Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

2. Tôn Sách: Alisanta đại đế của Trung Quốc



Alisanta quốc vương xứ Maxitu, sau khi phụ thân bị ám sát, lúc 20 tuổi đã cố gắng thống nhất bộ tộc Maxitu, tiến đánh các xứ khác, thống nhất được Hy Lạp, là một nhà quân sự thiên tài đáng nể, đã chinh phục được Ba Tư và các nước Tiểu Á, cơ hồ đã chạm đến Ấn Độ, sáng lập ra một đại đế quốc chưa từng có trong lịch sử nhân loại lúc bấy giờ, song mới 30 tuổi đã ngã bệnh từ trần, vương triều Maxitu bởi thế mà tan rã.

Sau khi Tôn Kiên từ trần, hậu duệ của ông cũng xuất hiện một thiên tài quân sự ít thấy trong lịch sử Trung Quốc, đấy là Tôn Sách, con cả của Tôn Kiên. Năm 20 tuổi, anh ta mau chóng nắm toàn bộ quân đội của cha để lại, xây dựng một lực lượng to lớn chưa từng thấv ở đông nam. So với Alisanta đại đế, cái không may của anh ta là, khi mang quân ra ngoài bị ám hại mà mất. Mà cái may là, anh ta có một người em trai ưu tú là Tôn Quyền, tuy chưa thể đại triển hồng đồ, song người ấy đã giữ được giang sơn mà cha anh để lại.
Tôn Kiên mất đi, quân đoàn họ Tôn lúc đó như rắn không đầu may mà được các cựu thần như Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương cùng đoàn kết nhất trí vượt qua khó khăn cùng giúp người cháu của Tôn Kiên và Tôn Bôn tạm thời nắm số quân còn lại, gửi gắm dưới trướng của Viên Thuật, lại đề nghị ngừng chiến với Lưu Biểu. Lưu Biểu vẫn muốn cùng tồn tại hoà bình nên vui vẻ chấp nhận, còn phái người đến doanh trại của địch để dâng lễ viếng Tôn Kiên.
Tôn Kiên có 4 người người con trai, đó là Tôn Sách, Tôn Quyền, Tôn Dực, Tôn Khuông. Tôn Sách là anh cả, tên chữ là Bá Phù, vào năm ấy mới 16 tuổi, kế thừa được thiên tài quân sự và chí lớn của người cha, hơn nữa lại còn vượt quá. Được sự giúp đỡ của các tướng lĩnh và cựu thần, theo Tôn Bôn tạm thời nương náu dưới trướng Viên Thuật. Ba năm sau cũng là lúc anh ta đã mười chín tuổi, Tôn Sách giành lại quyền lãnh đạo đoàn, cứng rắn quyết định dẫn đội quân cũ của cha tách khỏi Viên Thuật, trở về quê cũ ở Ngô quận, tự lực cánh sinh đứng ở một cõi.
Tam quốc chí có chép: “Tôn Sách là người có dáng tuấn tú hay cười nói, thích rộng rãi mà tiếp thu ý kiến, khéo dùng người, bỏi thế mà quân dân đều vì ông ta mà tận tâm, thậm chí dám nhảy vào chỗ chết. Có được ma lực khiến người ta vì mình mà dám chết, Tôn Sách thực là một nhân tài lãnh đạo bậc nhất ở đời”.
Bởi Viên Thuật bụng dạ nhỏ nhen, xa xỉ tham lam quyền bính, nên Tôn Sách không thể chịu được, đã tuyên bố thoát ly quan hệ với Viên Thuật, chủ động chấm dứt tham dự vào việc tranh bá quyền ở Trung Nguyên, chuyển toàn lực về sửa sang vùng đất Giang Đông của mình ở phía nam Trường Giang.

