Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

2. Văn hoá Trung Nguyên xâm nhập vào đất Thục.



Văn hoá đất Thục chính thức bước vào lịch sử Trung Quốc từ thời Tần Huệ Vương.

Sau khi Thương Ưởng cải biến tình hình, nước Tần rất hưng phấn, khách khanh Trương Nghi muốn phát triển sách lược liên hoành sang phía đông, song danh tướng phái Bản Thổ là Tư Mã Thổ lại muốn đánh Thục. Nước Thục lúc ấy đang mắc nội loạn, vua Thục và em trai là Tra Hầu tranh giành quyền bính, Tra Hầu ở quan ải Hà Minh gần nước Tần bèn cầu xin nước Tần viện trợ. Tần Huệ Vương cũng muốn nhân cơ hội ấy mà xâm nhập chiếm lấy nước Thục.
Trương Nghi lại có ý kiến phản đối, ông ta cho rằng: “Đất Thục là nước ở phía tây, đánh một nước man di như thế sẽ làm mất tiếng tăm của chúng ta. Lại thêm vào đường Thục rất khó khăn, khiến quân sĩ gặp phải mỏi mệt và khốn khổ, dẫu có đánh thắng, cũng chưa được gì, bấy giờ là thời khắc rất quan trọng để nước Tần dương danh với Trung Nguyên, lại dùng vũ lực với một nước man di, chỉ làm tổn thất tiếng tăm bấy lâu của nước Tần mà thôi”.
Tư Mã Thổ thì bầy tỏ ý kiến hoàn toàn khác hẳn:
“Nước Tần muốn được quốc phú binh cường, trước hết phải có đất rộng lớn, và đời sống quốc dân no đủ. Nước Thục ở phía tây nước ta nay đang mắc nội loạn, nếu nước Tần tiến đánh chẳng khác hùm sói nhảy vào giữa đàn dê, dễ dàng giành được thắng lợi. Đất Thục có vật tư phong phú, tiềm lực vô cùng, sẽ đem lại sự giúp đỡ rất lớn cho sự hùng mạnh của đại quân nước Tần. Hơn nữa đất Thục vẫn là xứ man di, nếu ta có đánh chiếm, các nước chư hầu Trung Nguyên sẽ chẳng bàn luận, chê trách nước Tần làm gì. Giành được thực lợi mà không ảnh hưởng đến danh tiếng với lân bang, đấy chẳng phải là việc rất nên làm ư?”
Tần Huệ Vương nghe theo ý kiến của Tư Mã Thổ, tiến quân vào đất Thục; tháng 10 năm 316 trước Công Nguyên, đánh chiếm được nước Thục, giết được vua Thục, lại phân chia nước Thục thành hai vùng hành chính là Thục quận và Ba quận. Thủ phủ của Thục quận là Thành Đô, Thủ phủ của Ba quận là Giang Châu, tức là Trùng Khánh ngày nay.
Sau khi thôn tính nước Thục, Tần Huệ Vương lại sai Trương Nghi phụ trách việc qui hoạch lại nước Thục. Trương Nghi muốn đem văn hoá Trung Nguyên vào đất Thục, bèn đề nghị đem một vạn hộ dân Tần di cư vào đấy lại ủy thác cho Trương Nhược, một công trình sư nổi tiếng thiết kế việc xây dựng lại Thành Đô.
Sách “Hoa dương quốc chí” có chép: thành trì ở Thành Đô có chu vi 20 dặm, tường thành cao bảy trượng bố trí cung thất thành nội và phố xá phỏng theo thủ đô Hàm Dương của nước Tần thời bấy giờ. Cung thất chủ yếu phân làm Thái Thành và Thiếu Thành; Thái Thành ở phía đông, Thiếu Thành ở phía tây, tường thành bấy giờ toàn dùng đất để đắp, bởi chất đất rất tốt, nghe nói bức tường ấy vẫn còn đến đời Tống mới hoàn toàn bị hủy hoại. Chẳng qua vào khoảng đời nhà Đường, đã có sự cải tạo lại Thành Đô, tạo ra qui hoạch cơ sở của Thành Đô bấy giờ. Bởi thế những kiến trúc còn lại của Trương Nghi năm nào không nhiều, trong đó còn lại cửa Tuyên Minh ở phía tây nam Thiếu Thành rất nổi tiếng, không ít thi nhân đã đề thơ ở đấy, để nhớ tiếc một thời cổ xưa. Sầm Tham là nhà thơ ở nơi biên ải đời Đường rất nổi tiếng, có bài thơ “Trương Nghi lâu” như sau:
Lầu Tần nơi đó ngày xưa

Cửa son gác tía bây giờ còn đây

Hai sông vẫn chảy mé ngoài
Nghìn năm vẫn thế miệt mài về xuôi
Nghe đâu mỹ nữ bao người
Trôi theo dòng nước một thời trẻ trung.
Cửa Tuyên Minh đối diện với Tuyết Sơn, phía trước có dòng Mân Giang, sơn thủy hữu tình, là vùng đất thắng cảnh đáng để bầy rượu mà thưởng lãm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.