phải là Thạch Đầu trận có siêu năng kỳ môn độn giáp. Để có thể hiểu được tường tận “Bát trận đồ” chúng tôi sẽ xin trình bày trong phần sau, để bạn đọc có thể hiểu sự thực đầy đủ hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.