Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

3. So sánh quân lực giữa Ngụy và Thục



Năm Thục Hán Kiến Hưng thứ 5, vào tháng 3, Gia Cát Lượng lệnh cho Trung thư lệnh Trần Chấn, Trưởng sử Trương Duệ, Tham quân Tưởng Uyển cùng giữ Thành Đô, thay thế ông ta điều hành việc nước. Tướng quân Hướng Sủng làm tổng chỉ huy đội quân giữ Thành Đô, phụ trách nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho kinh thành.

Biên chế quân bắc phạt như sau:
– Tổng tư lệnh: Gia Cát Lượng tự đảm nhiệm
– Bộ tham mưu: Dương Nghi, Đổng Quyết, Thoán Tập, Đỗ Nghĩa, Phàn Kiến.
– Tổng bộ tham mưu chủ lực: Mã Tắc, Lý Thịnh, Cao Tường, Ngô Ban, Hoàng Tập, Hồ Tế.
– Tổng chỉ huy tiền quân: Trấn bắc tướng quân kiêm Lương Châu thứ sử Ngụy Diên
– Đạo quân tiên phong: Trương Dực, Vương Bình
– Tổng chỉ huy hậu quân: Phấn uy tướng quân Mã Trung.
– Đạo quân phụ thuộc: Trương Nghi, Lưu Đàm
– Tổng chỉ huy quân sự dự bị: Trấn đông tướng quân Triệu Vân.
– Đạo quân phụ thuộc: Đặng Chi, Hướng Lãng.
– Quân hậu cần: Mã Đại, Lưu Hoá.

Theo như biên chế trên, cơ hồ đã động dụng các tướng lĩnh Thục Hán hiện có, song theo ghi chép lịch sử, biên chế quân đoàn vào khoảng 5 vạn người. Hiển nhiên Gia Cát Lượng chưa dốc túi ra hết, ông ta tựa hồ không dự định một đòn tiêu diệt Tào Ngụy, lấy quan hàm của Ngụy Diên là Lương Châu thứ sử mà xem, mục tiêu thứ nhất của cuộc bắc phạt là kiềm toả Lương Châu mà thôi. Trừ quân chủ lực bản bộ, biên chế ở các quân đoàn khác thường là nhỏ, số lính ỏ mỗi đội quân vào khoảng 5000 người. Sự chỉ huy của Gia Cát Lượng vận dụng chế độ phân quyền rõ ràng, chỉ huy các đạo quân có năng lực tác chiến khá độc lập.

