Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

2. Mạnh Đạt kinh hoảng chẳng ngờ, lầm lẫn mất cơ hội lớn.



Chẳng qua Mạnh Đạt rốt cục là nho tướng chẳng có thực tài học, thiếu hiểu biết kỹ lưỡng.Tuy Gia Cát Lượng vẫn nhắc ông ta chớ khinh cử vọng động, nhất định phải nắm được cơ hội tốt nhất, mới phát động binh biến. Song Mạnh Đạt tựa hồ không nén được, vội vã nghĩ đến hoàn thành gấp nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm này. Bất chợt vào tháng 6 năm đó, Tào Tuấn theo đề nghị của Tôn Tử, phái Phiêu kỵ đại tướng quân Tư Mã Ý, Đô đốc hai châu Kinh, Dự đặt bộ tổng chỉ huy ở gần Uyển Thành. Uyển Thành cách Thượng Dong không xa, bởi thế Mạnh Đạt có phần lo lắng, không ngừng phái sứ giả báo cáo tình huống biến hoá với Gia Cát Lượng, một mặt cũng tăng cường điều động binh mã, chuẩn bị khởi nghĩa.

Cũng có thể do hành động vội vàng, cuối cùng dẫn đến sự nghi ngờ của Thái thú Ngụy Hưng là Thân Nghi ở gần đó. Thân Nghi và Mạnh Đạt vẫn bất hoà với nhau bởi thế có ý ngờ, ngầm dâng biểu mật báo ngờ rằng Mạnh Đạt có thông đồng với nước Thục. Tào Tuấn rất mến mộ phong độ nho tướng của Mạnh Đạt, lại không tin vào báo cáo của Thân Nghi, song bởi Tân Thành và Thượng Dong đều có đường cái thông với nước Thục, thực tế chẳng thể chủ quan, thế rồi ông lệnh cho Tư Mã Ý ngầm quan sát hành động của Mạnh Đạt.
Tư Mã Ý cố ý cho người đến thăm dò, nói phong phanh về những chuyện ấy, khiến Mạnh Đạt biết được Thân Nghi đã ngầm báo cáo về ông ta, để Mạnh Đạt kinh hãi. Nếu như chẳng có việc ấy, Mạnh Đạt nhất định sẽ công khai tự biện hộ; nếu như thực có việc ấy, Mạnh Đạt ắt sẽ hoảng sợ, mà lộ ra hành động sơ xuất. Mạnh Đạt được biết tin tức, quả nhiên rất hoảng sợ, Tư Mã Ý lại phái Tham quân Lương Kỳ, đưa một phong thư thăm hỏi do tự tay Tư Mã Ý viết, cố ý bày tỏ sự quan tâm đối với những tin loan truyền vừa rồi, lại khuyên Mạnh Đạt lên đường về triều đình, yết kiến Tào Tuấn, để bày tỏ rõ lòng mình.
Sau đó, Mạnh Đạt thiếu khí chất rất lấy làm hoang mang, ông ta nói chung không nghĩ đến sự ứng biến, chỉ nghĩ đến việc mau chóng phản biến về lại Thục. Ngay khi sứ giả của Tư Mã Ý vừa dời khỏi thành Thượng Dong, Mạnh Đạt lập tức phái người đưa thư đến Gia Cát Lượng, xin được phái quân tiếp ứng. Động tác này không thoát khỏi sự nhòm ngó của Tư Mã Ý, bởi thế ông ta phán đoán việc Mạnh Đạt tạo phản là có thực.
Mạnh Đạt cũng biết Tư Mã Ý ắt sẽ tăng cường giám sát ông ta, song ông ta thực tế không biết phải làm gì, cho nên chỉ biết mau chóng tiến hành khởi nghĩa. Trong thư gửi cho Gia Cát Lượng có nói: “Tư Mã Ý đóng quân ở Uyển Thành, cách Lạc Dương 800 dặm, cách Tân Thành 1200 dặm. Bởi Tư Mã Ý biết tôi khởi nghĩa, ắt sẽ báo cáo cho Tào Tuấn ở Lạc Dương, lại từ Tào Tuấn đưa ra mệnh lệnh chính thức, phái Tư Mã Y từ Uyển Thành dẫn quân đến đánh Tân Thành, nếu như vậy ít ra cũng phải mất một tháng trở lên. Đến lúc ấy, Mạnh Đạt sớm đã bố trí được phòng thủ ở Tân Thành. Ví như Tư Mã Ý dẫn đại quân đến, cũng chẳng phải lo lắng. Huống chi đối tượng phòng ngự của Tư Mã Ý, chủ yếu là Đông Ngô, lại thêm Tân Thành địa thế hiểm trở, vì thế chẳng thể trong thời gian ngắn mà đánh chiếm được ngay. Bởi thế, Tư Mã Ý để không ảnh hưởng đến công việc chính thức nhất định sẽ chỉ phái một viên tướng đến đó. Chỉ cần Tư Mã Ý không tự dẫn quân đến, thì quân Tào Ngụy tiễu phạt sẽ chẳng đông lắm”.

