Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

3. Hai bên như kiến vỡ tổ, Hán Trung khói lửa mịt mờ



Năm Kiến An thứ 22, Đô đốc Đông Ngô là Lỗ Túc ngã bệnh từ trần, tin tức truyền lan, như một đám mây đen tức thì trùm lên Ích Châu, Gia Cát Lượng một mặt rất thương tiếc chiến hữu tâm đầu ý hợp ngày nào, một mặt cũng bởi thế mà lo lắng, cái chết của chính trị gia có ảnh hưởng với đại cục, sẽ dẫn đến tác động ít với mối liên minh Tôn – Lưu.

Quan Vũ ở Kinh Châu, chỉ có võ lược, thiêu nhãn quan chính trị, nếu chẳng được Lỗ Túc cố gắng sắp xếp, quan hệ Tôn – Lưu sớm đã rắc rối. Lã Mông tiếp thu công việc ấy là người thao lược, song thái độ chính trị lại khác, tình thế Kinh Châu sẽ phát triển như thế nào là mối lo lắng của Gia Cát Lượng. Bởi thế sau khi Lỗ Túc tạ thế, sợ sau này chiến tuyến phía đông có biến, Gia Cát Lượng và Lưu Bị nhận định rằng phải rất mau chóng đoạt lấy Hán Trung, củng cố phòng tuyến Ba Thục, mới có thể cướp được thời gian, xử lý tốt quan hệ Tôn – Lưu.
Pháp Chính cũng đề nghị với Lưu Bị: “Năm ngoái mối đánh được Trương Lỗ, bình định được Hán Trung chẳng thừa thế đánh lấy Ba Thục, chỉ để lại Hạ Hầu Uyên và Trương Cáp trấn giữ, còn mình lập tức rút quân về phía bắc, xét ra như không trí lược, thực bởi có chỗ bất cập! Đương nhiên cũng bởi liên quan với Hứa Đô (Hán Hiến đế) và Nghiệp Thành (Tào Tháo) ở gần đó, quan hệ ngày mỗi xấu đi, mới phải vội vàng rút về. Hạ Hầu Uyên và Trương Cáp thao lược không bằng chúa công, nếu ta mang quân tây chinh tháo phạt, ắt sẽ thành công. Sau khi có được Hán Trung, mới có thể trồng nhiều lương thực, tích trữ quân nhu, đợi đến thời cơ. Thứ nhất có thể diệt sạch kẻ địch, phục hưng nhà Hán. Thứ hai có thêm hai châu Ung, Lương mở rộng được lãnh thổ. Thứ ba có thể củng cố hiểm yếu, với kẻ địch đối đầu lâu dài. Đây là cơ hội tốt mà ông trời cho chúng ta, dứt khoát không thể để mất!”.

Đúng mùa xuân năm Kiến An thứ 23, Lưu Bị theo đề nghị của Pháp Chính qua hơn một năm tích cực bố trí đã hoàn toàn chuẩn bị tốt việc tiến đánh Hán Trung.
Mặt khác, Hạ Hầu Uyên cũng dốc toàn lực tăng cường phòng ngự suốt một dải Dương Bình Quan.
Tạm thời đám mây chiến tranh phủ khắp Hán Trung, chỉ đợi bùng nổ không biết lúc nào.
Lưu Bị lưu Gia Cát Lượng trông coi Thành Đô, tự mình dẫn đại quân Ích Châu đông như đàn kiến, khí thế rất hùng dũng.
Đội quân của Lưu Bị bắc phạt Hán Trung được sắp xếp như sau:
Thống soái: Lưu Bị
Tổng tham mưu trưởng: Pháp Chính
Đạo quân thứ nhất: Quân đoàn Hoàng Trung
Đạo quân thứ hai: Quân đoàn Trương Phi
Đạo quân thứ ba: Quân đoàn Mã Siêu
Đạo quân thứ tư: Quân đoàn Ngô Lan
Đạo quân dự bị: Quân đoàn Triệu Vân
Lưu Bị phái Trương Phi, Mã Siêu, Ngô Lan lên phía bắc đánh quân Vũ Đô, đóng đồn ở Hạ Biện, có ý cắt đứt liên hệ giữa quân Tào Tháo ở Hán Trung với vùng Quan Trung. Tự mình dẫn quân Hoàng Trung đi trước, trực tiếp đánh vào vùng then chốt Hán Trung. Triệu Vân thì tạm thời ở lại Ích Châu, tùy thời đợi lệnh.
Tào Tháo sau khi được tin báo, lập tức hạ lệnh cho Tào Hồng đang làm Đô hộ tướng quân trấn thủ Tràng An, cùng với quân Tào Hưu đến ngăn chặn đường tiến của Trương Phi.
Trung tuần tháng 3, quân Tào Hồng đã đến đóng ở quận Vũ Đô, dự định đánh quân Ngô Lan đang ở Hạ Biện, nhưng quân Trương Phi và Mã Siêu ở vùng Cố Sơn hợp với quân Ngô Lan theo thế ỷ giốc, hiển nhiên nếu Tào Hồng mang quân đến, họ sẽ có ý đồ chặt đứt đường tiếp viện của Tào Hồng; trước việc uy hiếp ấy Tào Hồng rất đau đầu, bởi thế vội triệu tập hội nghị quân sự để thảo luận đối sách. Các tướng lĩnh tham dự hội nghị đều cho rằng nên dừng lại để tránh rơi vào thế giáp kích của Trương Phi và Ngô Lan, hơn nữa còn có quân Tây Lương của Mã Siêu, vẫn dũng mãnh có tiếng, với quân Tào lại có oán thù sâu sắc, dứt khoát chẳng thể xem thường. Tào Hưu một mình đứng ra nói rằng – Quân địch nếu thực có ý cắt đứt đường vận chuyển của chúng ta, xét về lý phải bí mật hành động mới có hiệu quả. Nay khoa trương thanh thế biểu lộ họ không đủ binh lực, mới phải làm thế. Bởi vậy tôi cho rằng, trước lúc họ chưa ổn định, trực tiếp tập kích quân Ngô Lan, chỉ cần quân Ngô Lan tan vỡ, Trương Phi và Mã Siêu ắt sẽ chẳng thể giữ được Cố Sơn.
Tào Hồng nghe theo ý kiến Tào Hưu tự mình dẫn quân chủ lực tập kích quân Ngô Lan, Ngô Lan không địch nổi, phó tướng Nhậm Quỳ bỏ mình tại trận. Ngô Lan chạy đến Âm Bình, cũng bị người Đê ở đây giết chết. Trương Phi và Mã Siêu muốn đến chi viện, song Tào Hưu tự mình chỉ huy đại quân cố thủ quận Vũ Đô, khiến Trương Phi vô kế khả thi, đội quân thứ tư của Lưu Bị trước lúc vào được Hán Trung đã bị đánh tan.
Cuối tháng 3, quân Trương Phi và Mã Siêu, quả nhiên không thể chịu đựng áp lực của Tào Hồng có ưu thế về quân lực, lại thêm lương thực bổ sung rất khó khăn phải nhằm hướng nam rút về vùng Hán Trung.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.