Nước Thục xây dựng không lâu, lại thêm Lưu Bị chưa ổn định chính quyền đã từ trần, bởi thế cuộc bắc phạt tuy quan trọng, sự duy trì ổn định nội bộ càng là vấn đề then chốt sinh tử, tuy Gia Cát Lượng đã mấy năm khổ tâm điều hành, chính quyền Thục Hán đã có thực lực tương đối, song thời gian Gia Cát Lượng không ở Thành Đô, phải chăng sẽ có phần tử đã dã tâm nhân đó làm loạn, vẫn chẳng thể chủ quan được. Đạo quân bắc phạt chưa thể tập kết đầy đủ quân lực; Gia Cát Lượng có nỗi khổ tâm bất đắc dĩ vậy.
Thòi đại Tam quốc thế lực Tào Ngụy ở phương bắc rất lớn, cai quản cả 9 châu (bao gồm Kí, Cổn, Thanh, Tinh, Từ, Dự, Ung, Lương và khu Tư Lệ) tổng số hộ vào khoảng 66 vạn hộ, số nhân khẩu khoảng 443 vạn người.
Đông Ngô cai quản ba châu là Dương, Kinh, Quảng, số hộ khoảng 52 vạn hộ, số nhân khẩu khoảng 230 vạn người.
Thục Hán chỉ có Ích Châu, số hộ khoảng 38 vạn hộ, số nhân khẩu khoảng 94 vạn người. Nếu dự tính mỗi hộ lấy một tráng đinh, thì tổng quân lực của Thục Hán không vượt quá 38 vạn người, lại phải phòng vệ chiến tuyến phía đông, kinh thành Nam Trung và giữ an toàn cho các nơi trong toàn quốc, quân lực có thể động dụng trong cuộc bắc phạt tự nhiên không nhiều. Sau này Ngụy Minh đế phái quân nghênh chiến với Gia Cát Lượng, đạo quân của Tào Chân, Trương Cáp lúc đầu đã có 20 vạn, mà đạo quân hậu bị do Tư Mã Ý sắp xếp, Tào Chân tự cầm đầu, lại có đến hơn 30 vạn người; tuy đội quân hậu bị chưa ném vào chiến trường. Song chỉ với đạo quân lúc đầu, đối mặt với quân bắc chinh của Gia Cát Lượng, cũng đã có ưu thế áp đảo.
Chẳng những số quân không đủ, trong đạo quân Thục Hán, các tướng lĩnh có kinh nghiệm tác chiến phong phú, thực ra cũng không nhiều. Quan Vũ để mất Kinh Châu, Lưu Bị bại trận ở Tỉ Qui, khiến quân đoàn ở tuyến thứ nhất năm xưa cơ hồ đã hoàn toàn bị tiêu diệt, chỉ có lão tướng quân Triệu Vân trải qua trăm trận may mà vẫn còn lại, tuổi đã cao, không thích hợp với chiến đấu gian khổ, bởi thế chỉ có thể sắp xếp vào quân hậu bị, phụ trách chỉ huy ở tuyến thứ hai. Các đại tướng Ngụy Diên, Mã Trung tuy có kinh nghiệm phong phú về bảo vệ lãnh thổ, chinh phạt phản loạn nội bộ, song trong chiến tranh viễn chinh có tính chất lớn, phải chăng có thể phát huy đầy đủ năng lực còn chưa thể biết trước. Việc tác chiến rất cần có tài chính, trải qua việc điều hành có kế hoạch của Gia Cát Lượng, lực lượng kinh tế của Thục Hán so với ba nước, có phần nổi trội. Sau khi bình định Nam Trung, lại giành được không ít vàng, bạc, muối, sắt, trâu cày, ngựa chiến, sừng tê giác cống nạp, đối với trù bị của quân phí Thục Hán, đích xác có giúp đỡ rất lớn. Song chinh phạt Đông Ngô thất bại, lại thêm hành động quân sự nam chinh vừa rồi, ắt tiêu sài kinh phí không ít, đối với Thục Hán chỉ cai quản có một châu, phải liên tục chuẩn bị kinh phí nhiều như vậy, đích xác là rất không dễ dàng gì. Bất luận binh lực, tài chính hiển nhiên đều ở thế yếu, vì sao Gia Cát Lượng lại có hành động chủ động công kích nhỉ? Gia Cát Lượng vẫn là người thực tế, quyết tâm như vậy thực khiến người ta rất khó hiểu!

Có một số nhà sử học cho rằng Gia Cát Lượng theo đại nghĩa, không thể không làm như vậy, bởi thế càng dễ thấy lòng trung thành và sự vĩ đại của Gia Cát Lượng, “Hán tặc không thể tranh ngôi, vương nghiệp không thể đổi dời”. Không nghĩ đến mọi điều bởi chức phận khôi phục nhà Hán, hiển nhiên tinh thần của Gia Cát Lượng thật lớn lao.

Cách nói này, thực ra khá phù hợp với phái “Bát cổ”, đánh nhau và phải tiêu tốn rất nhiều nhân lực và tiền tài, biết rất rõ chưa có thể thắng được, biết không thể làm lại miễn cưỡng mà làm, về công việc cá nhân có thể được gọi là anh hùng, song thống lĩnh vài vạn binh mã trong tay, với thái độ như vậy là rất không có trách nhiệm, tin rằng Gia Cát Lượng vốn có trí tuệ và cẩn thận chẳng muốn làm vậy.

