Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

3. Máng nước Lý Băng và nghìn dặm phì nhiêu



Khi nước Tần mới xâm chiếm, nước Thục còn chưa phát triển, đất đai tuy phì nhiêu, song luôn bị ngập lụt, mùa màng thường bị phá hoại, sản vật không được phong phú.

Vùng bồn địa Tứ Xuyên, từ bắc xuống nam có ba con sông lớn chảy qua. Sông Gia Lăng ở phía đông chảy vào Trường Giang ở Trùng Khánh, sông Đà Giang ở giữa nhập với dòng chính ở Lô Châu, sông Mân Giang hợp lưu ở Nghi Tân. Thành Đô ở phía tây bắc bồn địa, trong lưu vực của Đà Giang và Mân Giang, bởi thế luôn bị ngập lụt, khiến dân địa phương rất đau đầu. Song Mân Giang là dòng sông phù sa nổi tiếng, mỗi năm mang theo một lượng đất màu rất lớn bồi đắp lên bình nguyên Thành Đô nghìn dặm phì nhiêu.
Thượng du Mân Giang là tỉnh Cam Túc bấy giờ, có độ cao so với mặt biển là 4000 mét, địa thế hiểm trở, khi chảy vào huyện Quán ở Tứ Xuyên, sai lệnh độ cao khoảng 2000 mét, nước sông chảy xiết, cứ tưởng tượng cũng thấy.
Mỗi khi mùa hè đến, tuyết tan ở trên núi, chảy xuống phía dưới, khiến bình nguyên Thành Đô bị sự hủy hoại vô tình của nạn Hồng Thủy. Bởi thế đất đai tuy phì nhiêu song mùa màng thường bị phá hoại.

Sau khi nước Tần vào đất Thục được 60 năm, Lý Băng làm Thái thú ở Thục quận, ông ta vốn là một chuyên gia về công trình thủy lợi, vận dụng sở trường, triển khai một công trình thủy lợi xuất sắc trong lịch sử Trung Quốc, đó là đại công trình kênh dẫn nước Đô Giang.
Kênh Đô Giang chảy từ huyện Quán đến Thành Đô, dài hơn 60 cây số, chẳng những có thể dẫn nước tưới lại còn điều tiết thủy lưu, thuận tiện việc vận chuyển. Nước sông Bỉ Giang và Tiền Giang phục vụ đắc lực cho việc tưới nước cho đồng ruộng, bởi thế Bỉ Giang còn gọi là Thành Đô Giang, cái tên kênh Đô Giang cũng bởi thế mà có.
Kênh Đô Giang được hoàn thành, là cống hiến rất lớn cho sự phát triển nông nghiệp ở bình nguyên Thành Đô, chẳng những giải quyết được nạn lụt hàng năm, mà còn biến vùng Thành Đô xứ sở thần tiên nổi tiếng. Gia Cát Lượng trong Long Trung Sách, có nhắc đến vùng đất nghìn dặm phì nhiêu chính là nơi ấy.
Sau này kênh Đô Giang đã được mở rộng và tu bổ, trong đó có Thị Lang Yển Tăng Kiến đời Đường rất nổi tiếng. Nghe nói năm đó, kênh Đô Giang Lý Băng đã tưới cho vùng bình nguyên Thành Đô, song theo ghi chép của tỉnh Tứ Xuyên, diện tích tưới nước đã đạt đến hàng vạn mẫu.
Do cha con Lý Băng có cống hiến lớn như vậy, đến nay ở Đông Trắc Sơn bên sông Mân Giang vẫn còn hai miếu thờ để tưởng nhớ cha con Lý Băng.
Một điều khiến người ta ngạc nhiên là năm 1974, khi tu bổ lại kênh Đô Giang, ở dưới lớp đất bùn sâu 4 mét rưỡi, tìm thấy một pho tượng đá thân cao 2 mét 9, vai rộng 90 phân, nặng bốn tấn rưỡi, theo sự nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, pho tượng đá Lý Băng được tạc từ thời Hán Linh đế, để trấn áp nạn lụt lội, qua đấy có thể thấy sự tôn kính của nhân dân đối với Lý Băng.

Kênh Đô Giang được hoàn thành, Thục quận trở thành một địa phương giàu có bậc nhất của Trung Quôc.

Tương truyền Tư Mã Thiên tác giả Sử ký là hậu duệ của danh tướng Tư Mã Thố, bởi thế mà đối với sự hình thành và phát triển của đất Thục đã rất quan tâm và thấu hiểu. Sử ký có chép: “Ba Thục đất đai phì nhiêu, sản vật phong phú, nhất là gỗ, gừng, chu sa, đồng, sắt, tre trúc, kinh tế rất giầu mạnh”.

Song do địa thế từ Thục đến Quan Trung hiểm trở, phải dùng đường Sàn Đạo nhỏ hẹp để vận chuyển, khiến nước Thục thành nơi dễ giữ mà khó đánh, trong sự phát triển chính trị của Trung Quốc vẫn có phong thái độc lập.
Hán cao tổ Lưu Bang ở thời Tần Mạt bị Hạng Vũ phong làm Hán Vương, trông coi một vùng Ba Thục, sau này lấy đó làm cơ sở đánh bại Hạng Vũ thông nhất toàn Trung Quốc, kiến lập vương triều đại Hán, khiến đất Thục trở thành nơi có vị trí rất quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.