Thực ra, đấy chỉ là cách nghĩ chủ quan của Mạnh Đạt. Đối với một tướng lĩnh đảm đang, há sẽ ngại việc mà không có trách nhiệm như thế? Bởi thế khi Gia Cát Lượng nhận được phong thư này, không khỏi kinh hãi biến sắc, vội than rằng: “Rất chủ quan, rất thô thiển, Mạnh Đạt đã thuộc làu binh thư, há chẳng biết câu “tướng ngoài biên, mệnh lệnh có chỗ không theo”. Trong vùng cai quản của mình, có kẻ phản loạn, đâu có còn phải báo cáo với Hoàng đế mới có thể thảo phạt được, Mạnh Đạt sẽ thất bại bởi thủ đoạn của Tư Mã Ý.
Gia Cát Lượng biết rõ nước cờ của Mạnh Đạt đã thất bại, bởi thế không hy vọng nữa. Ông cần phải giữ gìn thực lực, để tiến hành sắp xếp việc ở chiến tuyến phía tây, cho nên chỉ phái một đội quân đặc biệt đi tiếp ứng, gọi là đế cứu giúp cho Mạnh Đạt mà thôi. Quả nhiên không ra ngoài dự liệu, không đến nửa tháng, lại nhận đượctin khẩn cấp của Mạnh Đạt cho biết: “Xuất binh mới đến ngày thứ 8, chẳng ngờ Tư Mã Ý tự dẫn quân đến bao vây Thượng Dong trùng điệp, xin mau chóng mang quân cứu viện cho”. Thực ra, ví như Gia Cát Lượng có đến giúp, cũng chẳng thể được,nguyên do là quân lính đượcphái đến, bị ngăn cản ở đường Mộc Lan, nói chung chẳng thể tiến vào biên giới quận Tân Thành. Khi Mạnh Đạt khởi nghĩa, từng liên hệ với Tôn Quyền, hy vọng có được sự chi viện, Tôn Quyền cũng phái quân đến tiếp ứng, cũng bị cản lại ở phía tây thành An Kiều. Quân làm phản của Mạnh Đạt do tình hình chuẩn bị không chu đáo, hoàn toàn bị cô lập.
Mùa Xuân năm Kiến Hưng thứ 6, Tư Mã Ý hoàn thành việc bao vây Tân Thành, hạ lệnh tấn công. Mạnh Đạt thấy quân tiếp viện không đến, rất đỗi hoảng loạn, đội quân trước đây cùng đứng lên làm phản với ông và theo nhau ly khai. Bởi thế chỉ qua 16 ngày, quận Tân Thành đã mất, Mạnh Đạt bị chém chết, đạo quân 7000 người của Mạnh Đạt vốn thân Thục Hán, toàn bộ bị điều về phương bắc. Kế hoạch đột kích chiến tuyến phía đông của Gia Cát Lượng đến đây hoàn toàn thất bại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.