Cũng có một số nhà sử học cho rằng, hành động bắc phạt của Gia Cát Lượng là lấy công kích thay phòng ngự, thực ra chẳng cần thắng lợi, chỉ hy vọng quân dân nước Thục phải cánh giác, chẳng thể đam mê hưởng lạc, cách nói này hiển nhiên thiếu thưòng thức quân sự học.
Ngoài đội quân du kích, ắt phải không ngừng vận dụng chiến thuật chủ động tấn công quấy rối ở những điểm bất định, nói chung tấn công hữu hiệu, so ra có binh lực gấp từ 5 đến 10 lần so với phòng ngự, Tôn Tử binh pháp nói đến: “Có mười thì bao vây, có năm thì tấn công”. Nếu binh lực, tài lực kém hơn người khác, lại lấy tấn công thay cho phòng ngự, hơn nữa lại một mặt liên tục phát động viễn chinh đường dài, đấy không nghi ngờ gì là đào mồ tự chôn mình, tin rằng Gia Cát Lượng chẳng dại gì mà vận dụng chiến lược và chiến thuật như vậy.
Phán đoán về sự hợp lý và khả năng, thấy rằng bất luận là có nghĩ đến sự an toàn phòng ngự Thục Hán, hoặc là nghĩ tìm cơ hội đánh bại Tào Ngụy, khôi phục nhà Hán, Gia Cát Lượng ắt phải nhằm mục tiêu thứ nhất để chiếm lấy trong cuộc bắc phạt, đó là Lương Châu.
Sau khi Lưu Bị đông chinh thất bại, Kinh Châu đã dứt khoát không đoạt lại được, nếu chỉ có một châu, chính quyền Thục Hán vẫn thường như ở trước giông gió, bởi thế Gia Cát Lượng ắt phải mau chóng tìm một châu nữa để tăng sự cai quản, đủ thực sự duy trì cục diện ba chân đỉnh lớn.
Khả năng lớn nhất đánh chiếm được là vùng Lương Châu mà Tào Ngụy đang cai quản và vùng Quan Trung của khu Tư lệ mà trung tâm là Tràng An. Vùng này Tào Tháo cuối đời mới cai quản được, lại thêm có danh tướng Mã Siêu nổi tiếng ở Quan Trung và Lương Châu, bị Tào Tháo đánh đuổi mà theo về với Lưu Bị, rất được trọng dụng. Mã Siêu với các thủ lĩnh địa phương ở đấy vẫn có quan hệ, bởi thế quân dân địa phương có ấn tượng với Thục Hán khá tốt, lại nữa sự cai quản của chính quyền Tào Ngụy đối với vùng này vẫn là rất đau đầu. Như trên đã nói, nếu thuận lợi chiếm được Lương Châu và Quan Trung, rất có thể liên hợp với Đông Ngô từ các phía tây bắc, tây nam, đông nam mà giáp kích Tào Ngụy, lại nữa kinh thành Lạc Dương của Tào Ngụy sẽ bị uy hiếp trực tiếp đối với dân tâm sĩ khí của Tào Ngụy sẽ là một đòn đánh rất lớn. Như vậy chẳng những có thể cải biến được thế yếu của Thục Hán, hơn nữa đối với sự nghiệp khôi phục nhà Hán cũng có được sự giúp đỡ về thực chất. Tin rằng Gia Cát Lượng nhìn nhận như vậy để phát động cuộc bắc phạt lần này.

Vì sao Gia Cát Lượng vói một binh lực ít hơn lại chủ động tấn công Lương Châu? Ông ta tin tưởng vào đâu? Đã vận dụng sách lược gì? Sự thành bại ra sao? Trong những chương sau, chúng tôi sẽ trình bày cụ thể.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.