Đầu tiên Tôn Sách tập trung lực lượng đánh thắng quân của Nghiêm Bạch Hổ đang tự xưng là Thái thú Cối Kê, triệt để nắm quyền thống trị ở Giang Đông, ông ta đưa người cậu của mình là Ngô Cảnh ra làm Thái thú Đan Dương, lại đưa người anh họ là Tôn Bôn là Tôn Phụ làm Thái thú Lư Lăng, rất mau chóng họ Tôn trở thành một thế tộc hàng đầu ở Giang Đông. Ngoài ra ông ta tiếp tục trọng dụng các cựu thần cũ như Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương, lại cân nhắc các danh sĩ Giang Đông như Chu Du, Trương Chiêu, Trương Hoành, tạo thành một bộ máy hoàn chỉnh.
Khi Viên Thuật xưng đế, từng đề nghị Tôn Sách đến chi viện, song bị Tôn Sách từ chối. Ông ta còn công khai gửi thông cáo cho những người đứng đầu quận huyện ở Hoài Nam, chỉ trích Viên Thuật dám mạo muội xưng đế, tạo ra tình hình người Hoài Nam thò ơ với Viên Thuật, mà Viên Thuật cũng bởi thế tuyệt giao với Tôn Sách. Năm Kiến An thứ 3, Tôn Sách dâng biểu bày tỏ trung thành với Hán Hiến đế ở Hứa Đô, cùng nhiều cống vật kèm theo. Tào Tháo lấy thế làm mừng, còn đặc biệt tiến cử với triều đình bổ nhiệm Tôn Sách làm Thảo nghịch tướng quân, phong làm Ngô Hầu. Lại còn đặc biệt đem cháu gái của mình gả cho Tôn Khuông, em trai Tôn Sách, hai bên thành ra quan hệ dâu gia với nhau.

Sau khi Viên Thuật bị diệt vong, Tôn Sách vẫn có quan hệ hữu hảo với Tào Tháo, còn Tào Tháo muốn biến Tôn Sách thành người kìm chế Lưu Biểu ở Kinh Châu. Không lâu, Tôn Sách bởi triệt để ngăn cản quân Kinh Châu từ Hạ Khẩu xâm nhập vào Dương Châu, mặt khác cũng để đáp ứng yêu cầu của Thái thú Quảng Lăng là Trần Đăng về việc thảo phạt tàn quân Nghiêm Bạch Hổ, mới từ Hoài Nam dẫn quân khẩn cấp trở về Giang Đông. Năm Kiến An thứ 5, vào mùa xuân, Tôn Sách ở Đan Đồ chỉnh đốn binh mã, chỉ đợi tập trung đủ lương thảo, sẽ đồng thời thực hiện một hành động quân sự đại quy mô là tây tiến và bắc chinh, kiến tạo “đại sự nghiệp” cho họ Tôn; song chính vào lúc ấy lại phát sinh một tấn bi kịch chẳng ngờ đến.

Vốn trước đó Thái thú Ngô quận là Hứa Cống, bởi tranh giành quyền thống trị địa phương với Tôn Sách, lại bị Tôn Sách giết, ba kẻ gia nhân của Hứa Cống nguyện một lòng báo thù cho chủ.
Tôn Sách thích đi săn, thường một mình một ngựa, rong ruổi nơi thảo dã, những kẻ hộ vệ luôn luôn đuổi theo không kịp. Gia nhân của Hứa Cống biết Tôn Sách có thói quen như thế bèn mai phục ở trong rừng, để bắn lén Tôn Sách. Do thiếu phòng bị, Tôn Sách bị trúng tên ở mặt song vẫn hăng hái chém chết cả ba tên thích khách. Khi quân hộ vệ đến kịp, Tôn Sách đã bị ngã dưới đất. Sau khi về trại, vết thương chuyển biến trầm trọng, ông ta lệnh cho em trai là Tôn Quyền tiếp tục làm thủ lĩnh quân Giang Đông.
Trước lúc lâm chung, Tôn Sách có khích lệ Tôn Quyền rằng: “Gây dựng nghiệp nhà ở Giang Đông, quyết định ở mấy trận đánh, tranh giành với thiên hạ, khanh không bằng ta. Chiêu hiền đãi sĩ, dốc lòng lo mọi việc giữ gìn được Giang Đông, ta không bằng khanh”.
Tối hôm ấy, do bệnh tình không qua khỏi mà từ trần, mới 26 tuổi, Tôn Sách khi tạ thế, đã tích cực sửa sang Giang Đông, chỉ trong vòng mấy năm ngắn ngủi, đã có được Cối Kê, Ngô Quận, Đan Dương, Dự Chương, Lư Giang, Quảng Lăng, tất cả 6 quận bao quát suốt một dải từ Giang Tô đến Giang Tây rộng lớn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.